Chi tiết tin tức

Sự bất bình đẳng giới trong Phật giáo Thái Lan

21:37:00 - 10/07/2014
(PGNĐ) -  Thực tế ở Thái Lan cho thấy, những cậu con trai không đủ khả năng để vào học các trường công...
Một trong những minh họa rõ nét nhất về sự bất bình đẳng giới ở Thái Lan, cụ thể là sự bất bình đẳng giới trong hàng ngũ xuất gia của Phật giáo Thái Lan, đó là bộ phim tài liệu White robes, Saffron dreams (Hàng bạch y và giấc mơ được khoác y vàng).

Trong bộ phim tài liệu hấp dẫn mới được phát hành này, nhà làm phim nổi tiếng Teena Amrit Gill đã khám phá việc bị phân biệt đối xử của những người phụ nữ xuất gia trong Phật giáo Thái Lan, một chủ đề trải qua một thời gian dài không được xem xét.

Bộ phim Hàng bạch y và giấc mơ được khoác y vàng là một phim tài liệu dài 43 phút và hiện đang tham gia các liên hoan phim. Bộ phim diễn tả câu chuyện của một vị Tăng và một vị Ni, và khám phá sự khác biệt lớn trong các cơ hội dành cho Tăng so với Ni ở Thái Lan, một đất nước có 95% dân số theo đạo Phật.  

Thực tế ở Thái Lan cho thấy, những cậu con trai không đủ khả năng để vào học các trường công lập do chi phí sách vở, đồng phục và đi lại cao thì luôn luôn có cơ hội để trở thành tu sĩ và nhận được thức ăn, chỗ ở và sự giáo dục hoàn toàn miễn phí (họ có thể học lên đến đại học, thạc sĩ và thậm chí tiến sĩ). Ngược lại, những cô con gái nghèo khó thì hầu như không có lựa chọn nào khác vì họ không được phép thọ giới Tỳ-kheo-ni để chính thức trở thành một vị ni cô.

Nhà làm phim Teena Amrit Gill, cũng là người đã viết kịch bản, đạo diễn và tự quay bộ phim tài liệu đặc biệt này. Cô làm bộ phim này không nhờ đến bất kỳ nguồn tài trợ bên ngoài nào. T.A. Gill có nền tảng kiến thức về giới tính và phát triển, đồng thời có sự quan tâm lâu nay về sự bất bình đẳng giới trong Phật giáo.

T.A. Gill được sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ nhưng sống, làm việc ở Bangkok và Chiang Mai hơn 11 năm qua với tư cách là một nhà báo và nhà làm phim. Cô đã dành hơn một thập kỷ để sản xuất bộ phim Hàng bạch y và giấc mơ được khoác y vàng, và cô xem đây như là cơ hội để thực sự hiểu được đời sống và hoàn cảnh của các đối tượng trong phim của mình.  

T.A. Gill đã có được nhiều trải nghiệm sâu sắc và đầy ý nghĩa trong quá trình làm bộ phim. Và cô hy vọng rằng, bộ phim sẽ góp phần đem đến cho mọi người một cái nhìn thực tế về sự bất bình đẳng giới trong hàng ngũ xuất gia ở Phật giáo Thái Lan, hy vọng nó sẽ mang lại ánh sáng cho những Ni cô ở Thái Lan nói riêng và ở các nước theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy nói chung.

Trong bộ phim tài liệu này, Gill giới thiệu cho khán giả biết vị Ni cô đầu tiên ở Thái Lan được chính thức thọ giới Tỳ-kheo-ni trong thời hiện đại, đó là Tỳ-kheo-ni Dhammananda, được thọ giới Tỳ-kheo-ni ở Sri Lanka. Sư cô là một học giả và cũng là người lãnh đạo phong trào kéo sự bình đẳng giới trở lại trong đạo Phật. Phong trào này hiện đang ngày càng phát triển mạnh.

Kể từ khi Sư cô Dhammananda được thọ giới Tỳ-kheo-ni, 18 vị sư cô người Thái khác cũng đã được thọ Cụ túc giới, cùng với hàng trăm vị nữ tập sự xuất gia được thọ giới Sa-di-ni. Tuy nhiên, Giáo hội Tăng-già Thái Lan đã chống đối mạnh mẽ điều đó và lên án việc đứng chung hàng ngũ với chư Ni trong xã hội mà nam giới chiếm ưu thế như Thái Lan, trong khi đó, cộng đồng dường như không quan tâm đến việc giúp những bé gái có được sự học hành bình đẳng với những bé trai.

 

Thai-lan-1-550x412.jpg 
Cảnh trong phim White robes, Saffron dreams

 

Theo như bộ phim cho biết thì hiện tại có khoảng 10 đến 20 ngàn vị nữ tu Phật giáo đang sống ở Thái Lan. Hầu hết họ đều sống trong các ngôi chùa giống như chư Tăng (nhưng sống trong một góc riêng biệt trong khuôn viên chùa). Họ cũng có thể cạo tóc, mặc y trắng (không bao giờ được mặc y vàng). Điều quan trọng là các ni cô ấy chỉ được thọ 8 giới (chứ không phải thọ Cụ túc giới như các vị Tăng).

Vai trò chính của các vị ni cô là làm các việc vặt ở trong chùa và không có nhiều sự tự do. Có đến 80% trong số họ sống trong các chùa mà ở đó chư Tăng cai quản và các sư cô đảm trách những vai trò rất truyền thống của một người nữ, như nấu ăn và quét dọn.

Gill nói: “Chính Đức Phật đã thừa nhận rằng, không có sự khác biệt về tâm linh giữa nam và nữ. Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, thật sự đã có nhiều vị lãnh đạo tâm linh là người nữ, trong đó có cả di mẫu của Đức Phật. Nhưng xã hội mà thời Đức Phật tại thế vốn đã rất nặng thói gia trưởng. Và sức ảnh hưởng của nó đã quá sâu sắc. Cho nên, hễ lúc nào có cơ hội để người nam nắm vai trò lãnh đạo thì họ sẽ giành lại ngay”.

Vì tính gia trưởng đã thâm nhập quá sâu sắc vào trong Phật giáo Thái Lan nên những vị ni cô ở Thái Lan hiếm có khả năng để thoát khỏi số phận hẩm hiu của mình. Họ chỉ còn biết an ủi chính mình bằng niềm tin rằng, kiếp này cố gắng tạo phước để kiếp sau may mắn được tái sinh làm thân nam để tu tập.

 

Minh Nguyên 
(theo Chiang Mai City News)
Nguồn: Giác Ngộ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin