Chi tiết tin tức

Xã hội tiêu dùng nhìn qua lăng kính văn hóa Phật giáo

11:58:00 - 16/01/2015
(PGNĐ) -  Chủ nghĩa tiêu dùng của xã hội tư bản phương Tây nhìn dưới lăng kính của Phật giáo phương Đông lộ rõ rất nhiều nghịch lý. Ngày nay người ta đề cập nhiều về chủ đề hạnh phúc có lẽ vì cuộc sống tôn thờ vật chất không mang lại cái hạnh phúc mà nó hứa hẹn. Nó được ví như một kiểu tôn giáo mới, một kiểu thực dân mới vì cả hai thứ này đều tìm cách bóc lột và nô lệ con người để thủ lợi. Nó sản sinh một mẫu người hoàn toàn xa lạ với triết lý nhà Phật.

 

Một kiểu tôn giáo mới

Thứ tôn giáo này được định nghĩa như là một hoạt động cuồng nhiệt và đều đặn của con người, như bóng đá, nhạc rock, thời trang.

Các nhà sản xuất cần bán được nhiều hàng hóa để duy trì sản xuất. Họ cần một biển người mua cái núi hàng cao ngất của họ làm ra. Để lôi kéo được đám đông chạy đến các siêu thị, họ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn để nghiên cứu thị trường, nắm bắt thị hiếu, thói quen mua sắm của đám đông rồi dùng công nghệ quảng cáo tiếp thị, bán hàng cho thật hiệu quả; giáo đường là các trung tâm mua sắm sang trọng, đầy ắp hàng hóa, dịch vụ.

Người ta vào đó, cúi đầu và trả tiền. Mọi động tác của người mua sắm đều đã được lập trình sẵn. Các mã vạch, như những điều răn, không cho ai quyền trao đổi hay mặc cả. Đức tin của họ là “Mua sắm để thúc đẩy phát triển kinh tế”. Người mua sắm tin rằng “Càng mua nhiều, sở hữu nhiều, càng hạnh phúc”.

Để truyền bá đức tin ấy, nhà sản xuất không ngừng rao giảng, ru ngủ, thúc dục mọi người mua sắm. Hãy bật TV lên, hãy mở một tờ nhật báo, một tạp chí. Hãy bước ra đường. Hãy lên mạng. Đâu đâu cũng rao bán. Có nhắm mắt lại bạn cũng thấy.

Không có tôn giáo nào cầu kinh từng giây, từng phút như tôn giáo tiêu dùng. Chiến lược quảng cáo là liên tục quấy rối, không cho đầu óc người tiêu dùng nghỉ ngơi, tỉnh táo. Đứng trước một sản phẩm với nhiều màu sắc, kích thước, và giá cả khác nhau, người tiêu dùng hoa mắt, bối rối không biết chọn cái nào, nhưng chắc chắn là cuối cùng họ sẽ mua. Những cái tên Adidas, McDonald, Vuitton gần gũi và thân thiện với họ hơn cả tên các vị thánh. Tiếp thị không còn là một phương thức bán hàng, nó đã trở thành một công cụ quan trọng nhằm biến những khách hàng nhẹ dạ thành nô lệ thói quen mua sắm lung tung.

Một kiểu thực dân mới

Gọi chủ nghĩa tiêu dùng là một kiểu thực dân mới vì nó bóc lột con người và biến con người thành nô lệ một cách tinh vi, không cần dùng vũ lực. Hầu như không có kháng cự trong thuộc địa kiểu mới nầy.

Người tiêu dùng bị ru ngủ bằng những ngôn ngữ đường mật, tâng bốc, lừa phỉnh: khách hàng là thượng đế, người sành điệu, khách hàng thân thiện, khách hàng VIP, thẻ ưu đãi, chương trình chăm sóc khách hàng, chương trình tri ân khách hàng, chương trình hậu mãi, khuyến mãi, tư vấn, hỗ trợ khách hàng… Hàng khủng, hàng gốc, hàng “hot”, hàng xách tay, hàng chính hãng, sản phẩm độc quyền… Người sành điệu là người sẵn sàng vứt bỏ cái máy nghe nhạc mp3 để mua cái iPod đắt tiền hơn, là người ăn bánh trung thu trước cả tháng, là người đầu tiên sở hữu một sản phẩm mới có trên thị trường… Các nhân vật nỗi tiếng như diễn viên, người mẫu, vận động viên trẻ đẹp luôn xuất hiện bên cạnh các sản phẩm mới. Ai mua sản phẩm ấy cũng tưởng mình là Brad Pitt, Beckham hay Jennifer Lopez.

Thực dân kiểu mới áp đặt ách nô lệ lên con người bằng nhiều thủ đoạn. Người tiêu dùng chạy theo cuộc sống vật chất phải làm quen và chấp nhận những khái niệm ngôn ngữ, tư duy của nhà sản xuất. Con chiên phải học giáo lý.

Ví dụ: Trước kia chúng ta thường hiểu thực phẩm là cái làm ra để ăn, nhưng ngày nay nhà sản xuất nói rằng thực phẩm là cái làm ra để bán. Muốn ăn bạn phải mua, nghĩa là bạn phải có tiền. Đó là lý do tại sao người nông dân đứng giữa đồng lúa chín vàng mà vẫn đói. Đất đai không nhất thiết phải trồng cây lương thực. Ngày nay các tập đoàn kinh doanh, các nhà tư bản đi khắp thế giới thuê đất để trồng cỏ nuôi bò, lấy sữa, thịt, cung cấp cho McDonald. Những vùng đất màu mỡ nhất không trồng lúa mì, nhưng trồng hoa, cà-phê, và cây công nghiệp. Sản phẩm làm ra không dành cho mọi người, mà chỉ bán cho các nước giàu, người giàu. Nhiều nơi trên thế giới con người không có nước sạch để uống, nhưng người chăn nuôi vẫn có đủ nước để tưới cây, tắm cho vật nuôi, vệ sinh chuồng trại.

Ngày nay con người mua sắm không nhất thiết do nhu cầu tiêu dùng. Các nhà sản xuất luôn tạo ra nhu cầu mới, thị trường mới. Họ làm cho bạn tin rằng các mặt hàng xa xỉ cũng thiết yếu như gạo, sữa. Nhà sản xuất muốn tạo ra và duy trì một kiểu sống mới, dù đó là lối sống hoang phí. Họ có cách lôi kéo bạn đến với sản phẩm họ cần bán, mặc dù bạn không cần mua. Không ít người đã đem những đồng tiền chật vật kiếm được đi mua những thứ mình không cần đến.

Ngày nay xã hội con người có quá nhiều ngày lễ: lễ Tình nhân, lễ Nhà giáo, lễ Quốc tế Phụ nữ, lễ Quốc tế Lao động, lễ Giáng sinh, lễ chúc thọ, lễ sinh nhật, lễ đính hôn, lễ cưới, lễ nhậm chức, lễ khai trương, lễ khởi công… Lễ là dịp để mua sắm và tặng quà. Một loại văn hóa mới ra đời: văn hóa quà tặng. Ngày lễ hay ngày hội cũng biến thành những phiên chợ bán hàng. Ngày hội sách ở thành phố HCM mới đây chìm trong tiếng nhạc, tiếng loa rao hàng, mời gọi. Ngày hội sách biến thành cái chợ sách.

Một kiểu tư duy mới

Đời sống chạy theo vật chất tạo nên một kiểu tư duy mới, tuy lạ lẫm nhưng được người tiêu dùng các nước nghèo dễ dàng chấp nhận.

Ví dụ ngày trước, cứ đến độ giáp Tết, chúng ta thường dọn dẹp trong nhà ngoài ngõ sạch sẽ, tươm tất. Việc làm đó phát xuất từ ý nghĩ chào đón năm mới thiêng liêng với thái độ cung kính. Nó cũng bao hàm cái ý nghĩ đã chuẩn bị nghiêm túc để sẵn sàng bắt đầu một năm mới. Ngày nay, người ta dọn dẹp nhà cửa vì cần chỗ trống để chứa các thứ sẽ mua về. Các sản phẩm ngày nay nhỏ gọn hơn để phù hợp với chỗ ở chật hẹp của người dân thành thị, đồng thời để khuyến khích mua sắm nhiều hơn.

Có một thời người ta định nghĩa con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết tư duy. Cogito, ergo sum (Descartes, 1637). Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu. Con người được phân biệt với cây cỏ, con vật nhờ có khả năng tư duy. Đó là một giá trị nội tại. Không thể hiện hữu mà không tư duy. Ở chợ quê người mua kẻ bán gặp nhau, chào hỏi thân tình dù không quen, khen mớ rau tươi, trái bầu đẹp, con gà nặng thịt không nhất thiết là để mặc cả mà thực ra chỉ là cái cớ để tạo mối quan hệ giữa con người với nhau, một mối quan hệ nảy mầm tự nhiên không dùng phân hóa học.

Trong xã hội tiêu dùng ngày nay, con người định nghĩa mình một cách cụ thể hơn “I shop therefore I am”. Tôi mua sắm, vậy tôi hiện hữu. Trong xã hội vật chất, giá trị con người được đo đạc bằng tiền bạc. Vật chất được dùng để thuyết phục kẻ khác công nhận cái “tôi” của mình, để khẳng định vị thế của con người trong xã hội. Ông kia khoe mình ăn tô phở gần triệu bạc, cô nọ mặc chiếc quần da trị giá bằng chiếc xe hơi Lexus, cha của một doanh nhân trẻ khoe con mình chỉ đi lại bằng máy bay hạng thương gia.

Ngày nay quan niệm hôn nhân cũng thay đổi, câu “một mái nhà tranh hai trái tim vàng” chỉ còn được dùng để nói đùa. Các cô gái ngày nay rất thực dụng. Khi nhìn một người đàn ông mà họ muốn kết duyên, chỗ đầu tiên mà họ để mắt tới không phải là đẹp trai, trẻ trung hay thông minh, mà là cái tài sản của anh ta.

Cô gái có thể lấy làm chồng bất kỳ người đàn ông nào, thậm chí một ông già lớn tuổi hơn bố mình, miễn là cái hầu bao người đàn ông ấy căng to. Quan hệ giữa con người với nhau cũng đã khác. Để bày tỏ lòng hiếu thảo, tình bạn, tình yêu, không có vật chất không thể làm được. Đến các đình chùa không ai còn ngạc nhiên trước các mâm lễ vật cao ngất ngưởng dâng lên thần thánh. Mọi người đều dùng cái thấy được, sờ mó được trưng bày ra để khẳng định cái “tôi”, hay xác định vị trí của mình trong xã hội. Những kẻ không có vật gì để phô trương thì rũ bỏ xiêm y, khoe các loại bằng cấp, chức vụ.

Nhữn g hệ lụy

Chủ nghĩa vật chất tư bản tôn thờ cái “tôi” cá thể, xem nhẹ các mối quan hệ với con người. Một người Việt lấy vợ Pháp kể lại: Hồi mới lấy nhau – ba mươi năm trước – vợ anh rất khó chịu mỗi khi anh liên lạc với gia đình cha mẹ ở Việt Nam. Lối sống ích kỷ này thời nay rất phổ biến ở thành phố chúng ta. Nhà ở sát vách nhau nhưng không ai muốn kết thân với người hàng xóm. Nhà nào cũng khóa kỹ cửa trong cửa ngoài. Có khi nhà trước mặt vắng chủ, trộm vào dọn hết đồ đạc ra đường, người lối xóm vẫn dửng dưng đứng nhìn. Ngoài đường, cảnh người bị tai nạn giao thông quằn quại trên vũng máu không ai dừng lại giúp đỡ đã trở nên quen mắt.

Tham lam, ích kỷ sinh ra sân si. Mới đây báo chí kể chuyện một cửa hàng nọ bị đập phá tan hoang trong cơn phẫn nộ của những người hụt mua máy tính bảng bán giới hạn trong ngày ra mắt, dù họ đã đến chầu chực từ lúc nửa đêm. Họ muốn trở thành người đầu tiên sở hữu sản phẩm mới ấy, dù họ không biết rõ về chất lượng, tuổi thọ, chức năng của nó. Thấy quảng cáo hấp dẫn rồi háo hức mua. Không mua được thì nổi loạn, phá phách. Một fan hâm mộ không tiếp cận được chàng ca sĩ Hàn Quốc, liền giành lấy chiếc ghế anh vừa ngồi hôn hít như điên dại.

V ă n hóa Phật giáo

Câu hỏi:“Chủ nghĩa tiêu dùng tư bản có thực sự đem lại hạnh phúc cho người tiêu dùng không?” đang được trả lời bằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay. Con người lâu nay được khuyến khích chạy theo cuộc sống hoang phí, nay bị ép buộc từ bỏ thói quen ấy, phải thắt lưng buộc bụng. Kết quả là xuống đường, đình công, phản đối. Hệ lụy của một kiếp sống nô lệ bị áp bức đến tận cùng.

Mua sắm là một nhu cầu trong đời sống, nhưng“mua sắm ngu xuẩn” – nói theo thuật ngữ của các chuyên gia kinh tế, “crass consumerism” – là điều không nên. Con người có thể sống hạnh phúc với cái tối thiểu, không cần đến các món đồ xa xỉ. Cái hố phân chia giàu nghèo cứ sâu dần thêm vì lòng tham vô đáy của người giàu. Gandhi nói: “Trái đất có đủ cho nhu cầu của mọi người, nhưng không đủ cho lòng tham của họ”. Hiện nay chỉ 1% những người giàu nhất trên thế giới đã nắm giữ trên 40% của cải trên trái đất này. Người giàu không thể tồn tại nếu không có người nghèo. Biết vậy nhưng họ lại không sẵn sàng giúp đỡ hay cải thiện cuộc sống của người nghèo. Tính ích kỷ của người giàu đã từng làm Lão Tử phải thốt lên: “Ai là người có dư mà cung cấp cho những người thiếu thốn trong thiên hạ…”.

 

Phật giáo không tìm cách thay đổi xã hội đầy dẫy bất công. Bản thân Đức Phật cũng đã từ bỏ vật chất xa hoa để đi tìm con đường giải thoát cho mình. Và Ngài chỉ con đường đó cho chúng sanh, muốn họ tự cứu lấy mình. Có lẽ vì con đường giải thoát không vẽ trên bản đồ thành phố, nhiều người không thấy được, hoặc thấy mà không đi theo, nên cứ chạy lòng vòng, không thoát ra được cái quỹ đạo tham sân si, không từ bỏ cái ngã nhỏ nhoi của mình, không nhận thức hiện hữu của cộng đồng, mặc dù trong vạn vật không có gì hiện hữu độc lập cả. Trong một xã hội mà con người chỉ xem tha nhân như phương tiện, chỉ biết có mình, ích kỷ, vô cảm thì sự quan tâm, giúp đỡ của bạn dành cho kẻ khác, dù khiêm tốn như ly trà đá miễn phí hay bữa cơm hai ngàn, cũng là chút công đức từ bi vô lượng mà người con Phật nào cũng làm được. •
 
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 166

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin