Chi tiết tin tức Giúp con vượt qua khủng hoảng tinh thần 20:23:00 - 23/01/2017
(PGNĐ) - Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên thường rất khó kiểm soát vì đây là độ tuổi trẻ đang xác lập bản thân mình, muốn làm mọi thứ một cách độc lập, cố gắng đảm đương nhiều vai trò khác nhau, dấn thân nhiều hơn về mặt xã hội và có không ít trẻ thử nghiệm các chất kích thích và bia rượu. Và tất nhiên, trẻ phải “trả giá” bằng những hư hao cảm xúc.
Đây là những chia sẻ của các chuyên gia tâm lý trẻ em và thanh thiếu niên, trong một bài viết gần đây trên tờ Live Science.
Thật phức tạp khi phải nói ra sự khác biệt giữa sự rối loạn, bất ổn điển hình của một trẻ ở tuổi thanh thiếu niên và trẻ ở độ tuổi này đang bị suy nhược hay khủng hoảng tinh thần. “Thật khó cho cha mẹ nhận diện ra sự khủng hoảng tinh thần ở trẻ tuổi thanh thiếu niên, vì trẻ ở độ tuổi này thường xuyên có những cung bậc cảm xúc lên xuống thất thường và cũng có xu hướng tự tách biệt mình bản thân mình nhiều hơn”, chia sẻ của TS.Gene Beresin, giám đốc điều hành Trung tâm Clay về Tư duy khỏe mạnh cho trẻ, Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Boston). Suy nhược tinh thần gây tổn hại to lớn cho thanh thiếu niên. Nó sẽ gây kích động và nhiều bất ổn nghiêm trọng khi trẻ ở vào giai đoạn sau của độ tuổi này, tức từ 15-19 tuổi. Vào thời kỳ đầu của tuổi thanh thiếu niên, cả bé trai và bé gái đều bị tác động bởi suy nhược tinh thần một cách ngang bằng nhau về nguy cơ. Nhưng sau khi dậy thì, các em gái có nguy cơ suy nhược cao gấp đôi các em trai và tỉ lệ này giữ nguyên cho đến tuổi trưởng thành, theo Beresin. Lý do chính xác là vì sao thì vẫn chưa rõ nhưng có thể là do sự kết hợp giữa sự dao động về gene cũng như hormone và các tác nhân xã hội hóa (khi trẻ có sự giao tiếp xã hội nhiều hơn), bao gồm việc các em gái có xu hướng nhạy cảm với sự thay đổi hơn trong các mối quan hệ và dễ dàng rơi vào trạng thái lo lắng hơn. Tin vui dành cho các bậc phụ huynh là “một mối quan hệ với sự cảm nhận được an toàn, ấm áp và yêu thương với cha hoặc mẹ có thể là một tác nhân quan trọng bảo vệ trẻ khỏi sự khủng hoảng, nhất là ở các em gái”, chuyên gia cho biết. Dưới đây là tám bí quyết dành cho cha mẹ có con đang trong độ tuổi thanh thiếu niên có thể giúp con mình khi trẻ có nguy cơ hoặc đang trong tình trạng khủng hoảng. Cụ thể là: 1 - Quan sát những thay đổi ở trẻ Quan sát các dấu hiệu trong ứng xử mà qua đó bộc lộ được sự cảm nhận và cảm xúc của trẻ. Trẻ có thể im bặt hay thình lình có sự thay đổi lớn về tính cách, như bỗng dưng trở nên buồn bã hơn hay ít nói, ít tương tác hơn. “Không chỉ buồn bã, nhiều trẻ trở nên cáu gắt hơn”. Các dấu hiệu khác là trẻ dường như lơ đễnh hơn, không thể tập trung, ít quan tâm hay hứng thú với các hoạt động bình thường hay trẻ tự uống thuốc điều trị nào đó. “Nếu bạn quan sát thấy những thay đổi này ở nhiều phạm vi trong cuộc sống của con, thì đó là cờ đỏ đang giương”. 2 - Chú ý đến các cấu trúc hành vi của trẻ Nếu bạn thấy có sự thay đổi đáng kể trong những cấu trúc ứng xử của trẻ, tới mức trẻ hầu như trở thành một con người khác và tình trạng này diễn ra ở mọi hoàn cảnh như ở nhà, ở trường học hay với bạn bè thì lúc này bạn cần phải lo lắng - Beresin nhấn mạnh. 3 - Cha mẹ nên có những trao đổi với người gần gũi con mình Tìm gặp và trao đổi với những người hiểu con bạn như thầy cô, huấn luyện viên, bạn bè và phụ huynh của bạn con mình vì con mình có thể tiếp xúc nhiều với họ. Trẻ có thể cảm thấy xấu hổ và không muốn tạo gánh nặng cho gia đình mình vì thế trẻ bộc bạch với một ai đó khác mà trẻ tin tưởng hơn là tâm sự với cha mẹ mình. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần lưu tâm đến các yếu tố có thể gây stress cho trẻ như có ai đó trong nhà hay người thân thiết nào đó vừa qua đời, đang ốm nặng, mất việc hay đang đi qua cuộc ly hôn,… Tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến những sự thay đổi ở trẻ. Cha mẹ hãy nghĩ đến những điều đang diễn ra trong cuộc sống có thể tác động đến tâm lý của trẻ. 4 - Chuyện trò với con Thường xuyên có những trao đổi, trò chuyện cùng con về những việc con đang làm hay cảm xúc hiện tại của con. Hãy chắc chắn rằng bạn hỏi những câu hỏi mang tính gợi mở, tránh dồn ép con mình phải trả lời những câu hỏi hay chia sẻ các vấn đề mà con chưa thật sự sẵn sàng và thấy thoải mái để trải lòng. Hãy trò chuyện về những điều này khi bạn và con đang trên xe đi đâu đó, chuẩn bị bữa tối hay lúc xem ti vi. Hãy để trẻ nói và hãy lắng nghe những phản hồi của trẻ và đảm bảo rằng trẻ cảm thấy mình được lắng nghe và được thấu hiểu. 5 - “Hãy mở một cánh cửa”, gợi mở để con chia sẻ Hãy chia sẻ cùng con mình một sự quan sát của bạn về con, có thể bằng cách nói rằng “Mẹ thấy rằng hình như con cũng ngủ không được ngon”, hay “Ba thấy rằng con không ra ngoài chơi cùng các bạn và con suốt ngày cứ ở một mình trong phòng”. Sau đó bạn có thể đề nghị, “Con có muốn nói cho ba nghe chuyện đó không?”, hay người mẹ có thể kể một câu chuyện từ những ngày thanh thiếu niên của chính mình cho con nghe. Đừng bỏ cuộc nếu con “khép cửa” ngay từ đầu, vì có là thể khó khăn để con có thể chia sẻ một cách cởi mở những cảm xúc của mình hay con cảm thấy ngượng ngùng khi phải chia sẻ những điều ấy. 6 - Hãy thảo luận cùng con việc tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia Nếu trẻ bắt đầu nói về sự khủng hoảng của mình, hãy lưu tâm đến nỗi buồn và sự đau đớn mà trẻ đang trải qua bởi vì trẻ biết rõ là bạn có đang tiếp nhận cảm xúc của trẻ một cách nghiêm túc hay không. Nếu trẻ ngưng giao tiếp, hãy gợi ý rằng bạn thấu hiểu: có thể con đang không thoải mái nói chuyện với mình nhưng bạn muốn con trò chuyện với một chuyên gia sức khỏe vì bạn quan tâm và lo lắng cho con. Cha mẹ có thể “kỳ vọng” sự kháng cự này từ trẻ. Phụ huynh nên chắc chắn rằng mình có một “hệ thống hỗ trợ của chính mình” để có thể độ lượng và rộng lòng với sự cáu giận, ngang bướng hay chống đối của một đứa trẻ đang bị khủng hoảng. 7 - Đừng e ngại hỏi về ý nghĩ tự sát của con “Rất quan trọng cho cha mẹ dẫn dắt chủ đề này và điều này sẽ không hề xô đẩy trẻ đến hành vi tự sát”, chuyên gia khẳng định. Nếu con bạn đang nói về chuyện tự sát, tự gây thương tổn cho bản thân hay muốn chết đi thì bạn hãy nghiêm túc lắng nghe, tiếp nhận và tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức. 8 - Hãy có một thái độ đúng đắn Nếu tình trạng khủng hoảng tinh thần của con dường như trầm trọng hơn hay trẻ có bất ổn lạm dụng thuốc nghiêm trọng hay có động thái tự sát, đây chính là vai trò của cha mẹ khi đứng ra bày tỏ thái độ quyết liệt hơn vì sự an toàn cho trẻ. Hãy kiên quyết việc đưa con đến gặp một chuyên gia sức khỏe tâm thần. TS.Beresin chia sẻ rằng, không thiếu những trường “đạp phá và gào thét” khi trẻ cùng cha mẹ đến văn phòng của ông để nhờ giúp đỡ, lúc đó trẻ đang vô cùng điên tiết và suy sụp. Nhưng ông luôn nhận thấy rằng “hầu hết trẻ đều muốn nói chuyện khi trẻ được cho cơ hội”. Mong rằng những bí quyết trên sẽ hữu ích cho các bậc phụ huynh để giúp con mình vượt qua sự khủng hoảng tinh thần (nếu có) ở giai đoạn trẻ phải trải qua nhiều sự bất ổn và nhạy cảm về mặt tinh thần này, để làm trọn vẹn hơn thiên chức cao quý của những người làm cha mẹ và cũng để giúp con mình có được một nền tảng yêu thương cho sự phát triển hoàn chỉnh hơn về nhân cách trong tương lai. Trần Trọng Hiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |