Chi tiết tin tức Ngủ nướng vài phút khiến cả não và cơ thể bị rối 21:30:00 - 15/10/2019
(PGNĐ) - Mỗi khi nghe đồng hồ báo thức mỗi sáng, nhiều người phải đấu tranh cưỡng lại thôi thúc bấm “snooze” (tạm hoãn), tức để chuông nhắc lại sau 5-10 phút hòng có được vài phút ngủ thêm quý báu. Thế nhưng, não của bạn không thích điều này.
Đừng "thêm 5 phút nữa thôi mà" Việc bấm hoãn báo thức một hoặc hai lần (hay nhiều hơn thế nữa) tưởng có vẻ vô hại, vì nếu không sợ trễ giờ, việc ta nằm thêm chút nữa đâu có sao, thậm chí còn mang lại cảm giác "may quá, tranh thủ thêm được tí". Tuy nhiên, theo Steven Bender - phó giáo sư ĐH Texas A&M (Mỹ), việc này có thể gây hại cho não và sức khỏe. Nguyên nhân là làm thế sẽ đảo lộn nhịp sinh học - thứ chi phối sức khỏe thể chất, tâm thần và hành vi của chúng ta. Tự cho mình thêm 5-10 phút trên giường khi báo thức reo không mang lại cho ta giấc ngủ đủ để tái tạo năng lượng, mà còn khiến cả não và cơ thể bị rối, lẫn lộn giữa việc thức và ngủ. Cụ thể, khi cố tìm lại giấc ngủ bằng cách kêu chuông báo thức nhắc lại sau, ta sẽ khiến não hiểu lầm "đã đến giờ ngủ" và tiết thêm các hóa chất thần kinh để gây ngủ. Nghĩa là khi cuối cùng phải thức dậy, ta sẽ càng buồn ngủ hơn. Tai hại hơn, khi ngủ nướng thêm một thời gian ngắn mà lại thức, ta lại khiến não và cơ thể rối bời vì mới chuyển sang chế độ ngủ đã lại "đổi ý", không thích ứng kịp, dẫn đến rối loạn các hormone có liên quan. "Bằng cách ngủ thêm vài phút, chúng ta bắt cơ thể chuẩn bị bắt đầu một chu kỳ ngủ mới, nhưng quá trình này lại bị ngắt đột ngột, điều này khiến chúng ta mệt mỏi suốt cả ngày, báo The Independent (Anh) dẫn lời chuyên gia giấc ngủ Neil Robinson giải thích tác hại của việc lạm dụng nút "ngủ thêm". The Independent cũng dẫn lời các chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Sleep Clinic Services (Úc) cho biết chúng ta không nên cố ngủ thêm sau khi có báo thức, vì làm thế sẽ kéo dài giai đoạn "quán tính giấc ngủ", tức cảm giác uể oải mắc phải khi thức dậy vào buổi sáng. Thông thường nếu dậy ngay, ta chỉ uể oải khoảng 15-30 phút, để cơ thể và tinh thần bắt đầu bắt nhịp trở lại. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bệnh viện Brigham and Women's (Mỹ), nếu ta níu kéo giấc ngủ, cảm giác mệt mỏi này sẽ kéo dài từ 2-4 giờ sau khi thức dậy. Ngủ sâu, ngủ lâu Trong cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ để lo, hầu hết chúng ta đều không ngủ đủ giấc. Theo trang Quartz ngày 19-6, gần 2/3 người trưởng thành ở các quốc gia phát triển không ngủ đủ 8 tiếng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Không đảm bảo chất lượng giấc ngủ thường gây ra các rối loạn sức khỏe như cao huyết áp, ảnh hưởng vấn đề trí nhớ và cả kiểm soát cân nặng. Ta thường "xin" thêm vài phút vì cảm giác ngủ chưa đủ, mà lý do có thể là tối hôm trước ngủ muộn hoặc trằn trọc mãi mới ngủ được. Quartz dẫn lại vài lời khuyên giúp ngủ nhanh "đã được khoa học chứng minh" của Matthew Walker, nhà khoa học thần kinh và chuyên gia giấc ngủ đang là giáo sư tại ĐH California, Berkeley. Đầu tiên là giữ nhịp ngủ đều đặn, đi ngủ và thức giấc đúng giờ mỗi ngày, không phải hôm nay thức khuya ngày mai ngủ sớm và ngược lại, ngay cả khi lịch trình này khiến bạn ngủ không đủ. Walker khuyên nên cài báo thức trước khi đi ngủ 1 tiếng. Kế đó, cần giữ không gian phòng ngủ đủ tối, do lẽ ánh sáng từ các thiết bị điện tử hay đèn khiến não nghĩ trời vẫn còn sáng, dù đã đến giờ phải ngủ. Walker khuyên nên tắt một nửa số đèn trong nhà và tắt hết các thiết bị điện tử khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ. Giữ mát cơ thể bằng cách tắm nước nóng hay để điều hòa, tránh dùng cafeine và cồn sau 2 giờ chiều cũng là cách giúp dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
Yên Lam
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |