Chi tiết tin tức Vì sao con người sợ tuổi già? 16:58:00 - 17/05/2017
(PGNĐ) - Chúng ta thường có những quan niệm sai lầm về tuổi già. Bạn có thể gặp một người cao tuổi, và nghĩ rằng đó là một khuôn mẫu chung - “khi mình đến tuổi này mình cũng sẽ như thế này”. Chúng ta cần xác quyết rõ ràng một điều: Tuổi tác không định nghĩa nên một cá nhân.
Scott Lilienfeld - giáo sư tâm lý học trường Đại học Emory (Atlanta), đồng tác giả của quyển “50 Great Myths of Popular Psychology” (tạm dịch, 50 Bí mật lớn về Tâm lý Phổ biến) do nhà xuất bản Wiley-Blackwell phát hành năm 2010, cho rằng những điều bí ẩn có liên quan đến tuổi tác xuất phát từ hai yếu tố là trí nhớ và truyền thông. “Chúng ta thích ghi nhớ những gì sẵn sàng đi vào trong trí nhớ của mình”, tác giả nói. Sự gắt gỏng, khủng hoảng, khó chịu, sân giận của người khác tác động đến cảm xúc của chúng ta nên chúng được ghi lại trong trí nhớ. Những gì người khác đang làm nếu không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng sẽ không được lưu giữ trong ký ức của chúng ta. Ngoài ra, sự bao phủ của truyền thông và các bộ phim được yêu thích cũng góp phần củng cố các khuôn mẫu này trong đời sống ngày nay. Tuy nhiên, đến khi có tuổi, không có một khuôn mẫu nhất định nào trong hành vi và ứng xử của mỗi người. Vậy, vì sao con người chúng ta lại sợ già? - Do chúng ta nhìn thấy hình mẫu người già xung quanh mình.
Để giúp nhận biết rõ hơn về điều này, các chuyên gia đã tiến hành tìm hiểu các chuyển biến tâm lý khi tuổi tác cao dần để cả bản thân người cao tuổi và người xung quanh hiểu biết sâu sắc hơn về đối tượng này để có cách ứng xử phù hợp, hài hòa và tốt đẹp với nhau. Cụ thể là: 1 - Khi con cái trưởng thành và tạo lập cuộc sống riêng, cha mẹ cảm thấy “chiếc tổ trở nên trống vắng” Khi con cái ra riêng, ông bà bắt đầu cảm thấy mất kết nối dần với người bạn đời của mình hay thậm chí là bị khủng hoảng; có khi dẫn đến ly thân hoặc ly hôn. Thông thường, bản chất sự việc không phải như vậy. Nhìn chung, khi con cái rời nhà và sống riêng - đó là bằng chứng về sự đi lên của sự hài lòng trong hôn nhân, chia sẻ của giáo sư tâm lý học Joan Erber, Đại học Quốc tế Florida (Miami). “Cũng có một số người mất dần sự kết nối với người vợ hoặc chồng của mình khi con cái không còn sống chung nữa và việc tái kết nối có thể gặp nhiều khó khăn. Điều này cũng giống như khó khăn của các cặp vợ chồng khi con cái còn ở nhà nhưng họ chờ đợi ngày con mình ra riêng để có thể chính thức ly hôn”. 2 - Khủng hoảng tuổi trung niên gây ra nhiều sự thay đổi Tuổi trung niên đến và đem lại nhiều sự thay đổi lớn lao. “Nếu bạn bị khủng hoảng ở tuổi trung niên, có lẽ bạn cũng đã từng có một khủng hoảng nào đó khi còn trẻ hơn và bạn có thể cũng sẽ tiếp tục có những khủng hoảng khác trong tương lai”, Erber nói rõ. Có người nhạy cảm và dễ dàng bị khủng hoảng, số khác thì không. Điều ngạc nhiên là, một số biến động làm thay đổi cuộc sống có liên quan đến khủng hoảng tuổi trung niên “không thật sự xảy ra ở tuổi trung niên”. Trong quyển sách của mình, Lilienfeld và các cộng sự đã chỉ rõ: Cuộc đổ vỡ hôn nhân lần đầu tiên xảy ra đối với cả người nam và người nữ thường là khi họ ở vào những năm đầu của tuổi ba mươi, chứ không phải đến tận tuổi trung niên. “Khi một người mua một chiếc xe thể thao đắt tiền ở tuổi 40 thì đây không hẳn là một sự khủng hoảng về mặt tinh thần. Đó có thể là sau cùng họ đã có thể dành dụm đủ tiền để mua món đồ mà họ từng khát khao khi còn là một thanh niên trẻ”. 3 - Khủng hoảng tinh thần khi có tuổi là điều bình thường? Người trẻ lo ngại về ngày già của mình nhưng khi già đi không có nghĩa là hạnh phúc cuộc sống bị ách tắc. Các khảo sát ý kiến dư luận về hạnh phúc ở Hoa Kỳ đều cho một kết quả nhất quán rằng, người cao niên là nhóm nhân số hạnh phúc nhất ở quốc gia này. Mặc dù người cao tuổi có thể bị khủng hoảng tinh thần và có thể có nỗ lực tự sát. Nỗ lực tự sát của người cao tuổi có thể nguy hại hơn ở người trẻ. Và hai nguy cơ tiềm ẩn này xuất phát từ ý nghĩ về sự khuôn mẫu đối với tuổi già, như đã nói đến ở trên. Trước hết, bạn bè và những người thân yêu có thể giả định một cách thiếu chính xác rằng nỗi buồn cực độ của con người ở tuổi trung niên hay ở người cao tuổi là “bình thường” và thường sẽ “làm lơ với điều đó” - Lilienfeld chia sẻ. Nhưng thật ra, sự khủng hoảng này là không bình thường, không phải là điển hình và sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu chúng ta hờ hững với nó. Hơn nữa, những sự kỳ vọng đôi khi tạo ra bất ổn tâm lý cho người ở tuổi trung niên hay người cao tuổi. 4 - Khi có tuổi, nỗi sợ về cái chết lớn hơn Sự già đi mang người ta đến gần hơn với cái chết nhưng cũng mang người ta đến gần hơn sự chấp nhận thực tế này. “Người cao tuổi, dường như ít sợ chết hơn người trung niên. Họ hòa nhập nhiều hơn với thực tế rằng cuộc đời này không kéo dài mãi mãi. Đó là lý do vì sao họ tận hưởng và thấy vui vẻ hơn với cuộc sống”. Trong khi đó, người trung niên lại có những điều lệ thuộc, hoặc là con cái hay những người bà con lớn tuổi hơn - những người cần sự tương trợ của họ. Các nỗi lo về “điều gì sẽ xảy ra nếu họ chết đi” làm cho sự sợ hãi về cái chết tràn ngập trong họ. 5 - Hầu hết người cao tuổi không thể thực hiện những công việc thường nhật Bạn định nghĩa thế nào về những công việc thường ngày và tuổi già. “Tuổi già được xác định ở khoảng 65-74 nhưng độ tuổi này cũng không khác gì nhiều so với người tuổi trung niên”. Ngoài ra, bệnh tật và các bất ổn có liên quan đến suy giảm trí nhớ có thể giới hạn năng lực của chúng ta nhưng bản thân tuổi già không phải là nguyên nhân. “Hầu hết mọi người, miễn là đang sống trong một môi trường thích hợp với mình, thì họ có thể làm tất cả mọi công việc thường nhật”. Một sự thay đổi lớn khác mà tuổi tác có thể mang lại là: Người cao niên có ít trách nhiệm hơn. Ví dụ, bạn chỉ cần nấu ăn cho mình và người bạn đời của mình, chứ không phải cho nhiều người. Tuy nhiên, khi ở độ tuổi khá cao (từ 85 tuổi trở lên) nếu sống một mình thì cũng nên cần có những dịch vụ hỗ trợ. Trần Trọng Hiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |