Chi tiết tin tức

Phật Giáo trong bản đồ văn hóa Việt Nam

16:37:00 - 30/06/2016
(PGNĐ) -  Phật giáo ở đâu trên bản đồ văn hóa Việt Nam? Đây là câu hỏi mà nhiều người thường hay nêu lên từ lâu lắm rồi, đặc biệt trong những thế kỷ mà những người Phật tử Việt Nam nắm trọn quyền chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước một cách minh nhiên và được công khai thừa nhận, thí dụ, từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XIV chẳng hạn. Đây là những thế kỷ mà mọi người đồng ý là Phật giáo đã chi phối toàn bộ cuộc sống của người Việt Nam.


Đến cuối thế kỷ thứ XIV, Lê Bá Quát soạn bia cho chùa Thiệu Phúc ở Bắc Giang vào năm 1370 đã phải than thở: "Thuyết họa phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững đến như thế? Trên từ vương công duới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để lấy quả báo ngày sau. Cho nên trong từ kinh thành, ngoài đến châu phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà người ta vẫn theo, không thề mà vẫn tin.

Chỗ nào có người ở thì nhất định có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chuông trống lâu đài chiếm đến nửa phần so với dân cư. Đạo Phật hưng thịnh rất dễ mà được rất mực tôn sùng. Ta thưở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của Thánh nhân để giáo hóa dân chúng mà rốt cuộc cũng chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những học cung văn miếu mà chưa hề thấy một ngôi nào. Đó là điều khiến ta vô cùng hỗ thẹn với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để tỏ lòng ta." 

Lê Bá Quát là học trò của Chu Văn An (?-1370), sống vào cuối thế kỷ thứ XIV, giai đoạn thường được cho là Phật giáo suy đồi. Tất nhiên, vào thế kỷ thứ XIV, căn cứ vào chính lời của Lê Bá Quát, Phật giáo chẳng có dấu hiệu gì là suy đồi cả. Không những thế, nó đã phát triển mạnh mẽ để chuẩn bị cho nhiệm vụ lịch sử mới là bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc (Lê Lợi) và phát triển về phương nam (Nguyễn Hoàng). Và cơ sở lý luận của nền Phật giáo này, như chính Lê Bá Quát đã chỉ ra, là thuyết họa phúc.

Trước đây, khi bàn về học thuyết nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, chúng tôi đã đề nghị học thuyết này không phải xuất phát từ tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Mạnh mà từ đạo lý của dân tộc được bảo lưu trong Lục độ tập kinh. Nói tóm tắt, khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, thì Phật giáo đã biết tiếp thu những truyền thống tốt đẹp của dân tộc để chuyển tải những thông điệp của Phật giáo. Đây chính là điểm tạo tiền đề cho sự tồn tại của Phật giáo trên bản đồ văn hóa Việt Nam. Cũng trong chiều hướng phân tích này, chúng ta đi từ tư tưởng qua đến chính trị và kinh tế.

Thông thường người Việt Nam cho đến bây giờ vẫn nhắc nhở nhau là "có phước làm quan, có gan làm giàu." Đúng thế, có những người sinh ra bình thường, học hành cũng không xuất sắc lắm, nhưng lại làm quan to. Sự thành công của họ trong cuộc đời đã đặt ra nhiều vấn đề cho khoa nghiên cứu tâm lý hiện đại. Kể từ ngày Binet đề xuất cách đo trí thông minh của con người, gọi là IQ, trải qua cả trăm năm nghiên cứu về vấn đề này, người ta phát hiện ra những người có IQ cao nhưng chưa chắc đã thành công trong cuộc đời. Do thế gần đây, người ta đưa thêm vào chỉ số EQ để giải thích tại sao những người có chỉ số IQ cao nhưng không thành công. EQ là chỉ số tình cảm cuốn hút mọi người của những cá nhân này. Và điều này thể hiện quan điểm dân gian của Việt Nam là có phước thì làm quan, tức là có sự may mắn, thể hiện qua những quan hệ xã hội của mình. Chính trị hay quyền lực thường đi đôi với kinh tế, cho nên trong ngôn ngữ Việt Nam người ta hay nói đến quyền và lợi. Và cũng trong nhận thức dân gian đó thì lợi xuất phát từ sự can đảm để làm giàu (có gan làm giàu).

Điều này hoàn toàn trái ngược với tư tưởng nhà Nho, mà cụ thể là Khổng Tử. Trong thiên Nhan Uyên củaLuận ngữ, Tử Hạ nói: "Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên." Trong quan điểm này, giàu và sang là do trời. Đối lại với người Việt Nam thì sang là do có phước và giàu là do chính mình có can đảm làm ra chứ không phải do trời. Và điều này phù hợp hoàn toàn với quan điểm của Lê Bá Quát nói trên về thuyết họa phúc của đạo Phật đã tác động lên tâm thức của người Việt Nam qua lịch sử. Và đây là chỗ để chúng ta xác định vị trí của Phật giáo trong bản đồ văn hóa Việt Nam.
 

Lê Mạnh Thát
Tiến sĩ Triết học,
Giáo sư và nhà nghiên cứu Sử học và Phật học,
Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin