Chi tiết tin tức

Thành Sơn

16:39:00 - 23/01/2016
(PGNĐ) -  Có thể nhận định rằng dưới thời nhà Nguyễn, tòa nhà chính trong thành Sơn Tây chỉ là một hành cung, và người ta cũng vẫn gọi là Hành cung. Nhưng ngày nay, người ta vẫn có thể xem đó là điện Kính Thiên để thỏa lòng tự hào về quê hương của mình.

Khi viết câu thơ trữ tình “Em ở thành Sơn chạy giặc về…” hẳn nhiên nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) nói về một người phụ nữ từng ở thành Sơn Tây. Quang Dũng sinh ra và lớn lên ở Đan Phượng, một vùng đất thuộc phủ Hoài Đức tỉnh Hà Đông dưới thời thuộc Pháp nhưng trước đó đã thuộc tỉnh Sơn Tây, trấn Sơn Tây hay Sơn Tây thừa tuyên, cách thị xã Sơn Tây không xa. Là một nhà thơ chiến sĩ, hẳn là Quang Dũng cũng từng lang thang trên những con đường trong thành Sơn Tây; và phải chăng cảnh quan của thành này có góp phần nuôi dưỡng cái tâm thức lãng mạn hào hùng của ông? Quả thật, thành Sơn Tây có sự hấp dẫn tự thân, nhưng có thể nói, qua hình ảnh lung linh của người phụ nữ thành Sơn trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây của Quang Dũng, sự quyến rũ của tòa thành còn được nâng lên gấp bội, mời gọi bước chân lữ khách.

Theo Phương Đình Dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) thì Sơn Tây là đất Phong Châu xưa, vua Hùng đã đặt quốc đô ở đấy. Dưới thời nhà Đường (518- 907), Sơn Tây thuộc Phong Châu đô hộ phủ. Đến thời tự chủ, các nhà Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và Lý (1009-1225) đều đặt làm châu, nhà Trần (1225-1400) đặt làm lộ, nhà Hậu Lê (1428-1789) gọi là Sơn Tây thừa tuyên; sang đến nhà Nguyễn, vua Gia Long (1802-1820) đặt làm Sơn Tây trấn, vua Minh Mạng (1820-1841) gọi là tỉnh và đặt chức Sơn Hưng Tuyên tổng đốc quản hạt cả ba tỉnh gồm Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang. Nơi đây có làng Đường Lâm, được gọi là đất hai vua vì là quê hương của Bố Cái đại vương Phùng Hưng (?-791) và Ngô vương Quyền (898-944). Lỵ sở của tỉnh Sơn Tây nguyên thuộc xã Cam Giá huyện Phúc Lộc (thời Minh Mạng đổi là huyện Phúc Thọ).

Theo Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, trong thời gian vua Minh Mạng tuần du Bắc thành từ 15 tháng Mười đến 30 tháng Chạp năm Tân Tỵ (từ 9-11-1821 đến 22-01-1822) thì đê huyện Phúc Lộc tỉnh Sơn Tây bị sạt lở, nhà vua cho đắp lại và bảo quan Giám thành xem xét chọn địa điểm dời lỵ sở tỉnh Sơn Tây đến chỗ khác. Sau khi trở lại kinh thành, khoảng tháng 4-1822, nhà vua quyết định dời tỉnh lỵ của Sơn Tây về hai xã Thuần Nghệ và Mai Trai rồi cho xây dựng một tòa thành theo kiểu kiến trúc quân sự để đáp ứng vai trò một trong tứ trấn, làm phên giậu về phía Tây cho Thăng Long Bắc thành, từ đó mà có thành Sơn Tây. Đến nay, sau 191 năm tồn tại, tòa thành này vẫn còn giữ được dáng dấp ban đầu so với rất nhiều tòa thành khác đã được xây dựng rải rác trên khắp đất nước ta, được gọi là thành cổ Sơn Tây.

Trong giai đoạn người Pháp chiếm Việt Nam, mặc dù thất bại do tương quan kỹ thuật quân sự của thời đại, thành Sơn Tây đã có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn bước chân quân xâm lược. Ngay trong trận thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất (1873) khiến Nguyễn Tri Phương (1800-1873) bị bắt rồi nhịn ăn mà chết, quân trú phòng của Nam triều từ Sơn Tây cũng đã phối hợp với quân Cờ Đen tổ chức một cuộc phục kích thành công trên đoạn đường Hà Nội – Sơn Tây để tiêu diệt kẻ cầm đầu cuộc tấn công ấy là viên đại úy Françis Garnier.

Vào năm Quý Mùi 1883, Việt Nam ở trong một tình thế vô cùng rối ren. Kế hoạch xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp đã được thực hiện đến năm thứ 25 (1858-1883). Toàn thể Nam Kỳ đã rơi vào tay thực dân Pháp. Trung Kỳ thường xuyên bị uy hiếp. Bắc Kỳ đã bị tấn công đến lần thứ hai; lần thứ nhất nhằm tạo áp lực để triều đình Huế phải ký Hiệp ước Giáp Tuất 1874 công nhận quyền lợi thực dân Pháp ở Nam Kỳ, lần thứ hai vào năm 1882 để đòi hỏi triều đình Huế thực thi hòa ước ấy và nếu có cơ hội thì chiếm toàn bộ Bắc Kỳ và cả Việt Nam. Suốt thời gian đó, nội loạn vẫn bùng lên ở nhiều nơi trên những phần đất còn thuộc Nam triều. Trước sự đe dọa của người Pháp, triều đình Huế đã tích cực dẹp yên nội loạn; một trong những thành công của cố gắng này là loại trừ được giặc Tàu ô ở vùng ven biển cực Bắc và thu phục nhóm quân Cờ Đen do Lưu Vĩnh Phúc cầm đầu. Lưu Vĩnh Phúc được phò mã Hoàng Tá Viêm (1820-1909) tâu với vua Tự Đức xin phong cho làm Lãnh binh thống lãnh quân Cờ Đen; về sau, nhóm này đã tỏ ra xứng đáng với niềm tin của triều đình Huế. Ngày 25-4-1882, Henri Rivière, cấp bậc đại tá, chỉ huy quân Pháp đánh thành Hà Nội. Mặc dù đã chuẩn bị đối phó nhưng Tổng đốc Hoàng Diệu (1828-1882) không thể làm gì hơn trước sức mạnh quân sự của thực dân Pháp, đành tuẫn tiết theo thành. Thất thủ thành Hà Nội lần này đẩy triều đình Huế vào thế cầu viện nhà Thanh. Quân lính Thanh triều tràn qua biên giới phối hợp với quân Nam triều và quân Cờ Đen để chống Pháp, đặt dưới quyền tiết chế của Hoàng Tá Viêm lúc ấy đồn trú tại thành Sơn Tây, chỉ huy khoảng 7.000 binh sĩ. Quân Cờ Đen khoảng 3.000 người và quân Thanh triều khoảng 1.000 người đóng ở vòng ngoài. Lực lượng Việt Nam áp sát bao vây Hà Nội với dự định tái chiếm thành và một lần nữa, đã phục kích quân của Henri Rivière trên đường Hà Nội-Sơn Tây rồi tiêu diệt viên đại tá này tại Ô Cầu Giấy giữa tháng 5-1883. Trước việc này, thực dân Pháp tăng cường lực lượng và điều một viên tướng sang chỉ huy việc tiêu diệt thành Sơn Tây. Giữa lúc đó thì vua Tự Đức mất (ngày 17-7-1883), triều đình Huế loay hoay với chuyện phế lập.

Ngay khi kéo quân tăng viện vào Bắc Kỳ, viên tướng Pháp sang thay Riviere là Courbet lập tức tìm cách phá vòng vây quanh Hà Nội rồi lên kế hoạch tiến đánh thành Sơn Tây. Chiến dịch đánh thành Sơn Tây của Courbet huy động tới 9.000 quân, chia thành hai đạo, một đạo theo đường bộ và một đạo ngược sông Hồng bằng những chiến thuyền hùng hậu có trọng pháo. Về phía quân trú phòng, tướng Hoàng Tá Viêm đã tận dụng kỹ thuật quân sự của các chuyên viên phương Tây xây dựng một số phòng tuyến lưu động quanh thành Sơn Tây để sẵn sàng ứng phó. Khởi hành từ Hà Nội vào ngày 11-12-1883, đến chiều tối ngày 13-12, quân Pháp đã có thể an toàn hạ trại cách tiền đồn thành Sơn chừng năm sáu cây số mà không gặp trở ngại nào. Ngày 14-12, quân Pháp bắt đầu tấn công các phòng tuyến Việt Nam tại các làng Phù Xá, Thanh Chiểu, Linh Chiểu và Thiên Xuân bao quanh thành Sơn Tây. Những mô tả của sĩ quan Pháp tham gia trận đánh cho thấy quân Cờ Đen phản ứng mãnh liệt và gây cho quân Pháp nhiều tổn thất, trong khi quân Thanh triều và quân sĩ Việt Nam hầu như chẳng đóng vai trò nào đáng kể. Sau khi thanh toán những ổ phòng ngự là những chiến lũy lưu động bên ngoài thành trong hai ngày 14 và 15, trọng pháo của quân Pháp bắt đầu nã vào thành Sơn Tây từ trưa ngày 16 và đến năm giờ chiều thì cửa thành phía Tây (ta gọi là cửa Hữu) bị chiếm, quân Pháp thận trọng tiến vào thành. Lúc này, quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc cũng đã rút vào thành nhưng mấy tiếng đồng hồ sau đó đã nhân đêm tối mà triệt thoái khỏi Sơn Tây cùng với lực lượng của Hoàng Tá Viêm. Trong việc bình định miền Bắc của thực dân Pháp, trận đánh thành Sơn Tây được các sử gia Pháp coi là khó khăn và thiệt hại nhiều nhất. Sau 61 năm đóng vai trò phên giậu cho thủ phủ Bắc kỳ, thành Sơn Tây rơi vào tay người Pháp. Chiếm được Sơn Tây, quân Pháp nhanh chóng bình định các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên và Hưng Hóa, rồi buộc Nam triều ký Hòa ước Giáp Thân vào ngày 6-6-1884, hoàn thành việc bảo hộ Việt Nam về mặt công pháp quốc tế.

Đến nay là đúng 130 năm từ ngày thành Sơn Tây thất thủ. Theo thư tịch cổ, thành này có chu vi 326 trượng 7 thước (1.306,8m), tường thành cao 1 trượng 4 thước (4,4m); hào nước bao quanh thành chạy dài 448 trượng (1.792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m) và sâu 1 trượng (4m).

Đây là một tòa thành quân sự do người Việt Nam xây. Sử ghi, vị Giám đốc công trình xây dựng này là Phó thống Thập cơ Tả quân Vũ Văn Thân, điều động 2.000 quân binh thuộc Bắc thành thực hiện dưới thời Minh Mạng, năm 1822 như trên đã nói. Thành được xây bằng gạch đá ong, một loại vật liệu đặc thù của vùng Sơn Tây; người ta đã lấy loại đất đặc biệt ở vùng này làm thành những viên gạch xinh xắn; sau khi phơi khô, gạch có màu đỏ gan gà và có những lấm tấm rỗ như tổ ong. Thành có hình tứ giác có mặt cắt hình thang, chân thành rộng 6m, mặt thành rộng 4m, có nhiều lỗ ở phía trên để cho quân lính nấp phía trong bắn súng ra ngoài hoặc dùng giáo mác có cán dài đâm đối phương khi chúng trèo lên tường thành. Thành có bốn cổng chính: phía Nam gọi là cổng Tiền; phía Bắc là cổng Hậu; phía Đông là cổng Tả và phía Tây là cổng Hữu. Mỗi cổng ở phía trên đều có lầu canh (vọng lâu) và chỉ có một lối ra vào. Hào nước quanh thành được nối ra sông Tích ở góc thành phía Tây nam. Một lớp vòng thành phía ngoài được đắp bằng đất cao 3,5m, hình ngũ giác, bên ngoài có lũy tre gai dày đặc bao bọc. Thành ngoài cũng mở bốn cổng trông ra bốn hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong thành, các công trình quan trọng đều được xây dựng đối xứng trên trục trung tâm Nam-Bắc. Chính giữa là Hành cung có cổng mở về hướng Nam, là nơi nghỉ của vua mỗi khi đi tuần thú; đây cũng là nơi hàng năm hai lần vào mùa xuân và mùa thu, các quan trong trấn tập trung tế lễ hoặc bái vọng mỗi khi có chiếu chỉ của nhà vua ban xuống. Phía trước là một sân rộng lát gạch, phía ngoài cổng có bức bình phong xây bằng gạch, đắp hình nổi “long vân khánh hội” bằng vôi vữa. Tiếp đó là Đoan môn có ba cửa ra vào, nhìn thẳng ra Kỳ đài (cột cờ) xây trên một bệ hình chóp vuông cụt bằng đá ong, cao khoảng 18m. Về phía Tây là Võ miếu, nơi thờ các tướng sĩ đã anh dũng hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ đất nước. Ở bốn góc thành, xưa kia có bốn giếng nước hình vuông to, xây bậc xuống tận đáy bằng đá ong, sâu khoảng 6m, quanh năm cung cấp nước ăn cho quân lính trong thành và nhân dân trong trấn lỵ. Bên cạnh đó là dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh: Tổng đốc hay Tuần phủ, Bố chánh hay Án sát, Đề đốc, và Đốc học. Ở phía đông của Hành cung là trại giam, kho lương và có nơi cho vợ con của binh lính ở.

Về việc Hành cung thành Sơn Tây được gọi là điện Kính Thiên, có tác giả nêu nghi vấn rằng điện Kính Thiên chỉ có thể là một kiến trúc ở kinh đô thời phong kiến; thành Sơn Tây chỉ là một tòa thành nhỏ, không thể có điện Kính Thiên. Nhưng cũng có một tác giả khác nêu ý kiến, chính vì Sơn Tây được coi là đất hai vua, do đó, khi xây dựng thành này, người giám đốc công trình đã muốn xoa dịu lòng người sở tại mà cho xây dựng hành cung với hình dáng của điện Kính Thiên. Thực ra, theo Quốc sử quán triều Nguyễn thì khi đến Bắc thành vào năm 1821, vua Minh Mạng có tiếp sứ nhà Thanh tại điện Kính Thiên ở Bắc thành, như vậy, điện Kính Thiên không phải chỉ có thể có ở kinh đô mà cũng còn có thể có ở các hành cung lớn khác. Có thể nhận định rằng dưới thời nhà Nguyễn, tòa nhà chính trong thành Sơn Tây chỉ là một hành cung, và người ta cũng vẫn gọi là Hành cung. Nhưng ngày nay, người ta vẫn có thể xem đó là điện Kính Thiên để thỏa lòng tự hào về quê hương của mình.

Sau khi chiếm và đô hộ Bắc Kỳ, người Pháp dùng chính sách chia để trị, chia nhỏ các tỉnh các trấn các lộ thời trước để thành lập những đơn vị hành chánh mới. Từ năm 1886 đến năm 1890, hàng loạt những nghị định của chính quyền thực dân đã chia tách những huyện thị của Sơn Tây để thành lập các tỉnh mới. Sơn Tây chỉ còn lại sáu huyện và một thị xã, vị trí một trọng trấn của Sơn Tây không còn nữa. Tuy nhiên, thành cổ Sơn Tây luôn luôn ở trong tâm khảm những người con ưu tú của đất nước đã góp phần xương máu trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngay từ những ngày đầu chuẩn bị kháng chiến, thị xã Sơn Tây đã là nơi đặt trụ sở của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn nhằm đào tạo các cán bộ chỉ huy cấp trung đội và đại đội có đủ kiến thức cơ bản về quân sự và có năng lực làm công tác chính trị trong quân đội với những vị lãnh đạo ban đầu như Hoàng Văn Thái (1915-1986), Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), Lê Thiết Hùng (1908-1986), Trần Tử Bình (1907-1967)… Đây là ngôi trường tiền thân của Trường Sĩ quan Lục quân và nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn. Thị xã Sơn Tây còn là nơi đặt trụ sở của Trường Sĩ quan Pháo binh được thành lập vào năm 1957, cũng do Lê Thiết Hùng làm vị Hiệu trưởng đầu tiên. Trong lúc được đào tạo ở trường, các học viên thường xuyên lui tới thành cổ Sơn Tây; không những thế, các giáo viên của Trường Sĩ quan Pháo binh sau này có lúc còn lấy thành cổ Sơn Tây làm nơi ăn nghỉ trong thời gian giảng dạy tại trường.

Đến thành cổ Sơn Tây để nhớ lại những năm tháng đau thương và hào hùng của dân tộc. Đến thành cổ Sơn Tây cũng để ngẫm lại lẽ hưng vong của đất nước. Cũng quê hương ấy, con người ấy, khi Pháp vào chiếm nước ta, sao mà yếu đuối bạc nhược; nhưng khi quyết tâm vùng lên đánh đuổi thực dân, sao lại lãng mạn hào hùng? Phải chăng, lòng dân luôn luôn nằm ở niềm tin đối với người lãnh đạo? Khi người lãnh đạo khiến cho dân có niềm tin vào lòng yêu nước thương dân của mình thì dù bất cứ nơi đâu vầng trán em vẫn cứ mang trời quê hương. „

Thành Sơn

 

NGÔ THẢN CHI

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 190

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin