Chi tiết tin tức

Nhu cầu về một hệ thống cơ sở lý luận của Khuynh hướng nhập thế của Phật giáo

20:53:00 - 07/12/2020
(PGNĐ) -  Khuynh hướng nhập thế của Phật giáo có nghĩa là Phật giáo không tách biệt khỏi thế giới, khỏi các vấn đề xã hội, mà luôn tồn tại gắn liền với lịch sử, đồng thời biết cách vận động trong bối cảnh xã hội theo từng thời kỳ. Ở nơi đó, Phật tử phải dấn thân vào các hoạt động xã hội trên nền tảng giáo lý Phật giáo. Vấn đề này cần được nghiên cứu nghiêm túc bằng cơ sở lý luận. Bài viết này sẽ phân tích vấn đề trên theo ba phương diện: nhu cầu thống nhất về khái niệm, nhu cầu từ thách thức thế tục hóa tôn giáo, nhu cầu từ thách thức phía giới luật Phật giáo.

SỰ ĐA DẠNG VỀ KHÁI NIỆM NHẬP THẾ

Theo nhiều nhà nghiên cứu, Phật giáo nhập thế có nội hàm là tính “dấn thân vào thế giới trần tục”, được nói nhiều trước đó cũng như tồn tại với các khái niệm khác nhau như: “Nhân gian Phật giáo”, “Đạo Phật đi vào cuộc đời” hay “Phật hóa nhân gian”. Theo tác giả Chân Minh (Minh, 2016), tư tưởng về một “ Phật giáo được ứng dụng trong việc đời thường” đã xuất hiện từ năm 1935 với các tác phẩm của tác gia Nguyễn Trọng Thuật. Nhưng phải đến 1960, khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh chính thức gọi tên xu hướng này với tên “Engaged Buddhism” thì Phật giáo nhập thế chính thức được xác lập bản thân nó trong hệ thống Phật học và được cộng đồng quốc tế sử dụng chung.

Theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh, “Phật giáo nhập thế” có nghĩa là: “Đem đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời để biến cải cuộc đời theo chiều hướng thiện, mỹ. Chừng nào sinh lực của đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng đạo Phật đang thật sự hiện hữu trong cuộc đời”. (Nhất Hạnh, 1964, trang 51).

Từ Thiền sư Thích Nhất Hạnh, thuật ngữ “Engaged Buddhism” bắt đầu được sử dụng rộng rãi hơn, đến năm 1986 cuốn sách “The Engaged Buddhist Reader” được xuất bản bởi NXB Parallax tổng hợp những quan điểm về Phật giáo nhập thế từ các cá nhân Dalai Lama, Thích Nhất Hạnh, Shunryu Suzuki, Maha Ghosananda, Joanna Macy, Jack Kornfield, Robert Aitken, Maxine Hong Kingston, Saki Santorelli, Claude Thomas, Kenneth Kraft, Robert Thurman, Chân Không, Sulak Sivaraksa, Gary Snyder, A. T. Ariyaratne, Allan Hunt Badiner, Richard Baker, Peter Mathiessen, Annabel Laity, Patricia Marx Ellsberg, Stephen Batchelor, Bill Deval cũng mô tả một Phật giáo tương tự như thế. Một Phật giáo mà nơi đó những Phật tử nhập thế đem cuộc đời của mình phục vụ con người thay vì chỉ phục vụ đời sống tu hành trong tự viện.

Năm 2009, trong công trình “Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality” do nhà xuất bản Đại học Hawaii ấn hành, tác giả Sallie B. King trình bày: “Phật giáo nhập thế (Engaged Buddhism) là một hình thức đương đại của Phật giáo, tham gia tích cực nhưng không bạo lực để giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị, môi trường. Ở trạng thái tốt nhất, sự tham gia này không tách rời khỏi tinh thần của Phật giáo, mà là một biểu hiện của nó” (King, 2009, trang 1); “Nguồn gốc triết học và đạo đức của nó nằm sâu trong triết học và các giá trị Phật giáo truyền thống và được áp dụng vào các vấn đề đương đại” (King, 2009, trang 2); “Phật giáo nhập thế không phải là một phong trào xa lạ với các giá trị tinh thần của Phật giáo truyền thống. Đó là một con đường dẫn đến sự viên mãn các giá trị đó và thể hiện chúng trong hành động” (King, 2009, trang 56).

Có thể thấy, theo King, Phật giáo nhập thế vừa là một vận động vật chất hợp bản chất tinh thần của Phật giáo, vừa là hành động giúp các giá trị của Phật giáo được đạt thành, vừa là nhiệm vụ của Phật giáo nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách xã hội.

Theo Chân Như, Phật giáo nhập thế có thể được xét dưới góc độ tâm linh và lịch sử. Góc độ tâm linh cung cấp một số nguyên tắc hành trì chung, góc độ xã hội và chính trị khiến mỗi phong trào Phật giáo nhập thế có sắc thái độc đáo. Góc độ tâm linh cung cấp tiêu chuẩn cho những hoạt động cải cách xã hội của Phật tử, để phân biệt với những người cải cách xã hội và chính trị ‘không Phật tử’. (Như, 2011).

Qua các cách mô tả như thế, chúng ta có thể hình dung về “Phật giáo nhập thế” vẫn là khối mơ hồ, một định nghĩa mang tính cương lĩnh thay vì một hướng dẫn chi tiết về cách nhập thế cho những người Phật tử xuất gia lẫn tại gia để thực hành một nền “nhập thế” đúng đắn. Và sự tương quan của các khái niệm Tôn giáo học, thì “nhập thế” của Phật giáo có tương quan thế nào với “thế tục hóa tôn giáo”?

Tất cả những vấn đề này thiết nghĩ cần được làm rõ dưới góc độ Phật học bằng các công trình nghiên cứu sâu sắc hơn những liệt kê theo cách của Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (Thiện Nhơn, 2017) hoặc Hòa thượng Thích Gia Quang (Gia Quang, 2019). Vì hơn hết, chúng ta cần nhìn rộng việc “đi vào cuộc đời” (theo chữ dùng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh) của Phật giáo là sự tác động của Phật giáo đến vai trò con người, xét trong tương quan với xã hội bao gồm: gia đình, nghề nghiệp, thương mại, kinh tế, chính trị; cùng với những vấn đề nóng bỏng của thời đại: nhân quyền, lao động, lương bổng, quyền tư hữu, chiến tranh, hòa bình,… Mà trước đó, về phía Công giáo La Mã đã thiết lập nên một nền lý thuyết với tên gọi: “Học thuyết xã hội Công giáo”.

 

 

NHẬP THẾ TRONG KHUYNH HƯỚNG THẾ TỤC HÓA VÀ NHỮNG THÁCH THỨC

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa (Xuân Nghĩa, 1996) thì thuật ngữ thế tục hóa (secularization) lần đầu tiên được sử dụng trong hòa ước Westphalia năm 1648 để chỉ việc chuyển giao các tài sản Giáo hội cho nhà nước vào thời Cải cách Tin Lành. Việc “thế tục” này được diễn ra tiếp tục vào thời cách mạng Pháp 1789-1815 và năm 1905 cũng tại Pháp khi chính phủ giải tán các dòng tu, sung công tài sản (Tấn Thành, 2014). Theo nghĩa này, “thế tục hóa” mang nghĩa “quốc hữu hóa” tài sản.

Sau đó, nội hàm “thế tục hóa” dần thay đổi qua sự phát triển của Xã hội học. Trong tác phẩm The Sociological Imagination (1959), Wright Mills có nhận định: “Đã có thời thế giới chứa đầy những cái thiêng – trong tư tưởng, thực hành, và thể chế. Sau thời kỳ Cải cách và Phục hưng, những lực lượng hiện đại hóa đã quét qua địa cầu và thế tục hóa, một quá trình lịch sử theo sau nó, đã nới lỏng sự ngự trị của cái thiêng. Đến một lúc nào đó trong tương lai, cái thiêng sẽ biến mất hoàn toàn ngoại trừ, có lẽ, trong lĩnh vực riêng tư”.

Đến thế kỷ XX, sự ảnh hưởng của các tôn giáo và tổ chức tôn giáo lên các lĩnh vực xã hội ngày càng rộng, cũng như số lượng “tôn giáo mới” bùng nổ thì lối tiếp cận trên rõ ràng gặp khủng hoảng. Nói theo bà Danièle Hervieu Léger, Giám đốc nghiên cứu Phân ban Xã hội học tôn giáo, trường Cao học Khoa học Xã hội Pháp (EHSS): “Thế tục hóa không phải là một sự biến mất của tôn giáo khi phải đối đầu với tính duy lý: đó là một quá trình tái tổ chức thường xuyên của công việc tôn giáo trong một xã hội mà tự cơ cấu là bất lực trong việc thỏa mãn những chờ đợi vốn có trong tồn tại của xã hội” (Xuân Nghĩa, 1996, p.12).

Vì phạm trù Thánh – Thiêng trong tôn giáo còn nhiều tranh cãi, thậm chí, xuất hiện những hành động mang tính “trần thế” khoác áo thánh thiêng và ngược lại biến đời tu thiêng liêng trở nên “tục hóa”. Do đó, việc “Thánh hóa cái phàm – tục hóa cái thiêng” là một thách thức, một nguy cơ, một bài toán cần giải đáp trong Phật giáo khi nhập thế. Những thách thức từ khuynh hướng thế tục hóa, đang đặt ra cho những nhà nghiên cứu Phật học một bài giải về cơ sở lý luận cho việc “nhập thế” của Phật giáo.

Tóm lại, theo quan điểm chung của nhà Phật, việc được giải thoát khỏi thế gian trần tục, không còn đứng trong vòng luân hồi là cứu cánh tối thượng, là mục đích cuối cùng mà Phật giáo hướng đến. Nhưng một thực tế đang diễn ra là vấn đề nhập thế của Phật giáo được mặc định là một tính chất tự nhiên của đạo Phật (Đình Long, 2012).

Đơn cử, Hòa thượng Tiến sĩ Thích Gia Quang cho rằng: “Phật giáo chưa bao giờ tách khỏi tế bào xã hội mà thay vào đó Phật giáo có những phương thức hữu hiệu để giúp xã hội phát triển bền vững và giải quyết những vấn đề “nóng” ở cấp độ toàn cầu… Như vậy, Phật giáo cần xây dựng một số chuyên đề về công tác Phật sự đi sát với thực tế, giải quyết được vấn đề thực tiễn trong đời sống đương đại, tránh lý luận, kinh điển giáo điều. Có làm được như vậy mới phát huy được tinh thần nhập thế của Phật giáo để không hổ thẹn với lịch đại Tổ sư và các bậc tiền bối đã hy sinh cả đời mình vì đạo pháp, vì dân tộc”. (Gia Quang, 2019).

Thiết nghĩ, vấn đề nhập thế của Phật giáo nên được coi là đề tài có tính học thuật của chuyên ngành Phật học. Ở đó, những cơ sở lý luận, những khái niệm, những phương pháp luận cần được nhìn nhận và phân tích rõ ràng để đi đến các thống nhất chung trong cách hiểu về “phương thức nhập thế” của Phật giáo.

 

Nguyễn Chiến Trường

 

Tài liệu tham khảo:

– Duerr, M. (2010, 3 26). An Introduction to Engaged Buddhism. Retrieved from Public Broadcasting Service: https://www.pbs.org/thebuddha/blog/2010/mar/26/introduction-engaged-buddhism-maia-duerr/.

– Đình Long, L. (2012, 08 02). Đạo Phật có nghĩa là nhập thế. Retrieved from Giác Ngộ Online: https://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2012/08/02/3EC619/.

– Đức Hiền, Đ. (2012). Xu thế thế tục hóa trong Phật giáo ngày nay. Tạp chí Công tác Tôn giáo, 22.

– Gia Quang, T. (2019, 11 22). Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại ở Việt Nam. Được truy lục từ Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam: https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhap-the-va-cac-van-de-xa-hoi-duong-dai-o-viet-nam-d38168.html.

– King, S. (2009). Socially Engaged Buddhism – Dimensions of Asian Spirituality. Honolulu: Hawaii Press.

– Malkin, J. (2003, 07 1). In Engaged Buddhism, Peace Begins with You. Retrieved from Lion’s Roar Magazine: https://www.lionsroar.com/in-engaged-buddhism-peace-begins-with-you/.

– Minh, C. (2016, 01 12). Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ Nhân gian Phật giáo đến Phật giáo ứng dụng. Retrieved from Thư viện Hoa sen: https://thuvienhoasen.org/a24569/thien-su-thich-nhat-hanh-tu-nhan-gian-phat-giao-toi-dao-but-ung-dung.

– Nhất Hạnh, T. (1964). Đạo Phật đi vào cuộc đời. Sài Gòn: NXB Lá Bối.

Như, Q. (2011, 10 12). Những điểm chính yếu của Phật giáo nhập thế. Retrieved from Thư viện Hoa sen: https://thuvienhoasen.org/a13301/nhung-diem-chinh-yeu-cua-phat-giao-nhap-the.

– Sỹ Hùng, T. (2019, 10 7). Thế tục hóa tôn giáo là thuộc tính đặc thù. Retrieved from Tạp chí điện tử Văn Hiến Việt Nam: https://vanhien.vn/news/the-tuc-hoa-ton-giao-la-thuoc-tinh-dac-thu-72318.

– Tấn Thành, P. (2014, 08). Hiện Tượng Tục Hóa: Quan Điểm Xã Hội Học Và Thần Học. Thời sự Thần học số 65, pp. 151-178.

– Tử, L., & Thịnh, L. (2001). Từ điển Nho, Phật, Đạo. Hà Nội: NXB Văn học.

– Thiện Nhơn, T. (2017). Nhận thức chuẩn về tinh thần nhập thế của Phật giáo. Retrieved from Phật học đời sống: https://phathocdoisong.com/nhan-thuc-chuan-ve-tinh-than-nhap-the-cua-phat-giao.html.

– Viện Ngôn Ngữ Học. (2004). Từ điển Tiếng Việt. NXB Đà Nẵng.

– Xuân Nghĩa, N. (1996). Tôn giáo và quá trình thế tục hóa. Tạp chí Xã hội học số 53, pp.8-14.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin