Chi tiết tin tức

Thiền tông Việt Nam qua Thiền sư Cứu Chỉ

10:36:00 - 09/12/2015
(PGNĐ) -  Thực hành Thiền là ngộ nhập tâm này thì tâm này hiện tiền. Tâm ấy là Chân Không Diệu Hữu. Tâm Chân Không Diệu Hữu là nhật dụng hàng ngày của một Bồ- tát Thiền sư.

Sư họ Đàm, làng Phù Đàm, phủ Châu Minh (tỉnh Bắc Ninh). Thuở nhỏ hiếu học, sách Nho sách Phật đều đọc. Một hôm cầm sách tự than: ‘Khổng Mặc chấp có, Trang Lão chấp không, sách vở thế tục chẳng phải là pháp giải thoát. Chỉ có Phật giáo chẳng kể có không, có thể dứt sanh tử; nhưng phải siêng tu giữ giới, cầu thiện tri thức ấn chứng mới được’.

Do đó bỏ tục đến chùa Cảm Ứng xin làm đệ tử của Trưởng lão Định Hương.

Giờ tham thỉnh, sư hỏi: ‘Thế nào là nghĩa cứu cánh?’. Trưởng lão im lặng giây lâu, rồi hỏi lại sư: ‘Hiểu chưa?’. Sư đáp: ‘Chưa hiểu’.

Trưởng lão nói: ‘Ta đã cho ngươi nghĩa cứu cánh’. Sư ngẫm nghĩ.

Trưởng lão bảo: ‘Qua mất rồi!’.

Ngay lời nói, sư rõ được ý chỉ. Nhân đó có tên là Cứu Chỉ. Sư thuộc thế hệ thứ bảy, dòng Vô Ngôn Thông (thế kỷ XI).

Sau sư vào chùa Quang Minh núi Tiên Du, khổ hạnh đầu đà, sáu năm không xuống núi. Tiếng đồn tới kinh đô, vua Lý Thái Tông nhiều lần cho mời mà sư không đến. Vua ba lần thân hành đến chùa sư thăm hỏi. Thái sư Lương Văn Nhậm rất kính trọng sư.

Khoảng niên hiệu Long Thụy Thái Bình (1054-1058), Tể tướng Dương Đạo Gia lập chùa trên núi Long Đội mời sư về trụ trì. Sư rời núi, nói: ‘Ta chẳng trở lại đây!’. Chim muông trong rừng kêu thương ba tuần không dứt.

Sư ở đây ba năm rồi tịch”.

Khi gặp Trưởng lão Định Hương, ngài tỏ ngộ được “nghĩa cứu cánh” chính là tâm mình. Tâm mình chính là Phật tâm, nơi đó, “phiền não trói buộc tất cả đều Không”. Sự tỏ ngộ này mới chỉ là đầu mối con đường để thực sự tu hành. Nói theo thuật ngữ Khai Thị Ngộ Nhập của kinh Pháp Hoa thì đây mới là ngộ, còn phải tiếp tục nhập. Nói theo Đại Toàn Thiện của Ấn Tạng, đây mới chỉ là cái Thấy, còn phải bước qua giai đoạn hai là Thiền định và Hạnh, để Quả là Phật tâm hiện tiền trọn vẹn.

Thế nên, ngài vào núi ẩn tu cho đến thành tựu.

Sau đây, chúng ta nghiên cứu bài kệ thị tịch của ngài, để hiểu thêm về Nền tảng, Con đường và Quả của Thiền tông Việt Nam.

Tất cả pháp môn Vốn từ tánh người Tánh tất cả pháp Vốn từ tâm người.

Tâm mình, tánh mình là Nền tảng chung của mọi chúng sanh, để từ đó xuất phát mọi pháp môn, mọi con đường, mọi phương tiện đi đến cứu cánh là Phật tâm, Phật tánh. Tâm mình, tánh mình khi đi đến cuối con đường chính là Phật tâm, Phật tánh. Không có Phật tâm, Phật tánh ngoài tâm mình, tánh mình.

Cho nên Thiền là khám phá Phật tâm, Phật tánh nơi chính tâm tánh mình và khai phá Nó cho đến trọn vẹn.

Khi nói mọi phương tiện, mọi pháp môn đều “vốn từ tâm mình, tánh mình” và tâm tánh đó chính là Phật tâm, Phật tánh thì có nghĩa là ngay nơi phương tiện, ngay nơi pháp môn đã vốn có cái cứu cánh, đã vốn có Phật quả. Đây chính là ý nghĩa Đốn của Thiền: “đương xứ tức chân”, “xúc mục thị Bồ-đề” (ngay chỗ này tức là Chân, chạm mắt là Bồ-đề).

Tâm pháp nhất như Vốn không hai pháp Phiền não trói buộc Tất cả đều Không.

Tâm và pháp (thế giới hiện tượng) là nhất như. Sự đối kháng giữa chủ thể và đối tượng tiêu tan như chưa bao giờ có. Thế nên, khi chứng ngộ được tâm này thì tất cả pháp nằm ngay trong tâm này, tất cả pháp chính là tâm này. Nhất Như là Tất cả là Một Chân Như.

Trong tâm nhất như đó không có phiền não, không có các tướng sai biệt đối kháng: tất cả đều Không. Chỉ có một thực tại là tâm nhất như bao la vô tận.

Phải trái tội phước

Tất cả đều huyễn

Không đâu chẳng phải quả, chẳng phải nhân

Chẳng ở trong nghiệp mà phân biệt báo

Chẳng ở trong báo mà phân biệt nghiệp

Nếu có phân biệt

Bèn chẳng tự tại.

Phải trái tội phước, nhân quả nghiệp báo chỉ có trong cái phần tử, cái cá nhân. Hành động của cái phần tử, cái cá nhân chống trái xung đột nhau thì thành nhân quả nghiệp báo. Một khi đạt đến tâm Nhất như hay cái Toàn thể, thì cái cá nhân không còn để gây ra xung đột nên không còn tác nhân gây ra nghiệp để chịu báo, gây ra nhân để chịu quả.

Phải trái tội phước chỉ có trong thế giới của hình tướng sai biệt. Khi đạt đến tâm nhất như thì tất cả thế giới hình tướng sai biệt đều trở thành huyễn, vì thực sự chưa từng có sự sai biệt bao giờ, chưa từng có cái này ngăn cách với cái kia, cá nhân này ngăn cách với cá nhân nọ, nhân ngăn cách với quả, sanh tử ngăn cách với Niết-bàn.

Nhân quả luôn luôn có. Nhưng nhân quả có là ở trong thế giới của các phần tử tương tác lẫn nhau. Còn trong cái toàn thể Nhất Như, quả của một cái này là nhân của tất cả mọi cái khác, nhân của cái này là quả của tất cả cái khác. Đây là nhân quả tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp của pháp giới trùng trùng duyên khởi vô tận. Tất cả là toàn thể nhân, toàn thể quả, không chia cắt, không phân biệt. Cái toàn thể nhân toàn thể quả này chính là cái Toàn thể Nhất như “không đâu chẳng phải quả, không đâu chẳng phải nhân”.

“Không đâu chẳng phải quả, chẳng phải nhân” là sự vô ngại của tất cả nhân quả. Nói theo thuật ngữ của tông Hoa Nghiêm thì đây là “Một là Tất cả, Tất cả là Một”, là “pháp giới sự sự vô ngại” của tất cả nhân và tất cả quả.

Người ta thoát khỏi nhân quả khi người ta là toàn thể nhân quả. Người ta thoát khỏi thân phận sóng khi người ta là toàn thể các sóng, vì toàn thể các sóng tức là đại dương, không sanh không diệt, không tăng không giảm, không dơ không sạch. Đại dương không vì sóng nhân quả nghiệp báo có nhiều mà thêm lớn, sóng ít mà nhỏ lại. Không vì sóng có sanh diệt mà đại dương sanh diệt. Không vì sóng có dơ sạch mà đại dương dơ sạch. Đại dương không phản ứng với một sóng nào nên đại dương là tự tại.

Đây là quan điểm của Đại thừa. Giải thoát không phải là từ bỏ nhân quả của thế giới chúng sanh. Mà giải thoát là chứng ngộ tánh của nhân quả chúng sanh là pháp tánh, tức là tánh Không. Thấy biết tất cả sóng là nước đại dương. Là tất cả đại dương tức là giải thoát.

Như thế, chúng ta hiểu điều nghịch lý trong kinh Kim Cương: “tức là” đồng thời “chẳng phải”. Bậc giải thoát là một với nhân quả của tất cả chúng sanh, đồng thời chẳng phải là nhân quả của tất cả chúng sanh.

Tuy thấy tất cả pháp

vẫn không chỗ thấy

Tuy biết tất cả pháp

vẫn không chỗ biết.

Thấy biết tất cả sóng là một vị đại dương, cho nên không thấy có sóng riêng biệt mà thấy tất cả sóng là đại dương. Một sóng cũng là tất cả đại dương. Thế nên thấy mà vẫn không chỗ thấy, biết mà vẫn không chỗ phân biệt. Khi một người không còn thấy biết, không còn nhận thức các hình tướng có phân biệt thuận nghịch nhau, người ấy thấy cái Toàn thể “Một Tướng Vô Tướng”, thấy tất cả là đại dương Một Tướng, Vô Tướng, Một Vị; do đó, người ấy giải thoát.

Không chỗ thấy tức là thấy Phật: “Thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương). Không chỗ biết là không phân biệt: “Tâm không phân biệt là tâm Phật” (Kinh Đại Bát-nhã).

Biết tất cả pháp Nhân duyên làm gốc Thấy tất cả pháp Chánh chân làm tông.

Tất cả pháp sở dĩ có là do nhiều nhân duyên sanh. Tất cả pháp dường như khác biệt đều đồng là nhân duyên sanh. Do các nhân duyên sanh nên không có tự tánh, vô tự tánh, đồng là tánh Không. Tánh Không là Chân, cho nên tánh Không còn được gọi là Chân Như. Thấy tất cả pháp đều là tánh Không tức là thấy tất cả pháp đều là Chân, đều là Chân Như. Tánh Không hay Chân Như là Nền tảng của mọi pháp môn tu hành, của tất cả ba cõi, nên được gọi là Tông.

Tuy ở thật tế

Mà rõ thế gian

Đều như biến hóa.

Ở trong Phật tâm, Phật tánh hay Trí huệ Bát-nhã thì tuy ở đời, ở trong thế giới sai biệt, mà rõ thế gian sai biệt ấy đều như huyễn hóa. Nói theo Duy thức thì “đều do thức biến”.

Thấu rõ chúng sanh Chỉ là một pháp Không có hai pháp.

Khi đã đạt đến tâm hay tánh thì tất cả chúng sanh đều là tâm, là tánh. Như khi đã ở trong đại dương thì tất cả sóng đều là đại dương. Một pháp đây là Một Tâm, do đó tất cả là Một. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm, Phật và chúng sanh. Cả ba không sai khác”.

Chẳng bỏ nghiệp cảnh

Thiện xảo phương tiện

Ở cõi hữu vi

Bày pháp hữu vi

không phân biệt

Với tướng vô vi. Vậy nên

Hết dục, tuyệt ngã

Vọng niệm tính toan.

Biết thế gian là như huyễn, nên do lòng bi mà ở nơi như huyễn ấy, chẳng bỏ nghiệp cảnh như huyễn để dùng phương tiện thiện xảo cứu độ chúng sanh. Trong cõi hữu vi như huyễn mà hiện bày phương tiện hữu vi như huyễn để giúp đỡ, cứu thoát chúng sanh. Kinh Viên Giác nói: “Bồ-tát ngộ được tánh Viên Giác thanh tịnh, rõ biết căn trần thức đều là huyễn hóa, khởi trí như huyễn hiện bày mọi phương tiện thiện xảo như huyễn để khai thị cho chúng sanh như huyễn”.

Đây là hành động, hạnh, lối sống của một Bồ-tát, “chẳng bỏ chúng sanh” và nghiệp cảnh của chúng sanh nhưng vẫn thấu rõ thế gian đều như huyễn hóa. Ở nơi hữu vi như huyễn để chỉ bày thật tướng, thật tánh của mọi pháp là tánh Không để giải thoát cho người.

Vị Bồ-tát thấy các pháp hữu vi không phân biệt với tướng vô vi, thấy sắc thọ tưởng hành thức là tánh Không; do đó, ở nơi cõi hữu vi mà vẫn tự mình giải thoát, đồng thời độ người đang bị trói buộc trong những pháp mà họ thấy là hữu vi. Sống nơi cõi hữu vi, độ người nơi cõi hữu vi mà không phân biệt, không lìa khỏi thật tướng vô vi của tất cả các pháp, đây là sự giải thoát trong cuộc sống tự giác giác tha của một Bồ-tát.

Sống tâm Không, tánh Không, làm việc trong tánh Không như vậy thì “hết dục tuyệt ngã, vọng niệm tính toan”. Đây là đời sống tự giác giác tha mà vẫn giải thoát vì không nhiễm ô do thường trực sống trong thật tướng Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đây là người vô tâm, vô sự, tự tại với tất cả pháp và với tất cả công việc độ sanh.

“Rồi nói kệ rằng: Rõ biết thân tâm vốn tịch diệt
Thần thông biến hóa hiện các tướng
Hữu vi vô vi từ đây xuất
Hà sa thế giới không thể lượng.
Tuy rằng biến khắp cả hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng hình trạng
Muôn đời ngàn đời không thể sánh
Xứ xứ nơi nơi thường sáng rỡ”.

Đây là bài kệ tự tâm tức Phật tâm. Tâm ấy vừa là Chân Không vừa là Diệu Hữu.

Thực hành Thiền là ngộ nhập tâm này thì tâm này hiện tiền. Tâm ấy là Chân Không Diệu Hữu. Tâm Chân Không Diệu Hữu là nhật dụng hàng ngày của một Bồ- tát Thiền sư.

Tóm lại, qua chỉ một thiền sư vào thế kỷ XI của Việt Nam, chúng ta thấy Thiền tông rất phong phú; chính xác hơn, rất sâu và rất rộng. Nó bao gồm ba thời kỳ thuyết pháp của Đức Phật: Thời kỳ thứ nhất về Vô thường, Khổ, Vô ngã và Bốn đế; thời kỳ thứ hai về tánh Không; thời kỳ thứ ba về Như Lai tạng hay Phật tâm, Phật tánh.

Trong   nó   có đủ cả hai dòng lớn của Đại thừa là Trung đạo Không tông  (duyên sanh tánh Không) và Duy thức tông (thức biến như huyễn). Nó cũng dung nhiếp mọi tông phái, kể cả những tông không có ở Ấn Tạng như Hoa Nghiêm tông chỉ có ở Trung Hoa. Nó dung nhiếp mọi kinh điển của ba thời chuyển pháp luân. Và nó luôn luôn đi trong Bồ-tát hạnh, vì chính nhờ Bồ-tát hạnh mà người ta có thể chứng nghiệm chiều sâu và chiều rộng vô cùng của tâm.

Thế nên, ngày xưa Thiền tông là tất cả Phật giáo Việt Nam.■ „

 

NGUYỄN THẾ ĐĂNG

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 188

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin