Chi tiết tin tức

Danh hiệu Avalokiteśvara trong Tịnh Độ giáo

17:12:00 - 04/01/2018
(PGNĐ) -  Trong các nước thuộc truyền thống Phật giáo Bắc truyền, có một vị Bồ-tát thường được gọi là Quan Âm hay Quán Âm, vị Bồ-tát biểu tượng cho thể tính đại bi hay tình yêu phổ quát, được sùng bái rất thịnh hành trong các giới Phật tử. Vậy nguồn gốc danh hiệu, yếu chỉ tu tập và hành đạo, cùng các đặc điểm hành nguyện của vị Bồ-tát này như thế nào? 

Trước khi trình bày về yếu chỉ hay cương lĩnh tu tập và hành đạo của Bồ-tát Avalokiteśvara, cần giải thích một số ý nghĩa về mục từ: Quán Tự Tại, Quán Thế Âm, Phổ môn và một số từ ngữ khác. 
 

1010731.jpg


Tiết 1- Danh hiệu Quán Tự Tại 

1- Từ nguyên và nhận định 


Chữ Quán Thế Âm, hay Quán Tự Tại, tiếng Sanskrit là Avalokiteśvara, Avalokitasvara, Tây Tạng dịch là Spyan-ras gzigs dban-phyug. 

Phân tích ngữ học của từ Avalokiteśvara (danh từ, số ít):

 Avalok: phân từ quá khứ, thể thụ động, có nghĩa là ‘để xem xét’, do Ava tiếp đầu ngữ: bên dưới, xung quanh; 

Lokita, phân từ quá khứ của động từ căn √lok: quán sát, nhìn ngắm, v.v... dùng ở thì hiện tại, dạng bất quy tắc của ngữ pháp Sanskrit; ita viết riêng là tiếp vĩ ngữ. 

Avalokita: là động từ chuyển thành danh từ có nghĩa là người nhìn xuống. 

Īśvara: danh từ, giống cái, số ít, biến cách 1. Chủ thuộc, có nghĩa là chúa tể, bậc thầy. 

Nên nghĩa đen của Avalokiteśvara là vị chúa tể về sự nhìn xuống và xung quanh, ý nói bậc thầy về sự quán sát toàn diện. 

Sự giải thích về ngữ nguyên của danh hiệu này có rất nhiều ý kiến khác nhau, chúng ta có thể tham khảo một vài nhận định: 

- G.P. Malalasekera trong Encyclopedia of Buddhism, giải thích: “bậc tối cao mà chúng ta có thể nhìn thấy được, sự hiện thể, hay có khả năng trông thấy ở bất kỳ nơi nào”.2 

- Mircea Eliade trong The Encyclopedia of Religion: “Avalokitésvara là từ Sanskrit phức hợp, thiết lập từ thành tố ‘avalokitā’ và ‘īsvara’, có nghĩa là đấng tối cao trông chờ nhìn thấy, hay vị chúa tể đang quán sát, đang nhìn ngắm”.3 

- Har Dayal trong The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature giải thích: “Avalokitésvara nghĩa là “vị chúa tể có cái nhìn bi mẫn”, “đấng chúa tể của người đã khuất và đang khuất”, “vị chúa tể được nhìn thấy từ một điểm cao hơn”, hay “vị chúa tể nhìn xuống từ đỉnh cao”, “vị chúa tể đang nhìn ngắm”4 v.v... Ông nói tiếp: “Người ta có thể loại suy rằng người Trung Quốc biết đến dạng avalokitasvara mà về sau biến dạng thành avalokiteśvara, là do có sự lẫn lộn giữa hai từ lokesvara và avalokitasvara”5.

 - Kenneth K.S.Ch’en trong Buddhism in China, giải thích: “Avalokitésvara, hình thành từ ‘avalo’, phân từ quá khứ, thể thụ động: được thấy, ‘īsvara’: vị chúa tể; Avalokitésvara: vị chúa tể có cái nhìn yêu thương, vị chúa tể nhân loại trong thấy6 v.v...”. 

- Sir Charles Eliot trong Hinduism and Buddhismgiải thích: “Avalokita là một dạng khác của avalokitésvara, ám chỉ ‘vị chúa tể nhìn xuống’. Hoặc cũng gọi là Lokitésvara: ‘vị chúa tể của thế gian’”7

- Thomas Edward J. trong History of Buddhist Thought trình bày: “Avalokita là một trong hai danh hiệu của Avalokiteśvara, thiết lập từ động từ avalokayati: nhìn ngắm hay quán sát... Dạng ‘avalokita-svara’ được dùng bởi một số dịch giả Trung Quốc, nhưng thật ra, trong tiếng Sanskrit nó không hề có một ý nghĩa nào cả và cả đến trong tiếng Trung Quốc cũng vậy”8

- Lokesh Chandra trong Thousand-Armed Avalokitesvara: “Chữ ‘avalokita’ đã xuất hiện trong tác phẩm Bodhicaryāvatāraḥ của Śāntideva... Từ avalokita chính là phát xuất từ avalokitesvara, xuất hiện lần đầu tiên trong bản kinh tiếng SanskritSukhāvatīvyūha. Avalokitesvara bị ảnh hưởng tín ngưỡng śiva hay īsvara vào thời hậu kỳ và căn cứ trên quan điểm của N.D. Mironov9 thì danh hiệu sớm nhất đọc bằng tiếng Sanskrit phải là avalokita-svara”. 

Theo ý kiến của chúng tôi, những nhận định và giải thích của các học giả dẫn ở trên chỉ nên tham khảo, vì nó có tính cách mơ hồ, vấn đề này sẽ được bàn thảo chi tiết ở một chương khảo luận khác, vì nó không phải là mục tiêu nghiên cứu của chương này. 

2- Phiên dịch và giải thích trong Hán tạng 

Trong Đại tạng kinh chữ Hán, có thể tìm thấy rất nhiều phiên âm khác nhau của từ Avalokiteśvara, đại khái như: 

A-bà-lô-kiết-đế-thước-bát-ra (阿婆盧羯帝爍鉢囉) 

A-bà-lô-cát-đế-thất-phật-ra (阿婆盧吉帝室佛囉) 

A-bà-lô-kiết-đế-thước-bàn-ra (阿婆盧羯帝爍皤囉) 

A-bà-lô-cát-đế-xá-bà-la (阿婆盧吉帝舍婆羅) 

A-phược-lô-chỉ-đế-thấp-phạt-ra(阿縳盧枳坁濕伐囉) 

A-phược-lô-chỉ-đế-y-thấp-phạt-la (阿縳盧枳坁伊濕伐羅) 

A-phược-lô-chỉ-đa-y-thấp-phiệt-la(阿縳盧枳多伊濕筏羅) 

A-phạ-lô-chỉ-đế-thấp-phạt-la (阿嚩盧枳帝濕伐羅) 

A-phạ-lô-chỉ-đế-thấp-phạ-la (阿嚩盧枳帝濕嚩囉) 

Bô-lô-kiết-đế-nhiếp-phạt-la (逋盧羯底攝伐羅) 

Ái-lâu-hoàn (廅樓亘) v.v… 

Tạm thời, căn cứ trên từ Avalokiteśvara, đa phần các học giả hiện đại đều chấp nhận rằng nó được phiên dịch sang rất nhiều từ Hán khác nhau, như: 

- Quang Thế Âm (光世音) (Trúc Pháp Hộ dịch, Chánh pháp hoa kinh 10, phẩm 23)10.

 - Quán Tự Tại (觀自在) (Huyền Tráng dịch, Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm kinh)11

- Quán Thế Âm (觀世音) (Cưu-ma-la-thập dịch, Diệu pháp liên hoa kinh, phẩm 25)12

- Quán Thế Tự Tại (觀世自在) (Bồ-đề-lưu-chi dịch, Thâm mật giải thoát kinh, phẩm 10)13

- Quán Thế Âm Tự Tại (觀世音自在) (Bất Không dịch, Đại từ đại bi cứu khổ Quán Thế Âm Tự Tại vương Bồ-tát quảng đại viên mãn vô ngại tự tại thanh cảnh đại bi tâm đà-la-ni)14

- Khuy Âm (闚音)(Chi Khiêm dịch, Phật thuyết vô lượng môn vi mật trì kinh)15 

- Hiện Âm Thanh (現音聲) v.v... 

Về nguyên ngữ, trong các thủ bản Sanskrit hiện còn đều phổ thông viết là Avalokiteśvara. Theo giải thích của Huyền Tráng trong Tây vực ký 316

阿縛盧枳低濕伐羅菩薩像. 唐言觀自在. 合字連聲,梵語如上;分文散音,即阿縛盧枳多譯曰觀,伊濕伐羅譯曰自在. 舊譯為光世音,或云觀世音,或觀世自在,皆訛謬也. 

“Hình tượng A-phược-lô-chỉ-đế-thập-phạt-la Bồ-tát, Đường dịch là Quán Tự Tại. Do dính chữ liền âm nên tiếng Phạn nói thế. Nếu tách rời âm thì A-phược-lô-chỉ-đa (Avalokita) dịch là Quán; Y-thấp-phạt-la (Īśvara) dịch là Tự Tại. Cựu dịch là Quán Thế Âm, Quán Thế Âm hay Quán Thế Tự Tại đều là sai cả”. 

Để tránh giải thích lầm lẫn, cần phân biệt hai chữ Sanskrit khác nhau mà Hán đều dịch là Tự Tại (自在), đó là vaśitā (tự chủ, tự do, thoải mái) và īśvara (vị chúa tể, bậc thầy lão luyện).

Điều đáng lưu ý ở đây là trong các sớ giải Hán tạng, thường không quan tâm đến nguyên gốc Sanskrit của từ Quán Tự Tại là gì, dẫn đến xuất hiện một số giải thích về chữ Quán Tự Tại có nghĩa là quán sát tự do tự tại, quán chiếu một cách tự chủ thoải mái. Đó là giải thích theo cách chiết tự chữ Hán, chứ không phải theo ý nghĩa và cấu trúc ngữ pháp Sanskrit, bởi vì chữ īśvara là danh từ ở biến cách thứ nhất, nên phải được hiểu là: Đấng Chúa tể hay Bậc Thầy lão luyện (về sự quán sát), chứ không thể hiểu như động từ hay tính từ chỉ sự tự do thoải mái. So sánh với bản kinh Pháp hoa Tây Tạng, cũng thấy dịch là Spyan ras gzigs kyi dbang phyug: chúa tể của sự nhìn ngắm. 

Chữ īśvara, Huyền Tráng dịch là “Tự tại”, không hàm nghĩa tự chủ hay tư do, mà nó có sự liên hệ với cách dịch của chữ Đại Tự Tại Thiên (Maheśvara). Chữīśvara từ trong Vệ-đà và văn cổ Sanskrit, được quan niệm là đấng có quyền năng, quyền lực, tức chỉ cho một hữu thể tối thượng, một linh hồn tối cao tồn tại như là một tự ngã (ātman). Về sau này, Maheśvara được giải thích là đấng chúa tể của thế giới. Vì vậy, chữ Īśvara trong Avalokiteśvara hay chữ Tự tại trong Quán Tự Tại cũng có nghĩa là chúa tể, nhưng không hàm nghĩa Đấng ngự trị thế giới như Đại Tự Tại Thiên, mà là chúa tể về sự chiêm nghiệm những phiền não của tự thân để diệt trừ và quán sát những nỗi khổ niềm đau của chúng sinh để đồng hành và đưa họ vượt qua giai đoạn hiểm nghèo của cuộc đời, thực hành như vậy gọi là đấng viên mãn Bồ-đề hành và Bồ-đề nguyện, thành tựu chánh trí Bồ-đề tâm, như thế được mệnh danh là Chúa tể của sự quán sát. 
 

8523022023_4e0fd6ae69_b.jpg


Tiết 2- Danh hiệu Quán Thế Âm 

Trong Đại đường Tây Vực ký, Ngài Huyền Tráng căn cứ trên gốc Sanskrit Avalokiteśvara, để phủ định cách dịch Avalokiteśvara thành chữ Quán Thế Âm điều này là hoàn toàn có lý. Nhưng để nói chữ Quán Thế Âm là một chữ ngụy tạo, hay không có nguồn từ Sanskrit thì cách nói này không chính xác. 

Theo như báo cáo Mironov’s readings from Central Asian msscủa Nalinakṣa Dutt17, thì tả bản cổ Quán Thế Âm Bồ-tát phổ môn phẩm được phát hiện ở Tân cương ghi là Avalokitasvara. Từ này có thể dịch sát là Quán Âm, nghĩa là âm thanh (svara) được quán sát. 

Nhưng trong bản dịch Pháp hoa của Cưu-ma-la-thập, danh hiệu này được dịch là Quán Thế Âm. Có thể đó là dịch ý từ đoạn văn sau đây trong phẩm Phổ môn, bản dịch của La Thập: 

“若有無量百千萬億眾生受諸苦惱. 聞是觀世音菩薩. 一心稱名. 觀世音菩薩即時觀其音聲皆得解脫”.18 

“Nếu có vô lượng trăm nghìn các chúng sinh chịu đựng các thứ khổ não, khi nghe đến Quán Thế Âm Bồ-tát này, nhất tâm xưng danh, Quán Thế Âm Bồ-tát tức thì quán âm thanh ấy mà đều được giải thoát.”19 

Đoạn này, trong bản Sanskrit kinhSaddharmapuṇḍarīka hiện còn, đọc như sau: 

yāvantisat tvakoṭīnayutaśatasahasrāṇi yāni duḥkhāni pratyuanubhavanti, tāni sacedavalokiteśvarasya bodhisattvasya mahāsattvasya nāmadheyaṃ śṛṇuyuḥ, te sarve tasmādduḥkhaskandhād parimucyeran20

“Nếu có hàng trăm nghìn, hàng trăm triệu, hàng trăm tỷ chúng sinh chịu đựng các thứ khổ não, nếu chúng sinh nghe được danh hiệu của Bồ-tát Avalokiteśvara, tất cả chúng sinh do đó được giải thoát khỏi khối lớn đau khổ”. 

So sánh hai bản Sanskrit và Hán trên, chúng ta thấy trong bản Sanskrit không có từ nào ám chỉ sự “Quán sát âm thanh của thế gian”rõ ràng như bản Hán của La-thập. 

Các giải thích Trung Quốc, tiêu biểu như Pháp hoa văn cú 10, Pháp hoa nghĩa sớ 12 (Cát Tạng), Hoa nghiêm thám huyền ký 19, Pháp hoa huyền tán 10 (phần cuối) đều căn cứ trên quan điểm truyền thừa bởi La-thập. Tựu trung các sớ giải Pháp-hoa Hán tạng, thường giải thích Quán Thế Âm có hai nghĩa: 

- Đối với dụng công tu tập: Trong sáu giác quan, Ngài dùng thính giác để tu tập, lắng nghe tất cả âm thanh của thế gian, nhưng không khởi lên cấu trúc sai lầm (hư vọng phân biệt), không bị âm thanh của thế gian làm tháo động, lại còn có năng lực lắng nghe thể tính cá biệt của chính mình, thuật ngữ chuyên môn gọi là: “phản văn, văn tự tánh”, thành tựu nhĩ căn viên thông, vì vậy, gọi là Quán Thế Âm. 

- Đối với tùy duyên hóa độ: Đại sĩ vì đã thể chứng phẩm tính Đại bi, nên đối với hết thảy chúng sanh Ngài trải tình yêu phổ quát đến họ. Bất cứ ai, trong cơn khổ đau, chết chóc nguy khốn mà nhất tâm tôn kính hoặc hành trì danh hiệu của Ngài, thì Ngài sẽ làm nơi nương tựa cho các chúng sinh ấy như vầng nhật nguyệt phá tan hắc ám, Ngài luôn trụ nơi bản nguyện đại bi, tùy thuận duyên sinh-nghiệp quả, để cứu thoát chúng sinh trong đêm dài sinh tử, nên gọi là Quán Thế Âm. 

Vậy thì, danh hiệu chỉ danh hiệu Quán Thế Âm cũng biểu hiện rõ ràng hành vi - nguyện lực của Ngài. 

Tiết 3- Quang Thế Âm, Khuy Âm, Hiện Âm Thanh 

Về nguồn gốc cách dịch là Quang Thế Âm (光世音) của ngài Trúc Pháp Hộ trong kinh Chánh pháp hoa 10: 

此族姓子,若有眾生,遭億百千姟困厄患難苦毒無量,適聞光世音菩薩名者,輒得解脫無有眾惱,故名光世音.若有持名執在心懷,設遇大火然其山野,燒百草木叢林屋宅,身墮火中,得聞光世音名. 

“Này người con trai dòng tộc cao quý! Hàng trăm ngàn vạn ức chúng sinh chịu vô lượng khốn khổ, ách nạn, tai họa, khó khăn, nguy hiểm mà lại nghe được danh hiệu của Đức Quang Thế Âm Bồ-tát, liền được giải thoát khỏi không còn khổ não cho nên gọi là Quang Thế Âm.”21 

Danh hiệu Quang Thế Âm trong đoạn cho kinh trên cho thấy nguyên văn tiếng Sanskrit của danh hiệu này ở đây được đọc là Abhālokasvara hoặc Abhālokitasvara, hoặc Abhālokiteśvara, trong đó từ đồng ngữ ava: dưới thấp, chung quanh được gọi là abhā: ánh sáng. 

Những dịch nghĩa khác như Khuy âm: Âm thanh được liếc nhìn đến và Hiện âm thanh: âm thanh được thấy, đều cho thấy rõ ràng nguyên tiếng Sanskrit là Avalokitasvara. 

Khi kinh Thủ lăng nghiêm giới thiệu công hạnh tu chứng của Ngài do tu tập nhĩ căn viên thông, chứng tỏ danh hiệu của Ngài được còn được đọc là Avalokitasvara thay vì Avalokiteśvara22. 

Tiết 4- Thí vô úy giả 

Bồ-tát Quán Tự Tại, còn được tôn xưng là vị ban cho sự an ninh, không sợ hãi, là nơi trú ẩn an ổn. Chữ Hán Thí vô úy giả (施無畏者) là dịch ngữ của từ Sanskrit Abhayaṃdadahay Abhayaṃdāna. Tây Tạng gọi là Mi hjigs sbyin. Hán phiên âm là A-bà-diễn-đà-đà (阿婆演駄駄), A-ba-diên-đà-noa (阿波延陀拏), A-bội-diên-na-na (阿佩延娜娜). 

Danh hiệu này được tìm thấy trong kinh Saddharmapuṇḍarīka, phẩm 24. Samantamukha chép: 

eṣa kulaputra avalokiteśvaro bodhisattvo mahāsattvo bhītānāṃ sattvānāmabhayaṃ dadāti | anena kāraṇena abhayaṃdada iti saṃjñāyate iha sahāyāṃ lokadhātau.23 

“Này người con trai của gia đình hiền thiện, vị Bồ-tát Đại sĩ Avalokiteśvara ấy ban sự an ninh đến cho các chúng sinh đang lo lắng, do đó trong thế giới Sa-ha này, vị ấy được gọi là Đấng ban cho an ninh”. 

Kinh Diệu pháp liên hoa 7, phẩm 25 -Phổ môn, bản dịch chữ Hán của La Thập: 

是觀世音菩薩摩訶薩. 於怖畏急難之中能施無畏. 是故此娑婆世界. 皆號之為施無畏者24. “Trong nỗi kinh hoàng, trong cơn nguy cấp, trong sự hoạn nạn, Quan Âm đại sĩ có thể cho người sự không sợ hãi, nên thế giới hệ Kham nhẫn này ai cũng tôn xưng là Người cho sự không sợ”25

Chữ abhayaṃ: không chỉ là vô úy (無畏): không sợ hãi theo như Hán dịch, mà còn có nghĩa là sự an ninh, sự an ổn, nơi trú ẩn. Ban cho sự không sợ hãi và an ninh, không chỉ về thể chất mà còn cả tinh thần, giúp họ vượt qua những rủi ro nguy khốn, vì lẽ “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo tác…”, có như thế mới xứng đáng được gọi bậc đã tác thành phẩm chất Abhayaṃdada. 

Vì vậy, Ngài được tôn xưng là “Thí vô úy giả” là từ nơi bản nguyện độ sinh mà thiết lập danh hiệu, từ nơi phẩm tính mà thành tựu danh xưng. 
 

Phước Nguyên 

_______________

(1) Chương 1 này trích từ tác phẩm Đại sĩ Avalokiteśvara vị toàn diện và các biến thể, Phước Nguyên. 
(2) G.P. Malalasekera,Encyclopaedia of Buddhism(1961). [Colombo]: Government of Ceylon, vol. ii,p.407.DOI: 10.1017/S0041977X00064107. 
(3) Mircea Eliade, The Encyclopedia of Religion (1987). New York: Macmillan; London: Collier Macmillan,vol. ii,tr.11ff. 
(4) Har Dayal,The Bodhisattva Doctrine in Buddhist Sanskrit Literature. (1932). London: Kegan Paul, Trench, Trübner & Co., Ltd., p. 47. DOI: 10.1017/S0035869X00154061. 
(5) Ibib., tr. 48. 
(6) Kenneth K.S.Ch’en, Buddhism in China (1964), Princeton University Press, New Jersey, USA, tr.346. 
(7) Sir Charles Eliot,Hinduism and Buddhism: an historical sketch (1971),Vol.ii, Routledge & Kegan Paul, LTD, London, p.13.
(8) Thomas Edward J.,History of Buddhist Thought (1934), London: Kegan Paul, Trench, Trübner and Co., p. 189, DOI: https://doi.org/10.1017/S0041977X00138509. 
(9) Xem tiết 2. Danh hiệu Quán Thế Âm, bên dưới. 
(10) T09n0263, tr. 0128c27. 
(11) T08n0251, tr. 0848c07. 
(12) T09n0262, tr. 0056c04. 
(13) T16n0675, tr. 0680a19. (14) T20n1113B, tr. 0498c07. 
(15) T19n1011, tr. 0680b13. 
(16) T51n2087, tr. 0883b22ff. 
(17) Nalinakṣa Dutt, Saddharmapundarikasutram, N.D. Mironov’s readings from Central Asian mss (1953), tr. 286. 
(18) T09n0262, tr. 0056c05. 
(19) Trưởng lão Trí Quang dịch: “Đức Thế Tôn dạy Bồ-tát Vô Tận Ý, thiện nam tử, vô số chúng sinh bị mọi sự đau khổ, nghe nói đến Quan Âm đại sĩ mà một lòng trì niệm danh hiệu của Ngài, thì đại sĩ tức khắc nghe thấy âm thanh ấy và họ được thoát cả.” trích Pháp hoa tập 2 (1994), tr. 898-899. 
(20) Saddhp, tr. 250. 
(21) T09n0263, tr. 0128c24 
(22) Cf. T19n0945, 0128b15 ff. 
(23) Saddh., tr. 252. 
(24) T09n0262, tr. 0057b22. 
(25) Trưởng lão Trí Quang dịch, Pháp hoa tập 2 (1994), tr. 908.

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin