Chi tiết tin tức 62 tà kiến trong tương quan so sánh với triết học hiện đại 08:31:00 - 17/10/2022
(PGNĐ) - Giáo lý của đức Phật gọi chung là Pháp đều vì mục đích giáo dục mang tính cấp thiết giúp chúng sinh thoát khổ được vui. Đó là những luận điểm chính yếu về giá trị nhân bản cao tột của đạo Phật.
I. DẪN NHẬPGiáo lý của đức Phật gọi chung là Pháp đều vì mục đích giáo dục mang tính cấp thiết giúp chúng sinh thoát khổ được vui. Đó là những luận điểm chính yếu về giá trị nhân bản cao tột của đạo Phật. Đức Phật thiết thực đến độ không màng khi bàn tới những vấn đề siêu nhiên, chỉ duy nhất cảm thương đến các sự khổ đang đè nặng chúng sinh ngay trong đời sống thường nhật. Đức Phật thấy rõ, chúng sinh vì quẩn quanh với bao mối tham dục, phiền não không có lối thoát, và chính vì những dị biệt của chúng sinh trong tâm tính mà có sự sai khác trong việc chỉ dạy đường lối tu tập, đem lại giải thoát cũng từ đó mà tùy duyên khế hợp. Để các đệ tử đều có được sự hiểu biết, phân biệt sâu sắc về sự tu tập, kiến giải chân chính, thông qua bài kinh Phạm Võng (Brahmajāla Sutta) trong Trường Bộ kinh (Dīgha Nikāya), đức Phật đã phân giải rõ ràng về sáu hai phái ngoại đạo, nhằm tạo cơ hội cho hàng đệ tử nhìn nhận lại con đường đã chọn và định hướng cho sự giải thoát. NỘI DUNG1. Giới thiệu khái quát Tạng kinh NiakayaKinh tạng được kết tập lại gồm những bài thuyết giảng của đức Phật trong suốt khoảng thời gian giáo hóa của Ngài. Đó là các bài kinh dài ngắn khác nhau cho chư Tỳ kheo trong việc thực hành đời sống phạm hạnh, lại cũng có những bài pháp liên quan tới đời sống vật chất và tinh thần của cư sĩ. Những bài kinh chính do Phật thuyết được truyền miệng ghi nhớ trong đầu, sau đó cùng với thời gian, trải qua các kỳ kết tập như những tràng hoa dùng dây chỉ để kết lại. Nikaya là tạng kinh nguyên thủy, là những bài kinh căn bản của Phật giáo trong thời kỳ đầu. Nên Phật giáo giai đoạn này gọi là Phật giáo nguyên thủy (tức nguyên sơ đầu tiên vậy). Ý nghĩa bộ kinh truyền thống này mang tính xác thực kể từ thời Phật tại thế, truyền tải bức thông điệp giải thoát (đầu tiên) mà đức Phật đã tuyên thuyết sau khi thành đạo chính đẳng giác. Sau này, các đệ tử đức Phật đã tập hợp, xâu kết lời dạy của Thế tôn qua các kỳ kết tập và đây cũng chính là nguồn gốc Kinh tạng Nikaya. Kết tập lần thứ nhất: Chín mươi ngày sau khi đức Phật nhập diệt, Tôn giả Kassapa chủ trì cuộc kết tập với sự tham gia của năm trăm vị A La Hán tại hang Sattapanni, thành Rajagada, với sự phát tâm cúng dường của vua Ajātasattu. Tôn giả A Nanda trùng tuyên lại những lời Phật dạy, đó là tiền đề hình thành 5 bộ Nikaya về sau. Kỳ kết tập lần thứ hai: Một trăm năm sau khi Phật nhập niết bàn, do sự bất đồng về giới luật, một nghìn vị Tỳ kheo được thỉnh về tham dự kỳ kết tập tại thành Vesali do Tôn giả Tissa làm thượng thủ, tăng đoàn bắt đầu phân chia thành (thượng tọa bộ) Theravada và (đại chúng bộ) Mahasanghita. Kỳ kết tập lần ba: Sau thời gian đức Phật nhập diệt khoảng 236 năm, vào thời đại vua Asoka, tổ chức kỳ kết tập kinh điển tại Pataliputta do Tôn giả Yassa làm chủ tọa. Từ hai bộ phái chính chia thành hai mươi bộ phái Phật giáo. Thượng tọa bộ còn gọi là Phân biệt thuyết bộ được Vua ủng hộ mạnh mẽ và chia ra có phái (Đồng diệp bộ) Tambapaṇṇīya và Chính đồng diệp bộ đã kết tập 5 bộ Nikaya. Kết tập kinh điển lần thứ tư: Cách Phật nhập diệt khoảng 400 năm, vào thời vua Vattagamani đã bảo trợ cho kỳ kết tập này, tại hang Aloka thuộc vùng Matale do Trưởng lão Maha Dhamma Rakkhita làm thượng thủ, chú thích kinh, luật, luận bằng chữ viết. Trải qua các kỳ kết tập kinh điển, có thể nói kinh tạng Nikaya được truyền tụng ngay trong kỳ kết tập thứ nhất và từ kỳ kết tập hai trở về sau được trùng tuyên và chính thức thành lập tức khoảng thế kỷ thứ III. Kinh điển Thượng tọa bộ là 5 tạng Nikaya, Trường bộ kinh (Digha – Nikaya) gồm ba mươi bốn bài pháp dài, Trung bộ kinh (Majhima – Nikaya) gồm 152 bài pháp thoại (vừa, không dài không ngắn) bậc trung, Tương ưng bộ kinh (Samyutta – Nikaya) bao gồm 2858 bài pháp thoại có nội dung gần tương tự nhau, Tăng chi bộ kinh (Angttara – Nikaya) là 9557 bài pháp được sắp xếp theo số tăng dần, Tiểu bộ kinh (Khuddaka – Nikaya) có 15 tập như kinh Tiểu tụng (Khuddaka Patha), Pháp cú (Dhammapada), Cảm hứng ngữ, Phật tự thuyết (Udana), Phật thuyết như vậy (Itivuttaka), Kinh tập (Suttanipata), Chuyện thiên cung (Vimanavatthu), Chuyện ngạ quỷ (Petavatthu), Trưởng lão tăng kệ (Theragatha), Trưởng lão ni kệ (Therigatha), Bổn sinh (Jataka), Nghĩa tích (Nidesa), Vô ngại giải đạo (Patisambhidamagga), Sự nghiệp anh hùng (Apadana), Phật sử (Buddhavamsa), Sở hạnh tạng (Cariya pitaka) được chép bằng ngôn ngữ Ấn độ cổ đại (Pali). Năm bộ Nikaya chủ yếu ở Việt Nam do cố Hòa thượng Minh Châu dịch từ bản gốc Pali sang tiếng Việt, hiệu đính và xuất bản. 2. Khái quát nội dung quan điểm của các phái ngoại đạo trong kinh Phạm VõngKinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya) là một trong 5 bộ Nikaya của phái Đồng Diệp Bộ thuộc hệ Nam truyền Pāḷi tạng, tương đương với kinh Trường A Hàm của bộ Bắc truyền Hán tạng. Trường Bộ kinh bao gồm 34 bài kinh, nội dung chủ yếu làm rõ quan điểm dị biệt giữa đức Phật và các trường phái triết học ở Ấn Độ lúc bấy giờ. Kinh Phạm Võng là bài kinh đầu tiên nói về các loại tà kiến của Trường Bộ kinh nên chắc chắn có ý nhĩa không nhỏ bởi việc sắp xếp kinh tạng của các nhà biên tập hẳn có chủ đích. Như Trung Bộ có kinh Căn bản pháp môn, Tương ưng có kinh Vượt bộc lưu, Tăng chi có kinh Tứ thực. Nếu để ý sẽ thấy dụng ý của chư vị kết tập không theo thời gian đức Phật giáo hóa, dạy bảo thay vào đó là căn cứ ở sự dài, ngắn, nội dung tương tự mà chia ra các bộ kinh Trường, Trung, Tương ưng…hoàn toàn có sự khác biệt so với kinh điển Bắc tông. Nội dung kinh “Này Ànanda, pháp môn này gọi là “Lợi Võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Pháp Võng”, hãy như vậy mà phùng trì; gọi là “Phạm Võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Kiến Võng”, hãy như vậy mà phụng trì; gọi là “Vô thượng Chiến thắng”, hãy như vậy mà phụng trì”[1]. (Evaṃ vutte āyasmā ānando bhagavantaṃ etadavoca – ‘‘acchariyaṃ, bhante, abbhutaṃ, bhante, ko nāmo ayaṃ, bhante, dhammapariyāyo’’ti? ‘‘Tasmātiha tvam, ānanda, imaṃ dhammapariyāyaṃ atthajālantipi naṃ dhārehi, dhammajālantipi naṃ dhārehi, brahmajālantipi naṃ dhārehi, diṭṭhijālantipi naṃ dhārehi, anuttaro saṅgāmavijayotipi naṃ dhārehī’’ti. Idamavoca bhagavā) bao hàm nhiều vấn đề, bài viết phân tích về 62 tà kiến trong kinh nhằm làm sáng tỏ về xã hội Ấn Độ thời Phật tại thế và những nội hàm Lời Phật dạy. Đáp ứng nhu cầu nghiên cứu lịch sử, triết học, giáo dục, xã hội, văn hóa… của người đời sau cũng như dẫn lối cho hành giả muốn tu tập biền biệt về đạo giải thoát. 62 tà kiến cần được phân loại thành hai nhóm chính là 55 quan điểm thuộc về chủ thuyết thường kiến (Sassataditthi) và bảy quan điểm thuộc về chủ thuyết đoạn kiến (Ucchedaditthi)[2] Đoạn kiến “ngược lại với hữu kiến, phủ định nhân quả, chủ trương không có quả báo thiện ác, chết là hết”[3] có ba trường hợp: – Vô nhân kiến (Ahetukaditthi): cho rằng mọi thứ ngẫu nhiên mà có, không do nhân quả gì hết. Đây là một loại tà kiến khi nói mọi sự là ngẫu nhiên bởi mỗi mỗi sự vật, hiện tượng có mặt đều hội tụ nhiều nhân khác nhau. Như nước mắt, nụ cười, đau khổ, hay đến cọng cỏ, con sâu, cái kiến… đều có nhân quả rõ ràng. – Vô hành kiến (Akiriyaditthi): cho rằng thiện ác giống hệt nhau, có thể sống theo ý thích, không cần sợ hãi. Suy nghĩ về thiện ác đánh đồng như nhau này, rồi nói cái tôi thích thì là thiện và cái tôi không thích thì là ác rồi không cần làm lành, lánh dữ cũng được gọi là một tà kiến. Đây là sự suy diễn hoàn toàn trên ngã. – Vô hữu kiến (Natthikaditthi): cho rằng những gì không thể chứng minh được, không thấy, biết được thì không có thật, như các vấn đề luân hồi, tái sinh, sự hiện hữu của thánh nhân, các loài khuất mặt. Nếu cho rằng mọi sự vật, hiện tượng không thấy là không có thì suy nghĩ và các phát hiện liệu có ích gì? Trước đây, khi khoa học chưa phát triển con người biết rất ít về sao hỏa, sao kim…Nay khoa học đã cung cấp nhiều dữ kiện hơn. Vậy nếu căn cứ vào cái không biết, chưa biết để khẳng định thì rõ ràng có sự sai biệt. Hay các tranh luận xung quanh “thân trung ấm”, có hay không? Nếu không có thì cái gì đưa đến sự hiện hữu của một con người. Thường kiến “nghĩa là chấp rằng khi chết rồi, cái Ta vẫn tồn tại mãi: người chết sẽ sinh ra người, thú chết sẽ trở lại thú, thánh nhân chết trở lại làm thánh nhân. Do sự chấp ấy, họ cho rằng tu cũng vậy, không tu cũng vậy, nên không sợ tội ác, không thích làm thiện. Lối chấp này, đạo Phật gọi là Thường kiến ngoại đạo”[4]. Gồm ba trường hợp tiêu biểu: tin vào một cái tôi vĩnh cửa, tin vào Đấng tối thượng toàn quyền sinh sát, tin vào một cứu cánh có khả năng cứu rỗi ngược lại với lý nhân quả. Nếu không biết giáo lý của đức Phật, hẳn sẽ có vô số lý do để phát sinh tà kiến: – Do học từ người khác: bản thân đã thấy đời là khổ rồi lại tìm thầy, bà chỉ lối, tìm hiểu thông tin không rõ nguồn gốc rồi thấy hợp với mình thì theo. Con người luôn có xu hướng dựa dẫm thay vì tự mình làm chỗ “nương tựa cho chính mình”[5], nên có việc tìm bạn, tìm bè, tìm người hợp tâm tính, xoa dịu bản ngã. Với lối tự kỷ ám thị đó mà tự mình khó thoát ra khỏi vòng xoáy đau khổ. – Do tự mình suy diễn lý luận: dựa vào nền tảng nhận thức, lý luận, kinh nghiệm, cảm xúc, học thức, tự mình phân tích tổng hợp, đánh giá rồi đưa ra kết quả suy luận. Mọi nền tảng suy luận, phân tích dù là thuộc lãnh vực nghiên cứu hay tu học thì đều được đặt trên lý Duyên khởi, Tứ đế còn ngược lại sẽ rơi vào tà kiến khó có thể tự mình ra khỏi. – Do dựa vào sở chứng có thật của bản thân: thiền định và thần thông là kết quả tất nhiên của việc tu tập, cũng mang lại kết quả khinh an, không còn ham thích năm dục, hôn trầm lười biếng rồi tự mình suy diễn cho lý luận riêng mình. “Này các Tỳ kheo, giống như con chó bị cột vào trụ. Khi sợi dây chưa bứt, nó lâu dài đi quanh cây trụ, chuyển động luân hồi. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, vì chúng sinh ngu si không biết như thật về sắc, về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly của sắc, nên mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo sắc. Cũng vậy, nếu không biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; về sự tập khởi của thọ, tưởng, hành, thức; về sự diệt tận của thọ, tưởng, hành, thức; về vị ngọt của thọ, tưởng, hành, thức; về sự tai hại của thọ, tưởng, hành, thức; về sự xuất ly của thọ, tưởng, hành, thức, thì sẽ mãi mãi bị xoay vần qua lại, bị chuyển vần theo thọ, tưởng, hành, thức”[6]. Cũng vậy, người tu hành chưa giác ngộ Tứ đế nghĩa là chưa thấy được Duyên khởi, chưa rốt ráo lý nhân quả sẽ vội vàng suy diễn hay khoe bày sự thấy biết của mình. Cuối bài kinh đức Thế Tôn đã tự mình xác quyết về Jāla bao trùm toàn bộ không sót những tà kiến phàm phu của chúng sinh trong thế giới. Cũng như thế, nếu chưa tường tri về Duyên khởi thì đều gọn trong lưới 62 tà kiến và quả chính kiến cũng ở tùy mức tương đối hay tuyệt đối trong mối tương quan với nhân tà kiến tương đối hay tuyệt đối. 3. So sánh tư tưởng 62 tà kiến với triết học phương tâyTriết học phương Đông là chỉ cho triết học các nước Châu Á, các nền văn minh trên lưu vực sông Ganga, sông Nin và sông Hoàng Hà. Triết học phương Tây lại chủ yếu chỉ nền triết học của các nước Tây Âu như Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha… Đặc thù của nền minh triết này do khác nhau về xã hội, cách tiếp cận, tính chất, mục đích, đối tượng, trí tuệ, tri thức, mối quan hệ chủ thể và khách thể, công cụ, biện chứng, phương pháp nhận thức, con đường đi đến chân lý, nên đối với những nhà nghiên cứu vẫn tham chiếu những nét đại thể, căn bản để tìm ra một vài ý khác biệt. Triết học phương Tây đi từ trừu tượng đến cụ thể thì phương Đông lại từ cụ thể đến trừu tượng. Các nhà triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại thường đi từ những yếu tố đầu tiên hình thành trên thế giới như nước, lửa, không khí, nguyên tử thì Phương Đông đại diện là đức Phật luôn đặt vấn đề con người làm trung tâm, những vấn đề siêu nhiên huyền bí không phải là mục tiêu chính, Vì trong xã hội, con người đang đau khổ là việc cấp bách tìm ra lối thoát khổ như người bị trúng mũi tên độc cần được nhổ tên ra và băng bó thay vì nằm thở rồi hỏi tên tuổi người bắn mũi tên, chưa biết thỏa mãn nguồn cơn thì đã xong một đời. Nếu triết học phương Đông thường gắn liền với tôn giáo như triết học Ấn Độ, gắn với đạo đức, chính trị, xã hội như triết học Trung Quốc thì triết học phương Tây lại gắn liền với những thành tựu, phát triển khoa học. Mục đích hướng tới của triết học phương Đông là ổn định xã hội thì phương Tây lại có khuynh hướng bên ngoài, về lý luận giải thích, cải tạo thế giới…Điểm qua vài nét tiêu biểu của nền triết học phương Tây thì có một vài triết gia nổi tiếng như: Francis Bacon (1561 – 1626), một nhà triết học của nước Anh. Theo đánh giá của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác thì Bacon là “ông tổ thực sự của chủ nghĩa duy vật Anh và của khoa học thực nghiệm hiện đại”. Bacon cho rằng “tri thức được hình thành từ hai nguồn gốc, là từ sự gợi ý của Thượng đế và từ sự cảm quan của con người mang lại. Vì vậy có thần học và triết học. Đối tượng của thần học là Thượng đế, điểm đến của đức tin…”[7]. John Locke (1632 – 1704) sinh trưởng trong một gia đình luật sư tỉnh lẻ ở Tây Nam nước Anh. “Lý luận nhận thức của Locke là sự tiếp tục quan điểm của Bacon, nguồn gốc của tri thức là từ kinh nghiệm. Khi bàn về đạo đức ông cho rằng không có thiện và cái ác bẩm sinh, là những cái rút ra từ kinh nghiệm sống hàng ngày. Cái thiện là cái làm cho chúng ta sung sướng, ngược lại cái ác làm cho con người đau khổ”[8]. Trong kinh văn khi bàn về các tà kiến có đoạn trích: “Tất cả những vị này có những cảm thọ (những chủ trương trên) do sự xúc chạm qua sáu xúc xứ. Do duyên với những cảm thọ mà tham ái phát khởi; do duyên tham ái, thủ phát khởi; do duyên thủ, hữu phát khởi; do duyên hữu, sinh phát khởi, do duyên sinh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não phát khởi. Này các Tỳ kheo, khi Tỳ kheo như thật biết sự tập khởi, sự diệt trừ, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của sáu chỗ xuất xứ, vị ấy sẽ có một sự hiểu biết vượt ra ngoài những điều trên”. Bằng phương pháp so sánh cho thấy, quan niệm của các nhà triết học phương Tây cũng nằm trong phạm vi 62 tà kiến “Chủ trương ấy là kinh nghiệm cá nhân, là sự không biết, không thấy, sự cảm thọ của những Sa-môn, Bà-la-môn, là sự kích thích, dao động, xuyên tạc của những vị bị tham ái chi phối”.Phật dạy: “Này Tapassī, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được”[9]. Rene Descartes (1596 – 1650), các nhà tư tưởng phương Tây xác định rằng ông đã khai sinh ra một nền triết học mới mà Kant là người hoàn tất. Sinh ở thị trấn La Haye xứ Tourauine, thuộc miền Nam nước Pháp trong một gia đình dòng dõi quý tộc nhiều đời. Ngoài mảng triết học thì tên tuổi của ông gắn liền với vật lý học, sinh vật học, toán học và ông đã có những đóng góp quan trọng vào các lĩnh vực này. “Xét về khía cạnh bản thể luận, siêu hình học là học thuyết giải thích về căn nguyên của Thượng đế, giới tự nhiên và con người. Descartes dùng đến ba luận chứng trên tinh thần của Cogito để biện dẫn cho sự tồn tại của Thiên chúa: Thượng đế sinh ra từ ý niệm của con người nên biết Chúa là có thật, Thượng đế sự bảo chứng cho sự hiện hữu của một hữu thể khiếm khuyết tức là tôi là một hữu thể khiếm khuyết vì thế tôi không phải là hữu thể duy nhất đang hiện hữu và cần có một hữu thể hoàn hảo hơn, tôi lệ thuộc mọi thứ từ Ngài nên Thượng đế là có thật và Thượng đế là căn nguyên của mọi sự vật, hiện tượng”[10]. Qua một vài triết lý đại diện phương Tây, dù chỉ là ở một vài khía cạnh nhỏ, tuy không đủ bao quát hết hệ thống triết học, lý luận phương Tây nhưng cũng phần nào đó hiểu được tư tưởng có phân biệt Đông – Tây nhưng con người vẫn chung nguồn gốc. Gốc theo quan điểm Phật giáo là đều “khổ”, đều chịu chi phối của “nghiệp”, chính từ điểm chung đó mà giáo pháp đức Như Lai cũng có chung một giải pháp thoát khổ như khúc gỗ không bị kẹt vào hai bờ (62 tà kiến) trôi thẳng ra đại dương (niết bàn). Dù là 62 hay nhiều hơn thế nữa xuất hiện trước hay sau thời Phật ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này thì những tà kiến đó luôn căn cứ vào đấng Thượng Đế hay chính bản thân như một sự tựa nương mê muội, luôn tìm đến sự dựa dẫm, để che dấu sự hèn kém, sợ hãi, của số đông “đề xướng nhiều sở kiến sai khác tất cả những vị này đều bị bao trùm bởi lưới của sáu mươi hai luận chấp này, dầu chúng nhảy vọt lên, chúng vẫn bị hạn cuộc bao phủ ở nơi đây”. Tam tạng giáo điển của đức Thế Tôn đều đồng tuyên thuyết “ta chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Phàm nghiệp nào ta sẽ làm thiện hay ác, ta sẽ thừa tự nghiệp ấy”[11] (Kammassakomhi, kammadāyādo kammayoni kammabandhu kammapaṭisaraṇo. Yaṃ kammaṃ karissāmi – kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā – tassa dāyādo bhavissāmi). 4. Suy nghiệm bài kinh trong đời sống hàng ngàyBài kinh Phạm Võng với nội dung bàn về 62 tà kiến, người viết cho rằng cả hai khuynh hướng thường kiến và đoạn kiến đều thuộc về tâm lý, sợ hãi, lo được mất, không nhận thức về sự vô thường, có – không rồi vướng tâm nơi mọi pháp mà chấp trước, thủ hữu. Bài kinh cũng chính là chiếc gương soi tận gan, thấu tận ruột chúng sinh khi phơi bày những tà kiến phát khởi do nhiều duyên. 62 tà kiến có trong mỗi chúng sinh chỉ là thiên hướng sai khác, mỗi chúng sinh lại là đại diện cho một nhóm người mà thành xã hội, thế giới đầy những bức tường cố hữu mê mờ, cứ thế kiến tạo thành giai cấp, sự bất bình đẳng, đau khổ, luân hồi, nhân tà kiến đem đến quả tà kiến, thất niệm, vô minh. Từ bài học này, ở bất cứ vị trí và tu sĩ hay cư sĩ thì việc dùng Văn – Tư – Tu ở bước đầu trước khi chạm vào bậc thềm cửa đạo là cần yếu. Học – hành về Tứ Đế “Các Tỳ kheo, đối Tứ đế này, thật có, chẳng hư dối, là lời của Thế Tôn nên gọi là Ðế. Trong các chúng sinh hai chân, ba chân, bốn chân, ở cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, hữu tưỏng, vô tưởng, Như Lai là tối thượng, đã thành tựu Tứ đế này, nên gọi là Tứ đế. Như vậy, này các Tỳ-kheo, có Tứ đế này mà không hay biết thì ở mãi trong năm đường sinh tử luân hồi. Nay Ta đã được Tứ đế này, từ bờ này đến bờ kia, thành tựu nghĩa này, cắt đứt cội gốc sinh tử, chẳng thọ thân sau nữa, như thật mà biết”[12]. Giáo Lý Duyên khởi cũng vô cùng cấp thiết nhưng không phải một sớm chiều hay coi đó như khung cửa để bước qua. Hành giả trải qua mỗi giai đoạn tu tập thì sự hiểu biết trong nhận thức và thực hành lại hoàn toàn khác nhau nhưng lại trực thuộc đồng thời “tri hành hợp nhất”, song song không tách rời. Thật đúng nếu như thấu đạt lý “nguyên lý duyên khởi? Nghĩa là cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh; đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên lão tử, phát sinh sầu đau, khổ, ưu, não. Đó là toàn bộ tập hợp khổ. Như vậy gọi là ý nghĩa của nguyên lý duyên khởi”[13] (imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati, imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati). Những lời đức Phật dạy trong suốt thời gian tại thế có thể nói là xuyên suốt một tư tưởng và giữ nguyên mục đích ban sơ là “Lành thay, Lành thay! Này Anuràdha. Trước đây và hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[14] (Sādhu sādhu, anurādha! Pubbe cāhaṃ, anurādha, etarahi ca dukkhañceva paññāpemi dukkhassa ca nirodhaṃ). Trong xã hội hiện đại, con người sống phụ thuộc tới mức nô lệ vào khoa học hiện đại, đắm mình trong những trò chơi ảo mà coi là thật, lòng tin của con người thì được nhân danh tình yêu thương, hạnh phúc hay bình đẳng nhưng thực tế là lợi dụng nhau mà lừa lọc, biết bao những thứ khuynh đảo toàn bộ nếp sống truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Suy ra cũng bởi tham lam, dục vọng của con người mà không màng nhân quả, khổ đau. Thông qua bài kinh về nội dung kiến chấp của các ngoại phái đã cho người viết tìm ra được giải đáp các vấn đề trong xã hội. Cái con người tìm kiếm như tự do, hạnh phúc, bình đẳng đều trái ngược với nhân đang gieo trồng, thứ mà con người cứ mải lao theo như mật ngọt dễ làm cho đứt lưỡi, lòng tham thì không dừng mà “hằng số an lạc chỉ có một”. Có chăng thì những giáo phái sáu hai kiến này vẫn âm thầm len lỏi khắp, trong từng ngõ ngách tâm thức u mê của con người từ Đông sang Tây, từ Nam đến Bắc. Thời điểm hiện nay trong nguy cơ biến thể covid đang hoành hành đe dọa sự sống con người trên trái đất, hi vọng có thể khiến người người đang mê lạc dưới chân Thần tạo hóa sớm tỉnh ra mà rõ biết ai có thể cứu ta dưới lưỡi hái thần chết. Góc nhìn của con người vô cùng hạn hẹp tới mức cục bộ nhưng lại ôm mộng thấu tỏ vũ trụ khiến sự chênh lệch khó tìm được nhau, như lấy tư tưởng hạn hữu mà mộng ước cái thuộc về vô hạn. Tựu chung lại, y cứ theo lời dạy của đức Phật buông bỏ mọi duyên, nhắm mắt, xếp chân, lấy bốn xứ làm đề mục lựa chọn tu tập thì quả an vui ngay đó, đâu kiếm tìm xa. Cứ chân thực nhìn nhận ở tầm mức chính mình cũng đã đủ nhận ra xã hội, vũ trụ, triết học, tâm lý đều sinh khởi từ đâu và hiện hữu do đâu. Giống như an lạc ở ngay giờ phút này chứ không phải thỏa mãn những yêu cầu xa vời dù dưới chân là bùn lầy lấm chân rồi xưng danh người đi tìm hạnh phúc. III. KẾT LUẬNTừ thủa đầu hình thành thế giới, con người luôn hướng mắt tìm ra bên ngoài rồi tự lý giải vạn vật xoay quanh đấng sáng tạo và tự ngã bản thân. Con người vì tham vọng tột cùng mà nhân danh Thượng đế phân chia ra giai cấp như cùng ý nghĩa với Phạm thiên trong bối cảnh xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Tự kiến tạo giai cấp rồi vào một thời điểm lại nhân danh công lý mà chiến đấu đòi bình đẳng giai cấp. Muôn mặt đó của con người đều không ra ngoài kiến chấp 62 tà kiến mà trong kinh Phạm Võng, đức Phật đã đề cập. Nhưng cũng chỉ có đức Phật mới nhìn thế giới, con người qua một lăng kính hoàn toàn khác biệt, một cái nhìn tổng quát nhất như mẫu số chung cho con người là đau khổ và mong muốn thoát khổ. Dù có bao điều cần tìm hiểu thỏa mãn tính tò mò của con người qua bao thế hệ, bao lý luận triết học của các nhà triết gia nổi tiếng nhưng mấy ai chịu nhìn nhận chưa kịp tìm ra đáp án thì đã trải qua bốc mộ bao lần. Chỉ có đạo Phật mới đề cập tới sự bình đẳng như trăm sông đều chảy ra biển mà bỏ đi tên gọi riêng, không cần nương tựa Đấng toàn năng nào ngoài chính bản thân mình, chỉ cần y cứ nơi Pháp mà hướng tới giải thoát rốt ráo. Qua phần kiến chấp 62 tà kiến của ngoại đạo, đức Phật đã chỉ rõ cho đệ tử về con đường chính kiến bằng hình thức so sánh, giúp chúng sinh tháo gỡ mọi sự trói buộc trong suy nghĩ, tư tưởng. Từ đó, con người sẽ nhận chân được vị trí của mình, dần hoàn thiện đạo đức, phẩm hạnh của mỗi người. Nhận thức dù chỉ được manh nha từ ý nghĩ nhỏ của một cá nhân, ra cộng đồng thành những tập cộng nghiệp chung, lâu ngày huân tập lại tạo thành bức tường cố hữu, tai hại, có thể làm tan hoại một gia đình, một xã hội, một đất nước. Nên cần lắm một nền giáo dục khai phóng, nhân bản hướng thiện để xây dựng một xã hội có chính kiến, trí tuệ, góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh. Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác *** [1]HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ – 2013, 1. “Kinh Phạm Võng”, NxbTôn Giáo, Hà Nội, 2013, Tr 54. TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |