Chi tiết tin tức Ăn ít, uống ít, ngủ ít, nói ít 20:19:00 - 02/04/2017
(PGNĐ) - Đạo tràng Tường Vân đã trải qua 6 năm và 74 khóa tu Một ngày an lạc. Hôm nay, Phật tử tập hợp về tu đông là tín hiệu đáng mừng cho Phật giáo. Vì tất cả Phật tử khắp cả miền Nam theo đuổi một khóa tu qua suốt thời gian dài rất khó. Nhưng quý vị đã kiên nhẫn theo học nơi đạo tràng này là điều đáng khen ngợi.
Từ đầu, tôi đã nhắc thầy trụ trì nên giới hạn số người tu để tạo điều kiện an lạc, giải thoát cho Phật tử. Vì tâm an lạc đi theo thân giải thoát, nhưng đời sống vật chất thường đòi hỏi bức ngặt làm chúng ta khó giải thoát; đó là thực tế mà chúng ta phải công nhận. Thật vậy, chúng ta cần một không gian có đủ không khí sạch để nuôi dưỡng thân. Tấm lòng của quý vị có thể cao, nhưng không gian tu học lại quá hẹp. Thực sự mỗi người theo quy định ít nhất phải có 2 mét vuông mới thoải mái, nhưng ở đây số người tham dự khóa tu quá đông, chắc chắn là vấn đề nan giải. Ngày nay, các nước văn minh nghĩ rằng không gian sống cho mỗi người ít nhất là 10 mét vuông mới có không khí trong sạch để thở, chưa nói đến vấn đề vệ sinh cá nhân. Nhưng không gian của chùa Tường Vân chứa đến 4.000 người. Vì vậy, tôi nghĩ rằng quý vị cũng kiên nhẫn lắm mới tu được và hưởng được hương vị giải thoát trong đạo Phật.
Tâm an lạc và thân giải thoát là chủ trương của Đức Phật. Nếu tâm không an lạc, thân sẽ khó giải thoát và sanh ra bệnh hoạn, mệt mỏi thì tâm cũng không thể an lạc. Thân và tâm tác động hỗ tương qua lại. Tuy hiểu như vậy, nhưng do tấm lòng từ bi của thầy trụ trì không nỡ từ chối số Phật tử muốn tham dự khóa tu. Vì vậy, quý vị ráng tiếp tục kiên nhẫn để tu, vì đã qua được 6 năm và 74 mùa tu, chắc chắn sẽ trưởng thành trên đường tu học theo Phật. Nếu không chịu nổi thì người nào bệnh cũng đã bệnh rồi, người nào chết thì cũng chết rồi, người nào phiền não cũng đã bỏ đi. Những người còn lại tiếp tục tu chứng tỏ đã được an lạc là điều đáng mừng. Tôi xin gợi một số ý. Pháp môn tu của Phật, nếu đi theo chân thật môn thì không có môn. Nhưng theo phương tiện môn thì có nhiều cánh cửa vào đạo, thường gọi là 84.000 pháp môn để dung nhiếp tất cả phiền não, nghiệp chướng của chúng sanh. Nếu đi vào cửa phương tiện, quý vị phải mở rộng lòng để chấp nhận trần lao của các bạn đồng tu và xa hơn là xã hội chúng ta đang sống; nói chung là chúng ta chấp nhận chúng sanh thì phải chấp nhận nghiệp và phiền não của chúng sanh. Như vậy, quan trọng là phải hóa giải nghiệp và phiền não của bạn. Phật nói người thực tu và tu có kết quả tốt đẹp thì ai gần họ, tâm được an, mới thấy được hằng sa chư Phật. Và thấy Phật, chúng ta sẽ quên thân tứ đại ngũ uẩn của mình, tức phá được cái chấp ngũ uẩn thì tâm chúng ta mới mở rộng, thấy được Phật, đó là lộ trình của chúng ta đi lên. Đi vào chân thật môn, không phải ai cũng vào được, chỉ hàng thượng căn thượng trí mới vào cửa này được. Hàng thượng căn thượng trí có cơ thể đặc biệt, họ ăn cũng được, không ăn cũng khỏe, không uống nước cũng không sao, nghĩa là họ vượt trên người thường. Người thường phải uống 2 lít nước một ngày và thải ra 2 lít nước bẩn; cho nên xã hội chúng ta sống mỗi ngày bẩn thêm. Dù bên ngoài con người trang điểm đủ cách, nhưng theo cái nhìn của Thiền sư, bên trong con người đáng sợ thiệt, vì mỗi người là một thùng phân biết đi, một túi da đựng toàn ô uế. Thấy sự thật như vậy thì không còn ham muốn cái mà người ta thường say đắm gọi là sắc đẹp của thân xác này. Và nghe nói con người là thùng phân biết đi, thấy kỳ, nhưng thử nghĩ nếu không phải là thùng phân thì tại sao lại xả ra phân. Ăn thức ăn sạch, nhưng thải ra đồ bẩn, chúng sanh là như thế và ta thấy thêm rằng nghiệp có thiện nghiệp và ác nghiệp. Phật dạy nếu chúng ta vào phương tiện môn, đầu tiên phải phá ác nghiệp và tăng trưởng thiện nghiệp; nói cách khác, phải tịnh hóa thân tâm chúng ta. Người nào tịnh hóa tâm một phần sẽ bớt được một phần phiền não, trần lao, nghiệp chướng. Nhìn vô thực tế cuộc sống của họ thì biết được họ có tiến bộ hay không. Người tu có tiến bộ, sức khỏe sẽ tốt hơn, tức trần lao giảm, phiền não bớt thì nét mặt họ hân hoan hơn, không bực tức, không u sầu, dù sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vật chất mà quên khó khăn, được an lạc, giải thoát. Nếu không thực tập được pháp này, về đây tu mà than thở chật quá, nóng quá, khó thở quá, khó ăn quá… là đang sống với phiền não và từ đây tâm khó chịu tăng dần thì sẽ hiện ra nét mặt khó thương, không ai dám đến gần. Phải khẳng định rằng nếu ta tu được, mỗi ngày ta dễ thương hơn. Trái lại, tu sai, càng tu càng khó thương kéo theo thân bệnh hoạn. Căn tánh, căn tu thuộc bậc thượng là Bồ-tát. Thanh văn xếp vô hàng hạ căn. Bồ-tát hay hiện thân làm Thiên vương, Chuyển luân Thánh vương, tiểu vương để hộ đạo. Thân của các vị này có sức chịu đựng cao, tâm của họ cũng có sức chịu đựng, vì không chịu đựng được thì không thể sống nổi với người xung quanh, cho đến lãnh đạo họ. Trong lịch sử nước ta, Trần Hưng Đạo được tôn danh là Đức Thánh Trần, tức là Bồ-tát. Ông có tâm và cơ thể chịu đựng không ai bằng. Binh sĩ và người giỏi thương ông, hỗ trợ ông vì thân tâm ông phi thường. Sử sách ghi rằng khi đi hành quân tới sông sâu nước lớn, ông xuống ngựa lội qua trước và quân sĩ theo sau, thể hiện cơ thể ông khỏe đặc biệt. Và khi binh lính ăn đầy đủ, ông cũng chưa ăn cho thấy sức chịu đựng dẻo dai hơn người. Đối với người khó tánh, kỳ khôi nhất trong lịch sử, đặc biệt là hai tướng tài là Dã Tượng và Yết Kiêu đã rất nể phục Trần Hưng Đạo mà sống chết với ông, Bồ-tát là như vậy. Hòa thượng Trí Tịnh dạy rằng phải nhìn xa, không phải thấy ông là cư sĩ phải cúng dường mình. Nhưng phải thấy đó là Bồ-tát, không có họ hộ đạo thì Phật giáo không tồn tại và phát triển. Vì vậy, ta gọi đây là thượng căn, không phải xuất gia là thượng căn. Làm được việc lớn mà người thường không làm nổi, mới là thượng căn, hay siêu nhân. Điển hình là Đức Phật tu, nhịn đói đến da bụng dính với xương sườn mà không chết. Còn chúng ta nhịn đến 100 ngày cho là ghê gớm lắm, nhưng có đạt được điều gì quan trọng hay không. Quý vị tu, nếu an lạc thật, thử một ngày không ăn không thấy đói và không mệt mỏi. Nếu tập hợp được 100 người về đây tu, không ăn là thanh tịnh thật, chắc chắn thầy trụ trì không cần đội ngũ lo việc ăn uống, lo dọn dẹp, vệ sinh. Theo kinh nghiệm tôi, không ăn uống thì không thải ra ô uế, kể cả không thải mồ hôi. Thực tập pháp này, lạy Phật, tôi không ra mồ hôi, trong khi người bạn lạy Phật, chỉ mới lạy được vài chục hồng danh Phật là áo thấm đẫm mồ hôi, ướt cả chân, vì uống nước nhiều, phải thải nhiều mồ hôi. Nhưng chúng sanh có ác nghiệp nhiều, nghe tôi nói vậy mà không uống nước là chết, vì không uống nước không thải được chất độc, nên bác sĩ bắt uống 2 lít nước mỗi ngày. Tu tập, bớt ăn uống, bớt ngủ, làm được như vậy, dễ được an lạc. Tôi có người bạn sợ đói, lúc nào cũng trữ sẵn hũ gạo. Tôi hỏi nếu chùa và dân không có gạo, thầy ăn gạo này được mấy ngày. Thầy này tâm luôn đói là không an lạc. Tu hành, có ăn cũng được, không ăn cũng không sao, ta tập nhịn cho quen. Và tiến tu, quý vị tập áp dụng Thiền thực và pháp thực. Nghĩa là phải cố gắng học pháp Phật càng nhiều càng tốt, tức cho trí tuệ ăn pháp. Thiền thực là giữ tâm cho yên tĩnh, vì tâm không yên thì không pháp huy được trí tuệ. Riêng tôi, khi làm Phật sự, tôi thường hạn chế ăn uống để không gây trở ngại, cho thân được giải thoát, tâm mới theo đó được an lạc. Vì không ăn uống, bớt thải mồ hôi thì sẽ tránh tạo mồ hôi nghiệp của cộng đồng. Thử nghĩ xem mỗi người trong đạo tràng đều bốc mùi hôi chắc chắn là ngộp thở mất. Vì vậy, ta bớt ăn uống, bớt thở thì được giải thoát ngay. Ba việc này gắn liền với nhau. Không biết điều chỉnh ăn, uống, thở, tu thiền khó đạt kết quả tốt. Vì ăn nhiều phải vận động nhiều cho dễ tiêu hóa và tâm sẽ theo đó động loạn hơn, hơi thở mạnh hơn khiến cho việc thải bẩn nhiều hơn. Thực tế lấy máu của Thiền sư đắc đạo sẽ không có máu đen, vì cơ thể họ không có chất bẩn và người không còn máu đen thì bớt uống nước được. Còn máu đen nhiều, phải uống nước nhiều để thải độc. Tu chung, chúng ta phải có không gian để thở. Có thể chúng ta tu đông, nhưng được an lạc, nên không thải khí độc nhiều, nhờ đó bớt ngộp. Người ăn thịt, cá, ngũ vị tân nhiều thì hơi thở có mùi khó chịu. Muốn an lạc, đầu tiên phải bớt ăn, bớt uống gắn liền với bớt nói. Trong đạo tràng tu, cấm nói chuyện. Đạo tràng thỉnh tôi giảng, bất đắc dĩ tôi phải nói, nhưng làm thinh vẫn tốt hơn, tức nói trong yên lặng là nói bằng tâm. Thuở nhỏ, tôi đọc thơ của Tổ Thiên Thai: Sáng dạo chơi non Linh Thứu Chiều viếng Phổ Đà sơn Tối qua núi Cửu Hoa Khuya trở về bổn độ. Tức khéo vận dụng tâm để tu, tôi nhận ra tâm đi. Sử dụng tâm đi, tôi ở Việt Nam, nhưng hành hương ở Ấn Độ, khác với người đi hành hương Ấn Độ mà tâm không tới chỗ Phật. Họ tới Bồ Đề Đạo Tràng rồi đi nhanh đến chỗ khác cho kịp để về khách sạn ăn. Tôi thấy người hành hương thực sự đến Bồ Đề Đạo Tràng lạy Phật từ 5 giờ sáng mà họ lạy đến chiều tối. Hòa thượng Thiện Siêu nói tới Bồ Đề Đạo Tràng không muốn đi nữa và nước mắt tuôn trào muốn ở đó luôn. Hòa thượng Huệ Quang là Pháp chủ Giáo hội Tăng-già Nam Việt trước kia nói rằng về Bồ Đề Đạo Tràng chết cũng được, vì bác sĩ khuyên ngài đừng đi. Quả tình ngài đến đó và tịch ở đó. Người thượng căn thượng trí có niềm tin và căn lành lớn, dễ dàng tiếp cận Phật, nên tu đạt kết quả cao, làm Phật, làm Tổ. Người tu đời đời vẫn là chúng sanh, vì cánh cửa tâm linh đóng kín, kẹt vật chất. Còn mở được tâm linh thì lại kẹt vọng thức cũng không giải thoát. Muốn được an lạc, phải nhiếp tâm. Ta sợ nghèo, sợ khổ, nhưng thực sự chưa đến nỗi phải nghèo khổ, chỉ tại tâm cảm khổ mà thôi. Phật dạy rằng chúng sanh chưa khổ, nhưng sợ khổ, khác với Bồ-tát ở địa ngục vẫn không thấy khổ, chúng ta ở chỗ an lạc mà thấy khổ. Vì vậy, Phật giải thoát trong cảnh triền phược của chúng sanh, còn chúng sanh trói mình trong giải thoát của chư Phật. Thật vậy, chúng ta ngồi đây tu mà sợ đói, trong khi lát nữa chắc chắn có cơm ăn đầy đủ. Tại tánh con người hay lo sợ, buồn giận là phiền não, chúng ta sống quanh năm với phiền não này. Ý thức như vậy, cắt bỏ bốn thứ phiền não buồn giận, lo sợ, thì được an lạc tức khắc và ở đâu chúng ta cũng an lạc. Và nếu ta có niềm tin với Phật, kinh Pháp hoa nói rằng dù ở ngoài đồng trống, ở gốc cây, hay ở gò mả cũng có Phật. Thể hiện lý này, Phật Thích Ca ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng thấy mười phương Phật hiện ra, đó là nhờ căn lành và niềm tin của Ngài quá mãnh liệt nghĩ về chư Phật, mới thấy Phật A Di Đà ở phương Tây, Phật Dược Sư ở phương Đông… Còn tâm chúng ta không thanh tịnh, ngồi ở chánh điện mà nghĩ gì đâu. Trên bước đường tu, cắt tâm phiền não, được an lạc, cắt một phần phiền não được một phần an lạc. Mỗi khóa tu, cắt phiền não nào là đạt được an lạc giải thoát ở đó và càng tu càng được an lạc, giải thoát nhiều hơn. Người thượng căn thượng trí đi thẳng vào chân thật môn. Vì vậy, Phật Thích Ca ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng, tâm Ngài gắn liền với chư Phật mười phương, với chư Phật quá khứ. Nhờ đó, Tịnh độ của chư Phật và thế giới thanh tịnh của Phật Thích Ca hiện ra ngay ở Ta-bà. Kinh Duy Ma nói lý này, vì Xá Lợi Phất bảo mười phương Phật đều có Tịnh độ, cảnh nào cũng đẹp, nhưng trở lại Ta-bà của Phật Thích Ca sao thấy ô uế quá. Đó là Xá Lợi Phất suy nghĩ thế cho ta, không phải suy nghĩ thật của ngài. Duy Ma trả lời rằng vì tâm ông ô uế, nên thấy thế giới của Phật Thích Ca ô uế. Còn Trời Đại Tự Tại thấy thế giới Ta-bà của Phật Thích Ca đẹp hơn cõi Trời Đại Tự Tại, mới đến đây nghe pháp. Nếu Ta-bà chỉ toàn là ham hố gai chông, thì các vị Trời này không tới đây làm gì. Tóm lại, tâm an lạc, thế giới sẽ an lạc, tu hành hơn nhau ở cốt lõi này. Quý Phật tử có duyên về đây tu học, tôi mừng cho quý vị đã theo được 74 khóa tu an lạc nơi đạo tràng Tường Vân. Hãy tiếp tục suy nghĩ những gì tốt đẹp mà tôi đã chia sẻ để trang bị cho mình lần đi vào cửa giải thoát và luôn sống trong nhà giải thoát. Khi có đủ duyên lành, chúng ta sẽ gặp lại để sách tấn nhau tu hành. HT.Thích Trí Quảng
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |