Chi tiết tin tức

PHẬT ĐẠO – ĐƯỜNG GIẢI THOÁT

20:10:00 - 22/09/2013
Dẫn nhập:     

Hãy bỏ kiến chấp trước,         
Bình Tâm và tỉnh Tâm.
Trong trống trải, tỉnh lặng,
Nghiền ngẫm từng chữ, câu.
Nhắm mắt và chiêm nghiệm,
Phật đạo dần mở ra...

                                       

Đức Phật, xưa do đủ phước duyên đã thấy như thật: đời người là bể khổ, không  loại trừ một ai. Nên người quyết tâm lìa bỏ gia đình ra đi tìm kiếm ĐẠO GIẢI THOÁT. Vì thế, Đạo Phật phát sinh từ nhân sanh, từ nhu cầu thoát khổ của nhân sanh, và mục đích duy nhất của nó là giúp  nhân sanh thoát khổ. Nó đi ra từ thực tiễn cuộc sống, và nhằm giải quyết những vấn nạn hàng ngày của nhân sanh, nên có thể gọi Phật Đạo là đường dẫn đến giải thoát. (Phật Pháp bất ly thế gian).  

Lời dạy của Phật là chân lý rút ra từ cuộc sống đang diễn ra hàng ngày của nhân sanh,vì chưa đủ phước duyên con người chưa nhận ra được, chưa hiểu biết thấu suốt, để cảm thông sống hòa hợp cùng cuộc sống, để sống an vui và chết giải thoát .

Đầu tiên là lời dạy của Phật về 4 chân lý nền tảng tuyệt diệu của Đạo Giải thoát được gọi là TỨ DIỆU ĐẾ: Đế là vua, dùng trong trường hợp này tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối, hay một tính chất có giá trị tuyệt đối, mà bất cứ ai khi đi trên con đường giải thoát đều phải trải qua, không thể tránh né, không thể hiểu khác, hay làm cách khác được (độc đạo = phương pháp nền độc nhất, vĩnh hằng).                            

1. Khổ đế: Thấy các sự khổ là thật, trong đó SINH, LÃO, BỆNH, TỬ là qui luật sinh diệt tự nhiên của muôn loài (có sanh ắt có diệt). Các khổ còn lại do con người vô minh, thiếu hiểu biết, chấp sự, sinh sự, tự tạo theo luật nhân quả. Khổ đế rất quan trọng, vì chỉ khi nào chiêm nghiệm thấy như thật đời là bể khổ, con người mới cam lòng lìa bỏ con đường danh, lợi, tình, chấp kiến, định kiến khổ đau mà thế gian đang đi, để tìm đến với Phật Đạo - đường giải thoát.

2. Tập đế: Tập hợp các nỗi khổ trong nhân sanh lại, phân loại, xâu chuỗi để tìm ra (với Đức Phật là thấy như thật). Nguồn gốc, Nguyên nhân các sự khổ: Một là do vô minh, không hiểu biết thấu suốt, chấp các dục là thực, là tiện ích thực sự, không thấy ẩn tàng sự đau khổ phía sau, nên khổ vì nó, hàng ngày bị nó sai xử tạo nghiệp xấu. Hai cũng là do vô minh thấy biết hạn chế (chấp trước, định kiến), duyên theo cảnh mà sanh Tâm nọ kia: hỉ, nộ, ái, ố,..Tâm sinh diệt.

3.Diệt đế: thấy biết như thật nguồn gốc, nguyên nhân sự khổ, từ đó sẽ tư duy, từng bước lần tìm ra phương pháp diệt khổ.

4.Đạo đế: thấy biết, hành theo phương pháp diệt khổ, con người từng bước thoát khổ, chứng được, thưởng thức được mùi vị tuyệt vời của Đạo giải thoát trong từng cảnh duyên.

Vì sao 4 chân lý này tối quan trọng, và được xem là nền tảng độc nhất của Đạo Phật, mà bất cứ người tu nào khi đi trên đường giải thoát, trong mỗi bước đi đều phải trải qua? Vì trước tiên, chỉ khi nào chiêm nghiệm thấy như thật bước chân (cảnh duyên) mình đang đi chắc chắn dẫn mình đến khổ đau, trói buộc, không lối thoát…con người mới cam tâm lìa bỏ bước đi không tốt của mình. Kế đến là phải tìm cho ra nguyên nhân nào (điều gì, nhận thức như thế nào) khiến ta chọn bước đi không tốt như vậy. Biết được nguyên nhân, dùng chân lý vĩnh hằng đang vận  hành cuộc sống của mỗi người chúng ta, kiên trì giải thích, để Tâm chiêm nghiệm thấy như thật tự thay đổi nhận thức mới tiến hóa hơn, và bước cuối cùng là sống và hành theo nhận thức mới, chắc chắn đời sống của người tu sẽ được cải thiện, ngày càng tốt hơn, hạnh phúc hơn, giải thoát nhiều hơn….

Phật Đạo, có thể gọi là Bát Chánh Đạo, được xây dựng bởi 7 yếu tố: Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn. Còn Chánh Định chính là sự thành tựu quả giải thoát. Chữ CHÁNH dùng trong trường hợp này để chỉ sự giải thoát.

1/ Chánh Kiến: là thức tiến hóa.

Nó hình thành và tiến lên từng bước theo sự kiên trì tu tập của ta, tuyệt đối không có hoắc nhiên đại ngộ. Ngộ ra từng sự, từng cảnh  duyên. Mỗi sự, mỗi cảnh duyên có nhiều cấp lớp, tu tập chỉnh sửa nâng dần nó lên đến thức xuyên suốt tất cả các pháp thế gian đạt toàn  giác.

2/ Chánh Niệm: là nghĩ đến, thường hằng nhớ đến:            

1.Tâm Phật (với Đức Từ Bi Hỉ Xả vô lượng và Trí Tuệ vượt thoát của Phật),
2.Tánh Hạnh Phật (qua sở hành của Phật)
3.Pháp (lời dạy của Phật)
4.Tăng (các vị Thánh Tăng)


Nhớ đến những Thức tiến hóa của các bậc tiền nhân, các thiện hữu tri thức và của tất cả đã và đang sống cùng ta trên thế gian này trước sau không phân biệt. Trong sự này, phải có Tâm hòa với tất cả để có thể sáng suốt học tất cả.  Đừng để Tâm nghĩ vẩn vơ, vô ích, lại có hại cho sự giải thoát .

3/.Chánh Tư Duy: không ngừng học hỏi, suy nghĩ, tìm ra những thức giúp ta đả thông tư tưởng,  từng bước nâng thức tiến hóa theo hướng thông suốt hoàn toàn các cảnh sự thế gian để đạt toàn giác.

Trong các Kiến, Niệm, Tư duy vừa nêu, nếu giúp được người tiến hóa cũng nằm trong Chánh Đạo, miễn là không cản trở, đẩy lùi sự tiến hóa của ta.

Con người nhờ khả năng đặc biệt Niệm và Tư duy mà không  ngừng có  được Kiến thức tiến hóa mới mà các loài khác không có, hoặc không thể so sánh được. Đức Mâu Ni xưa cũng nhờ biết dụng khả năng này mà lần tìm ra con đường giải thoát. Vì vậy, chỉ có Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Tư Duy. Không có Vô Niệm. (vì Vô Niệm chẳng khác người học trò đi học mà lười biếng, không chịu tìm kiếm học hỏi, tư duy suy nghĩ, thì làm sao mà giỏi, tiến bộ được).   

4/.Chánh Ngữ: Lời nói chân thật, xuất phát từ Tâm tình thương và sự tiến hóa, không hại người, hại mình, ngược lại có ích cho người cho mình trên con đường tiến hóa.

5/.Chánh Mạng: Mạng của ta phải được nuôi dưỡng, duy trì một cách chính đáng, không vì quý mạng mình mà xâm hại đến mạng người khác, hoặc giống loài khác. Phải trân trọng, quý trọng mạng chúng sanh khác như mạng sống của mình.

6/.Chánh Nghiệp: Chọn nghề nghiệp sinh sống chỉ mang đến tiện ích mà không có hại cho người, hoặc chúng sanh khác. Và  khi hành xử phải luôn hài hòa lợi ích giữa người và mình (hai bên đều có thể chấp nhận được).

7/.Chánh Tịnh Tấn: Sau khi hạ quyết tâm chọn con đường tu hành giải thoát, phải luôn cố gắng tìm cách vượt qua mọi chướng ngại trên con đường tiến hóa, không để thối chuyển. Cái khó của người tu là vượt qua chính mình

8/.Chánh Định: quá trình tu tập là chỉnh sửa, nâng dần 7 Chánh trên, song song đó trong tự nhiên Chánh Định vốn là kết quả tổng hợp của 7 Chánh trên, cũng từng bước được nâng lên, tức là nâng dần mức giải thoát trong Tâm ta. Khi 7 Chánh trên hoàn chỉnh, đó cũng là lúc ta đạt đến sự giải thoát hoàn toàn.

Trên đường tu hành thì GIỚI, ĐỊNH, TUỆ (Con đường Trí Tuệ) giữ một vai trò hết sức quan trọng:

1.Giới: Không phải là Giới luật, cũng không phải là Giới cấm. Đức Phật chẳng đặt ra luật để cấm đoán ai. Đạo Phật là đạo Giải Thoát, ai thấy phù hợp với tiện ích của mình thì tự nguyện hành theo. Đức Phật vì tình thương chỉ muốn giúp chúng sanh hiểu rõ, sáng suốt phân định ranh giới giữa  một bên là tốt, đạo đức, hạnh phúc, an vui, giải thoát và một bên là xấu, phi đạo đức (tội lỗi), đau khổ, bất an, trói buộc, không giải thoát, để chúng sanh có thể tự mình chọn lựa cách sống phù hợp. Do xuất phát từ Tâm tình thương, Đức Phật muốn cho mọi người  ai cũng hiểu biết đúng, sống đạo đức, để có một đời sống tốt đẹp như Ngài, nên Giới mà Ngài chỉ dạy có thể gọi là Giới Đức.

2.Định: Khi hiểu biết, thấy như thật tiện ích của Giới mà Đức Mâu Ni đã chỉ dạy và sống thuần hành trong Giới Đức (làm lành, lánh dữ), nghiệp quả tốt sẽ đến với ta ngày càng nhiều hơn, nhờ vậy Thân, Tâm ta ngày càng thanh thản, an lạc,vô sự hơn, từ đó cõi lòng sẽ rộng mở, dễ cảm thông với các cảnh duyên hơn, nghĩa là Thân, Tâm ngày càng ổn định, thanh  nhẹ, ít dính mắc hơn, được giải thoát nhiều hơn. 

3.Tuệ: Và khi Tâm định, không dính mắc vào cảnh duyên, đứng trước cảnh duyên, Trí Tuệ sẽ càng sáng suốt hơn (Trí tuệ được mở ra), đúng với câu cổ nhân thường nói: “Người trong cuộc thì tối, người ngoài cuộc thì sáng”.

 Vì vậy, có thể kết luận:
- Giới là nền tảng giúp sanh Định, Và khi Định sẽ sanh Tuệ mới. (cao hơn Tuệ cũ).
- Tuệ mới lại sanh Giới mới, Giới mới lại sanh Định mới, và Định mới sẽ sanh Tuệ mới hơn. (Tuệ được nâng lên thêm).

Cứ tiếp tục xoay vòng và nâng dần lên. Đến lúc nào đó sẽ đạt Trí Tuệ Toàn Giác. Khi đó Giới, Định, Tuệ là một, là Tánh tự nhiên của Bậc Giải Thoát.

Con người, trong tiền kiếp do Vô minh không ngừng tạo nghiệp. Nay hội đủ duyên sanh ra để trả nghiệp. Và khi sanh ra đến khi hoại diệt, mỗi thân tứ đại tuần tự trải qua 12 bước duyên gọi là

Thập nhị Nhân Duyên như sau:

1.Vô minh: Thân tứ đại hình thành, chưa có thức hiện hữu, chỉ có tiềm thức (thức các kiếp trước - Trí Vô sư ), khi đủ duyên sẽ từng bước nhớ lại, sống lại.
2.Hành: Theo thời gian thân tứ đại sẽ lớn lên và Tâm, Tánh hiện hữu sẽ theo duyên tiếp xúc hàng ngày mà hình thành dần.
3.Thức: Từng bước nhận thức, hiểu biết được thế giới xung quanh ngày càng nhiều hơn.
4.Danh sắc: Danh là tên gọi, là chức danh. Sắc là phần vật chất có hình tướng , hoặc không có hình tướng.
5. Lục nhập: Nhận biết sự vật, sự việc qua sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
6.Xúc chạm: Có duyên lục nhập , thì ngày nào đó sẽ có duyên tiếp xúc, gần gũi, xúc chạm.
7.Thọ: Có duyên tiếp xúc, gần gũi, xúc chạm sẽ sanh duyên cảm thọ, cảm nhận: tốt xấu, đẹp xấu, đúng sai, dễ thương hay khó thương,...
8.Ái: Là yêu, ghét. Từ cảm nhận, cảm thọ sanh lòng yêu, ghét.
9.Hữu: Yêu thích thì muốn có nó, tạo  ra nó. Ghét thì không muốn có nó, muốn bỏ nó.
10.Thủ: Yêu thích có nó rồi thì ra sức gìn giữ, vun bồi. Ngược lại ghét chẳng những không gìn giữ, mà còn muốn bỏ nó, quẳng nó đi.
11.Sanh y: Vô minh tiếp tục sống hoài như vậy, y như bao nhiêu người khác. Rồi đến một ngày, theo qui luật tự nhiên duyên hoại diệt sẽ đến .
12.Diệt: Chết (mất thân tứ đại), mà khi sống do vô minh không ngừng tạo nghiệp. Và  do còn nghiệp, một ngày nào đó khi hội đủ duyên sẽ tái sanh, một vòng đời mới bắt đầu,...

Ý Đức Phật muốn chỉ dạy chúng ta Qui luật tự nhiên vận hành cuộc sống. Nếu ta không muốn có Duyên này, thì đừng để Duyên trước nó sanh ra. Chẳng hạn muốn Duyên Ái không có, thì phải tránh Duyên Thọ, mà muốn tránh Duyên Thọ thì phải tránh Duyên Xúc chạm…để ta ý thức, rồi tùy theo đặc tướng hành tướng của mỗi người mà chọn Duyên thích hợp để lách ra, tránh đi dần đến Duyên Hoại diệt không mong muốn.

Như vậy, muốn thoát vòng luẩn quẩn 12 Duyên, thoát khỏi sanh tử luân hồi, con người phải tu tập, chỉnh sửa nâng dần Nhận thức của mình ngày càng minh hơn, đến minh hoàn toàn và từng bước huân tập sống với thức minh đó để không còn tạo nghiệp mới, vui vẻ trả dứt nghiệp cũ, để sau khi chết không còn nghiệp khỏi phải sanh tử luân hồi .

Nếu 12 Duyên là bước diễn tiến tuần tự trong một kiếp người, thì Lục căn, Lục trần mô tả diễn biến hàng ngày trong Tâm một con người mỗi khi nó tiếp Duyên.
- Lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và căn ý. Như sáu người gác cửa nhà Tâm.
- Lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp là các cảnh duyên, các pháp thế gian.

Quy trình: khi tiếp duyên, mỗi căn làm một nhiệm vụ: Mắt tiếp nhận hình tướng, Tai tiếp nhận âm thanh, Mũi tiếp nhận mùi hương, Lưỡi tiếp nhận vị, Thân tiếp nhận cảm giác, còn căn Ý nắm ý hay hiểu ý. Xong các căn báo về Tâm, khi đó Tâm đem so sánh với những định kiến có sẵn, hình thành trong Tâm những nhận định, nhận xét cảnh duyên: tốt xấu, phải trái, đúng sai, mập ốm, đẹp xấu,...Từ nhận định, nhận xét đó Tâm sẽ quyết định sở hành của Thân, Khẩu, Ý đối với cảnh duyên đó.

Phân tách như vậy, ta sẽ thấy rõ không phải sáu Căn dính sáu Trần, mà chính bản Tâm tùy mức độ tiến hóa về Nhận thức và huân tập mà dính nhiều, dính ít, hay không dính các Trần. Nhờ vậy, ta sẽ có cơ hội nhìn thấy Tâm ta đang ở đâu và còn gì, để tư duy tìm cách chỉnh sửa, lau chùi, nâng cấp nó. Khi căn cơ còn yếu, để tránh tạo nghiệp xấu, Đức Mâu Ni khuyên chúng ta nên tìm cách hạn chế Lục Căn tiếp xúc Lục Trần. Khi đã vững vàng, cứ để Tâm tự nhiên, khi thấy Tâm động, trước tiên phải tìm cách bình Tâm, chận đứng không cho sở hành phát sanh, sau đó mới dùng chổi Như Lý Tác Ý đả thông tư tưởng,.. giúp Tâm  giải thoát trở lại bình thường.

PHƯƠNG PHÁP TU TẬP hàng ngày, hàng giờ, hàng phút, hàng giây, đó chính là Pháp tu Tứ Niệm Xứ với chổi Như Lý Tác Ý. Pháp tu này đòi hỏi hành giả phải thường xuyên quán Thân, quán Tâm từng phút giây. Vẫn biết Tâm là mục tiêu tối thượng của người tu, nhưng Thân cũng rất quan trọng vì nó là phương tiện đưa Tâm người tu qua bên kia bờ giác. Không có Thân không thể tu.

Mới chưa quen, thì phải nhớ luôn nhìn Thân xem có khỏe không, có bệnh gì không để tìm cách chữa trị hoặc chỉnh sửa nó. Đừng để bệnh phát tác ảnh hưởng xấu đến Tâm. Quen rồi thì không cần thường xuyên quán Thân. Khi Thân bất thường, Tâm sẽ lập tức phát hiện ngay để tìm cách chữa trị. Chú ý: tuyệt đối không được chạy theo dục ăn, ngũ, v. .v. chỉ để lợi dưỡng bản thân, vì nó sẽ sai xử Tâm tạo nghiệp không Giải  thoát.

Tâm cũng vậy, chưa quen phải thường xuyên quán Tâm quen rồi cứ để Tâm tự nhiên. Khi Tâm bất thường (Tâm động), sẽ sớm phát hiện ra để tìm cách chỉnh sửa, nâng cấp  giải thoát Tâm.
Pháp tu TỨ NIỆM XỨ (Đệ nhất Pháp tu Giải thoá ): Thân, Thọ, Tâm, Pháp.

Thân là một duyên, khi tiếp xúc các duyên khác (các pháp thế gian), sẽ sanh cảm nhận, cảm thọ, cảm giác. Chuyển vào Tâm với các định kiến có sẵn phát sinh cảm xúc: vui, buồn, hỉ, nộ, ái, ố,.. (tức Tâm động theo cảnh duyên), tiếp theo sẽ chuyển sang sở hành qua Thân, Khẩu, Ý. Và với Tâm hiện hữu chưa giải thoát, chắc chắn nó sẽ tạo nghiệp xấu. Vì vậy, khi phát hiện Tâm động, phải cố gắng bình Tâm để chận đứng ngay mọi sở hành của Tâm, rồi mới truy nguyên nguồn gốc làm Tâm dính mắc (thường là danh, lợi, tình thế gian, hoặc chấp kiến, định kiến, hay thú đam mê,…), xem có bao nhiêu dây trói buộc nó, sử dụng phương pháp Như Lý Tác Ý quét sạch các vướng mắc, trói buộc, giúp Tâm trở lại bình thường, giải thoát Tâm khỏi các cảnh duyên. Chổi Như Lý Tác Ý đó bao gồm các chân lý (còn gọi là Lý Như Như, không có khác), đang vận hành cuộc sống của mỗi người chúng ta: Lý vô thường – huyễn giả, Lý nghiệp quả – nhân quả – nghiệp duyên… Dùng các lý đó kiên trì giải thích, để Tâm tự chiêm nghiệm, đến khi thấy như thật sự hiểu biết hiện nay của nó (chấp kiến trước) là không đúng, là chưa xuyên suốt, là có hại, tự nó xả ra không còn chấp nữa, Tâm trở lại bình thường trước cảnh duyên. Đó là ta đã dùng Chổi Như Lý Tác Ý đả thông Tâm do hiểu biết hạn chế chấp trụ, dính mắc vào cảnh duyên, giúp nó ngộ ra thức mới vượt qua cảnh duyên, nâng mức tiến hóa trên đường giác ngộ lên một tầm cao mới. Cứ tiếp tục hành trì như vậy cho đến khi không còn cảnh duyên nào làm Tâm ta động, mắc kẹt, tạm xem như ta đang tiến đến sự Giải thoát hoàn toàn. Chú ý: Giải thoát Thân và Tâm phải đi liền như hình với bóng, không tách rời nhau.

Còn trong ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY, Đức Mâu Ni dạy chúng ta (lời  dạy chi tiết có trong bộ Tạng Kinh Gải Thoát Nikàya) hiểu biết cách sống tốt  để tránh sa đọa thêm, đồng thời từng bước tu tập, chỉnh sửa nâng dần Thân, Tâm lên theo hướng ngày càng thanh nhẹ, giải thoát: hiểu để vui vẻ trả nghiệp cũ, không tạo thêm nghiệp xấu mới  cản trở đường tu.  Nên tạo nghiệp lành để hổ trợ việc tu hành, đồng thời xin hoán chuyển, trừ cấn các nghiệp cũ còn ẩn tàng chưa có duyên gặp để trả. Cụ  thể như sau:

1- Tránh phạm vào 5 trọng nghiệp xấu: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, ngữ ác, sử dụng chất kích thích, gây nghiện như: rượu, ma túy,..khiến người tu không còn làm chủ được Thân, Tâm mình (kể cả việc đam mê chạy theo những thú vui thanh cao, thường cũng dẫn Tâm con người đến chổ lệ thuộc, trói buộc, sinh sự, không giải thoát…) Trong 5 trọng nghiệp trên, nghiệp sát đứng hàng đầu.

2- Ngăn ác, Diệt ác, Sanh thiện, Tăng trưởng thiện (hành thập thiện).
Ác được hiểu là những hành vi (thân, khẩu, ý) làm khổ người khổ mình (Thân khổ, Tâm không tiến hóa).

Về sự này, chúng ta có những lời dạy tuyệt vời của Đức Phật qua bài kệ:
                                
Nghĩ ác, hành việc ác.
Nghiệp ác sẽ theo ta,
Như xe theo vật kéo (nặng nề biết bao).
Nghĩ thiện, hành việc thiện
Nghiệp thiện sẽ theo ta
Như bóng không rời hình (nhẹ nhàng biết bao).


3- Ly dục, Ly ác pháp: là lìa bỏ, từ bỏ đời sống chạy theo dục lạc, thú đam mê, không ngừng tạo nghiệp xấu, lệ thuộc, bằng nếp sống lành mạnh, thiểu dục tri túc: ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, giải trí,...chừng mực, vừa đủ, khoa học, có chú ý tới giải trừ nhân quả ẩn tàng dài lâu, để Thân ngày càng khỏe hơn, Tâm càng ngày càng thanh thản, an lạc, vô sự hơn.

4- Phải luôn sống trong 3 Đức (Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng) và 3 Hạnh (Ăn, Ngủ, Độc Cư): Hàng ngày dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh,  do đã thấu suốt tất cả cảnh sự thế gian chỉ là Duyên, là tổng hợp các Duyên. Tính chất của nó là Vô thường, và nó vận hành theo luật Nhân quả, Tâm ta dễ dàng cảm thông sống thanh thản hòa thuận cùng cảnh duyên, không còn thấy chướng ngại, đó là ta đang biết sống trong 3 Đức: Nhẫn nhục, Tùy thuận,  Bằng lòng. Khi đó Tâm ta sẽ đạt được sự thanh thản, an lạc, vô sự. Đó cũng chính là Tâm tuyệt vời của người tu khi biết sống Hạnh Độc Cư theo lời dạy của Phật.

Công thức: HIỂU BIẾT à CẢM THÔNG à TÙY THUẬN, BUÔNG XẢ à GIẢI THOÁT.
Hạnh độc cư chữ Pali là Bhaddekaratta.
Trong đó:
- Bhadd- ratta: Là người biết sống thanh thản, an lạc.
-Eka: một mình, nghĩa thực là vô sự (không dính cảnh).
Vì vậy, Bhaddekaratta là người biết sống thanh thản, an    
lạc và vô sự.

Tất cả lời dạy của Đức Mâu Ni đều là thực chứng, nó hết sức rõ ràng, khoa học, thực tiễn, gắn bó với đời sống hàng ngày của nhân sanh, không mơ hồ, ảo tưởng, mê tín, ru ngủ, mê hoặc lòng người, nó giúp con người ngày càng tỉnh thức, càng sáng ra, càng minh hơn, nhất là xây dựng được ý thức tự lực bản thân, mạnh mẽ, sáng suốt, dám tự sống, tự tu hành Giải thoát, không còn yếu đuối, thiếu tự tin, lúc nào cũng than vãn, cầu xin van lơn tìm cách dựa dẫm vào  bên ngoài, nó cũng nhằm chỉ cho ta biết lối sống tiện ích thực sự, không ẩn tàng sự đau khổ, sống khỏe mạnh an vui, không khổ đau, không trói buộc, không vướng mắc dính bận, không gây tạo thêm nghiệp xấu mới, để vừa có thể sống an vui giải thoát ngay trong hiện kiếp, và khi chết cũng thoát khỏi sinh tử luân hồi.

Lời dạy hết sức đơn giản, dễ hiểu, ai nghe cũng hiểu như nhau, dễ nắm bắt để hành.nVà khi hành trì, ta sẽ thấy con đường Giải Thoát của Đức Mâu Ni không hề mơ hồ, càng đi càng thấy rõ ràng, minh bạch, có đường có lối hẳn hoi, đi một bước ta biết ta đang đi một bước, mỗi khi vấp ngã, không hề sợ hãi mà ta biết cách quán lại, tư duy để biết tại sao mình vấp ngã, làm thế nào để đứng dậy, và quan trọng hơn là làm thế nào để sau này không còn vấp ngã nữa. Càng đi, ta càng thấy mình càng tự tin, càng vững vàng, càng sáng suốt hơn, càng thấy mình thấy người rõ hơn, càng hiểu nhân quả tường tận hơn, nhất là càng thấy Tâm mình gần Tâm Phật hơn…Phật với ta không có xa. Nếu thấy mỗi ngày Thân ta khỏe hơn, an lành hơn, Tâm ta thanh thản, an lạc, vô sự, tuyệt vời  hơn là ta đang đi đúng đường Phật dạy.

Đọc lời dạy của Đức Mâu Ni, ta luôn cảm nhận tình thương vô bờ bến mà Ngài dành cho nhân sanh, muốn ai cũng được tốt như Ngài, Tâm Ngài hết sức thanh thản, lời dạy hết sức nhẹ nhàng, tự nhiên như hơi thở,  không hề áp đặt khiến người nhận không thấy khó chịu. Nó thể hiện Tâm Phật với Đức Từ, Bi, Hỉ ,nXả vô lượng và Trí tuệ vượt thoát khỏi Tam Giới trói buộc khổ đau.

Hiểu rồi, thì ở đâu, ở hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể dễ dàng tìm hiểu lời dạy của Phật qua sách báo, phương tiện truyền thông, qua thiện hữu tri thức đúng nghĩa và cũng có thể tự tu hành giải thoát. Xuất gia hay tại gia không có khác, Duyên đâu tu đấy. Mỗi Thân tứ đại là một chùm nghiệp duyên nhân quả. Ta phải sống với chùm nghiệp duyên nhân quả của mình, không trốn chạy, để vừa vui vẻ trả dứt nghiệp cũ, vừa nương theo cảnh tu hành giải thoát. Người tu đừng sợ cảnh duyên, càng có nhiều cảnh duyên càng tốt, giống như người học trò học môn Toán muốn giỏi phải luyện thật nhiều bài tập, bài tập càng khó càng giỏi.
Như vậy có thể nói:

- TU là từng bước tư duy, thay đổi, chỉnh sửa nâng dần nhận thức của mình đến toàn giác. Chỉnh sửa đến đâu hành theo đến đó để Thân, Tâm hợp nhất tiến lên đồng bộ không cản trở nhau.

- THIỀN là phương pháp đả thông tư tưởng, nâng dần Tâm lên theo hướng giải thoát. Nó bao gồm các bước: luôn quán để thấy Tâm mình đang kẹt gì, còn gì (KHỔ ĐẾ). Tư duy để tìm ra nguồn gốc dính mắc (TẬP ĐẾ). Sử dụng phương tiện thích hợp (chổi Như Lý Tác Ý) đả thông Tâm (DIỆT ĐẾ) giúp nhận thức trong Tâm thông thoáng hơn. Để Tâm luôn giải thoát, ta phải hành trì xuyên suốt trong ngày (24/24 giờ) bằng cách huân tập thiền trong tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi.
 
THAY CHO LỜI KẾT.

Thời Mạt Pháp, duyên gặp được và hiểu được Chánh pháp đã khó, duyên Minh sư cực kỳ khó hơn. Nhưng cái khó mà người tu sợ nhất là vượt qua chính mình. Thực ra, Tu chính là không ngừng học hỏi, tư duy thay đổi nâng dần ý thức, nhận thức, từ đó mới có thể đủ tín lực để từ bỏ lối sống chạy theo tiện ích trước mắt, luôn ẩn tàng sự đau khổ phía sau và không bền lâu, để có một cuộc sống tiện ích thực sự không ẩn tàng sự đau khổ, trói  buộc và vĩnh hằng. Ai có thể tư duy, chiêm nghiệm thấy như thật, đâu là  tiện ích thực sự để theo, sẽ dễ dàng vượt qua chính mình . Mấu chốt tâm tu ở chổ đó.

Cũng xin nói thêm:

Hạnh phúc thật sự mà con người luôn mong mỏi, tìm kiếm đó là, sự “Yên,Vui” trong tâm hồn. Nó hoàn toàn nằm trong tay của mỗi người chúng ta, không nằm ngoài.

Tất cả cảnh sự hằng ngày trong thế gian này chỉ là Duyên, tính chất của nó là Vô thường, và nó vận hành theo Luật Nhân Quả. Chiêm nghiệm thấu suốt qui luật này, con người huân tập từng bước sẽ cảm thông được các cảnh duyên  mình đang sống, không còn thấy đau khổ, vướng mắc, chướng ngại trong Tâm, và nhất là không còn cảm thấy hoang mang, bất an, bất ngờ nữa. Vì vậy mà luôn có sự BÌNH AN trong Tâm hồn.

Và cũng nhờ thấu suốt, tin ở quy luật Nhân quả, con người sẽ BIẾT CÁCH SỐNG VUI. Không còn dám làm điều ác, luôn ý thức sống thiện, làm điều lành để vui với niềm vui mà mình mang lại cho người, và vui với quả tốt luôn đến với mình.
Xin cảm ơn lời dạy của Đức Mâu Ni.
 
 Có một bài kệ xưa của Đức Mâu Ni để suy ngẫm:
                             
Tất cả là trói buộc,
Ở trên thế gian này.
Lạc thú thật nhỏ bé,
 Vị ngọt thật ít oi,
Khổ đau lại nhiều hơn.
Chúng đều là câu móc.
Ai thấy, biết như vậy,
Nên sống riêng một mình. (Tâm lìa bỏ).
Như tê ngưu một sừng.

***

                                                                    AN GIANG Ph.Châu đốc.
 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin