Chi tiết tin tức

Buổi đầu thời kỳ Lê Trung hưng và Phật giáo Trường hợp Bình An Vương Trịnh Tùng

20:57:00 - 23/10/2022
(PGNĐ) -  Chúa Trịnh Tùng là người có công lớn trong buổi đầu nhà Lê Trung Hưng. Sau khi bình định thành Thăng Long và đưa vua Lê trở về Đông Đô, chúa Trịnh Tùng được phong là Bình An Vương, trên thực tế phủ chúa trở thành thế lực có uy quyền nhất triều đình nhà Lê. Do trải qua nhiều năm chiến tranh, nhân dân rất cần một sự an ủi về mặt tâm hồn, Phật giáo vì thế được triều đình kính trọng. Các ngôi chùa được tu bổ, xây mới, đất ruộng của nhà chùa được bảo vệ, chư Tăng, Ni được bảo đảm tu tập và hoằng pháp… Những chính sách tiến bộ bảo vệ và nâng đỡ Phật giáo của chúa Trịnh Tùng đã góp phần không nhỏ vào cục diện ổn định xã hội buổi đầu nhà Lê Trung Hưng trong lịch sử trung đại Việt Nam.

 

Đám tang Chúa Trịnh Tùng. Tranh từ cuốn “Recueil de Plusieurs Relations et Traites” của J.B.Tavernier, Chevalier và Baron D’Aubonne 1679. (Ảnh: sưu tầm)

VÀI NÉT VỀ BÌNH AN VƯƠNG TRỊNH TÙNG

Bình An Vương Trịnh Tùng (1550-1623), quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa (nay là làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá), con thứ hai của Thế tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và bà Ngọc Bảo. Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt Lê – Mạc, 16 tuổi, Trịnh Tùng đã tòng quân đi đánh giặc. Năm 19 tuổi, Trịnh Tùng được phong là Phúc Hưng hầu, chỉ huy một đạo quân nhỏ. Năm 1570, người cha Trịnh Kiểm chết, qua bao thăng trầm, Trịnh Tùng được vua Lê sắc phong làm Trưởng quận công Tiết chế Thủy bộ chư doanh, sau lại gia thêm chức Tả tướng Tiết chế Trưởng quốc công. Năm 1572, nội bộ lục đục, Trịnh Tùng cùng tâm phúc của mình đã lập Hoàng tử Duy Đàm lên ngôi vua – tức vua Lê Thế Tôn sau này. 

Với tài năng quân sự, sách lược đúng đắn và khai thác mâu thuẫn của nội bộ nhà Mạc, năm 1592, Trịnh Tùng đã tiến đánh Thăng Long, phá tan quân Mạc, bắt sống vua Mạc Mậu Hợp. Năm 1595, Trịnh Tùng vào Thăng Long, tiến hành tổ chức bộ máy chính quyền theo mô hình vương triều cũ nhà Lê với đầy đủ các ban bệ. Trịnh Tùng được mở phủ Chúa, đặt quan thuộc. Từ đấy, phàm những việc đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân, đều thuộc quyền Trịnh Tùng. Vua Lê chỉ còn giữ hai việc có tính chất hình thức là thiết triều và tiếp sứ mà thôi. Từ đó về sau, họ Trịnh cứ thế tập tước Vương, gọi là Chúa Trịnh. Như vậy, “Họ Trịnh đời đời tập phong tước Vương bắt đầu từ [Trịnh] Tùng” [1].

Bình An Vương Trịnh Tùng rất mến mộ Phật giáo. Trong bối cảnh ông là người cầm quân, đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức lực lượng đánh bại nhà Mạc, lập lại nhà Lê thì việc mến mộ, ưu ái Phật giáo của Trịnh Tùng vừa thể hiện tài năng chính trị của ông, muốn qua việc ủng hộ Phật giáo để quy tụ lòng người nhưng đồng thời cũng thể hiện vai trò của Phật giáo đối với con người, dân tộc.

Tháng 4 năm Kỷ Hợi (1599), vua Lê tấn phong Trịnh Tùng làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương, ban cho sách vàng ấn báu cùng ruộng đất phong ấp. Trịnh Tùng có công lớn giúp vua Lê giành lại chính quyền, giữ yên xã hội với một số chính sách tiến bộ hợp lòng dân. Việc mở khoa thi Hội và thi Đình từ khoa Canh Thìn (1580) đến khoa Quý Hợi (1623) đời Trịnh Tùng mang ý nghĩa tích cực. Hàng năm, Tiến sĩ của hàng chục khoa thi là những cánh tay đắc lực góp phần không nhỏ trong công cuộc trung hưng của tập đoàn phong kiến Lê – Trịnh, tiêu biểu như: Ngự sử đài Đô ngự sử Nguyễn Văn Gia đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn (1580), Hữu thị lang bộ Hộ Nguyễn Đăng đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Dần (1602)… Những danh thần, như: Hộ bộ Thượng thư kiêm Đông các Đại học sĩ Đỗ Uông, Công bộ Tả thị lang Phùng Khắc Khoan… cũng hết lòng giúp Trịnh Tùng phò Lê giành thắng lợi, dứt được cảnh khói lửa tương tàn với nhà Mạc để xây dựng một vương triều mới.

Trong số 12 đời chúa Trịnh (1539 – 1787), tổng cộng 249 năm, có thể nói, tài năng và nhân cách của Trịnh Tùng nổi trội hơn cả. Bình An Vương Trịnh Tùng đã tiếp tục sự nghiệp của ông ngoại (Nguyễn Kim) và thân phụ (Trịnh Kiểm), hoàn thành trọn vẹn công cuộc trung hưng của vương triều Lê, đồng thời tạo dựng cơ nghiệp ban đầu cho chính quyền họ Trịnh sau này. Sử gia Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí đã ca ngợi Bình An Vương Trịnh Tùng: “Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán tình thế của giặc không sai, dùng binh như thần. Trong 20 năm kinh dinh đất nước, cuối cùng dẹp được kẻ tiếm nghịch, khôi phục nhà Lê, công trùm thiên hạ, oai lừng khắp nơi, mới được sắc phong vẻ vang, lễ đãi long trọng. Ông thực sự làm Chúa cầm quyền binh, công lao sự nghiệp danh vọng lừng lẫy” [2].

BÌNH AN VƯƠNG TRỊNH TÙNG VỚI PHẬT GIÁO

Trong bối cảnh đất nước đã trải qua thời gian dài coi trọng Nho giáo dưới thời Lê sơ, chính quyền vua Lê, chúa Trịnh tiến hành chiến tranh với các lực lượng khác (nhà Mạc, họ Nguyễn),… việc Trịnh Tùng coi trọng Nho giáo là điều dễ hiểu. Mặc dù coi trọng Nho giáo nhưng Bình An Vương Trịnh Tùng vẫn có những chính sách, ứng xử rất hài hòa, khôn khéo, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển. 

Bình An Vương Trịnh Tùng đã dựa vào Phật giáo để yên lòng dân.

Từ ghi chép của sử cũ cho thấy, Bình An Vương luôn quan tâm đến Phật giáo. Khi có việc quan trọng đều cử thuộc cấp đến chùa tế, lễ, như: Năm 1592 đến lễ ở chùa Thiên Xuân huyện Thanh Oai; Năm 1617 đến lễ cầu an ở Huyền Thiên huyện Thọ Xương; Năm 1618 đến lễ ở chùa Chúc Thánh và chùa Thanh Lâu ở huyện Thọ Xương,… Ngoài ra, Bình An Vương còn tổ chức dựng đàn, cầu tế. Ví dụ: Năm 1578, Bình An Vương cho dựng hành cung ở xã Vạn Lại, sau đó lại cho lập đàn Nam Giao ngoài cửa lũy Vạn Lại để tế trời đất. Năm 1597, cả nước gặp kỳ đại hạn, Bình An Vương đắp đàn ở Cầu Muống thành Đại La để tế trời đất cầu xin rào. Để giúp cho cầu đảo được linh nghiệm, Bình An Vương đã giao Thượng thư bộ Lễ là Nguyễn Bính đứng ra sưu chỉnh lý biên thần tích về các vị tôn thần ở địa phương vào năm Hồng Phúc 1 (1572). Các bản thần tích này đến đời Vĩnh Hựu lại được Nguyễn Hiền chỉnh lý sao lục.

Chúa Trịnh Tùng trực tiếp ban hành những lệnh chấn chỉnh việc lấn chiếm ruộng đất của nhà chùa, ban ruộng đất cho chùa, bảo vệ quyền lợi cho nhà chùa, … như lệnh chỉ yêu cầu địa phương phải trùng tu chùa chiền, trả lại đất cho chùa Đỏ Mát (1604), chùa Nhật Chiếu, Linh Tiên quán (1616), chùa Chúc Thánh (1618),…

Bình An Vương Trịnh Tùng (1550-1623), quê làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phúc, phủ Thiệu Hóa, trấn Thanh Hóa (nay là làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá), con thứ hai của Thế tổ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm và bà Ngọc Bảo. (Ảnh minh họa chúa Trịnh Tùng – Nguồn: sưu tầm)

Năm 1604, Bình An Vương Trịnh Tùng cho chính quyền địa phương tu bổ chùa Đò Mát ở xã Hà Dương, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Sự kiện này được Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì ghi lại trong tấm bia chùa Đò Mát (ký hiệu thác bản, lưu tại Viện Hán Nôm: Nº 2569 – 70) khắc năm 1626: “Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương thi hành thiện chính, mở rộng thiện tâm, đến ngày 21 tháng 2 năm Hoằng Định thứ 4 (1604) phê duyệt:

Xã Hà Mát có dải đất phủ sa đã được xem là đất quan thổ ghi trong số điền bạ của bản xã, trong đó có khu chợ, phía trên từ dải phù sa xã Bái Cương, phía dưới đến tận Đường Bến, nay đã phê chuẩn cúng cho chùa thờ Phật làm đất hương hoa, cần được trao trả cho mọi người lớn nhỏ trong xã thay phiên nhau cày cấy. Hàng năm thôi không phải nộp thuế cho bộ Hộ, mà đem giao cho bản xã sắm biện hương hỏa thờ Phật.

Nghiêm cấm thôn Nhuệ không được chiếm đoạt xếp đất này vào đất quan thổ của bản xã”. 

Lệnh chỉ của chúa Trịnh Tùng đã được nhân dân ở Hà Dương thực hiện nghiêm chỉnh. Họ thiết lập ra điều lệ, khắc vào bia đá, cam kết cùng nhau đoàn kết gìn giữ, cam kết không vi phạm lệnh chỉ của Bình An Vương: “Bản xã có dải đất phù sa, phía trên từ bãi phù sa xã Bái Cương, phía dưới đến tận Đường Bến, đã vâng theo lệnh chỉ cúng làm ruộng hương hỏa, nhân đó cho dựng bia đá để truyền lại lâu dài. Từ nay về sau hễ kẻ nào đó có manh tâm chiếm đoạt đất này làm của riêng không cúng dàng Phật, thì xin Hoàng thiên Hậu thổ cho đế chư vị thần linh ở bản tự soi xét, tru diệt hết con cháu kẻ đó. Nay xin thề!”.

Cũng trong tấm bia này, người soạn là Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì đã hết lời ca ngợi ấm lòng hướng thiện, từ bi, ủng hộ Phật pháp của Bình An Vương Trịnh Tùng. Ông cực lực tán thán lời dạy của chúa Trịnh, niềm vui lớn nhất của đời người là làm việc thiện. Vì thế ông đã mượn làm lời kết cho bài văn bia Đò Mật tự bị. Ông viết: “Trước đây Bình An Vương từng nói, niềm vui lớn nhất của đời người là làm việc thiện. Lời ấy thực sự có ý nghĩa lớn lao, do vậy hôm nay tôi xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ và viết vào bài minh vẫn này!”.

Năm 1608, Trịnh Tùng ban lệnh chỉ cho chính quyền địa phương ở xã An Lạc, huyện Thụy Nguyên, phủ Thọ Xuân (nay thuộc Thanh Hóa) phải bảo vệ, trùng tu chùa ở xã này. Sự kiện này đã được Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan ghi lại trong tấm bia Phàm công đức bi (ký hiệu thác bản, lưu tại Viện Hán Nôm: Nº 13484) ghi lại.

Năm 1616, Bình An Vương ban lệnh chỉ ban cho chính quyền địa phương trùng tu chùa quán, trả lại ruộng cho quán Linh Tiên (thuộc xã Cao Xá huyện Đan Phượng, nay thuộc xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội). “Lệnh chỉ. Tại nơi Linh Tiên quán cổ tích có một đoạn ao Tam bảo, nay giao cho các quan trong nha môn điều tra xác thực quả đúng là khúc ao Tam bảo đã bẩm báo lên, nay phán truyền rằng hãy trả lại đoạn ao Tam bảo cho Linh Tiên quán, trên tử xứ Cửa Ải thuộc địa phận xã Cao Xá. Tất cả giao cho bản quán, hàng năm thu tiền đèn hương và lễ sóc vọng, truyền lại cho muôn đời sau để cúng dàng chư Phật, mãi mãi phù giúp đất nước. Lại cho phép bản quán làm việc cầu đảo cho nhà nước tốt lành, dân địa phương được làm dân tạo lệ, hễ có các việc sưu sai đều được miễn trừ. Nay ban lệnh”.

Năm 1618, Bình An Vương ban hành lệnh chỉ cho chính quyền địa phương trùng tu chùa, trả lại ruộng đất cho chùa Chúc Thánh (ở phường Hồ Khẩu, huyện Quảng Đức, nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội): “Đô nguyên soái Tổng quốc chính Thượng phụ Bình An Vương ban lệnh chỉ cho bọn Trưởng phường phường Hồ Khẩu huyện Quảng Đức là Nguyễn Văn Bân, Vũ Doãn Địch. Nguyễn Văn Điển, nay có Tri phủ phủ Phụng Thiên là Xuân Lạn tử Nguyễn Tự Cường dâng khải lên trình báo rằng ở phường ấy có chốn cổ tích đang làm là các chùa Chúc Thánh, Thanh Lâu nguyên có số ruộng hương hỏa gồm mười mẫu bị người khác xâm chiếm đã trải qua bàn luận thấy cần trao trả toàn bộ mười mẫu ruộng hương hỏa ấy cho chùa để tiện việc thờ phụng. Cấm không ai được cản trở tranh chấp. Kẻ vi phạm sẽ bị xử tội. Nay ban lệnh” [3].

Bình An Vương Trịnh Tùng đã cho phép xây dựng, tôn tạo nhiều chùa

Ông quan tâm đến hoạt động của chùa, của các nhà sư. Thời chúa Trịnh Tùng nắm quyền, nhiều chùa chiền được tu sửa xây dựng khang trang. Hiện nay, trong kho tư liệu Hán Nôm lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, còn giữ được hàng trăm thác bản văn bia ghi lại điều đó. Thanh Hóa là đất lập nghiệp của dòng họ Trịnh, vì vậy, thời kỳ này trên đất Thanh Hóa, hàng loạt ngôi chùa được tu sửa, dựng mới như: 

Chùa Bảo Sơn tại thôn Nhuệ, xã An Hoạch, huyện Đông Sơn (Thanh Hoá) tôn tạo năm 1605. Văn bia Trùng tu Bảo Sơn tự bi ký (ký hiệu 16672) năm 1605 cho biết, chùa được trùng tu vào năm 1605, gồm sửa một tòa nhà, thay 8 cột đá, đắp 17 pho tượng, xây ba bậc đá, một thềm đá, một giếng đá và hành lang quanh chùa. Năm 1623, chùa lại được trùng tu. Văn bia Tu tạo Bảo Sơn tự bi (ký hiệu 16666) cho biết vào năm này, chùa được tu tạo và khắc bia ghi lại,…

Chùa Tiên Sơn ở Giáp Nhuệ (xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) được trùng tu năm 1617. Văn bia Tân tạo Tiên Sơn tự bi (ký hiệu 16696) cho biết công việc trùng tu kéo dài 3 năm, hoàn thành năm 1619 và khắc bia ghi lại sự kiện này.

Chùa Báo Ân ở xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa do chúa Trịnh Kiểm xây dựng để thờ Phật. Đến đời Trịnh Tùng ở ngôi Chúa, ông cho mở rộng thêm năm 1585. Văn bia Trùng tu Báo Ân tự bi ký (kí hiệu 17545) do Quốc tử giám quốc tử chủ cho biết một số người đóng góp vào việc trùng tu chùa là Nguyễn Tử Cao, Nguyễn Hoằng Hiến. 

Chùa Phúc Hạ ở xã Hà Thanh (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) được trùng tu năm 1587. Văn bia chùa Phúc Hạ (ký hiệu N0 1917) ghi lại việc trùng tu, tôn tạo tượng Phật, khắc bia chùa,…

Chùa Du Anh ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa được xây từ thời Trần. Quảng Quận công Trịnh Vĩnh Lộc bỏ tiên công đức xây dựng lại chùa vào năm (1601) đến năm Ất Tỵ (1605) công việc trùng tu chùa hoàn thành. Bia chùa Du Anh (kí hiệu VHn 1793) do Quốc Tử giám Tế tửu Mai lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn cho biết vào năm 1606, chùa được trùng tu từ năm Tân Sửu, năm Ất Tỵ hoàn thành. Sau khi hoàn thành, chùa có quy mô lớn, nguy nga, tượng Phật được đắp, nhà cửa trang hoàng tựa như nơi Phật xuất thế ở nước Thiên Trúc. Trên chùa có động Hồ Công.

Từ ghi chép của sử cũ cho thấy, Bình An Vương luôn quan tâm đến Phật giáo. Khi có việc quan trọng đều cử thuộc cấp đến chùa tế, lễ. (Ảnh: sưu tầm)

Ngoài ra, còn có các chùa như: chùa Khánh Quang xã Trạch Lâm; chùa Đỏ Mát tổng La Miệt, huyện Hoằng Hóa (nay là Hoằng Đạt – Hoằng Hóa) tạo dựng năm 1604, trùng tu năm 1626; chùa Đại Bi ở núi Mật Sơn (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa); chùa Đại Khánh (Thiệu Khánh), chùa Hồi Long (Hoằng Đông); chùa Du Anh (xã Vĩnh Ninh) trùng tu từ năm Tân Sửu (1601) đến năm Ất Tỵ (1605); chùa Càn Đà tu tạo vào năm 1611; chùa Tiên Sơn xây dựng từ tháng 2 năm Bính Thìn (1616) đến tháng 2 năm Kỷ Mùi, khắc bia công đức vào năm Hoằng Định thứ 20 (1619)…

Ở nhiều địa phương khác, hoạt động xây dựng, trùng tu chùa, đúc chuông diễn ra mạnh mẽ. Chùa Xuân Vi ở xã Xuân Vũ, huyện Gia Khánh (Ninh Bình) tôn tạo năm 1604; Chùa Thiên Tư Phúc ở Côn Sơn, Chí Linh (Hải Dương) được tu bổ năm 1606; Chùa Thần Quang ở xã Hành Thiện, huyện Giao Thuỷ (Nam Định) tôn tạo năm 1612; Chùa Linh Quang xã Mộ Trạch, huyện Bình Giang (Hải Dương) tôn tạo năm 1619, …

Như vậy, qua các chính sách vừa nêu, có thể thấy, Bình An Vương Trịnh Tùng rất mến mộ Phật giáo. Trong bối cảnh ông là người cầm quân, đóng vai trò chủ chốt trong việc tổ chức lực lượng đánh bại nhà Mạc, lập lại nhà Lê thì việc mến mộ, ưu ái Phật giáo của Trịnh Tùng vừa thể hiện tài năng chính trị của ông, muốn qua việc ủng hộ Phật giáo để quy tụ lòng người nhưng đồng thời cũng thể hiện vai trò của Phật giáo đối với con người, dân tộc. Chính sự hâm mộ, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển của Bình An Vương Trịnh Tùng đã tạo ra tấm gương cho sự mộ Phật của vua, chúa, hoàng thân, quan lại của thời Lê – Trịnh, tạo ra những tiền đề cho sự hưng thịnh của Phật giáo thời kỳ sau đó.

 

TS. Đinh Văn Viễn/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 399

Tài liệu tham khảo

1. Phan Huy Chú (1960), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1), Nxb. Sử học, Hà Nội, tr.176.

2. Nguyễn Đại Đồng (2018), Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến năm 1981, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 

3. Thích Tâm Đức (chủ biên, 2019), Lịch sử Phật giáo Thanh Hóa, Nxb. Thanh Hóa, Thanh Hóa.

4. Giáo hội PGVN tỉnh Thanh Hóa (2016), Tài liệu Hội thảo khoa học Phật giáo Thanh Hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc, tháng 9/2016.

5. Nguyễn Quang Hồng (chủ biên, 1992), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam (Tuyển chọn – lược thuật), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận (tập 2), Nxb. Văn học, Hà Nội.

7. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư (4 tập), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

8. Trần Nghĩa (2003), Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.

9. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 2), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

10. Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Đinh Văn Viễn (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin