Chi tiết tin tức

Giải chứng về đạo Phật qua tác phẩm Hộ Pháp Luận

20:46:00 - 23/10/2022
(PGNĐ) -  Phật giáo khi đến Trung Quốc cũng đã trải qua những giai đoạn như vậy, thông qua tác phẩm Hộ Pháp luận của Thừa tướng Trương Thương Anh chúng ta phân tích những luận điểm đả phá của ngoại đạo, đồng thời cũng thấy được sự thực là trong giai đoạn Phật giáo bị đả kích, bài báng nặng nề nhất, cũng là lúc xuất hiện những vị hộ pháp hết mình hộ trì để Phật giáo đứng vững và phát triển.

A. DẪN NHẬP

Phật giáo ra đời trong bối cảnh xã hội Ấn Độ phân hóa giai cấp sâu sắc, do vậy ngay từ khi ra đời cho đến quá trình hoằng hóa và truyền bá trong suốt chiều dài lịch sử, đạo Phật cũng như các hiện tượng xã hội khác đều phải đối diện với những rào cản, sự xuyên tạc và chống phá.

Phật giáo khi đến Trung Quốc cũng đã trải qua những giai đoạn như vậy, thông qua tác phẩm Hộ Pháp luận của Thừa tướng Trương Thương Anh chúng ta phân tích những luận điểm đả phá của ngoại đạo, đồng thời cũng thấy được sự thực là trong giai đoạn Phật giáo bị đả kích, bài báng nặng nề nhất, cũng là lúc xuất hiện những vị hộ pháp hết mình hộ trì để Phật giáo đứng vững và phát triển.

B. NỘI DUNG

I. GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC VỀ ĐẠO PHẬT

1. Khái quát lịch sử Phật giáo

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vốn là thái tử nước Ca Tỳ La (kapilavastu), trung Ấn độ. Phụ hoàng là Tịnh Phạn (Suddhodana), mẫu hậu là Ma gia (Maya), tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha). Lúc nhỏ có trí tuệ sáng suốt, tài năng phi thường, lớn lên vì thấu rõ những thống khổ kiếp nhân sinh, thế cuộc vô thường nên quyết chí tìm đường xuất gia giải thoát.

Sáu năm khổ hạnh rừng già vẫn chưa thể chứng ngộ, Ngài qua núi Kada, dưới cội Bồ Đề, xả thân cầu ngộ đã có cơ hội trổ quả khi Ngài bừng ngộ chân lý, chứng đạo Vô Thượng, nhìn thấu chân tướng vũ trụ. Kể từ đó, suốt thời gian nói pháp bốn mươi lăm năm, độ sinh không tận, năm tám mươi tuổi, nơi rừng Song thọ, thành Câu Thi Na, Ngài nhập Niết Bàn.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So thang 9.2022 Phan tich loi ich cua Gioi trong Thanh tinh dao luan 2

2. Thế giới quan Phật giáo

Quan niệm về giáo chủ

Phật giáo là giáo lý của bậc Giác Ngộ tuyên thuyết, chỉ ra đường lối cho nhân sinh hướng đến tự do, giải thoát. Không tự tôn, Giáo chủ là danh xưng đặt ra chỉ cho người đứng đầu đạo Phật. Vị Đạo Sư chủ trương bình đẳng hơn là giáo chủ hay đệ tử tôn thờ giáo chủ. Trích dẫn câu nói trong kinh Phạm Võng Bồ tát giới: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành, thường có lòng tin như vậy thì giới phẩm đã trọn vẹn”. Di ngôn cuối cùng trước khi nhập Niết bàn cũng là “thờ pháp làm thầy như Ta còn tại thế” cũng đủ nói lên nguyện ý của đức Phật, nhằm khai thị chúng sinh hiểu trọn Tri kiến, thấy biết như Phật không sai khác.

Quan niệm về nhân sinh

Các tôn giáo đều coi con người là hơn hết thì ngược lại, Phật giáo đề xướng tất cả chúng sinh đều có sự sống, chung một bản thể bình đẳng. Đều chung khổ, đều sống trong kiếp trược, đều bị chi phối của ngũ uẩn, tứ đại, chạy theo sáu trần, hùa theo sáu thức, đều có khả năng tiến lên quả vị Thánh, giải thoát về tâm, không bị hạn cuộc ở thân.

Quan niệm về giáo lý

Căn bản giáo lý đạo Phật không ngoài Tứ đế và Duyên khởi là hai bài pháp cốt lõi, như dấu chân Tượng vương có thể ôm trọn các dấu chân con thú. Bao hàm ý nghĩa nhân quả, giải thoát, tục đế, chân đế không sai khác, chỉ do căn tính chúng sinh không đồng mà có phương tiện dị biệt tùy cơ mà khế lý.

Quan điểm về cứu cánh giải thoát

Giải thoát là điều mong ước đạt đến của tất thảy, chính con người là nguyên nhân có khổ thì cũng chính đây là bậc thang tiến đến giải thoát. Dứt bỏ mọi mê lầm, hiểu thấu chân lý, buông xả ái luyến ràng buộc, giả dối, vận dụng làm lợi ích cho chúng sinh không kể thân, sơ chính là giải thoát chân thật cả sự lẫn lý. Có ba bậc giải thoát là giải thoát hoàn cảnh, về tự tâm và giải thoát hoàn toàn về sợi dây phiền não, không còn chấp trược ở sự, hình tướng, không còn hạn chế, chi phối, tự tại vô ngại như sen ở bùn mà không nhiễm mùi bùn, nhơ, đục. Đạt đến viên dung đó mới thật ý nghĩa giải thoát.

Ý nghĩa của đạo Phật

Trong các cuộc viễn du, trải qua các cõi của một tiểu ngã, đã huân tập lên biết bao những thiện ác chưa biết dừng mỏi, cứ thâu nhận sáu trần các cảnh dù ở loài nào đều ham đắm loài đó. Như bọ hung sống ở phân nhơ lại vui mừng vì được thức ăn, như quỷ đói thấy sông mà theo nghiệp lại nhìn ra máu. Ngu si, điên đảo, vọng tưởng đó nối tiếp nhau, không thể dứt, cho đến khi may mắn giữa biển luân hồi, quờ quạng được khúc gỗ mà chui lọt đầu được làm người. Nhưng phải được bén duyên với Đạo giải thoát mới được nghe những câu từ chân thật đến thế. Thấy được nghiệp chướng đang mang bằng sự chấp nhận để rồi mới mong thoát khỏi xiềng xích của mười hai nhân duyên, thấy đúng thật về tứ đế mới đủ sức nâng mình vượt khỏi nhà lửa ba cõi.

Vì giải thoát khổ của nhân sinh, giải đáp của những bài toán khó, thực tế đến mức khó chấp nhận vô cùng đã gây nên bao chướng nạn, nhưng Đạo Phật vẫn sừng sững hiên ngang trong hiện hình của chân thật. Không bị thời gian, không gian, quốc độ, văn hóa sai khác mà mất đi giá trị nguyên thủy. Đạo Phật không cầu tìm cho hợp với luân lý, đạo đức, chính trị, văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật, giáo dục, khoa học, triết lý, đời sống, sinh hoạt… nhưng vẫn bao hàm không thiếu. Không chỉ là bổ trợ mà còn đưa đến một sự viên mãn vĩ đại không phụ thuộc không gian, thời gian.

II. THỜI KỲ PHẬT GIÁO DU NHẬP TRUNG QUỐC

1. Lịch sử Phật giáo du nhập

Chư Phạm Tăng đem tư tưởng Phật giáo truyền vào Trung Quốc theo hai ngả là đường bộ giai đoạn đầu và đường thủy ở giai đoạn về sau. Trong đó về đường thủy có Ngài Pháp Hiền bởi sự nhanh chóng, tiện lợi lại không vấp phải những khó nhọc, gian nan, nhiều nguy hiểm như đường bộ.

Về niên đại du nhập thì có nhiều thuyết khác nhau:

Thuyết Tây Phương Thánh giả của Khổng Tử.

Thuyết Thích Lợi Phòng mang Phật giáo truyền vào.

Thuyết Trương Khiên nghe thấy Phật giáo.

Thuyết lễ bái hình người vàng.

Thuyết Lưu Hướng nói về Phật điển.

Thuyết khẩu truyền Phật giáo của Y Tồn.

Thuyết niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ mười.

Sự khảo cứu sau này của các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo du nhập Trung Quốc còn nhiều ý kiến khác nhau, tùy chưa có sự thống nhất của các nhà nghiên cứu nhưng chung quy thì Phật giáo đã truyền sang mà xây dựng nên một hệ thống giáo lý đồ sộ, dung nạp, lưu trữ những giáo điển tuyệt thế cho đời sau tìm hiểu.

2. Tư tưởng “Hộ pháp luận”

Hộ Pháp luận đúng như ý nghĩa tên gọi, tồi tà hiển chính. Tồi tà là dùng những minh chứng rõ nét trong lịch sử, điển cố, điển tích, lập luận chính xác, cụ thể bác bỏ những kiến giải sai lầm, chấp trước, ngộ nhận về Phật giáo. Nhằm phá trừ những câu nói xuyên tạc, mang mục đích phá hoại. Hiển chính là minh định rõ ràng, xác quyết về ý nghĩa chính pháp, đưa những lầm lỡ về với tính lợi ích nguyên thủy, đúng với giá trị thực của phật pháp, so sánh trong các mốc thời gian, không gian khác nhau mà nổi lên tính quan trọng, thiết thực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung dac diem cua PG Trung Quoc trong các giai doan lich su 2

2.1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm “Hộ pháp luận”

Trương Thương Anh 張商英 (1043~1121) người huyện Tân Tân (新津), Thục Châu, thời Bắc Tống, tự là Thiên Giác, hiệu là Vô Tận cư sĩ, sinh năm Khánh Lịch thứ 3 đời vua Tống Nhân Tông (1043). Từ nhỏ, ông đã có nhuệ khí khác thường, tụng đọc làu thông nhiều kinh sách, năm 19 tuổi thi đỗ tiến sĩ, khoa thi năm Gia Hựu thứ 6 (1061).

Khi ra làm quan ông có tư tưởng bài xích phật pháp, nhưng sau đó nhân đọc kinh Duy Ma đến câu: “Bệnh này cũng chẳng phải địa đại, cũng chẳng rời địa đại” bèn có sự thâm ngộ. Từ đó, ông tín tâm theo Phật. Ông làm Thừa Tướng và thời Tống Huy Tông (1101-1125), mất vào khoảng tháng 11 năm Tuyên Hòa thứ 3 (1121), thọ 78 tuổi, tên thụy là Văn Trung.

Năm Tuyên Hòa thứ 6 ông được truy tặng là Thái Bảo. Thương Anh thoạt đầu chẳng biết đến phật pháp, nhân vãng cảnh một ngôi chùa thấy kinh Phật được sắp xếp một cách trang nghiêm, giận dữ nói: “Sách của người Hồ lại được tôn quí trân trọng hơn cả sách thánh Khổng nước ta”. “Tối đến, ông cầm bút nghĩ mãi nhưng không viết được chữ nào. Phu nhân Hướng Thị là người tin Phật, thấy vậy bèn hỏi chồng đang định viết gì. Ông đáp: Ta định viết bài luận chứng minh không có Phật. Phu nhân nói: – Đã là không có Phật, cần gì phải luận nữa! Nhưng ông đã từng đọc kinh Phật chưa? Đáp: – Đời nào ta chịu đọc loại kinh ấy! Phu nhân nói: – Không đọc kinh của người ta thì dựa vào ý nghĩa nào để luận định đây! Ông bèn thôi. Sau đó, ở chỗ bạn đồng liêu, ông thấy trên bàn có cuốn kinh Duy Ma Cật, vô tình mở ra xem, cảm thấy từ lý cao siêu tuyệt diệu, bèn mượn về đọc. Đọc chưa quá nửa, ông chợt thông ngộ, sinh lòng hối hận, phát nguyện hết báo thân này hoằng dương phật pháp. Đối với Giáo lẫn Tông ông đều tâm đắc nên soạn cuốn Hộ Pháp Luận cực lực tán dương, từ một vị quan trọng Nho khinh Phật, nhưng nhờ thiện duyên gặp được phật pháp mà hồi tâm chuyển ý, tín tâm theo Phật.

Hộ Pháp Luận ra đời trước hết như là một lời sám hối chân thành với Phật pháp bởi những gì phỉ báng Tam Bảo trước đây của ông. Và từ sự tỏ ngộ này, ông đồng cảm sâu sắc với những nhà Nho đương thời mang định kiến tôn Nho báng Phật, bằng những so sánh, luận chứng, điển tích, điển cố của Nho gia, ông muốn phá vỡ những định kiến ấy, mở ra cho họ một tầm nhìn mới nên chủ ý soạn Hộ Pháp Luận”.

Sự ra đời của tác phẩm đã ngậm hàm ý nghĩa về nội tại và ngoại tại của xã hội đương thời về giáo lý Phật đà, đồng thời cũng là bản văn chương có giá trị đến bây giờ.

Nội dung tác phẩm xoay quanh những câu nói bài Phật, và những luận điểm phản chứng lại của tác giả nhằm đính chính, giải luận ngắn gọn những điển cố, điển thoại để giúp hậu nhân về sau đứng trước những bài báng, hủy nhục đạo Phật vẫn kiên cố một lòng tu tập, không thoái chuyển.

Tác phẩm hiển hiện rõ tâm lý chung của chúng sinh là ganh đua, ghét bỏ, không khác như đã được nói trong kinh điển Phật giáo. Một tác phẩm ra đời mang âm hưởng của một thời kỳ lịch sử, của những dòng tư tưởng thuận nghịch khác nhau đối với Phật giáo. Giá trị tồn lại của Phật giáo trước những mũi dùi công kích, chê bai lại không hề lay chuyển, cũng không vì tác phẩm Hộ Pháp mà thêm sáng, cũng không vì hủy nhục mà mất đi giá trị nhân sinh, giải thoát. Cứ như vậy, lưu tồn vì mục đích khai thị tri kiến cho chúng sinh là như thế. Nhưng chắc chắn, qua tác phẩm của Vô Tận cư sĩ thì càng hiển rõ được tâm đức cống hiến của một trong muôn vàn ưu bà tắc trong việc kế thừa và hưng long Đạo, kết thêm duyên lành cho những người còn đang hoài nghi, sợ hãi.

2.2. Nguồn gốc và tác giả câu nói trong luận

Bàn về câu nói “Đạo Phật là giáo pháp của người Di Địch, người theo đạo Phật giảm tuổi thọ” là của Hàn Dũ, được trích trong tác phẩm “Hộ Pháp Luận” hẳn cần tìm về cuộc đời tiểu sử của ông từ gia thế đến tư tưởng của riêng ông.

Năm Đại Lịch thứ ba đời Đường Đại Tông (Mậu Thân 768),Hàn Dũ (韩愈) sinh tại Trường An, tự là Thoái Chi (退之), với tác phẩm của riêng ông được người đời gọi là “Hàn Xương Lê” (韩昌黎), là  người Hà Dương, Hà Nam (nay là phía bắc huyện Mạnh, tỉnh Hà Nam).

Mẹ mất khi Hàn Dũ được hai tháng, lên ba tuổi thì cha là Trong Khanh qua đời, trên ông còn có ba người anh, nên ông là con thứ tư. Thuở bé, được vợ chồng anh là Hàn Hội, Trịnh thị nuôi dưỡng và sau này chịu không ít tư tưởng từ người anh. Cuộc đời quan trường của ông không mấy thuận lợi, năm Trinh Nguyên thứ tám (792),hai mươi nhăm tuổi sau ba lần thi thất bại, đến lần thứ tư trúng bằng tiến sĩ, muốn làm quan thông qua Lại bộ khảo thí hoặc đề cử, dâng thư lên Tể tướng mà chưa được nhận hẹn. Năm Trinh Nguyên thứ mười hai (796), được Đổng Tấn tiến cử, nhậm chức Giám sát Thôi quan ở Biện Châu, nắm việc hình ngục. Nhậm chức Tứ Môn bác sĩ được chừng một năm thì năm 803 bị bãi chức.

Tháng 8 năm 805, ông được trao chức Pháp tào Tham quân ở Giang Lăng. Năm 806, tức năm Nguyên Hòa thứ nhất đời Đường Hiến Tông, ông được trao chức Quyền tri Quốc tử bác sĩ. Năm Nguyên Hòa thứ tư (809), nắm việc chính lệnh hình pháp, kiêm quản tế lễ chùa miếu và đạo quán Phật tự. Năm 817, Hàn Dũ năm mươi tuổi phong làm Hành quân tư mã, tham dự kế hoạch chinh chiến, cống hiến rất lớn. Năm 819, dâng biểu can gián việc rước cốt Phật, bị biếm chức đi Triều Châu. Năm 820, giữ chức Quốc tử tế Tửu, chủ trì học phủ cao nhất cả quốc gia tương đương với Hiệu trưởng ngày nay, quản lý giáo dục hành chính có tài năng. Tháng Giêng năm Trường Khánh thứ tư 824, Hàn Dũ năm mươi bảy tuổi, ông cáo lão về dưỡng bệnh ở Hàn Trang phía nam thành Trường An. Ngày hai tháng mười hai cùng năm, ông mất ở xóm Phượng Tĩnh An được vua Kính Tông phong tặng là Lễ bộ thượng thư, ban hiệu thụy là Văn. Di thư ông là chôn cất theo cổ lễ, không theo tục Di Địch và tụng kinh Phù đồ.

2.3. Biện chứng về câu nói “Đạo Phật là giáo pháp của người di địch, người theo đạo Phật giảm tuổi thọ”

Năm Nguyên Hòa thứ mười bốn (819), Hàn Dũ, năm mươi hai tuổi, dâng biểu “Gián Phật cốt biểu” nói rằng: “伏以佛者,夷狄之一法耳。……漢明帝時,始有佛法。明帝在位才十八年耳!其後亂亡相繼,運祚不長,宋齊梁陳元魏以下事佛漸謹,年代尤促。唯梁武帝在位四十八年,前後三度捨身施佛,……其後竟爲侯景所逼,餓死台城,國亦尋滅。事佛求福,乃更得禍。由此觀之,佛不足信亦可知矣。……乞以此骨付之有司,投諸水火。永絕根本。斷天下之疑,絕後代之惑,使天下之人,知大聖人之所作為,出於尋常萬萬也”。

“Thầm nghĩ Phật vốn là một thứ pháp của bọn mọi rợ (Di Địch)[1].. thời Hán Minh Đế mới bắt đầu có phật pháp. Minh Đế tại vị chỉ mười tám năm thôi, sau đó loạn vong nối tiếp, phước vận không dài, các triều Tống, Tề, Lương, Nguyên Ngụy về sau đều thờ Phật càng kính cẩn thì niên đại càng ngắn dần. Duy có Lương Vũ Đế ở ngôi bốn mươi tám năm, trước sau ba lần xả thân thí Phật… sau rốt cuộc bị Hầu Cảnh bức hại, chết đói nơi Đài Thành, nước cũng suýt mất. Thờ Phật cầu phúc hóa ra lại bị họa. Do đó mà xét thì Phật không đủ để tin vậy, xin đem cốt này giao cho hữu ty ném vào nơi nước lửa, mãi mãi đứt luôn gốc rễ, chặt đứt mối nghi cho thiên hạ, tuyệt đi sự mê hoặc của đời sau, khiến cho người trong thiên hạ biết được chỗ làm của Thánh nhân cũng chỉ ở chỗ tầm thường”.

Trong tác phẩm Hộ Pháp Luận, cư sĩ Vô Tận cũng chỉ ra, Hàn Dũ không vì nghiên cứu sâu xa hay tìm hiểu qua về Phật giáo, ông nhận định Phật giáo đến từ vùng mọi rợ trong quan niệm kỳ thị dân tộc của người Hán. Là nho sĩ người Hán, tự cho mình là văn minh để nhìn các dân tộc bằng sự khinh miệt xuất thân thay vì nhìn nhận đạo và tài đức. Từ Hàn Dũ, tư tưởng này có thể nói là đại diện cho phần đông bộ phận tri thức mang tinh thần ngạo mạn lúc bấy giờ. Điều này, có chăng gợi nhớ đến xã hội Ấn Độ trong bối cảnh trước và trong thời Phật xuất thế. Cũng một dân tộc, một xã hội, cũng là con người bằng xương thịt, có máu mủ, gia đình… nhưng rồi dựa theo một di ngôn Thần Thánh nào đó tự xây dựng lên mà nói đó là định mệnh, là cao quý, là thấp hèn, là văn minh hay ngu muội. Sự tự kỷ ám thị này có thể nói, đã tồn tại qua các thế hệ, từ đông sang tây, từ nam sang bắc, xuất phát từ những ý niệm để tôn xưng, tự bao phủ mình bằng lớp màu khác biệt cho đó là sang quý rồi hình thành nên một tư tưởng nối tiếp nhau qua bao đời, để rồi mặc định thành số phận. Ngoài ra, qua sự phản bác của Hàn Công, mới so sánh ngược lại mới Phật giáo mà nhìn nhận, nền giáo lý căn bản được dựng lên từ sự khổ của nhân sinh để hướng con người tới con đường diệt khổ. Đã là khổ thì tựu chung chẳng phải đã bao trùm con người trong bốn bể, năm châu chứ đâu còn phân vùng miền, lãnh thổ. Chính sự bao quát đó của Đạo Phật đã đủ chứng minh được sự tự tại và lợi ích rồi. Gần nhân sinh để độ nhân sinh không chỉ dừng lại ở cuộc sống hiện đời. Rốt ráo của Đạo Phật còn ở sự giải thoát, cái tạm gọi nhân sinh vẫn nằm trong quy luật tuần hoàn của luân hồi sống chết, duy có Đạo Phật, ông coi là của Di Địch lại có công năng đưa người Phàm thành Thánh, vượt tới bờ kia. Vậy mới hay, trong cái chê trách, khinh thường của Hàn Dũ trong văn biểu can Vua lại hàm ý nghịch lại đang tán dương đạo lý nhân sinh, lợi ích hàm linh, không phân biệt trong dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Đề xướng dùng cổ văn, mục đích chấn hưng Nho, lại mượn “đạo lý cứu vớt nỗi chìm đắm của thiên hạ” tức bài cự tư tưởng Phật – Lão của ông. Tự cho cái trách nhiệm gánh lấy truyền thừa đạo của Khổng – Mạnh, gắng sức xiển minh đạo của Nho gia. “Nguyên Đạo”, viết: “cái đạo này là đạo gì đây? Không phải hướng tới cái đạo của Lão, Phật. Vua Nghiêu lấy đó truyền cho Thuấn, Vua Thuấn truyền cho Vũ, vua Thang, Văn Vương, Vũ Vương, Chu Công, truyền cho Khổng tử tới Mạnh Kha. Mạnh kha chết không truyền cho ai được, đến Tuân Tử và Dương Tử lại không tinh dù được chọn, lại không rõ ràng khi nói” ý tứ trong đây, chính ông tự phán bản thân là hậu duệ của Mạnh Tử.

Sự ý thức gánh vác thống Nho là chuyện cũng đáng, như mối dây truyền thừa sao có thể nhìn nó đoạn dứt trước mắt nhưng có lẽ, ông mải chạy theo tham vọng bản thân hơn là đặt trọng trách kế Đạo thừa Nho. Thử nghĩ, gánh Đạo trên vai là thấu trọn lẽ Đạo một đời mà Tiền nhân gây dựng, phát huy truyền thống, hưng long tới nghĩa Viên mới tính là làm trọn hai chữ kế thừa. Nay Hàn Công, cho Đạo là lẽ phải, là của dân Hán, của nền văn minh mà chê bai mọi rợ, xuất thân, há chẳng phải đang tự hạn chế sự truyền Đạo của Khổng. Vậy đâu được tính là Đức Nho gia vì nhân sinh, vì đạo đức, lẽ phải. Như kẻ cầm kiếm nhân danh bảo vệ đất nước nhưng lại đi cướp đoạt của dân mình, cũng chỉ là hư danh, hư vọng ước. Lại trong lời tự của luận Hộ Pháp:“thiên hạ không có hai chân lý, Thánh nhân không có hai tâm….hoặc sinh ở đông hay tây…tuy nơi sinh có khác nhưng sự chứng nhập chân lý thích hợp đều đồng nhất, không có sai khác”. Chư vị Thánh nhân thường hạ tâm Phàm tình, thấu tỏ nhân sinh, đạo lý thì còn chi phân biệt. Chính Khổng Tử cũng hơn một lần khen ngợi Thánh nhân ở Ấn Độ, có lẽ nào, hậu thế của ông chê Phật là đang tự hắt nước vào Tổ nhân mình. Đức Phật cũng từng nói tin Ta mà không hiểu Ta chính là bài bác Ta, cũng vậy, Hàn Dũ bài Phật, rồi nâng cao Nho Đạo của mình, tưởng chừng như đang vì đức Khổng, Mạnh mà đâu hay lại tự chê chính Đạo mình. Lý chân nhiệm màu là ở đây, tại sao đang vì lợi mình lại thành hại mình nằm ở nhân- quả.

Đạo Nho đặc biệt coi trọng về đạo Thầy, muốn kế thừa là làm sáng đạo Tiên Thánh tiền Hiền. Về phương diện cống hiến, ông có lẽ là người thâu góp đạo đức và truyền thống Nho học, bằng ngòi bút tung hoành, hừng hực lý lẽ, mãnh liệt cho đạo. Thuộc hàng trí thức đương thời, được nhiều người tán ngưỡng, văn chương “chí Dũ về đạo xưa, văn từ chuốt rất đẹp”. Một lần nữa, qua những cố gắng của Hàn Công trong sự nghiệp hưng long Nho học, hẳn hàng hậu sinh Thích tử cũng phải ngậm ngùi về bản thân đã có thể vì đạo pháp?

Không phải, Phật dạy thừa tự pháp thay vì thừa kế tài vật đó sao, Phật giáo cũng không dạy, đứng lên vai kẻ khác có thể tôn vinh đạo mình. Phân biệt, chính là nguồn gốc của vô minh, tôn đạo là biểu hiện của ái thủ hữu hẳn sẽ đưa về khổ não, thương đau.

Trở lại, xuất xứ đạo Phật, Hàn Công cho là Di Địch, thiên kiến hạn hẹp lại quên dẫn kiến giải của Tống triều Thừa tướng Trương Thương Anh nói:

“Xấu xa thay, Hàn Dũ tự dối! Hàn Dũ há không nghe Mạnh Tử nói: “vua Thuấn sinh ở Chư Bằng, chuyển dời đến Phụ Hạ, chết tại Minh Điều, vốn người xứ Đông Di. Văn Vương sinh ở Kỳ Chu, chết tại Tất Dĩnh, vốn người xứ Tây Di”. Vua Thuấn và Văn Vương đều là Thánh nhân, làm pháp cho đời sau trong thiên hạ, sao có thể cho người ấy là Di mà phế dẹp pháp ấy ư? Huống gì đức Phật do từ quốc vương Tịnh Phạn là trung tâm của Nam Thiệm Bộ Châu, chẳng phải là Di vậy. Nếu cho là từ thời thượng cổ chưa từng có mà không thể thực hành, thì Xi Vưu mù chột sinh ở thời thượng cổ; Chu Công, Trọng Ni sinh ở đời sau, đâu có thể xả bỏ Thánh hiền ở đời Chu suy mà lấy kẻ ngu dữ ở thời thượng cổ ư?

Vả lại, thời thượng cổ, con người hoang dã sinh sống nơi hang huyệt, ăn lông uống máu mà trên rường dưới nhà, dùng cách mài đồ đổi lửa, phát khởi cho đời sau, đều chẳng đủ dùng vậy”. Nếu mang so sánh với xuất thân của dòng họ Thích Ca con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da, xứ Ma Kiệt Đà, của thái tử Tất Đạt Đa thì lấy gì phân định hơn kém. Ngày trước, có lần đức Khổng tử muốn đến sống nơi miền Cửu di. Có người hỏi: ‘Dân ấy thô lỗ, biết làm sao?’ Khổng tử đáp: ‘Người quân tử đã ở đó thì làm sao còn có sự thô lỗ?’. Như vậy, chẳng phải bậc thánh hiền câu nệ phân biệt di địch với Trung Quốc, chỉ tại người đời tự phân biệt như vậy mà thôi.

Qua tư tưởng này của Hàn Dũ, cũng khiến người viết nghĩ tưởng về sự phân chia bộ phái và những bất đồng trong tư tưởng, quan niệm của Phật giáo sau khi Phật nhập Niết bàn. Suy cho cùng, cũng nhân suy nghĩ phàm phu, hạn lượng mang phân bì với bậc Thánh nhân có khác chi là tự mình tát mình. Đạo nào cũng vậy, chung quy sau này, hàng đệ tử lạm xưng dòng Thánh, chê đạo, chê tông, nội bộ xung đột, phân định pháp thiền, tịnh, mật, giáo, chia chẻ thành trăm nghìn phái, lại sinh hậu thế ngu si không hiểu biết đã vội lấy pháp mình chê pháp người mà quên mất lý đạo đều từ gốc giải thoát khi xưa nơi xứ Ấn.

Như tay trái cầm dao gọt đẽo tay phải thay vì dùng tay phải rửa sạch bàn tay trái. Cái gọi là hưng long của đạo nằm ở bản chất tuyệt đối thay vì nhìn hiện tượng tương đối. Điểm chung này, mỗi người tự nhận, người viết không dám lạm bàn.

Nguyên nhân Hàn Dũ nhìn nhận theo lối cổ hủ, thâm căn cố đế khi nhắc về Đạo Phật: “…佛者,夷狄之一法耳,自後漢時流入中國,上古未嘗有也。……夫佛本夷狄之人,與中國言語不通,衣服殊制,口不言先王之法言,身不服先王之法服,不知君臣之義、父子之情”. “…Phật là một pháp của bọn Di Địch, từ thời Hậu Hán truyền vào Trung Quốc, thượng cổ chưa hề có… Phật vốn dĩ là người Di Địch, ngôn ngữ chẳng thông với Trung Quốc, y phục khác lạ, miệng không hề nói pháp ngôn của Tiên vương, thân không mặc pháp phục của Tiên vương, không biết cái nghĩa vua tôi, cái tình cha con”. Suy ra từ đoạn trích dẫn văn thảo tấu vua của Hàn Văn, đủ phần nào để hậu thế xác quyết ông trong xã hội đương thời với thi đạt tiến sĩ, lối văn chương học thuật so với đời có đôi chút hơn hẳn, nhưng về chính giáo, nghĩa Nho gia ông vẫn còn dạo chơi ngoài cổng. Hóa ra, cái ngôn từ Di Địch mà ông đặt cho đạo Phật lại lấy Hoa Hạ[2] của ông là trung tâm. Dưới trời cao vời vợi, đất rộng mênh mông này, có biết bao nhiêu xứ sở, ghi không hết biết luận cứ y đâu mà gọi là giữa hay bờ mé. Điều này cũng không khác lối nhìn của những kiến giải triết lý tồn tại trước Phật và sau Phật. Khác với mọi tôn giáo theo danh xưng phương Tây đặt để, Phật giáo lấy con người làm trung tâm, nhìn thấu và hướng tới như trong kinh “Trước đây và hiện nay, này Anuràdha, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”[3]. Đối diện với sự tán thán, chê bai, hủy nhục thì đức Thế Tôn vẫn căn dặn đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các người chớ có vì vậy sinh lòng công phẫn, tức tối, tâm sinh phiền muộn. Này các Tỷ-kheo, nếu có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, và nếu các ngươi sinh lòng công phẫn, tức tối, tâm sinh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi”[4]. Ngược lại: “Này các Tỳ-kheo, nếu có người tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thời các người không nên hoan hỷ, khoái trá, tâm không nên thích thú”[5]. Lời dẫn dạy này của Phật, cho các Tỳ kheo và hậu học nhìn  lại chính bản thân tu tập trước lời chê, khen ra sao chứ không chấp nhặt trong câu từ phân biệt mà nảy sinh mâu thuẫn. Vị Đạo Sư này, hoàn toàn đã có những suy nghĩ khác tất cả các vị Thần, Thánh hay Thầy khác.

Trở lại, câu nói của Hàn Dũ về tôn thờ Đạo Phật làm tuổi thọ suy giảm, thật hết sức vô lý, không căn cứ, không đủ để tranh luận như kẻ chỉ biết rung chuông mà không chịu lắng nghe. Không khác kẻ ngu mù nhưng thích lý luận, thử hỏi Vua Ngoại Bính được hai năm, Trọng Nhâm bốn năm, Khổng Cấp, Bá Ngư, Nhan Uyên, Nghiễm Bá Ngưu mệnh yểu. Kể trên đều là thời chưa được nghe Phật pháp mà có được tuổi thọ. Điều đáng nói là, một người đỗ tiến sĩ như ông lại cho rằng lòng tin Phật hay nghe Pháp mà đến nỗi chết non thì không hiểu Nho gia truyền bá Đạo bằng chữ viết mà không ngâm, không bình, không đọc. Kể từ thời Hán Minh Đế, Phật Pháp được truyền sang Trung thổ, Đại Sư Nhị Tổ thọ trăm lẻ bảy tuổi, An Quốc Sư một trăm hai mươi tám tuổi… lẽ nào nguyên nhân lại ở Đạo Phật. Từng đó những thắc mắc, bài Phật càng cho thấy, sự nông cạn trong học thuật của Hàn Dũ cả về Đạo Nho lẫn phương cách báng Đạo Phật mà chưa để lòng suy xét hay nghiên cứu. Chỉ họa làm trò cười cho hậu thế.

Trong tư tưởng Phật giáo đề cao sự chiến thắng chính mình về mặt nội tâm mới là chiến thắng tối thượng, kẻ thù lớn nhất đời người là mình, không phải bên ngoài. Sự phản ánh bên ngoài chính là một phần sót lại của tâm mình nên tịnh độ tông mới có “y báo trang nghiêm” hay “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh”. Đến Đề Bà Đạt Đa, trong Pháp Hoa kinh, Phật cũng không bỏ quên mà thọ ký cho thành Phật. Tưởng chừng như là chi tiết nhỏ trong hệ kinh điển Đại thừa nhưng lại là sự kết thừa tư tưởng từ Nguyên thủy, bộ phái, tiến lên sự hoàn thiện về tư tưởng Phật giáo đến trọn vẹn. Điểm này, có thể nói là dị biệt trong vạn thứ dị biệt của Đạo Phật với các Đạo đương và hậu thời như Nho giáo.

Bản chất và hiện tượng trong mọi Đạo giáo cần được nhìn nhận thấu tỏ, hơn là so bì cao thấp, đánh giá ở hậu sinh. Hàng đệ tử theo đòi tiền nhân mà không tới bến rồi vì thế mà chỉ trích vị Thầy. Phật giáo Trung hoa đương thời có thể kinh lịch không ít thời kỳ Phật giáo trên mây, đạo lý nằm chết trong tủ đựng đầy kinh sách, còn tăng đoàn thì mục nát, thối rữa, nên việc kính tin là chuyện một số người, mà bài báng khinh chê, cũng là việc của không ít Nho sĩ hay một số thời đại. Sự khủng hoảng lên xuống này, như một điều tất yếu cho một vấn mệnh mà ngay cả Đạo Phật tuyên thuyết về vô thường cũng không ngoài quy luật đó. Chỉ là con người cứ  khư khư nhìn vào một điểm sai thay vì cả trăm lần đã đúng. Bệnh của chúng sinh phần nhiều như thế, chẳng đâu có khác dù ở đất liền hay biển cả. Cứ trong vòng luân hồi là còn trong đọa lạc, còn đầy rẫy những tập khí của ngũ trược do huân tập hàng ngày từ sáu căn, trần, xúc. Luận Hộ Pháp, cư sĩ Vô Tận “ví như con vi trùng mùa hạ không thể nói chuyện sương tuyết mùa đông, con ếch nơi xó giếng sao biết biển đông rộng và quan điểm của ông Hàn văn cũng vậy”. Lý nào, “người thờ Đạo Phật bị giảm thọ thì ngược lại, bài xích, chê bai Phật lại được tăng thọ” chắc nhân quả trong thế gian đảo ngược hoặc có chăng, lý luận của riêng ông nằm ngoài định luật vũ trụ. Niên hiệu Hội Xương thứ năm, vua Đường Vũ Tông bỏ Phật vào hạ tuần tháng tám đến năm thứ sau, được nửa năm thì vua băng hà? Việc này, ông lý giải được thì có phải tự lấy tay vả miệng mình.

Câu nói của Hàn Dũ được trích trong Hộ Pháp luận chính là vấn nạn trong suốt những năm tháng của Đạo Phật kể từ khi du nhập đến những thời đại của lịch sử Trung Hoa. Lời hỏi đó không chỉ của riêng tác giả mà còn của phần đa hàng tri thức khi nhìn Đạo Phật ở một triết lý thay vì đạo giải thoát. Sự phân biệt màu da, lãnh thổ, xuất xứ… chỉ làm gia tăng sự đối đãi thù nghịch, ghét bỏ, đấu tranh, toàn bộ đều bao hàm những vấn đề thỏa mãn lòng tham, thêm lớn tâm sân mà thôi. Trong khi, điều cần yếu trong cuộc đời mấy ai giải đáp được về Khổ, Tập Khổ, Đạo và Diệt thì ngoài Đấng Chính Đẳng ra, chưa từng ai vạch định ra cùng biện chứng. Ngay trong Tứ đế đã mang ý nghĩa nhân quả sâu sắc cả về tục đế lẫn Thánh đế gồm thâu những vấn đề thế gian, đủ để nghị luận cùng câu của Hàn Công về sự “thờ Phật giảm thọ”.

2.4. Biện minh lý do “Vua Lương Vũ Đế thờ Phật mà mất nước”

Cũng cùng quan điểm ban đầu khinh thường xuất xứ Đạo Phật khác xa với nền văn minh Hoa Hạ của xứ ông, thì Hàn công lại chuyển hướng sang chuyện vua “Lương Vũ Đế[6] kính tin, thờ Phật vẫn bị mất nước”. Nội hàm công kích trong câu này của ông chính là nói về việc kính thờ Phật là bị tội báo hay sao? Luận cứ của ông quá mỏng manh chỉ tùy theo ý muốn phục Nho, diệt Phật nên đến nỗi mê mờ như vậy. Đúng thật, khi Phật dạy “tham” sẽ là mồi ngọt dẫn dụ “sân” để chìm đắm bao đời bao kiếp trong “si” mê, ngu muội. Xin dẫn lời Phật thuyết Luân Chuyển Ngũ Đạo Tội Phúc Báo Ứng Kinh nói:

“…Làm người giàu có lớn, của cải vô hạn là do Bố thí. Làm người sống lâu, không bệnh tật, thân thể cường tráng là nhờ Trì giới. Làm người đoan nghiêm, dung mạo xinh đẹp, rạng rỡ bậc nhất, thân hình mềm mại, hơi miệng thơm sạch, thùy mị, ai thấy cũng hoan hỷ, nhìn không biết chán, đó là nhờ Nhẫn nhục. Làm người tu tập không biếng trễ, ưa thích làm phước đức là nhờ Tinh tấn. Làm người an vui, lời nói và việc làm luôn suy xét kỹ lưỡng, đó là nhờ Thiền định. Làm người nhiều tài cán, thông minh, thấu đạt pháp sâu, khen ngợi nghĩa diệu, khai ngộ cho người ngu si, người nghe lời nói của mình đều tuân, nhận, quý như châu báu, đó là do Trí tuệ. Làm người có tiếng nói trong trẻo là do ca vịnh Tam Bảo. Làm người thanh khiết, không có bệnh tật là do có tâm Từ”.

Lại nói: “Làm người cao lớn là do cung kính người.

Làm người bé thấp là vì khinh mạn người.

Làm người xấu xí là vì hay sân giận.

Sống mà không biết chi cả là vì không chịu học hỏi.

Làm người ngu tối là vì không khuyên dạy người.

Làm người câm, ngọng vì hủy báng người.

Làm người đui điếc vì không thích nghe thụ Kinh Pháp.

Làm người nô tỳ vì vay mượn không trả…”.

Lại nói: “Ai tham lam, keo kiệt ăn một mình, không bố thí cho những người đói khát, sau bị đọa trong loài ngạ quỷ. Ra khỏi ngạ quỷ sinh làm người thì bần cùng, đói khổ, áo không đủ che thân, cơm ăn không đủ bữa. Thức ăn ngon thì ăn một mình, còn cho người thức ăn dở, sau sinh trong loài heo, bọ hung.

Ai thích cướp đoạt của cải người khác sau bị đọa trong loài dê, sống bị lột da, đều trả tội kiếp trước.

Ai ưa thích sát sinh, sau làm loài phù du sống trên mặt nước, sáng sinh chiều chết.

Ai thích trộm cắp tài vật của người, sau đọa làm nô tỳ, làm trâu ngựa, để đền trả nợ cũ.

Ai thích dâm loạn vợ người, chết bị đọa vào địa ngục. Người nam thì ôm cột đồng lửa, nữ thì nằm trên giường sắt nóng. Ra khỏi địa ngục thường sinh nơi chỗ thấp kém đọa vào loài gà, vịt.

Ai thích vọng ngữ, rêu rao chuyện xấu của người, chết bị đọa vào địa ngục, nước đồng sôi rót vào miệng, rút lưỡi ra cho trâu cày. Ra khỏi địa ngục, lại sinh trong loài cú mèo, loài chim dữ như chim kiêu…, nghe tiếng của chúng ai nấy đều kinh hãi cho là loài yêu quái, đều mong cho chúng mau chết.

Người nào thích uống rượu đến nỗi say sưa, phạm ba mươi sáu lỗi, chết bị đọa trong địa ngục bùn lầy phân dơ. Ra khỏi địa ngục bị đọa vào loài tinh tinh, sau làm người thì ngu tối, sống mà không biết gì cả.

Vợ chồng không hòa thuận, cứ đánh lộn, tranh cãi, đuổi nhau đi, sau bị đọa trong loài tu hú, bồ câu.

Ai lợi dụng bóc lột sức người, sau bị đọa làm loài voi…

Ai làm quan châu huyện mà ăn chận tước lộc của các quan, hoặc của người vô tội, hoặc tư quyền cướp đoạt của cải nơi dân chúng, trói cột đánh đập người, cưỡng bức bắt họ đi làm thuê, hoặc tố cáo không có bằng chứng, tra khảo, giam giữ nơi lao ngục…, về sau bị đọa vào địa ngục, chịu thống khổ trải qua trăm ngàn ức năm, khi nào tội hết mới ra khỏi, lại phải bị đọa trong loài trâu bò, xỏ mũi, kéo xe cộ, đánh đập khổ não để đền trả tội ngày trước…

Làm người nhơ nhớp là từ loài heo sinh ra.

Làm người tham lam, keo kiệt, không chút liêm khiết là từ loài chó sinh ra.

Làm người cố chấp, tự dụng ngang ngược là từ loài dê sinh ra. Làm người tanh hôi là từ loài cá, ba ba sinh ra.

Làm người hung ác, ngậm độc, tâm khó giải trừ là từ loài rắn sinh ra. Ai thích ăn ngon, hay sát sinh làm tổn hại chúng sinh, không có lòng từ, là từ loài sài, lang, tinh tinh, chim ưng sinh ra. Nếu được làm người thì chết yểu, thai bị sẩy hư, sinh ra đời chưa bao lâu lại chết sớm, rồi bị đọa vào ba đường dữ, trải qua ngàn vạn năm. Phật nói: Những hạng người ấy do đời trước làm người, ưa thích săn bắn, thiêu đốt núi rừng, phá tổ đập trứng các loài chim, bày lưới bắt cá, giết hại chúng, lấy da thịt để ăn uống thỏa thích nên mắc quả báo chết yểu, đời đời kiếp kiếp không có lúc nào rời khỏi ba đường ác. Hãy cẩn thận! Thống khổ không thể nói hết được”. Triều nhà Lương có bốn ông công thần có khả năng biết các việc xảy ra của quỷ thần và trời đất, thì việc giúp nước đâu làm khó được sao không dùng thấy biết mà thận trọng can ngăn Vũ Đế? “Có bốn anh em Phạm chí đã đắc ngũ thông, biết rằng mạng mình sắp chết nên cùng nhau trốn quỷ vô thường. Xin hỏi hiện nay họ có tránh thoát được không? Đức Phật đáp: Này Đại vương, người ta có bốn việc không thể tránh khỏi. Bốn việc ấy là gì? Khi ở thân trung ấm không thể không thọ sinh. Đã thọ sinh không thể không già. Đã già không thể không mang bệnh. Đã bệnh không thể không chịu chết”[7].

Không kể Ấn độ có tôn giả Sư Tử[8], Trung Quốc có ngài Nhị tổ[9], ngay chính đức Thích Ca cũng không nằm ngoài định nghiệp, đồng chịu như nhau, có khác chi là tâm thái tự tại trước những hiểm họa hay nghịch cảnh. Đây là kết quả của sự tu dưỡng, có thể thay đổi, chuyển hóa những ác nghiệp trong quá khứ, hiện tại xúc sự vẫn an nhiên, điềm tĩnh bởi hiểu rõ trong tâm là nghiệp phải được trả, không phải là trốn lánh. Điều này đồng nghĩa với việc phát sinh phúc đức, thiện lành đưa tới. Luận Hộ Pháp, thừa tướng Thiên Giác[10] đáp về câu hỏi trên: “đáng thương thay cho những người không rõ định nghiệp”. Hàn văn Công và Thừa tướng Trương Thương Anh, đầu tiên có những điểm tương đồng, cùng tiến sĩ, cũng từng muốn bài Phật sau này, Thiên Giác lại trở thành cư sĩ vì ông tìm hiểu lại về Phật pháp mới mong tìm ra điểm sai vạy mà chê bai, bài báng. Ngược lại, điều đó đã biến ông chuyển hướng tin Phật. Hẳn có lẽ, nếu Hàn Công cũng thử nghiên cứu ba năm về Đạo của người Di Địch này, ông sẽ không chết mà nghiệp phục Nho chưa thành, không chừng lại có thêm một cư sĩ tài ba như Vô Tận. Nhưng điểm này cũng có thể gọi là những chướng nạn của Đạo Phật khi du nhập vào vùng đất với nền văn hóa cổ truyền luôn lấy Thiên là Đạo khó cưỡng. Thâm tâm Hàn Công một lòng hừng hực, ấm ức chưa phục dựng Nho đồ thì nghe Đạo Phật sao vào, oán thù đang mang ví như chén nước đầy làm sao đón nhận được giáo pháp. Nguyên nhân tham vọng này, đã nhấn chìm cuộc đời ông, chưa thể cởi nút tắt nên tâm nguyện cuối cùng ông vẫn không chịu hạ mình vào Đạo Phật. Không trách được ông trước hoài bão vì nghiệp Nho, mà một lòng tranh đấu, nhưng thật đáng thương cho ông khi đương đầu với Đạo Phật mà không chịu tìm hiểu. Có gia nhập Đâọ mới hiểu mới tìm được những sai lệch thì câu từ bài báng của ông mới có giá trị, thay vì thấy đáng thương, nực cười. Vận nước ngắn dài, dân chúng an cư lạc nghiệp hay loạn lạc đói khát là bao nhân duyên chằng nối không phải một câu mà có thể tường tận. Vua Nghiêu, Thuấn, bậc Thánh nhân được tôn xưng mà cũng chỉ được một đời trị quốc, sau có con mà không truyền vì muốn duy trì đạo đức chứ không ở tình thân. Riêng quyết định đó cũng không phải việc làm của hạng phàm phu, tục tử những lẽ nào con cháu chung huyết thống lại chưa đủ đạo đức mà hai ông muốn tìm lại bởi lỗi của chính hai Vua hay của Trời ban sắc chỉ như thế. Tu sửa là hành vi sửa đổi lỗi lầm, có công năng đưa pàm phu lên thánh vị. Như người nữ, tuy còn nhiều hệ lụy hơn nam giới nhưng tu tập cũng có thể khiến cho tâm tính nữ nhân không còn yếu đuối. Còn muốn chuyển thân tất có thể đợi đến đời sau.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Nhung dac diem cua PG Trung Quoc trong các giai doan lich su 4

Vua Vũ Đế thọ đến tám mươi sáu tuổi, tại vị bốn tám năm đã được gọi là thọ. Ông bệnh dẫn đến mất thì cũng tính là đại họa gì to lớn bởi đấy chỉ là một trong bốn khổ hiện đời. Sai lầm của Vua là trước sự việc làm phản, bói được quẻ Càn, nội hàm ý không thông đạt muốn tự mình ngăn họa cầu phúc. Đọc tích truyền Đạt Ma, câu trả lời của Tổ về câu hỏi của Vua về công đức cất chùa, độ Tăng mới hay, công phu tu hành của Vua chỉ mới vào đến cổng, chưa ngấm đủ ý vị, coi việc hành phước là rốt ráo, cao thâm. Đâu biết đây cũng là một lối chấp thủ, chưa xả được dù là công đức, chỉ là phương tiện tạm thời: “Pháp ví như chiếc bè, chính pháp còn bỏ, huống gì phi pháp”[11]. Tư tưởng hạn hẹp, chưa thông tỏ giáo pháp của Vua cũng là của đa số cách tu hiện nay, mỗi người đều chấp vào sở tu, sở đắc của bản thân không khác người mù sờ voi song lại khẳng định đó là toàn bộ con voi. Người mắt sáng nghe như vậy, há lại không chê cười. Nếu vùng vẫy trong lý luận điên cuồn của Hàn Dũ thì đủ biết Ông chẳng hề biết cái gì là ba đời, là nhân quả. Suy xét thì, bản thân mỗi người hay cả chính Hàn Văn, cả mỗi chúng sinh đều đang ngụp lặn, sống từng sát na đâu rời nhân quả. Có học, có thi, có đậu tiến sĩ, có thịnh suy, đầy ải, bổ nhậm chức trong cuộc đời ông chính là nhân quả, đắp đổi nhau đấy thôi. Vậy mới biết, mắt thế nhân chỉ thấy bên ngoài mà không tự nhìn được lông mi mình còn bị nhặm. Đưa mắt thấy đời để so bì, phân nhân nghĩa, thấp cao, lợi, hại của Thoái Chi trước Đạo là lầm tưởng, là mê lầm, thật phí hoài chữ nghĩa một đời của chính ông. Khi loạn quân làm phản hầu Cảnh tới, ông lại tin vào tích xưa mà họp Sa môn tụng kinh Đại Bát Nhã, điều này không phải là kính tín Phật như một ông Thần ban phúc hay sao, sự bị động trước loạn quân đã khiến ông thất thế, gây thương vong không ít, đâu phải cách dụng của bậc trí tuệ trong đạo Phật. Lật lại về quá khứ nghiệp trước của Vua Vũ Đế, phước đức không nhỏ mới được sinh tròng dòng rồng, xưng là Thiên tử, cũng không tránh được cả những ác nghiệp đeo mang khi chuyển thân như sát sinh, ngu muội vì sắc, vì tửu.

Ngay thời hiện tại, làm Vua cũng đâu tránh được nữ sắc, quyền uy hay rượu nhạc đình đám thì chuyện xu nịnh, chém giết nhầm lẫn cũng đâu là ngoại lệ. Lịch sử ghi chép, Vũ Đế là ông vua kính tín Phật pháp, có thể nói cũng danh là mê tín: “Vua thường hỏi thiền sư Chí Công[12] về vận nước dài hay ngắn. Thiền sư chỉ đưa tay chỉ vào nơi cổ họng. Đó là lời đoán trước cái nạn Hầu Cảnh[13]. Khi ngài Chí Công sắp viên tịch, Lương Võ đế lại gạn hỏi việc sắp tới. Chí Công nói: ‘Khi nào ngôi tháp của bần tăng hư hoại, xã tắc của bệ hạ cũng mất theo’. Sau khi ngài Chí Công viên tịch, người vâng lệnh vua làm tháp vừa xong, Võ đế bỗng nghĩ rằng: Tháp bằng cây gỗ làm sao được lâu bền? Liền ra lệnh phá bỏ để xây tháp bằng đá, có ý muốn cho không bị hư hoại, mong được ứng với lời của Chí Công. Ngờ đâu việc phá tháp vừa xong thì quân loạn Hầu Cảnh cũng vừa vào thành”. Tích truyện An Thế Cao[14], Bạch Pháp Tổ[15] cũng không trốn tránh. Người đã rõ lẽ hư huyễn, như sương sớm, điện chớp huống lại tránh né để đến nỗi chồng chéo nợ duyên.

Bao thắc mắc, hoài nghi về Đạo Phật, ở mỗi thời đại đều có, đều day dứt, bàng hoàng như nhau. Xuất phát từ sự tự kỷ bản thân thấp kém, cũng có thể là cao sang quyền quý, nên khó thể nhập vào Đạo. Từ thuở sơ khai, giáo lý giải thoát đó đã lấy nhân sinh là chính để mọi mơ hồ đều được sáng tỏ ngay trong cuộc sống thường nhật. Đạo Phật không phải của riêng ai, của giai cấp nào hết, là của nhân sinh, của con người đồng đẳng ở dòng máu và nước mắt. Sự dị biệt của Phật giáo không vì thế mà rời xa thế nhân, là vọng tưởng, là mơ ước hay lý tưởng trên văn chương, sách vở. Tất cả đều được trải nghiệm tự thân như uống nước nóng lạnh tự biết. Đạo Phật cũng tôn trọng nhân quả mà không hệ thuộc số phận, tự chuyển hóa chính mình, tôn trọng Pháp là như lý tác ý, không thêm ý chủ quan. Nên đạo Phật là hiện hữu, đến để thấy, là chân thật, hướng thượng bởi lẽ đó.

Chỉ biện chứng một phần nhỏ qua tác phẩm Hộ Pháp luận và dựa theo kinh điển, có thể thấy vai trò của các vị hộ pháp thực quan trọng. Dù mang danh tu sĩ, cư sĩ, thì nghĩa vụ bảo vệ, hộ trì Phật pháp là của tất cả, không phải riêng ai. Thông qua đề tài với hai câu hỏi mà người viết chọn, cũng như toàn tác phẩm thì pháp luôn tồn tại và giá trị riêng biệt cho ai thấy và thực hành theo, nhưng bổn phận trách nhiệm của đệ tử Phật lại là truyền bá giáo pháp đến với người người, thay lời khuyến hóa nhân sinh tới bờ an vui, giải thoát. Tinh thần này, đã có ở tiền nhân thì cớ sao không thể hình thành ở hậu bối, nên sự quyết tâm, tu tập , hành trì thấu đạo của bản thân vẫn là cần yếu, bởi giáo pháp này chú trọng ở thân hành, khẩu hành, ý hành mà thành tựu. Đây cũng là nguyên nhân để tam tạng Thánh điển và các dòng phái, tâm tông khác nhau ra đời chỉ chung một đường ra biển lớn, để thấm được nhất vị giải thoát. Sâu sắc nhìn nhận đánh giá, qua tác phẩm này, cũng phần nào khiến cho hậu nhân dòng họ Thích nên tự mình giữ tinh thần của đạo là hòa bình, đồng đẳng thay vì ngậm chứa những giáo mác trong tâm để phát ra thân khẩu chê bai, chia rẽ Đạo như ví dụ về trùng sư tử còn đáng sợ hơn là bị ngoại đạo công phá. Đây cũng là bài học giữa muôn nghìn bài học mà các hậu côn cần hiểu rõ.

C. KẾT LUẬN

Hộ Pháp Luận là một tác phẩm mang nội dung và tư tưởng biện chứng của nước Trung Quốc, được Thừa tướng Trương Thương Anh soạn thảo vì cảnh tỉnh số đông những vấn đề tồn đọng của xã hội bấy giờ, cũng như mang sứ mệnh hộ trì phật pháp như đúng tên gọi tác phẩm. Những chướng nạn của Phật giáo có ở tất cả các quốc độ mà Phật giáo du nhập, trải qua những thời kỳ thịnh suy khác những đều chung gần như một nội dung, gồm cả công kích, chia rẽ, bài báng. Ngay cả thời Phật tại thế vẫn có Đề Bà hại Phật. Một lần nữa, điểm tương đồng đều nằm ở hai chữ Vô thường, để mô tả mọi sự vật, hiện tượng và Tứ đế, Duyên khởi để trả lời cho mọi câu hỏi tục và chân. Gói gọn đề tài trong câu hỏi được tách làm hai của Hàn Dũ, Vô Tận cư sĩ đã mượn lời hỏi để biện chứng lại làm nên tác phẩm này, đồng thời cũng gửi câu hỏi đến cho hậu sinh dòng Thích tử nên tu học sao cho thông tỏ giáo lý vĩ đại này mới mong ghé vai gánh một phần trách nhiệm trong sự hộ trì. Đừng như Hàn Dũ, chưa biết mình, biết người đã vội buông lời bài Phật, vừa tội biếm chức lại lưu danh để đời chê cười. Cũng vậy, muốn bảo vệ Phật giáo mà không tự hiểu, tự tu, tự chứng, sao có thể lấy lý luận văn chương, chữ nghĩa thô mà bàn về lý nhiệm, lý mầu, vi tế. Dĩ văn tải đạo chỉ là phương tiện tạm thời không đủ để lột được ý Đạo, lại đi xa với ý chỉ ban đầu của giáo lý giải thoát là tự mình chiến thắng chính mình. Đề tài này quả thực đã cho người viết có cơ hội nhìn nhận lại bản thân trước các vấn đề bất cứ lúc nào cũng có thê xảy ra, mà trí tuệ chưa thông sao đủ sức đương đầu. Xã hội càng phát triển, dân trí càng lên cao thì sẽ còn nhiều những luận điểm cần được giải đáp phá đi sự nghi hoài của thành phần phá Đạo. Lòng không kiến, chí không vững thì đến ngay bản thân còn đổi đạo chứ chưa bàn tới sự hộ trì. Nên tự nhủ gắng sức tự giác, giác tha nối gót theo chân Bậc Đại Giác đặt chữ Tử trên trán mà sợ hãi mong chứng ngộ, thay vì bàn chuyện không ích gì cho Đạo.

Tác giả: Thích Nữ Bảo Giác
Học viên Thạc sĩ Khoá 4, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

CHÚ THÍCH
[1] Di địch (夷狄): mọi rợ, người Trung Hoa xưa dùng với ý khinh miệt, chỉ các dân tộc thiểu số, vì họ cho là kém văn minh, không học đạo lý. Người Trung Hoa xưa tự cho rằng chỉ mình là văn minh và ở giữa trời đất (trung quốc), còn các dân tộc ở chung quanh đều là mọi rợ (di, địch, nhung, man). Do định kiến sai lầm này mà họ vẫn thường gọi người Ấn Độ là rợ Hồ.
[2] Nguyên tác dùng chữ Hạ (夏) để chỉ dân Trung Hoa, cũng có khi gọi là Hoa Hạ. Ý nói dân trung quốc có lễ nghĩa, nên dùng khi biến loạn không có vua cũng vẫn còn hơn dân di địch, vì họ chẳng có lễ nghĩa.Chữ “trung quốc” ở đây được dùng với ý nghĩa là đất nước ở giữa, phân biệt với các xứ “man di” bao quanh. Cũng xuất phát từ đây mà về sau có tên nước Trung Quốc như hiện nay.
[3] Hòa Thượng Thích Minh Châu, Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập II, Chương Mười: Tương Ưng Không Thuyết, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 416.
[4] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ – 2013, 1. Kinh Phạm Võng, Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, Trang 16.
[5] Thích Minh Châu, Đức Phật nhà đại giáo dục, Thông điệp của Đức Phật, Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, Trang 225.
[6] Lương Võ đế tên là Tiêu Diễn, thuộc hoàng tộc nước Tề, cầm quân có công lớn được vua Tề phong làm Lương vương. Năm 502, ông phế vua Tề, tự lên ngôi, xưng là Lương Võ đế, mở đầu triều đại nhà Lương. Ông ở ngôi đến năm 549, được 48 năm.
[7] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 16 – Bộ Bản Duyên VII (Số 203 – 211), Số 211: Kinh Pháp Cú Thí Dụ – Quyển I, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Trang 731.
[8] Sư Tử Tôn giả, cũng gọi là Sư Tử Bồ-đề, là Tổ sư đời thứ 24 của Ấn Độ. Tổ sư đời thứ 23 là Hạc Lặc Tôn giả khi truyền pháp cho ngài có nói trước rằng: “Ta qua đời được 50 năm sẽ có nạn đến với con.” Về sau, quả nhiên có kẻ ngoại đạo giả dạng tăng sĩ đến thích khách nhà vua nhưng không thành. Vua giận dữ nói rằng: “Từ trước tới nay ta kính tin Tam bảo mà nay lại bị tăng sĩ làm hại.” Liền ra lệnh huỷ phá chùa chiền, giết hại tăng chúng. Đích thân vua mang gươm đến chém đầu Sư Tử Tôn giả. Tổ sư điềm nhiên chấp nhận. Đầu ngài rơi xuống, máu chảy ra chỉ thấy màu trắng như sữa, và một cách tay của vua cũng tự nhiên rụng theo. Bảy ngày sau vua chết. Tuy Tôn giả chứng đắc thần thông tự tại, nhưng do định nghiệp cũng không tránh được bị vua sát thương.
[9] Nhị tổ Đại sư: tức ngài Huệ Khả, được Tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền pháp, làm Tổ thứ hai của Thiền tông Trung Hoa. Tương truyền ngài thọ đến 107 tuổi. Bấy giờ có Hòa Pháp sư đang giảng kinh Niết-bàn, nhưng thính chúng rủ nhau đến nghe pháp nơi ngài Huệ Khả, chẳng còn ai nghe ông giảng. Vị pháp sư này sinh lòng sân hận, liền bày chuyện gièm pha với quan Ấp Tể là Địch Trọng Khản. Khản nghe lời gièm pha mà làm hại Nhị tổ. Nhị tổ tuy trí huệ sáng suốt cũng không tránh được nạn này, chỉ vì nghiệp trước đã tạo nên đến nay phải thọ nhận.
[10] Thừa tướng Trương Thương Anh, đời Tống. Trương Thương Anh tên tự là Thiên Giác, hiệu là Vô Tận cư sĩ, người đất Thục châu. Vào đời Tống Anh Tông (1064-1085), ông thi đỗ Tiến sĩ, làm quan đến chức Thừa tướng. Ông trước có ý muốn bài xích đạo Phật để xiển dương đạo Nho, đến khi đọc hiểu kinh Phật mới thấy được nghĩa lý sâu xa mầu nhiệm. Từ đó thường nghiên tầm Phật học, từng tham bái nhiều vị danh tăng để học đạo. Ông có soạn bộ Hộ pháp luận lưu hành ở đời. Bài này được trích ra từ Hộ pháp luận của ông.
[11] Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 33 – Bộ Bát-Nhã XVI – Số 231 – 261, Số 238 – Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan, 2000, Trang 336.
[12] Hòa thượng Chí Công sinh trong tổ chim ưng: vào đời nhà Lương (thế kỷ 6), trong tổ chim ưng bỗng có đứa trẻ nằm khóc lớn tiếng, bà Châu thị nghe thấy, đem về nuôi dưỡng. Đứa trẻ lớn lên căn tánh khác thường, hâm mộ Phật pháp. Khi Châu thị qua đời, liền xuất gia tại chùa Đạo Lâm, Chung Sơn, được bổn sư là Tịnh Trưởng Lão đặt pháp hiệu là Chí Công. Ông tu hành tinh tấn, sau có soạn bộ Lương hoàng sám pháp, 10 tập, lưu truyền ở đời. Ngài khai ngộ cho Lương Võ đế, được nhà vua hết lòng kính trọng. Sau trở về chùa Đạo Lâm ngồi kết già thị tịch.
[13] Hầu Cảnh (侯景) là tên viên tướng làm phản, chữ hầu侯? cùng âm với chữ喉là cổ họng, chữ cảnh景đồng âm với chữ頸là cái cổ. Vì thế, thiền sư Chí Công chỉ vào cổ họng để ngụ ý báo trước cái loạn Hầu Cảnh.
[14] một trong các vị cao tăng đến truyền bá đạo Phật từ rất sớm (khoảng năm 148 đến 176). Ngài vốn là hoàng tử xứ An Tức (安息), họ An, tên thế tục là An Thanh (安清), nhưng đã bỏ ngôi vua xuất gia, hiệu là Thế Cao (世高). Ngài là một trong các vị tăng tham gia sớm nhất trong việc dịch kinh tạng sang Hán ngữ và truyền bá Phật giáo ra khắp nơi. Ngài đến Trung Quốc năm 148, vào đời Hậu Hán, và ở lại đây trong khoảng hơn 20 năm. Những kinh sách do ngài dịch được ghi nhận trong khoảng thời gian từ năm 34 đến năm 176, hiện còn để lại trong Đại Tạng Kinh được 55 bộ. Tuy nhiên, số lượng thật sự mà ngài đã dịch được tin là lớn hơn con số này rất nhiều. Cuối đời, ngài biết nghiệp xưa đã đến nhưng vẫn an nhiên đi vào chợ Cối Kê trong lúc loạn lạc. Quả nhiên bị giặc loạn giết lầm.
[15] cao tăng người Hà Nội (Hà Nam, Thẩm Châu), sống vào thời Tây Tấn (265-317). Ngài từ thuở nhỏ đã có đạo tâm, thỉnh cầu với cha xin được xuất gia. Ngài thông minh kiệt xuất, học rộng biết nhiều, chuyên cần đọc tụng kinh điển, bác thông văn từ nghĩa lý, đối với các học thuyết thế tục cũng am hiểu tinh tường. Sau ngài đến Trường An kiến lập tinh xá, hết lòng giáo hóa đồ chúng, môn đệ có đến ngàn người. Những năm cuối đời Huệ Đế, thanh danh của ngài lan truyền khắp nơi, các bậc thức giả đương thời đều kính phục. Đến khi loạn lạc nổi lên, ngài phải lánh mình về đất Lũng Thạch, tình cờ trên đường cùng đi với quan thứ sử Tần Châu là Trương Phụ. Trương Phụ từng nghe danh đức của ngài được nhiều người quy kính, nên có ý đồ bảo ngài hoàn tục nhận quan chức trợ giúp ông ta. Ngài không bằng lòng. Trương Phụ đem lòng hiềm hận, sau tìm người đến tranh luận với ngài. Lời cùng ý tận không bắt bẻ gì được mà luôn bị ngài khuất phục, hết thảy đều xấu hổ mà ra về. Ngày kia, ngài cùng với Trương Phụ đàm luận, nói lời không hợp ý. Trương Phụ sai người tìm bắt. Ngài biết oan nghiệp đời trước nay đã đến nên không lẫn tránh, cùng đồ chúng bái biệt, mang hết y cụ tài vật phân phát cho mọi người, rồi tự mình tìm đến cửa quan chịu phạt. Ngài trước niệm danh hiệu mười phương chư Phật, sau phát nguyện xem Trương Phụ là thiện tri thức, không muốn cho ông này chịu tội sát nhân. Phát nguyện rồi chịu đánh 50 roi. Sau đó mới an nhiên ngồi thị tịch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu (2013), Kinh Tương Ưng Bộ 2013 – Tập II, Chương Mười: Tương Ưng Không Thuyết, Tôn Giáo, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu dịch (2013), Kinh Trường Bộ, Kinh Phạm Võng, Tôn Giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu (2005), Đức Phật nhà đại giáo dục, Thông điệp của Đức Phật, Tôn Giáo, Hà Nội.
4. Thích Tâm Châu (1964), Đạo Phật với con người, Nxb Tâm Quang.
5. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 16 – Bộ Bản Duyên VII (Số 203 – 211), Số 211: Kinh Pháp Cú Thí Dụ – Quyển I, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
6. Thích Tịnh Hạnh (2000), Đại Tập 33 – Bộ Bát-Nhã XVI – Số 231 – 261, Số 238 – Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
7. Thích Thanh Kiểm (1965), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Nxb Vạn Hạnh.
8. Nguyễn Văn Nhuận dịch (1954), Tuệ giác của Phật.
9. Thích Đức Nghiệp dịch (2007), Luận Hộ Pháp và Phật giáo với khoa học, Nxb Tôn Giáo.
10. Mật Thể (1971), Phật giáo Khái luận, Nxb Minh Đức.
11. Trúc Thiên dịch (1968), Cốt tủy của đạo Phật, Nhà in Đăng Quang, Sài Gòn.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin