Chi tiết tin tức

Hiếu đạo qua góc nhìn Phật giáo

20:35:00 - 21/08/2022
(PGNĐ) -  Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam luôn coi trọng các giá trị truyền thống đạo đức, các chuẩn mực xã hội, luân thường đạo lý; trong đó Hiếu đạo được xem là truyền thống quý báu, tốt đẹp của mỗi người. Vốn là một tôn giáo mang tư tưởng sâu sắc của sự tri ân và báo ân – Phật giáo đã hòa quyện cùng truyền thống tư tưởng dân tộc để phát huy việc hiếu dưỡng đối với đấng sinh thành. Đồng thời, qua đó hình thành nên thước đo nhân cách con người và chuyển tải nhiều ý nghĩa trong văn hóa ứng xử truyền thống của dân tộc; hướng mỗi cá nhân vươn tới chân – thiện – mỹ.

CÁC QUAN NIỆM VỀ CHỮ HIẾU

Theo quan niệm Nho giáo:

Truyền thống phương Đông vốn coi trọng các giá trị đạo đức truyền thống và tác phong ứng xử trong gia đình cũng như ngoài xã hội đều được hoạch định trong vòng luân thường đạo lý. Mối quan hệ gia đình là yếu tố được đề cao, vì đó là nguồn gốc, là nền tảng cho việc xây dựng các mối quan hệ nòng cốt khác. Trong phạm vi gia đình, Hiếu đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng; nó không chỉ đơn thuần là hành vi ứng xử đạo đức của con cái đối với cha mẹ mà mở rộng ra chữ Hiếu còn bao gồm các mối quan hệ giữa các thế hệ trong dòng tộc, là sự nhớ tưởng của con cháu đối với thế hệ trước.

Về luân lý đạo đức, Nho giáo chủ trương “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” để làm kim chỉ nam cho việc tu dưỡng tâm. Khổng Tử và Mạnh Tử cho ra đời các luận thuyết đều không nằm ngoài vấn đề luân lý đạo đức như Tam cương ngũ thường, chính danh, trung dung… Đặc biệt, ông nói nhiều về cách ứng xử hợp đạo lý của các mối quan hệ giữa vua và bề tôi, con cái đối với ông bà cha mẹ, vợ đối với chồng… Hiếu đạo cùng với các mỹ tục tưởng nhớ tổ tiên, ông bà đặc biệt được lưu tâm và trở thành một nét văn hóa tốt đẹp. Như vậy, Nho giáo và Phật giáo cũng có nét tương đồng về chữ Hiếu. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều những bản kinh ghi chép lại sự hiếu thuận của Phật giáo. Và trong các sách của Nho giáo, chúng ta cũng thấy sự xuất hiện dày đặc của vấn đề Hiếu đạo như: Nhị thập tứ hiếu, Tứ thư ngũ kinh, Luận ngữ, Kinh thi, Mạnh tử… Trong Hiếu kinh có dạy: “Người có nết Hiếu, nết Lễ; ít ai ưa trái nghịch với bề trên. Đã không ưa trái nghịch với bề trên, lại còn thích gây ra phản loạn, người như thế ta chưa từng thấy”. Cũng chính bởi, Khổng gia chủ trương tinh thần nhập thế nên rất chú trọng đến việc tu dưỡng đạo đức. Khổng Tử nói: “Từ thiên tử cho đến thứ dân đều phải lấy sự sửa mình làm gốc” (Đại học). Người giữ đạo Hiếu từ việc sửa và xây dựng được cái gốc tốt đẹp sẽ xây dựng nên cái Đức: “Hiếu là gốc của Đức, người ta có trăm nết, Hiếu đứng đầu. Đạo Hiếu đã không rõ thì con người không đáng để làm gì” [1, tr.150]. Hay: “Kẻ đệ tử khi vào thì thảo với cha mẹ, khi ra thì kính anh chị và người lớn tuổi… làm bao nhiêu việc đó trước đã; nếu còn dư sức, hãy học qua văn chương và lục nghệ” (Luận Ngữ – Học Nhi).

THEO QUAN NIỆM TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM 

Hiếu thảo từ lâu đã trở thành đặc trưng trong nét đẹp văn hóa và chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt, tùy từng nơi và gia đình mà có sự thể hiện và mức độ khác nhau. Gia đình là một nhân tố hình thành nên xã hội; trong tiến trình hình thành và phát triển văn hóa gia đình, chữ Hiếu là sợi dây xuyên suốt, kết nối các thế hệ lại với nhau. 

Thời các vua Hùng, khi xã hội nước ta chuyển từ chế độ mẫu hệ sang phụ hệ, cấu trúc gia đình được thay đổi và hoàn thiện, vai trò của các thành viên và các quan hệ luân lý được củng cố. Truyền thống hiếu đạo thời kỳ này được thể hiện qua các truyền thuyết, thần thoại như Sự tích Bánh chưng – Bánh dày, Sự tích Quả dưa hấu, Sơn Tinh – Thủy Tinh… Bên cạnh đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên xuất hiện ở các cộng đồng Bách Việt thời tiền sử là một minh chứng cho việc Hiếu đạo đã xuất hiện từ rất sớm trong cộng đồng cư dân Việt. Đạo Hiếu gắn liền với sự phát triển chung của xã hội, do vậy chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơ cấu, tính chất gia đình và xã hội. Trong truyền thống xã hội Việt Nam, lợi ích gia đình được đặt ngang tầm với lợi ích chung của làng xã. Nó hợp nhất với Trung, Nghĩa, Lễ và đồng thời lấy lợi ích quốc gia, xã hội; chủ nghĩa yêu nước làm trọng yếu. Trong tín ngưỡng tôn giáo, tinh thần Hiếu đạo được thể hiện thông qua tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ tổ mẫu, quốc tổ.

Như vậy, chữ Hiếu chính là đạo làm người. Nó đã hình thành và tồn tại, phát triển trong mỗi người như bản tính tự nhiên. Ắt hẳn từ tấm bé, mỗi người Việt Nam, không ai là không cảm thấy quen thuộc với những câu câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ thể hiện lòng hiếu thảo, tình cảm gia đình:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.

Từ khi đến với cuộc sống, chính cha mẹ là người thầy đầu tiên dạy dỗ chúng ta những kiến thức về thế giới xung quanh, về các mối quan hệ tình người. Và rồi hạt giống yêu thương được đâm chồi nảy lộc. Chính những kiến thức tốt đẹp này đã hình thành nên ý thức và xây dựng nhân cách về trách nhiệm, bổn phận, thái độ biết ơn… Trong đó, khởi đầu chính là đền đáp công ơn của hai đấng sinh thành. Cha mẹ còn, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, một mai khi cha mẹ khuất núi, đó là sự mất mát không gì bù đắp được:

“Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con”.

Hoặc:

“Đói lòng ăn đọt chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng”.

Tình thương bao la biển trời của cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến. Không chỉ là tình yêu thương vô điều kiện, bao trùm trong đó còn có sự hy sinh tất cả cho con cái. Công lao cha mẹ cao dày, chính vì thế, phận làm con phải làm như thế nào để đền đáp được công ơn trời bể đó. Hiếu thảo với cha mẹ là cái gốc để làm người lương thiện. Muốn làm người tốt để bước chân ra xã hội thì bước đầu tiên, bản thân phải là một người con hiếu thảo cha mẹ. Bước đầu xây dựng một gia đình tốt đẹp sẽ là đòn bẩy kiến thiết một xã hội văn minh, quốc gia cường thịnh.

TƯ TƯỞNG HIẾU ĐẠO THEO QUAN NIỆM PHẬT GIÁO  

Theo quan niệm của Phật giáo, “Hiếu là hiếu kính, hiếu thuận, hiếu dưỡng. Đạo là lẽ tất nhiên, hoặc là con đường nhất định phải đi qua. Hợp cả hai lại: Hiếu đạo là chánh đạo mà người con, người đệ tử đối với cha mẹ, sư trưởng phải cung kính, thuận theo, cúng dường và phụng dưỡng” [3, tr.66]. Theo Phật Quang đại từ điển: Hiếu là lòng kính yêu và biết ơn cha mẹ. Hiếu còn gọi là hiếu thuận, hiếu dưỡng. Phật giáo cho rằng: Hiếu chính là hướng dẫn cha mẹ sống đời đạo đức, thực hành mười hạnh lành, loại trừ tam độc để hướng đến giải thoát. Phật dạy: “Hiếu xuất thế gian là cắt ái từ thân, thâm nhập vào vô vi chi lý, thượng thù võng cực chi ân, hạ tế tam đồ chi khổ”.

Nghĩa: “Hiếu hạnh của người xuất gia là cắt đứt tình thương trong lục thân quyến thuộc, xa lìa cha mẹ đi sâu vào lý vô vi, trên đền bốn ân, dưới cứu giúp ba đường”.

“Hiếu hạnh của người xuất gia là cắt đứt tình thương trong lục thân quyến thuộc, xa lìa cha mẹ đi sâu vào lý vô vi, trên đền bốn ân, dưới cứu giúp ba đường”.

Trong các kinh điển đều nêu rõ bổn phận làm con phải biết cung phụng thực dưỡng cho cha mẹ, khi cha mẹ đau ốm phải lo thuốc thang, chữa trị đầy đủ. Khi ra ngoài xã hội, cần giữ đúng tác phong, cử chỉ của mình để không làm hổ danh đến truyền thống và nề nếp của gia đình. Cao hơn cả là dành thời gian hướng dẫn song thân sống đời thanh bạch, lương thiện, quy hướng về Tam Bảo. “Nếu cha mẹ ương ngạnh, si mê tà kiến, không tin Tam Bảo, hung hiểm bạo ngược, tàn ác bất nhân, gây nhiều nghiệp dữ, người con có hiếu phải biết khuyên can cha mẹ, khiến sinh tín tâm, quay về chính đạo, gần gũi bạn lành, mở lòng bồ đề, tu thiền niệm Phật, làm cho cha mẹ thường được an ổn” [8, tr.142]. Hiếu đạo theo thế gian chỉ báo đáp trong một đời, còn Hiếu theo Phật giáo là nhiều đời nhiều kiếp và hướng thiện cha mẹ, nhờ vậy cha mẹ được phước thọ vô cùng, đó là đại hiếu.

Đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, lòng từ bi xuất phát từ tình thương trong mối quan hệ sâu đậm của con cái đối với cha mẹ. Tình cảm thiêng liêng, sâu xa nhất ấy đã ăn sâu vào tâm tư của mỗi con người. Vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm, Phật giáo xem đó là tháng dụng công phu tu tập để báo đền ân đức cha mẹ. Mùa Vu Lan hay còn được gọi là “Mùa báo hiếu” với hình ảnh đức Mục Kiền Liên cứu mẹ. Từ hình tượng đó, mỗi người con đều nguyện noi theo gương hiếu hạnh của Ngài để đền đáp công ơn sinh thành. Nói như vậy, không phải cho rằng Phật giáo chỉ có khoảng thời gian đó để thực hành báo ân. Trên thực tế, tinh thần hiếu đạo ngày của Phật giáo được phổ khắp chứ không riêng vào mùa Vu Lan mới được thể hiện.

Lại nói trải qua bao lần sinh tử, trôi lăn luân hồi, cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp, chúng ta không thể nào biết hết được. Vì thế, Hiếu đạo theo tinh thần Phật giáo được mở rộng phạm vi: “Thực hành Hiếu đạo không những hiếu dưỡng với cha mẹ mình mà còn mở rộng hiếu dưỡng với cha mẹ mọi người trong thiên hạ” [3, tr.12]. Tinh thần báo ân cha mẹ lúc bấy giờ không còn giới hạn trong đời này mà trong vô lượng vô số kiếp thuộc quá khứ, phổ khắp chúng sinh. Bởi lẽ, tất cả chúng sinh đều có thể là cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của mình.

Qua tinh thần Hiếu đạo của Phật giáo, chúng ta hiểu được rằng hành động hiếu thuận của người con phải được thiết lập trên nền tảng đạo đức nhân quả. Người con hiếu thảo, có trí tuệ sẽ biết thực hành những phương thức tạo ruộng phước có lợi cho cha mẹ và bản thân. Đồng thời không gây tổn hại nào cho mọi người. Đó chính là “Tự tha lưỡng lợi”: “Này Mahanam, người con hiếu với những tài sản mà mình đã nỗ lực thâu hoạch được, do sức mạnh của đôi tay, bằng những giọt mồ hôi đổ ra một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ với thiện ý thì sẽ được cha mẹ hoan hỷ, thương tưởng và hằng cầu mong cho con được sống lâu, mạnh giỏi” [2, tr.69].

BIỂU HIỆN CỦA CHỮ HIẾU QUA MỘT SỐ KINH ĐIỂN PHẬT GIÁO

Ðịa Tạng Bồ Tát nói tội nặng hạng nhất chính là “bất hiếu với cha mẹ”. Ðịa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện kinh hiển thị cho chúng ta về Hiếu đạo, Ðịa Tạng Bồ Tát đời đời kiếp kiếp thị hiện, phát thệ nguyện sâu nặng đều vì muốn báo ân cha mẹ, đều vì làm trọn hiếu mới phát hoằng nguyện, thế nên ngài nói bất hiếu là tội hạng nhất. Pháp sư Thanh Liên – người trước tác “Ðịa Tạng Kinh khoa chú” đã trích dẫn rất nhiều Kinh, Luận để viết chú giải này. Trong phần “Chánh pháp niệm Kinh”, Phật giảng bốn thứ ân, bốn ân khó báo. Ân thứ nhất là “ân mẹ”, thứ hai là “ân cha”, thứ ba là “ân Như Lai”, thứ tư là “ân thuyết pháp sư” (pháp sư giảng kinh thuyết pháp); bốn ân này khó báo. Học Phật phải học từ việc biết hiếu thuận cha mẹ, tôn kính thầy giáo [9, tr.126]. Kinh Phạm Võng đã dạy rằng: “Hiếu thuận là phép chí đạo cho nên lấy hiếu làm giới”. Kinh Mạ Ý dạy: “Giữ giới chính là để hiếu thuận báo ơn cha mẹ” [6, tr.37].

Trong Kinh Mục Liên Sám Pháp, dịch giả Phúc Tuệ có ghi: “Công ơn của Mẹ làm sao kể hết từ khi mang thai, sinh con ra bú mớm ẵm bồng, đêm ngày lo lắng săn sóc từng miếng ăn, nuôi nấng chúng ta từ lúc thơ bé đến khi thành người khôn ngoan, chịu đựng bao nhiêu cực nhọc” [8, tr.129]. Hay: “Lễ kính chư Phật, khen ngợi Như Lai, học theo pháp Phật, tùy thuận chúng sinh, khuyên người hiếu hạnh, phát tâm báo ân. Đó chính là thiện” [8, tr.65-66]. Chính vậy, cha mẹ có công sinh thành, rồi chăm bẵm nuôi nấng, cù lao chín chữ phải ghi lòng tạc dạ, cũng chưa trả nổi ân đức cao dày đó. Huống gì những người làm con mà không biết ơn cha mẹ, bất hiếu: “Ai thành tựu thân làm ác với cha mẹ, lời nói ác đối với cha mẹ, ý nghĩ ác đối với cha mẹ; không biết ơn, không trả ơn, sẽ tương xứng rơi vào địa ngục và hiện đời sẽ bị đau khổ” [2, tr.637]. Đức Phật từng giảng dạy trong bộ Kinh Tương Ưng rằng:

“Giữa các loài hai chân

Chánh giác là tối thắng

Trong các loài con cái

Hiếu thuận là tối thắng” [10, tr.8].

“Thiên kinh vạn quyển hiếu nghĩa vi tiên”. Nghĩa là: “Ngàn quyển kinh vạn quyển sách đều lấy chữ hiếu làm đầu” và “Hiếu tâm tức Phật tâm, hiếu hạnh tức Phật hạnh”. Như vậy, người con đối với cha mẹ phải: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ, tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ, tôi sẽ giữ gìn gia đình và truyền thống, tôi bảo vệ tài sản thừa tự, tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời” [4, tr.542].

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, Kinh Báo Ân… Đức Thế Tôn có dạy: “Lại nếu có người vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ đến ngàn vạn năm, lo y phục, thức ăn, giường nằm, thuốc men trị bệnh, dù cha mẹ tiểu tiện ở trên vai, người ấy vẫn chẳng thể báo ân được. Tỳ kheo nên biết, cha mẹ ân nặng, bồng ẵm, nuôi nấng, tùy lúc gìn giữ chẳng lỡ thời tiết như được thấy mặt trời, mặt trăng. Dùng phương tiện này, biết ân này khó báo. Thế nên các Tỳ kheo cúng dường cha mẹ, thường nên hiếu thuận, chẳng bỏ lỡ thời tiết” [11, tr.349]. Hay: Kinh Tăng Nhất A Hàm có nói như sau: “Có hai pháp khiến người sinh trong nhà hào tộc. Thế nào là hai pháp? Cung kính cha mẹ, anh em, thân thuộc, đem của cải nhà mình bố thí” [11, tr.145]. 

Phẩm Thiện Trí Thức trong Kinh A Hàm, Đức Phật dạy: “Có hai pháp dành cho người phàm phu, được công đức lớn, thành quả báo lớn, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi. Đó là cúng dường cha và mẹ” [11, tr.21]. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có dạy: “Hiếu thuận với cha mẹ thời những điều ác về thế gian dứt, mà những điều lành về thế gian tăng trưởng. Hiếu thuận với Sư Tăng, Tam Bảo thời những điều ác của thế gian và xuất thế gian dứt diệt, những điều lành về thế gian và xuất thế gian phát sinh cho đến viên mãn thành tựu. Vì ý nghĩa ấy nên hiếu thuận là cốt tủy của Bồ Tát giới là trí đạo” [7, tr.113]. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rằng: “Người muốn sinh sang Cực Lạc phải tu ba phúc: Một là: Hiếu thuận với cha mẹ, phụng thờ sư trưởng, có tâm từ bi không sát sinh, tu mười nghiệp thiện, hai là: Thụ trì Tam quy, giữ đầy đủ mọi giới, không phạm uy nghi, ba là: Phát Bồ đề tâm, vững tin nhân quả…” [5, tr.22].

NHỮNG GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TỪ HIẾU ĐẠO VỚI VẤN ĐỀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI

Trải qua hàng nghìn năm, đạo đức Phật giáo đã cùng đồng hành, sát cánh cùng với đạo đức truyền thống của người Việt Nam, trở thành một phần tài sản văn hóa dân tộc. Không chỉ gói gọn trong việc làm thăng hoa đời sống tâm linh, là chỗ dựa tinh thần và chuyển tải niềm tin của con người; Phật giáo còn đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và duy trì đạo đức xã hội. Chính những điểm hòa hợp với tình cảm đạo đức của con người, người Việt đã tiếp thu, rèn giũa thân tâm và tự điều chỉnh hành vi ứng xử của bản thân trong các mối quan hệ cộng đồng. Từ đó, góp phần làm cho xã hội ngày thêm tốt đẹp và an hòa. 

Đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, Phật giáo đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. Chính những tư tưởng, hệ thống giáo lý căn bản như từ bi hỷ xả, thập thiện, bát chánh đạo… của Phật giáo đã được mọi người tiếp thu và thực hành. Những quy tắc sống mang đầy tính nhân văn ấy là điều kiện cần thiết để xây dựng một nền đạo đức và duy trì một nếp sống hạnh phúc bền vững. Những đóng góp tích cực của đạo đức Phật giáo đã hướng con người đến một đời sống thạch bạch, vị tha, bác ái. Đồng thời, khuyên nhủ con người luôn “ôn cố tri tân”; lấy chữ Hiếu làm đầu. Bởi “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”. Tất cả những gì mà Phật giáo mang lại thông qua việc thực hành Hiếu đạo không nằm ngoài phương châm rèn giũa bản tâm, giáo hóa con người biết sống hiếu thuận, ngõ hầu đem lại phước báu cho chính bản thân và đền đáp được công ơn của cha mẹ. Thực hành Hiếu hạnh chính là sự gắn kết giữa những người có quan hệ máu mủ ruột ra. Nếu mỗi người tâm niệm cha mẹ của chúng ta đều là mỗi chúng sinh đang hiện hữu và thực thành hạnh Hiếu bình đẳng thì chính là ta đang gieo mầm cho hạt giống thiện không phân biệt. Nói rộng ra, từ đó, mỗi người có thể giúp cho đời sống của xã hội càng an bình và phát triển. 

Trong xã hội hiện nay, khi khoa học kỹ thuật ngày càng tân tiến thì đạo đức lại càng cần được quan tâm. Không ít những trường hợp con cái bất hiếu, ngược đãi với cha mẹ, vấn đề giáo dục chữ Hiếu trong gia đình đứng trước những biến đổi lớn lao. Tình trạng này là tiếng chuông cảnh tỉnh cho vấn đề suy thoái đạo đức trong xã hội 4.0. Trước thực trạng như vậy, việc giáo dục con người sống theo đạo đức Hiếu để mà Phật giáo đã dạy trở thành một phương cách sống đầy nhân bản và minh triết. Yêu thương, quan tâm chăm sóc cha mẹ, gần gũi và sẻ chia tâm sự khiến cho các đấng sinh thành vào tuổi xế chiều cảm thấy ấm áp hơn; từ đó thắt chặt mối quan hệ mật thiết, kiến tạo nên một môi trường sống đầy tình thương và trách nhiệm. Chính tấm lòng, ý thức, sự biết ơn, tôn kính đó sẽ là nguồn an ủi cho cha mẹ, đồng thời là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Khi đó, chính bản thân và tha nhân cũng được sống an lạc trong hiện tại và vun bồi phước đức cho vị lai.

KẾT LUẬN

Hiếu đạo dưới góc nhìn của đạo Phật đã vượt thoát ra ngoài những suy tư nhỏ hẹp thường tình. Bằng việc cung dưỡng, chăm sóc cha mẹ trên cả hai phương diện vật chất và tinh thần, mỗi người con hiếu thảo cần hướng cha mẹ đến với điều thiện, xa lánh điều xấu ác và tự sửa đổi bản thân để cha mẹ không phải bận lòng. Đức Phật dạy muốn đáp đền công ơn cha mẹ thì không gì quý báu hơn việc chúng ta khuyến khích cha mẹ bỏ ác làm lành, quay về nương tựa Tam quy, giữ gìn Ngũ giới, Thập thiện, tu Bát quan trai… Là một người con hiếu thảo, hãy biết chăm sóc cha mẹ hiện tại và tu bổ phước lành hồi hướng đến cho song thân đã khuất núi. Đồng thời cần phải lo trọn hiểu nghĩa cho cha mẹ cả đời sống sau khi qua đời. “Tâm Hiếu là tâm Phật”, thực hành hiếu thảo chính là con đường đúng đắn của người con Phật – hiểu và thực hành chánh pháp một cách chân chính. “Điều thiện tối cao là chí hiếu, điều ác cực ác là bất hiếu”. Hiếu đạo chính là truyền thống văn hóa tinh thần tốt đẹp của người Phật tử nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

 

SC. Thích Nữ Tuệ Phương, Nguyễn Thị Mai/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 395

Chú thích và tài liệu tham khảo:

* SC. Thích Nữ Tuệ Phương

* Nguyễn Thị Ngọc Mai, Trường Đại học Duy Tân.

1. Đoàn Trung Còn (2003), Hiếu kinh, Nxb. Tổng hợp Đồng Nai.

2. Thích Minh Châu (1996), Kinh Tăng Chi Bộ III, Nxb. Hải Phòng.

3. Thích Nhuận Đạt (2012), Tư tưởng Hiếu đạo trong Phật giáo, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Phạm Đức Dương (2000), Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội. 

5. Thích Tuệ Đăng, Kinh Vô lượng thọ, Nxb. Tôn giáo. 

6. Thích Tuệ Nhẫn, Mẹ là tình yêu, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, số 6, tháng 7/2005, tr.37.

7. Thích Trí Tịnh, Kinh Phạm võng Bồ tát giới, Nxb. Tôn giáo. 

8. Phúc Tuệ (1998), Mục Liên Sám Pháp, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

9. Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh giảng ký, tập 8.

10. Đại tạng Kinh Việt Nam – Kinh Tương Ưng, tập 1.

11. Đại tạng Kinh Việt Nam – Kinh Tăng Nhất A Hàm, tập 1. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin