Chi tiết tin tức Những nhận định chưa đúng về Phật giáo trong tác phẩm Đại Việt sử ký toàn thư 05:52:00 - 25/09/2015
(PGNĐ) - Trong tâm thế khách quan, cẩn trọng và cân nhắc, chúng tôi sẽ lần lượt góp ý về những vấn đề này được trình bày qua hai bài viết...
Giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý - Trần, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sự thành công trong đường lối trị nước bằng pháp (đạo đức). Tuy nhiên, với cái nhìn thiên lệch, phiến diện, chủ quan, các vị sử quan biên soạn ĐVSKTT đã nhìn nhận không công bằng đối với các vị vua Phật tử.
Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) là một bộ sử chứa đựng nhiều tư liệu quý hiếm về lịch sử dân tộc Việt Nam. Công trình sử học này là một đóng góp lớn đối với ngành sử học nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.
Về khởi nguyên, tác phẩm ĐVSKTT được nhà sử học Lê Văn Hưu (1230-1322) dựng những nền móng đầu tiên ở triều đại nhà Trần vào năm 12721 và sau đó được các nhà sử học như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Phạm Công Trứ… bổ chính, để cuối cùng được sử thần Lê Hy (1646-1702) hoàn thành vào năm 1697. Xét về thời gian và tác giả, thì đây là một bộ sử có thời gian biên soạn kéo dài tới 425 năm và được nhiều nhà sử học có thẩm quyền ở cả hai triều đại Trần - Lê cùng tham gia trước tác. Xét về phương diện nội dung, thì một trong những đóng góp lớn của ĐVSKTT, đó là niềm tự hào dân tộc, là tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với độc lập chủ quyền đất nước của các tác giả bộ Quốc sử.2 Tuy nhiên, do sự chi phối của hệ tư tưởng Nho giáo, do giới hạn về tư liệu tham khảo, do định kiến tư duy của vài tác giả trong nhóm biên soạn, thế nên ĐVSKTT đã có những hạn chế và sai sót nhất định. Ở đây, tiêu biểu cho những sai sót trong tác phẩm ĐVSKTT, là những nhận định không đúng về Phật giáo, được thể hiện trên hai phương diện: - Nhận định không đúng về các vị vua Phật tử - Nhận thức sai lầm về Phật giáo Trong tâm thế khách quan, cẩn trọng và cân nhắc, chúng tôi sẽ lần lượt góp ý về những vấn đề này được trình bày qua hai bài viết... ------------------- Bài 1: NHẬN ĐỊNH KHÔNG ĐÚNG VỀ CÁC VỊ VUA PHẬT TỬ Trong lịch sử các triều đại phong kiến phương Đông, có nhiều vị vua không những là một bậc minh quân gương mẫu trong việc quản lý và điều hành đất nước, mà còn là một Phật tử thuần thành. Trong số đó có thể kể đến như vua Ashoka (अशोक 272-236 B.C)3, Kanishka ( कनिष्क) của Ấn Độ; cho đến vua Diêu Hưng (366-416), Lương Võ Đế (464-549) của Trung Hoa. Tại Việt Nam, ngay từ buổi đầu dựng nước và sau đó hàng trăm năm, đã có nhiều vị vua ở các thời Đinh, Lê, Lý Trần, Lê… không những thừa nhận mình là một Phật tử thuần thành, mà còn vận dụng tinh hoa Phật giáo vào công cuộc dựng nước và giữ nước. Đơn cử như Đinh Tiên Hoàng ban hiệu Khuông Việt Đại sư cho Tăng thống Ngô Chân Lưu vào năm 9714. Ngay cả triều vua sau, tức Lê Đại Hành, vẫn trọng thị những ý kiến của Đại sư Khuông Việt5. Đây cũng là trường hợp của Lý Nhân Tông cầu thỉnh ngài Khô Đầu làm Quốc sư6, Lý Thần Tông phong Đại sư Minh Không làm Quốc sư7. Thông qua nguồn đạo đức vô hành từ các vị cao tăng này, những giá trị nhập thế tích cực của Phật giáo, đã từng bước đi vào đường lối trị nước của những vị vua Phật tử, giống như chuẩn mực lý tưởng của một vị vua được Phật dạy trong kinh Trường bộ: Làm cho các người khác hoan hỷ bởi Pháp, tức là Ràja (vị vua)8. Có thể nói, giai đoạn thịnh trị nhất trong lịch sử dân tộc là thời Lý - Trần, đã bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sự thành công trong đường lối trị nước bằng pháp (đạo đức). Tuy nhiên, với cái nhìn thiên lệch, phiến diện, chủ quan, các vị sử quan biên soạn ĐVSKTT đã nhìn nhận không công bằng đối với các vị vua Phật tử. Đánh giá của ĐVSKTT về các vị vua Phật tử Nhận định cô động về các vị vua Phật tử tập trung ở bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung, một vị quan văn dưới thời Lê Tương Dực (1495-1516), ông chủ trương khôi phục văn miếu, cổ xúy Nho gia. Vào năm 1514, Lê Tung vâng lệnh của vua Lê Tương Dực đã soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận9. Theo Phan Huy Chú (1782-1840), bấy giờ là Vũ Quỳnh tiến sách Thông khảo, vua Lê Tương Dực muốn nhặt những điều cốt yếu, mới sai Lê Tung làm sách này10. Bài Tổng luận của Lê Tung đã được các nhà biên soạn ĐVSKTT đưa vào đầu bộ sách, điều đó cho thấy, những nhận định của Lê Tung cũng là quan điểm của các nhà biên soạn tác phẩm sử học này. Trong một vài trường hợp, bài Tổng luận của Lê Tung được kế thừa từ ý kiến của sử thần Lê Văn Hưu cũng như các sử gia cùng tham gia biên soạn ĐVSKTT. Ở đây, mặc dù tác giả bài Tổng luận đã có những khái quát về công trạng của các bậc quân vương, nhưng hoàn toàn thiếu công bằng, khi không thừa nhận vai trò của Phật giáo trong việc góp phần vào sự thành công đó. Theo khảo sát, bài Tổng luận đã đề cập hầu hết các vị vua Phật tử triều Lý, từ Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông… cho đến các vị vua ở triều Trần như Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông... Trong khi nhận định, Lê Tung nói riêng và các các Nho thần nói chung, đã không giữ được thái độ nho nhã khi đề cập đến niềm tin Phật giáo của các bậc quân vương này. Do giới hạn đề tài, chúng tôi chỉ đề cập đến vài vị quân vương tiêu biểu. 1- Lý Thái Tổ (974-1028) 11 Lý Thái Tổ nhân Ngọa Triều thất đức, hiệp điềm tốt sét đánh thành chữ, ứng mệnh trời, thuận lòng người, thừa thời mở vận; có đại độ khoan nhân, có quy mô xa rộng, dời đô định vạc, kính trời yêu dân, tô ruộng có lệnh tha, phú dịch có mức độ. Bắc Nam thông hiếu, thiên hạ bình yên. Song thánh học chẳng nghe, nho phong chưa thịnh, Tăng Ni chiếm nửa nhân gian, chùa chiền dựng đầy thiên hạ, không phải là đạo sáng nghiệp truyền dòng vậy. * Góp ý của chúng tôi Qua nhận định trên, Lê Tung đã thể hiện thái độ không thiện cảm với Phật giáo. Trước hết, ngoài những nhận xét tích cực về Lý Thái Tổ, Tổng luận của Lê Tung đã cho rằng: Song thánh học chẳng nghe, nho phong chưa thịnh, Tăng Ni chiếm nửa nhân gian, chùa chiền dựng đầy thiên hạ, không phải là đạo sáng nghiệp truyền dòng vậy. Quan điểm này, Lê Tung lấy một phần từ tiểu dẫn về Lý Thái Tổ trong ĐVSKTT:Song chưa làm sáng chính học, lại ưa thích dị đoan, bị lụy vì chuyện đó12. Và một phần ý kiến của Lê Văn Hưu: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?13. Ở đây, riêng về nhận xét của Lê Văn Hưu, chúng tôi cho rằng đó là một quan điểm có thể do người đời sau gán cho ông. Vì lẽ, Lê Văn Hưu viết ĐVSKTT dưới thời vua Trần Thái Tông và hoàn thành vào năm 1272 dưới thời Trần Thánh Tông. Cần lưu ý rằng, theo ghi nhận của Ngô Sĩ Liên thì việc của Trần Thái Tông cũng giống như việc Vạn Hạnh với Lý Thái Tổ. Đó là mầm đầu tiên của sự sùng Phật ở đời Lý, đời Trần14. Cũng sùng Phật như Trần Thánh Tông, Trần Thái Tông thường ưu du cõi Tam muội, tìm dấu đạo Nhất thừa15. Như vậy, cả hai vị vua thời Lê Văn Hưu đều sùng Phật, đều xây dựng chùa chiền và tổ chức độ Tăng, thì làm sao nhận xét đó của Lê Văn Hưu có thể tồn tại dưới thời đại nhà Trần? Cùng đề cập đến vấn đề này, cố Giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã cho rằng, đoạn sử đời Lý do Lê Văn Hưu soạn đã bị đính khảo nhiều16. Sau khi dẫn sử liệu chứng minh, Giáo sư đi đến khẳng định: Ngô Sĩ Liên đã dọn bớt tác phẩm Lê Văn Hưu17. Trong các ý kiến từ ĐVSKTT về vua Lý Thái Tổ, bộc lộ 2 vấn đề. Thứ nhất là phản ánh về số lượng Tăng Ni và chùa chiền quá đông. Thứ hai, nhà vua không quan tâm đến việc phát triển Nho học. Trong vấn đề thứ nhất, cần phải thấy rằng, ngay từ thời Đinh Tiên Hoàng (924-979), đã bắt đầu quy định cấp bậc văn võ, Tăng đạo, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt Đại sư18. Nối gót theo cha, con trai Đinh Tiên Hoàng là Đinh Liễn đã từng khắc 100 cột kinh bằng đá, mà một trong số chúng còn được bảo lưu ở chùa Nhất Trụ, Hoa Lư, Ninh Bình. Thậm chí, tuy được cho là ăn chơi xa xỉ, nhưng Lê Long Đĩnh (986-1009) chính là vị vua đầu tiên cử người sang Tống thỉnh kinh Đại tạng vào năm 1007 và đem Đại tạng kinh này về nước vào năm 100919. Trong khi đó, Đại tạng kinh được ấn hành đầu tiên tại Trung Quốc vào niên hiệu Khai Bảo (968-976)20. Xét ra, vào thời Tiền Lê, kho tàng kinh điển Bắc truyền vừa được in ấn lần đầu tiên trên thế giới, đã có mặt tại Việt Nam. Như vậy, để công bằng hơn, nếu loại bỏ đi nguồn gốc xuất thân và quá trình trưởng thành liên quan đến chùa chiền, trước khi Lý Thái Tổ đăng quang thì niềm tin vào Phật giáo đã lan tỏa trong số đông dân chúng. Là một bậc quân vương,trên kính mệnh Trời, dưới theo ý dân21, ý dân phần lớn là tín Phật, thì cần phải đối xử khéo léo với niềm tin ấy, nhất là đối với một tân vương vừa mới lên ngôi, đã đồng thời tổ chức thiên đô về vùng đất mới. Đó là một trong những lý do đầu tiên để lý giải tại sao Lý Thái Tổ sùng trọng Phật giáo, thể hiện trong việc độ Tăng và xây dựng chùa chiền. Đây cũng là chủ trương của Trần Thừa (1184-1234), tức cha của Trần Thái Tông (1218-1277) nhằm tranh thủ lòng dân, giúp vua trị nước:Thượng hoàng xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm đều phải đắp tượng Phật để thờ22. Sự kiện này diễn ra vào năm thứ 7 sau khi Trần Thái Tông lên ngôi. Thứ hai, vì sao Lý Thái Tổ không quan tâm phát triển Nho học? Lý Thái Tổ là người nhìn xa trông rộng. Ông am tường Nho giáo khi tự tay viết chiếu và viện dẫn chuyện Thương, Chu ngay những dòng đầu tiên trong chiếu dời đô23. Cho nên câu nói của Lê Tung trong bài Tổng luận: Song thánh học chẳng nghe đã hoàn toàn không đúng với Lý Thái Tổ trong trường hợp này. Không những thế, với một đất nước vừa thoát khỏi ách thống trị của Trung Hoa gần 1.000 năm, tuy vừa trải qua hai triều Đinh - Lê nhưng thực tế thời gian hưởng độc lập chưa tới 60 năm24. Do vậy, Lý Thái Tổ đã có một thái độ cẩn trọng trong việc sử dụng những thành tựu văn hóa phương Bắc. Nói cách khác, Lý Thái Tổ luôn dè dặt trong ứng xử, thậm chí là cực kỳ nghiêm khắc trong những hành vi liên hệ đến triều đình Trung Hoa. Đơn cử như: Mùa hạ, tháng 4 (1011) sai viên ngoại lang là Lý Nhân Nghĩa và Đào Khánh Văn sang thăm nước Tống để đáp lễ. Khánh Văn trốn ở lại nước Tống, người Tống bắt trả lại cho ta, đánh trượng chết25. Có thể nói, trong khi dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, ngoài dinh thự, công quán cần được xây dựng mới, thì việc hỗ trợ cũng như kêu gọi xây dựng chùa chiền cũng được Lý Thái Tổ song hành quan tâm. Đối với một đất nước chưa thực sự vững mạnh về kinh tế, thì việc nhà nước xây dựng cơ sở tôn giáo quá nhiều, đôi khi dễ gây ra dị nghị, nhất là đối với các bậc Nho thần vốn có sẵn định kiến về Phật giáo. 2- Lý Thái Tông (1000-1054)26 Thái Tông trí dũng gồm hai, đánh đâu được đấy; có đức hiếu hữu, học tập lễ nhạc, dẹp giặc, bình man, cày tịch điền, khuyến việc nông, thân oan có chuông, hình chế có luật, là một bực vua giỏi giữ nền nếp vậy. Song say thơ kệ đạo Phật ở chùa Tiên Du, mê điệu hát Tây Thiên (của nước Chiêm Thành) không phải là đạo nuôi dân trị nước. * Góp ý của chúng tôi Một trong những ảnh hưởng từ Phật giáo vào giải pháp trị an dưới thời Lý Thái Tông đó là đánh chuông để minh oan. ĐVSKTT chép: Phía Đông thềm rồng đặt diện Văn Minh, phía Tây đặt điện Quảng Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên27; Tháng 3, đúc chuông lớn để ở Long Trì, cho dân ai có oan ức gì không bày tỏ được, thì đánh chuông ấy để tâu lên28. Xưa, dân gặp chuyện oan uổng thì lên nha môn đánh trống, Lý Thái Tông đã thay trống bằng chuông, cũng là một bằng chứng cho thấy, các vị vua nhà Lý đang cố gắng tìm kiếm một giải pháp mới trong việc trị nước, an dân. Ở đây, mặc dù tác giả Lê Tung cũng thừa nhận rằng vua Lý Thái Tông là bậc vua giỏi giữ nền nếp, tuy nhiên say thơ kệ đạo Phật ở chùa Tiên Du, mê điệu hát Tây Thiên (của nước Chiêm Thành) không phải là đạo nuôi dân trị nước. Đánh giá như vậy, có lẽ vị Nho sĩ này không hiểu về giá trị của âm nhạc, cũng như không biết được một dạng thức nghệ thuật đặc thù trong Phật giáo, đó chính là nghệ thuật Phạm-bối. Trước hết, trong vấn đề âm nhạc, Nguyễn Trãi đã từng viết rằng: Kể ra, đời loạn dùng võ, thời bình chuộng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng vững, không có văn thì không thể lưu hành. Hòa bình là gốc của nhạc. Thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu soạn nhạc, không dám không dốc hết tâm sức. Nhưng vì học thuật nông cạn, sợ rằng trong khoảng thanh luật, khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận buồn than, như thế mới không mất cái gốc của nhạc29. Nhận định của Nguyễn Trãi: Hòa bình là gốc của nhạc. Hòa bình là khát vọng của dân tộc Việt, khát vọng đó được Lý Thái Tông tuân thủ trong đường hướng trị nước của mình. Việc nhiều lần tha chết cho Nùng Trí Cao của Lý Thái Tông cũng là một trong những giải pháp đem đến hòa bình, hạn chế đau thương cho dân tộc, xứ sở. Trong việc này, sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: Mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch, thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém30. Theo ghi chép của ĐVSKTT: Năm ấy, Nùng Trí Cao cùng với mẹ là A Nùng từ động Lôi Hỏa lại về chiếm cứ châu Thảng Do, đổi châu ấy thành nước Đại Lịch. Vua sai tướng đi đánh, bắt sống được Trí Cao đem về kinh sư. Vua thương tình vì cha là Tồn Phúc và anh là Trí Thông đều đã bị giết nên tha tội (cho Nùng Trí Cao). Trong vấn đề này, nhận xét của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn có vẻ thuận tình hơn cả: Lý Thái Tông đã tha tội cho Nùng Trí Cao. Lý Thánh Tông đã tha chết cho vua Chàm là Chế Củ. Tuy rằng đó là có lợi cho đường chính trị, nhưng nếu không có sẵn từ tâm, thì ắt không nghĩ đến khoan hồng để làm lợi cho chính trị mình31. Trở lại vấn đề say thơ kệ đạo Phật ở chùa Tiên Du, mê điệu hát Tây Thiên của Lý Thái Tông, đã cho thấy, với một đất nước tương đối bình ổn về chính trị, quốc pháp nghiêm minh32, liên tục trúng mùa33, phát hiện vàng và mỏ bạc34 thì việc tìm kiếm những giải pháp bổ trợ về phương diện tinh thần có ý nghĩa quan trọng. Việc saythơ kệ Đạo Phật và mê điệu hát Tây Thiên là một trong những bằng chứng cho thấy Lý Thái Tông đang tiếp cận một dạng thức nghệ thuật đặc thù trong Phật giáo. Trong liên hệ sâu xa, ngành nghệ thuật đó vẫn góp phần vào việc trị nước an dân; đó là nghệ thuật Phạm-bối. Phạm-bối, Phạn ngữ ghi là भास (Bhāsa), vốn chỉ cho một thể kịch thơ (dramatic poet)35 trong văn chương Ấn Độ cổ đại36. Thơ kệ Đạo Phật và điệu hát Tây Thiênmà ĐVSKTT nói đến chính là biểu thị cho ngành nghệ thuật này. Nghệ thuật Phạm bối có nhiều tác dụng. Với Phật giáo, thì có ít nhất năm tác dụng. Thứ nhất, hiểu được ân đức sâu dày của Phật. Thứ hai, bổ sung và kiện toàn kiến thức văn chương. Thứ ba, khiến cho thiệt căn thanh tịnh. Thứ tư, phế tạng được khai thông. Thứ năm, khiến nơi ở được yên lành. Thứ sáu, trường thọ không bệnh37. Trong ý phổ quát và mang tính thực tiễn, thì Phạm-bối mang nghĩa: cảm thấu Trời-Đất/ Thông đạt thần minh/ An ổn vạn dân/ Tìm về tánh thiện38. Khát vọng dân chúng trong nước bình an, sống trong tình hòa hiếu, hiền lành không chỉ là khát vọng chính đáng của Lý Thái Tông mà còn là khát vọng ngàn đời của dân tộc. Là người dân Việt, ai nỡ nào chê trách khát vọng chính đáng đó của một bậc minh quân như Lý Thái Tông? 3- Trần Nhân Tông (1258-1308)39 Trong bài Tổng luận, Lê Tung viết: Nhân Tông được tinh anh của thánh hiền, có tướng mạo của thần tiên, thể chất hồn hậu hoàn toàn, nhân từ hòa nhã giản dị. Xuống chiếu chẩn cấp người nghèo mà lòng dân cố kết, chọn tướng mà chống cự nhung địch mà giặc Nguyên dẹp yên, sự nghiệp trùng hưng rực rỡ thiên cổ, đủ làm một bậc vua hiền của nhà Trần. Song vui lòng kinh Phật mà dựng am Thiên Kiện, cấp nuôi Tăng Ni mà đúc vạc Phổ Minh, không phải là trị đạo của đế vương. Hoặc: Đường đường một vị thiên tử mà làm Thiền sư Trúc Lâm, người trí không ai làm thế40. Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nhân Tông trên thờ Từ Cung làm sáng đạo hiếu, dưới dùng người giỏi, lập nên võ công. Nếu không có tư chất nhân, minh, anh võ thì sao được như thế? Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả41. * Góp ý của chúng tôi Cả Lê Tung và Ngô Sĩ Liên đều công nhận những đóng góp vĩ đại của Trần Nhân Tông trong việc xây dựng và củng cố cơ nghiệp nhà Trần, mặc dù vậy, cả hai đều không đồng tình với sự kiện xuất gia của nhà vua và có lời chê trách. Trước hết, điều sai lầm đầu tiên của Lê Tung khi cho rằng Trần Nhân Tông cấp nuôi Tăng Ni mà đúc vạc Phổ Minh. Vạc Phổ Minh có quy mô rất lớn, là một trong An Nam tứ đại khí, thế nhưng trong ĐVSKTT không ghi chép câu chuyện Trần Nhân Tông đúc vạc Phổ Minh. Thực ra, Trần Nhân Tông sau khi xuất gia khoảng bốn năm, đã từng ở chùa Phổ Minh tổ chức lễ hội tương tự như lễ hội Vô già đại hội (無遮大會. S: Pañca-vārṣika maha), chứ không hẳn chỉ mỗi việc cấp nuôi Tăng Ni. Điều này, ĐVSKTT chép: Mùa xuân, tháng Giêng, ngày 15 (1303), Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí42. Trong khi đó, Phổ Minh vốn là tên của một ngôi chùa, do Trần Thánh Tông dựng nên ở làng Tức Mặc. ĐVSKTT ghi: 1262 (Tống Cảnh Định năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, Thượng hoàng (Trần Thái Tông) ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước hai tư, đàn bà được hai tấm lụa. Đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, cung gọi là Trùng Quang. Lại xây riêng một khu cung khác cho vua nối ngôi ngự khi về chầu, gọi là cung Trùng Hoa. Lại làm chùa ở phía Tây cung Trùng Quang gọi là chùa Phổ Minh. Từ đó về sau, các vua nhường ngôi đều ngự ở cung này43. Vạc chùa Phổ Minh do Trần Thánh Tông đúc, và cho khắc một bài minh vào vạc44. Năm 1426, cùng với chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh bị Vương Thông nhà Minh phá để đúc súng đạn, làm vũ khí45. Về phần vua Trần Nhân Tông, sau khi nhường ngôi cho con vào ngày mùng 9 tháng 3 năm 129346, đã về ở cung Trùng Quang47. Từ cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, Trần Nhân Tông đã vào núi Yên Tử tu khổ hạnh vào tháng 8 năm 129948. Sự kiện trọng đại này, được Lê Tung cho rằng: Đường đường một vị thiên tử mà làm Thiền sư Trúc Lâm, người trí không ai làm thế. Cũng như Ngô Sĩ Liên cho rằng: Chỉ có một việc xuất gia là không hợp đạo trung dung, là cái lỗi của bậc hiền giả. Ở đây, khái niệm người trí của Lê Tung hay đạotrung dung của Ngô Sĩ Liên đều chỉ cho mẫu hình người quân tử lý tưởng theo chuẩn mực của Nho giáo. Theo quan điểm Nho giáo, người quân tử phải hội đủ năm đức tính như Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, biết và sống đúng với mệnh Trời, và hoàn thiện các phẩm chất được ghi lại trong thiên Quý thị (季氏) ở tác phẩm Luận ngữ. Trong tất cả, mẫu hình cũng như lý tưởng của Nho giáo nhằm xây dựng và hướng tới một xã hội thịnh trị và an bình. Tuy nhiên, cách thức và giải pháp không trùng khớp với con đường Phật giáo. Ở đây, với con người nói chung, do tính độc lập tương đối nên mỗi người hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn lý tưởng sống cho riêng mình. Đi theo Nho gia hay sống với Phật giáo, là tự do chọn lựa của mỗi cá nhân. Việc xả thân, vì nước vì dân trong những năm tháng làm vua đã phần nào cho thấy Trần Nhân Tông vẫn noi theo một phần nào đó quy chuẩn của Nho giáo. Tuy nhiên, sau khi truyền ngôi lại cho con, Ngài đã tự tìm kiếm một giải pháp cho riêng mình, và chúng ta cần phải trân trọng lựa chọn đó vì nhiều lẽ. Thứ nhất, là một bậc minh quân đã hai lần chỉ đạo đánh tan quân Nguyên-Mông, công lao đó được cả dân tộc ghi nhớ ngàn đời, thế nhưng Trần Nhân Tông đã từ bỏ mọi vinh hoa mà dấn thân theo con đường tu Phật. Bài tựa của vua Trần Minh Tông (1300-1357) trong tác phẩm Đại hương hải ấn thi tập đã tán thán cuộc ra đi vĩ đại này: Thế Tôn từ bỏ ngai vàng quý báu nửa đêm vượt thành, bỏ áo rồng cao sang, non xanh cắt tóc, mặc chim Thước làm tổ trên đỉnh đầu, cho con nhện chăng tơ trên vai cánh, tu phép tịch diệt để chứng đạo chân như, dứt cõi trần duyên làm thành bực Chánh giác. Đức Tổ ta là Điều ngự Nhân Tông hoàng đế, ra khỏi cõi trần, thoát vòng tục lụy, bỏ chốn cung vua, ra giữ sơn môn (chùa Phật) nghiễm nhiên đến nay vẫn như còn đó, tiếng thơm bất hủ dấu cũ càng tươi49. Thứ hai, chỉ vài tháng trước khi xuất gia50, nhưng Trần Nhân Tông vẫn nghiêm khắc với con là Trần Anh Tông, khi vô tình phát hiện hoàng đế trẻ say sưa trong men rượu. Trong trường hợp đó, ngài đã huấn thị: Trẫm còn có con khác, cũng có thể nối ngôi được. Trẫm đang sống mà còn như thế, huống chi sau này51. Lời dạy nghiêm khắc này, dường như Trần Nhân Tông đã học được phần nào từ câu chuyện Đức Phật dạy bảo Rahula ở Ambalatthika được ghi lại trong kinh Trung bộ52. Thứ ba, sau khi xuất gia, vào tháng 2 năm 1301, nhân dịp Chiêm Thành sang cống, vào tháng 3, ngài đã tháp tùng phái đoàn vân du các nơi và sang Chiêm Thành đến tháng 11 cùng năm mới trở về. Trong chuyến đi này, ngài đã đồng ý hứa gả công chúa Huyền Trân, để rồi sau đó chúa Chiêm Thành là Chế Mân đem hai châu Ô, Lý làm lễ vật dẫn cưới53. Chỉ riêng chuyện kết giao hữu hảo với Chiêm Thành đã là một kế sách lợi quốc yên dân, mà đã là một bậc xuất gia, nhưng Trần Nhân Tông vẫn góp duyên vào việc lớn đó. Cũng do bởi đóng góp đó nên sử gia Ngô Thì Sĩ (1726-1780) trong Đại Việt sử ký tiền biên ở triều Tây Sơn đã nhận định: Nhân Tông kiến thức siêu việt, ý tứ khoát đạt, coi thân mình như hình thể của trời đất, sống chết không hề lưu luyến đoái tiếc. Sau khi ngồi hóa, mọi sự phó thác cho các nhà sư, không báo cho vua nối dõi một lời54. Cũng theo Ngô Thì Sĩ, mặc dù đã xuất gia nhưng vua Nhân Tông đối với việc nước không hẳn không bỏ qua nhưng không phải không nghe biết gì55. Như vậy, ngoài sở đắc về phương diện đạo đức, tâm linh mà chúng ta chưa bàn đến; trên phương diện xã hội thì có thể thấy, thân tuy xuất gia nhưng Trần Nhân Tông vẫn có trách nhiệm đầy đủ với thân tộc, xã tắc, giang sơn… thì thử hỏi chuyện xuất gia có điều gì sai? Sao có thể xem đó là hành vi của người thiếu trí? Kết luận Đánh giá về một con người, một dân tộc, cần phải thấy rõ các điều kiện và bối cảnh đã góp phần làm nên con người cũng như dân tộc đó. Đánh giá về các vị quân vương nổi tiếng trong thời Lý-Trần, hai triều đại với ảnh hưởng chủ đạo là Phật giáo, mà chỉ dùng quan điểm Nho giáo để đánh giá là sai về phương pháp. Trong phần đầu bản dịch tiếng Việt của bộ ĐVSKTT, Giáo sư Phan Huy Lê đã nhận định: ĐVSKTT cũng có những hạn chế của nó do quan điểm sử học đương thời và khả năng của tác giả quy định56. Theo dòng chảy lịch sử, giai đoạn định hình và hoàn thiện bộ ĐVSKTT là giai đoạn mà Phật giáo đang có những biểu hiện suy vong, thực tế này đã góp phần tác động đến tư duy của những người viết sử. Không những vậy, đây cũng là giai đoạn Nho giáo đang giữ địa vị độc tôn, tất cả mọi phát ngôn hay nhìn nhận về lịch sử đều dựa trên hệ quy chiếu này. Đây là hai trong những điều kiện làm cho những nhận định chưa đúng về Phật giáo xuất hiện trong tác phẩm ĐVSKTT. Góp ý về những trường hợp này, chúng tôi chỉ mong góp thêm một cách nhìn khách quan về các vị quân vương, đã góp phần làm nên một thời hoàng kim cho dân tộc và cho Phật giáo.
Chúc Phú
(Đón đọc bài 2: Nhận thức sai lầm về Phật giáo - đã đăng trên nguyệt san Giác Ngộ tháng 9, số 234)
_______________________ (1) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.41. (2) Phan Huy Lê, Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả, văn bản và tác phẩm. Bài nghiên cứu được in chung trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.73. (3) Lamotte, Étienne, History of Indian Buddhism,Paris: Institut Orientaliste Louvain-La-Neuve, 1988, p.213. (4) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.215. (5) Sđd , tr.230. (6) Sđd, tr.298. (7) Sđd, tr.326. (8) ĐTKVN, kinh Trường bộ, tập 2, kinhKhởi thế nhân bổn, VNCPHVN, 1991, tr.407. (9) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 3, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.76. (10) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 5, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí, NXB.Trẻ, 2014, tr.137. (11) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.119. (12) Sđd, tr.248. (13) Sđd, tr.250. (14) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.13. (15) Sđd, tr.32. (16) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý,NXB.KHXH, 2014, tr.20. (17) Sđd, tr.21. (18) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.215. (19) Sđd, tr.241. (20) Dương Hổ - Tiêu Dương, Nghề sách Trung Quốc, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2013, tr.64. (21) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.249. (22) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.13. (23) Sđd. (24) Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đặt tên nước là Đại Cồ Việt vào năm 968. Xem,Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB. KHXH, Hà Nội, 2004, tr.214. (25) Sđd, tr.251. (26) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.119. (27) Sđd, tr.266. (28) Sđd, tr.285. (29) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.360. (30) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.286. (31) Hoàng Xuân Hãn, Lý Thường Kiệt, lịch sử ngoại giao và tông giáo triều Lý, NXB.KHXH, 2014, tr.303. (32) Lý Thái Tông san định luật lệ trong nước, làm thành sách Hình thư, dựa vào đó làm cơ sở để xử kiện. Xem,Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.278. ĐVSKTT còn chép: Tháng (9) nhuận, xuống chiếu kẻ nào ban đêm vào nhà gian dâm với vợ cả, vợ lẽ người ta, người chủ đánh chết ngay lúc bấy giờ thì không bị tội. Xem, Sđd, tr.277. (33) Sđd, tr. 267. (34) Sđd, tr. 274. (35) M.Monier-Williams, A Sanskrit English Dictionary. Springfield, VA: Nataraj Books, 2014, p.756. (36) T. R.S. Sharma. Ancient Indian Literature: Vedic Sanskrit and Pali, Vol 2. Delhy: Sahitya Akademi, 2004, p.263. (37) 大正藏第 54 冊 No. 2125 南海寄歸內法傳. 卷第四. Nguyên văn: 故五天之地初出家者, 亦既誦得五戒十戒, 即須先教誦斯二讚. 無問大乘小乘咸同遵此, 有六意焉. 一能知佛德之深遠, 二體制文之次第, 三令舌根清淨, 四得胸藏開通, 五則處眾不惶, 六乃長命無病. 誦得此已方學餘經. (38) 大正藏第 50 冊 No. 2059 高僧傳, 卷第十三, 經師第九. Nguyên văn: 感天地, 通神明, 安萬民, 成性類. (39) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.121. (40) Sđd, tr.122. (41) Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.99. (42) Sđd, tr.92. (43) Sđd, tr.35. (44) Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 13, Viện sử học dịch, NXB.Giáo Dục, Hà Nội, 1998, tr.369. (45) Sđd tr.278. (46) Sd8d, tr.73. (47) Sđd, tr.82. (48) Sđd, tr.82. (49) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, tập 5, Binh chế chí, Văn tịch chí, Bang giao chí, NXB.Trẻ, 2014, tr.167. (50) Sự kiện dạy bảo vua diễn ra vào tháng 5, tháng Tám cùng năm đó, vua vào núi Yên Tử xuất gia và tu khổ hạnh. (51 Sđd, tr.81. (52) Kinh Trung bộ, tập 1, kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.507-512. (53) Sđd, tr.91-92-96-97. (54) Ngô Thì Sĩ, Đại Việt sử ký tiền biên, Dương Thị The và nhiều tác giả dịch, NXB.Hồng Bàng, 2012, tr.491. (55) Sđd. (56) Phan Huy Lê, Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả, văn bản và tác phẩm. Bài nghiên cứu được in chung trong Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, NXB.KHXH, Hà Nội, 2004, tr.69.
Theo (GNO)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |