Chi tiết tin tức

Video: Phát hiện bằng chứng về năm sinh của Đức Phật

08:36:00 - 01/12/2013
(PGNĐ) -  Các nhà khảo cổ đang khảo sát tại nơi Đức Phật đản sinh đã phát hiện những di vật cổ xưa nhất của Phật giáo từ trước đến nay.

Họ đã tìm thấy một công trình bằng gỗ có niên đại vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên nằm dưới nền ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya Devi ở Lâm Tỳ Ni thuộc Nepal.

Công trình gỗ này dường như để che cho một cái cây. Chi tiết này gợi nhớ đến câu chuyện đản sinh của Đức Phật – thân mẫu Ngài, Hoàng hậu Maya, đã hạ sinh Ngài khi với tay lên một nhánh cây Vô ưu.

‘Chấm dứt tranh cãi’

Phát hiện này có thể giúp chấm dứt các tranh cãi về nơi đản sinh của Đức Phật, các nhà khảo cổ cho biết trong tạp chí Antiquity.

Hàng năm hàng ngàn Phật tử hành hương về Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay vẫn được xem là nơi Thái tử Siddhartha Gautama, người sau này trở thành Phật Thích Ca, chào đời.

Mặc dù có rất nhiều kinh văn để lại kể về cuộc đời cũng như ghi lại những bài thuyết pháp của Ngài, mọi người vẫn không biết chắc nơi Ngài đã từng sống.

Năm sinh của Ngài được cho là đến tận năm 623 trước Công nguyên, nhưng nhiều học giả tin rằng năm chào đời của Ngài hợp lý nhất là trong khoảng 390 cho đến 340 trước Công nguyên.

Cho đến nay, bằng chứng sớm nhất về các công trình Phật giáo ở Lâm Tỳ Ni có niên đại không sớm hơn thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, tức thời kỳ trị vì của Hoàng đế Ashoka mà các Phật tử Việt Nam gọi là Vua A Dục.

Để tìm hiểu về điều này, các nhà khảo cổ đã bắt đầu khai quật ở trung tâm Đền Maya Devi trong khi chư tăng ni và các Phật tử đang hành thiền xung quanh.

Họ tìm thấy một công trình bằng gỗ rỗng ở chính giữa và không có mái. Các ngôi đền bằng gạch được xây dựng sau này cũng đều được xây bao quanh không gian trung tâm này.

Dấu vết rễ cây

“Giờ đây, lần đầu tiên chúng ta đã có được một chuỗi kiến trúc ở Lâm Tỳ Ni cho thấy có một công trình ở đây vào thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên,” nhà khảo cổ Robin Coningham ở Đại học Durham, người đồng chỉ đạo nhóm khảo cổ quốc tế do Hội Địa lý Quốc gia hỗ trợ, cho biết.

Các nhà khảo cổ đã khai quật ở trung tâm ngôi đền thờ Hoàng hậu Maya

“Đây là thánh tích Phật giáo cổ xưa nhất trên thế giới,” ông nói.

“Nó soi rọi cuộc tranh luận kéo dài rất lâu vốn đưa đến những khác biệt trong các pháp môn Phật giáo,” ông nói thêm.

“Câu chuyện rằng Lâm Tỳ Ni đã trở thành thánh tích dưới thời của Hoàng đế Ashoka cần được chỉnh lại bởi vì chúng ta đã biết rõ rằng trước đó nơi này đã được trùng tu trong suốt hàng trăm năm.”

Cuộc khảo cổ cũng phát hiện dấu vết của rễ cây từ xa xưa nằm ở vị trí khoảng trống trung tâm trong ngôi nhà gỗ – điều này cho thấy đây là công trình tôn thờ chiếc cây này.

Các điển tích Phật giáo ghi lại rằng Hoàng hậu Maya Devi đã hạ sinh Đức Phật khi với tay lên một nhánh cây Vô ưu trong Vườn Lâm Tỳ Ni.

Phát hiện này sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn ở Lâm Tỳ Ni vốn lâu nay không được lưu tâm mặc dù đã được Unesco công nhận là Di sản Thế giới.

“Những phát hiện này rất quan trọng để giúp hiểu thêm về nơi đản sinh của Đức Phật,” Bộ trưởng Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân dụng Nepal Ram Kumar Shrestha nói.

“Chính phủ Nepal sẽ tập trung mọi nỗ lực để bảo tồn thánh tích quan trọng này.”

Theo BBC tiếng Việt

Thêm bằng chứng mới về thời điểm Đức Phật ra đời

Một nhóm nhà khảo cổ quốc tế ngày 25/11 cho biết họ đã tìm ra bằng chứng tiết lộ nơi sinh đích xác của Đức Phật cũng như nguồn gốc của Phật giáo có thể bắt đầu từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, sớm hơn 2 thế kỷ so với một số giả thuyết khác. 

Phát hiện này được công bố sau khi các nhà khoa học tiến hành khai quật chùa Maya Devi tại khu vườn Lumbini nổi tiếng (Nepal), nơi được cho là Đức Phật sinh ra. 

Nhóm khảo cổ đã phát hiện dấu tích của một cấu trúc bằng gỗ chưa từng được biết nằm dưới lớp nền gạch trong chùa Maya Devi. Kết quả phân tích mức độ phóng xạ của khoáng chất và tỉ lệ chất đồng vị carbon, phân tử carbon từ than và cát, cho thấy thời điểm kiến trúc này tồn tại là từ thế kỷ thứ VI trước công nguyên, trước tới 3 thế kỷ so với kiến trúc đền thờ xây dựng trên đó. 

Phân tích sâu hơn, các nhà khảo cổ tìm thấy rễ một cây cổ thụ lớn ở trung tâm của kiến trúc mở này, cho thấy một bằng chứng khá tương đồng với truyền thuyết dân gian mẹ Đức Phật đã sinh Ngài dưới một tán cây. 

Trưởng đoàn khảo cổ - giáo sư Robin Coningham, thuộc Đại học Durham (Anh) cho biết phát hiện này làm sáng tỏ cuộc tranh luận từ rất lâu về thời điểm Đức Phật ra đời cũng như nguồn gốc của Phật giáo. Theo ông Coningham, đây là một trong những lần hiếm hoi đức tin, truyền thống, khảo cổ học và khoa học cùng gặp nhau.

Từ trước tới nay, hầu hết các chi tiết về cuộc đời của Đức Phật đều có nguồn gốc từ những câu chuyện dân gian không có nhiều bằng chứng khoa học. 

Sau phát hiện này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) kêu gọi những nghiên cứu khảo cổ sâu hơn, cũng như tăng cường bảo tồn và quản lý tại khu vực này. 

Vườn Lumbini, nằm dưới chân núi Himalaya, ở giữa biên giới Nepal và Ấn Độ là một trong bốn địa điểm ghi dấu quan trọng nhất trong cuộc đời Đức Phật. Khu vực di sản này từng bị rừng cây bao phủ cho đến khi được phát hiện lại vào năm 1896. Ba địa điểm còn lại bao gồm Bodh Gaya là nơi Phật giác ngộ, Sarnath là nơi đầu tiên Ngài giảng pháp và cuối cùng là nơi Phật nhập Niết bàn, Kusinagara. Được coi là nơi Đức Phật ra đời, ngôi chùa Maya Devi, mang tên mẹ Ngài tại Lumbini, là nơi hành hương của hàng trăm nghìn phật tử mỗi năm./.

Theo TTXVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin