Chi tiết tin tức Bảo tồn và phát huy giá trị tôn giáo trong xây dựng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc 21:51:00 - 30/03/2022
(PGNĐ) - Giá trị luân lý và đạo đức của tôn giáo đã xuất hiện trong các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
1. Vài nét về giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tôn giáo ở Việt Nam1.1. Giá trị văn hóa truyền thốngViệt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo, mỗi dân tộc lại có một diện mạo văn hoá riêng, những nét riêng này không phá vỡ đặc điển chung của văn hoá Việt Nam mà đan xen lẫn nhau tạo cho nền văn hoá Việt Nam thống nhất trong đa dạng, hay nói cách khác, đa dạng là bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Mỗi nền văn hóa đóng góp vào sự đa dạng của văn hóa nhân loại bằng những bản sắc riêng của mình và gía trị văn hóa được thể hiện trong mỗi bản sắc dân tộc ấy. Dưới góc nhìn Văn hóa học, các học giả nghiên cứu về giá trị văn hóa đã quan niệm: “Giá trị văn hóa (Cultural value) là yếu tố cốt lõi của văn hóa, nó được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng, tương ứng với môi trường tự nhiên và xã hội nhất định. Giá trị văn hóa hướng đến thỏa mãn những nhu cầu và khát vọng của cộng đồng về những điều tốt đẹp (chân thiện mỹ), từ đó bồi đắp và nâng cao bản chất Người. Giá trị văn hóa luôn ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng, chuẩn mực văn hóa. Chính vì vậy mà văn hóa thông qua hệ giá trị của nó góp phần điều tiết sự phát triển xã hội”(1). Như vậy, giá trị văn hóa được hình thành trong quá trình vận động, giao tiếp của con người trong xã hội hay của con người với thiên nhiên. Giá trị văn hóa còn được thể hiện ở thái độ, trách nhiệm, quy tắc ứng xử của mỗi cá nhân trong các mối quan hệ với gia đình, xã hội và thiên nhiên và giá trị văn hóa chính là những biểu tượng cho cái chân – thiện – mỹ(2). Truyền thống là tập hợp những tư tưởng, thói quen, lối sống văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tác giả George Mclean cho rằng: “Truyền thống là sự phát triển của các giá trị, đức hạnh và sự hội nhập của chúng nhằm tạo ra một nền văn hóa đặc sắc và phong phú trong lịch sử và vì thế phụ thuộc vào kinh nghiệm và sức sáng tạo của nhiều thế hệ. Nền văn hóa được truyền lại được gọi là truyền thống văn hóa” (theo nghĩa) như vậy nó phản ánh được thành tựu con người tích tập được trong quá trình tìm hiểu, thực hiện và truyền bá ý nghĩa sâu lắng nhất của cuộc sống. Đó chính là truyền thống theo nghĩa hài hoà của nó như là một sự hiện thân của trí tuệ”(3).Khi nói đến giá trị truyền thống tức là muốn nói đến những mặt tích cực, tốt đẹp, những điều đúng, điều hay lẽ phải, tuy nhiên không phải cái gì hay, tốt đẹp cũng được gọi là giá trị mà phải là những cái hay, cái tốt, cái phổ biến cơ bản đại diện cho luân lý, đạo đức và định hướng hành vi, hành động mới được gọi là giá trị truyền thống(4). Như vậy, giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là tập hợp những cốt lõi văn hóa, những gì được sáng tạo và kết tinh trong quá trình lịch sử của mỗi cộng đồng trong môi trường tự nhiên và xã hội được các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ và phát huy. Khi nói đến những giá trị vănhóa truyền thống là nói đến cái lâu dài, cái tương đối ổn định, cái tốt đẹp, tiêu biểu cho dân tộc, tạo nên bản sắc cho dân tộc đó. Do đó, nó có tính bền vững và trở thành những nguyên lý đạo đức, luân lý mà mỗi cá nhân, cộng đồng trong xã hội đó đều phải thực thi. Các giá trị đó chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, hiếu học, cần cù, lạc quan… và các giá trị này có vai trò to lớn đối với sự, phát triển của văn hóa dân tộc trong quá khứ, hiện tại và tương lai(5). Yêu nước là truyền thống lịch sử bền lâu trong hệ giá trị dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy là mẫu số chung, là tinh thần quận khởi và là nguồn lực nội sinh của toàn dân tộc Việt Nam. Lòng yêu nước là tư tưởng, tình cảm yêu mến quê hướng đất nước, là ý chí, khí phách, là hành động của mỗi con người Việt Nam, theo năm tháng nó được hun đúc trở thành triết lý và chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam. Tuyền thống yêu nước là một trong những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, là dòng chủ lưu xuyên suốt lịch sử dân tộc, là nhân tố hàng đầu trong bảng giá trị tinh thần Việt Nam, là tinh thần đoàn kết, là sức mạnh, là niềm tự hào, là lẽ sống và là thước đo đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Yêu nước đồng nghĩa với yêu đồng bào, yêu tổ quốc và cao hơn chính là truyền thống lịch sử cách mạng và bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đồng bào, bảo vệ Đảng, Nhà nước(6). Đoàn kết là sự kết tinh những kinh nghiệm quí báu của dân tộc ta trong quá trình dựng nước và giữ nước theo tinh thần của Hồ Chủ tịch: “Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, chỉ có đoàn kết chúng ta mới có thành công, thắng lợi như ngày nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”(7). Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc xoay quanh các chữ: Ðồng tình, Đồng sức, Đồng lò , Đồng minh, thể hiện ý thức, nhận thức, hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng, vượt qua khó khăn thách thức của thiên nhiên trong sản xuất, làm ăn, trong đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phục và lớn hơn là bảo vệ chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc. Cùng với các giá trị về truyền thống yêu nước, đoàn kết là giá trị về lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa, trọng tình, hiếu học… của dân tộc Việt Nam. Nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình là những giá trị trong ứng xử văn hoá, lói sống của người Việt Nam và là sản phẩm của quá trình lịch sử. Trong lối sống gia đình, cộng đồng làng xã và quốc gia, lối sống ứng xử văn hóa thể hiện giá trị nhân văn cao đẹp, bao dung qua “lòng nhân ái, trọng tình”, đây là bài học kinh nghiệm về thái độ sống trong mọi môi trường văn hóa, kinh tế, môi trường xã hội, môi sinh(8). Người Việt Nam luôn ý thức về thờ cúng tổ tiên được thể hiện qua các câu châm ngôn như “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”, rồi “cây có rễ người có cội”,… và tổ tiên luôn phải được tôn kính, phải được thờ cúng, đặc biệt, với người Việt Nam, thờ cúng tổ tiên được bắt nguồn từ đạo Hiếu (Nho giáo). Sự kính hiếu ông bà, cha mẹ được tôn sùng thành thờ cúng tổ tiên (những người đã sinh thành, nuôi dưỡng) từ đời này sang đời khác. Bên cạnh đó, sự tôn kính tổ tiên còn có nghĩa như là tấm gương sáng về văn hóa đạo đức, về nếp sống gia đình để con cháu noi theo. Về mặt tôn giáo, người Việt Nam cũng không hề quá cuồng nhiệt, sùng bái, đối với tôn giáo này hay tôn giáo khác, mà có thể theo, rồi cũng có thể bỏ. Tuy nhiên, với thờ cúng tổ tiên ở người Việt là tuyệt đối và phổ quát, nó không ồn ào mà lặng lẽ, âm thầm, bền vững. Tính ổn định tạo nên truyền thống, giúp cho những giá trị văn hóa mà con người đã tích lũy không thể mất đi. Tính biến đổi tạo nên sự phát triển, giúp cho giá trị văn hóa thường xuyên được cập nhật và những giá tị lỗi thời loại bỏ. Chính vì vậy, sự tồn tại và phát triển của một xã hội cần dự vào nền tảng của giá trị văn hóa. Mức độ biến động của xã hội mạnh hay yếu, đậm hay nhạt phụ thuộc vào đặc trưng của mỗi nền văn hóa, mỗi loại hình văn hóa và đồng thời cũng phụ thuộc vào sự biến động chung của khu vực và thế giới(9). Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết số 33 NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9, khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã xác định định hướng giá trị của nền văn hóa Việt Nam là: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Bốn giá trị mà Đảng ta đã nhấn mạnh trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa là “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Về giá trị định hướng của con người Việt Nam hiện nay, Nghị quyết Trung ương 9 đã xác định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Có thể nói, các giá trị này đã khái quát được những phẩm chất cần có của con người Việt Nam đã nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII một cách cô đọng để dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Tuy vậy, Yêu nước, thương dân là hai giá trị bất biến của dân tộc Việt Nam tồn tại từ ngàn năm lịch sử, cần phải kế thừa và phát huy trong thời kỳ mới. Đồng thời phải phát triển giá trị tự do, kỷ cương, sáng tạo trong thời kỳ hội nhập(10). Xét cho cùng, bản chất của giá trị văn hóa chính là những chuẩn mực, là thước đo cho hành vi đạo đức, cho những quan hệ ứng xử đa chiều giữa người và người trong một cộng đồng nhất định, với tự nhiên và xã hội. Những giá trị của nó được chuyển giao tiếp nối, qua nhiều thế hệ và giá trị văn hóa truyền thống đó được giữ gìn phát huy lên một tầm cao mới. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam như lòng yêu nước, tính nhân văn, ý thức cộng đồng được lưu truyền phát triển tạo thành một hệ giá trị mới của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, những giá trị văn hóa được khẳng định qua nhiều thế hệ, trở thành cái chân – thiện – mỹ được lịch sử thừa nhận, nó trở thành một trong những hệ giá trị của văn hóa dân tộc, một thành tố ổn định của ý thức xã hội, được cố định hóa dưới dạng nghệ thuật, phong tục tập quán, nghi lễ, luật tục, pháp luật… 1.2 Một số giá trị tôn giáo ở Việt NamTôn giáo là một thành tố của văn hóa, do đó, hệ giá trị tôn giáo cũng nằm trong hệ giá trị của văn hóa. Trong môi trường phát triển bền vững hiện nay qua cái nhìn thực thể tôn giáo càng định tính chất “bản thể” của hệ giá trị tôn giáo, không những tồn tại, mà còn là tác động thực sự như một hợp phần xã hội. Thực thể tôn giáo có vai trò như một phương thức sống khẳng định rằng chỉ có một sự thật tối hậu cho sự tồn tại của thế giới. Có nghĩa, chân lý thực sự có thể tìm thấy ở tôn giáo. Mỗi một tôn giáo đều khẳng định trong giáo lý của nó là nắm giữ sự thật, giải thích được sự thật và có thể trông cậy vào sự thật để định hướng niềm tin của con người như một lý tưởng sống tuyệt đối và hoàn mỹ. Trong các giá trị của tôn giáo như giá trị chân lý, giá trị luân lý và đạo đức của thực thể tôn giáo, giá trị thẩm mỹ của thực thể tôn giáo, giá trị ý thức hệ của thực thể tôn giáo, giá trị nhân từ của tôn giáo, giá trị truyền thống của thực thể tôn giáo, thì giá trị luân lý và đạo đức là giá trị có ảnh hưởng nhiều hơn, sát thực hơn trong việc xây dựng định hình các giá trị văn hóa truyền thống, bởi giá trị luân lý và đạo đức là giá trị mang tính tập thể trong định hướng các nguyên lý sống, chuẩn mực sống và phong cách sống (lối sống)(11). Do đó, để thấy được vai trò của tôn giáo với việc xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bài viết sẽ phân tích những giá trị cơ bản của tôn giáo thể hiện được đủ nhất những giá trị văn hóa truyền thống như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, trong đó giá trị yêu nước, thương dân là những giá trị bất biến. Theo đó, có thể thấy giá trị luân lý và đạo đức của tôn giáo thể hiện rõ nét nhất các phẩm chất đó. Trong xã hội hiện nay, Phật giáo có ảnh hưởng to lớn đến đạo đức, lối sống con người Việt Nam. Đạo đức Phật giáo khuyên nhủ con người hãy thực hiện đức thiện, tu dưỡng đạo đức với mục đích khuyên nhủ chúng sinh chuyển mê lầm thành giác ngộ, chuyển ác thành thiện, chuyển đau khổ thành an lạc mà Đức Phật đã vạch ra con đường tu tập cho chúng sinh. Giá trị luân lý và đạo đức của Phật giáo được thể hiện trong các kinh sách như Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh, đức Phật khuyên con người hãy làm mười điều thiện (Phúc Trung, 2011) và mười điều thiện này nằm trong ba nghiệp (thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp) của con người, đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với đạo đức cá nhân con người cũng như trong mối quan hệ con người với con người và con người với xã hội. Một nguyên tắc để xây dựng nếp sống hòa hợp giữa cá nhân và cá nhân, giữa cá nhân và xã hội có thể tìm thấy trong tư tưởng “Lục hòa” (Thích Thiện Hoa, 2019). Với sáu nguyên tắc này, trong bất kỳ môi trường nào, xã hội nào, gia đình nào cũng cần cân bằng và giữ gìn điều hòa đó: Với gia đình, anh em bất hòa, thì cốt nhục chia ly và vợ chồng bất hòa, gia đình không yên, con cái khổ cực. Làng xóm bất hòa, sẽ sinh ra cãi vã, kiện cáo, cuộc sống không thuận. Quốc gia bất hòa sẽ tạo cơ hội cho giặc ngoại xâm lấn chiếm, làm cho dân chúng lầm than, khổ sở. Nhân loại bất hòa, chiến tranh xảy ra, dân chúng điêu đứng, suy tàn. Như vậy, có thể thấy đạo đức Phật giáo như là một cách xác lập mối liên hệ giữa đạo đức cá nhân và đạo đức xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. Bên cạnh đó, trong kinh Lễ sáu phương, Phật giáo đã dùng sáu phương trời là: Đông, Nam, Tây, Bắc, Hạ phương, Thượng phương, để chỉ rõ sáu quan hệ và bổn phận của con người trong ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, cần có sự gương mẫu, kính trên, nhường dưới, bằng hữu hài hòa, trong ấm, ngoài êm, từ đó xây dựng nền tảng cho một xã hội yên bình, an vui. Đây là hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức mà Phật giáo đã đề ra không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, mà còn thể hiện các mối quan hệ thuần túy về đạo đức con người trần thế và “những chuẩn mực đạo đức này vẫn luôn có ý nghĩa trong đời sống đạo đức của mọi xã hội, trong đó có xã hội của chúng ta ngày nay”(12). Chỉ cần điểm nhanh về nền tảng đạo đức Phật giáo đã cho thấy sự tương đồng, phù hợp với sự phát triển giáo dục con người trong gia đình và xã hội hiện nay và còn nguyên giá trị tốt đẹp trong thế giới đại đồng. Những tư tưởng về đạo đức con người theo quan niệm Phật giáo cho tới hiện nay vẫn cần gìn giữ và phát huy(13). Với Công giáo lại có quan niệm rất chặt chẽ về giá trị luân lý và đạo đức. “Luân lý là hệ thống những quy tắc làm chuẩn mực, giúp con người – cá nhân hay xã hội – sống đạo làm người…” . Theo đó, trong quan niệm của Công giáo, luân lý gồm những quy tắc và cách sống những quy tắc đó giúp con người biết tự điều chỉnh, cân nhắc thái độ, hành vi để sống đúng với nhân phẩm của mình. Ngoài ra, nỗ lực sống luân lý của người kitô hữu không phải là nỗ lực ở tầm mức con người, nhắm tới những kết quả trong thế giới con người, mà còn vươn tới tầm mức Thiên Chúa, nhắm tới những kết quả trong thế giới Thiên Chúa. Đi kèm với luân lý là đạo đức mà Giáo hội Công giáo cũng rất coi trọng. Đạo đức học là những nghiên cứu về cách ứng xử của con người theo lý trí tự nhiên. Đạo đức học liên quan và là nền tảng cho nhiều phạm vi khác nhau, như: giáo dục, y tế, xã hội, kinh tế, chính trị, sinh học, môi trường,…(15). Như vậy, giá trị luân lý và đạo đức của Công giáo có những điểm trùng nhau, nó đều là những chuẩn mực để đưa ra những phán quyết hành động của con người dựa trên các tiêu chí tốt – xấu, thiện – ác… tuy nhiên, cũng có điểm khác biệt giữa hai vấn đề này. Luân lý được thể hiện chiều sâu của tâm hồn con người thông qua các chuẩn mực được quy định bởi niềm tin vào Thiên Chúa. Đạo đức được thể hiện ở những hành vi, ứng xử bởi ý chí của bản thân mà đôi khí không liên quan đến cái thiêng của họ đang tin nhận. Tuy nhiên, để đạt được những giá trị trên, Công giáo còn định ra các giá trị mang tính chuẩn mực cho đời sống và hành động của các tín đồ. Với người Công giáo, mười điều răn là “giao ước được Thiên Chúa kí kết với dân Ngài”, mười điều răn này tóm lại chỉ có hai điều này mà căn cốt nhất được coi như giá trị luân lý và đạo đức là: Mến chúa – yêu người. Đó là việc ứng xử giữa con người với đấng Thiêng và con người với con người(16). Các tôn giáo nội sinh có quan niệm đơn giản hơn về giá trị luân lý và đạo đức. Từ Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáoTứ Ân Hiếu Nghĩa đến Phật giáo Hòa Hảo hay gần đây là Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn đều đưa ra con đường giải thoát đó là học phật, tu nhân, vì đây là con đường phù hợp với người dân bình thường (mà họ gọi là cư sĩ tại gia). Phải nhận thức được việc tu thân trước rồi mới học Phật, theo đó, muốn tu nhân thì phải tu thân. Đây là quan điểm của các bậc thánh hiền từ xưa theo quan niệm của Nho giáo. Tu thân là bước đầu tiên của con người để đi đến quả vị của Tiên, Thánh, Bồ tát và chư Phật. Sách Đại học Thánh kinh có viết(17): “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn. Kì bổn loạn nhi mạt trị giả phủ hĩ, kì sở hậu giả bác, nhi kì sở bác giả hậu, vị chi hữu dã! thử vị tri bổn, thử vị tri chi chí dã”. Nghĩa là: “Từ bậc Tử cho đến thứ dân đều phải lấy sự hàm dưỡng và rèn luyện bản thân (tu thân) làm gốc. Cái gốc của nó lộn xộn, rối ren (loạn) thì không thể nào lo liệu, sắp xếp (trị) được ở cái ngọn vậy. Cái chỗ quan trọng thì coi nhẹ mà cái chỗ không quan trong thì lại xem trọng thì chưa từng có vậy. Thế mới gọi là biết cái gốc, thế mới gọi là đạt đến sự hiểu biết vậy”. Đức Bổn sư đã nói: “Muốn tu theo đạo Thánh Hiền. Đặng làm quân tử phải chuyên trau mình”, nghĩa là khi đạt được đến bậc quân tử thì mới mong gần Thánh Hiền, gần với Phật, tiên, đó là bổn phận tu nhân trong xã hội thời đó. Tu nhân cũng chính là thực hành Tứ Ân – Hiếu Nghĩa. Thực hành Tứ ân tức là đã hoàn thành xong sứ mạng Hiếu nghĩa(18). Gọi là Tứ Ân, tức phải phải trả bốn cái ơn lớn: Ân Tổ quốc; Ân cha mẹ sinh dưỡng; Ân Tam bảo chỉ cho ta con đường giải thoát; Ân đồng bào. Như vậy có thể thấy giá trị đạo đức và lối sống mà các tôn giáo nội sinh ở Nam Bộ đề cao cũng là những giá trị đạo đức và lối sống tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó, phẩm chất hàng đầu là ân đền ơn tổ quốc, đồng bào, rồi mới đến đạo lý uống nước nhớ nguồn, hiếu kính cha mẹ. Việc coi trọng lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân được các tôn giáo này coi trọng và trở thành giá trị cốt lõi trong phương thức tu hành, phương châm hành đạo của các tôn giáo với mong muốn đưa con đường giải thoát đến với con người một cách dung dị, đời thường. Với đạo Cao Đài hay Minh sư đạo, Minh lý đạo cũng có tư tưởng gần nhau đó là theo tư tưởng tam giáo và con đường giải thoát là tu nhân với tinh thần từ bi, nhân nghĩa, công bằng. Tôn giáo truyền thống (hay tín ngưỡng) có những quan niệm về giá trị luân lý và đạo đức được thể hiện qua việc thờ phụng tổ tiên theo hai nghĩa: tổ tiên theo nghĩa rộng là những người có công với đất nước, với làng xã… và nghĩa hẹp đó là tổ tiên của dòng họ, của gia đình. Việc thờ phụng tế lễ trao truyền qua các thế hệ người Việt từ xưa cho đến nay thực tế cũng chính là sự giáo dục con người với cách ứng xử về tình người, về lòng biết ơn với tổ tiên. Tư duy “uống nước nhớ nguồn” vì thế đã trở thành lẽ sống, thành thước đo đạo lý làm người, là giá trị văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam. Đây là cách ứng xử mang quy phạm đạo đức trong tôn giáo truyền thống ở Việt Nam (tất cả nhu cầu của cuộc sống như, làm ăn, dựng vợ gả chồng hay cầu con, cầu của, cầu mạnh khỏe… đều được bày tỏ trước hương án tổ tiên), điểm này khác hẳn với các tôn giáo ngoại lai 19). 2. Nền tảng của tôn giáo trong việc xây dựng giá trị văn hóa truyền thốngChủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm tôn giáo vừa là bộ phận cấu thành của văn hoá vừa là di sản văn hoá của nhân loại. Điều này đã được Người phát biểu rõ: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(20). Cùng với định nghĩa về văn hóa là sự tổng hợp về mục đích mà các tôn giáo luôn hướng tới của Người: “Mục tiêu cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giê su đều giống nhau: Thích ca và Giê su đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”(21). Như vậy, từ những giá trị văn hóa truyền thống cũng như giá trị tôn giáo được trình bày phía trên, ở phần này chúng tôi chỉ ra những giá trị được dung hòa và giao thoa giữa hai hệ giá trị để từ đó thấy được vai trò của tôn giáo qua một số giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như gìn giữ và phát huy. 2.1. Giá trị văn hóa truyền thống yêu nước là đoàn kết thể hiện trên tinh thần đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộcTrong lịch sử dân tộc Việt Nam, đoàn kết là một nội dung cơ bản, bao trùm, có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn khẳng định. Người cho rằng, đoàn kết là một chính sách dân tộc, không những rộng rãi mà còn lâu dài và đoàn kết của chúng ta không phải là một thủ đoạn chính trị. Chúng ta đoàn kết để giành lại độc lập, đấu tranh cho thống nhất đất nước, để xây dựng nước nhà(22). Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết được kế thừa chính trên nền tảng truyền thống gia đình, nếp sống trong gia đình và sự ảnh hưởng từ cha Nguyễn Sinh Sắc và mẹ Hoàng Thị Loan với truyền thống dân tộc tương thân tương ái, bình đẳng, tự do, lương thiện, khoan dung… Theo Nguyễn Xuân Trung, đặc điểm khoan dung trong tôn giáo là một trong những cơ sở quan trọng đề hình thành tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh. Bởi, khoan dung chính là thái độ hài hòa trong khác biệt. Với thái độ tôn trọng, cách nhìn rộng lượng, sự hòa quyện giữa các tôn giáo theo phương châm ‘hòa nhi bất đồng”, đặc biệt với việc tiếp thu sâu sắc tư tưởng khoan dung tôn giáo, dân tộc của chủ nghĩa Mác lênin, Hồ Chí Minh đã vận dụng khéo léo, linh hoạt việc đoàn kết các tôn giáo để cùng nhau xây dựng, phát triển đất nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào(23). Việt Nam là một nước đa dân tộc, đa tôn giáo, nên vấn đề đoàn kết tôn giáo lại càng phải thực hiện ngay. Nói đến đoàn kết tôn giáo, chúng ta không thể không nhắc đến tư tưởng về đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh. Bởi tư tưởng về đoàn kết tôn giáo đó luôn là kim chỉ nam trong hành động của Đảng và Nhà nước ta. Cơ sở nòng cốt của tư tưởng đoàn kết tôn giáo đó là tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Muốn có tự do tín ngưỡng, tôn giáo thì phải đoàn kết tôn giáo, bởi Hồ Chí Minh coi đoàn kết tôn giáo là bộ phận quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc kháng chiến, giành độc lập cho nước nhà. Trong Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam điều thứ 8, đề cập: “Tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân”. Thế là rõ ràng, đúng dân chủ. Người Việt Nam bất kỳ lương hay giáo, theo đạo Thiên Chúa hay đạo Phật, Cao Đài hay Hòa Hảo, mọi người đều có thể tán thành và ủng hộ chính sách ấy”(24). Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, về Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 3 – 9 – 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên 6 vấn đề cấp bách cần làm ngay, trong đó, vấn đề thứ 6 là: “Thực dân phong kiến thi hành chính sách đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết”(25). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vấn đề đoàn kết của dân tộc không những đoàn kết về bề rộng, mà còn phải cả về chiều dài, chiều sâu. Do đó, đoàn kết tôn giáo trước hết là phải đoàn kết giữa những người có đạo và không đạo; tiếp đó là phải đoàn kết giữa những người có đạo khác nhau và đoàn kết những người trong cùng một đạo, dù bất luận thế nào cũng không được phân biệt đối xử không công bằng, Người đã chỉ rõ: “Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo đều phải nên nỗ lực đấu tranh cho nền độc lập của nước nhà. Nhiệm vụ của toàn thể chúng ta là phải giữ vững nền độc lập. Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất linh” nên chúng ta phải hi sinh cho nhân loại và chúng sinh”(26). Để thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh đã tìm ra cơ sở khoa học, đó là sự tương đồng giữa các tôn giáo, thống nhất để hạn chế và giải quyết những yếu tố khác biệt, vì xét cho cùng, các tôn giáo chân chính luôn hy vọng giải thoát con người, và mong muốn con người sinh ra đều được sung sướng, tự do, hạnh phúc. Điều quan trọng là mọi người dân cho dù trước khi họ là tín đồ của tôn giáo nào thì họ đã là người Việt Nam. Người nói: “Chúa Giê su dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”(27). “Cho nên, ở tư tưởng Hồ Chí Minh không có sự đấu tranh trực diện với thần học, giáo lý các tôn giáo mà chủ yếu là cố gắng chỉ ra sự thống nhất giữa mục tiêu của cách mạng với lý tưởng của các tín ngưỡng tôn giáo, bỏ qua “tiểu dị” tìm ra điểm “đại đồng” giữa tín ngưỡng tôn giáo với sự nghiệp cách mạng”(28). Nội dung tư tưởng đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tính chất toàn diện, điều đó được thể hiện cả trong kinh tế, chính trị và văn hoá, xã hội. Lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mẫu số chung cho việc thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc. Người nói: “Lương giáo đoàn kết; Diệt hết quân thù… Kính chúa, yêu nước chúng ta phải đấu tranh, đặng giữ tự do tín ngưỡng, và giành độc lập cho nước ta”(29). Trên nền tảng tư tưởng đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của Hồ Chí Minh, các tôn giáo ở Việt Nam đã phát huy tinh thần đó trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Với Phật giáo trên nguyên tắc xây dựng nếp sống hòa hợp với tư tưởng “Lục hòa” hay Lễ sáu phương, đều là hệ giá trị, chuẩn mực đạo đức mà Phật giáo đã đề ra không chỉ mang ý nghĩa tôn giáo, mà còn thể hiện các mối quan hệ thuần túy về đạo đức con người trần thế, cần có sự gương mẫu, kính trên, nhường dưới, bằng hữu hài hòa, trong ấm, ngoài êm, từ đó xây dựng nền tảng cho một xã hội yên bình, an vui, nhờ đó đã thành lập được một số hội như: Hội Tăng già cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc các cấp (được thành lập rộng khắp ba miền Bắc-Trung-Nam)… Hầu hết các cơ sở Phật gáio trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ, chiên sĩ và phong trào ủng hộ, tham gia kháng chiến đã lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước thời đó. “Sự kiện 27 nhà sư phát nguyện “cởi áo cà sa ra trận” tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào ngày 27/02/1947, trở thành những chiến sĩ Vệ quốc đoàn kiên trung, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc; sự kiện 15 sư tăng thuộc tổ chức Bộ đội Tăng già ở Thủy Nguyên, Hải Phòng tình nguyện nhập ngũ. Trong hàng ngũ tự vệ xung phong tại thị xã Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình và huyện Gia Khánh (Hoa Lư, Ninh Bình ngày nay) có tới 60 sư ni làm công tác tiếp tế, tuần tra. Đa số họ trở thành y tá trong các đơn vị bộ đội chiến đấu hoặc hộ lý trong các trạm quân y…”(30). Với phương châm hành động “Đạo Pháp, Dân tộc, Xã hội chủ nghĩa”, Phật giáo đã thực hiện được tinh thần đoàn kết từ chức sắc, tín đồ đến người dân cùng chung tay góp sức cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Với Công giáo, mười điều răn là “giao ước được Thiên Chúa kí kết với dân Ngài”, mười điều răn này tóm lại chỉ có hai điều này mà căn cốt nhất được coi như giá trị luân lý và đạo đức là: Mến chúa – yêu người cũng đã đóng góp nhân lực, vật lực cho sự nghiệp Cách mạng với phương châm “Kính Chúa, yêu nước” gắn với “Phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Tổ quốc”. Nhất là sau năm 1945, đã xuất hiện một số tổ chức của giới Công giáo như: Việt Nam Công giáo cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh; “Liên đoàn Công giáo Việt Nam”; Việt Nam Công giáo Cứu quốc, Ủy ban Liên lạc những người Công giáo Liên khu III (1950); Liên đoàn Công giáo Nam bộ, Hội Công giáo Kháng chiến Nam bộ,…những tổ chức này là tiền thân của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hiện nay(31). Với các tôn giáo nội sinh ra đời trong bối cảnh đất nước còn loạn lạc, vùng Nam bộ trong thời kỳ đầu còn nhiều thiếu thốn chủ yếu mang tính tự phát, do đó, ở vùng Nam bộ trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều sỹ phu yêu nước dương ngọn cờ đấu tranh, đòi độc lập, tự do, họ đã chiêu dân tứ xứ, lập ấp, cứu người, chữa bệnh cho dân nghèo, hỗ trợ nhau trong cuộc sống cả vật chất lẫn tinh thần. Trên tinh thần Tứ ân (gốc của Phật giáo) cùng với giáo lý Nho giáo (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín hay trung, hiếu tiết, nghĩa) đã giảng dạy đạo lý làm người cho dân thấu trên nền giáo lý tôn giáo. Sau này trên nền tảng văn hóa Nam bộ với nhiều sự dung hòa đó, các tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương,Tứ Ân Hiếu nghĩa, đạo Cao Đài, Phật Giáo Hòa Hảo…đã lần lượt ra đời được gọi là tôn giáo nội sinh, “dòng tôn giáo này, tạo thành chất keo dính cho sự tổng hợp những nguồn tư tưởng khác nhau, chính là đạo lý làm người truyền thống của người Việt… gọi là dòng tôn giáo đạo lý Nam bộ”(32). 2.2. Giá trị văn hóa truyền thống nhân ái, trọng nghĩa tình, khoan dung thể hiện trên tinh thần đạo đức, tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn của tôn giáoQuá trình hình thành và phát triển nhân cách, đạo đức lối sống của mỗi con người được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, trong đó, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và suốt cuộc đời, định hình nhân cách của mỗi con người. Gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên mà ở đó mỗi cá nhân từ khi chào đời và suốt quá trình trưởng thành liên tục được tiếp xúc với các chuẩn mực đạo đức từ cha mẹ, ông bà và những người thân. Chính lối sống đề cao trách nhiệm, nghĩa tình, đức hy sinh, tính bản thiện, sự quan tâm tới mọi người và nhân cách cao thượng của ông bà, mẹ cha có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con trẻ. Bổn phận của con cái là tôn kính cha mẹ (lòng hiếu thảo) dựa trên sự biết ơn đối với những người sinh thành, nuôi dưỡng mình nên người. Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn, vâng lời chân thành, phải tuân giữ mọi điều cha mẹ dạy, phải có trách nhiệm đối với cha mẹ…. Lòng hiếu thảo còn thể hiện anh chị em trong gia đình ăn ở chan hòa, khiêm tốn, hiền từ, nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Cho dù là gia đình truyền thống hay hiện đại thì việc xây dựng, gìn giữ giá trị truyền thống cơ bản vẫn là quan trọng, đó là đạo Hiếu (uống nước nhớ nguồn) hay thờ cúng tổ tiên là giá trị văn hóa truyền thống căn bản trong gia đình Việt Nam. Qua kết quả điều tra của Lê Ngọc Văn cho thấy mức độ ưu tiên lựa chọn các giá trị trong đời sống nội tâm của gia đình Việt Nam hiện đại. Tỷ lệ ưu tiên lựa chọn cao nhất thuộc về giá trị “hiếu kính với tổ tiên” (95,2%) so với quan niệm “có con trai nối dõi tông đường” đến nay chỉ còn 25% số người được hỏi ưu tiên lựa chọn. Đạo lý uống nước nhớ nguồn vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp nối trong đời sống gia đình hiện nay(33). Tác giả Minh Ngọc cho biết: “Tại các gia đình đô thị hiện nay, việc thờ cúng tổ tiên cũng có nhiều biến đổi. Yếu tố dòng trưởng, con trai trưởng vẫn được đề cao nhưng không còn là chủ thể duy nhất của thờ cúng tổ tiên. Thờ cúng tổ tiên được thực hiện một cách công bằng đối với các thành viên nam trong gia đình. Người phụ nữ đã thể hiện được vai trò của mình trong thờ cúng tổ tiên, tuy nhiên, về cơ bản phụ nữ chưa trở thành chủ thể của thờ cúng tổ tiên”(34). Việc tôn kính, tưởng nhớ tổ tiên, dòng tộc, biết ơn những người có công – một đạo lý văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, hiện nay cũng được các tôn giáo giáo dục, duy trì và phát huy. Trong Mười điều răn, giới răn thứ tư là thảo kính cha mẹ. Đây là mối giây liên kết gia đình giữa ông bà, cha mẹ và con cháu. Người mẹ gia đình thường là chủ động tỏ lòng biết ơn với các bậc sinh thành còn sống hay đã khuất, bằng quà cáp, thăm viếng hay giỗ kỵ. Vì Cha mẹ là đại diện Thiên Chúa. Các ngài sinh ra con cái, dẫn nhập con cháu vào liên kết gia đình và cộng đoàn. Sau Thiên Chúa các ngài là ân nhân đầu tiên của con cháu. “Giới răn thứ tư liên kết chặt chẽ với giới răn tình yêu. Giây ràng buộc giữa trọng kính và yêu mến rất sâu xa. Trọng kính, ngay tại trung tâm liên hệ đến đức công bình. Còn yêu mến không thể giải thích đầy đủ nếu không qui chiếu về tình yêu. Tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Và ai là người thân cận hơn chính là những phần tử gia đình là ông bà, cha mẹ và con cháu” (Gioan Phaolo II, Tâm thư gửi các gia đình, 15)(35). Lễ Vu lan báo hiếu ngày nay không còn đơn thuần mang ý nghĩa tôn giáo mà trở thành một “lễ hội của nhân dân Việt Nam”(lễ rằm tháng Bảy-xá tội vong nhân) trong việc hiếu kính cha mẹ, thờ phụng tổ tiên ông bà và cầu siêu cho các vong linh. Theo nhà Phật, việc lễ bái, Niệm Phật, cúng dường, bố thí, làm phúc… đều là những việc cần làm để tạo ra công đức để chuyển nghiệp xấu thành nghiệp thiện cho bản thân và gia đình mà trong Kinh Địa Tạng chép: “Nếu một người đã chết mà trên thế gian đã có người làm phước, bố thí, cúng dường thì người chết sẽ được hưởng một phần bẩy (bảy)”(36). Trong mỗi một gia đình Việt Nam hiện nay, hầu hết đều có bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ (trừ các gia đình theo Tin Lành). Theo đó, việc thực hiện các nghi lễ trong tang ma rất được coi trọng và họ luôn mong mọi điều tốt lành sẽ đến với người đã khuất (mồ yên, mả đẹp) cũng như người sống được yên ổn. Tuy nhiên, sự lựa chọn mong muốn đó cũng có sự khác biệt giữa các gia đình đơn tôn giáo và đa tôn giáo. Theo kết quả điều tra khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo(37) cho thấy, việc lựa chọn để an ủi linh hồn người đã khuất là 73.2% đối với gia đình không tôn giáo (tín ngưỡng) cao hơn so với gia đình tôn giáo (Phật giáo, Công giáo…). Trong khi đó lựa chọn để linh hồn người qua đời được lên cõi trên của gia đình tôn giáo là 69.3% cao hơn so với gia đình không tôn giáo(38). Việc giáo dục đạo đức trong gia đình là quan trọng nhất đối với trẻ nhỏ, nhất là việc dạy bảo con cháu thực hiện các nghi lễ tôn giáo thường xuyên mới tạo được nếp sống, từ đó tạo giá trị cơ bản về đạo đức trong văn hóa gia đình, xã hội. Số liệu điều tra cho thấy sự lựa chọn giáo dục về niềm tin đạo đức ở gia đình không tôn giáo là 82,2% và gia đình tôn giáo là 87,7%, cao hơn so với các lựa chọn khác như dạy cách giải quyết một cách ôn hòa hay đấng Thiêng (là đối tượng Thiêng mà các tôn giáo tôn thờ như Đức Phật, Chúa Giêsu hay Thần, Thánh, Ông Trời…)(39) sẽ báo trước… Điều đó sẽ cho thấy việc giáo dục niềm tin đạo đức sẽ dần hình thành các giá trị đạo đức cơ bản của mỗi thành viên trong gia đình. Khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho thấy các gia đình rất chú trọng giáo dục con cháu về tôn giáo của gia đình cho chỉ số với 63,5% là gia đình không tôn giáo; với 86,5% là gia đình Phật giáo; với 95,8% là gia đình Công giáo(40). Nếu xét về đạo đức các tôn giáo ta có thể khẳng định: hầu như tôn giáo nào cũng đề cập, hướng con người tới khát vọng hạnh phúc, dù rằng cái hạnh phúc đó theo quan niệm của các tôn giáo có khác nhau và khác với quan niệm mác xít. Tôn giáo có vai trò trong việc giữ gìn, lưu truyền và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống Việt Nam, bởi tôn giáo nào cũng đều khuyên răn con người hướng thiện, hướng đến cái tốt đẹp, hướng đến đạo lý làm người, có trách nhiệm với bản thân và gia đình, biết sống vì cộng đồng. Các hoạt động hướng đích xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo của các tổ chức tôn giáo góp phần an sinh xã hội, giúp cho xã hội ổn định hơn, phát triển hơn. Các tôn giáo ngày nay đã trở thành một nguồn lực xã hội không thể thiếu, thu hút được đông đảo người dân tham gia, tạo ra một không gian tâm linh, góp phần xây dựng bầu không khí đạo đức, chung tay cùng nhà nước tham gia vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, từ thiện nhân đạo, góp phần xoa dịu những nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần. Có thể thấy, việc các tổ chức tôn giáo tham gia vào quá trình xã hội hóa trong đời sống cộng đồng đã đạt được một số thành tựu cơ bản, bước đầu khẳng định được tầm quan trọng của mình trong đời sống xã hội. Thông qua các hoạt động từ thiện xã hội, lĩnh vực y tế, giáo dục cũng là một cách thể hiện đạo đức con người tôn giáo, phát huy tinh thần sống “tốt đời, đẹp đạo” và truyền thống đoàn kết, nhân ái của dân tộc Việt Nam, những năm qua, các hoạt động từ thiện nhân đạo ngày càng được các tôn giáo chú trọng và dần trở thành một phong trào mang tính xã hội rộng lớn. Hoạt động từ thiện nhân đạo của các tôn giáo đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần chăm lo các hộ nghèo, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Các cơ sở chữa bệnh quy mô nhỏ của các tôn giáo đã và đang góp phần làm dịu đi những nỗi đau cho người bệnh. Đặc biệt, với Công giáo là các nữ tu luôn âm thầm phục vụ nơi bệnh viện – đã góp phần đỡ nâng người bệnh phần hồn lẫn phần xác, để họ cảm thấy cuộc sống vẫn được sẻ chia khi bản thân ốm đau bệnh tật tại các trại phong như: Trại phong Di Linh ở Lâm Đồng; trại phong Bến Sắn ở Tp.Hồ Chí Minh, trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An, trại phong Qủa Cảm ở Bắc Ninh. Những hoạt động hướng đích xã hội của Công giáo có ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân được thể hiện trên nhiều khía cạnh như văn hóa, xã hội, kinh tế, môi trường và an ninh – quốc phòng. Đặc biệt, công tác y tế, giáo dục của Công giáo đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận trong thời gian qua. Công giáo là một tôn giáo có tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, với tính kỷ luật cao, mọi quy định, quy phạm, những lời răn dạy, cấm đoán ngoài những qui định thưởng phạt về vật chất còn được điều chế bởi một đức tin. Điều này cũng cho biết được phần nào giải thích về thực tế rằng ở những vùng có đông đồng bào theo tôn giáo, nhất là Công giáo thì các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, đánh chửi nhau… giảm so với các vùng khác. Trong những hoạt động nói trên đều có vai trò của Ban Hành giáo các giáo xứ luôn phối hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương thực hiện có hiệu quả. Qua gặp gỡ, thăm hỏi, chúc mừng các ngày lễ trọng, các sự kiện lớn của đất nước, chính quyền và chức sắc tôn giáo trao đổi những vấn đề có liên quan đến an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, phòng ngừa tệ nạn xã hội. Như vậy, có thể thấy người Công giáo ngày càng tích cực tham gia công tác xã hội, thực thi theo lời Thánh Paul dạy “Hãy làm tất cả những gì mà anh em có thể làm được để sống hòa thuận với mọi người”, vấn đề nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về vai trò, nghĩa vụ trách nhiệm của mình trong sự nghiệp đổi mới của quê hương. Tin rằng, với sự nâng cao về nhận thức cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp uỷ đảng, chính quyền, đồng bào Công giáo trong cả nước tiếp tục nêu cao tinh thần yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo và phúc âm giữa lòng dân tộc. Với Phật giáo, hoạt động: “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội” trên cơ sở những triết lý cơ bản trong đó Tứ vô lượng tâm và Hạnh Bố thí đã luôn “hướng về đời sống xã hội, làm cho ý nghĩa đích thực của đạo Phật được thể hiện trong những công trình xây dựng quốc độ, mang lại hạnh phúc trong đời sống con người về vật chất lẫn tinh thần…”(41). Các tôn giáo nội sinh với phương châm “học Phật- Tu thân”, tại gia cư sĩ đã thể hiện lòng nhân ái, tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên, đã luôn đồng hành cùng dân tộc trọng mọi cuộc chiến với các vấn đề xã hội như nạn dịch Covid, thảm hỏa thiên tai, xóa đói giảm nghèo, bệnh tật ốm đau, Đặc biệt với Hòa Hảo là xe cứu thương, với đạo Cao Đài là cứu trợ, chữa bệnh, hay Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam tiêu biểu là các phòng thuốc nam cứu người… Với tinh thần từ bi, bác ái, cứu khổ của các tôn giáo đã thể hiện truyền thống văn hóa thương yêu, đùm bọc, đoàn kết, nhân ái của người việt Nam trong lịch sử cũng như hiện tại. 3. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt NamBảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện trên hai khía cạnh: giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể. Việc các tôn giáo góp phần bảo tồn văn hóa phi vật thể được thể hiện trên nền tảng các tư tưởng, giáo lý, giáo luật thể hiện trên tinh thần đoàn kết, yêu nước, thương dân, đạo lý làm người, từ bi, bác ái…thông qua tư tưởng “Tứ vô lượng tâm – Từ, Bi, Hỷ, Xả”, hay cứu khổ, cứu nạn của Phật giáo, “Kính Chúa, Yêu Người” của Công giáo và “Học Phật – tu thân” của tôn giáo nội sinh, luôn được gìn giữ, phát huy thông qua sự giáo dục, rèn rũa trong mỗi gia đình, cộng đồng người Việt Nam. Có thể thấy, tôn giáo nào cũng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể qua hệ thống cơ sở thờ tự với nhiều lối kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc của Việt Nam. Bên cạnh đó, các tôn giáo còn là“cầu nối” mang văn hóa tiên tiến bên ngoài vào trong nền văn hóa Việt Nam,bồi đắp thêm các giá trị cho nền văn hóa, tạo ra các giá trị di sản văn hóa mang sắc thái Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Với Công giáo là hệ thống nhà thờ với các kiểu kiến trúc Âu – Á, hay góp phần thúc đẩy phát triển ngôn ngữ tiếng Việt… Với Phật giáo là những tác phẩm văn học Thiền phái có giá trị và có sự ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội và được nhiều nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Văn học thuộc Phật giáo Trúc Lâm mang đậm âm hưởng Thiền sâu sắc, hòa với dòng văn học nhân đạo và yêu nước Việt Nam, mang tư tưởng nhân văn hướng thiện của Phật giáo. Một trong những di sản đáng chú ý đó là di sản mộc bản được khắc bằng chữ Hán-Nôm. Trong quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế, chữ Nôm thể hiện tính lịch sử văn hóa truyền thống Việt Nam đã mang ý nghĩa quốc tế – font chữ Nôm trên mã Unicode được Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm lấy mẫu từ sách “Thiền tông bản hạnh” là một phần của sưu tập Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (The Vietnamese Nôm Preservation Foundation, USA) lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode (kí hiệu NomNaTongLight.ttf ) cài đặt trên máy vi tính được phổ biến trên toàn thế giới, cho nên bất cứ ai học tập, nghiên cứu chữ Nôm Việt Nam trên toàn thế giới đều được tiếp cận và sử dụng để tìm hiểu giá trị đặc sắc, phong phú của nền văn hóa Việt Nam trong quá khứ. Bên cạnh đó là nghệ thuật thư pháp cũng được thể hiện trên mộc bản tại một số chùa như chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà qua bàn tay các nghệ nhân khắc bằng chữ Hán và chữ Nôm với nhiều kiểu chữ khác nhau như chân thư, thảo thư, lệ thư, hành thư…, đây là giá trị nghệ thuật truyền thống của Việtn Nam. Việc các tôn giáo góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thồng của dân tộc Việt Nam được thể hiện trên nhiều mặt, từ việc gìn giữ, lưu truyền đến phát huy các giá trị đó đều được các tôn giáo thể hiện ngay trong các hoạt động tôn giáo của mình. Tuân thủ Pháp luật, sống theo chủ trương hành đạo của tôn giáo mình, các tôn giáo ở Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết trên cơ sở cố kết cộng đồng, bởi mỗi một thực thể tôn giáo đều có những cộng đồng theo cùng niềm tin tôn giáo. Vai trò của tôn giáo trong cố kết cộng đồng (cộng đồng được hiểu là Nhà- làng-nước). Từ việc đoàn kết, yêu nước, diệt hết quân thù, đến cộng đồng làng với mái chùa, nhà thờ… tại mỗi làng quê. Tính cố kết cộng đồng mà các tôn giáo đã thể hiện trong các hoạt động của từng tôn giáo (hoạt động thuần túy tôn giáo và hoạt động hướng đến xã hội): Đó là các hoạt động thực hành các nghi lễ tôn giáo, họat động truyền giáo với những giáo lý, giáo luật có nhiều điểm phù hợp với văn hóa, đạo đức Việt Nam (Ngày lễ Vu Lan của Phật giáo đã trở thành dịp để thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Công giáo và Tin lành cũng khuyên dạy tín đồ của mình hiếu kính với cha mẹ. Phật giáo Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa xem ân cha mẹ, tổ tiên là một trong bốn tứ ân mà mỗi người phải báo đáp…v.v. Các tôn giáo cũng góp phần vào phát huy tinh thần công bằng, bình đẳng trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam hiện nay.). Đó là các hoạt động từ thiện xã hội thể hiện tinh thần từ bi, công bằng, bác ái với cộng đồng xã hội. Khi các tôn giáo nỗ lực tạo ra sự gắn kết các cộng đồng các tín đồ của mình, đó chính là các tôn giáo đang đóng góp cho việc tạo nên sự đoàn kết tôn giáo, dân tộc trong cộng đồng xã hội rộng lớn hơn. 4. Một vài nhận xétQua phân tích trên có thể thấy, rõ ràng giá trị luân lý và đạo đức của tôn giáo đã xuất hiện trong các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là những giá trị chuẩn mực thể hiện trong các phong tục, tập quán gia đình, trong đời sống, sinh hoạt văn hoá vật chất và tinh thần của các thành viên trong gia đình thông qua các hoạt động cụ thể trong cuộc sống như ăn, mặc, đi lại, nói năng, sinh đẻ, chăm sóc trẻ em, người già, thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo, cách thờ cúng tổ tiên, các vị thần linh… thể hiện rõ đạo lý làm người của một thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xã, quốc gia với những ứng xử có tính nhân văn, tình người với môi trường xung quanh. Việc giáo lý, giáo luật và các hoạt động tôn giáo có tác động đến việc dạy dỗ, giáo dục con cái và tạo dựng giá trị văn hóa Việt Nam hiện nay được thể hiện rõ ràng qua việc giáo dục niềm tin đạo đức tôn giáo từ gia đình ra xã hội. Thông qua việc thực hành các hoạt động tôn giáo tại gia đình và tại cộng đồng cùng nhau, tạo sự gắn kết các thành viên trong gia đình, làm gương cho con cháu nói theo, nhất là con trẻ – thế hệ tương lai của đất nước. Đạo đức tôn giáo đã được Nghị quyết Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác tôn giáo xác định rằng đạo đức của tôn giáo có nhiều điều phù hợp đạo đức xã hội, xã hội chủ nghĩa. Và gần đây nhất, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 11, 12, 13. đã chỉ rõ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Đặc biệt, từ Chỉ thị số 18-CT/TW (2018) của Bộ Chính trị khóa XII, đã bổ sung thuật ngữ “các nguồn lực của các tôn giáo” và đặt mục tiêu trong công tác tôn giáo là đoàn kết tôn giáo trong mục tiêu chung đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh đó cần kế thừa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Để phát huy có hiệu quả các nguồn lực của các tôn giáo, chúng ta phải có sự đánh giá khách quan những tác động của tôn giáo đối với xã hội (cả tích cực và tiêu cực) trong thời gian qua. Cần sơ kết, tổng kết quá trình thực hiện Luật tín ngưỡng, tôn giáo để sửa đổi, bổ sung phù hợp; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số luật chuyên ngành có liên quan đến tôn giáo, nhất là những nội dung còn vướng, còn thiếu hoặc bất cập, vênh nhau nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất… Cần có cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, kịp thời và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo tham gia vào công tác xã hội, góp phần phát huy nguồn lực của tôn giáo mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc(42). Hiện nay, dưới tác động của kinh tế thị trường nhiều giá trị đạo đức truyền thống cũng như văn hoá gia đình đã có nhiều biến đổi phức tạp. Cuộc sống ngày càng bị lôi cuốn vào kinh tế với mong muốn có chất lượng sống tốt hơn nên đã vô tình đẩy các thành viên trong gia đình cũng bị vào vòng xoáy. Cũng từ đó mà việc giáo dục đạo đức truyền thống bị coi nhẹ, ý thức trách nhiệm giảm đi, lối sống buông thả đã bắt đầu nhe nhóm từ đó việc quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình đã nguộn dần dẫn đến tính cố kết trong gia đình, dòng họ lỏng lẻo. Do vậy, việc phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị các cấp, nhất là MTTQVN. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam có ảnh hưởng sâu sắc trong sự hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Đây là một trong những nhiệm vụ cần quyết tâm cao với những giải pháp đồng bộ, trách nhiệm của mỗi cấp, ngành liên quan, nhất là công tác tôn giáo, coi là nhiệm vụ chính trị trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác văn hóa, tôn giáo.
PGS.TS. Chu Văn Tuấn *** CHÚ THÍCH: TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |