Chi tiết tin tức Tâm lý trị liệu góp phần thành tựu những mục tiêu của Phật giáo 20:37:00 - 07/12/2015
(PGNĐ) - Các mục tiêu Phật giáo mà tôi chú trọng là các mục tiêu được bày tỏ trong giáo lý Tứ Thánh đế. Truyền thống cho rằng đây là nội dung chính trong bài Pháp đầu tiên của Đức Phật.
Trong khi đó, các bộ phái Phật giáo có thể thay đổi cách tiếp cận của họ đối với các khả năng giác ngộ (có hay không sự giác ngộ sẽ đạt được một cách nhanh chóng, bằng khả năng đốn ngộ, tiệm ngộ, hay bằng niềm tin), họ đều tán thành quan điểm cho rằng cốt lõi của Đạo Phật là sự quan tâm đến bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, và sự thực hành để đưa đến giải thoát khỏi khổ.
Giới thiệu Từ khoảng 100 năm trước đây, khi các phương pháp khoa học phương Tây ứng dụng vào bản thể vô tri giác và tạo ra những thành tựu đáng kinh ngạc, đã bắt đầu áp dụng vào lĩnh vực nghiên cứu các hành vi con người. Sự quan tâm sâu sắc và nghiêm túc vào chức năng hoạt động của con người này đã mang lại nhiều thành tựu đáng kể trong việc giảm trừ khổ đau và nâng cao hạnh phúc cho con người. Chính vì những kết quả đó có liên hệ trực tiếp đến các mục tiêu của Phật giáo, người Phật tử có thể tìm thấy nhiều giá trị nhằm xem lại các phương pháp cụ thể đã áp dụng để đạt được những thành tựu như thế. Trước hết, cần mô tả những đặc điểm giống nhau giữa Tâm lý học phương Tây và Phật giáo. Ở nơi khác, tôi cho rằng cả hai đều có nhiều khía cạnh đan xen nhau. Sau đây là những điểm tóm lược. Người Phật tử và nhà tâm lý học phương Tây đều: 1. Quan tâm đến việc làm vơi đi nỗi đau tinh thần, sự rối loạn, phiền muộn, hay nói vắn tắt là khổ đau. 2. Nhân văn và tự nhiên, trong đó họ đều chú trọng đến tình trạng của con người và lý giải nó theo những điều kiện tự nhiên. Cũng như Đức Phật mô tả về bản chất con người bao gồm chủ yếu là các uẩn, các nhà tâm lý học phương Tây cũng đề cập đến các tiến trình của tâm lý. Các khái niệm như “linh hồn” hay “tác động thần linh” đều không được xem xét. 3. Xem con người như bị trói vào trong một cái khung quan hệ nhân quả, trong một ma trận của nhiều tác nhân. Biểu hiện của các tác nhân này là những thói quen về suy nghĩ, các tham ái hay những động cơ thúc đẩy, được tạo ra bởi cả hai mặt sinh học và niềm tin trong chúng ta. 4. Giảng dạy tính chất thực của lòng từ, sự quan tâm, cách ứng xử tích cực vô điều kiện đối với người khác. 5. Cùng chia sẻ lý tưởng về sự chín chắn và tiến bộ. Điều này được giải thích bởi cả Đông và Tây như là sự tỉnh giác hơn, ít tham muốn, ít bị kích động, giảm thiểu tính bốc đồng, cân bằng hơn giữa các trạng thái thiếu hụt và mất mát. 6. Công nhận rằng, tâm thực hiện chức năng ở cả hai cấp độ bề mặt và sâu hơn. Một bộ phận [sâu hơn] trong chúng ta có thể giám sát việc thực hiện chức năng của tâm, khởi lên chánh niệm và nhận thức tổng hợp. Sự quan sát sâu hơn này cho phép giám sát và thay đổi tư tưởng và các trạng thái xúc cảm của chúng ta. Các nhà nghiên cứu phương Tây đã thoải mái sát nhập các kỹ thuật phương Đông vào các chương trình nghiên cứu của họ. Nhiều công trình đã được hoan nghênh và công bố rộng rãi. Các công trình này bao gồm công trình nghiên cứu của Benson (1975, 1987) về lợi ích thể chất và tâm lý, của Csikszentmihalyi (1990) trong nghiên cứu sáng tạo, và của Levine (1994) trong nghiên cứu phân tích về cách thức giải quyết vấn đề. Cũng vậy, các nhà nghiên cứu phương Tây hiện đang nghiên cứu về chức năng sinh lý trong các trạng thái thiền định (Davidson 2002; O’Connell and Alexander 1994). Ngoài ra, cũng như nhiều nghiên cứu khác đã kiểm chứng, các nhà tâm lý trị liệu đã bắt đầu tính tới việc gộp thiền định, thực tập chánh niệm, và thực hành yoga vào việc chữa trị cho các thân chủ của họ. Bài nghiên cứu này khác với các nghiên cứu khác vì gắn kết Phật giáo với Tâm lý học phương Tây. Trong khi đó, các nghiên cứu khác miêu tả mối quan hệ theo một hướng duy nhất, đó là khuynh hướng đi từ Phật giáo đến tâm lý liệu pháp. Các nghiên cứu đó mô tả những cách thức mà các tiếp cận của Phật giáo có thể bổ sung cho các phương pháp tâm lý trị liệu phương Tây. Trong bài này, tôi đi theo hướng ngược lại, tức là mô tả những phương pháp khác nhau trong Tâm lý học phương Tây có thể hữu ích nhằm đạt được những mục tiêu của Phật giáo. Trước hết, tôi sẽ nói hiểu biết của mình về các mục tiêu này. Các mục tiêu Phật giáo mà tôi chú trọng là các mục tiêu được bày tỏ trong giáo lý Tứ Thánh đế. Truyền thống cho rằng đây là nội dung chính trong bài Pháp đầu tiên của Đức Phật. Trong khi đó, các bộ phái Phật giáo có thể thay đổi cách tiếp cận của họ đối với các khả năng giác ngộ (có hay không sự giác ngộ sẽ đạt được một cách nhanh chóng, bằng khả năng đốn ngộ, tiệm ngộ, hay bằng niềm tin), họ đều tán thành quan điểm cho rằng cốt lõi của Đạo Phật là sự quan tâm đến bản chất của khổ, nguyên nhân của khổ, và sự thực hành để đưa đến giải thoát khỏi khổ. Khi thảo luận về các mục tiêu của Phật giáo, tôi sẽ cố gắng duy trì khoảng cách gần gũi với nội dung của Tứ Thánh Đế, đặc biệt là ý nghĩa “tiệm ngộ” vốn có mặt trong Bát Thánh đạo thuộc chân lý thứ tư. Như vậy, mục tiêu rốt ráo là giải thoát khỏi khổ. Trạng thái cuối cùng này, tất nhiên, chứa đựng các mục tiêu sơ khởi. Mục tiêu chính yếu và sơ khởi này là sự tự chuyển hóa, nhiếp phục các tham ái, sân hận, sợ hãi, thành kiến. Tóm lại là loại bỏ tất cả các nguồn gốc của phiền não. Để đạt được những mục tiêu thứ cấp của sự chuyển hóa này, chúng ta cần phải thỏa mãn thêm hai điều trước mắt: 1. Thiết lập thuận lợi cho ý thức: Phải nhìn thấy mục tiêu thứ yếu này trong bài kinh Niệm xứ (Satipaṭṭhāna Sutta), là nhấn mạnh sự quán sát về thân (Kāyānupassanā), về các cảm thọ (Vedanānupassanā), về các tưởng (Cittānupassanā), và thiền định về các khổ để an trú trên Tứ Thánh Đế (Dhammānupassanā). Những thực hành này hướng môn đồ đến cái nhận thức về bản chất của chính mình, về bản chất của chúng sanh, và đến tình trạng của con người. Nhận thức đó được hỗ trợ bởi một ý nghĩa lớn hơn là lòng từ (karuṇā). 2. Giảm thiểu các tham ái: Mục tiêu này được mô tả như là sự dập tắt các tham ái (Taṇhākhaya) được thể hiện trong Thánh đế thứ ba. Phải tu tập để giảm thiểu sự sân hận của chính mình, sự sợ hãi, sự kích động, những tham muốn, để làm sao cho chúng không còn chiếm cứ cái kinh nghiệm và hành vi của chúng ta. Phải tìm kiếm để đạt được một trạng thái trọn vẹn về đức tính của nhẫn và của xả. Các thực hành về Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh niệm, và Chánh định - thật chất là Bát Thánh đạo nói chung - đều nhằm phục vụ hai mục tiêu này. Tâm lý học hiện đại cũng chứa đựng những mục tiêu như thế, mặc dù nó có một hình thức khiêm tốn hơn nhưng vẫn bao hàm hai mục tiêu này. Nó tìm kiếm để giúp con người trở nên vừa có chánh niệm hơn lại vừa ít ham muốn và ít bị kích động hơn. Mục đích của tôi ở đây là mô tả một số các phương pháp sử dụng để đạt được hai mục tiêu chung này. Vì mỗi mục tiêu đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau, thế nên mỗi mục tiêu sẽ được xem xét theo một cách thức riêng lẻ. Thiết lập thuận lợi cho ý thức Liệu pháp nội thị Một kỹ thuật thông dụng nhất được đề cập ở đây đó là liệu pháp nội thị (insight therapy), hay nói theo cách thông thường là việc chữa trị bằng cách nói chuyện. Nó liên quan đến hai người, thân chủ và nhà trị liệu. Theo truyền thống phương Đông, nhà trị liệu giống với một vị thầy (guru) hay một vị thầy tu thâm niên. Cũng như những nhà hiền triết đó, nhà trị liệu luôn khéo giữ chánh niệm và khéo theo đuổi cách thức tự chuyển hóa. Thân chủ và nhà trị liệu thường đáp ứng các buổi làm việc với nhau một giờ một lần hoặc hai lần trong một tuần. Cách đơn giản nhất về mặt truyền thống gọi là liệu pháp không hướng dẫn (non-directive therapy). Người thân chủ chỉ làm công việc tự làm giảm nhẹ bản thân; còn nhà trị liệu chỉ giải thích hay can thiệp theo một cách thức tối thiểu. Trong suốt buổi trị liệu, thân chủ tự do bày tỏ bất kỳ ý kiến, suy nghĩ hay cảm xúc gì họ muốn, dù đó là thô, xấu hổ, hay thù ghét. Nhà trị liệu không phán xét, đánh giá. Ngay cả khi thân chủ có các ứng xử thô lỗ hay xúc phạm nhà trị liệu thì cũng phù hợp để lắng nghe một cách kiên nhẫn đối với những bộc lộ đó, và khuyến khích họ tìm hiểu nguyên nhân của những hành vi thù ghét đó. Như nhiều nghiên cứu cho thấy, sự tự do bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc hướng thân chủ đến việc nhận biết nhiều hơn về những tham muốn, các giá trị, và các nhu cầu sâu thẳm nhất của họ. Nó phục vụ như một loại thực tập chánh niệm ngoại hiện (externalized mindfulness practice). Phương pháp này, cách thức thân chủ nói chuyện một cách cởi mở mà không sợ bị phê phán hay chỉ trích, đã bắt đầu được áp dụng như một loại kỹ thuật trị liệu từ cách đây khoảng 100 năm. Tuy nhiên, phương pháp và lợi ích của nó lại được mô tả sớm hơn và lần đầu bởi Nathanial Hawthorne (1850). Tóm lại, tiền đề của phương pháp này là bằng cách tự thăm dò và bộc lộ trong sự hiện diện của một cá nhân đồng cảm, không phán xét, và có thẩm quyền, thì thân chủ sẽ mở rộng thêm sự tự hiểu biết của mình. Bằng việc cảm nhận những tham ái, sợ hãi, và sân hận vi tế nhất, thân chủ sẽ đưa những “điều bí ẩn này ra ánh sáng”. Tầm quan trọng của tiến trình này dễ dàng được nhận ra trong một cuộc hội thoại mà tôi đã trải nghiệm về sự tức giận với một nhà phân tích tâm lý. Tôi đã mô tả quan điểm của Phật giáo rằng tức giận là nguồn gốc của khổ mà ta rõ ràng có thể sửa chữa được, và chúng ta có thể tự tin nỗ lực để giảm trừ sự tức giận trong tất cả các hình thái của nó. Cô ấy đã nhận xét “Ông biết đấy, tôi không thể sử dụng bất cứ điều gì trong đây với hầu hết các thân chủ của tôi. Vấn đề của họ là hãy biết cách cảm nhận sự tức giận của họ, để chấp nhận nó, và gắn nhãn cho nó.” Nói cách khác, cô ấy nói rằng các thân chủ trước hết phải tự ý thức về những sân hận và thù ghét của họ. Thủ tục tự thăm dò diễn ra trong tâm lý trị liệu chỉ thỏa mãn như thế. Liệu pháp nhận thức Trong những năm gần đây, liệu pháp nội thị như vừa được mô tả đã được sửa đổi bởi các nhà tâm lý trị liệu để tính đến các liệu pháp can thiệp trực tiếp hơn nữa. Nhiều nhà tâm lý, những người tự mô tả chính mình là những nhà liệu pháp nhận thức, nhấn mạnh rằng khổ đau của các thân chủ thường được tạo ra bởi những thói quen vi tế về thái độ và suy nghĩ khác nhau. Nhà trị liệu sẽ giúp họ ý thức về và thay đổi những thói quen suy nghĩ đó. Sau đây là hai ví dụ: 1- Albert Ellis (Ellis 1973; Ellis and Harper 1977) đã đề xuất rằng mọi người có thể có các thái độ lạ lùng mà không có nhận thức gì đến nó chỉ như là thật kỳ lạ làm sao và do đâu mà khổ đau này tạo ra. Thông thường trong các thái độ này sẽ là: “Tôi phải hoàn hảo.” “Tôi phải được mọi người tán thành.” “Tôi phải thành công trong mọi thứ tôi làm.” Dĩ nhiên, mọi người sẽ không ý thức rằng họ chấp chặt những quan điểm này. Tuy nhiên, các thân chủ sẽ tự bộc lộ trong lời nói và cử chỉ của họ. Trong quá trình diễn đạt nỗi khổ của họ cho nhà trị liệu, các thân chủ có thể nói ra những điều như là: “Tôi phải đạt loại ‘A’ trong các khóa học của tôi. Sẽ là tồi tệ nếu tôi không đậu vào trường y.” “Thật kinh khủng làm sao khi mà người bạn cùng phòng của tôi cứ làm ra vẻ ta đây và hành động trịch thượng đối với tôi. Tôi không thể chịu đựng được.” “Tôi đã không nên làm cha mẹ thất vọng. Tôi không thể gặp họ bây giờ.” Những thái độ này được bộc lộ từ những phát biểu như thế sẽ có hai mặt. Đầu tiên, chúng tiết lộ cho thấy cái taṇhā, là cái khát ái tức thì, vì sự thất vọng của họ đang gây ra đau khổ. Vì vậy, ví dụ đầu tiên chỉ ra cái tham ái có cường độ cao đối với cái thang điểm và sự thành công; các ví dụ tiếp theo cho thấy cái nhu cầu về cái tôi cấp bách đang bị hụt hẫng (tức là, thân chủ cảm thấy đau khổ khi những người khác - người cùng phòng, cha mẹ - làm cho họ cảm thấy thấp hơn). Ngoài ra, những phát biểu kiểu này biểu hiện một phản ứng quá khổ sở. Những thất bại hay lời lăng mạ không chỉ đơn thuần làm khó chịu hay thậm chí gây bực bội, mà còn là “khủng khiếp,” “kinh khủng”, “không thể chấp nhận.” Ellis tóm tắt loại phản ứng này bằng một từ ngữ. Ông lưu ý các thân chủ là, đang tạo ra thảm họa. Bất kỳ một sự thất bại hay chán nản nào, dù cho nhỏ nhặt đến mấy, mà là “kinh khủng,” cũng là một “thảm họa.” Trong suốt quá trình tự thăm dò đó, nếu thân chủ biểu hiện bất kỳ quan điểm này, Ellis kêu gọi sự chú tâm của họ. Sau đó, ông kêu gọi thân chủ hãy đặt câu hỏi cho tính giá trị của nó. Một sinh viên đại học năm nhất, trong một buổi tư vấn bày tỏ nỗi đau khổ đối với thang điểm ‘C’ trong một vài khóa học của mình. Điều đó là “khủng khiếp.” Anh ta không thể tự mình nói cho cha mẹ biết, và anh ta sẽ bị xấu hổ khi bạn bè biết được. Nhà trị liệu sẽ tìm hiểu xem tại sao anh ta lại thấy nó quá khủng khiếp như thế. “Ok, bạn đang nhận thang điểm ‘C’ trong một khóa học. Vậy thì điều gì khiến mọi người phải thất vọng? Tại sao lại quá “khủng khiếp” đến thế? Bằng cách này, nhà trị liệu sẽ giúp cho thân chủ điều chỉnh lại quan điểm nhìn nhận của mình về cái cảm tưởng dường như là nỗi kinh hoàng của những người đang tạo ra sự thất vọng đó; nỗi thất vọng tưởng tượng này trở nên ít chấn động hơn, ít hơn là một cội nguồn của khổ. Với đủ các ví dụ như thế, thân chủ bắt đầu nhận ra cái mô hình đang gây ra thảm họa trong suy nghĩ của mình. Nhận thức này, lần hồi, cho phép thân chủ trở nên có ý thức hơn về những nhu cầu quá mạnh mẽ đã ăn sâu vào tâm khảm này, sự thất vọng đang gây cho họ quá nhiều đau khổ. Giờ đây họ đã có thể bắt đầu công việc làm giảm nhẹ những nhu cầu này. 2- Martin Seligman (1991) cũng vậy, chứng minh cái cách mà các thói quen về suy nghĩ có thể góp phần tạo ra đau khổ. Ông mô tả cái thái độ bi quan, nơi mà người bi quan thường phản ứng lại những thất bại bằng cách suy nghĩ theo những tính cách khái quát hóa sâu rộng (“Điều này luôn luôn xảy ra với tôi”; “Tôi chưa bao giờ có bất kỳ may mắn nào”; “Tôi không tốt về bất cứ điều gì”; “Chẳng có gì giúp được cả”). Seligman phân tích những suy nghĩ tiêu cực này thành ba loại: vĩnh cữu (“Tôi sẽ chẳng bao giờ thành công với bất cứ điều gì”), phổ biến (“Mọi thứ luôn sai lạc”), và bản cáo trạng cá nhân (“Tôi là một người mẹ tệ hại”). Seligman diễn tả loại suy nghĩ ngược lại như là tính lạc quan (optimism). Người suy nghĩ lạc quan tập trung vào các tình huống cụ thể, nhìn thấy nó như là một vấn đề cần được giải quyết, và nhận thức ra những đóng góp bên ngoài đối với sự việc này. Ví dụ, hãy xem xét một sinh viên năm hai đại học nhận kết quả thất bại đầu tiên của mình trong một kỳ thi. Phản ứng bi quan là: “Tôi không thể làm được công việc này” (vĩnh cửu); “Tôi luôn luôn làm một công việc khủng khiếp” (phổ biến); “Tôi không đủ tốt để theo học trường này” (cá nhân). Ngược lại, phản ứng tích cực là: “Đây là lần đầu tiên tôi thất bại trong một kỳ thi” (giới hạn về thời gian); “Tôi sẽ nói chuyện với giáo sư để tìm hiểu xem những gì tôi có thể làm để cải thiện nó” (tập trung, giải pháp định hướng); “Tôi không nên để Bill lôi kéo tôi khỏi buổi học tối qua” (xem xét bề ngoài). Seligman đã chứng minh rằng những người suy nghĩ bi quan có xu hướng ít thành công trong sự nghiệp, và có sức khỏe thể chất kém hơn. Họ cũng có nhiều khả năng bị trầm cảm. Điều trị chứng trầm cảm của anh ta bắt đầu bằng cách giúp thân chủ trở nên có ý thức hơn về cái cách suy nghĩ tiêu cực. Chỉ bằng cách nhận thức đúng mới có thể khiến thân chủ bắt đầu công việc thay đổi từ các thói quen suy nghĩ sai đến thói quen suy nghĩ đúng. Như vậy, các nhà trị liệu nhận thức mô tả thói quen suy nghĩ làm nguyên nhân gây ra đau khổ. Nhà trị liệu bổ sung thêm truyền thống tự thăm dò của thân chủ bằng cách làm cho họ nhận thức về những thói quen cụ thể. Các thân chủ sau đó được hướng dẫn tới một mô hình suy nghĩ ít gây rắc rối và đúng đắn hơn. Trong ý nghĩa này, các nhà tâm lý trị liệu phải làm việc nhiều hơn là giúp thân chủ trở nên có ý thức. Họ cũng giúp thay đổi cách suy nghĩ của họ. Họ giúp thân chủ đi từ lối suy nghĩ sai đến những gì có thể được mô tả như là một hình thức của Chánh tư duy. Giảm thiểu tham ái và đối phó với những nỗi sợ hãi quá mức Trong nửa cuối thế kỷ XX nổi lên một phong trào gọi là liệu pháp hành vi (behavior therapy) (Spiegler và Guevremont 1993). Thay vì nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức chung, nhà trị liệu tiếp xúc với hình thái khổ đau cụ thể của thân chủ. Một thành tựu rõ ràng trước đây với cách tiếp cận này là làm giảm những nỗi sợ hãi. Một thân chủ có thể cho biết rằng, ông ta có một nỗi sợ hãi cụ thể, một nỗi ám ảnh, can thiệp vào cuộc sống của ông. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi này có thể là, sợ mèo, sợ nói trước công chúng, hay sợ đi máy bay. Nhà trị liệu làm việc với thân chủ này để dần dần làm giảm bớt, hay thậm chí loại bỏ sợ hãi của họ. Phương pháp áp dụng này được gọi là sự mất cảm thụ hệ thống (systematic desensitization). Đối tượng của sự sợ hãi hay hành động gây sợ hãi trước tiên được khơi ra một cách an toàn, ở một khoảng cách an toàn, để rồi dần dần làm cho nó càng lúc càng trực tiếp hơn. Hãy xem một ví dụ về một nữ thân chủ có nỗi ám ảnh về mèo. Cô ấy sẽ trở nên hoảng sợ nếu ở một mình trong căn phòng có một con mèo, và sẽ cố gắng để trốn nó hoặc là di chuyển một cách khó khăn ra khỏi con vật. Bởi vì con mèo thì chẳng có gì đặc biệt, nhưng cô ấy lại phải thường xuyên lo sợ. Ban đầu, nhà trị liệu mang đến một con mèo và đặt nó ở một khoảng cách mà thân chủ có thể đủ chịu được sự hiện diện của nó. Ông ta cũng có thể đeo cho con mèo một sợi dây. Nếu như thân chủ còn cảm thấy bất an, thì ông ta sẽ đặt con vật, cột nó lại, trong một căn phòng kế bên với cánh cửa mở ra, ở một khoảng cách mà thân chủ có thể chấp nhận được, mặc dù cô ta vẫn có thể cảm thấy không dễ chịu lắm. Trong trường hợp này, cô ta được hướng dẫn các phương pháp thả lỏng, luyện tập các phương pháp này cho đến khi cô cảm thấy thoải mái với con mèo ở khoảng cách này. Phần tiếp theo là con mèo này có thể được đem lại gần hơn một chút, rồi lại tiếp tục cho đến một điểm nơi thân chủ cho biết là không còn cảm thấy thoải mái. Lại nữa, các phương pháp thả lỏng được thực hành. Bằng cách này, trong một vài tuần làm việc, đối tượng gây sợ được đưa lại càng lúc càng gần hơn. Thân chủ dần dần học cách tự thư giãn trong sự hiện diện của con vật đó. Một đồng nghiệp của tôi một lần dẫn ra một trường hợp như thế khi ông kết thúc bằng việc mời một thân chủ của mình đi ra trước khán giả. Trên tay cô ta ôm và vuốt ve một con mèo! Hướng dẫn về con đường trung đạo giữa sợ hãi và tức giận Thành công với những nỗi ám ảnh đưa những nhà tư vấn tiếp tục làm việc với những nỗi sợ hãi khác. Đây là những điều nhìn chung là khá phổ biến và nhẹ nhàng hơn là những nỗi ám ảnh. Những người thường xuyên cho biết về cảm giác bị đe dọa bởi những khía cạnh bình thường của cuộc sống. Ví dụ, một sinh viên quá lo lắng khi phải nói chuyện với giáo sư của mình để thảo luận về những gì anh ta nghĩ là cái điểm số đã không công bằng; một đồng nghiệp không thể nói “không” với người thường xuyên đòi hỏi về thời gian của anh ta; một người đàn ông hiền lành nhưng tuân thủ một cách bực bội những quy định hay quyết định không công bằng. Tất cả những điều này đại diện cho những trường hợp của các cá nhân sợ sệt, hay nói theo nghĩa đen là đứng lên để bảo vệ quyền lợi cho họ hay đại diện cho chính mình.
Khoảng 30 năm trước đây có một phong trào nổi lên gọi là Rèn luyện tính quyết đoán (Assertiveness Training). Ban đầu, mục đích của AT là giúp mọi người khắc phục nỗi sợ hãi của họ trong những trường hợp bị đe dọa đó. Tuy nhiên, mục đích đó đã nhanh chóng bị sửa đổi. Một số người tìm kiếm sự giúp đỡ trong việc đối phó với những thách thức này không phải vì họ bị đe dọa mà vì họ trở nên quá tức giận. Họ phản ứng lại sự thất vọng đó bằng những điều thô lỗ, xúc phạm, và thậm chí là bằng các mối đe đọa. Họ cảm thấy rằng họ không thể kiểm soát được tính khí của họ. Cũng giống như những người nhút nhát rụt rè không hài lòng với nỗi sợ hãi của họ, vì vậy những người có tính khí thái quá này không hài lòng với sự tức giận của họ. Do vì có hai loại thân chủ, sợ hãi và tức giận, mà mục đích của AT đã chuyển đổi. Bầy giờ, nó hướng thân chủ vào các kiểu hành vi mà chúng ta có thể gọi đó là con đường trung đạo. Thân chủ được huấn luyện để thật sự lạnh lùng, trung tâm, giữa hai thái cực của sợ hãi và tức giận, để rồi tiếp tục đi vào một trạng thái của xả (equanimity) [là trạng thái bình thản, hay bình đẳng, không dính mắc giữa hai thái cực như yêu và ghét v.v.]. Họ được hướng dẫn để đại diện cho chính mình, để đối phó với những bất công được cảm nhận bằng cách nói ra một cách thích hợp đối với người gây tội. Các tình huống nổi lên mà trong đó ai đó (người gây tội) được xem là không đúng đắn, gây bực bội, hay gây rắc rối. Thân chủ được hướng dẫn để xem các tình huống đó là các vấn đề cần phải giải quyết. Họ được hướng dẫn không quay mặt đi khỏi vấn đề đó vì tính rụt rè, mà là tham gia vào nó. Bằng không thì nó sẽ chẳng bao giờ được giải quyết. Giải pháp lý tưởng được mô tả như là một điều mà người gây tội, nếu không bị đe dọa, bị sỉ nhục, hay thậm chí là bị la mắng sẽ được thuyết phục để hợp tác, để giúp giải quyết vấn đề. Về mặt lý tưởng, cách giải quyết vấn đề là giải pháp thân thiện. Nếu một người bạn là người gây tội thì giải pháp lý tưởng là, bạn vẫn là bạn. Thường thì, sự bất công đó sẽ được khắc phục; nhưng đôi khi thân chủ được thuyết phục rằng quyết định ban đầu mới thực sự là công bằng. Bởi vì sự thất vọng và thách thức phải được xem như là các vấn đề cần phải giải quyết, nên thân chủ phải được học nhiều kỹ năng để giải quyết vấn đề. Trọng tâm trong số này là kỹ năng nói chuyện một cách khéo léo. Thân chủ được hướng dẫn làm thế nào để nói chuyện với bên gây tội nhằm chiến thắng sự hợp tác của họ để giải quyết vấn đề đã được nhận diện. Từ quan điểm Phật giáo, thân chủ được học cách nói Chánh ngữ [Lời nói chân chánh]. Sự rèn luyện này phân tích Chánh ngữ ra thành một vài yếu tố, mỗi yếu tố đều được giải thích rõ ràng cho thân chủ. Các yếu tố này là: a) Duy trì sự giao tiếp tốt bằng mắt và thoải mái. Sử dụng một giọng đàm thoại, không quá nhỏ (rụt rè) cũng không quá lớn (la mắng, áp chế). b) Sử dụng lối “Tôi-nói” (“I-talk”). Thay vì chỉ trích người gây tội, hãy diễn tả cách thức mà bạn cảm nhận về tình huống đó. Thay vì nói, “Anh đã làm nhục tôi,” hay “Anh có một số dây thần kinh làm điều đó,” hãy bắt đầu bằng cách nói rằng, “Tôi thấy khó khăn với những gì đã diễn ra,” hay “Tôi buồn,” hay “Tôi cho rằng điều đó là không công bằng.” Bằng cách thể hiện quan điểm của mình mà không có thẳng thắn phê bình hay tấn công. Bởi vì người gây tội nếu không bị chỉ trích, họ ít có khả năng để trở nên phòng thủ, bướng bỉnh, hay giận dữ. c) Hãy lịch sự, tránh ra lệnh. Một mệnh lệnh (“Ngừng ngay cái việc quá ồn này đi!”) là cái ngôn ngữ của một ông tướng với một thuộc hạ. Nó không cho thấy sự tôn trọng đối với phía bên kia. Nó có khả năng không gợi lên một tinh thần hợp tác, mà sẽ tạo ra oán hận. d) Bắt đầu bằng một tinh thần thiện chí. Giả sử người gây tội không có ác ý hay chỉ vì vô tình, nhưng đúng là có thể lỗi lầm đã được tạo ra hay đúng hơn là có một sự hiểu lầm. Như người sinh viên đã đề cập trước đây, là người sợ phải đối diện với giáo sư của mình, có thể bắt đầu bằng, “Thưa giáo sư, tôi nghĩ rằng có lẽ đã có một sai sót trong điểm số của tôi.” (Chú ý cái I-talk, cái thăm dò lịch sự, sự gợi mở về một sai lầm). e) Nếu những dàn xếp này thất bại và bạn cảm thấy rằng vấn đề đó cứ dai dẳng thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Cách sử dụng phổ biến nhất trong thủ tục này là liên hệ với các tổ chức. Một nhân viên bán hàng thực hiện một quyết định thiếu công bằng (ví dụ, không chấp nhận việc trả lại một sản phẩm bị lỗi). Cách nói hiền hậu, thuyết phục nhất không làm xê dịch cô ta. Cô nhân viên bán hàng là cứng nhắc và không linh hoạt. Chiến lược cho tình huống như thế là yêu cầu, một cách lịch sự, nói chuyện với người giám sát của cô ta. Mô tả trường hợp đó với người có thẩm quyền hơn. Thông thường, cách này có hiệu quả. Hơn nữa, việc thực hiện theo cách thức như vậy giúp kìm lại cảm giác thất vọng và tức giận mà sự cứng nhắc của người bán hàng có thể gợi lên. f) Nếu vẫn cứ thất bại, ta phải có các kỹ thuật để thích ứng với các quyết định thiếu công bằng. Đặc biệt, phải thực tế. Các phương pháp AT thì rất hiệu quả, nhưng, thi thoảng, chúng lại không có tác dụng. Bắt đầu hoạt động giải quyết vấn đề với sự hiểu biết rằng không phải mọi vấn đề đều được giải quyết. Hãy cung cấp cho nó, như chúng ta hay nói, hãy cố gắng hết sức, nhưng nhận ra ngay từ ban đầu rằng đôi khi điều đó chẳng có tác dụng. Thái độ này cũng vậy, khi cuộc đàm phán kết thúc mà không có kết quả, hãy tự làm giảm đến mức thấp nhất mức độ rối loạn của chính mình. Trong AT, ba phương pháp giảng dạy được sử dụng nhằm thay đổi thân chủ từ chế độ phản ứng ban đầu là sợ hãi-giận dữ của họ đến một phong cách giải quyết vấn đề điềm tĩnh hơn. Cả ba phương pháp đều liên quan đến các ví dụ hiện tại. Nhà trị liệu tạo ra các viễn cảnh cho vấn đề tương tự như những kịch bản mà thân chủ đã than phiền. Những cảnh tượng này sau đó được mô tả lại cho thân chủ. Bất kỳ cái nào trong ba phương pháp sau cũng đều có thể được sử dụng. Bài học thông thường: Đây là phương pháp tiêu biểu thứ nhất. Kỹ năng giải quyết nhiều vấn đề khác nhau được trình bày với những tài liệu đọc hay trong một bài giảng. Chúng bao gồm các yếu tố của Chánh ngữ. Tài liệu giáo khoa này kết thúc bằng một số vấn đề mẫu, vì đối với mỗi vấn đề, các phương pháp tiếp cận đúng và không đúng đều được mô tả. Dưới đây là một ví dụ về cách tiếp cận đó. Bạn đang ngồi trong một toa tàu không hút thuốc. Một tấm bảng Không hút thuốc rõ ràng là ở ngay phía trên lối vào toa tàu. Một hành khách đi vào, ngồi xuống cạnh bạn, và đốt một điếu thuốc. Các kiểu phản ứng khác nhau là gì? Đe dọa: Bạn nhìn chằm chằm vào hành khách này nhưng không nói gì cả; bạn cố gắng đi khỏi đây để ít bị bực bội vì người hút thuốc. Giận dữ: Bạn chửi đổng người này, gồm một số từ ngữ mắng mỏ khéo lựa chọn: “Ông bị làm sao vậy? Ông không đọc được chữ à? Đây là toa không hút thuốc mà”. Thẳng thắn: “Xin lỗi. Có lẽ anh không nhận ra, nhưng đây là toa không hút thuốc. Có tấm bảng chỉ rõ đằng kia”. Minh họa: Sau khi thân chủ đã học về các kỹ năng, nhà trị liệu và một người trợ lý thực hành một vài tình huống cho vấn đề này. Sau đó, nhà trị liệu đóng vai một người làm mẫu đối với hành vi đúng. Thân chủ có thể học theo các cách ứng xử mới này bằng cách quan sát nó trong hành động. Chơi trò: Lại nữa, một vài tình huống vấn đề mẫu sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, với phương pháp này, thân chủ tham gia vào vai trò của bên bị phạm. Họ sẽ sử dụng các yếu tố của Chánh ngữ ngay trong nhóm kịch này. Nhà trị liệu cung cấp hướng dẫn khi thân chủ có xu hướng nghiêng về phía quá nhiều rụt rè hay quá nhiều tức giận. Bằng cách thực hành với ba kỹ thuật này, các thân chủ dần dần thay đổi kiểu hành vi sợ hãi hay thiếu kiềm chế của họ vào định hướng giải quyết vấn đề mới này. Kết quả là, các thói quen mới, ít đau khổ cho cả người than phiền và người gây tội, vì vậy được thấm nhuần. Thực tập ảnh tượng Những năm gần đây, các nhà trị liệu đã đưa ra “bài tập ở nhà” cho các thân chủ. Trong những bài luyện tập này, thân chủ ngồi một mình tập trung vào một số tiến trình nội tâm trong một trạng thái toàn thân thư giãn. Hoạt động này giống như việc thực hành thiền trong khi thiền liên hệ đến việc tịnh hóa nội tâm. Việc sử dụng hình ảnh tưởng tượng đang được chứng minh là đặc biệt hữu ích. Nó từng được chỉ ra trong một thời gian cụ thể rằng ta có thể cải thiện việc làm khéo léo của mình bằng cách luyện tập việc thực hành đó bằng trí tưởng tượng. Chẳng hạn, ta có thể cải thiện khả năng của mình về một môn thể thao (ném một trái banh chính xác, tránh được những cú nắm trong đấu vật) chỉ bằng cách ngồi yên lặng và tưởng tượng việc thực hiện các hành động này. Việc sử dụng ảnh tượng này nhằm gia tăng thói quen đã được sử dụng trong tâm lý trị liệu. Arnold Lazarus (1984) đã rất có ảnh hưởng trong liệu pháp này. Ông hướng dẫn cho thân chủ của mình cách thực tập sử dụng ảnh tượng trong những điều kiện thư giãn sâu. Vài lần trong tuần, thân chủ, khi ở nhà một mình, trước tiên là hãy ngồi xuống và trở nên hoàn toàn thả lỏng. Trong điều kiện này, họ sẽ tưởng tượng một cách sinh động các cảnh tượng có liên quan đến nguồn gốc cụ thể về khổ đau của họ. Ví dụ, một người phụ nữ trở nên bị kích động và giận dữ mỗi khi mẹ chồng của cô chỉ trích cô. Phản ứng của cô về sự tức giận đối với mẹ chồng đã tạo ra những khó khăn giữa thân chủ và chồng cô. Tuy nhiên, người phụ nữ nói rằng cô không thể kiểm soát được các phản ứng tức giận của mình. Nhà trị liệu xem tình huống này như một điều cần được thay đổi trong các thói quen của thân chủ. Cô ta phải thay đổi từ một phản ứng giận dữ sang một tư thế điềm tĩnh, thanh thản, hay buông xả. Thân chủ đồng ý nhưng khẳng định rằng điều đó là không thể. Cô ta phản ứng quá nhanh với sự nóng giận. Nhà trị liệu chỉ định bài tập ở nhà. Vài lần một tuần, trong khi đang ngồi yên lặng và thả lỏng, cô ta tưởng tượng về mẹ chồng đang tấn công cô. Trong trí tưởng tượng mạnh mẽ này, cô ta giờ đây thực hành trong tưởng tượng phản ứng không phải với sự tức giận nữa mà là với sự thờ ơ, với sự hiểu biết tốt hơn về sự bất lực của mẹ chồng, hay với một cách thay đổi chủ đề hay thậm chí là rời khỏi phòng. Bằng cách này, những thói quen mới trong hành vi của bệnh nhân dần dần thay thế thói quen dễ dàng phản ứng với sự nóng giận. “Thiền” về ảnh tượng như thế đã được sử dụng như là một sự bổ sung cho vấn đề mất cảm thụ hệ thống (một người, trong khi đang ngồi một mình và thả lỏng, tưởng tượng sinh động đang đối diện với tình huống sợ hãi và phản ứng đối với nó theo một cách điềm tĩnh) và đối với sự kiểm soát các ham muốn mãnh liệt (một người bị rối loạn ăn uống quá mức tưởng tượng việc ăn những món ăn ưa thích và rồi bị nôn mửa, hay phát bệnh từ chứng béo phì đó). Albert Ellis, là người mà chúng ta đã biết trước đây, giải thích những niềm tin phi lý của thân chủ như là các thói quen suy nghĩ không thích hợp, cũng có những thân chủ tham gia vào loại thực tập tịnh hóa này. Các thân chủ sẽ hình dung các tình huống mà họ thấy là “kinh khủng,” “khủng khiếp” (các tình huống mà họ có thể gây ra thảm họa). Sau đó họ sẽ tham gia vào những gì Ellis gọi là cuộc tranh cãi. Giả sử, một thân chủ từ chối thực hiện một số hoạt động quan trọng hay mong muốn, bởi vì, nếu anh ta thất bại, bạn anh ta sẽ cười anh ta. Đây là một tình huống mà anh ta chỉ đơn giản là không thể đối mặt; đó chính là ý nghĩ “ghê rợn.” Ở nhà, lúc yên tĩnh, thân chủ sẽ thắc mắc về sự phán quyết đó. Nếu họ cười thì có làm sao? Tại sao điều đó lại quá khủng khiếp đến như vậy? Ai sẽ bị tổn thương bởi nó? Ngoài việc tranh cãi với phán quyết của mình, thân chủ còn sử dụng hình ảnh của sức tưởng tượng, nhìn thấy bạn bè đang chế giễu. Thay vì bị sụp đổ (trong cái kịch bản tưởng tượng này), anh ta sẽ thể nhập vào điều thích thú đó, hoặc chỉ đơn thuần nhún vai, nhận thấy rằng chẳng có gì thực sự là kinh khủng cả. Điều hợp lý chung cho những thực tập tưởng tượng này là, thứ nhất, cái đau đớn được thân chủ cảm nhận là do những thói quen nào đó, thói quen về suy nghĩ cũng như các thói quen về hành động. Thứ hai, bài tập này giúp thân chủ thay thế những thói quen gây đau khổ bằng những phản ứng và hành vi mới được xem là gây ra ít đau khổ một cách đáng kể. Đó là lý do tại sao tôi đề nghị rằng các thân chủ nên tham gia vào một loại thiền hướng đến việc tịnh hóa nội tâm. Kết luận Đây là một số kỹ thuật được áp dụng bởi những nhà tâm lý trị liệu nhằm giảm bớt tình trạng đau khổ (sợ hãi, tức giận, sụp đổ, thất vọng, v.v…). Trong một số trường hợp, các kỹ thuật này đòi hỏi sự giúp đỡ từ người khác, nhà trị liệu, nhằm tạo ra những thay đổi. Sự mất cảm thụ hệ thống là thuộc tính này. Ở đây, nhà trị liệu giống như một người bác sĩ, là người thao tác với bệnh nhân nhằm đem lại cuộc sống hạnh phúc cho họ. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, sự tương tác đó đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm. Các thân chủ sẽ học cách có chánh niệm hơn, từ bỏ những niềm tin có hại lâu dài trong chính họ, thực hiện lập trường giải quyết vấn đề hơn là phản ứng chống lại sự kích động đối với những thách thức trong cuộc sống. Như đã được đánh giá trên đây, nhà trị liệu giống như vị thầy đã chỉ dẫn con đường hướng đến sự chuyển hóa từ bên trong, sự chuyển hóa đó sẽ giải phóng cá nhân khỏi những khổ đau, sự chuyển hóa mà những người có trí tuệ, trong cả hai truyền thống Đông và Tây, đều nỗ lực hướng đến. Marvin Levine ___________________ Tài liệu tham khảo Benson, H. (1975) The Relaxation Response [Phản ứng thư giãn], New York: William Morrow. —— (1987) Your Maximum Mind [Tâm cao nhất của bạn], New York: Random House. Boring, E.G. (1950) A History of Experimental Psychology [Lịch sử tâm lý học thực nghiệm], New York: Appleton. Csikszentmihalyi, M. (1990) Flow: The Psychology of Optimal Experience [Dòng chảy: Tâm lý học về Kinh nghiệm tối ưu], New York: Harper & Row. Davidson, R.J. (2002) “Toward a biology of positive affect and compassion,” [Hướng đến một sinh vật học có tác động tích cực và từ bi] in R. J. Davidson and A.Harrington (eds), Visions of Compassion [Các quan điểm về lòng từ], New York: Oxford. Ellis, A. (1973) Humanistic Psychotherapy: The Rational-Emotive Approach [Tâm lý liệu pháp nhân văn: Tiếp cận Lý trí - Cảm xúc], New York: Julian Press. Ellis, A. and Harper, R.A. (1977) A New Guide to Rational Living [Hướng dẫn mới về đời sống lý trí], North Hollywood, CA: Wilshire Books. Hawthorne, N. (1850; reprinted 1969) The Scarlet Letter [Nét chữ màu đỏ], Columbus, OH: Merrill. Lange, A.J.and Jakubowski, P. (1976) Responsible Assertive Behavior [Hành vi khẳng định trách nhiệm], Champaign, IL: Research Press. Lazarus, A. (1984) In the Mind’s Eye [Trong con mắt của tâm], New York: Guilford Press. Levine, F.M.and Sandeen, E. (1985) Conceptualization in Psychotherapy [Khái niệm hóa trong Tâm lý liệu pháp], Mahwah, NJ: LEA. Levine, M. (1994) Effective Problem Solving [Giải quyết vấn đề hiệu quả], Mahwah, NJ: Prentice-Hall. —— (2000) The Positive Psychology of Buddhism and Yoga [Tâm lý học tích cực của Phật giáo và Yoga], Mahwah, NJ: LEA O’Connell, D.F. and Alexander, C.N. (1994) Self Recovery [Tự phục hồi], Binghamton, NY: Haworth Rakos, R.F.(1991) Assertive Behavior, London: Routledge. Rogers, C.R. (1951) Client-centered Therapy [Liệu pháp thân chủ trung tâm], Boston, MA: Houghton Mifflin. Seligman, M.E.P. (1991) Learned Optimism [Tính lạc quan có hiểu biết], New York: Knopf. Spiegler, M.D. and Guevremont, D.C. (1993) Contemporary Behavior Therapy [Liệu pháp hành vi hiện đại], Belmont, CA: Wadsworth. Weiner, I.B. (1998) Principles of Psychotherapy [Các nguyên tắc của Tâm lý liệu pháp], New York: Wiley.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |