Chi tiết tin tức Thực hiện nền tảng Đạo đức Ứng dụng tại Bhutan, Ấn Độ 17:28:00 - 03/11/2017
(PGNĐ) - Vào mùa thu năm 2012, một nhóm xuất sĩ Làng Mai cùng với bốn bạn trẻ từ WakeUp đã đến Bhutan (10 ngày) và Ấn Độ (1 tháng) để chia sẻ về Đạo đức Ứng dụng và phong trào WakeUp (Thức tỉnh). Các thầy và các sư cô đến từ nhiều tu viện trên khắp thế giới, gồm có Thầy Pháp Dung, Thầy Pháp Siêu, Sư chú Trời Bảo Tích, Sư cô Hội Nghiêm, Sư cô Đẳng Nghiêm, Sư cô Đàn Nghiêm và Sư cô Mai Nghiêm. Nhóm Wakeup gồm có Elli Weisbaum, Rob Walsh, Nguyễn Chi Hân và Miranda van Schadewijk.
Chuyến đi Bhutan được tổ chức bởi Gross National Happiness Center (Trung tâm Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc gia), và giám đốc của trung tâm này là Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ, được nhận truyền đăng làm giáo thọ cư sĩ từ Sư Ông Làng Mai vào năm 2001. Chuyến đi Ấn Độ được tổ chức bởi hai cư sĩ giáo thọ khác là Shantum Seth và Gitu Seth của Ahimsa Trust Foundation (Tổ chức Quỹ Bất hại). Bản tường trình này sẽ tóm lược về những sự kiện đã diễn ra trong hai chuyến hoằng pháp và tóm tắt về những sinh hoạt và mục tiêu của Phong trào Đạo đức Ứng dụng.
Phong trào Đạo đức Ứng dụng
Sư Ông Làng Mai là người đã đề xướng Phong trào Đạo đức Ứng dụng (Applied Ethics Initiative) nhằm mang giáo lý và các pháp môn thực tập chánh niệm vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội; nghĩa là đem những giáo lý thâm sâu và những phương pháp cụ thể có công năng chế tác hạnh phúc theo lời Bụt dạy áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, mà không sử dụng danh từ Phật học hoặc các khái niệm. Phong trào này tiến hành được 3 năm và đang phát triển mạnh trong lĩnh vực giáo dục tại các trường học. Tăng thân Làng Mai đã tổ chức nhiều khoá tu cho các giáo viên và cho những người làm trong ngành giáo dục tại Mỹ, Anh và các nước Á châu. Chúng tôi đã thành lập được một nhóm giáo viên cư sĩ để giúp chúng tôi đem Phong trào Đạo đức Ứng dụng vào chương trình giảng dạy tại các trường công và tư.
Hai phần chính của Phong trào Đạo đức Ứng dụng là huấn luyện giáo viên và đem Đạo đức Ứng dụng vào chương trình giảng dạy; thành lập một cộng đồng hoặc một mạng lưới hỗ trợ cho các giáo viên trên khắp thế giới. Phong trào Đạo đức Ứng dụng được phát triển theo khuôn mẫu của Dòng Tiếp Hiện. Chúng ta hãy hình dung các giáo viên được huấn luyện cách xử lý các cảm xúc mạnh và khổ đau của họ; biết cách chế tác hạnh phúc trong tự thân và trong lớp học; có khả năng thư giãn và tận hưởng sự mầu nhiệm của sự sống – chắc chắn không khí lớp học sẽ thay đổi rất nhiều bởi năng lượng này.
Không thể tưởng tượng được rằng những người trẻ đang lớn lên mà không được dạy dỗ cách chăm sóc thân thể, cảm thọ, cách ôm ấp những khó khăn và tận hưởng sự mầu nhiệm của sự sống. Đây là thực tại đau lòng của chúng ta, ngoại trừ vài trường tư hoặc những trường đã xảy ra những tai nạn bắn giết tàn khốc mà họ bắt buộc phải tìm các chương trình đặc biệt để giúp họ đối phó. Phong trào Đạo đức Ứng dụng là nhằm để chỉnh đốn vấn đề này, hiến tặng những phương pháp thực tập cụ thể giúp học sinh, giáo viên, và phụ huynh chăm sóc thân tâm, và tạo nên một môi trường giáo dục có cách sống lành mạnh, biết cách hoà giải và đem lại bình an.
Cũng như trong tất cả các trường học đều bắt buộc phải có chương trình giáo dục thân thể (physical education) để giúp các em học sinh hiểu và phát triển thân thể của các em một cách toàn diện, Phong trào Đạo đức Ứng dụng là một loại giáo dục tâm lý để giúp các em học cách xử lý và phát triển tâm thức, tư duy và cảm thọ một cách lành mạnh. Đây là một chương trình thực tiễn như chương trình giáo dục thân thể, với những phương cách có thể áp dụng ngay trong phạm vi lớp học, gia đình và xã hội.
Bhutan và Trung tâm Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness Center) Mục tiêu chính của chúng tôi khi đến Bhutan là để chia sẻ Phong trào Đạo đức Ứng dụng cho người trẻ, các giáo viên và quan chức nhà nước (government officials) có trách nhiệm trong công việc phát triển đất nước. Khi thiền sinh từ các tăng thân trên thế giới biết về chuyến đi này, nhiều người đã email xin phép được tháp tùng, nhưng vì điều kiện giới hạn nên chỉ có 4 người trẻ WakeUp được tham dự. Khi làm Visa, chúng tôi khám phá rằng thể lệ làm giấy thông hành và tiền lệ phí rất cao cho những người thường dân qua thăm nước Bhutan. Du khách phải trả 300 đô cho mỗi ngày ở lại Bhutan, nhưng vì là nước Phật giáo nên họ miễn lệ phí cho người tu. Đây là một trong những nước còn lại mà sự hướng dẫn tâm linh của các vị đạo sư vẫn còn ảnh hưởng lớn trên Chính phủ. Nhà vua đã thành lập Quốc hội theo tinh thần dân chủ và mở cửu cho phương Tây đi vào chỉ trong vòng khoảng mười năm nay.
Bhutan trở nên nổi tiếng vì đã giới thiệu với thế giới về khái niệm Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc gia (Gross National Happiness – GNH) thay vì Tổng Giá trị Sản phẩm Quốc gia (Gross National Product – GNP. Và đây là một phương cách mới để đo lường hạnh phúc chân thật, sự giàu có và sự lành mạnh của một quốc gia. Khi các thầy, các sư cô trong nhóm được biết về thiện ý của Chính phủ Bhutan, chúng tôi liền cảm thông với những nỗ lực của họ. Có nhiều điểm giống nhau giữa Phong trào Đạo đức Ứng dụng và Tổng Giá trị Hạnh phúc Quốc gia (GNH).
Những đề nghị và mục đích của GNH rất phù hợp với Năm Giới Quý Báu của Làng Mai – nhằm đưa ra một cách sống và phát triển đất nước dựa trên sự tiêu thụ có chừng mực và có trách nhiệm đối với trái đất; nhấn mạnh hạnh phúc của người dân và hạnh phúc của một đất nước không phải chỉ tuỳ thuộc vào sự giàu có vật chất mà vào sự giàu có tâm linh và hành xử đạo đức của mỗi người dân. Trong cốt lõi, đây là sự thực tập Năm Giới Quý Báu của một quốc gia.
Đức vua cha của vị vua hiện tại đã đề xướng GNH nhằm hướng dẫn đất nước đối phó với những thử thách trong sự phát triển và hiện đại hoá. Nhà vua đã quán sát và thấy những ảnh hưởng độc hại trên người dân và nhất là giới trẻ – hạnh phúc và chất lượng đời sống của họ, cá nhân cũng như tập thể, dần dần sa sút. Sự nhập khẩu của các sản phẩm và tư tưởng phương Tây làm cho tệ nạn xã hội tăng trưởng.
Trung tâm GNH được thành lập để phát triển chủ trương của GNH thành những sự thực tập cụ thể cho dân chúng và cộng đồng. Vì lý do này, vị giám đốc của trung tâm, Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ (chúng tôi thân mật gọi là chú Thọ) đã mời một nhóm các thầy, sư cô Làng Mai qua Bhutan để hướng dẫn những khóa tu học cho người trẻ và giáo viên. Đây cũng là những sinh hoạt đầu tiên của trung tâm GNH tổ chức cho người trẻ Bhutan. Chúng tôi đã tổ chức 4 ngày tu học: 3 ngày cho người trẻ và 1 ngày cho giáo viên và quan chức trong Chính phủ.
Ngày đầu tiên có công chúa nhỏ của vua đến dự lễ khai mạc và công chúa là người bảo trợ chính của trung tâm GNH. Công chúa đã đọc một bài diễn văn nói về trung tâm GNH và về tầm quan trọng của chánh niệm. Công chúa đích thân bắt tay và cảm ơn từng vị xuất sĩ, rất hạnh phúc khi được gặp các thầy, các sư cô vì công chúa đã đọc nhiều sách của Thầy, xem Thầy là vị đạo sư của mình, và mong rằng sẽ có ngày được gặp Thầy.
Tuy công chúa chỉ đến dự buổi lễ khai mạc nhưng mọi người trong phái đoàn chúng tôi đều rất cảm kích. Công chúa mới 23 tuổi, là một người không chỉ có sắc đẹp mà còn có cả vẻ đẹp nội tâm: cử chỉ rất chân thành và khiêm tốn. Nhiều viên chức của vua đã tháp tùng công chúa, và 2 vị trong nhóm này đã trở lại dự ngày sinh hoạt cuối dành cho các viên chức nhà nước. Hai buổi hội thảo khác đã được giới thiệu bởi công chúa lớn nhất của gia đình Hoàng gia và một ngài đạt ma từ tu viện Hoàng gia.
Bốn ngày hội thảo “Chánh niệm là nguồn hạnh phúc”
Chủ đề của 4 ngày hội thảo, “Chánh niệm là nguồn hạnh phúc”, dường như rất thích hợp cho một quốc gia vốn nổi tiếng thế giới về hạnh phúc quốc gia. Ngày đầu tiên có khoảng 200 sinh viên đại học từ Trường Giáo dục Hoàng gia tham dự. Hai ngày tiếp theo có sự tham gia của học sinh trẻ, hầu hết trong lứa tuổi 13-16, và có khoảng 200 người đến dự từ các trường học địa phương và từ Trung tâm Thanh niên Thimpu, nơi các cuộc hội thảo đã được tổ chức.
Ngày thực tập thứ tư dành cho các nhà giáo dục và quan chức Chính phủ đã tham gia vào lĩnh vực giáo dục hoặc đã làm việc với giới trẻ. Mỗi ngày, sau lời giới thiệu từ một khách mời danh dự, chúng tôi nghe một bài pháp thoại từ một vị giáo thọ, tiếp đó là một số trò chơi. Núi đồi Bhutan xanh rì, ôm trọn cả đất nước, dưới chân là những dòng sông lớn chảy dài, không khí mát dịu thanh bình. Cho nên những buổi thiền hành ngoài trời là những phút giây hạnh phúc của chúng tôi và các em. Chúng tôi cũng dạy các em ăn trong chánh niệm và thưởng thức sự có mặt của nhau. Sau khi ăn trưa, mọi người lại được một thầy hay sư cô hướng dẫn thiền buông thư. Các em đã chia sẻ rằng trong trường của các em, mỗi ngày có thời ngồi thiền trong vòng 3-5 phút.
Một số người trẻ thú nhận rằng họ đã không thích ngồi thiền hoặc không biết tại sao họ lại phải ngồi yên như vậy. Nhưng sau khi tham dự buổi hội thảo và học hỏi về mục đích của thiền, họ đã khám phá ra cách thưởng thức giờ ngồi thiền trong trường và có ý muốn tập cho chính mình cách ngồi tĩnh lặng. Chúng tôi nhận thấy tâm hồn của thanh thiếu niên Bhutan rất tươi sáng, hiền hoà và chân chất. Chúng tôi lớn lên ở phương Tây, tiếp xúc với giới trẻ khắp nơi trên thế giới, nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi gặp được những đứa trẻ “thiện lành” như thế này! Sau một ngày sinh hoạt, các em luôn nán lại để được học hỏi và chuyện trò thêm với các thầy cô và các bạn WakeUp. Các em gái chắp tay búp sen, xếp thành hàng dài để được phép thiền ôm với các sư cô và tỏ bày các em đã nhận được rất nhiều tình thương từ các thầy, các sư cô.
Những nhà lãnh đạo đức độ của Bhutan
Chúng tôi đã có dịp gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của Bhutan thông qua các cuộc hội thảo tại Trung tâm GNH. Tiến sĩ Saamdu Chetri, Giám đốc điều hành của Trung tâm GNH, đã được nhà vua và gia đình Hoàng gia yêu cầu giúp thực hiện chủ trương của GNH cho Bhutan. Ông và Tiến sĩ Hà Vĩnh Thọ đã giúp tổ chức các buổi hội thảo của chúng tôi ở Bhutan. Tiến sĩ Saamdu đã đọc một vài cuốn sách của Thầy và đã có cơ hội tham dự một buổi pháp thoại của Thầy trong chuyến hoằng pháp tại châu Á năm 2011.
Tuy rất bận rộn nhưng Ông luôn dành ra ít nhất nửa ngày để tham dự các buổi hội thảo. Phái đoàn Làng Mai chúng tôi rất cảm động vì sự khiêm tốn và đức độ của các vị lĩnh đạo mà chúng tôi đã tiếp xúc. Công chúa Bhutan, người khai mạc buổi hội thảo đầu tiên, đã nói một cách rất biện tài về chủ đích của GNH, về sự thiết yếu của chánh niệm trong hạnh phúc của cá nhân, gia đình cũng như đất nước, và về ảnh hưởng của Thầy đối với công chúa. Cuối cùng, công chúa nói Đường Xưa Mây trắng. là một trong những cuốn sách yêu thích của mình.
Chúng tôi cũng có cơ hội tiếp xúc với 2 thành viên của Chính phủ Hoàng gia đã tháp tùng công chúa, và sau đó những vị này đã tham gia trọn ngày vào buổi hội thảo cuối cùng. Họ hòa đồng với mọi người, không hề có sự ngăn cách. Các vị này cùng ngồi trên đất, thực tập ăn trưa trong chánh niệm như mọi người, và họ cũng tham gia các nhóm chia sẻ vào buổi chiều. Sau đó các vị này nói rằng buổi thực tập Thiền Buông Thư rất lợi ích và họ hy vọng có thể đem pháp môn này về cùng thực tập với các cộng sự viên của họ.
Vào đêm trước khi chúng tôi rời Bhutan, Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã mời đoàn đại biểu của chúng tôi đến dùng bữa tối. Với giọng nói nhỏ nhẹ từ tốn, ông cảm ơn chúng tôi và những công việc chúng tôi đã làm. Ông chia sẻ: Ông đã nghe nhiều báo cáo tuyệt vời từ các đồng nghiệp và bằng hữu của mình. Ông cũng kể vừa mới đi thăm giáo viên và học sinh tại một số vùng cao nguyên để khen thưởng và động viên họ cố gắng hơn nữa trong việc giảng dạy và học hành. Phần lớn làng mạc trên các vùng cao nguyên không có đường cho xe đi, nên ông cùng một nhóm người phụ tá phải đi bộ, leo núi hơn 7 ngày mới đến được những nơi đó.
Ông mời chúng tôi trở lại để tiếp tục chia sẻ về sự thực tập và ông còn nói thêm rằng trong tương lai tới, chúng ta nên tổ chức hội thảo cho thanh thiếu niên toàn quốc thay vì chỉ cho giới trẻ ở thủ đô. Ông cũng chia sẻ rằng đôi khi ông phải nhờ đến người nước ngoài để nhắc nhở cho giới trẻ biết rằng những gì họ đang có ở quê hương là rất quý báu. Từ khi đất nước của ông mở cửa để hiện đại hóa, giới thanh niên ở đây dần dần nhìn về phương Tây như những nơi lý tưởng. Do đó, sự hiện diện của chúng tôi và cách giảng dạy cho những người trẻ rất kịp thời và thích hợp. Hình ảnh của chúng tôi - những vị tu sĩ áo nâu lớn lên tại phương Tây có bằng cấp, có địa vị nhưng lại khước từ để sống đời thanh bần đã khiến họ bị ấn tượng mạnh.
Các ngôi trường kiểu mẫu tại Ấn Độ
Phương hướng của chương trình Đạo đức Ứng dụng là tìm những ngôi trường kiểu mẫu để áp dụng pháp môn chánh niệm vào ngành giáo dục. Chúng tôi đã chia sẻ các chương trình giảng dạy của Đạo đức Ứng dụng cho hai trường ưu tú K-12 ở New Delhi – trường Vassant Valley và trường Step By Step. Cha mẹ của các em học sinh ở hai ngôi trường này là những người giàu có hoặc giữ chức vị cao trong xã hội. Các em được tuyển vào các trường ưu tú từ nhỏ để được huấn luyện trở thành những người lãnh đạo đất nước sau này.
Giám đốc và hiệu trưởng của hai trường này đã tham dự khóa tu ở Dehradun dành cho giáo viên trong chuyến viếng thăm của Thầy năm 2008. Họ rất ấn tượng về khóa tu và họ đã mong đợi một cơ hội để chia sẻ sự thực tập chánh niệm với những người cộng sự và học sinh của họ. Vì vậy, họ đã chào đón phái đoàn một cách nồng nhiệt và cho phép chúng tôi tự nhiên hướng dẫn tất cả mọi sinh hoạt theo ý muốn. Cũng có nhiều giáo viên khác đã tham dự khóa tu năm 2008, và họ rất vui mừng khi được tu học với chúng tôi. Hai ngôi trường này sẽ là hai ngôi trường kiểu mẫu đầu tiên ở Ấn Độ thực hiện chương trình Đạo đức Ứng dụng.
Vì vậy, cô Elli Weisbaum của nhóm WakeUp đã soạn một mẫu đơn để những người tham dự có thể cho nhận xét và ý kiến về các buổi sinh hoạt của chương trình Đạo đức Ứng dụng. Ý kiến của các em học sinh và giáo viên sẽ giúp nhóm Đạo đức Ứng dụng hoạt động hiệu quả hơn và từ đó cũng cung cấp cho phong trào này những phân tích thực nghiệm (empirical analysis). Điều này rất quan trọng vì trong lĩnh vực giáo dục, phương pháp tiếp cận dựa trên “chứng cứ” luôn được đề cao, bởi nó thể hiện được tính khách quan và thực tế. Điều này thích hợp và tương tự như các phương pháp tiếp cận trong sự thực tập của đạo Bụt.
Trường Vassant Valley
Từ ngày 8 đến ngày 10 tháng 10 năm 2012, chúng tôi đã sinh hoạt với 1000 học sinh tại trường Vasant Valley ở New Delhi. Trong thời gian 3 ngày, ngày nào cũng có 3 buổi sinh hoạt – 2 vào buổi sáng và 1 vào buổi chiều – mỗi buổi 2 giờ, với mỗi nhóm khoảng hơn 300 em học sinh được chia theo các cấp lớp (lớp 3-5; lớp 6-9; và lớp 10-12), mà chúng tôi chỉ có tổng cộng 11 người (7 xuất sĩ và 4 em trẻ thuộc phong trào Wake Up). Trong mỗi nhóm 300 em học sinh này (group), chúng tôi lại chia các em ra làm 3 nhóm với 100 em trong mỗi nhóm nhỏ (subgroup), và chúng tôi cũng chia nhau ra thành 3 nhóm để hướng dẫn các em.
Việc làm này nếu nghe qua tưởng như đơn giản, nhưng hãy tưởng tượng chúng tôi đã phải “thở và cười” và bàn thảo nhiều tiếng đồng hồ để cùng nhau nghĩ ra cách phải chia các em ra như thế nào mà vẫn bảo đảm được chất lượng của mỗi buổi sinh hoạt. Cuối cùng thì đây là phương cách “thần đồng” mà chúng tôi đã nghĩ ra, và nó rất hữu hiệu. Mỗi ngày, chúng tôi tổ chức 2 lần Thiền Buông Thư, một lần để bắt đầu buổi sinh hoạt thứ 2, và một lần nữa để bắt đầu buổi sinh hoạt thứ 3. Chưa bao giờ chúng tôi sinh hoạt với nhiều học sinh và liên tục như vậy, nên những giờ buông thư này đã cho chúng tôi cơ hội nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng tươi mát trước khi bắt đầu hướng dẫn cho các em.
Các giáo viên cũng được mời nằm xuống cùng với các học sinh của mình, nhưng có những vị rất ngần ngại, không dám buông bỏ trách nhiệm để thư giãn và nghỉ ngơi. Họ cứ ngồi dậy nhìn xung quanh để xem các học sinh của họ có nói chuyện hay chọc ghẹo nhau không. Còn các em thì nằm xếp lớp như cá mòi, ngọ nguậy lúc đầu, nhưng một khi tiếng hát bắt đầu thì các em yên dần và đi vào giấc ngủ thật ngon. Thức dậy, có em chia sẻ rằng: “Con cảm thấy mình như một bông hoa hồng vàng”. Những sinh hoạt khác gồm: ngồi thiền có hướng dẫn, ăn trong chánh niệm, thiền đi, thiền sỏi, vận động chánh niệm, v.v...
Các em ở các lứa tuổi khác nhau đều tiếp xúc với sự thực tập rất sâu sắc, làm ngay cả chúng tôi cũng ngạc nhiên. Hỏi về cảm giác của các em khi tập ngồi yên và theo dõi hơi thở, các em thiếu nhi phát biểu rằng: “Con cảm thấy bớt căng thẳng ngay lập tức”, và “Con cảm thấy mình nhẹ như một cái lông chim bay ngoài cửa sổ”. Khi được dạy nên tìm hay hình dung một nơi rất bình an để các em có thể an trú và làm lắng dịu các cảm xúc mạnh, thì một em trai chia sẻ: “Con tưởng tượng con đang nằm cuộn tròn dưới chiếc chăn ấm và nhâm nhi một miếng bánh ngọt”.
Khi các em thiếu nhi học về Hai Lời Hứa, một em gái nói rằng: “Cách tốt nhất để bảo vệ môi trường là không nên xây dựng khách sạn một cách không cần thiết!” Chúng tôi ai cũng bật cười vì em chỉ khoảng 8-9 tuổi, và có thể em đã nghe lỏm cha mẹ và những người lớn khác nói chuyện về các công trình xây dựng. Các em thiếu niên được học về cách tiêu thụ kỹ thuật (technology) với chánh niệm, và các phương pháp bảo tồn năng lượng tinh, khí, thần. Chúng tôi cũng dạy cho các em nhiều bài hát thực tập của Làng Mai. Các em rất thích các bài Thiền ca, học thuộc một cách nhanh chóng và rất hạnh phúc khi hát, làm cho các giáo viên cũng bị ảnh hưởng bởi năng lượng này.
Trước 3 ngày sinh hoạt với các em học sinh, chúng tôi đã có 4 ngày thực tập với các giáo viên. Vì trường đang ở giữa niên khóa nên chúng tôi chỉ có 2 buổi hội thảo, mỗi buổi chỉ dài nửa ngày với một nửa số giáo viên (125) của trường Vassant Valley tham gia và một nửa khác (125) phải trông coi các lớp học. Hai ngày tiếp theo là những ngày cuối tuần, vì vậy chúng tôi đã có một lịch trình đầy đủ với tất cả các giáo viên của trường và một số giáo viên đến từ các trường khác gần đó.
Trong hai ngày đầu tiên, khi các giáo viên đi thiền hành ngoài trời, các em học sinh có mặt trong sân chơi trông có vẻ bối rối và ngạc nhiên khi thấy thầy cô giáo của mình đi một cách thảnh thơi và nhẹ nhàng như vậy, và có lẽ các em học sinh rất thắc mắc không hiểu tại sao các thầy cô giáo không nói chuyện với nhau như thường lệ. Một số ngừng chơi và đứng xem rất lâu, cho đến khi nghe huấn luyện viên gọi các em mới thôi. Các sinh hoạt hội thảo của giáo viên tương tự như của học sinh, ngoại trừ có thêm một thời Vấn Đáp ở phần cuối.
Trong ngày cuối cùng, những góp ý chân thành của các giáo viên được điền trong các mẫu đơn (feedback forms) đều mang tính khích lệ, với nhiều từ tích cực như “làm mới lại”, “trẻ trung hóa” và “tuyệt vời”. Các câu xuất hiện nhiều nhất là “tôi đã được khai sáng”, “rất hữu ích” và “tìm thấy năng lực sức mạnh trong bản thân”. Sau đây là một số ý kiến phê bình trực tiếp từ các giáo viên:
“Một cuộc hội thảo sâu sắc và có khả năng làm mới. Nó đã khai sáng cho tôi và giúp tôi nhìn lại những điều cũ với một quan điểm mới và khác trước. Tôi tự hứa với bản thân sẽ thực tập theo những điều đã học được và tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều cuộc hội thảo như vậy.” – Alka Sarkar
“Không có từ ngữ nào có thể diễn tả được sự tuyệt vời của khóa tu này. Tôi thấy nó rất gần gũi với trái tim tôi. Nhiều điều do các thầy và sư cô chia sẻ tôi đã thực tập từ thời thơ ấu vì cha mẹ tôi cũng đã dạy tôi như vậy. Tôi mong tìm thấy hạnh phúc trong bản thân mình.” – Shikha Goyal
“Hội thảo này làm tôi suy nghĩ và dạy tôi nhìn vào bên trong tự thân mình. Điều này làm cho tôi sâu sắc hơn và chắc chắn làm cho tôi lắng yên hơn. Tôi nghĩ rằng nó sẽ đem lại ý nghĩa cho cuộc sống của tôi, không những trong nghề nghiệp, mà trong cả đời sống cá nhân của tôi. Xin cảm ơn.” – Chaudhry Khusrow Rehman
“Tôi phải mất một thời gian để hiểu làm sao tôi có thể áp dụng sự thực tập này vào lớp học. Nhưng khi tôi ngồi thảo luận với nhóm “gia đình”, trong đầu tôi bỗng loé lên một tia sáng chỉ cho tôi thấy con đường của chánh niệm trong lớp học.” – Rachna Grewal
“Tổ chức rất khéo. Tôi rất muốn giúp mọi người sắp xếp và tổ chức những khóa tu, những buổi hội thảo như vậy ở Mumbai. Xin cảm ơn.” – Seema Mehta
Trong buổi bế mạc, cô hiệu trưởng của trường Vassant Valley đã tiết lộ rằng cô đã được chuyển hóa sau những ngày thực tập, và nhất là sau khi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trên khuôn mặt của các giáo viên và năng lượng nhẹ nhàng, tươi sáng của họ. Mọi người đều đã trở nên thoải mái và hạnh phúc hơn. Cô chia sẻ rằng dù không bị bắt buộc, cô đã dành 3 ngày cuối tuần của mình cho cuộc hội thảo, vì cô muốn bày tỏ tình cảm và hi vọng có thể trở thành cộng sự với các giáo viên của cô.
Cô thú nhận rằng cô đã bí mật mang theo chiếc máy tính xách tay để phòng trường hợp nếu buổi hội thảo không có giá trị gì nhiều thì cô có thể làm những công việc riêng. Nhưng sau đó cô thấy các buổi sinh hoạt rất hữu ích và thú vị nên cô đã không hề dùng đến máy tính. Trước đó chúng tôi đã nghe nói cô hiệu trưởng rất nghiêm khắc và khó tính nên lời phát biểu của cô đã khiến tất cả mọi người đều xúc động – một giây phút chứa đựng sự ngọt ngào thông cảm, một giây phút được sống trong niềm hạnh phúc chân thật với tất cả giáo viên trong phòng và cho toàn trường.
Sau một ngày sinh hoạt với các học sinh, một giáo viên đã chia sẻ với chúng tôi: Thật là tuyệt vời khi cô nhìn thấy một trong những học sinh của cô thực tập ngồi im lặng. Sự kiện này đã khai sáng và hé mở trái tim cho cô, giúp cô thấu hiểu thêm về các em học sinh đã từng gây nhiều rắc rối cho cô. Có những lúc cô đã sợ sệt và co rúm người lại khi nhìn thấy em trai đó. Nhưng năng lượng tập thể trong phòng và nội dung của các buổi sinh hoạt đã đánh thức cô, giúp cô có thái độ tiêu cực của mình đối với em học sinh đó. Cô hiểu chính cô hơn và từ đó hiểu được các em học sinh của mình hơn. Cô rất biết ơn và quyết tâm sẽ tiếp tục học hỏi và thực tập thêm. Cô hy vọng rằng hàng năm chúng tôi sẽ có dịp trở lại trường.
Vào ngày cuối cùng, mọi người tập họp ở sân chính của trường để nghe những lời bế mạc. Ông Giám đốc trường Vassant Valley đã phát biểu một số nhận xét và cảm ơn Tăng thân Làng Mai. Chúng tôi đã mời tất cả các giáo viên đứng ra để cùng hát một bài. Họ đã hát bài “I like the roses” (Tôi thích bông hồng) khiến cho tất cả các em học sinh “nở hoa” liên tục, rất vui và rất bất ngờ khi thấy các thầy cô giáo của mình hồn nhiên, trẻ trung và nhiều hạnh phúc như vậy.
Trường Step By Step (SBS)
Ba ngày sinh hoạt của chúng tôi tại trường SBS cũng đã được tổ chức một cách tương tự, nhưng vì số học sinh ở trường này đông hơn, nên có những nhóm nhỏ có hơn 150 học sinh. Chúng tôi đã không có cơ hội để chia sẻ với những học sinh đàn anh của Trường SBS, từ lớp 9-12, vì các em đã có chương trình khác được sắp xếp từ trước. Vì thế chúng tôi chỉ hướng dẫn cho các em học sinh từ lớp 3-8. Các em trường SBS cũng đã tiếp thu các phương pháp thực tập chánh niệm một cách nhanh chóng và hết lòng. Nhiều em thiếu niên không ngần ngại chia sẻ những khó khăn của mình. Một em gái nói: “Cuộc sống của con vẫn rất êm đềm và tốt đẹp. Nhưng không hiểu tại sao con lại cảm thấy không có năng lượng cũng như sức sống trong con. Có khi con không biết mình sống để làm gì?”
Các em gặp rất nhiều áp lực từ cha mẹ và thầy cô giáo, luôn cảm thấy phải cố gắng học giỏi hơn, có điểm cao hơn thì mới có thể thi vào các trường đại học nổi tiếng sau này. Có những em phát biểu rằng những ngày sinh hoạt với chúng tôi là những ngày hạnh phúc nhất trong đời của các em! Sau các buổi sinh hoạt, các em đem tập của mình lên xin các thầy, các Sư cô viết vài dòng lưu niệm. Một em trai hỏi một sư cô: “Sư cô đã học những điều sư cô biết từ đâu vậy?”. Các em hỏi một cách thành khẩn, “Các thầy và các Sư cô sẽ trở lại với chúng con phải không? Khi nào thì các thầy, các sư cô sẽ trở lại?”.
Mỗi ngày khi tan trường, các em đều chắp tay búp sen xá chào và “nở hoa” tặng các thầy cô trước khi ra về. Chúng tôi cũng hạnh phúc tặng các em những búp sen và những nụ cười, nhưng vì có cả mấy trăm em như vậy nên chúng tôi ai cũng bị…ê quai hàm vì cười quá nhiều!
Chúng tôi cũng rất cảm động khi được gặp phụ huynh của các em. Một vị chia sẻ: Ông hoàn toàn quên rằng có các thầy, sư cô Làng Mai đến dạy tại trường của con mình, nên ông đã không hỏi han gì về những buổi sinh hoạt của con mình. Rồi một hôm ông nổi giận trong gia đình, và con trai ông nói một cách rất thiết tha, “Ba ơi, xin ba cố gắng thực tập để được bình an và tươi mát như hoa”. Ông ngạc nhiên hết sức và hỏi con mình đã học nói điều đó từ đâu, và cậu bé 9 tuổi con của ông liền kể về các buổi thực tập chánh niệm với các vị xuất sĩ. Khi ông nhận được thư mời của trường đến dự một ngày sinh hoạt với các thầy cô, ông hỏi con, “Con nghĩ ba mẹ có nên đi không?”. Và em liền trả lời rằng: “Không những ba mẹ nên đi dự một buổi, mà ba mẹ nên đi dự thật nhiều những buổi sinh hoạt như vậy”.
Một phụ huynh khác chia sẻ rằng bà có 2 người con gái, và đứa em bị tai nạn chấn thương não từ lúc sinh ra, rất dễ bị căng thẳng và nổi giận, làm cả gia đình cũng náo loạn lên theo. Gần đây bà để ý thấy con gái lớn của mình ngồi rất yên mỗi khi thấy người em của mình lên cơn giận. Có khi cô chị lại nói: “Thở đi em. Bình tâm lại đi em”, và điều kỳ diệu là bà thấy đứa em lấy lại bình tĩnh nhanh hơn trước. Bà hỏi con gái lớn thì được biết con đã được học về phương pháp thở từ các thầy cô Làng Mai. Vì thế nên dù bận rộn, bà cũng sắp xếp đến gặp các thầy cô để biểu lộ lòng biết ơn và để học cách làm lắng lại thân tâm của chính mình.
Vào ngày cuối cùng, tất cả giáo viên và hơn 1000 em học sinh cùng với một số phụ huynh cũng đã tập hợp lại tại sân chính của trường để thể hiện lòng biết ơn đối với các thầy cô và các bạn WakeUp. Một vị giáo thọ trong nhóm chúng tôi đã được mời lên phát biểu ý kiến. Thầy cảm ơn sự yểm trợ chân thành của các giáo viên và của các bậc phụ huynh. Thầy cũng nói thêm rằng: Tên của trường “Step by Step” mang một ý nghĩa rất sâu xa: “Từng bước từng bước”. Tuy trường chỉ mới thành lập trong vòng 6,7 năm nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những ngôi trường nổi tiếng nhất New Delhi.
Thầy mong rằng trường không chỉ nổi tiếng vì kiến trúc đẹp hay vì chất lượng giáo dục cao khi đào tạo được nhiều học sinh xuất sắc. Những toà nhà cao sang của trường rồi cũng sẽ phủ đầy rong rêu và trở nên hoang tàn nếu thiếu vắng tiếng cười và tình thương. Thầy rất mong giáo viên và phụ huynh học sinh sẽ yểm trợ cho nhau, sống chan hòa để cuộc sống luôn hạnh phúc. Từ đó sẽ tạo nên một môi trường ấm áp cho các em học sinh được lớn lên và phát triển con người của mình một cách toàn diện. Buổi chia tay thật cảm động và đầy tình thân.
Các em học sinh lớp 9-12 cũng có mặt trong buổi bế mạc và vài em đến nói với chúng tôi rằng các em rất tiếc đã không có cơ hội được sinh hoạt với chúng tôi. Các em có nhiều bài thi nên bị căng thẳng quanh năm và rất cần học cách thư giãn và cách chú tâm để làm việc có hữu hiệu hơn. Em học sinh đại diện toàn trường (president of the school) đã tranh thủ đến gặp một vị xuất sĩ để xin tham vấn. Anh trai của một người bạn của em vừa mới qua đời trong một tai nạn giao thông; bạn của em rất đau khổ và suy supj, nhưng em không biết phải nên làm gì để giúp bạn mình. Tuy chỉ thấy sự hiện diện của chúng tôi tại trường trong 3 ngày qua, nhưng em có niềm tin ở chúng tôi và chia sẻ những quan tâm sâu kín như vậy.
Khoá tu tại trường đại học và các buổi sinh hoạt khác
Ngoài 2 tuần sinh hoạt với các em học sinh, giáo viên và phụ huynh tại 2 trường Vassant Valley và Step by Step, chúng tôi cũng đã tổ chức một khoá tu 4 ngày cho các em nữ sinh trường đại học Lady Shri Lam, một ngày WakeUp cho người trẻ tại trường đại học Ambedkar và một ngày tu chánh niệm cho gia đình tại Trung tâm Quốc tế Ấn Độ (India International Centre). Tất cả các buổi sinh hoạt đều thành công viên mãn. Các em trẻ WakeUp trong phái đoàn của chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ về sự thực tập Năm Giới Quý Báu của các em và về phong trào WakeUp cho người trẻ đang diễn ra trên khắp thế giới.
Tất cả 4 em WakeUp đều đã tốt nghiệp đại học, và 1 em đang làm luận án để lấy bằng thạc sĩ (Master degree). Người trẻ Bhutan và người trẻ Ấn Độ rất cảm kích bởi sự hiện diện của những người trẻ phương Tây, vì thấy rằng dù họ có điều kiện vật chất đầy đủ, có bằng cấp và việc làm nhưng lại tình nguyện đi theo các thầy, các sư cô để tu học và giúp chia sẻ các phương pháp tu học chánh niệm.
Tình huynh đệ là hạnh phúc
Gia đình áo nâu của chúng tôi rất lớn và chúng tôi sống ở nhiều tu viện khác nhau trên khắp thế giới. Vì thế cho nên thỉnh thoảng được gặp lại trong các khoá tu, như trong chuyến đi Bhutan và Ấn Độ này, chúng tôi rất trân quý nhau. Chúng tôi thấy rõ mỗi người có mặt không phải chỉ để giúp hoằng pháp, mà chính chúng tôi cũng có được một khoá tu xuất sĩ với nhau. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi đã sống, tu học, làm việc và chia sẻ niềm vui với nhau rất hết lòng.
Trước khi bắt đầu những ngày sinh hoạt với các em học sinh tại New Delhi, chú Shantum đã dẫn chúng tôi đi thăm những thánh tích của Bụt. Chúng tôi đã ra sông Hằng trước khi mặt trời lên. Ngồi yên trên thuyền nhìn khối mặt trời hồng khổng lồ, thả những chiếc thuyền giấy bé tí có nến và cánh hoa, ngắm người dân cầu nguyện và trầm mình trong dòng sông là những giây phút thật bình an và thiêng liêng. Chúng tôi cũng đã dừng lại tại một nơi hoả táng sát bờ sông, lặng lẽ quan sát 5 cơ thể đang trong những giai đoạn thiêu tàn khác nhau, để thấy thân thể của chính mình và của anh chị em mình rồi cũng sẽ như vậy… Tại Bồ Đề Đạo tràng, chúng tôi đã ngồi lặng yên bên nhau hàng giờ trước cây bồ đề.
Khi về lại Delhi, sau mỗi ngày sinh hoạt, một nhóm chúng tôi tập khí công và một nhóm chuẩn bị thức ăn tối. Thức ăn Bhutan và Ấn Độ rất ngon, nhưng hầu như món nào cũng chiên hoặc có fromage. Các sư cô mua thêm rau quả, dùng 2 ấm nấu nước bằng điện nhỏ xíu để luộc rau và nấu canh. Những buổi ăn tối thật ấm cúng, nhất là khi chúng tôi được một đĩa rau luộc còn xanh rì chấm với xì dầu Maggi mang từ Pháp qua. Chúng tôi cũng có được những tô canh rau, canh bầu nóng hổi, rắc lên một nắm hạt thông đem từ Mỹ qua và cảm thấy “ở khách sạn 5 sao cũng không được ăn ngon bằng chúng tôi”.
Sau buổi ăn tối, chúng tôi ngồi lại chia sẻ về niềm hạnh phúc và những điều đã học hỏi được trong những ngày qua cho nhau nghe. Tuy việc chia sẻ cần nhiều thời gian, nhưng ai cũng được nuôi dưỡng và thêm năng lượng; chúng tôi cũng rút kinh nghiệm để làm tốt hơn ngày hôm sau. Ai cũng hoan hỷ đứng vào vị trí của mình, thay phiên nhau thỉnh chuông, hướng dẫn thiền hành, thiền ăn, thiền buông thư, cho pháp thoại, v.v… Các em cư sĩ giúp quay phim, giới thiệu về phong trào Wakeup, thuyết trình Năm Giới và hướng dẫn thiền buông thư.
Chuyến đi dài 6 tuần và có rất nhiều sinh hoạt nên chúng tôi không tránh được sự mệt mỏi. Chúng tôi ngủ ngon lành trong những buổi thiền buông thư, dù các em nhỏ nằm chật quá nên có khi gác tay gác chân lên người của chúng tôi. Hoặc có khi vừa nằm xuống đã nghe tiếng chuông, mở mắt ra thấy các em đã ngồi dậy và đang nhìn mình chằm chằm.
Tất cả rồi cũng đi qua, chỉ còn lại những kỷ niệm thật đẹp trong lòng của mỗi chúng tôi. Chuyến đi Bhutan và Ấn Độ giúp cho chúng tôi thấy rõ hơn không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường. Mỗi giây phút sống trong tỉnh thức, biết trân quý những gì đang có mặt trong tự thân và chung quanh mình là một giây phút hạnh phúc. Tình huynh đệ thật sự là thứ hạnh phúc vô giá, đã nuôi chúng tôi lớn lên, để chúng tôi có thể đồng hành với nhau và đi trên những con đường rộng lớn hơn.
Thầy Chân Pháp Dung (Nguồn: Làng Mai, Pháp quốc)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |