Chi tiết tin tức

Nhà sư nhà doanh nghiệp

10:42:00 - 21/10/2015
(PGNĐ) -  Xưa nay ở Việt Nam chỉ thấy nhà doanh nghiệp đi tu chứ mấy ai thấy nhà sư đi làm doanh nghiệp; thế mà đó lại là câu chuyện có thật về một nhà sư, một doanh nhân, một nhà khoa học mà khi nói tới tên ông nhiều người không ngớt lời thán phục. Nhưng để được những lời ca ngợi thán phục ấy, cuộc đời ông đã thấm đẫm nước mắt, mồ hôi và những ưu tư vất vả. Ông là nhà sư Thích Huệ Đăng, Giám đốc Công ty Hoa lan Thanh Quang, người được trao giải sáng chế độc quyền công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô ”… Tên đời của ông là Nguyễn Văn Sáu.

Ông sinh năm 1940 tại Sài Gòn (nay là TP.HCM), năm lên chín tuổi, mẹ qua đời, ba năm sau cha đi theo mẹ. Do gia cảnh khó khăn, từ nhỏ ông đã phải lăn lộn kiếm sống, thường nương nhờ cửa chùa, bởi thế mà có cơ duyên với Phật pháp từ rất sớm. Nhưng cho tới trước năm 1975, ông chỉ là cư sĩ, tu tại gia với đạo hiệu Thanh Quang; mãi tới năm 36 tuổi mới tìm tới chùa Long Thiền, Đồng Nai và xuất gia với Hòa thượng Thích Huệ Thành (sau này là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam), được ban pháp hiệu Huệ Đăng. Năm 1978, ông thọ giới Sa-di rồi về tu học ở núi Cấm, Châu Đốc, An Giang. Năm 1980, ông xuống núi hành Phật sự. Năm 1984 ông được thọ giới Tỳ-kheo, rồi lên núi La Bá, Đơn Dương, Lâm Đồng tu tập ba năm. Năm 1994, ông tham dự lớp Giảng sư hoằng pháp khóa Thiện Hoa do Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức tại TP.HCM, tốt nghiệp năm 1997. Năm 1999, ông du học tại Ấn Độ, dự khóa đào tạo chuyên về Sanskrit; khi về nước, ông làm Giảng sư Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Năm 2001, ông tiếp tục học khóa Cao cấp giảng sư của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, từ đó ông là Giảng viên Cao đẳng Chuyên khoa Phật học và là Ủy viên Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Vào năm 1987, ông lên Đà Lạt lập một tịnh thất nhỏ để tu tập. Với bản tính quý trọng và ham lao động, lại thấm nhuần quan niệm người tu sĩ phải tự làm để nuôi sống bản thân như lời dạy của Thiền sư Bách Trượng “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” (một ngày không làm, một ngày không ăn), ông đã quyết tâm làm kinh tế tự nuôi thân để tu học Phật đạo. Từ vốn thực tế có được, với tầm nhìn xa rộng và lòng yêu thiên nhiên, ông đã chọn nghề trồng địa lan, một loài hoa theo ông là rất hợp với đất Đà Lạt, mặc dù lúc đó những người trồng lan ở nơi này hầu hết đã bỏ nghề vì thị trường trong nước chưa phát triển, thị trường xuất khẩu hoa sang Liên Xô và các nước Đông Âu không còn nữa. Tin ở hướng đi đúng, dù khó khăn, ông quyết tìm tòi học hỏi về cách trồng hoa lan và bắt đầu bán hoa lan để lấy tiền âm thầm làm Phật sự kể từ năm 1990.

Năm 1994, khi tham gia khóa Giảng sư hoằng pháp tại TP.HCM, ông theo học dự thính về phương pháp cấy mô hoa lan tại Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp Giảng sư Phật học, ông trở về Đà Lạt thực nghiệm những kiến thức học được. Có kiến thức cùng với kinh nghiệm thực hành, ông dần hình thành cơ sở nghiên cứu và trồng hoa lan, vừa nghiên cứu bảo tồn các loài lan quý tại Việt Nam, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều Phật tử quanh vùng. Ông đã thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa lan Thanh Quang do chính ông làm Giám đốc, từng bước phát triển cả về quy mô lẫn uy tín trên thị trường, xuất khẩu hoa lan ra thị trường thế giới, nhất là Nhật Bản. Ông mở rộng việc nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia trồng hoa tiên tiến trên thế giới như Úc, Pháp, Hà Lan…, và tổ chức Trung tâm thực nghiệm nhân nuôi tế bào, thành viên Hiệp hội Cấy mô Đà Lạt. Với những kết quả nghiên cứu của mình, ông đã thực hiện thành công việc phát triển hoa hồng môn, đặc biệt là việc nhân bản và phát triển giống cây sâm quý của Việt Nam là cây sâm Ngọc Linh, Kon Tum mang về trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng.

Hiện tại, ngoài việc là một Giảng sư Cao đẳng Phật học, ông còn là Hội phó Hội Hoa lan Đà Lạt, hội viên Hội Doanh nghiệp Lâm Đồng. Năm 2007, ông được bình chọn là một trong 100 doanh nhân tiêu biểu của cả nước vì những đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam. Vào năm 2012, do thành công trong việc phát triển nhân bản vô tính giống sâm Ngọc Linh tại Đà Lạt, ông trở thành nhà khoa học đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô”. Năm 2013, ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (với sự hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ và Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trao “Kỷ lục Việt Nam về sở hữu trí tuệ 2013”.

Cuộc đời ông gắn với loài hoa lan rất đẹp nhưng đường ông đi thật gian khó vô cùng, với tuổi thơ sớm mồ côi mẹ, cha. Con đường tu học của ông cũng không  hề suôn sẻ. Vì một lý tưởng tu học Phật pháp, vì một triết lý sống phải gắn với lao động, vì niềm đam mê hoa lan và tình yêu đất Đà Lạt, ông đã chịu bao nhiêu dị nghị, chướng duyên. Vì yêu hoa lan, yêu lao động ông phải phát triển việc trồng lan; đến với hoa lan ông đã nếm trải bao nhiêu thất bại cay đắng. Ông trồng lan, nhưng nếu là nhà sư, là cá nhân, thì ai quan hệ với ông khi ông phải cần thuốc cần phân bón, cần vật tư,.., bởi vậy ông phải lập Công ty Hoa lan Thanh Quang do ông đứng tên làm Giám đốc để giao dịch, để quan hệ. Thế nhưng nhiều người không hiểu, cho rằng ông lợi dụng danh nghĩa nhà sư để làm kinh tế. Phát triển trồng lan, có sản phẩm bán được khá nhiều, có người cho rằng ông tích lũy để làm giàu cho cá nhân, mấy ai biết được ông nào có người thân thích ruột rà; khi ông đã xuất gia thì với ông, đồng đạo là quyến thuộc, bá tánh là người thân; mặt khác, cũng bởi vì tiền do ông làm ra nào ông phải báo ai, xin ai; vậy mà ông đã dùng số tiền sinh lời qua cần cù lao động ấy một phần tài trợ cho những trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi để giúp những đứa trẻ bất hạnh bởi thấm sự tủi khổ một thời qua tuổi thơ của mình, một phần dành in kinh sách âm thầm giúp các trường Phật học, phần đầu tư cho nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất, phần để giúp các Phật tử có việc làm có thu nhập và đào tạo các nhà khoa học trẻ,… Và nữa khi đã trồng lan, nghiên cứu trồng sâm Ngọc Linh thì ông đâu có thời gian để đi an cư tập trung cùng đồng đạo mà thay vào đó, ông phải tự học, tự tu để còn có thời gian chăm cây, hướng dẫn học trò kỹ thuật (nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam mỗi năm phải tập trung về một chùa, cùng nhau tu tập trong ba tháng, gọi là ba tháng an cư, hay ba tháng hạ, có tham gia an cư mới được công nhận tuổi đạo), vì thế nhiều năm ông không tham gia an cư và cũng nhiều năm ông không được tính tuổi hạ. Với Phật giáo địa phương, một số vị đã nói ông là nhà kinh doanh  “đội lốt” nhà sư. Ông ít được nhắc tới trong sinh hoạt của Phật giáo địa phương, đó là điều làm ông day dứt bởi thật ít người hiểu ông. Cô đơn trong đường Đạo, sự dồn nén khi đồng đạo nhìn ông với sự hoài nghi đã trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy ông trong con đường tự tu tập và nghiên cứu khoa học. Với quyết tâm và nghị lực ấy, khi mọi người biết tới vào lúc ông được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế với công trình “Quy trình trồng cây sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô” thì ông trở thành một hiện tượng lạ, một sự hy hữu trong xã hội, trong Phật giáo Việt Nam từ xưa tới nay bởi ông là nhà sư trở thành nhà khoa học, nhà khoa học thực nghiệm, nhà khoa học “tự học”, sản phẩm ông nghiên cứu và ứng dụng mang lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống, nhất là cuộc sống của người nghèo, người bệnh bởi giá trị của cây sâm Ngọc Linh. Điều mọi người kính nể hơn ở ông là vào đúng ngày nhận bằng sáng chế khoa học…, ông đã công bố gần bốn chục đầu sách với hàng vạn trang viết về thực hành, luận về kinh điển giáo lý Phật giáo, một công trình mà như ông nói: Ngày tu Phật trồng cây, đêm tu Phật viết sách trọn đời không một ngày ngơi nghỉ, thật là một công trình không dễ mấy người có được.

Ngày nhận bằng sáng chế, ông như đóa hoa tỏa ngát sắc hương. Ông được xác nhận là nhà sư thực thụ. Hòa thượng Thích Pháp Chiếu – Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng phát biểu trước diễn đàn đã xúc động nói: “Lịch sử Giáo hội Phật giáo Việt Nam kể từ hôm nay sẽ ghi vào trang vàng của mình khi lần đầu tiên có một vị tu sĩ trở thành nhà khoa học. Đây cũng là nhà khoa học duy nhất của Giáo hội cho đến lúc này được cấp bằng sáng chế độc quyền cho một công trình nghiên cứu khoa học”. Giữa rừng hoa chức mừng, trong những lời khen ngợi của mọi người, là ông, một ông già 75 tuổi. Rõ ràng ông phải là một người tu Phật thượng thừa thì ông mới có đủ trí để làm khoa học bậc cao như thế, mới có đủ sức để dịch và viết một khối lượng tác phẩm nhiều đến thế. Vậy phải chăng ông là một nhà sư “đội lốt” một ông nông dân, một doanh nhân, một nhà khoa học để hiện hữu trong thế gian này. Thật vui và cảm động khi trông ông rạng rỡ mà nước mắt chảy dài như trẻ thơ được trút đi nỗi buồn tủi, cô đơn: Ơn cha mẹ sinh thành, ơn thầy tổ dạy dỗ, ơn chúng sinh xã hội cưu mang, không uổng công âm thầm lặng lẽ bấy lâu nay, đường đi chọn đúng để có ích cho cuộc sống và đã được xã hội ghi nhận.

Giờ thì ông không còn là nhà sư đơn độc, ông trở thành nổi tiếng và lịch làm việc của ông gần như dảy đặc khiến ông không một ngày được ngơi nghỉ: Nào thuyết trình cho các công ty, các tập đoàn kinh tế, nào lịch giảng cho các trường Phật giáo, nào hội thảo khoa học, nào hoạt động từ thiện,… và bận bịu nhất là vườn Sâm, vườn Lan cứ vẫy lá đung đưa như níu ông về với vùng đất lành đã cho ông viên mãn. „■

 

BÙI HỮU DƯỢC

Tap Chí Văn Hóa Phật Giáo số 186

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin