Chi tiết tin tức Ashoka Mukpo - Người trở về từ vùng bệnh dịch Ebola 15:04:00 - 15/04/2015
(PGNĐ) - Ebola - loại virus gây ra dịch sốt xuất huyết kinh hoàng đã và đang khiến cả thế giới hoang mang. Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người mắc loại bệnh này có tỷ lệ tử vong cao tới 90%. Phát xuất từ Tây Phi, dịch bệnh Ebola đã lây lan một cách nhanh chóng và vượt ngoài khả năng kiểm soát, nhất là qua con đường du lịch. Hiện chưa có loại thuốc đặc trị cho loại bệnh nguy hiểm này.
Ashoka Mukpo, một nhà báo Phật tử làm việc cho Hãng thông tấn NBC trong khi tác nghiệp tại Liberia, một trong những ổ dịch bệnh bùng phát, đã bị virus Ebola xâm nhập cơ thể. Việc anh thoát khỏi bệnh dịch Ebola là điều kỳ diệu được quốc tế quan tâm. Sau đây là câu chuyện về những chuyển biến trong tâm anh, về những kinh nghiệm tu tập có ích như thế nào trong việc giúp anh vượt qua thử thách sinh tử mà anh phải đối mặt. Phỏng vấn do Andrea Miller thực hiện.
Từng sống tại Liberia trong hai năm, và giờ đây, ông quyết định quay lại nơi này, trong lúc cơn khủng hoảng Ebola đang bùng phát. Ông có cảm thấy sợ không? Sợ hãi là một cảm xúc dữ dội, nhưng chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi đó như một người Phật tử đã được chỉ dạy. Tôi đã cố gắng không để cho nỗi sợ hãi lấn át mọi hành động của mình. Đồng thời, điều quan trọng là bạn phải thật lý trí để bước qua nỗi sợ đó và đừng làm điều gì ngu ngốc. Mặt khác, sự sợ hãi đôi lúc lại là một lời nhắc nhở tốt cho con người. Rằng những gì chúng ta đang làm là nguy hiểm, hay chúng ta phải suy nghĩ cẩn trọng trước khi làm một việc gì. Tôi đã cố gắng sống thật lý trí và tìm cách để bảo vệ chính mình, khi đó tôi cố để bỏ lại nỗi sợ phía sau. Chuyện gì đã xảy ra ở Liberia khi ông đến đó vào hồi đầu tháng 9 (năm 2014)? Hầu như cả nước vẫn đang trong trạng thái bình thường. Bạn có thể lái xe qua Monrovia mà không cần phải đắn đo về dịch bệnh Ebola đang bùng phát, mọi người cũng không mấy bận tâm với những cảnh báo về dịch Ebola trên các bản tin hay chương trình radio. Đối với phần lớn người dân Liberia, cuộc sống nơi đây tiếp diễn một cách bình thường. Người ta vẫn dạo chơi, kiếm tiền, hay chăm sóc cho gia đình. Chỉ cần một chút điều chỉnh như: không chạm vào người người khác, hay cố gắng cảnh giác với người đang mắc bệnh và cả người không nhiễm bệnh. Để chứng kiến rõ hơn những gì đang xảy ra, bạn cần phải đi đến một trong những nơi điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola, và ở đó thật sự rất kinh khủng. Ngày đầu khi đến đó, tôi nhìn thấy nhiều xác người bệnh được đặt bên ngoài trung tâm điều trị, bởi có quá nhiều bệnh nhân cần được chăm sóc bên trong. Tôi cũng thấy những đứa trẻ đang bệnh đến mức chúng không thể gượng dậy được. Thật quá đau lòng. Sự tu tập Phật giáo của ông có giúp ích gì cho ông? Tôi nghĩ là thiền định – tôi vẫn luôn thực tập ngay cả khi đau ốm - giúp tôi mở rộng lòng mình để biết mình cần làm điều gì cho con người. Một phóng viên tốt là người biết cảm thông và có cái nhìn sâu sắc đối với điều kiện sống của con người. Vì vậy, nuôi dưỡng Phật giáo trong lòng mình có thể giúp ích cho những ai muốn trở thành một nhà báo tốt. Ông có nghĩ rằng Phật giáo giúp cho con người nảy sinh lòng nhân từ không? Thành thật mà nói thì không. Tôi không nghĩ rằng việc tu tập Phật giáo hay đạo Phật tạo cho con người nhiều lòng từ bi. Tôi cho rằng chúng ta cần có những mong muốn thiết thực để phát triển lòng trắc ẩn của chính mình. Phật pháp giúp cho con người mở mang trí tuệ và có tầm nhìn sâu sắc. Thông qua việc rèn luyện bằng cách suy nghĩ chậm lại và xem xét mọi thứ xung quanh, chúng ta có thể nhìn thấy mọi thứ đang diễn ra một cách rõ ràng hơn. Từ đó, lòng từ bi sẽ là chìa khóa để mở cửa cho trí tuệ. Tuy nhiên, chúng ta cần thật sự hướng đến lòng từ bi. Điều quan trọng là bạn phải nghĩ rằng người Phật tử chưa hẳn là người có lòng từ. Mà đôi khi những người bình thường, chưa từng được tiếp xúc với Phật pháp mới là những người giàu lòng trắc ẩn, chu đáo, vị tha. Và với tôi, đạo Phật chỉ cho ta công cụ để hình thành lòng từ bi, tự bản thân mỗi người phải thật sự mong muốn điều đó và biểu lộ theo cách riêng của mình. Vậy theo ông, mong muốn đích đáng ấy đến từ đâu? Tôi cho rằng, sự cảm thông đối với vạn vật là phẩm chất đáng quý của một con người. Nếu biết lắng nghe và có hiểu biết, chúng ta có thể tự xoa dịu nỗi đau của chính mình bằng cách học làm một người khoan dung. Nhưng, con đường đó không hề dễ dàng. Những vị thầy hay những người giàu lòng khoan dung đã khuyên tôi nên tự hình thành phẩm chất này trong chính bản thân mình. Người xuất gia thật sự là người có lòng từ trải khắp. Lần đầu tiên ông nghi ngờ mình bị nhiễm bệnh là khi nào? Sau một ngày dài làm việc với Hãng NBC, tôi bước lên xe và dường như ngã quỵ ra sau ghế. Tôi có cảm giác đau dữ dội dọc sống lưng. Về đến nhà, tôi đo nhiệt độ cơ thể ngay. Tôi thấy vạch thủy ngân cứ đi lên và cả thân nhiệt của tôi cũng bắt đầu tăng. Tim tôi đập mạnh cho đến khi vạch thủy ngân dừng lại ở mức 101,3 0F (38,50C). Tôi làm lại lần thứ hai và kết quả vẫn như vậy. Lúc đó tôi nhận ra mình đang gặp rắc rối lớn rồi. Ông đã phản ứng như thế nào trước kết quả đó? Thật sự lo lắng. Là một người Phật tử, chúng tôi tự rèn luyện cho chính mình đối mặt với những điều bất ngờ, nhưng quả thật lúc đó tôi đã không thể làm gì ngoài cảm giác hoang mang. Nhưng, trong khoảnh khắc đó, tôi chợt nhận rõ có những thứ quan trọng hơn mình cần làm. Và vì vậy, tôi không còn bị dao động. Tôi đi tẩy trùng từng cái nắm cửa quanh nhà để đảm bảo người bạn cùng phòng không bị lây bệnh khi anh ấy về. Tôi cũng gọi điện cho những người tôi yêu quý. Tôi làm những gì mình cảm thấy cần thiết trước và chuẩn bị cho những gì sắp phải đối mặt. Nhưng lúc đầu, tôi mất tự chủ vì nỗi sợ hãi và hối tiếc, thật không dễ để thoát ra khỏi những suy nghĩ đó. Chúng tôi thâm nhập pháp Phật và sẵn sàng để từ bỏ thân này. Nhiều năm qua chúng tôi được dạy để không sợ hãi trước cái chết. Nhưng với tôi - khi cái chết đang gần kề - tôi không còn nghĩ được gì khác hơn là muốn níu giữ cuộc sống này. Tôi không muốn chết. Tôi đã muốn được sống. Khi nào thì ông nhận được chẩn đoán chính xác? Ngay sáng hôm sau tôi đã phải đi đến trạm y tế, nơi có những y bác sĩ của tổ chức phi chính phủ nằm ở trung tâm ngoại ô Monrovia. Họ làm những xét nghiệm cho tôi trong một túp lều, tôi ngồi trên một cái cũi và bác sĩ bắt đầu lấy máu. Sáu tiếng sau, quay lại với bộ đồ và mặt nạ bảo vệ, họ thông báo rằng tôi có kết quả dương tính với Ebola. Đó là khoảnh khắc hoàn toàn trống rỗng. Không có một ý nghĩ hay ngôn từ nào hiện lên trong đầu tôi. Một cảm xúc mạnh mẽ vượt ra khỏi giới hạn của mình. Tình hình của tôi thay đổi hẳn. Cơn ác mộng tồi tệ đã thành sự thật và không còn làm gì hơn được. Ngay thời điểm đó ông có cầu nguyện Phật trong tâm không? Tôi chắc chắn rằng việc trở thành một Phật tử giúp cho tôi vững vàng hơn, nhưng tôi đã không còn nhiều lý trí để làm việc đó. Không phải là trong thời điểm đó. Có quá nhiều thứ tôi cần phải làm. Tôi cần gọi điện thoại. Tôi cần chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng. Khi cái chết đến gần, nó tạo ra nỗi buồn và sự luyến tiếc, nỗi đau và khủng hoảng. Tôi biết điều cần làm lúc này là phải bình tĩnh, vì cần phải giữ sức cho quá trình chữa bệnh. Ban đầu, tôi cố gắng quan tâm về cơ thể cũng như môi trường xung quanh mình, nhưng tôi nhận thấy điều tồi tệ trước mắt là cơ thể của tôi đau nhiều hơn và tình hình xung quanh khó khăn đến mức tư tưởng xấu trong tôi khó có thể lắng xuống được. Trong một khoảnh khắc, tôi dừng lại những suy nghĩ tiêu cực và bắt đầu hình dung về Bồ-tát Kim Cương (Vajrasattva, trong Kim Cương thừa, ngài là hiện thân của sự tinh khiết). Đó là sự thực hành chủ yếu tôi làm mỗi giờ trôi qua. Tôi hình dung về Vajrasattva ở trên tôi và luôn niệm tên ngài. Vajrasattva có tác dụng chữa lành và xoa dịu nỗi đau. Tôi nhận ra tâm mình được yên tĩnh. Điều đó giúp tôi cân bằng khí huyết. Trường hợp của ông nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế… Tôi rất cảm động trước tình cảm mà tôi nhận được từ những người tôi đã không được gặp mấy năm nay, cũng như những người tôi chưa bao giờ gặp. Tình yêu mà tôi nhận được từ cộng đồng Phật giáo của tôi, bạn bè, người quen, và các đồng nghiệp thật sự là điều đặc biệt. Nó làm tôi cảm phục mọi người. Bạn không thể nhận thấy vẻ đẹp thật sự của một con người chỉ đến khi bạn gặp khó khăn. Trải qua việc lần này, ông có sự thay đổi nào trong tư tưởng của mình về sự tu tập không? Kinh nghiệm đó đã làm tôi hiểu tầm quan trọng của Phật giáo. Khi tôi mắc bệnh và đối mặt với thực tế là mình có thể chết, những suy nghĩ liên tục xuất hiện trong tâm trí tôi: “Tôi ước gì mình dành nhiều thời gian hơn vào Phật pháp”. Kinh Phật dạy nói rằng sinh làm người là một cơ hội quý giá và chúng ta may mắn khi được tiếp xúc với các giáo pháp. Tôi hy vọng càng về sau, tôi sẽ có thể trau dồi việc thực hành của tôi từ tăng nhân và bạn bè, và có thể chăm sóc tốt hơn cho những người xung quanh mình. Ông có muốn quay trở lại Liberia không? Tôi đã nhận ra việc tôi sống sót như thế này mang lại một sự kết nối cho nhiều người, những người đang cố gắng sống sót khỏi con virus này, và tôi hy vọng có thể giúp đỡ cho họ. Vì vậy, tôi không biết khi nào, và tôi cũng không nói trước, nhưng một lúc nào đó tôi sẽ trở lại Liberia. Giao Hảo lược dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |