Chi tiết tin tức Loạt bài kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963: Bài 3 - Đạo dụ số 10 17:17:24 - 24/07/2013
(PGNĐ) - Để có được một vị trí xứng đáng, dù là nhỏ nhất, chư tôn đức và tăng ni Phật tử ngày ấy đã phải hy sinh rất nhiều để ngày nay chúng ta được thừa hưởng.
Để có được một vị trí xứng đáng, dù là nhỏ nhất, chư tôn đức và tăng ni Phật tử ngày ấy đã phải hy sinh rất nhiều để ngày nay chúng ta được thừa hưởng. Đạo Dụ số 10 được ban hành ngày 6/8/1950 dưới thời Bảo Đại làm Quốc trưởng. Dụ này có tất cả 5 chương 45 điều, quy dịnh tổ chức và thành lập các hiệp hội. Trong đó điều khỏa 44 có quy định "Chế độ đặc biệt dành cho các hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo và Gia Tô, các Hoa kiều Lý Sự Hội, sẽ được ấn định sau”, đặt các Hôi Truyền giáo Thiên Chúa Giáo, Gia Tô, các Hoa kiều Lý Sự Hội ra khỏi sự điều chỉnh của đạo dụ này. Tiếp theo sau đó, ngày 19/11/1952 lại ban tiếp dụ số 24 sửa đổi dụ số 10 liên hệ đến các hội thanh niên, thể thao. Chưa dừng lại ở đó, ngày 3/4/1954 lại ban hành tiếp dụ số 6, cũng nằm trong mục đích bổ túc, hoàn chỉnh các mưu đồ nơi dụ số 10. Ngay trong điều thứ nhất của dụ số 6 này, phơi bày lộ liễu thâm ý hơn khi điều khoản 44 của dụ số 10 vừa nói trên chính quyền thời đó tưởng đã bắt chẹt thành công Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, như sau “Điều thứ 13 của dụ số 10 ngày mồng 6 tháng tám dương lịch năm 1950 ấn định quy chế hiệp hội được bổ túc như sau đây: Các giới thẩm quyền đã ban phép thành lập cho các hiệp hội có thể ra lệnh khai trừ một hay nhiều nhân viên trong ban quản trị hiệp hội ấy mà không cần phải cho biết vì lẽ gì. Hiệp hội nào bất tuân lịnh ấy phải bị giải tán của giới thẩm quyền vừa kể ở khoản trên.” Không khó khăn để chúng ta nhận ra dụng ý trơ trẽn này; có nghĩa là đối với bất kỳ tu sĩ của Hội Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo hay Cao Đài nằm trong đó, có thể bị chính quyền khai trừ bất kỳ lúc nào mà không cần biết lý do. Giáo sư Cao huy Thuần trong cuộc phỏng vấn của báoThời Đại Mới ngày 30/4/2011, có nhận định về dụ số 10 như sau: Buồn cười không thể tưởng tượng về cái Dụ số 10: Dụ này không xem Phật giáo như một tôn giáo mà chỉ như một hiệp hội, ngang hàng với các hiệp hội từ thiện, mỹ nghệ, tiêu khiển, thể thao! Tôn giáo chỉ có một mà thôi, là Thiên Chúa giáo vì Thiên Chúa giáo không nằm trong Dụ số 10…”. Tưởng cũng cần nhắc lại sự việc Bảo Đại và Tổng Thống Vincent Auriol của nuớc Cộng Hòa Pháp đã cùng nhau ký Thỏa Ước Việt-Pháp tại Điện Élysée ngày 8/3/1949, ngay trong khoản 1 có ghi :”Sự cai trị các sắc dân không phài là người Việt nam… sẽ được cứu xét bằng quy chế riêng… Các quy chế này phải được thỏa thuận của Đại diện Chính Phủ Cộng Hòa Pháp Quốc, vẫn còn có trách nhiệm đối với họ.” Theo nhà nghiên cứu Bảo Quốc Kiếm vạch trần điều này rằng: "Từ trong ý thức sâu thẳm của đoạn văn trên đây đã xác nhận rằng THIÊN CHÚA GIÁO KHÔNG PHÀI LÀ CỦA NGƯỜI VIỆT NAM. Cũng từ bản văn này cho thấy Bảo Đại chỉ là một tay sai giặc Pháp để đàn áp các tổ chức người Việt…” (Có ý kiến cho rằng lúc này Giáo Hội Công Giáo Việt Nam đang đặt dưới quyền của Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris) của Pháp cho nên có riêng quy chế do Pháp ấn định?). Ngô Đình Diệm được Bảo Đại cử giữ chức Thủ Tướng năm 1954 thay nội các Bửu Lộc, chỉ sau một năm (ngày 23/10/1955) đã lật đổ Bảo Đại bằng một cuộc trưng cầu ý dân có sắp đặt, ba ngày sau tuyên bố thành lập cái gọi là nền đệ nhất cộng hòa do chính ông làm Tổng Thống lâm thời, xóa bỏ tất cà các văn kiện pháp quy nhưng tuyệt nhiên vẫn giữ lại Dụ số 10 ! Vì sao vậy? Đó là câu trả lời rất dài bằng chính sinh mạng của cả một dòng tộc họ Ngô mà ai cũng đã biết và nhìn thấy. Từ Dụ số 10 ấy, họ Ngô không ngần ngại củng cố thêm quyền lực và vây cánh, thay nhau làm diễn viên của những vở tuồng Cần Lao Nhân Vị, Từ Thiện quyên góp giả mạo, những vở diễn mà cho đến tận hôm nay vẫn có người còn hoài vọng về một chân dung Cụ Ngô hoàn hảo mà Dụ số 10 với những mánh khóe lộ liễu, tàn độc vv… vẫn chưa làm sáng mắt sáng lòng, vẫn cón ra sức dè bỉu những ai chống đối việc làm kệch kỡm (Dụ số 10) này . Buồn cười nhất có “phản biện” lạc lõng, ngây ngô cho rằng Dụ số 10 là do “Phật Tử” ký ban hành (ý nói Bảo Đại) trước cơn lốc lịch sử ngày càng rõ thêm nhiều tình tiết của chế độ Diệm - Nhu. Không nói ra đây hẳn chúng ta cũng thừa biết những ai cho đến tận bây giờ vẫn còn cay cú tuôn ra những luận điệu ấy, ngay như công hạnh cao cả của Bồ Tát Quảng Đức cũng bị xuyên tạc (Có một comment nói rằng việc tự thiêu như vậy là vi phạm luật pháp …nước Mỹ!!). Phật giáo Việt nam là người đầu tiên phài gánh lấy hệ quả khắc nghiệt của Dụ số 10, hơn ai hết chính Phật giáo mới có quyền nói với lịch sử về điểu đó. Ít ai thấy ra rằng từ trong vòng kềm hãm của Dụ số 10 tủi nhục, Phật giáo Việt Nam ngay từ lúc hợp nhất, năm 1951 vẫn không dùng được chữ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO đuờng hoàng mà phài ngậm ngùi gọi TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM !
Vậy đó mà trong cuộc đấu tranh Bi Hùng Lực năm 63, ngày 10/5, Phật giáo Việt Nam lại chỉ nêu ra Năm Nguyện Vọng hết sức bình thường, không chỉ cho riêng mình, mà lẽ ra mình phài được hưởng gấp trăm lần như thế : 1. Yêu cầu chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện cấm treo cờ tôn giáo nơi công cộng. 2. Yêu cầu Phật giáo phài được hưởng một chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa Giáo đã được ghi trong Đạo Dụ số 10. 3. Yêu cấu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ và khủng bố tín đồ Phật giáo. 4. Yêu cầu cho tăng ni Phật tử được tự do truyền đạo và hành đạo 5. Yêu cầu chính phủ bồi thường thích đáng cho những người chết oan vô tội và kẻ chủ lưu giết hại phải bị xét xử. Vì vậy, khi Phật giáo Việt Nam được định hình và chính đáng được xướng danh GIÁO HỘI PHẬT GIÁO, có tổ chức, quy mô tầm vóc và chặt chẽ, thì chính mùa Phật Đản huy hoàng 2508-1964, Giáo hội nhận được Sắc Lệnh 158/SL/CT ngày 14/5/1964 của Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng Kiêm Thủ Tướng Chánh Phủ - Nguyễn Khánh. Trong đó, điều 5 nêu rõ: “Dụ số 10 ngày 6 tháng 8 năm 1950 cùng các luật lệ trái với sắc luật này, không áp dụng đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.” Niềm tự hào chung của người con Phật, nhắc lại chuyện xưa là để chúng ta thấy rằng để có được một vị trí xứng đáng, dù là nhỏ nhất, chư tôn đức và tăng ni Phật tử ngày ấy đã phải hy sinh rất nhiều để ngày nay chúng ta được thừa hưởng. Chuyện Dụ số 10 dù có còn hay đã mất kể từ lúc thể chế Ngô Đình sụp đổ không còn quan trọng mà quan trọng hơn Phật giáo Việt Nam đã có được vị thế của hai ngàn năm lịch sử cùng dân tộc kể từ khi đó. Năm mưoi năm qua rồi. (Có tham khảo từ các tài liệu của Wikipedia Tiếng Việt – Bảo Quốc Kiếm - Trấn Gia Phụng và Hoàng Nguyên Nhuận).
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |