Chi tiết tin tức

Trái tim bất diệt

17:17:24 - 24/07/2013
(PGNĐ) -  Sau tuần lễ Phật Đản sanh với không khí đầy hân hoan phấn khởi, Phật Tử chúng ta không ai lại không nhớ đến một ngày lễ cũng không kém phần quan trọng, đó là ngày lễ tưởng niệm cố Hoà Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức, vị Pháp thiêu thân trong mùa Pháp nạn năm 1963 vào thế kỷ trước – ngày 20.04.Nhuận năm Quý Mão - 11.06.1963.
image

Sau tuần lễ Phật Đản sanh với không khí đầy hân hoan phấn khởi, Phật Tử chúng ta không ai lại không nhớ đến một ngày lễ cũng không kém phần quan trọng, đó là ngày lễ tưởng niệm cố Hoà Thượng Bồ Tát Thích Quảng Đức, vị Pháp thiêu thân trong mùa Pháp nạn năm 1963 vào thế kỷ trước – ngày 20.04.Nhuận năm Quý Mão - 11.06.1963.

Thật vậy, trở về quá khứ, cách đây vừa đúng 50 năm, mùa Phật Đản Phật Lịch 2507 (1963), một sự kiện trọng đại của Phật Giáo Việt Nam đã xảy ra: “Toàn thể Tăng Ni Phật Tử Việt Nam, sau thời gian dài bị chèn ép đã nhất tề đứng dậy theo lời kêu gọi của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tranh đấu đòi nhà cầm quyền thời bấy giờ là Chính phủ Ngô Đình Diệm thực thi quyền bình đẳng tôn giáo”.

Như thường lệ hàng năm, cứ mỗi lần lễ Phật Đản về là toàn thể đồng bào Phật Tử miền Nam từ sông Bến Hải – thuộc tỉnh Quảng Trị – đến đất mũi Cà Mâu nói chung và Phật Tử Thừa Thiên Huế nói riêng đều trang hoàng cờ đèn tại tư gia cũng như Chùa chiền để đón mừng lễ từ ngày 08.04 đến 15.04 Âm Lịch.

Tuy nhiên, không như mọi năm, năm ấy (1963), Chính Phủ Ngô Đình Diệm lại đột ngột gởi công điện khẩn cho chính quyền tỉnh Thừa Thiên và Thành phố Huế ra lệnh cho cảnh sát triệt hạ cờ Phật Giáo tại các nhà Phật Tử trước đó một ngày, nghĩa là vào ngày 07.04.Âm Lịch. Thường thường phần lớn Phật Tử năm nào cũng trang hoàng nhà cữa bằng cờ đèn xong trước ngày khai mạc tuần lễ Phật Đản một hai ngày, thậm chí có nơi cịn trang hoàng trước cả tuần lễ, nghĩa là vào những ngày đầu tháng 04.Âm Lịch.

Trước việc làm đột ngột và ngang trái của nhà cầm quyền, Phật Tử hết sức bất bình và hoang mang nên đã trình báo lên các cấp Giáo Hội can thiệp với Chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết giữa Giáo Hội và Chính quyền không đưa đến đâu. Do vậy lễ vẫn được tiến hành nhưng trong không khí hết sức căng thẳng, ngột ngạt.

Sau buổi lễ, cũng như thường lệ hàng năm, vào tối Rằm tháng Tư, đài phát thanh Huế phát thanh lại buổi lễ đã được cử hành trước đó vào buổi sáng tại Chùa Từ Đàm để cho Phật Tử nghe.

Nhưng khác với mọi năm, đêm hôm ấy đến giờ phát thanh mà không ai nghe động tĩnh gì về chương trình ấy cả. Do đó Phật Tử kéo đến đài phát thanh để hỏi. Phật Tử đến càng lúc càng đông và đòi hỏi Ban Giám Đốc đài phát thanh cho phát thanh lại chương trình buổi lễ như thường lệ mọi năm, nhưng không được đáp ứng.

Sau đó không lâu Chính quyền điều động Quân Đội, Cảnh Sát kể cả xe tăng (Tank) đến đàn áp dã man. Kết quả là có tám (8) Phật Tử bị chết, đều là đoàn sinh Oanh Vũ và rất nhiều người khác bị thương.

Đây là giọt nước làm tràn ly mà Chính Phủ Ngô Đình Diệm đã đẩy Phật Giáo vào con đường  bắt buộc phải tranh đấu vì quyền bình đẳng tôn giáo đối với tôn giáo của mình.

Chúng ta cũng cần nên biết, trước đó đã một thời gian khá dài, Chính Phủ theo Thiên Chúa Giáo Ngô Đình Diệm đã có những chèn ép Phật Giáo bằng những hình thức như bắt Phật Tử cải đạo theo Thiên Chúa Giáo, vu khống bằng bất cứ duyên cớ gì và bắt bớ, giam cầm. Các hành động nầy đã được Giáo Hội lập hồ sơ và đệ trình lên Chính Phủ và Quốc Hội nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Trước các sự kiện xẩy ra dồn dập kể trên, gần nhất là trong mùa Phật Đản nầy nên Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã phát động cuộc tranh đấu đòi hỏi Chính quyền phải thực thi bình đẳng tôn giáo, phải cho treo cờ Phật Giáo trong các buổi lễ tại Chùa cũng như tư gia, bồi thường cho các nạn nhân đồng thời xét xử nghiêm minh và thích đáng đối với các cấp Chính quyền có trách nhiệm trong vụ đàn áp.

Thế là từ sông Bến Hải (Quảng Trị) đến mũi Cà Mâu, Tăng Ni Phật Tử đã nhất tề đứng lên tranh đấu theo sau lời kêu gọi của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Không những Tăng Ni Phật Tử mà cả những đồng bào các giới, nhất là sinh viên, học sinh, thậm chí các Linh Mục và tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng tham gia ủng hộ.

Những cuộc biểu tình tuần hành, những cuộc tuyệt thực, những buổi tụng kinh cầu nguyện diễn ra khắp nơi trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam, không khí sục sôi quyết liệt. Trước làn sóng tranh đấu của Tăng Ni Phật Tử và đồng bào các giới tham gia ngày càng đông, Chính quyền ra sức đàn áp không nương tay, việc bắt bớ tù đày xảy ra như cơm bữa.

Trước tình cảnh ấy, để góp thêm sức mạnh cho cuộc tranh đấu, Hoà Thượng Thích Quảng Đức, Trụ Trì Chùa Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận, Sài Gòn đã phát tâm làm đơn xin Giáo Hội được tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và cầu nguyện cho Chính Phủ Ngô Đình Diệm sớm thức tỉnh để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của Phật Giáo hầu tránh cho Quốc Gia những tổn hại đáng tiếc.

Sáng ngày 11.06.1963 nhằm ngày 20.04.Nhụận năm Quý Mảo, tại ngã tư đường Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu, trước sự chứng kiến của hàng trăm Tăng Ni Phật Tử, đồng bào các giới và các phóng viên báo chí, phát thanh truyền hình trong nước và Quốc Tế, Hòa Thượng Thích Quảng Đức an nhiên tỉnh tọa trong ngọn lửa Đại Hùng bốc cao theo tiếng niệm Phật hộ niệm của Tăng Ni Phật Tử.

Đây chính là thông điệp “Ngọn Lửa Từ Bi” của Ngài được truyền đi cho nhân dân trong nước cũng như nhân loại trên khắp thế giới.

Vì vậy, sau đó cuộc tranh đấu của Phật Giáo Việt Nam đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc can thiệp bằng cách gởi một phái đoàn qua Việt Nam điều tra sự việc.

Đặc biệt sau khi thiêu thân, trái tim của Ngài không bị thiêu huỷ mặc dù đã đốt bằng loại xăng Super do các phóng viên nước ngoài thực hiện và cả dòng điện 4.000 (bốn ngàn) độ C do các chuyên viên Chính Phủ tiến hành.

Thật là một sự kiện hết sức hy hữu làm chấn động địa cầu, thức tỉnh luơng tâm nhân loại.

Đối với Phật Tử chúng ta thì “Trái Tim Bất Diệt” ấy là kết tinh của Từ Bi, Trí Tuệ, Hùng Lực và Hạnh Nguyện của một vị Bồ Tát tại thế vị Pháp thiêu thân.

Ngoài Bồ Tát Hoà Thượng Thích Quảng Đức ra, còn có các Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni và Phật Tử khác như Tiêu Diêu, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Thanh Tuệ, Thanh Quang, Diệu Quang v.v… noi gương của Ngài cũng đã tự thiêu, góp phần lớn lao vào sự thành công của cuộc tranh đấu.

Ngày 01.11.1963, khi cuộc tranh đấu của Phật Giáo và sự đàn áp của nhà cầm quyền đến hồi quyết liệt, thì Quân Đội đã đúng lên lật đổ Chính Phủ độc tài gia đình trị của ong Ngô Đình Diệm, đem lại tự do cho đồng bào Phật Tử nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Tăng Ni Phật Tử được Chính quyền mới trả tự do với niềm hạnh phúc vô hạn.

Mùa An Cư Kiết Hạ năm ấy không diễn ra như truyền thống, trái lại thời gian ba tháng an cư của chư Tăng Ni là những ngày dài xuống đường biểu tình tranh đấu đầy gian nan hoặc bị giam trong nhà tù.

Cuộc tranh đấu thành công đem lại sự phấn khởi cho Tăng Ni Phật Tử nói riêng và đồng bào các giới nói chung, mở ra một kỷ nguyên mới cho Quốc Gia Dân Tộc, cho Phật Giáo Việt Nam: “Kỷ nguyên Tự Do và Bình Đẳng”, kết thúc cuộc tranh đấu đầy gian nan nhưng anh dũng  và cũng kết thúc một chế độ độc tài gia đình trị phân biệt và đàn áp Phật Giáo.

Kể từ đây Tăng Ni Phật Tử lại trở về Chùa, về nhà tiếp tục sự nghiệp tu hành và đđời sống bình thường của mình và GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT cũng đã ra đời từ bối cảnh ấy.

Viết theo ký ức
Mùa Phật Đản Phật Lịch 2557
Năm Quý Tỵ – 2013

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin