Chi tiết tin tức Đi tìm Đức Di lặc 19:26:00 - 16/02/2016
(PGNĐ) - Đức Di-lặc còn được gọi là Từ Thị, là bậc có tâm từ, đấng đại diện cho tâm từ. Chúng ta thấy hóa thân của Đức Di-lặc trong thế gian là hình ảnh của tâm từ.
Đời sống của chúng ta dường như không tách rời với những “câu chuyện ngày xưa”. Nghe một bản nhạc, đọc một lá thư, nhìn một cơn mưa, bắt gặp một tia nắng… cũng có thể đưa chúng ta về những câu chuyện ngày xưa. Có những câu chuyện ngày xưa chúng ta muốn lưu giữ, ôm ấp; cũng có những câu chuyện ngày xưa chúng ta muốn xóa bỏ, lãng quên. Có những câu chuyện ngày xưa tạo sự thanh bình, kết nối, đưa đời sống đi tới; cũng có những câu chuyện ngày xưa làm cho đời sống tù đọng hay đổ vỡ… Nhưng dù thế nào, muốn lưu giữ hay xóa bỏ, tạo sự kết nối hay gây sự chia lìa… những câu chuyện ngày xưa như vẫn nằm đâu đó trong ký ức của chúng ta. Khi gặp nhân duyên thích hợp, những câu chuyện ngày xưa lại hiện ra trong cuộc sống của chúng ta dưới nhiều hình trạng. Một giấc mơ, một lời nói, một cử chỉ, một hành động, một phản ứng, một ý nghĩ thoáng qua, một kỷ niệm chợt về… đều là kết quả của những “câu chuyện ngày xưa” từ chỗ sâu thẳm nào đó trong ký ức chúng ta đúc thành. Thật sự, những “câu chuyện ngày xưa” không bao giờ mất đi mà được cất chứa vào một cái kho đặc biệt trong Tâm của mỗi chúng ta. Cái kho đó theo Tâm lý học ngày nay được gọi là Tiềm thức hay Vô thức. Mặc dù mục đích khác với Tâm lý học, đạo Phật cũng đi trên con đường truy tìm cái Tâm. Và một trong những kết quả của sự truy tìm đó là giáo lý Duy thức. Theo giáo lý Duy thức, mọi hiện tượng trong tâm và ngoại giới đều do tám yếu tố, được gọi là tám thức tạo nên. Tám yếu tố đó là: Cái biết của mắt, Cái biết của tai, Cái biết của mũi, Cái biết của lưỡi, Cái biết của thân, Cái biết của ý, Cái biết chấp ngã, và Kho chứa mọi khả năng hiện hữu của một chúng sanh. Nói theo danh từ chuyên môn, đó là tám thức được đặt tên theo thứ tự là: Nhãn thức, Nhĩ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt-na thức, và A-lại-da thức hay Tàng thức. A-lại-da chứa đựng mọi hạt giống để tạo nên đời sống của chúng ta. Không nhị nguyên, không hữu ý và không phân biệt, nó vận hành như là một chủ thể đáp ứng cho những hoạt động trong quá khứ. Với khuynh hướng sinh sôi một cách vô thức, nó tiếp nhận những chất liệu từ Mạt-na thức và Ý thức, cùng với những hạt giống có sẵn, tạo ra mọi hiện tượng, mọi cảnh giới trong đời sống chúng ta. Mạt-na thức – thức thứ bảy – là thức chấp ngã. Mặc dù tùy thuộc vào A-lại-da, nó coi A-lại-da là sở hữu, kéo A-lại-da theo hướng chấp ngã của nó, đặt vào A-lại-da những tính chất của một cái ngã có thật. Vì vọng tưởng chấp ngã, Mạt-na cũng ngăn che chúng ta, ngăn che mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý không cho thấy được tánh chân thật của đời sống. Ý thức – thức thứ sáu – có chức năng nhận thức. Cùng với năm thức ngoài cùng là Thấy, Nghe, Nhận mùi, Nhận vị, Nhận xúc chạm, nó nhận thức về thế giới hiện tượng, lấy sự biểu hiện của năm uẩn – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – làm đối tượng. Hoạt động của nó là khảo sát, quyết định và hành động, đưa vào A-lại-da những hạt giống thiện và bất thiện do sự quyết định và hành động của nó. Mạt-na thức và Ý thức không ngừng đưa vào A-lại- da thức những hạt giống mới. Trong khi đó, A-lại-da thức cũng liên tục tác động vào Mạt-na, Ý thức, và năm thức ngoài cùng. Vì hoạt động tạo nghiệp của bảy thức trước, A-lại- da triển khai những hạt giống nghiệp tác động lên ba cảnh giới của đời sống là dục, sắc và vô sắc. A-lại-da tự nó cũng chứa đựng những hạt giống thanh tịnh làm nguồn lực thúc đẩy chúng ta hướng về mục tiêu giác ngộ. Sự giải thoát cuối cùng khỏi tiến trình nghiệp là khi tất cả những hạt giống nhiễm ô trong A-lại-da được thay thế bằng những hạt giống trong sạch. Khi đó Thức chuyển thành Trí, phân biệt chuyển thành vô phân biệt, Tâm trở về với trạng thái ban đầu – Nhất như hay Chơn tâm. Như vậy, mọi hiện tượng xảy ra trong đời sống đi qua một mạng lưới nhân duyên phức tạp, mà mọi sự rắc rối là do sự chấp ngã của Mạt-na. Và sự giải thoát khỏi những rắc rối đó tùy thuộc vào sức mạnh và ý chí của Ý thức. Mục tiêu của người Phật tử là thể nghiệm được Thực tại, ra khỏi vô minh để giải thoát khổ đau cho mình và cho người. Có hai con đường chính để đến được với Thực tại. Đó là con đường Duy thức và con đường Trung quán. Có thể nói tất cả các pháp môn tu tập của đạo Phật Đại thừa đều được xây dựng trên tinh thần của một hoặc cả hai nền tảng đó. Truyền thuyết nói rằng ngài Vô Trước (Asanga) trong nhiều năm tu tập thiền định miên mật đã đến cung trời Đâu-suất (Tusita) để tu học với Bồ-tát Di-lặc (Maitreya), và giáo lý Duy thức được Đức Di-lặc truyền cho ngài. Giáo lý Duy thức sau đó được hai ngài Vô Trước và Thế Thân (Vasubandhu) xiển dương ở thế gian. Theo chân Đức Di-lặc hay tu theo pháp môn Duy thức có nghĩa là đi trên con đường chứng thực tất cả các pháp không ở ngoài Tâm, biết rằng mọi phân biệt, sai biệt, cách ngăn đều do Thức tạo, ra khỏi chấp ngã và chấp pháp, chuyển Thức thành Trí, an trú trong Chân như hay Chân tâm. Và cũng như hầu hết các pháp môn tu tập của đạo Phật, tu Duy thức là tu từ Ý thức. Ý thức là thức mà chúng ta có nhiều chủ động nhất. Tu tập từ Ý thức là làm cho Ý thức đưa vào A-lại-da những hạt mầm thanh tịnh và phá chấp, đồng thời kiểm soát tính chấp ngã của Mạt-na bằng việc quán sát những vọng tưởng khởi ra từ Mạt-na và những phương tiện khác. Khi Ý thức và Mạt-na thức được thanh tịnh thì A-lại-da thức và năm thức ngoài cùng cũng trở nên thanh tịnh. Tóm lại, tu Duy thức là lấy Ý thức và Mạt- na thức làm nhân, lấy A-lại-da thức và năm thức ngoài cùng làm quả. Duy thức vừa là cứu cánh vừa là con đường. Là cứu cánh, nó là Chân như, Như Lai tạng, là Duy tâm, nơi đó hành giả thấy Một là tất cả và tất cả là Một, tất cả không ở ngoài Tâm. Là con đường, Duy thức sử dụng hai khả năng của Ý thức là tập trung và quán sát. Khả năng tâp trung của Ý thức là khả năng định hay chỉ. Khả năng quán sát của Ý thức là nhìn thấy và phân biện để phát huy trí tuệ. Trí tuệ ở đây là giải trừ chấp ngã và chấp pháp. Theo các vị Thầy, tiến trình tu tập của Phật giáo Đại thừa có thể gom vào bốn thực hành chính như sau: Phát khởi tâm từ bi và hành trì giới luật, tu Chỉ hay Định, và cuối cùng là tu Quán. Người hành giả Đại thừa xác định con đường của mình là làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Với xác định đó, người hành giả cố gắng từ bỏ mọi ý nghĩ và hành động qui hướng về bản thân để hướng đến một cộng đồng rộng lớn là tất cả chúng sanh. Đó là từ bi, là tình thương rộng khắp không phân biệt. Có người định nghĩa từ bi là “suffer together”, là “đồng cam cộng khổ”, đồng cam cộng khổ với tất cả chúng sanh. Từ bi như vậy là động lực thúc đẩy và nâng đỡ hành giả trên con đường tu tập Đại thừa. Với từ bi, người hành giả Đại thừa kết nối với chư Phật và Bồ-tát trong mười phương. Cũng với từ bi, người hành giả kết nối với đời sống và nhận ra tính tương quan, duy nhất của đời sống, thúc đẩy người đó dấn thân vào con đường khó khăn cứu mình cứu người. Một điều kiện không thể thiếu của từ bi là tâm bình đẳng. Tâm của người hành giả Đại thừa phải bao trùm lên tất cả, không thiên lệch và phân chia, không ưu ái hay ghét bỏ. Tình thương chân thật đến với tất cả chúng sanh chỉ nở được trên tâm đó – tâm bình đẳng hay Từ. Do đó, để phát triển tâm từ bi, người hành giả không thể không thực hành hạnh bình đẳng, coi tất cả chúng sanh như nhau. Chẳng những từ bi với người khác, chúng sanh khác, người Phật tử cũng biết từ bi với chính mình. Lắng nghe là một hạnh của từ bi. Lắng nghe cảm giác và nhu cầu của người khác, của chúng sanh khác cũng như của chính mình để gần gũi, kết nối với thế giới cũng như với chính mình. Bên cạnh việc phát triển tình thương, người hành giả cũng biết rằng mình cần làm sạch những ô nhiễm từ lâu đời nằm sâu trong tâm thức. Để thực hiện việc này, hành giả cần thực hành sám hối và giữ gìn giới luật. Tu tập từ bi và giữ gìn giới luật làm cho một người trở nên trưởng thành, thánh thiện, mở rộng, có đời sống thanh thản và hạnh phúc hơn. Bước thứ hai trong tu tập Đại thừa là Chỉ hay Định. Đó là tiến trình gom tâm thức thành một khối để Ý thức không bị xao lãng, và ngăn Ý thức không cho đưa vào A-lại-da thức những hạt giống tiêu cực, thiết lập cho Ý thức có một chỗ an trụ để bắt đầu việc quán sát giải trừ chấp ngã và chấp pháp. Định hay Chỉ là dừng lại. Dừng lại mọi hoạt động của tâm, không để ngoại cảnh chi phối, và ở yên trong trạng thái tịch lặng và tỉnh giác. Theo sự diễn tả của các bậc Thầy giác ngộ, con đường tu Chỉ và Quán có thể được hình dung như sau: Đầu tiên, muốn đạt đến trạng thái Định, hành giả có thể khởi sự bằng cách gắn tâm vào một đối tượng. Đối tượng đó có thể là hơi thở, thân, tâm, hình tướng Phật, Bồ-tát, câu niệm Phật, cảnh tịnh độ của chư Phật… Trong quá trình tu Định, có những lúc tâm bị xao lãng hay hôn trầm. Khi phát hiện bị xao lãng hay hôn trầm, hành giả có thể kích thích tâm bằng cách hướng về một hình ảnh tâm linh gần gũi như một vị Phật, một vị Bồ-tát, vị Bổn tôn, vị Thầy, hoặc quán tưởng ánh sáng, hay hướng tâm về những sự đau khổ đáng sợ cần phải vượt qua của thế gian. Khi đạt được trạng thái Định chân thật, một trạng thái yên tĩnh tuyệt đối trong tỉnh giác, hành giả cảm nhận một sự yên ổn và phúc lạc lớn. Ở đó, hành giả cảm nghiệm được chiều sâu hiện hữu của chính mình, và có thể nhận biết rõ ràng mọi hiện tượng đang xảy ra trong tâm. Thông thường, sự biết của chúng ta bao gồm người biết, sự nhận biết và đối tượng được biết. Trong thiền định sâu, ba điều này hợp nhất, trở thành một. Người nhận biết, sự nhận biết và đối tượng nhận biết hòa nhập vào nhau trong một toàn thể duy nhất, yên tĩnh và sáng láng. Trạng thái đó được gọi là an trú. Và an trú là nền tảng cho tiến trình tu Quán tiếp theo. Thứ ba là Quán. Quán là soi rọi một cách rõ ràng. Tu Quán là tu trong Định, soi rọi vào bản tánh của hiện tượng để nhìn thấy ý nghĩa của Thực tại. Thấy được ý nghĩa của Thực tại là Giác ngộ. Chơn Quán – quán sát chân thật – chỉ có thể thực hiện trên nền tảng an trú của tâm. Do đó trạng thái an trú là điều kiện cần phải có cho việc tu Quán. Khi đó, với sự tỉnh giác trong tịch lặng-tịch chiếu, hành giả có thể trực tiếp soi rọi vào những điều kiện giác ngộ, áp dụng những giáo huấn của Thầy, Tổ để nhìn thấy Thực tại. Quán Duy thức là soi rọi vào hiện tượng và nhận biết chúng chỉ là Thức, là những đợt sóng trôi nổi trên biển Trí. Với sự kết hợp giữa Chỉ và Quán trong lúc này, bản chất tối hậu của Thực tại sẽ được phơi bày. Như chúng ta biết, Chơn Quán Duy Thức chỉ có thể thưc hiện khi hành giả có được sự an trú trong tâm bất nhị. Do đó, ngoài những hành giả tu theo pháp môn Tịnh độ cầu vãng sanh về cõi Cực lạc phương Tây của Đức A-di-đà, những hành giả Đại thừa khác cần chuẩn bị tâm thức theo những bước như đã trình bày là phát triển tâm từ bi, hành trì giới luật, và tu Định để có được cuộc sống lợi ích và hạnh phúc trong hiện tại, và sẵn sàng cho việc nhận lãnh giáo pháp của Đức Di-lặc trong tương lai. Đức Di-lặc còn được gọi là Từ Thị, là bậc có tâm từ, đấng đại diện cho tâm từ. Chúng ta thấy hóa thân của Đức Di-lặc trong thế gian là hình ảnh của tâm từ. Từ là bước đầu trên con đường Đại thừa cũng là bước đầu để nhận ra tánh duy tâm, tánh toàn thể không chia chẻ của đời sống. Với Từ, chúng ta không những tôn trọng sự sống của con người, mà còn tôn trọng sự sống của loài vật, cỏ cây, môi trường. Hoàn cảnh thế giới ngày nay cho chúng ta thấy sự cần thiết của tâm từ, và cũng là môi trường cho chúng ta rèn luyện tâm từ. Những cảnh đau khổ do chia rẽ, đối nghịch, tham vọng, hận thù… xảy ra khắp nơi. Và với sự tiến bộ của ngành truyền thông, chúng ta có thể hàng ngày, hàng giờ chứng kiến trực tiếp những khổ đau đó của con người, sự bị tàn phá của môi trường, sự cạn kiệt điều kiện sống và sức sống của các loài động vật… Những hình tượng Đức Quan Thế Âm và Đức Di- lặc được xây dựng khắp nơi cũng nói lên nhu cầu đó. Trên bình diện ý thức thông thường, Duy thức cho chúng ta ánh sáng để bước đi trong cuộc sống hằng ngày. Đó là lòng tự tin, tinh thần trách nhiệm và niềm hy vọng vào tương lai. Tự tin vì biết rằng đời sống của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, không do một thế lực nào bên ngoài. Trách nhiệm vì biết rằng mọi tình cảnh, mọi sự việc đã, đang và sẽ xảy ra trong đời sống của chúng ta và chung quanh chúng ta là kết quả của suy nghĩ và hành động của chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hy vọng vì chúng ta biết rằng mình có thể tự bước đi trên đôi chân của chính mình và biết mình đang đi về đâu. Điều Thầy chúng tôi thường nhắc nhở là hãy Tin Sâu Nhân Quả. Tin nhân quả phải chăng là một hệ luận của Tin duy thức? Tin rằng mọi hiện tượng phát sinh trong đời sống chúng ta đều do nghiệp hay Thức tạo ra, nhìn thấy toàn thế giới là nghiệp, là Thức. Và từ đó, chúng ta có thể thay đổi hoàn cảnh của chúng ta và của người khác bằng ý nghĩ và hành động của chúng ta. Tin nhân quả, chúng ta sẽ cố gắng giữ gìn giới hạnh, tôn trọng những truyền thống tốt đẹp, tôn trọng những luật lệ chung, tích cực góp sức vào những việc làm lợi ích, phước thiện… Tin nhân quả cũng cho chúng ta thấy mọi hiện tượng đều không có tự tánh, chỉ khởi lên từ nghiệp, và cả chúng ta cũng khởi lên từ nghiệp. Từ đó không chấp vào ta, không chấp vào người, không chấp vào pháp. Nói như Thầy tôi, chúng ta đi đụng đầu vào cây cột, chúng ta lại trách cây cột. Bây giờ chúng ta nhận ra rằng cây cột không ở ngoài chúng ta và sự va đầu vào cột cũng là do chúng ta bước đi mà không để ý. Cả hai mặt, thế giới và cách chúng ta đi trong thế giới đều không ở ngoài Thức, đều do Thức của chúng ta tạo ra. Tin nhân quả chúng ta cũng sẽ tin rằng những hành động, ý nghĩ của chúng ta cũng đã và đang tác động vào mọi hiện tượng của thế giới và ngược lại. Thế giới được soi rọi bằng chánh niệm thì nó sẽ trở thành chánh niệm, được soi rọi bằng ánh sáng lưu ly thì nó sẽ trở nên lưu ly, được soi rọi bằng ánh sáng và tình thương của Đức A-di-đà thì nó sẽ trở thành ánh sáng và tinh thương của Đức A-di-đà. Dù những cái thấy đó chưa phải là chân lý cứu cánh, nhưng đó là cách để chúng ta giảm bớt dòng nghiệp tiêu cực ngày đêm không ngừng đổ vào thức A-lại-da. Và đó cũng có thể là nơi chúng ta tạm thời dừng lại để thấp thoáng tiếp cận với bản chất duy tâm, vô ngã của thế giới hiện tượng, là những mặt trăng giả để chúng ta có thể làm quen dần với ánh sáng của mặt trăng thật. Bên cạnh việc tin sâu nhân quả, chúng ta cũng cố gắng thấy mình và thế giới không có sự ngăn cách. Tiếp xúc với một cá nhân, một cộng đồng, ban đầu có thể chúng ta thấy cá nhân, cộng đồng đó hoàn toàn bên ngoài chúng ta, đối mặt với chúng ta, dòm ngó chúng ta, tạo sự khó chịu cho chúng ta. Nhưng qua thời gian, khi sự kết nối trở nên mật thiết, có thể chúng ta lại thấy cá nhân hay cộng đồng đó với ta là một, là cơ thể thứ hai của chúng ta. Khi nhìn những ngọn sóng nhấp nhô trên mặt biển, chúng ta biết rằng sóng đó chính là nước biển. Khi đứng bên một bờ biển hoang vắng với những thứ được sóng đánh giạt vào bờ, chúng ta nhìn thấy biển ở trong những thứ đó. Như có người nghe được âm thanh của đại dương trong một chiếc vỏ ốc. Đối diện với những ngọn sóng lên xuống của đời sống, chúng ta biết đó là những ngọn sóng khởi ra từ tâm của chúng ta, chính là tâm, mang hình ảnh tâm của chúng ta. Những con sóng của đời sống đó cũng là những con sóng chung cho tất cả chúng ta, những chúng sinh đang đi trên cùng một chiếc bè thế gian… Tin nhân quả và hòa mình vào thế giới Một là con đường đưa chúng ta vào Giới và Từ, cũng là bước đầu cho sự dừng lại mọi lăng xăng, phân biệt và chấp ngã của chúng ta. Đó là con đường đưa chúng ta đến gần hơn với Đức Di-lặc. Ngày mồng một Tết là ngày vía Đức Di-lặc. Thắp một nén hương, đánh một tiếng chuông, chúng ta nương theo tâm từ của Ngài để mở lòng với thế giới, với đời sống. Trong thời gian dài, chúng ta đã tự khoanh vùng không gian và thời gian, nhốt chúng ta trong giới hạn khoanh vùng đó. Đến với Ngài để chúng ta có thể thấy được, cảm nhận được rằng tất cả là bình đẳng, là duy thức, duy tâm. Tất cả không ở ngoài tâm của chúng ta, và tâm của chúng ta cũng là Tâm của đời sống. Bây giờ chúng ta có thể lắng nghe tiếng của đại dương trong một chiếc vỏ ốc. ■
THỊ GIỚI
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |