Chi tiết tin tức Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng với Phật giáo Huế 20:44:00 - 15/05/2024
(PGNĐ) - Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng là một vị quan đại thần của triều Nguyễn, và cũng là một trí thức uyên thâm Phật học. Chính những hành động đầy nhiệt huyết của cụ Ưng Bàng trong việc tham gia An Nam Phật học Hội, tiến hành xây dựng, trùng tu nhiều chùa chiền ở Cố đô Huế, góp phần quan trọng gìn giữ hồn xưa xứ Huế, đã tạo nguồn động lực và sức mạnh tinh thần cho các vị cư sĩ hiện nay và mai sau tiếp bước dấn thân vào con đường giữ gìn và hoằng dương chánh pháp.
1. MỞ ĐẦU Trong bài viết “Về vị Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội: Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng” đăng trên Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 399, chúng tôi đã giới thiệu khá rõ nét về cụ Ưng Bàng thuộc phủ Hoằng Hóa Quận vương. Còn bài viết này, tác giả xin góp thêm vài tư liệu về cụ Ưng Bàng thuộc phủ Tùng Thiện Vương. Do có nhiều điểm tương đồng như trùng tên, năm sinh, phẩm hàm và công lao đối với Phật giáo nên có nhiều người, kể cả một số nhà nghiên cứu đã nhầm lẫn về tiểu sử của hai cụ. Vì vậy thông qua hai bài viết, chúng tôi hy vọng sẽ phần nào làm sáng tỏ công trạng của hai vị cư sĩ hữu công tiêu biểu này. 2. HIỆP TÁ ĐẠI HỌC SĨ ƯNG BÀNG: CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG Tuy sinh ra trong dòng dõi đế vương nhưng cụ Ưng Bàng luôn sống một đời giản dị, thanh liêm, tận tụy với việc triều chính, hết lòng thương dân. Và đồng thời, cụ Ưng Bàng thường lui tới chốn thiền môn, ngoài trao đổi thơ văn ông còn được thân cận các danh tăng lúc bấy giờ và đã quy y với pháp danh Trừng Chơn 澄真. Trong hơn 30 năm làm quan, bằng sự uyên bác, thông minh, giỏi chữ Hán và tinh thông Pháp ngữ, cụ Ưng Bàng được thăng tiến qua nhiều chức vụ trọng yếu trong triều, ở chức phận nào ông cũng đem hết tâm sức trí tuệ để phục vụ cho lợi ích của đất nước, được triều đình trọng thị và nhân dân các nơi khen ngợi. Bởi nhân cách, đức nghiệp và công nghiệp như vậy, cụ Ưng Bàng đã được chính quyền Nam triều, Chính phủ Bảo hộ phong thưởng Long Bội tinh, Bắc Đẩu Bội tinh, Kim khánh, Ngân tiền, Kim tiền… Vào tuổi 53 (năm 1934), nản chí trước đời sống quan trường, mặc dù đang đương chức Tham tri Bộ Công tác và Mỹ thuật nhưng cụ Ưng Bàng vẫn cáo bệnh để xin về hưu trước tuổi. Bản tấu của Bộ Lại cho biết sự việc này như sau: Viên Tham tri Bộ Công tác và Mỹ thuật là Ưng Bàng có làm đơn trình rằng nay tuổi cao sức yếu, xin cho về hưu. Xét viên ấy năm nay mới 54 tuổi, chưa đến lệ nhưng đã có đơn xin. Chúng tôi đã thư trình quý Khâm sứ và Hội đồng Thượng thư thẩm nghĩ, trật sẽ xin thương định rồi phụng phiến sau. Vua Bảo Đại đã phê “Chuẩn y” và Ngự ký: BĐ [4]. Cũng trong năm này, cụ Ưng Bàng được triều đình thăng vinh hàm Thượng thư Bộ Công tác và Mỹ thuật. Bộ Lại tấu: Xét kỳ Xuân này có viên Ưng Bàng, hàm 2-2, Tham tri Bộ Công tác và Mỹ thuật và viên Bùi Hữu Hưu lãnh Lang trung Bộ Tư pháp, hàm 3-2, được chỉ chuẩn về hưu trí, viên Nguyễn Khắc Niệm, hàm 4-1, Lang trung Bộ Lễ nghi và viên Nguyễn Vinh, hàm 6-1, lãnh Kinh lịch đạo Ddar lac do bộ chúng tôi thương đồng cùng quý Khâm sứ cho về hưu. Nay chiếu theo lệ định và lời xét tư của quan trên các viên ấy thương trình quý Khâm sứ nghĩ thưởng vinh hàm cho họ. Xin kính tâu lên Hoàng thượng duyệt định, chờ Chỉ lục tuân. Phụng Châu phê: Chuẩn y, Khâm thử. Phụng ngự ký: B.Đ [5]. Đến năm Bảo Đại thứ 11 (1936), cụ Ưng Bàng lại được triều đình ưu ái thăng vinh hàm Hiệp tá Đại học sĩ, hàm 1-2. Điều đó, cho thấy phẩm hạnh và uy tín của ông rất lớn. Cụ Ưng Bàng sống cuộc đời nhàn tịnh tại hưu đình mang tên biệt thự Hiếu Quảng bên cạnh dòng sông An Cựu. Từ đó, ông chuyên tâm vào công việc Phật sự, đồng thời kết nối và chấn hưng dòng tộc trước những biến động của thời cuộc. Ngày 03 tháng 08 năm Kỷ Hợi (tức ngày 05/09/1959), Hiệp tá Ưng Bàng đã yên nghỉ trong sự thương tiếc, kính trọng của mọi người, hưởng thọ 79 tuổi. Cụ Ưng Bàng được an táng tại khu nghĩa trang của phủ Tùng Thiện Vương, trên một ngọn đồi thông gần chùa Từ Hiếu (thuộc phường Thủy Xuân, TP. Huế), nằm khá gần viên tẩm đức ông Tùng Thiện Vương. Về kiến trúc, lăng mộ Ưng Bàng với cấu trúc khá đơn giản, bao gồm 1 vòng thành, nấm mộ, bia đá và bình phong hậu. Mộ có dạng đơn thành, xây bằng các loại đá tự nhiên, thành được vuốt cong mềm mại, chiều cao được nâng dần về phía sau và giật thành bình phong hậu, hai bên cửa tạo hình đầu rồng trong tư thế đối diện nhau. Tấm bia được gắn vào bình phong hậu, bia bằng đá, có dạng “Tam sơn”, trán bia trang trí mô típ “lưỡng long chầu nhật”, nét chữ trên bia khắc khá sâu. Dòng chính văn khắc chữ: “Tống Sơn Nguyễn Phúc Ưng Bàng pháp danh Trừng Chơn chi mộ – 宋山阮福膺胖法名澄真㞢墓” [6]. Biệt thự của Hiệp tá Ưng Bàng nay tọa lạc tại số 336 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, TP. Huế. Kiến trúc tổng thể biệt thự gồm các hạng mục cổng ngõ, bình phong, bể cạn, nhà chính, nhà phụ và sân vườn có diện tích 1 mẫu đất. Ngôi biệt thự này được cụ Ưng Bàng xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, mang đậm nét của sự pha trộn kết hợp giữa hai trường phái kiến trúc Đông – Tây đã tạo nên một lối kiến trúc độc đáo. Biệt thự quay mặt về hướng Nam, các họa tiết trang trí nội – ngoại thất biệt thự đều xuất phát từ các mô típ Á Đông cổ truyền nhưng được cách điệu và biến hóa ở các vị trí khác nhau, tạo ra sự đa dạng trong phương cách trang trí nhưng vẫn hòa nhập với hình thái kiến trúc chung. Chính Hiệp tá Ưng Bàng là người thiết kế và trông coi việc xây dựng nên đã tạo cho ngôi biệt thự một dấu ấn kiến trúc rất riêng. Phía trên lối cửa chính đi vào căn biệt thự có trang trí tạo hình nề đắp nổi bức hoành phi đề bốn chữ “Hiếu Quảng sinh từ – 孝廣生祠”. Hai bên cửa chính còn trang trí đôi câu đối chữ Hán theo kiểu thức nghệ thuật khảm sành sứ đặc trưng thời Nguyễn: Nội dung chữ nghĩa và phong cách trang trí của bức hoành phi, câu đối nêu trên đều do cụ Hiệp tá Ưng Bàng tự tay viết và trình bày, nhằm mang ý nghĩa nhắc nhở các thế hệ con cháu hậu duệ trong gia tộc luôn ghi nhớ nơi đây ta (tức cụ Hiếu Quảng – Ưng Bàng) đã sinh ra, lớn lên và mong muốn con cháu hôm nay, mai sau luôn làm việc nhân nghĩa, có tấm lòng trung hiếu vì nước vì dân. Qua đó cho chúng ta thấy phần nào nề nếp gia phong của các gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn mang đậm phong vị Huế. Ngay giữa chính đường biệt thự Hiếu Quảng là gian thờ trung tâm, được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu linh”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ phụng vong linh các vị: Tùng Thiện Quận công Hồng Phì, bà Nguyễn Thị Ẩn, Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng, cùng các thế hệ con cháu hậu duệ đã khuất của gia tộc. Bài vị của cụ Ưng Bàng được thờ tại chính đường ghi như sau: “Hiển khảo hoàng triều cáo thụ Vinh lộc đại phu Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Phúc Ưng Bàng pháp danh viết Trừng Chơn thụy Văn Ý tự Hiếu Quảng phủ quân chi linh vị – 顯考皇朝誥授榮祿大夫協佐大學士阮福膺胖法名曰澄真謚文懿字孝廣府君㞢靈位”. Trên bàn thờ Phật có thiết trí tượng Bồ tát Địa Tạng bằng gỗ thếp vàng do Hiệp tá Ưng Bàng cho nghệ nhân cung đình chế tác. Bức tượng này được tạo tác trong hình ảnh một vị tỳ kheo thân tướng trang nghiêm, tay phải cầm tích trượng, tay trái cầm hạt minh châu, đầu đội mũ tỳ lư quán đảnh, ngồi trên con Đế thính. Lúc sinh thời, cụ Ưng Bàng thường niệm danh hiệu Bồ tát. Ông Vĩnh Nhi [7] đã cho chúng tôi xem một số tư liệu liên quan đến cụ Ưng Bàng, trong đó có bản chế phong của vua Bảo Đại ban cho Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng vào ngày 21 tháng 8 năm Bảo Đại thứ 11 (1936). Đây được xem là cổ vật gia bảo của gia tộc Hiệp tá Ưng Bàng. Dưới đây là nguyên văn chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa bản chế phong độc đáo này. 3. NHỮNG DẤU ẤN CỦA HIỆP TÁ ƯNG BÀNG ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO Đến năm 1940, Hiệp tá Ưng Bàng phát tâm cúng dường mảnh đất vườn có diện tích 3 sào 10 thước 9 tấc cùng ngôi chùa này cho Hòa thượng Thích Thiện Trí [8] làm trú trì. Lúc bấy giờ, Hòa thượng Thích Thiện Trí đã đặt tên cho ngôi chùa là “Hiếu Quang” và tên gọi này được giữ đến ngày nay. Theo Hòa thượng Thích Quang Nhuận – đương kim trú trì chùa Hiếu Quang cho biết: Hòa thượng Thích Thiện Trí đã lấy chữ “Hiếu” trong tên tự Hiếu Quảng của Hiệp tá Ưng Bàng và chữ “Quang” từ tên chùa Linh Quang [9], nơi xuất gia tu học của Hòa thượng Thiện Trí để ghép thành tên chùa Hiếu Quang. Qua đó cho thấy Hòa thượng Thích Thiện Trí muốn gửi thông điệp đến tăng chúng bổn tự và đạo hữu Phật tử luôn ghi nhớ về cội nguồn lịch sử hình thành chùa Hiếu Quang. Năm Bảo Đại thứ 17 (1942), cụ Ưng Bàng đã làm “Tờ giao chùa và vườn” để chính thức cúng cho Hòa thượng Thích Thiện Trí làm chủ tọa. Nội dung của Tờ giao chùa và vườn như sau: Cũng trong thời gian này, nhờ có sự đề đạt của Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng, ngôi chùa được vua Bảo Đại ban biển ngạch “Sắc tứ Hiếu Quang tự”. Hiện nay, chùa Hiếu Quang tọa lạc tại số 63 Phan Bội Châu, phường Trường An, TP. Huế. Chùa trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ gìn được dáng vẻ kiến trúc truyền thống. Lần trùng tu đầu tiên vào dịp đúng 30 năm sau ngày chùa được vua Bảo Đại ban biển ngạch sắc tứ, năm 1972. Hòa thượng Thích Thiện Trí điều hành và thầu khoán Vĩnh Trực làm đốc công để trùng tu ngôi chánh điện. Sau này, Hòa thượng Thích Quang Nhuận, đệ tử đắc pháp của Hòa thượng Thích Thiện Trí đã lần lượt sửa sang, xây dựng thêm một số hạng mục kiến trúc trong chùa như nhà chung, nhà bếp… để phục vụ cho việc tu học, hoằng pháp, lễ bái, tham quan, sinh hoạt của đông đảo Phật tử và du khách. Như vậy, chùa Hiếu Quang tuy không phải là một ngôi tổ đình có bề dày lịch sử và truyền thừa sâu rộng, nhưng nơi đây cũng đã lưu dấu một số danh nhân tiêu biểu của xứ Huế vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, điển hình là Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng và Hòa thượng Thích Thiện Trí. Đồng thời, ngôi chùa này cũng từng là nơi ngâm thơ, uống trà của Mai Lâm thi đàn do Hòa thượng Thích Thiện Trí làm Giám đàn. Ngoài cổng chính xây theo kiểu tam quan, với ý niệm về “tam giải thoát môn” [10], chùa còn có một cổng phụ với lối nhỏ đi thẳng vào tăng xá và tịnh trù. Ngay giữa cổng tam quan là trục chính đạo dẫn vào tiền đường và chánh điện chùa. Khuôn viên có trang trí nhiều loại cây kiểng, tạo nên không gian xanh trong lành, thoáng mát cho ngôi chùa. Qua khỏi sân vườn, bước lên bậc tam cấp là tiền đường kéo dài suốt ba gian được đúc cốt thép có mái ngói. Ở phía dưới mái này là những ô hộc trang trí chữ Hán và bức tranh phong cảnh. Các cột trụ của tiền đường là những câu đối dài được chạm khắc tinh xảo. Sau tiền đường là chánh điện, thường được gọi là Đại Hùng Bảo Điện, đây là phần kiến trúc chính của ngôi chùa. Phần này là một ngôi nhà lớn gồm có ba gian hai chái, kết cấu tòa nhà này mô phỏng theo lối nhà rường truyền thống Huế. Mái chùa có kiến trúc cao, cổ kính với hình ảnh “tứ linh” (long, lân, quy, phụng) uốn lượn đối xứng nhau đầy nghệ thuật. Nội thất chánh điện chia thành ba gian thờ. Gian giữa là thờ tượng Tam Thế Phật và Phật Di Đà, bên phải thờ Quán Thế Âm Bồ tát và bên trái thờ Thế Chí Bồ tát. Bên trên chính giữa điện có treo bức hoành sơn son thếp vàng đề: “Sắc tứ Hiếu Quang tự 敕賜孝光寺” cùng lạc khoản: “Bảo Đại thập thất niên mạnh thu; Quảng Trị, Hải Văn, Khuôn Giáo hội Phật tử đẳng phụng cúng – 保大十七年孟秋; 廣治海文坤教會佛子等奉供” (mùa thu năm Bảo Đại thứ 17 [1942]; Phật tử Khuôn Giáo hội Hải Văn, tỉnh Quảng Trị phụng cúng). Xung quanh bức hoành phi, các hoa văn được chạm khắc theo mô típ “lưỡng long triều nhật” truyền thống. Phía dưới gian giữa cũng treo câu đối có nội dung do đức ông Tùng Thiện Vương soạn và được cư sĩ Bửu Bác [11] viết cung tiến cho chùa Hiếu Quang: Phía sau chánh điện là tổ đường. Tiếp đến nhà linh có thiết trí một án để thờ phụng Hiệp tá Ưng Bàng và các con cháu hậu duệ quá cố rất trang nghiêm, thành kính. Trong khuôn viên chùa còn có tháp mộ của Hòa thượng Thích Thiện Trí, khai sơn chùa Hiếu Quang. Ngoài ra, chùa Hiếu Quang vẫn đang lưu giữ nhiều cổ vật quý, trong đó có bức hoành phi được tạo tác hình lá sen đề 4 đại tự: “Hương viễn ích thanh 香遠益清” (Làm việc đạo nghĩa thì hương sẽ bay xa). Xung quanh bức hoành trang trí các đóa hoa sen đang nở rất đẹp. Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng có hai người con gái là Công Tằng Tôn Nữ Kim Cúc [12] và Công Tằng Tôn Nữ Xuân Tứ [13] đều xuất gia tu học, phát tâm hiến dâng cuộc đời cho đạo pháp và dân tộc. Trong bài viết này, chúng tôi thiết nghĩ cũng cần nhắc đến những đóng góp của Hiệp tá Ưng Bàng đối với văn hóa Huế. Cụ Ưng Bàng là một thành viên tích cực của Hội “Những người bạn Cố đô Huế” (Association des Amis du Vieux Hué). Ngoài việc xuất bản đều đặn tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (BAVH), Hội “Những người bạn Cố đô Huế” còn quan tâm tới việc thiết lập một thư viện và một viện bảo tàng nhằm lưu giữ những tư liệu, cổ vật quý mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa, nghệ thuật của triều Nguyễn và Huế xưa. Năm 1923, vua Khải Định (1916-1925) cho phép thành lập tại Kinh đô Huế một bảo tàng. Và Khâm sứ Trung kỳ P. Pasquier cũng ký Nghị định số 1291, thành lập Musée Khải Định (Bảo tàng Khải Định), đặt tại Tân Thơ Viện. Đây là một trong những bảo tàng đầu tiên của Việt Nam dưới thời quân chủ. Từ ngày 22/02/1926, việc điều hành Bảo tàng Khải Định do một nhóm chuyên gia lỗi lạc người Pháp và người Việt, mà trụ cột là Ban Quản trị Bảo tàng, họ là những hội viên Hội “Những người bạn Cố đô Huế” được chọn ra gồm các ông Jabouille (Trưởng ban), Võ Liêm, Rigaux, Ưng Bàng, Levadoux, Hồ Đắc Khải, Sogny, Peyssonnaux (Quản thủ). Cụ Ưng Bàng đã có vai trò và những đóng góp quan trọng cho sự phát triển lớn mạnh của Bảo tàng Khải Định. Ngoài ra, cụ Ưng Bàng còn tham gia điều hành công tác giám sát, xây dựng, trùng tu cung điện, lăng tẩm, chùa chiền như: lăng vua Khải Định, cung An Định, điện Kiến Trung, chùa Thiên Mụ, chùa Thánh Duyên, chùa Diệu Đế… 4. THAY LỜI KẾT
TS. Trần Văn Dũng/TCVHPG420
Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |