Chi tiết tin tức

Thiền sư Tông Diễn-Cuộc đời và Đạo hạnh

21:11:00 - 24/01/2024
(PGNĐ) -  Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung (1640-1711) là vị thiền sư Việt Nam, đời pháp thứ 37 tông Tào Động, quê quán ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Ngài sống dưới triều Lê Trung hưng, được phong hiệu Đại Tuệ Quốc Sư khi trở thành bậc tôn sư của triều đình đương thời. Ngài là pháp tử của Thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt, được tôn xưng là Tổ sư đời thứ 2 của Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam.

Cuộc đời Thiền sư Tông Diễn được hậu thế lưu danh bởi trí tuệ và đạo hạnh của một bậc cao tăng, đã có công khai hóa triều đình, giải trừ ách nạn của Phật giáo thời nhà Lê ở xứ Đàng Ngoài, đóng góp cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XVII-XVIII. Ngoài đạo nghiệp, cuộc đời của Thiền sư Tông Diễn còn là tấm gương sáng về người con chí hiếu, được nhân gian gọi với cái tên dân dã là “Hòa thượng Cua”.

TỪ LÒNG THƯƠNG NHỮNG CON CUA ĐẾN VỊ THIỀN SƯ ĐẮC ĐẠO
Thiền sư Tông Diễn nổi tiếng về sự tích “Hòa thượng Cua” trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, một câu chuyện cổ tích về lòng từ bi, hiếu đạo. Sinh ra trong một vùng quê nghèo, hoàn cảnh gia đình hết sức thiếu thốn, cha lại mất sớm, sống với mẹ từ nhỏ, mẹ vất vả, tần tảo buôn bán nuôi Sư khôn lớn. Sư là cậu bé rất ngoan ngoãn, luôn nghe lời và rất thương mẹ.

Vào năm cậu bé 12 tuổi, một hôm mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: Mẹ có để sẵn một giỏ cua ở ao, trưa nay con giã cua nấu canh, chờ mẹ về mẹ con mình cùng ăn. Mẹ gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, Sư ra ao xách giỏ cua lên định đem giã nấu canh như lời mẹ dặn, song nhìn thấy những con cua tuôn những đám bọt sùi trên thân, sự ngây thơ của đứa trẻ tưởng như cua đang khóc vì sắp bị giết hại. Bất giác động tâm từ, nhìn những con cua nhỏ bé với niềm thương cảm, Sư không đành lòng đem giã, lại đem cua thả hết xuống ao. Đến trưa mẹ về, vừa mệt vừa đói, nhìn mâm cơm không thấy món canh cua, bà liền hỏi lý do. Sư thành thật trả lời, bà giận quá cầm roi đuổi đánh. Vì hoảng sợ, Sư chạy trốn không dám quay đầu lại, chạy mãi rồi biền biệt rời xa nhà từ đó, bà mẹ đuổi theo không kịp, trở về nhà. Cũng từ đó hai mẹ con xa cách nhau.

Sau khi rời nhà, cậu bé lang thang và cơ duyên được một vị sư đem về chùa cưu mang và cho xuất gia học đạo. Từ cậu bé phóng sinh những con cua ngày nào, nhân duyên cuộc đời đã đưa Ngài biết tới Phật pháp và sau này trở thành một vị Hòa thượng thành tựu đạo nghiệp được người đời tôn kính. Tấm lòng từ ái của cậu bé vì thương xót những con cua không nỡ giết hại đã khởi đầu cho nhân thiện lành đưa Ngài đến với con đường đạo, con đường cao cả, cứu độ chúng sinh, giác ngộ và giải thoát.

Khi Ngài đang trụ trì ở chùa Đông Sơn, nghe Thiền sư Thông Giác – Thủy Nguyệt (Tổ đầu tiên truyền thừa Tào Động miền Bắc Việt Nam) từ Trung Quốc trở về nước hoằng truyền đạo pháp ở chùa Vọng Lão trên núi Yên Tử, Ngài liền tới đảnh lễ cầu pháp. Thiền sư Thủy Nguyệt truyền pháp và đặt cho ông pháp danh Tông Diễn, Ngài nối pháp, trở thành Tổ nhị thiền sư của thiền phái Tào Động. Từ khi thầy trao truyền chánh pháp, với chí nguyện hoằng hóa độ sinh, Ngài chí thành tu học, kiên trì, nỗ lực không ngừng, tinh tấn làm Phật sự, đến năm 32 tuổi, Ngài thọ giới cụ túc và xin phép thầy đi du phương tham vấn các nơi. Khi thiền sư Thủy Nguyệt qua đời, tiếp nối ngọn đèn pháp, Ngài ra sức phát triển dòng thiền Tào Động, thuyết giảng truyền bá chánh pháp, đem Phật pháp làm phương tiện hóa độ chúng sinh. Ngài luôn tùy thuận theo căn cơ trình độ và sự nhận thức của chúng sinh mà giáo hóa, khai ngộ đem lại đời sống an lạc cho mọi người, tạo nên sức ảnh hưởng lớn, khắp nơi người người tìm đến tham học rất đông. Thiền sư Tông Diễn không chỉ đưa thiền phái Tào Động phổ biến đến dân chúng theo tinh thần “Tào Động sĩ dân”, mà còn đưa tinh thần phật giáo Tào Động về kinh đô, đến với tầng lớp vua chúa, khiến triều đình ủng hộ, tạo điều kiện cho sự phát triển của tông Tào Động ở Đàng Ngoài. Đệ tử nối pháp Ngài sau này là Tam tổ Từ Sơn Hành Nhất.

CẢM HÓA NHÀ VUA – CỨU NẠN PHẬT GIÁO
Tiếp nối nền tảng giáo lý của Phật giáo, giải thoát khổ đau, thiết lập đời sống an lạc cho con người, thực thi hạnh nguyện lý tưởng Bồ tát của các vị Tổ sư, Thiền sư, Tăng Ni, Phật tử, góp phần để đạo pháp trường tồn, đóng góp vào truyền thống “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam. Thiền sư Tông Diễn đã có công lớn khi giáo hóa được vua chúa, hóa giải ách nạn của Phật giáo Đàng Ngoài và để lại cho đời hình tượng một vị “vua sám hối” trong lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo nhiều tài liệu, nửa cuối thế kỉ XVII, khi tình hình xã hội phong kiến thời Lê Trung hưng có nhiều biến động, Phật giáo không còn được coi trọng như trước, triều đình tìm mọi biện pháp để loại bỏ sự ảnh hưởng của Phật giáo ra khỏi những hoạt động xã hội. Vào khoảng những năm 1670-1678, vua Lê Hy Tông khi nghe có quan dâng sớ tâu vua về những sai phạm, phá giới của một số Tăng lữ, nhà vua đã thi hành chính sách chống Phật giáo rất hà khắc, “phế bỏ Tăng lữ”, cho lệnh trục xuất, đuổi chư tăng về rừng núi, nếu không đi sẽ bị khép vào trọng tội. Phật giáo lúc này lâm vào pháp nạn suy vi, chùa chiền hoang phế, nhiều Tăng Ni đã phải cởi áo cà sa hoàn tục.

Chứng kiến cuộc pháp nạn của Phật giáo, Thiền sư Tông Diễn không khỏi xót xa, đau đớn, tự nghĩ: Vua chưa giác ngộ, không ai vén vầng mây đen đang làm mờ ám vầng dương Phật pháp. Vì không muốn nền đạo pháp bị hủy hoại, Thiền sư Tông Diễn đã dụng tâm trí viết một bức sớ, diễn giải thâm sâu vai trò của Phật giáo đối với thịnh suy dân tộc, quyết tâm thân hành về kinh thành Thăng Long tìm cách gặp vua Lê Hy Tông, can gián và chuyển hóa nhà vua, cứu vãn niềm tin Phật pháp. Trong hoàn cảnh nhà vua đang kỳ thị đạo Phật, Ngài phải cải trang làm dân thường với lý do dâng ngọc quý cho vua. Sau này người đời thường gọi “Ngọc khai hóa”, nhưng thực chất bên trong là tờ sớ biểu nhằm giãi bày cho vua Lê Hy Tông hiểu đúng giá trị những gì mà Phật giáo đem lại. Ngài lập luận và minh chứng hùng hồn về giá trị và những đóng góp của Phật giáo trong lịch sử dân tộc, đặc biệt đường lối trị nước an dân theo tư tưởng của đạo Phật, đã đưa đến thái bình thịnh trị cho quốc gia.

Từ đời Lý – Trần, các hoàng đế và triều thần đều hết sức coi trọng Phật giáo, nhiều vị vua xuất gia tu hành, sống cuộc đời đạo hạnh, yêu nước thương dân, thể hiện đức hiếu sinh và triết lý từ bi của đạo Phật. Tư tưởng vị tha, bác ái trong truyền thống của Phật giáo đã trở thành sức mạnh khiến người người sống có đạo đức, bỏ ác hành thiện, xã hội an vui. Đạo Phật thời ấy tựa như một viên ngọc quý tỏa sáng, là minh chứng sống vẫn còn nguyên giá trị theo thời gian hà cớ gì lại bị cho rằng không mang lại lợi ích gì cho xã tắc.

Sau khi nghe xong bức sớ đầy tâm huyết, với lý đạo rõ ràng, lời văn tha thiết, vua Lê Hy Tông chợt thức tỉnh tâm can, sáng lẽ đạo, nhận ra rằng: Đạo Phật là viên ngọc quý soi sáng khắp mười phương, Tăng Ni là những người giữ gìn mạng mạch Phật pháp, đem Phật pháp khai hóa dân chúng và cũng là phương pháp tốt giúp triều đình trị nước an dân. Tại sao lại vứt bỏ đi? Vua phát nguyện sửa chữa lỗi lầm đã gây ra, hạ chiếu thu hồi sắc lệnh cấm Phật giáo, cho phép các nhà sư khắp nơi trở về chùa cũ tu hành, tiếp tục hoằng pháp độ sanh, cho phục hưng lại Phật giáo Đàng Ngoài, đồng thời thường xuyên thỉnh cầu thiền sư vào triều thuyết giảng kinh pháp cho triều đình, đàm đạo những sách lược trị quốc an dân, để vua chúa, quan lại cùng học và tuyên dương chánh pháp. Vua càng nghe càng thấu hiểu đạo lý, vạn phần bội phục, lệnh sắc phong Thiền sư làm Đại Tuệ Quốc sư, trở thành bậc đại sư danh tiếng bậc nhất lúc bấy giờ. Bà Quốc nhũ phát tâm cúng dường cho Sư tu sửa chùa Hòe Nhai (Hồng Phúc), kể từ đó sư trụ trì và hoằng pháp tại chùa. Nơi đây trở thành Tổ đình của Thiền phái Tào Động Việt Nam. Ngài làm việc không ngơi nghỉ, cho tổ chức khắc bản in kinh Hoa Nghiêm để ở chùa Báo Thiên, khắc bản kinh Pháp Hoa in để ở chùa Khán Sơn.

Nhờ được Thiền sư Tông Diễn cảnh tỉnh, vua Lê Hy Tông đã thấm nhuần đạo lý, để tự sửa mình, tỏ lòng thành tâm hối lỗi trước những hành động sai phạm, hủy hoại Phật giáo, vua đã đề nghị tổ Tông Diễn cho tạc hình một bức tượng Phật đặc biệt với hình dáng vị vua cõng tượng Phật trên lưng. Tượng “vua sám hối” (vua cõng Phật) đã ra đời từ đó. Pho tượng độc đáo này hiện đang được thờ trong chánh điện chùa Hòe Nhai, còn được gọi với cái tên “dị tượng” tức là tượng lạ chưa từng thấy, “độc nhất vô nhị” trong các tác phẩm điêu khắc của Phật giáo Việt Nam và trên thế giới. Tương truyền pho tượng này thể hiện chính hình tướng của vua Lê Hy Tông, một vị quân vương vận triều phục đang trong tư thế quỳ gối phủ phục sát đất, tay duỗi thẳng cung kính đảnh lễ, trên lưng là hình tượng Phật Thích ca với vẻ mặt từ bi, tay bắt ấn trang nghiêm. Pho tượng đã lột tả một cách sâu sắc sự sám hối chân thành của một vị quân vương đồng thời đề cao giá trị cùng triết lý nhân sinh quan của đạo Phật, gói trọn thông điệp ý nghĩa đầy tính nhân văn, là bài học giáo dục đạo làm người, răn dạy hậu thế về đức tính khiêm cung, điều đáng quý nhất ở con người là biết nhận ra lỗi lầm và thật tâm sửa đổi. Trải qua hơn 4 thế kỷ đến nay, pho tượng “vua sám hối” vẫn còn nguyên những giá trị về tôn giáo và độc đáo nghệ thuật của chùa cổ Hòe Nhai.

Tại nhà Tổ chùa Hòe Nhai hiện nay, còn lưu giữ những đôi câu đối rất đặc biệt ngợi ca thiền phái Tào Động, trong đó có Tổ nhị thiền sư Tông Diễn:
“Phù quốc bảo Thiền nhất mệnh Cổn đẳng vinh Đế quyến
Liên Đăng tục diệm thiên thu y bát thiệu tông phong”.

Dịch nghĩa:
Tổ Tông Diễn giúp nước bảo vệ Thiền môn làm cho đất nước được hưng thịnh
Tông Phong phái Tào Động được truyền kì và thắp sáng mãi mãi.

Văn bia chùa Hòe Nhai cũng có đoạn tán thán công đức của Ngài: “Tổ thứ nhì là Chân Dung kế tiếp lửa đèn, kiên trì nối gót, gặp thời Vĩnh Trị (1676-1680), triều Lê có lệnh bỏ tăng lữ. Đức tổ thứ nhì 170 của ta, kiên định một lòng vì Phật liền nói: Đạo Phật không vì người mà hưng thịnh hay sa sút, phép vua chính cùng phép Phật gắn liền như thịt với da. Chỉ vì lòng vua chưa giác ngộ, không ai vén mây đen đang làm mờ ánh vầng dương, cho nên đạo Phật khó tỏ tường, tìm đâu kẻ quét sạch sương mù, che trời thẳm. Bèn giã từ tòa Phật, thân đến Thăng Long, tờ biểu viết tâu lên, sân rồng được vời vào bệ kiến. Đạo hoa sen bày tỏ, mà phép Phật được sáng rõ nâng cao: kinh lá bối tuyên dương, mà lòng vua được thấm nhuần cởi mở. Cứu phong hóa suy đồi, tăng ánh dương trí tuệ. Được mệnh vua truyền ở thần kinh, mở rộng trường thuyết pháp; lại sửa sang cửa Phạn, dùng làm nơi tu dưỡng theo đạo Thiền. Giúp nước giữ đạo, được vua ban sắc phong; dấy lên điều đã suy đồi, tiếp nối cái đã dứt, cửa Phật lại được đổi mới thêm một lần nữa”.

Bằng tài năng, đạo hạnh, Thiền sư Tông Diễn khởi xướng tinh thần nhập thế tích cực, dấn thân phụng sự, đã hóa giải pháp nạn của Phật giáo trước nguy cơ diệt vong, “hoằng dương”, làm rạng rỡ ánh sáng của đạo pháp, nhờ đó Phật pháp bình an, xã tắc yên ổn. Những cống hiến của Ngài cho lý tưởng của đạo pháp và dân tộc, đã được vua Lê Dụ Tông tặng phong là “Đại thừa Hóa thân Bồ Tát”.

Tượng Vua sám hối tại Chùa Hòe Nhai. (Ảnh sưu tầm)

HIẾU ĐẠO VỚI ĐẤNG SINH THÀNH
Trong cung bậc tri ân và báo ân của cội nguồn, dân tộc ta luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. Từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam, cùng với triết lý nhân sinh cao cả, hiếu đạo càng trở thành lý tưởng sống cao đẹp của nền văn hóa dân tộc. Hiếu đạo không những là bổn phận thiêng liêng, mà là nền tảng tâm linh cao tột, mỗi người phải tôn thờ, bằng tất cả tấm lòng và công hạnh, quyết tâm phụng sự và hoàn thành sứ mạng cứu độ, tự độ, độ tha. Cũng chính từ trong tâm hiếu ấy, đạo Phật Việt Nam đã ghi vào lịch sử một vị danh tăng chí hiếu mà công hạnh và tấm lòng hiếu đạo của Ngài mãi tỏa sáng trong nhân gian, để lại cho đời câu chuyện cảm động về về tình mẫu tử. Chất liệu từ bi và lòng hiếu thảo trong câu chuyện của “Hòa thượng Cua” và vị thân sinh ra ngài đã thể hiện được con đường Bồ tát đạo của Phật giáo, thấm nhuần tinh thần “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”.

Sau khi đắc pháp, thiền sư Tông Diễn nhớ đến người mẹ già cô quạnh một mình hơn 30 năm chưa gặp lại. Kể từ ngày xa nhà, xa mẹ, trở thành người xuất gia tu hành, Ngài càng hiểu hơn ân đức sâu dày của đấng sinh thành, nỗi niềm đau đáu khi bổn phận đạo làm con chưa đáp đền được thâm ân cưu mang nuôi dưỡng. Nỗi nhớ thương và đạo hiếu của người con đã thôi thúc Ngài đi khắp nơi tìm mẹ. Qua bao khó khăn mới gặp lại mẹ, Ngài vui mừng và hạnh phúc nhưng không dám nhận bà, ngỏ ý đưa bà về chùa nương nhờ nơi cửa Phật, cho cất một am tranh trong khuôn viên chùa, để bà ở đây hàng ngày làm công quả, tụng niệm kinh Phật. Sư lo cho bà đầy đủ, hàng ngày đều tới thăm nom, hỏi han sức khỏe, hướng mẹ theo con đường chánh pháp, học đạo, chuyên tâm tu hành. Những ngày tuổi xế chiều, bà sống an vui mặc dù không ngờ được sống cạnh đứa con yêu quý của mình. Khi bà lão lâm bệnh, Ngài tự thân bên cạnh chăm sóc, phụng dưỡng khiến các đệ tử đều thấy lạ. Biết bà lão không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải đi vắng nên trước khi đi, Ngài dặn dò đệ tử: Nếu bà lão có mệnh hệ gì thì chúng Tăng cứ làm đủ lễ nghi, đợi sư về sẽ đậy nắp áo quan. Đúng như dự đoán, bà mất ngay sau đó, Tăng chúng làm đúng như lời sư dặn. Ngài trở về chùa, chậm rãi từng bước đi quanh quan tài, cử chỉ lạ lùng với thái độ thành kính khác thường đối với bà cụ làm Tăng chúng ngạc nhiên. Đến cạnh quan tài, Hòa thượng khấn: Đức Phật từng dạy rằng, một người con tu hành ngộ đạo, cha mẹ sẽ được sanh thiên, nếu lời dạy ấy là đúng thì xin cho chiếc quan tài quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật. Khi Ngài vừa dứt lời, mọi việc xảy ra như lời nguyện, trước sự kinh ngạc của toàn thể hội chúng. Bấy giờ, mọi người mới biết bà lão là mẹ của Sư. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay trong niềm kính ngưỡng vô cùng. Khi chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy hình ảnh gương mặt bà cụ tươi sáng rạng rỡ cùng ánh mắt Hòa thượng ngời lên niềm an lạc. Tâm hiếu của người con hòa cùng trong tâm từ của một bậc giác ngộ, như đóa sen thơm tỏa hương tinh khiết, vô hình mà bất diệt, vô thanh mà tràn ngập âm hưởng diệu kỳ, vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.

Trong quyển Hồng Phúc Phổ Hệ có những đoạn tán thán công đức của Sư:
“Diêu văn Đại Thánh Sư, thần đức nan tuyên giả, chỉ tích mẫu quan phi, niệm kinh Bảo Liên Hoa, đầu đơn đế nhãn minh, tiến ngọc quân vương tạ…”.
Nghĩa là:
“Xa nghe thầy Đại Thánh, thần đức khó nói hết, gậy chỉ quan (tài) mẹ bay, tụng kinh Bảo Liên Hoa, nạp đơn vua mắt sáng, dâng ngọc quân vương tạ (ơn)…”.

Sau này, nơi quán bán trà của mẹ, Sư lập một ngôi chùa đặt tên là “Mại Trà Lai Tự” ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giang. Am tranh bà từng ở để tên là “Dưỡng Mẫu Đường” ở phủ Vĩnh An.

Lại một đoạn khác cũng tán thán lòng hiếu thảo của Sư có hai câu:
“Dưỡng Mẫu Đường linh thế thái vĩnh trường khan,
Vọng Mẫu tháp trí trà lai nhân tịnh đổ”.

Nghĩa là:
“Dưỡng Mẫu Đường khiến người đời mãi nhớ,
Vọng mẫu tháp trí trà lai mọi người thấy”.

Trong lịch sử Phật giáo thế giới và Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện về gương đạo hiếu của các vị thiền sư, các bậc xuất gia được người đời ngợi ca. Tấm lòng báo hiếu bằng cách phụng dưỡng, chăm sóc, cầu nguyện phước lành cho cha mẹ là điểm chung thường thấy. Riêng thiền sư Tông Diễn, với trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu, Ngài làm tròn chữ hiếu bằng công hạnh tu tập, hành đạo của mình, độ mẹ qua biển khổ sinh tử. Hạnh nguyện của Ngài giúp ta liên tưởng tới hình tượng của vị Tôn giả Mục Kiền Liên – một trong những đệ tử xuất chúng của Đức Phật Thích Ca. Sau khi đắc quả A La Hán, ngài đã dùng lòng từ bi vô lượng và trí tuệ rạng sáng để hóa độ chúng sinh, thỉnh chư Tăng cầu nguyện để cứu mẹ thoát khỏi cảnh khổ nơi địa ngục.

Có thể nói, hành trạng của thiền sư Tông Diễn là tấm gương của một bậc tu hành đạo hạnh, tấm lòng hiếu đạo cùng nguyện lực cao cả, và công hạnh vô ngã vị tha của Ngài sẽ như hạt giống bồ đề mãi nảy nở giữa nhân gian./.

Chú thích:
* ThS. Đinh Thị Duyến, Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Hải quân.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hiền Đức (2006), Lịch sử Phật giáo Việt Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh, tập 1: Lịch sử Phật giáo Đàng Ngoài, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh.
2. ĐĐ. Thích Thanh Huy, Thiền phái Tào Động ở miền Bắc Việt Nam với những đóng góp cho đạo pháp và dân tộc. Hội thảo Phát huy vai trò của Tăng, Ni GHPGVN trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tháng 1/2022.
3. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Tăng Thống Đạo Nguyên Thích Khoan Dực biên soạn, Tào Động môn nhân Đức Nguyên Thích Tiến Đạt dịch (2015), Tào Động Tông Nam Truyền Tổ Sư Ngũ Lục, Nxb. Hồng Đức.
5. Thích Thanh Từ (2010), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tôn giáo. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin