Chi tiết tin tức

Những nhân vật lịch sử tiên khởi truyền bá đạo Phật ở Giao Châu

15:11:00 - 23/09/2022
(PGNĐ) -  Là tôn giáo xuất phát từ Ấn Độ, nên khi truyền bá đến khu vực Đông Nam Á, Phật giáo đã theo chân các nhà sư người Ấn và người Trung Á đến vùng đất mới mẻ này. Miền Bắc nước ta (lúc bấy giờ là Giao Châu trong hệ thống hành chính của nhà Đông Hán) là nơi có nhiều sự tiếp biến văn hóa diễn ra giữa văn minh Ấn Độ và văn minh Trung Hoa, trong đó Phật giáo đã được các tăng nhân người Ấn và người Trung Á xiển dương. Họ có tên tuổi và được người đương thời quý trọng nhưng không được sử sách ghi chép nên đã bị người đời sau lãng quên và trở thành vô danh. Những nhân vật được ghi nhận lại trong sử sách vừa có thể xem là những người tiêu biểu, vừa không nên cho rằng họ là những người sớm nhất hay duy nhất trong lịch sử truyền bá Phật giáo ở nước ta. Tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu học thuật, chúng ta nên xem họ là những người truyền giáo thời kỳ sớm, có công xây dựng nền tảng cho Phật giáo Việt Nam.

MA HA KỲ VỰC (Mahajivaka)

Khoảng những năm 168-189, sư Ma Ha Kỳ Vực cùng với sư Khâu Đà La đến Luy Lâu – trị sở của Thái thú Sĩ Nhiếp vào cuối đời vua Hán Linh Đế. Sự tích liên quan đến sư Ma Ha Kỳ Vực còn được một số sử sách ghi chép. Nếu tập hợp lại, chúng ta có thể thấy được những nét chung về con đường truyền đạo của ngài.

Sách Cao Tăng truyện (quyển 9) của Huệ Hạo chép rằng: Ma Ha Kỳ Vực nguyên là người Tây Trúc, đã vân du khắp xứ văn minh và mọi rợ, không ở yên một nơi nào. Sư có những hành động mà các đệ tử và tùy tùng không biết trước được. Sư đi từ Tây Trúc đến nước Phù Nam, rồi dọc theo bờ biển, đến Giao Châu và Quảng Châu…Vào cuối triều Huệ Đế nhà Tấn (290-306), sư đến Lạc Dương. Sau này, khi có nhiều biến loạn, sư bèn trở về Tây Trúc…

Sách Phật tổ lịch đại thông tái viết: Năm Vĩnh Bình thứ tư đời Tấn Huệ Đế (năm 294), có vị sa môn Tây Trúc là Kỳ Vực đến Lạc Dương. 

Sử liệu Việt Nam là Thiền Uyển tập anh dẫn lời của Thiền sư Thông Biện dẫn lại sư Đàm Thiên nói, lúc Phật pháp mới đến Trung Quốc “đã có Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại Giao Châu”. Trong số năm người tăng sĩ này chỉ có một người là người Hán, còn lại là người Ấn và Trung Á.

Sách Cổ Châu Pháp Vân Phật Bản hạnh ngữ lục cho rằng, Khâu Đà La và Ma Ha Kỳ Vực đã cùng nhau đến Luy Lâu vào cuối đời Hán Linh Đế. 

Những thư tịch cổ đều không ghi chép lại cách thức, lời lẽ truyền đạo của ngài Ma Ha Kỳ Vực ở Giao Châu. Ta chỉ có thể biết đạo pháp của ông khi ông ở Trung Hoa. Chắc rằng những điều ông thể hiện ở Trung Hoa ít nhiều đã được thể hiện ở nước ta, vì cùng một người, cùng một tôn giáo, cùng một hành trạng nên cùng một thuyết pháp.

Sách Cao Tăng truyện viết về Ma Ha Kỳ Vực (đã dẫn) viết tiếp: Khi đến Tương Dương, [Ma Ha Kỳ Vực] muốn nhờ đò qua sông, người chèo thuyền thấy sa môn Ấn Độ, áo quần xấu xí, khinh mà không chở. Thuyền đến bờ bắc thì thấy Vực đã vượt qua sông rồi. Đi tới trước, thấy hai con hổ rung tai (nhị nhĩ-cụp tai) vẫy đuôi, Vực lấy tay xoa đầu, hổ liền xuống mé tả mà đi. Người hai bên bờ thấy, đi theo sư thành đoàn (nguyên văn: tùy tòng thành quần). Đến cuối đời vua Tấn Huệ Đế, Vực đến Lạc Dương. Các vị sư ra làm lễ, Vực cũng quỳ xuống lặng lẽ, sắc diện không đổi thay.

Tác giả Huệ Hạo kể chuyện ngài Ma Ha Kỳ Vực dùng phép chữa lành bệnh cho một số người trong số đó có Thái thú Hoành Dương là Đằng Đĩnh Văn. “Khi Lạc Dương có binh loạn, bèn từ giã về Thiên Trúc. Bấy giờ, tại Lạc Dương, có sa môn Trúc Pháp Hành là vị sư cao đạo, được người đương thời quý trọng, nói với sư Kỳ Vực: “Thượng nhân là vị sư đã đắc đạo, xin lưu lại một lời để mãi mãi làm lời răn”. Vực nói: “Nên họp hết mọi người”. Khi mọi người đông đủ, Vực lên giảng tòa nói: “Giữ miệng, nhiếp thân, ý cẩn thận chớ phạm ác, tu hành mọi điều thiện, như vậy mới độ được đời”. Nói xong bèn lặng lẽ nhập định. Hành lại xin: “Nguyện thượng nhân nên truyền cho điều chưa từng được nghe. Còn như nghĩa câu ấy thì con nít tám tuổi cũng đọc thuộc lòng rồi, chẳng phải là điều mong cầu ở bậc đắc đạo”. Vực cười đáp: “Tám tuổi tuy đọc, trăm tuổi không hành, thì đọc ích gì. Mọi người ai cũng biết kính trọng người đắc đạo, nhưng không biết làm sao để tự mình đắc đạo. Đáng thương thay! Lời ta tuy ít, nếu người làm, lợi sẽ rất nhiều”. Rồi bèn từ giã bỏ đi. Vài trăm người ai cũng mời Vực tới ăn trưa nhà mình. Vực đều hứa hết. Sáng mai, 500 nhà đều có mặt Vực. Ban đầu, ai cũng nói Vực chỉ đến nhà mình, nhưng sau hỏi lại nhau mới biết Vực đã dùng phép phân thân mà đến…”

Sử liệu Việt Nam là Thiền Uyển tập anh dẫn lời của Thiền sư Thông Biện dẫn lại sư Đàm Thiên nói, lúc Phật pháp mới đến Trung Quốc “đã có Khâu Đà La, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại Giao Châu”.

Những chi tiết kỳ dị trên, chắc là do người đời truyền tụng mà thành. Huệ Hạo là người sùng thượng Ma Ha Kỳ Vực nên đã ghi chép lại những lời truyền trong dân gian về Ngài. Nếu đối xét với quan điểm thần thông trong Phật giáo, có thể thấy, chư vị thánh Tăng rất hiếm khi thể hiện thần thông, song việc truyền tụng linh dị cho thấy phần nào mức độ tôn sùng của nhân dân đối với một cao tăng như ngài Ma Ha Kỳ Vực.

KHÂU ĐÀ LA À MAN NƯƠNG

Không giống như Ma Ha Kỳ Vực, bạn đồng hành của ông là sư Khâu Đà La ở lại Giao Châu truyền đạo. Tên tuổi và hành trạng của sư Khâu Đà La gắn với huyền thoại Man Nương, xuất hiện trong nhiều sử liệu Việt Nam, gắn liền với thiền phả của một trong những chùa cổ kính nhất nước ta – chùa Pháp Vân (còn gọi là chùa Dâu).

Theo sách Báo cực truyện, khi Khâu Đà La và Ma Ha Kỳ Vực đến Luy Lâu, họ gặp một tu sĩ tên là Tu Định, mời họ ở lại. Ngài Ma Ha Kỳ Vực từ chối, tiếp tục đi về phương Đông. Sư Khâu Đà La ở lại nơi của Tu Định, tu khổ hạnh, nhịn ăn nhiều ngày. Tu Định ngưỡng mộ, sai người con gái tên là A Man hầu hạ. Độ một tháng, sư ngỏ ý muốn đi. Tu Định làm lễ, xin dạy bảo. Sư nói: “Vì ham sàng cám để có gạo, người ta quên trời tối thành ra mất lối, đầu óc mù mịt vì nhiều lo nghĩ. Khi đầu óc mù mịt, người ta trở thành lãnh đạm đối với tất, với bậc hiền giả cũng như với kẻ tầm thường. Con nay đã thâm nhập chính pháp của ta, thế là con có túc duyên. Gái A Man của con sẽ được một ân huệ lớn trong đạo. Khi nó gặp người tế độ, nó sẽ trở thành một pháp khí quan trọng. Con hiểu ý ta không?”. Lời căn dặn của sư Khâu Đà La khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh pháp khí và tứ pháp sau này là Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện. Nói xong, sư bằng lòng ở lại thêm một thời gian nữa. Thỉnh thoảng, ngài đứng bằng một chân và tụng kinh suốt bảy ngày đêm. Một hôm, sau khi xướng một bài kệ, sư biến mất. Người ta nghe tiếng ngài vang lên trên đỉnh núi phía tây. Vì cách một khu rừng rậm rạp, nên A Man không theo kịp được, đành vọng bái rồi quay về. Mọi người tìm kiếm nhưng vô hiệu, chỉ thấy một vài câu kệ ghi trên một thân cây to trên đỉnh núi. Người thì cho rằng sư đã tịch, người lại cho rằng ngài đã đi nơi khác.

Nội dung truyện về Khâu Đà La trong Lĩnh Nam chích quái khác so với vừa kể với nhiều chi tiết cụ thể hơn khiến chúng tôi suy đoán rằng, có thể Báo cực truyện xuất hiện trước Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp. Đây cũng là quan điểm của tác giả Trần Văn Giáp trong Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII. Có thể tóm tắt truyện về sư Khâu Đà La và Man Nương trong Lĩnh Nam chích quái như sau: Sư Khâu Đà La có tên là Già La Đồ Lê, đây có thể là phiên âm của Cà La Chà (Kalacarya nghĩa là bậc Thánh với nước da ngăm đen). Cái tên này gợi ý rằng sư Khâu Đà La không phải người thuộc chủng Aryan mà là người Dravidian là người làm chủ tiểu lục địa Ấn Độ trước khi bị người Aryan xâm chiếm, thống trị và lui về phía Nam Ấn. Còn nhân vật Man Nương không phải là con gái của Tu Định mà mồ côi cả cha lẫn mẹ, sống cuộc đời nghèo khó nhưng sùng đạo, mắc tật nói ngọng, nhận công việc trông nom bếp núc trong chùa cho các vị sư. Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn chép lại sự tích này rõ hơn.

Khoảng trời tháng năm, đêm ngắn ngủi, Man Nương vội vã thổi nấu cho xong. Nàng nấu xong rồi nhưng các sư còn tụng kinh, chưa nghỉ để ăn cháo. Man Nương ngồi chờ, ngủ gật ở ngạch cửa, không ngờ quên bẵng ngủ say. Đến khi tăng chúng tụng niệm xong, ai về phòng nấy, Man Nương vẫn nằm ở cửa. Sư Đồ Lê không còn cách nào khác vào phòng, bèn cất chân bước qua. Man Nương nằm mộng thấy tâm động. Sau đó một thời gian Man Nương rời chùa. Sư Đồ Lê cũng đến một chùa khác ở ngã ba đầu sông mà ở. Mãn nguyệt, Man Nương sinh hạ một bé gái. Nàng tìm nhà sư để giao đứa trẻ. Sư Đồ Lê vì từ bi mà nhận đứa bé, sau đó đặt vào trong gốc cây đa ở ngã ba đầu sông rồi chú nguyện: “Ta gửi Phật tử này cho mày, mày giữ lấy sau được thành Phật đạo”. Khi sư và Man Nương rời đi, sư cho nàng một chiếc gậy và bảo rằng: “Hễ gặp năm nào trời đại hạn thì lấy gậy vẫy dưới đất, tự nhiên sẽ có nước chảy ra để cứu dân”. Man Nương cầm chiếc gậy trở về lại chùa như trước. Sau đó gặp năm đại hạn, nàng làm theo lời căn dặn của sư, cứu được bách tính muôn dân. 

Có thể thấy qua lời kể dân gian, hình tượng Phật Tứ Pháp được định vị của dân tộc ta, nhất định không rời bản quán để sang Trung Quốc. Thực vậy, các đời vua nhà Lý, nhà Trần thường rước tượng Tứ Pháp (đặc biệt là tượng Phật Pháp Vân) mỗi khi có sự kiện trọng đại của đất nước. Những sự kiện trên cho thấy hình ảnh của sư Khâu Đà La và Man Nương trong buổi đầu Phật giáo hòa nhập vào dân tộc ta. (Ảnh: tượng Bà Dâu (giữa), Bà Đậu (phải), Bà Tướng (trái) ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh (1989) – Redsvn.net)

Khi Man Nương được 80 tuổi, bất ngờ cây đa bị đổ, trôi đến bến trước chùa, quanh quẩn ở đó không trôi đi xa nữa. Người dân mang rìu búa đến bửa vào cây đều bị gãy. Làng xóm rủ nhau có đến trăm người kéo, cây cũng không chuyển. Gặp khi Man Nương xuống bến rửa tay, bà khẽ kéo thử, lập tức cây chuyển động trôi vào bờ. Mọi người đều ngạc nhiên, bảo Man Nương kéo thẳng lên bờ, khiến thợ mộc trổ làm bốn tượng Phật. Khi đẽo đến giữa thân cây, chỗ ngày xưa sư Đồ Lê đặt bé gái vào thì chỗ ấy đã hóa thành phiến đá rất cứng. Búa rìu bổ vào đều gãy cả. Mới lấy phiến đá ném xuống nước. Phiến đá phóng xuất hào quang, những người thợ ném phiến đá xuống đều bị chết. Mọi người van xin Man Nương, nhờ kẻ chài lặn xuống sông vớt phiến đá lên, rước vào điện Phật mà thờ. Bốn pho tượng sau khi tạo thành được đặt các tên Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện, thờ ở chùa Dâu. Hiện nay, cả 4 pho tượng Tứ Pháp đều được tạo tác vào thế kỉ XVIII bằng chất liệu gỗ có sơn phủ và đang được lưu giữ tại hệ thống các chùa thờ Tứ Pháp ở huyện Thuận Thành là: Chùa Dâu, Chùa Tướng thuộc xã Thanh Khương và chùa Dàn thuộc xã Trí Quả.

Trong Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, chỉ rõ tên của vị sư là Khâu Đà La:

Từ Sơn Phủ, huyện Tiên Du

Phượng Hoàng non ấy có chùa Linh Quang

Rừng xanh gọi đồi Mả Mang

Kề bên Thạch Thất có làng Non Tiên

Có thầy ở mãi Tây Thiên,

Luyện tu đạo thiền, hiệu Khâu Đà La,

Lập am dưới gốc cây đa

Trụ trì cảnh ấy, nhật đà niệm kinh.

Các sự kiện sau đó như Man Nương hoài thai, sinh hạ bé gái, nhận cây gậy gỗ, dân làng kéo cây đa… tương tự như Lĩnh Nam chích quái đề cập. Danh tiếng tượng Tứ Pháp truyền sang tận nhà Tấn. Vua Tấn Minh Đế sai tướng Đào Khản đem quân qua Giao Châu chiếm đoạt tượng Phật. Nhưng:

Sai ngàn quân mạnh trảy sang

Kiệu hòa chẳng nổi nặng bằng Thái Sơn

Ngày sau lại sai ba ngàn

Kiệt Bụt lên ngàn giữa cõi Long Chi

Quân Tấn ngã thác tứ bề,

Đào Khản mất vía đương khi khấn cầu

Xin hoàn Phật tự Cổ Châu

Kiệu Đức Phật lại chẳng âu sự gì.

Có thể thấy qua lời kể dân gian, hình tượng Phật Tứ Pháp được định vị của dân tộc ta, nhất định không rời bản quán để sang Trung Quốc. Thực vậy, các đời vua nhà Lý, nhà Trần thường rước tượng Tứ Pháp (đặc biệt là tượng Phật Pháp Vân) mỗi khi có sự kiện trọng đại của đất nước. Những sự kiện trên cho thấy hình ảnh của sư Khâu Đà La và Man Nương trong buổi đầu Phật giáo hòa nhập vào dân tộc ta.

MÂU TỬ VÀ LÝ HOẶC LUẬN

Mâu Tử, tên thật là Mâu Bác, là người Hán, sinh khoảng năm 165-170 ở vùng Thương Ngô, Lưỡng Quảng. Ông vốn theo đạo Hoàng Lão, sau di cư sang Giao Châu, mến mộ đạo Phật và trở thành Phật tử. Cuối đời ông trở về Trung Hoa. Ông được xem là người Trung Hoa tiên phong trong trước tác về Phật giáo. Lý Hoặc Luận là tác phẩm nổi bật của ông trong đó xiển dương Phật pháp trước các tôn giáo khác và bác bỏ những luận điểm phê bình Phật giáo của ngoại đạo. Sách thể hiện dưới hình thức vấn đáp. Hoằng Minh Tập của Tăng Hựu thời Nam Bắc triều ghi lại tác phẩm này. Tùy chí và Đường chí đều có nhắc đến Lý Hoặc Luận. Đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu về tác phẩm Lý Hoặc Luận, vì vậy trong bài viết này, chúng tôi không trình bày sâu mà chỉ khái quát lại các kết luận từ những nghiên cứu trước đây.

Khác với nhận định của một số tác giả, Mâu Tử không thuộc lớp người đầu tiên truyền bá đạo Phật ở nước ta. Ông vốn tinh thông Nho học và Lão học. Sau đó khi đến Giao Châu, được tiếp xúc với đạo Phật, ông tin theo và hết lòng xiển dương Phật giáo. Mâu Tử học đạo với tăng sĩ tại Giao Châu là điều chắc chắn, đây có thể là chư Tăng người Ấn Độ hoặc Trung Á và có thể là người Việt nữa. Các chùa, trung tâm học tập ở Luy Lâu bấy giờ có thể dạy Mâu Tử kiến thức Phật học bằng tiếng Việt, Hán và thậm chí tiếng Phạn. Tăng sĩ ở Gia Châu về sắc phục, lễ nghi hẳn đều theo quy tắc sinh hoạt của Tăng già ở Ấn Độ, cho nên trong Lý Hoặc Luận mới có sự thắc mắc của ngoại giáo về đạo Phật: “Tăng sĩ mặc áo cà sa đỏ và trong giao tiếp đều không xử sự theo khuôn phép nghi lễ của thánh Nho”. Cần chú ý rằng, mãi đến khi thiền sư Vô Ngôn Thông đến nước ta vào thế kỷ IX, lập ra dòng thiền Vô Ngôn Thông thì quy chế các thiền viện Trung Hoa mới có thể bắt đầu được thực hành ở Việt Nam. Vì một lẽ dễ hiểu là thiền sư Bách Trượng – thầy dạy trực tiếp của thiền sư Vô Ngôn Thông – là người tiên khởi đặt ra quy chế mới của thiền viện (Bách Trượng Thanh Quy). Như vậy, trước khi tiếp cận quy chế do thiền sư Bách Trượng đề ra, quy chế sinh hoạt của tăng đoàn Ấn Độ là lựa chọn duy nhất cho lịch trình sinh hoạt và tu tập của tăng sĩ Việt Nam thời đầu Công nguyên. Và số lượng tu sĩ Phật giáo ở miền Bắc nước ta đã tương đối đông đảo vào mấy thế kỷ đầu Công nguyên.

THIỀN SƯ KHƯƠNG TĂNG HỘI

Ngài Khương Tăng Hội là người Trung Á, sống và xuất gia ở Giao Châu rồi sang Trung Hoa truyền đạo. Ông có thể xem như người tiên khởi của Thiền học Việt Nam. Cha mẹ của ngài sinh quán ở nước Khương Cư (Sogdiance, nay thuộc Uzbekistan), di cư sang Ấn Độ, rồi từ Ấn Độ sang buôn bán và lập nghiệp tại Giao Châu. Khương Tăng Hội sinh ra trên đất Giao Châu. Năm 10 tuổi, cha mẹ ông đều mất, ông xuất gia theo đạo Phật, học hành tu tập rất tinh tiến. Ông tinh thông Phạn ngữ và Hán ngữ. Sau đó, ông về Giang Đông truyền bá Phật giáo và phiên dịch nhiều kinh điển, có các bộ như: Đại A Di Đà kinh, Duy Ma Cật Kinh, Thụy Ứng bản khởi Kinh, Đại Bát Niết bàn Kinh… Giới nghiên cứu chú ý nhiều đến bộ Bát thiên tụng Bát Nhã và An Ban thủ ý là hai tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến Thiền học Việt Nam sau này.

Bát thiên tụng Bát nhã thuộc văn hệ Bát nhã, sớm được dịch ở Giao Châu cho thấy tầng lớp tăng sĩ bản địa đã đủ khả năng lĩnh hội tư tưởng Đại thừa Phật giáo phức tạp này từ rất sớm và là bộ kinh Bát nhã xuất hiện sớm nhất của toàn văn hệ. Chủ đề mà ngài Khương Tăng Hội dịch chính là Sunyata (tính Không) – là chủ đề Trung Luận của Long Thọ Bồ tát và sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Việt Nam. 

Chủ đề mà ngài Khương Tăng Hội dịch chính là Sunyata (tính Không) – là chủ đề Trung Luận của Long Thọ Bồ tát và sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: tượng Sơ Tổ Thiền tông Việt Nam – Thiền sư Khương Tăng Hội – Langmai.org)

Ngài còn chú giải cuốn An Ban Thủ Ý (vốn do sư An Thế Cao dịch ở Lạc Dương). An Ban Thủ Ý Kinh dạy phép đếm hơi thở để điều tâm. Có người cho rằng vì vậy, sư Khương Tăng Hội đã Đại thừa hóa thiền học của An Thế Cao. Thực ra, phép tu thiền bằng hơi thở đã có nguồn gốc từ thời Đức Phật (có thể xem Kinh Giáo giới La Hầu La). Khi viết bài tựa cho bản dịch Kinh An Ban Thủ Ý, ngài tôn xưng An Thế Cao là Bồ tát, mà rõ ràng khái niệm Bồ tát này là một đặc trưng của tư tưởng Đại thừa Phật giáo. Về sau, sư Khương Tăng Hội khi đến Giang Đông rất được Ngô chủ trọng vọng. Ông mất năm 280 vào đời nhà Tấn.

TẠM KẾT

Các vị thiền sư vừa nêu là những nhân vật sớm nhất còn được lưu lại trong thư tịch cổ của Việt Nam và Trung Hoa. Họ đóng góp những giá trị nền tảng sâu sắc, phản ánh tâm thức của người Việt thời đầu công nguyên đối với Phật giáo và đã lưu lại những ảnh hưởng lâu dài về sau cho Phật giáo Việt Nam. Họ góp phần chứng minh Phật giáo ở nước ta đã có từ rất sớm, song song với sự truyền bá và du nhập Phật giáo vào Trung Hoa, và chư vị tăng sĩ thời bấy giờ đã hài hòa giá trị Phật giáo vào văn hóa bản địa mà vẫn xiển dương Phật pháp, quần chúng gần xa đều kính ngưỡng đạo Phật.

 

Hưng Trung/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 397

 

Chú thích:

1. Nguyễn Tài Thư (Chủ biên) (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb. Đại học Sư phạm.

2. Nguyễn Lang (2014), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học.

3. Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, tập 1, Nxb. Thuận Hóa.

4. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh (1998), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb. Giáo dục.

5. Lê Mạnh Thát (2006) (dịch), Thiền Uyển Tập Anh ngữ lục, Quyển thượng, Nxb. Phương Đông.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin