Chi tiết tin tức

Về vị Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội: Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng

20:54:00 - 23/10/2022
(PGNĐ) -  Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng (1881-1953) là danh nhân tiêu biểu của Huế vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Với tinh thần hăng say hoạt động Phật sự, hết lòng hy sinh cho đạo pháp, cụ Ưng Bàng không chỉ cống hiến nhiều công lao trong phong trào chấn hưng Phật giáo nước nhà, mà còn là một trong những người tiên phong tham gia sáng lập Phật học hội và đặc biệt sau này đảm nhận chức vụ Chánh Hội trưởng. Thông qua việc trích dẫn lại các tư liệu đương thời, bài viết cho thấy ông Ưng Bàng đã chung tay cùng An Nam Phật học hội đẩy mạnh sự nghiệp hoằng pháp, đào tạo Tăng tài, bài trừ mê tín và tạo nên một diện mạo mới, bản sắc riêng cho Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Huế nói riêng.

 

Gian thờ Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng và gia quyến.

HIỆP TÁ ĐẠI HỌC SĨ ƯNG BÀNG: CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Xuất thân trong gia đình hoàng tộc nhà Nguyễn với truyền thống thi thư lễ nhạc vẹn toàn, Nguyễn Phúc Ưng Bàng 阮福膺厖 là con trai của Khánh Lộc đình hầu Hường [Hồng] Hậu [1] và bà Nguyễn Thị Tú [2]. Ông sinh vào năm 1881 tại phủ Hoằng Hóa Quận vương, pháp danh Thanh Cát, tự Mông Phong. Ưng Bàng đã kế thừa và phát triển tinh hoa giáo dục từ nề nếp gia phong một cách cao đẹp nhất. Vì vậy, ông có những tri thức sâu sắc về văn hóa, văn minh phương Tây lẫn Á Đông. 

Trải qua hơn 30 năm dấn thân chốn quan trường, cụ Ưng Bàng lần lượt được triều đình thăng thưởng, đảm nhận nhiều chức vụ trọng yếu khác nhau như: tập phong tước Hoằng Hóa huyện hầu (1909), Chánh sứ ở Phụng Hổ (1911), Tá lý Bộ Lễ (1917), Thị lang Bộ Lễ (1919), Tham tri Bộ Binh kiêm nhiệm chức Binh Mã sứ ở Hộ Thành (1922), Tả Tôn chánh ở Tôn Nhơn Phủ (1926), Tuần vũ tỉnh Bình Thuận (1929), Tổng Đốc tỉnh Bình Định (1930) [3]. Từ năm 1933, ông được triệu về Kinh đô Huế làm Thượng thư kiêm nhiếp Tôn Nhân Phủ đại thần (2/1933-1/1935). Sau khi đến tuổi nghỉ hưu vào năm 1936, Ưng Bàng được vua Bảo Đại phong hàm Vinh lộc Đại phu Trụ quốc, Hiệp tá Đại học sĩ trí sự. Ông được phong thưởng Long bội tinh (1933), Kim bài (1936), Minh nông bội tinh (1937), Bắc Đẩu bội tinh (1941)… Đồng thời, cha mẹ của ông cũng được triều đình ban đặc ân truy thụ phẩm hàm.

Bức hoành phi đề chữ “Vạn gia sinh Phật” treo tại gian thờ Hiệp tá Ưng Bàng.

Quốc Sử Quán triều Nguyễn có đoạn chép như sau: “Năm Khải Định thứ 6 (1921). Mùa đông, tháng 10, chuẩn cho Sinh phong Thị độc Học sĩ quá cố Hồng Hậu được cải thụ ấn hàm. Vua phê rằng: Bên Bộ Lại tâu trình việc Ưng Bàng xin truy thụ cho cha của ông ta được cải thụ ấn hàm. Quan bộ Lại thấy rằng không có lệ như vậy, vì thế vốn không chuẩn y, nhưng nghĩ Hồng Hậu vốn là người hiền hậu chất phác hơn người, mà Ưng Bàng cũng chất phác, bẩm tính rất có hiếu với cha, trong khánh phả khó tìm được người như thế. Vì vậy gia ân đặc cách chuẩn cho truy cải ấn hàm để biểu dương lòng hiểu thảo” [4].

Mặc dù đã nghỉ hưu để vui thú điền viên nhưng Hiệp tá Ưng Bàng vẫn tham gia sôi nổi vào công việc dòng tộc và các hoạt động Phật sự, với việc đảm đương chức vụ Phổ trưởng Đồng tôn tương tế [5] (1936-1940), Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội (1941-1943). Sau một thời gian lâm bệnh, ông Ưng Bàng qua đời vào ngày 8 tháng 11 năm Quý Tỵ (1953), hưởng thọ 73 tuổi, thụy Văn Ý. Ngôi phủ đệ Hoằng Hóa quận vương tuyệt đẹp tọa lạc ở địa chỉ số 26 Tô Hiến Thành (phường Gia Hội, thành phố Huế) cũng chính là nơi thờ phụng Hiệp tá Ưng Bàng và gia quyến. 

Mộ phần của Hiệp tá Ưng Bàng được thân quyến an táng tại khuôn viên tổ đình Báo Quốc (phường Phường Đúc, TP. Huế). Khu lăng mộ này có kiến trúc một vòng thành, bình phong tiền, bình phong hậu, nhà bia và tẩm mộ. Bên trong vòng thành có hai ngôi mộ của cụ Ưng Bàng và bà chánh thất Nguyễn Khoa Diệu Xuyến [6]. Mộ xây theo hình chữ nhật, được song táng theo quan niệm “Càn Khôn hiệp đức” – một biểu tượng đẹp của sự hạnh phúc và thủy chung của vợ chồng. Cụ Ưng Bàng có 4 con trai và 5 con gái, trong đó người con trai trưởng là Bửu Hộ (1902-1972) từng giữ chức Tri huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), Tri huyện Phù Cát (Bình Định), về sau thăng chức Tri phủ. Những thành viên trong gia đình Hiệp tá Ưng Bàng đều mến mộ Phật giáo và quy y cửa Phật [7].

NHỮNG DẤU ẤN CỦA HIỆP SĨ ĐẠI HỌC ƯNG BÀNG ĐỐI VỚI AN NAM PHẬT HỌC HỘI VÀ PHẬT GIÁO XỨ HUẾ

Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng là một cư sĩ thuần thành uyên thâm Phật pháp, thường xuyên trao đổi hàn huyên Phật học với các bậc cao tăng đương thời. Hiệp tá Ưng Bàng là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần dấn thân phụng sự của một người Phật tử tại gia đối với đạo pháp, đặc biệt trong giai đoạn Phật giáo Việt Nam đang tìm một hướng đi mới, canh tân và thích hợp với sự thay đổi trước thời cuộc lúc bấy giờ. Niên hiệu Bảo Đại năm thứ 5 (1930), Biên tu Ngô Thế Vinh đã tặng Hiệp tá Ưng Bàng một bức hoành phi đề chữ “Vạn gia sinh Phật 萬家生佛” (Muôn nhà sinh Phật) để ca ngợi công đức hộ trì, xiển dương đạo pháp của ông. Hiện nay, bức hoành phi này vẫn còn được treo tại liên ba gian thờ Hiệp tá Ưng Bàng (thuộc phủ thờ Hoằng Hóa quận vương).

Chân dung Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng
(1881-1953)

Ngày 23/2/1932, được sự cố vấn và chứng minh của các thiền sư Giác Tiên, Phước Huệ, Huệ Giác, Tịnh Hạnh, Giác Nhiên, cụ Lê Đình Thám đã cùng với Hiệp tá Ưng Bàng vận động một số quan lại, thương gia có địa vị và uy tín trong xã hội đương thời như Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Viễn Đệ, Tôn Thất Tùng… tham gia soạn thảo điều lệ và quy tắc thành lập Hội Phật học (Société d’Etude et d’Exercice de la Religion Bouddhique) để xin phép chính quyền Nam triều, chính phủ Bảo hộ chấp thuận. Bản Điều lệ và Quy tắc này đã được Khâm sứ Trung Kỳ Yves Châtel duyệt ký tại Nghị định số 2691 vào ngày 17/9/1932. Từ đây, Hội Phật học chính thức đi vào hoạt động với đầy đủ tư cách pháp nhân. Mục đích của Hội là “mỗi tháng đến ngày mồng một và rằm thiết lễ, lễ Phật và thỉnh thầy giảng đạo để cho các hội viên đồng học đồng tu; Cốt để giúp thiện nam và tín nữ được hiểu rõ chánh giáo của Phật” [8]. Sự ra đời và hoạt động của Hội Phật học đã đánh dấu bước đi quan trọng trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Kỳ mà Huế là trung tâm của cuộc vận động vào những năm 30 của thế kỷ XX. 

Sau một quá trình hoạt động, Hội Phật học nhận thấy phải tổ chức thảo luận để điều chỉnh lại bản điều lệ và quy tắc cho phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Kết quả, Hội đã đệ trình lên vua Bảo Đại và Khâm sứ bản điều lệ, quy tắc sửa đổi, bổ sung và được xem xét, chuẩn y vào ngày 18/2/1935. Nội dung bản “Tấu” của Bộ Lại “về việc xin cho Hội Phật học ở Huế sửa đổi quy trình” như sau:

“Ngày 15 tháng 1 năm Bảo Đại thứ 10 (18 Février 1935)

Nam triều Lại bộ

Số hiệu: 32

Bộ chúng tôi có tiếp Thừa Thiên phủ thần tư xin cho Hội Phật học ở Huế (Société d’Etude et d’Exercice de la Religion Bouddhique à Hué) sửa đổi quy trình và điều lệ.

Bộ chúng tôi xét trong dạng văn bản quy trình và điều lệ Hội ấy, không có điều gì trở ngại, xin nên y cho, đã tư Bộ Lễ nghi và thương quí Khâm sứ tòa đều phúc ý hiệp. Vậy dám xin đem bản quy trình và điều lệ của Hội ấy đính theo sau nầy, kính tâu lên Hoàng thượng, hậu phụng Chỉ chuẩn lục tuân.

Nay phụng cẩn Tấu.

Phụng Châu phê: “Chuẩn y. B. Đ. Khâm thử”

Thần: Thái Văn Toản, Hà Xuân Hải

Lại bộ cung lục

Phụng khảo 

Ký tên: Nguyễn Thúc”.

Trong điều lệ và quy tắc mới này, mục đích và tôn chỉ của Hội Phật học nhấn mạnh đến vấn đề “thực hành và truyền bá đạo Phật. Muốn đạt được hai mục đích ấy, Hội dùng những phương pháp sau: a) Tổ chức những nghi lễ và đàn tràng để Hội viên cúng dường Phật, những cuộc giảng Pháp, thuyết pháp và những lớp giảng dạy kinh điển để cho Hội viên liễu ngộ chơn lý của đạo Phật. b) Đào tạo những ông thầy đủ tư cách hoằng tuyên Phật pháp. c) Lập những cảnh chùa đúng theo giới luật và quy tắc đạo Phật đặng làm cơ sở cho nền chánh tín. d) Lập thơ viện và chỗ xem kinh sách để cho hội viên nghiên cứu Phật giáo. e) Diễn dịch và ấn hành kinh điển của đạo Phật, xuất bản những báo chí để hoằng tuyên Phật pháp. f) Hộ trì, khuyến khích các thầy chơn tu và tổ chức những phước sự khác tùy theo lực lượng và tài chính của Hội” [9].

Ngày 15/12/1937, Đại Hội đồng thường niên của Hội Phật học tiếp tục bàn luận, thông qua điều lệ, quy tắc sửa đổi và đã được Khâm sứ Trung kỳ chuẩn y tại Nghị định số 2159 của ngày 15/7/1938. Điểm đáng chú ý là danh hiệu của Hội được thay đổi thành “An Nam Phật học hội”, viết tắt là: SEERBA (Société d’ Esiude et d’Exercice de la Religion Bouddhique de l’Annam) [10]; còn mục đích của Hội chỉ có sự thay đổi một số từ ngữ cho phù hợp chứ nội dung, ý nghĩa thì không có gì thay đổi so với bản điều lệ và quy tắc soạn thảo vào năm 1935. Danh xưng An Nam Phật học Hội bắt đầu từ đây. Một sự kiện đặc biệt của An Nam Phật học Hội là được hoàng đế Bảo Đại chấp thuận đảm nhiệm cương vị Chánh Hội trưởng danh dự. Đây là sự nỗ lực khẳng định vị thế của Hội, đồng thời trở thành niềm động viên, khích lệ to lớn đến toàn thể hội viên và đạo hữu Phật giáo.

Nhìn lại quá trình hình thành An Nam Phật học Hội, chúng ta thấy Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng là một trong những thành viên tham gia tích cực vào quá trình vận động thành lập hội. Đồng thời, bản điều lệ và quy tắc của Hội được khởi thảo lần đầu tiên vào năm 1932. Những lần sửa đổi, bổ sung vào các năm tiếp theo đều có sự đồng hành và tham gia ý kiến đóng góp của cụ Ưng Bàng. 

Đến ngày 13/4/1941, Tổng Hội đồng Hội An Nam Phật học đã tổ chức cuộc họp thường niên tại chùa Từ Đàm để bầu cử Ban Trị sự mới gồm: Chánh Hội trưởng: Hiệp tá Ưng Bàng, Phó Hội trưởng: Viễn Đệ, Đạo hạnh cố vấn: Tăng cang Đắc Quang, Giáo lý kiểm duyệt: Lê Đình Thám, Quản trị cố vấn: Hiệp tá Nguyễn Đình Hòe, Mỹ thuật văn chương cố vấn: Nguyễn Khoa Toàn, Pháp luật cố vấn: Trần Kiêm Lý, Kiểm lý ngân sách: Phạm Hữu Chuẩn, Chánh Thư ký: Đặng Ngọc Sách, Phó Thư ký: Nguyễn Đăng Minh, Chánh Trưởng quỹ: Phạm Quang Hòe, Phó Trưởng quỹ: Phạm Quang Thiện, Trưởng Thư tịch: Phạm Bình, Kiểm sát: Tôn Thất Tùng, Hoàng Hữu Khác, Lê Viết Của, thầy Nguyễn Trí Thủ, thầy Nguyễn Vĩnh Thừa [11]. Từ đây, Chánh Hội trưởng Ưng Bàng đã lãnh đạo Hội An Nam Phật học đoàn kết, cùng nhau tiến bước trên con đường hoằng dương và hộ trì chánh pháp.

Chánh Hội trưởng Ưng Bàng đã khuyến tấn các Hội viên cùng thực hiện tôn chỉ “Hoằng dương Phật pháp” bằng việc tham học kinh điển, hành trì tu tập, hoằng pháp và giáo dục. Trong đó, cụ Ưng Bàng rất kỳ vọng trong tương lai sẽ xây dựng một cơ sở Phật học đường khang trang của An Nam Phật học Hội nhằm đào tạo Tăng, Ni có tài năng, đức độ làm nòng cốt cho tiến trình phát triển Phật giáo miền Trung nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Đồng thời, Hội có cơ sở vật chất, tiềm lực tài chính ổn định để tổ chức hoạt động và phát triển. Vì vậy, ngày 28/6/1942, Hiệp tá Ưng Bàng đã viết lời Thông cáo kêu gọi các hội viên và đạo hữu phát tâm công đức, cúng dường tịnh tài để xây dựng Phật học trường đăng trên Viên Âm nguyệt san. Bản thông cáo này có nội dung như sau: 

“Mục đích Hội Annam Phật học là “Hoằng dương Phật pháp”. Nền tảng của sự “Hoằng dương Phật pháp” là Chúng Tăng già đủ uy nghi pháp hạnh, chuyên tu và giảng dạy không còn bị chút chi phiền bận. Cương lãnh của chúng Tăng già chuyên tu và giảng dạy, là các học tăng thành tài của Trường Phật học, các thầy đủ học hạnh trong Sơn môn, các trí thức cư sĩ phát tâm xuất gia… Người biết suy nghĩ không bao giờ chịu xây đắp một ngôi tháp đồ sộ trên đất mềm. Chúng ta cũng vậy, không bao giờ chúng ta chịu để cho những công nghiệp chúng ta đã tận tụy gầy dựng, rồi một ngày kia bị tan rã hay những tín tâm mạnh mẽ chúng ta đã hun đúc, rồi trở lại im lìm buồn tẻ như xưa! 

Hiện nay các đạo hữu hẳn thấy: Phật học trường tạm sống chật hẹp và phập phồng với số nguyệt liễm phân nạp khi đủ khi thiếu của các Tỉnh hội, các học tăng sĩ thành tài không thể không ngại ngùng bước tương lai của họ. Một thầy Tăng già đủ học hạnh có đại tâm dầu không nỡ chi sống với một ngôi chùa riêng, cũng khó bề hy sinh theo Hội, nên sự sinh hoạt của Hội thiếu hậu thuẫn. Một thanh niên thông thái, một cư sĩ trí thức, phát tâm xuất gia theo đuổi mục đích của Hội phải do dự khi thấy công việc Hội trở ngại vì nền tài chánh.

Bao giờ trong nước Việt Nam chưa có một đoàn thể thống nhất Tăng già trụ trì Phật pháp, thì Phật giáo trong nước chưa có nền tảng vững vàng. Đã không có nền tảng vững vàng, thì dù chúng ta có dựng Hội quán cho nguy nga, lập giảng đường cho to tát, tạo Phật tượng cho trang nghiêm, khuếch trương phạm vi Phật học hội cho rộng lớn cũng chỉ là “dựng tháp trên đất mềm” mà thôi! Muốn thành tựu mục đích của Annam Phật học Hội, chúng ta cần phải có các vị pháp sư chuyên đi giảng dạy khắp nơi, chúng ta cần phải duy trì Phật học trường, nghĩa là chúng ta phải xây dựng nền tảng. Mà muốn xây dựng nền tảng, chúng ta cần phải có một cơ sở tài sản đủ cung cấp từ sự cúng dường và đảm bảo sự hoạt động của cơ quan hoằng pháp sau này. Quả quyết tức thành tựu! Chúng ta hãy cùng nhau hô hào. “Lập một cơ sở bất động sản cho Phật học trường và Tăng Chúng Hoằng pháp tương lai”. Công việc tuy rất lớn lao, nhưng có thể thực hiện với tâm dõng mãnh của hơn hai vạn hội viên Annam Phật học Hội, với tâm trợ đạo của toàn thể Phật giáo đồ, với hào quang đại hùng đại lực của Đức Thế Tôn hằng soi sáng: Chúng ta hãy quả quyết đem hết lực lượng tài thí mà thiệt hành pháp thí.

Nam mô A Di Đà Phật… Trăm nghìn công đức các đạo hữu đã tạo bấy lâu nay đối với Hội, đối với nền Phật giáo trong nước, hằng sa chư Phật hẳn đã chứng minh. Nay đối với sự “lập một cơ sở tài sản cho Phật học trường, và Tăng chúng hoằng pháp tương lai”, một công đức làm cho các công đức khác được viên mãn, xin toàn thể hội hữu hãy đem hết lòng tinh tấn, hết lòng hy sinh với Phật pháp mà hưởng ứng và thiệt hành cho công quả mau thành tựu” [12]. 

Sau khi thông cáo của Chánh Hội trưởng Ưng Bàng được công bố trên Viên Âm nguyệt san thì các hội viên, đạo hữu trên khắp mọi miền đất nước đã đóng góp tài lực về Hội An Nam Phật học nhằm thực hiện ý nguyện xây dựng Phật học đường, đồng thời đẩy mạnh công tác hoằng pháp và đào tạo Tăng tài. Qua đó, chúng ta thấy rằng nhờ sự ủng hộ nhiệt thành của những người tín tâm và hảo tâm về đạo đã giúp An Nam Phật học Hội vượt qua mọi khó khăn để duy trì tổ chức hoạt động và phát triển vững mạnh.

Thờ Phật trong nhà nhằm tỏ bày sự cung kính, tri ân vô hạn với bậc đạo sư. Lạy Phật với tâm thành kính thì có thể tiêu trừ tội lỗi ngã mạn, khiến cho tội diệt phước sinh, căn lành và phước đức tăng trưởng. Vì vậy, năm 1943, Chánh Hội trưởng Ưng Bàng đã ban hành “Thông tư của Tổng Trị sự An Nam Phật học hội về việc thờ Phật trong nhà” để giảng giải cho các hội viên và đạo hữu nhận thức, hiểu rõ lợi ích từ việc thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật. Thông tư phân tích rõ: Lợi ích về sự thiết bàn Phật, các đạo hữu chắc đã nhận rõ, vì hằng ngày chiêm ngưỡng đức tướng từ bi, tất có ảnh hưởng rất tốt trong gia đình và làm cho tâm mình thường nhớ đến Phật, tức là thường nhớ mình là học trò của Phật. Song vì nhiều sự câu nệ vô lý, phần đông các hội hữu không dám thờ Phật trong nhà. Những sự câu nệ đó toàn là di độc của những lối tin lầm từ xưa, cần phải giải quyết.

Điều thứ nhất là lắm người tưởng Phật, như các vị thần thánh, còn tâm phân biệt, còn lòng chấp trước, chỉ thích những nơi nhà cao cửa rộng, chứ không đoái hoài đến những chỗ nghèo cực, hơn nữa còn quở trách sao các chỗ kia dám thỉnh Ngài tới, những điều ngộ nhận như trên đó chỉ xem lại lịch sử Phật. Một vị đã bỏ hoàng cung vào non cao rừng thẳm để tìm đạo, một vị đã đến chỗ lao tù mà an ủi vua Tần Bà Ta La và hoàng hậu Vi Đề Hy, một vị đã tìm cách thân cận để giáo hóa tội nhân giết người như ngài Vương Quật Ma La, những con vật hung ác như đại bàng kim điểu, những loài la sát, ngạ quỷ, một vị đã thương xót săn sóc cho con cừu bị thương nằm bên vệ đường, cho con bồ câu đương bị chim ưng săn đuổi, một vị đã thọ ký cho ông Đề Bà Đạt Đa là người hung ác đã mưu hại Phật nhiều lần, một vị đã nhận tối hậu cúng dường của ông Thuần Đà trong lúc Niết Bàn, chớ không nhận các đồ cúng dường quý báu của chư thiên và của cao quốc vương thì đủ rõ đức độ Phật rộng lớn vô cùng, không thể so sánh với chư thiên hay với các thần, các thánh được.

Điều thứ hai là lắm người tự xét nhà mình không được tinh khiết nên không dám thờ Phật. Nhưng nghĩ như vậy là vì chưa nhận rõ lòng từ bi của Phật viên dung vô ngại, tự tại giải thoát, không cấu không tịnh, không tăng không giảm, thì còn chỗ nào mà không phải là Tịnh độ! Huống nữa, Phật thường phát tâm: “Ta không vào địa ngục thì còn ai vào địa ngục mà giáo hóa quần sanh”, chính chỗ địa ngục mà Phật còn vào, huống chi là những nơi chưa đến nỗi hung ác như địa ngục. Phật vẫn biết cõi đời là ngũ trược, nhưng vẫn thệ nguyện vào trước tiên trong ngũ trược ác thế mà độ sanh, cũng như hoa sen nở trong chỗ bùn lầy để tô điểm cho chỗ ô uế kia được một ít hương thơm sắc đẹp. Vậy chúng ta phải thể theo lòng đại từ đại bi của Phật và thiết bàn thờ Phật tại nhà chúng ta, để hàng ngày được lãnh thọ ảnh hưởng tốt của trí tuệ và từ bi của Phật. Trong một nhà dù nhỏ hẹp đến đâu cũng có chỗ tôn trọng nhất, chúng ta hãy thiết bàn thờ Phật tại chỗ đó, không điều gì phải quần ngại. Song một điều cốt yếu nên nhớ là bàn thờ Phật lúc nào cũng phải thiết tại chỗ tôn quý nhất trong nhà; vậy dù nhà cao cửa lớn mà thiết bàn Phật tại một chỗ không hợp lễ thì cũng là mang tội bất kính.

Điều thứ ba là sợ mình không đủ sức cúng dường hàng ngày, nhưng xin nhắc lại rằng: Phật là tất cả pháp thân của Phật bao trùm vũ trụ, không thiếu một điều gì, vậy cố yếu nhất là đem cái tâm chánh tín mà cúng dường Phật. Hương, đăng, hoa, quả là tiêu biểu bề ngoài, chứ thật ra Phật chỉ nhận cái tâm hương (tức là ngũ phần danh hương: giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương), cái bát nhã (sanh không bát nhã, pháp không bát nhã), cái giác tha (tự giác giác tha), các pháp vị vô thượng (vô lượng pháp môn, đệ nhất nghĩa đế, bồ đề tâm, pháp giới tánh).

Vì đại nguyện của Phật là phổ độ chúng sanh, chúng sanh hồi hướng về đường giác ngộ tức là khế hiệp với tu nguyện của Phật, ngoài ra chỉ là biểu lộ lòng thành kính của mình mà thôi. Kinh có dạy: “Chư cúng dường, pháp cúng dường tối, duy có tham học Phật Pháp, học Phật Phật, truyền bá Phật Pháp là cách cúng dường quý hóa nhất trong các cách cúng dường. Xét theo các lẽ trên, Tổng Trị Sự chúng tôi khuyên các hàng hội hữu nên thiết bàn thờ Phật trong nhà để cho sự tu hành mau được tăng tiến. Nhưng cũng xin nhắc lại một điều là không nên phân biệt Phật nhà mình với Phật nhà khác, tùy theo trường hợp, hoặc lễ Phật tại chùa, hoặc lễ Phật ở nhà một đạo hữu nào cũng tức là lễ Phật ở nhà mình rồi, không nên vì lòng cố chấp hẹp hòi làm trở ngại cho các Phật sự đáng làm, vì Phật đâu cũng là Phật, và Phật chỉ chứng cái tâm mình mà thôi. Lễ thiết bàn Phật tôn nghiêm chừng nào là quý chừng ấy, các ban viên Trị sự Tỉnh hội và Chi hội nên đến dự lễ ấy để thêm phần long trọng và tăng trưởng đạo hạnh cho các hàng Hội viên, về sau nhờ thiết nhiều bàn Phật mà Hội viên hàng ngày được có dịp niệm Phật mà ảnh hưởng trí tuệ từ bi của Phật được lan rộng khắp gia đình của các Hội viên, thật là một kết quả rất mỹ mãn, và công đức sẽ vô biên vô lượng” [13]. 

Có thể thấy, nội dung này đã được viết ra hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn có giá trị hữu ích cho các Phật tử hôm nay và mai sau. Chính sự vận động, khuyến khích của An Nam Phật học Hội, mà đứng đầu là Chánh Hội trưởng Ưng Bàng đã giúp chuyển biến tư tưởng của các hội viên, đạo hữu và từ đó họ đã lập bàn thờ Phật trong ngôi nhà của mình. Qua thời gian, việc thiết trí bàn thờ Phật trong nhà đã trở thành truyền thống của các gia đình người dân xứ Huế nói riêng và người Việt nói chung. Bàn thờ Phật luôn được bài trí ngay ở gian giữa, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà.

Trong thời gian đương nhiệm chức Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội, Hiệp tá Ưng Bàng còn giữ trọng trách Chủ nhiệm Viên Âm nguyệt san. Đây là cơ quan ngôn luận của Hội An Nam Phật học, được chính thức xuất bản vào ngày 30/5/1933 dưới sự cho phép của Chính phủ Bảo hộ, ra mắt số đầu tiên vào ngày 1/12/1933. Viên Âm ra đời đúng như mục đích, tôn chỉ và tên gọi của nó: “Phật học Nguyệt san ở Huế xuất bản, nêu hai chữ Viên Âm làm tôn chỉ, còn ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận nội dung; nhất thiết bình luận, giảng giải thi văn trong nguyệt san đều theo ý nghĩa chơn chánh hai chữ Viên Âm mà tuyên dương Phật pháp cho thích hợp với đời, bổ ích cho đời, thề không đem lời hung ác, nói việc hoang đàng, di hại về sau, mang lấy điều tội lỗi” [14]. Với kiến thức uyên thâm Phật pháp và quan trọng hơn cả là tấm lòng ưu tư và nhiệt tâm hoằng dương đạo pháp, những bài viết của Hiệp tá Ưng Bàng đăng trên Viên Âm nguyệt san mang giá trị học thuật cao, góp phần định hình tư tưởng Phật học cho các hội viên, đạo hữu đương thời.

Ngoài ra, Hiệp tá Ưng Bàng đã có nhiều công đức và tâm huyết trong việc xây dựng, trùng kiến nhiều ngôi chùa ở Kinh đô Huế. Trong đó phải nhắc đến chùa Diệu Hỷ và chùa Diệu Đức. Năm 1927, cụ Ưng Bàng đã tiến hành trùng tu, tôn tạo chùa Diệu Hỷ đang bị xuống cấp để thờ Phật trang nghiêm và làm nơi tu tập. Nguyên xưa, ngôi chùa này do Đức ông Hoằng Hóa quận vương tạo dựng trong khuôn viên phủ đệ của mình để thể hiện sự mến mộ đạo Phật và tạo ra không gian cho mẹ mình là Đức từ Tài nhân Trần Thị Thanh có nơi tụng kinh niệm Phật. Đến năm 1932, Hiệp tá Ưng Bàng đã cùng với các cư sĩ khác như Hiệp tá Ưng Dinh, Hiệp tá Ưng Bình và Ni trưởng Diệu Không lập một Ban vận động để mua lại sở đất của Hiệp tá Nguyễn Đình Hiến tọa lạc tại ấp Bình An (nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế) để xây dựng ngôi Ni tự Diệu Đức và thỉnh Ni trưởng Diệu Hương về làm tọa chủ khai sơn chùa này, rồi sau khi An Nam Phật học hội lấy chùa Từ Đàm [15] làm trụ sở thì Ni viện được chuyển vào đây và chùa này trở thành Ni viện để đào tạo Ni chúng. Hiện nay, Ni bộ đã có hơn 50 ngôi chùa Ni phân bố khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế mà trung tâm của Ni bộ là Ni viện Diệu Đức.

Thay lời kết

Có thể nói, Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng đã phụng sự hết mình, vun đắp thêm vào trang sử một tấm lòng sắc son vì đạo pháp. Chính những hành động đầy nhiệt huyết của cụ Ưng Bàng trong việc tham gia thành lập và lãnh đạo An Nam Phật học Hội phát triển vững mạnh, đồng thời đẩy mạnh hoạt động hoằng pháp, giáo dục đã tạo nguồn động lực và sức mạnh tinh thần cho các vị cư sĩ hiện nay và mai sau tiếp bước dấn thân vào con đường bảo vệ chánh pháp, phát triển đạo pháp, lan tỏa mãi trong lòng dân tộc. Vì vậy, sự nghiệp phụng sự chánh pháp của Hiệp tá Ưng Bàng thật rực rỡ, trường tồn mãi với Phật giáo nước nhà.

 

TS. Trần Văn Dũng/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 399

Chú thích: 

* Tiến sĩ Trần Văn Dũng – Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế.

[1] Công tử Hồng Hậu vốn là con trai thứ 42 của Thọ Xuân vương Miên Định, có tên Hồng Du. Niên hiệu Thành Thái nguyên niên (1889) được chuẩn sung làm con nối dõi của Hoằng Hóa quận vương Miên Triện (Quận vương không có con trai mà chỉ có 2 người con gái, một là công nữ Úy Đào, hai là công nữ Đồng Canh, hiệu Đạm Phương Sử Nữ), đổi tên thành Hồng Hậu. Cũng trong năm này, công tử Hồng Hậu tham gia phái đoàn triều đình Huế do hoàng thân Miên Triện dẫn đầu đi dự Hội chợ quốc tế Paris 1889. Năm Thành Thái thứ 10 (1898), Hồng Hậu được tập phong làm Khánh Lộc đình hầu. Như vậy, Công Tôn Ưng Bàng là cháu ruột của Thọ Xuân vương và cũng là cháu nuôi của Hoằng Hóa quận vương. Sau này, Ưng Bàng thay cha của mình gìn giữ và hương khói phủ thờ Hoằng Hóa quận vương ở ấp Xuân Lộc (thuộc khu phố Gia Hội).

[2] Chế phong vào năm Khải Định thứ 9 (1924) cho biết bà Nguyễn Thị Tú được nhà vua phong tặng hàm Tòng tam phẩm cung nhân. 

[3] Souverains et Notabilités d’ Indochine (1943), Editions du  Gouvernement Général de l’Indochine, Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, tr. 3.

[4] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Đồng Khánh Khải Định chính yếu, Nxb. Thời đại-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 314.

[5] Xem thêm Trần Văn Dũng (2021), “Tinh thần tương thân tương ái của Đồng tôn tương tế phổ”, Tạp chí Sông Hương, Huế, Số đặc biệt 42.

[6] Bà Nguyễn Khoa Diệu Xuyến có pháp danh Trừng Tú, tự Diệu Tín, thuộc dòng dõi quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng, được vua Bảo Đại gia phong Nhất phẩm phu nhân.

[7] Cháu nội của Hiệp tá Ưng Bàng là Ni sư Thích Nữ Diệu Trang (tên thật là Tôn Nữ Kim Phượng [1940-2000], con gái út của Tri phủ Bửu Hộ và bà Đặng Thị Lý Vinh [1906-1991], pháp danh Nguyên Nhơn, tự Từ Quang). Bà là một họa sĩ tài hoa, từng tốt nghiệp khóa 2 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế (1958-1962).

[8] Phật học hội (1932), Điều lệ và Quy tắc, Imprimere Đắc Lập, Huế, tr. 10.

[9] Phật học hội (1935), Điều lệ và quy tắc, Imprimere Đắc Lập, Huế, tr. 17.

[10] Phật học hội (1940), Điều lệ và quy tắc, Imprimere du Nord Annam, Vinh, tr. 1.

[11] An Nam Phật học hội (1941), “Tổng trị sự An Nam Phật học hội năm 1941”, Viên âm nguyệt san, Số 46, tr. 26.

[12] An Nam Phật học hội (1943), “Thông tư của Tổng Trị sự An Nam Phật học hội về việc thờ Phật trong nhà”, Viên âm nguyệt san, Số 57, tr. 1.

[13] An Nam Phật học hội (1943), “Lời thông cáo cùng toàn thể hội viên An Nam Phật học hội”, Viên âm nguyệt san, Số 62, tr. 21-23.

[14] Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2006) Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, tr.402.

[15] Năm 1932, Hòa thượng Giác Tiên, Tịnh Khiết đồng phái cư sĩ Ưng Bàng và Ni trưởng Diệu Không mượn chùa Từ Đàm để lập cơ sở cho Ni Bộ khắp cả nước về tu học.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin