Chi tiết tin tức

Thiền sư Khương Tăng Hội

20:58:00 - 17/05/2022
(PGNĐ) -  Thiền sư Khương Tăng Hội là một trong những danh Tăng Việt Nam đầu kỷ nguyên Tây lịch, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu về Khương Tăng Hội là thiết thực tìm về cội nguồn tinh hoa Phật giáo Việt Nam, cũng như tiếp nối những giá trị từ học phong của các thế hệ Phật giáo Việt Nam để lại.

1. TƯ LIỆU VỀ KHƯƠNG TĂNG HỘI 

Thiền sư Khương Tăng Hội được ghi lại tiểu sử và hành trạng sớm nhất và tương đối đầy đủ trong Xuất Tam Tạng ký (Đại Chánh 2145) của Tăng Hựu (445-518). Tức khoảng 200 năm sau khi Thiền sư Khương Tăng Hội viên tịch. Ngoài ra, một văn bản khác có ghi chép về Thiền sư Khương Tăng Hội là Lương Cao Tăng truyện (Linh Sơn 184) của Huệ Hạo (496-553). Cao Tăng truyện gần như trung thành với bản đáy của Tăng Hựu, chỉ thêm một vài chi tiết nhỏ. Như ở phần đầu thêm việc dịch kinh điển của Chi Khiêm, thực chất phần này không liên quan đến cuộc đời ngài Tăng Hội nhiều. Ở phần cuối thêm phần Tôn Xước họa tranh và đề tán cho Tăng Hội sau loạn Tô Tuấn.

Ngoài hai văn bản trên ghi chi tiết cụ thể về Khương Tăng Hội, còn có một số văn bản khác có ghi chép ít nhiều như:

  • 1. Chúng kinh mục lục của Pháp kinh
  • 2. Lịch Đại Tam Bảo ký (Đại Chánh 2034 – Linh Sơn 179) của Phí Trường Phòng soạn năm 597.
  • 3. Đại Đường Nội Điển Lục (Đại Chánh 2149) của Đạo Tuyên (596-667).
  • 4. Khai Nguyên Thích Giáo Lục (Đại Chánh 2104) của Trí Thăng soạn năm 730.

2. THÂN THẾ KHƯƠNG TĂNG HỘI 

Tổ tiên nhiều đời của Khương Tăng Hội là người Khương Cư (Sogdiana). Sau đó, một vài thế hệ trước Khương Tăng Hội, bắt đầu di cư sang Thiên Trúc để sinh sống. Đến đời cha của Tăng Hội thì sang Giao Chỉ để buôn bán và sinh sống tại đây lâu dài. Trong sử liệu gốc không nhắc đến mẹ của ngài Tăng Hội. Tuy nhiên, theo lập luận của GS. Lê Mạnh Thát, mẹ của Tăng Hội là người Việt, bởi: Cả Tăng Hựu lẫn Huệ Hạo đều nói chỉ một mình cha Hội đến Giao Chỉ buôn bán (kỳ phụ nhân thương cổ, di vu Giao Chỉ). Vậy, phải chăng khi đến Giao Chỉ buôn bán một thời gian, cha Hội mới lập gia đình và cưới một cô gái người Việt bản xứ làm vợ và sau đó trở thành mẹ của Hội? [1]

Lặng lẽ một mình
Đó là khí chất
Tâm không bận bịu
Tình không vướng mắc
Đêm đen soi đường
Lay người thức giấc
Vượt cao đi xa
Thoát ngoài cõi tục.
(Nhất Hạnh dịch)

Khương Tăng Hội xuất thân trong một gia đình bình dân, căn cứ theo cách tự thuật của Khương Tăng Hội trong bài tựa bản chú giải kinh An Ban Thủ Ý rằng “mới biết vác củi” (thỉ năng phụ tân). Theo luận giải của Khúc lễ trong Lễ ký chính nghĩa thì dùng “mới biết vác củi” để nói tuổi được dùng bởi giới bình dân. Điều này bác bỏ lập luận của Pháp Lâm trong Phá Tà luận khi dẫn lại Ngô thư cho rằng Tăng Hội là con trai của Đại Thừa tướng nước Khương Cư.

Trong bài tựa An Ban Thủ Ý, Tăng Hội lại cho biết “mới biết vác củi, cha mẹ đều mất” (thỉ năng phụ tân, khảo tỷ trở lạc) [2]. Điều này, kết hợp với tiểu sử do Tăng Hựu chi lại có thể xác định Tăng Hội mới hơn 10 tuổi thì cha mẹ đều mất. Sau khi cư tang cha mẹ xong, Khương Tăng Hội xả tục xuất gia. Tăng Hội xuất gia và học đạo ở Giao Chỉ. Đồng thời, Ngài cũng thọ đại giới sớm, theo như chi tiết trong bài tựa bản chú giải kinh An Ban Thủ Ý, Tăng Hội cũng nhắc đến việc ba thầy đều mất (tam Sư điêu táng).

Đến năm Xích Ô thứ 2, đời vua Ngô Tôn Quyền (247), ngài Khương Tăng Hội sang Kiến Nghiệp, kinh đô của Đông Ngô để hoằng pháp. Tại Đông Ngô, Ngài ở chùa Kiến Sơ hoằng pháp trên 30 năm. Năm Thái Khang thứ 1, triều Tấn (280), sau khi thọ bệnh Thiền sư Khương Tăng Hội viên tịch vào tháng 9 năm này.

3. SỰ NGHIỆP KHƯƠNG TĂNG HỘI 

3.1. Khương Tăng Hội ở Giao Chỉ

Căn cứ vào các ghi chú của sử liệu, Khương Tăng Hội sau khi thọ đại giới chỉ ở lại Giao Chỉ một thời gian không dài. Trong lúc ở Giao Chỉ, toàn bộ sự nghiệp của Tăng Hội lúc bấy giờ là học tập, tiếp thu những kiến thức Phật học từ ba người thầy của mình, hình thành nên tư tưởng chính của ông.

Nhìn nhận riêng về Khương Tăng Hội, Ngài là người có công lớn trong các lĩnh vực như: Lịch sử, văn học, nghệ thuật, ngôn ngữ…

Trong quá trình sau khi ba vị thầy viên tịch, Tăng Hội bắt đầu chuẩn bị cho sự du phương nơi đất Đông Ngô. Hành trình Đông du của Khương Tăng Hội được chuẩn bị kỹ càng khi ông tiến hành trước tác, phiên dịch một số kinh điển sang tiếng Hán, đầu tiên là việc biên tập một phần Cựu Tạp Thí Dụ kinh, từ lời dạy của thầy mình. Đồng thời, Khương Tăng Hội đã có duyên hội kiến với “ba vị hiền” Hàn Lâm đến từ Nam Dương, Bì Nghiệp đến từ Dĩnh Xuyên và Trần Tuệ đến từ Cối Kê. Vì mối nhân duyên này, Khương Tăng Hội có cơ hội tiếp xúc một số kinh điển mới dịch từ Trung Hoa được “ba vị hiền” mang đến. Cùng đó, Tăng Hội tiến hành thỉnh vấn “ba vị hiền” để bắt tay vào việc chú giải các kinh:

  1. Chú giải và viết lời tựa cho kinh An Ban Thủ Ý (1 quyển).
  2. Chú giải và viết lời tựa cho kinh Pháp Kính (2 quyển).
  3. Chú giải và viết lời tựa cho kinh Đạo Thọ (1 quyển).

3.2. Khương Tăng Hội ở Đông Ngô

Khi đến Đông Ngô, trước tiên Khương Tăng Hội dựng nhà tranh, lập bàn thờ Phật để tu tập. Sau do chúng dân Đông Ngô thấy Hội ăn mặc kỳ lạ mới báo lên chính quyền. Tôn Quyền bấy giờ mời gặp Tăng Hội để thỉnh vấn. Sau khi gặp Tôn Quyền, Tăng Hội cầu Xá lợi. Khi tín tâm cảm ứng được Xá lợi, Tôn Quyền tin phục, cho dựng chùa Kiến Sơ, thỉnh Tăng Hội vào ở đấy và cho phép được độ Tăng. Vì vậy, một số lượng lớn Tăng sĩ quy tụ về quanh chùa Kiến Sơ hình thành nên Phật Đà lý.

Ở chùa Kiến Sơ, Tăng Hội tiếp tục sự nghiệp trước tác và phiên dịch của mình. Trong thời gian đầu, ông dịch các kinh ngắn phục vụ cho nhu cầu hoằng pháp tức thời:

  1. Kinh A Nan Niệm Di (2 quyển).
  2. Kinh Kính Diện Vương (1 quyển).
  3. Kinh Sát Vi Vương (1 quyển).
  4. Kinh Phạm Hoàng Vương (1 quyển).

Năm 251, Khương Tăng Hội biên tập hoàn thành Lục Độ Tập kinh (9 quyển) và đưa 4 bản kinh trên vào Lục Độ Tập. Một thời gian sau, Ngài tiếp tục hoàn thành Cựu Tạp Thí Dụ kinh (2 quyển). Phiên dịch cũng như biên tập một số kinh khác:

  1. Kinh Đạo Phẩm hay Ngô Phẩm (5 quyển). Được phiên dịch từ Bát Thiên Tụng Bát-nhã hay còn gọi Tiểu Phẩm Bát-nhã hay Đạo Hành Bát-nhã.
  2. Kinh Bồ tát Tịnh Hạnh (2 quyển)
  3. Kinh Quyền Phương Tiện (1 quyển).
  4. Kinh Tọa Thiền (1 quyển)
  5. Kinh Bồ tát Nhị Bách Ngũ Thập Pháp (1 quyển). Khi Tôn Hạo đòi xem giới luật của Sa môn. Tăng Hội mới đem 135 nguyện của kinh Bản Nghiệp mà biên tập lại thành bản kinh này.
  6. Nê Hoàn Bối.

Về sau, khi loạn Tô Tuấn diễn ra, định xâm phạm đến chùa Kiến Sơ nhưng có sự kỳ bí nên không phạm đến nữa, do sự đó, mà người đương thời lại vẽ tranh thờ ngài Tăng Hội. Tôn Xước đề bài minh truy tán:

Lặng lẽ một mình

Đó là khí chất

Tâm không bận bịu

Tình không vướng mắc

Đêm đen soi đường

Lay người thức giấc

Vượt cao đi xa

Thoát ngoài cõi tục.

(Nhất Hạnh dịch)

4. VỊ TRÍ KHƯƠNG TĂNG HỘI TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch, người Việt vốn đã có văn minh phát triển ở trình độ nhất định. Lê Mạnh Thát dẫn lại lời Lệ Đạo Nguyên rằng: Thủy kinh chú 33 nói rằng Giao Chỉ lúc chưa có quận, huyện, đất đai có ruộng Lạc. Ruộng ấy theo nước triều lên xuống, dân khai khẩn ăn ruộng đó, gọi là Lạc dân [3].

Người Việt trước Bắc thuộc vốn đã có nền nông nghiệp phát triển cao, khi biết dựa vào chế độ thủy văn của sông ngòi mà canh tác. Mặt khác cho thấy, nền nông nghiệp lúa nước được người Việt chọn lựa trái ngược với lối canh tác ruộng cạn của người phương Bắc. Về mặt kinh tế, người Việt sớm đã có sự tự chủ, không bị ảnh hưởng bởi văn minh nông nghiệp của người Hán.

Cuối đời Hán, khi Sĩ Nhiếp được cử sang cai trị Giao Châu, không những không áp dụng các chính sách đồng hóa của người Hán ở nước ta mà còn bị ảnh hưởng ngược lại từ những sinh hoạt của người Việt. Theo như Tam Quốc Chí của Trần Thọ ghi nhận lại, Lê Mạnh Thát dẫn: Nhiếp và anh em đều là hùng chủ của các quận và là những kẻ lớn của một châu, khắp cả muôn dặm uy tôn không ai bằng, ra vào thì đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, già tiêu cổ xuy, xe ngựa đầy đường, người Hồ đi sát vào xe, đốt thiêu hương khói [4].

Chi tiết ra vào thì đánh chuông khánh, già tiêu cổ xuy, đi đường thì đốt thiêu hương khói, suy xét cho kỹ nó là biểu hiện của phong tục người Việt bấy giờ, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo quyền năng. Bởi lẽ, với lễ giáo Hán Nho thì không thể nào chấp nhận kiểu thức ra vào chuông khánh, đi đứng xông hương như thế. Qua lời bình của Trần Thọ về Nhiếp cũng đủ thấy vị quan phương Bắc này ít nhiều chịu những ảnh hưởng của sinh hoạt xứ Giao Châu cũng như Chu Phù trước đó đã vứt điển huấn tiền thánh, bỏ pháp luật Hán gia. Vì thế mà Lê Mạnh Thát nhận xét rằng: Sĩ Nhiếp như thế đã chấp nhận lối sống mới và thực tế đã sống lối sống đó một cách minh nhiên. Điều này chứng tỏ lối sống Trung Quốc đã bị đánh lùi. Không những thế, lối sống ấy đã thành công trong nỗ lực đồng hóa những người Trung Quốc qua sống nước ta. Nền văn hóa của Việt nam sau đợt tấn công của Mã Viện năm 43, đã khôi phục được toàn bộ sức sống và tỏ rõ khả năng và bản lĩnh vừa tiếp thu sáng tạo vừa đồng hóa của mình. Nó đã huy động được tiềm lực văn hóa thời Hùng Vương, kết hợp với những đóng góp của nền văn hóa Phật giáo Ấn Độ, tạo nên một bản sắc mới, một nội dung mới, không những đủ sức đứng vững trước làn sóng xâm nhập của nền văn hóa Trung Quốc đang mang nặng tính nô dịch, mà còn bẻ gãy và cảm hóa nó một phần nào [5].

Phật giáo Giao Chỉ cuối đời Hán đã phát triển đến mức kết hòa hợp với văn hóa dân tộc để hình thành sức mạnh có thể đồng hóa văn hóa Hán, mà Khương Tăng Hội là thành tựu của nền giáo dục Việt Nam nói chung, của Phật giáo Việt Nam nói riêng với đầy đủ phẩm chất tinh anh, xứng đáng với dân tộc và nhân loại, trên tất cả các phương diện, để đối trọng với văn hóa Hoa Hạ. Do đó, không thể nói Khương Tăng Hội là một trong những nhà truyền Phật giáo vào Việt Nam như cách nói của Trần Văn Giáp. Bên cạnh Mâu Tử, Khương Tăng Hội có một tầm vóc lớn, minh chứng cho nền giáo dục Phật giáo Việt Nam. Một vị Thiền sư mà sau này hoằng pháp ở Đông Ngô, là thầy của Tôn Quyền. Theo Lê Mạnh Thát, chính nền giáo dục ở Giao Chỉ đã dạy nên: Hội hiểu rõ ba tạng, xem khắp sáu kinh, thiên văn đồ vỹ, phần lớn biết hết, giỏi việc ăn nói, lanh việc viết văn [6].

Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ không những đào tạo con người tinh thông Tam tạng kinh điển mà còn thông cả thi, thư, lễ, nhạc, thiên văn, đồ vỹ của Nho gia. Nếu nền tảng văn hóa nước Việt không đủ vững vàng thì do đâu mà đào tạo nên được con người xuất sắc như thế. Nền giáo dục nô dịch của triều đình nhà Hán không thể nào góp sức để sản sinh nhân tài cho Giao Châu được. Vì vậy, theo Lê Mạnh Thát: Khương Tăng Hội có thể nói là một thành tựu đầu tiên và xuất sắc của nền giáo dục Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, khác hẳn các sản phẩm của nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang hoạt động mạnh mẽ vào thời đó như: Tiết Tôn, Trình Bỉnh, Hứa Từ,… ở nước ta [7].

Mặt khác, phải nói đến chính Khương Tăng Hội cũng mang những giá trị của Phật giáo Việt Nam sang Trung Hoa. Nền văn học chú giải kinh điển của Phật giáo Trung Quốc hình thành rất muộn sau thời Tam quốc. Trong khi Tăng Hội sớm đã phát triển nền văn học chú giải kinh điển ở Việt Nam và truyền sang Đông Ngô. Nhiều khả năng chính từ Tăng Hội mà hình thành nên nền văn học chú giải đó ở Trung Hoa. Lê Mạnh Thát dẫn lại lời Huệ Hạo trong Cao Tăng truyện rằng: “Nền văn học chú giải Trung Quốc đã bắt đầu với Đạo An. Khi nói vậy, Hạo không phải không biết Khương Tăng Hội đã chú giải các kinh: An Ban, Pháp Kính và Đạo Thọ trước An hơn cả trăm năm” [8].

Điều này chứng tỏ Phật giáo Việt Nam như một bộ phận chính yếu của văn học Việt Nam đã phát triển tới một trình độ cao, độc lập bên ngoài nền Phật giáo Trung Quốc đang manh nha. Vì thế có thể nói, nền Phật giáo Việt Nam nói riêng và nền giáo dục Việt Nam nói chung, ngay từ cuối thế kỷ II đầu thế kỷ III đã sản sinh ra những trí thức lừng lẫy, đủ sức để xây dựng nền tảng tư tưởng cho dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy quá trình “giải Hán hóa” diễn ra nhanh chóng ngay từ đầu kỷ nguyên Tây lịch. Nền giáo dục của Phật giáo bấy giờ như Lê Mạnh Thát dẫn: Có thể nói là đại diện cho nền giáo dục Việt Nam thế kỷ thứ II và thứ III đối lập lại với nền giáo dục nô dịch Trung Quốc đang tồn tại song song cùng nó [9].

Nhìn nhận riêng về Khương Tăng Hội, Ngài là người có công lớn trong các lĩnh vực, có thể tóm chung như sau: Về lịch sử, bảo lưu truyền thuyết trăm trứng cho dân tộc, để cho một thế hệ trí thức người Việt giai đoạn sau dựa vào đó cải biên mà xây dựng lại tinh thần dân tộc. Về văn học, bảo lưu một lượng lớn các tác phẩm văn học của dân tộc. Sau này các tác phẩm đó hình thành với một hóa thân khác là các dạng thức văn học dân gian truyền khẩu. Về tư tưởng, tiếp nối sự nghiệp “giải Hán hóa” khơi nguồn từ Mâu Tử. Góp nhặt tư tưởng tinh hoa Phật học hòa hợp với văn hóa bản địa người Việt định hình cho một tư tưởng Việt Nam đang thành hình. Về nghệ thuật, tiếp thu âm nhạc dân tộc và nghệ thuật diễn xướng Phật giáo mà sáng tạo “Nê hoàn bối” làm khuôn mẫu chuẩn mực cho âm nhạc Phật giáo giai đoạn sau. Về ngôn ngữ, lưu trữ tư liệu quý để phục dựng tiếng Việt cổ từ các tác phẩm trước tác của Ngài như “Lục Độ Tập kinh” hay “Cựu Tạp Thí Dụ kinh”.

Với tầm vóc như thế, ngài Khương Tăng Hội có thể được xem là người đầu tiên thực hiện tròn đầy sứ mạng hoằng pháp ra ngoài biên giới nước Việt, lợi ích không chỉ cho dân tộc mà cho cả nhân loại. Đồng thời, cũng là cột mốc đánh dấu sự thành công của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam, kết hợp với tinh hoa dân tộc hình thành nên bức tường thành vững chắc đối trọng với sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa Hán.

KẾT LUẬN

Qua cuộc đời ngài Khương Tăng Hội chúng ta cũng cần phải nhận thức đầy đủ về các giá trị, để làm bài học cho hiện tại:

1. Nền giáo dục Phật giáo Việt Nam không chỉ tồn tại ở thời của Ngài mà còn tiếp nối đến ngày nay, dù có qua bao biến động của lịch sử, giáo dục Phật giáo Việt Nam vẫn duy trì tính nhất quán trong bản nguyên nhằm đào tạo những trí thức gương mẫu nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc, đủ sức phóng khoáng để hoạt động một cách sáng tạo phục vụ nhân sinh.

2. Học phong của Khương Tăng Hội, hay nói chung cho cả sự học của Phật giáo Việt Nam dựa trên yếu tố thiết thực. Phải trang bị cho đối tượng cần đào tạo những kiến thức rộng rãi phóng khoáng tất cả các ngành tri thức của nhân loại, không nhất thiết đóng khung vào một chủ thuyết nào nên đã tạo ra những vùng trời tự do cho khả năng tư duy, hành động sáng tạo của từng cá nhân.

3. Yếu tố dân tộc là một trụ cột quan trọng trong giáo dục Phật giáo, không có yếu tố quan trọng này nền giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục Phật giáo Việt Nam nói riêng không bao giờ thực hiện được đầy đủ thiên chức cao quý là đào tạo nên những người con trí thức biết gánh vác trách nhiệm với dân tộc mình.

4. Chính yếu tố đó đã nâng đỡ cho những con người trưởng thành trong nền giáo dục ấy đứng vững trước sức nặng của trách nhiệm mà mình phải gánh vác, cũng như vượt qua được những cám dỗ tha hóa vật chất vây quanh. Người trí thức nhận được sự giáo dục đó phải một lần và mãi mãi đứng trên đôi chân chính mình để nhìn nhận mọi việc trung thực, khách quan ứng với trí tuệ bằng con tim từ ái như Tổ tiên chúng ta đã thiết lập để không hổ thẹn mà ngắm nhìn quê hương.

5. Trong ngài Khương Tăng Hội có một tình yêu quê hương sâu sắc. Vì vậy, trong hai bản tựa, Thiền sư thường nhắc đến những sự việc ở Giao Chỉ mà lòng đau quặn thắt, nước mắt đầm đìa. Tình yêu quê hương của Ngài phát xuất từ sự hiếu hạnh với cha mẹ, sự quý kính thầy mình đến không quên. Tri ân và báo ân là điều kiện tiên quyết không được quên với con người được giáo dục trọn vẹn. Đồng thời, phải giữ gìn trọn vẹn sự tín nghĩa, thủy chung trước sau như một.

 

 

ĐĐ.ThS Thích Nhuận Lạc/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 388

 

Chú thích:

* Đại đức Thạc sĩ Thích Nhuận Lạc, chùa Long Quang, Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh.

[1] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập. Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr.29.

[2] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập. Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr.31.

[3] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.216.

[4] Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.a, tr.224.

[5] Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008, tr.201.

[6] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập. Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr.41.

[7] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam. Tập 1. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.b, tr.281.

[8] Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập. Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975, tr.54.

[9] Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam. Tập 1. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.b, tr.288.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Lê Mạnh Thát, Khương Tăng Hội toàn tập, Sài Gòn: Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1975.
  2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.a.
  3. Lê Mạnh Thát, Tổng tập văn học Phật giáo Việt Nam, Tập 1. TP. Hồ Chí Minh: Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2001.b.
  4. Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh và khởi nguyên của dân tộc, TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
  5. Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Mâu Tử, TP. Hồ Chí Minh: Nxb. Văn hóa Sài Gòn, 2008.
  6. Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Khương Tăng Hội, Hà Nội: Nxb. Lao động, 2015.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin