Chi tiết tin tức

Tìm hiểu ý nghĩa “người thuyết pháp” thông qua hình ảnh tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta

21:54:00 - 20/05/2022
(PGNĐ) -  “Này các Tỳ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm?Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều được nghe,đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tính” [1].

Có một vấn đề không phải chỉ riêng trong thời đại Đức Phật mà ngay cả trong thời điểm hiện tại đặt ra, đó là yêu cầu về những tiêu chuẩn và phẩm chất cần thiết mà mỗi một vị Pháp sư hay Hoằng pháp viên cần phải có. Một vị được xem là thuyết pháp giỏi, một vị giảng sư giỏi có phải là do họ có tài tranh luận với giọng nói trong trẻo trầm bổng, ngoại hình ưa nhìn, gương mặt sáng láng, y áo trang nghiêm? Hoặc là những phẩm chất đạo đức của vị ấy cần phải được phát xuất từ sự thực nghiệm trong quá trình tu tập? Chúng ta hãy thử tìm hiểu về ý nghĩa “Người thuyết pháp” thông qua hình ảnh Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta.

1. SƠ LƯỢC VỀ TIỂU SỬ CỦA NGÀI Puṇṇa Mantāṇiputta

Theo sự ghi nhận trong Trưởng lão Tăng kệ [2], ngài Puṇṇa Mantāṇiputta được sinh trưởng trong thời đại của Đức Phật, quê hương của Ngài ở tại Doṇavatthu, không xa Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Mẹ của Ông là Mantānī, bà là chị gái của Trưởng lão Añña Koṇḍañña; Ngài được đặt tên là Puṇṇa với ý nghĩa là phúc lành, thiện lành. Ngài có đến năm trăm đồ chúng cùng trong gia tộc và tất cả đều xuất gia. Tôn giả Puṇṇa rất giỏi về mười căn bản của thuyết giảng: Biết đủ, sống giản dị, viễn ly, độc cư, tinh tấn, giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến. Ngoài ra, trong kinh điển Pāli và Hán tạng đều có những bài kinh với nội dung tương tự đề cập đến Tôn giả Puṇṇa, điều này chứng tỏ rằng Ngài là một trong những vị Thánh đệ tử đại diện, bậc mô phạm vào hàng xuất chúng trong Tăng đoàn.

2. ĐỊNH NGHĨA VỀ “NGƯỜI THUYẾT PHÁP” 

Khi nhắc đến Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta, người ta lập tức liên tưởng đến vị được Đức Phật ngợi khen là bậc thuyết pháp tối thắng trong các vị Tỳ-kheo [3]. Nhưng phải như thế nào mới có thể được gọi là một một vị giảng sư, vị thuyết pháp (dhammakathika) tối thắng?

“Này các Tỳ-kheo, nghe pháp có năm lợi ích này. Thế nào là năm? Được nghe điều chưa nghe, làm cho trong sạch điều được nghe, đoạn trừ nghi, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tính”. (Ảnh: sưu tầm)

Trong kinh Tương Ưng Bộ, một số bài kinh đã định nghĩa như thế nào là vị “Thuyết pháp”, điển hình như: Dhammakatthikasutta và Dutiyadhammakatthisutta [4]. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những bản kinh với nội dung tương tự, định nghĩa như thế nào để được xem là vị “Thuyết pháp Sư” (說法師) trong Tạp A-hàm kinh: Kinh số 26 và kinh số 29 [5].

Trong Tạp A-hàm định nghĩa: “Nếu người nào đối với sắc mà nói pháp khiến sanh ra yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì đó gọi là Pháp sư. Nếu người nào đối với thọ, tưởng, hành, thức mà nói pháp khiến sanh yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh, thì gọi đó là Pháp sư. Đó cũng gọi là những gì mà Như Lai đã nói về Pháp sư” [6]. Trong kinh Tương Ưng, định nghĩa rằng: “Vị thuyết pháp về yểm ly, ly tham, đoạn diệt đối với sắc”, “vị thực hành về yểm ly, ly tham, đoạn diệt về sắc; như vậy là vừa đủ để được gọi là Tỳ-kheo thực hành pháp, tùy pháp”, “do nhàm chán, ly tham, đoạn diệt đối với sắc, được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy là vừa đủ để được gọi là vị Tỳ-kheo đã đạt được Niết-bàn ngay trong hiện tại” (tương tự đối với thọ, tưởng, hành, thức) [7].

Như vậy thì theo quan điểm của những bài kinh vừa trích dẫn, Đức Phật đã định nghĩa như thế nào là một vị “Pháp sư”, vị “Thuyết pháp”. Được gọi như vậy tức là những vị Tỳ-kheo phải giảng dạy giáo pháp đúng với tinh thần Duyên khởi, Vô ngã trong Phật giáo, những bài pháp nào liên hệ đến sự nhàm chán, từ bỏ, đoạn tận tham đối với năm uẩn và vị đó phải là người thực hành con đường dẫn đến sự đoạn tận tham (Niết-bàn); vị thuyết pháp như vậy tức là vị thực hành pháp và tùy pháp, có thể đạt đến Niết-bàn ngay trong hiện tại.

3. NHỮNG TỐ CHẤT CỦA VỊ GIẢNG SƯ THÔNG QUA HÌNH ẢNH TÔN GIẢ Puṇṇa Mantāṇiputta

Trong Rathavinītasutta [8]; Thất xa kinh [9] và bài kinh số 10 trong Đẳng Pháp phẩm thuộc Tăng nhất A-hàm [10], ghi lại câu chuyện rằng, một thời Thế Tôn trú ở thành Rajagaha tại Veluvana, Kalandakanivapa. Sau ba tháng An cư mùa mưa, các Tỳ-kheo địa phương tới đảnh lễ Đức Thế Tôn. Đức Phật hỏi rằng: “Này các Tỳ-kheo, ai ở tại địa phương được các Tỳ-kheo đồng phạm hạnh cùng một địa phương tán thán như sau: “Tự mình thiểu dục và giảng về thiểu dục cho các Tỳ-kheo; tự mình tri túc và giảng về tri túc…;… độc cư;… không ô nhiễm;… tinh cần, tinh tấn;…thành tựu giới hạnh;… Thiền định;… trí tuệ;… giải thoát;… giải thoát tri kiến;… vị giáo giới, vị khai thị, vị trình bày, vị khích lệ, vị làm cho phấn khởi, vị làm cho các vị đồng phạm hạnh hoan hỷ?” [11]. Khi đó, các Tỳ-kheo địa phương đều đồng ngợi khen và vinh danh Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta, là vị mà có những đặc điểm đầy đủ như Đức Thế Tôn vừa mới đề cập.

Khi đó, ngài Sāriputta ngồi cách Thế Tôn không xa. Ngài suy niệm rằng, thật hạnh phúc thay Tôn giả Puṇṇa, Tôn giả đã được các vị đồng phạm hạnh có trí tán thán từng điểm một trước mặt bậc Ðạo Sư và được Thế Tôn chấp nhận, Ngài mong muốn có thể sẽ có một cuộc đàm luận với Tôn giả Puṇṇa. Sau đó, Trưởng lão Sariputta hỏi rằng: “Hiền giả, với mục đích gì, sống phạm hạnh dưới sự chỉ dạy của Thế Tôn?”. Ngài Puṇṇa nói rằng, Ngài sống phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Thế Tôn là với mục đích “Vô thủ trước Bát-niết-bàn” với bảy cấp độ giải thoát, tương tự như bảy trạm xe đặt giữa Sāvathi và Saketa. Bảy cấp độ đó là: Giới thanh tịnh; tâm thanh tịnh; kiến thanh tịnh; đoạn nghi thanh tịnh; đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh; đạo tri kiến thanh tịnh và tri kiến thanh tịnh; bảy trạm xe này dẫn đến mục đích duy nhất là vô thủ trước Bát-niết-bàn (anupādānparinibbāna).

Sau khi nghe những lời giải thích, ngài Sāriputta đã không ngớt lời khen ngợi: “Những câu hỏi sâu kín đã được trả lời từng điểm một bởi một đệ tử nghe nhiều, đã biết rõ giáo lý của bậc Ðạo Sư và vị đệ tử ấy là Tôn giả Puṇṇa Mantānīputta” [12]. Ngài còn nói rằng: “Đây là niềm hạnh phúc cho các vị đồng phạm hạnh khi được thân cận, gần gũi, hầu hạ Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta”. Như vậy, vị giảng sư là những vị phải am tường về pháp học và cả pháp hành, là vị có thể giảng giải giáo pháp một cách vắn tắt cho đến rộng rãi, có khả năng khiến cho người nghe pháp sanh khởi niềm tin vào Chánh pháp, lòng kính tín Tam bảo và định hướng cho sự tu tập tăng thượng Tâm, tăng thượng Giới, tăng thượng Tuệ.

Ngoài ra, vị giảng sư còn phải là một người hòa đồng, vui vẻ, luôn sát cánh đồng hành cùng Tăng đoàn, điển hình như Tôn giả Puṇṇa, chắc chắn rằng Ngài là một con người hòa đồng, dễ mến, với thái độ khiêm cung, tôn trọng đối với những vị mới xuất gia và cả các vị Thượng tọa, Tỳ-kheo, chính vì vậy mà Ngài đã được các Tỳ-kheo ở địa phương hết lòng ca ngợi trước mặt Đức Phật. Ngay cả ngài Ānanda khi trú ở Sāvathi, Ngài nói với các vị Tỳ-kheo rằng: “Chư hiền giả, Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta, khi chúng ta mới tu học, đã giúp đỡ chúng ta nhiều. Tôn giả ấy giảng cho chúng ta lời giáo giới này. Sau khi nghe Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta thuyết pháp, chúng ta hoàn toàn chứng tri [Chánh] pháp (Dự lưu quả)” [13]. Kinh Thất Xa trong Trung A-hàm, còn miêu tả thêm ngoại hình của ngài Puṇṇa là vị “trắng trẻo, mũi cao như mỏ chim oanh vũ” [14], có khả năng Ngài sở hữu phước tướng trang nghiêm do những thiện công đức đã tích góp trong nhiều kiếp tu tập.

Do đó, vị giảng sư theo định nghĩa của kinh điển, tức là vị thuyết giảng về những giáo lý liên hệ đến Duyên khởi, Vô ngã, có mục đích duy nhất đó là khiến thính chúng hướng về viễn ly, đoạn diệt, an tịnh, Niết-bàn. Vị giảng sư đó cũng phải là người đang thực hành hoặc đã thực hành viên mãn những giáo pháp ấy (dự vào dòng Thánh). Vị giảng sư không chỉ có ở vẻ ngoài hào nhoáng, bóng bẩy, mà vị ấy cần phải được nuôi dưỡng trong Giới, Định, Tuệ; hơn nữa vị ấy là người hòa đồng, biết lắng nghe và có khả năng khích lệ động viên người khác tu tập theo Chánh pháp.

4. TINH THẦN THUYẾT PHÁP VÔ SỞ UÝ THÔNG QUA HÌNH ẢNH TÔN GIẢ Puṇṇa

Một vị giảng sư một khi đã được an trú trên nền tảng Giới, Định và Tuệ, thì tâm của vị ấy luôn được an tịnh và khó có thể bị lay động. Tinh thần thuyết pháp Vô úy đó đã được biểu hiện một cách xúc động qua cuộc trò chuyện giữa Đức Phật và Tôn giả Puṇṇa Mantāṇiputta [15].

Sau khi Tôn giả Puṇṇa được nghe lời giáo giới từ Đức Phật rằng nếu như không hoan hỷ, không chấp thủ với các đối tượng nhận thức của sáu giác quan, do đó không có dục hỷ sanh và dẫn đến sự diệt tận của mọi đau khổ. Sau đó, Đức Phật hỏi ngài Puṇṇa sẽ sống ở quốc độ nào, Tôn giả nói rằng Ngài sẽ sống ở Sunāparanta. “Này Puṇṇa, người nước Sunāparanta là hung bạo,… là thô ác… nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc ông, nhục mạ ông, thời này Puṇṇa, tại đấy ông sẽ như thế nào?”–“Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ‘Thật là hiền thiện… Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta’.”

Học pháp, hành pháp và hoằng pháp là nhiệm vụ, là mục đích thiêng liêng, cao thượng mà mỗi người đệ tử Phật cần phải ưu tư.

“… lấy tay đánh đập ông…?”–“… ‘Thật là thiện,.. Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta’.”;“… lấy các cục đất ném đánh ông…?”–“… ‘Thật là hiền thiện… Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta’.”;“… lấy gậy đánh đập ông…?”–“… ‘Thật là hiền thiện… Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta’.”;“… lấy dao đánh đập ông…?”–“… ‘Thật là hiền thiện… Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta’.”;“… lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ông…?”–“… con sẽ nghĩ như sau: ‘Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy’.” [16].

Thông qua cuộc trò chuyện này, chúng ta nhận thấy một con người đã thấy được các pháp, vị ấy không còn những chấp thủ về ngã và ngã sở; người ấy thuyết pháp với tinh thần Vô sở úy, đầy đủ tất cả những oai lực của bậc Thánh đã không còn bị buộc ràng bởi những triền phược của thế gian. Đức Phật đã tán thán, ngợi khen Tôn giả Puṇṇa : “Lành thay, lành thay, này Puṇṇa ! Này Puṇṇa, ông có thể sống trong nước Sunāparanta, khi ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Puṇṇa, ông nay hãy làm những gì ông nghĩ là hợp thời” [17].

Có một điều mà chúng ta cần phải biết về tinh thần Vô úy trong Phật giáo, đều đặc biệt ở đây là đức tính không sợ hãi này lại được phát xuất từ sự tu tập các thiện pháp thông qua Giới, Định và Tuệ. Trong kinh Tăng Chi cũng ghi nhận về sự việc này: “Tỳ-kheo không có lòng tin, giữ ác giới, biếng nhác, nghe ít và ác tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo rơi vào trong sự sợ hãi”. Nhưng ngược lại: “Nếu Tỳ-kheo có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, tinh cần tinh tấn và có trí tuệ. Thành tựu năm pháp này, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo không có sự sợ hãi” [18]. Do đó, chúng ta có thể nói rằng, Tôn giả Puṇṇa  đã thành tựu được năm pháp này, ngoài ra đối với vị giảng sư thì năm pháp này chính là yếu tố giúp cho vị thuyết pháp đầy đủ tự tin, đầy đủ sự oai nghi, được sự bảo vệ của Giới luật, Trí tuệ và tinh tấn với thiện pháp. Vị ấy sẽ không bị người khác chỉ trích về những khiếm khuyết về giới luật, người đó trở thành một người mẫu mực “Tri hành hợp nhất”.

Chính nhờ có những đức tính cao đẹp về một vị giảng sư mẫu mực này mà Tôn giả Puṇṇa  đã đi đến và sinh sống trong nước Sunāparanta, trong mùa mưa An cư năm đó, Ngài đã nhiếp độ khoảng năm trăm nam cư sĩ, năm trăm nữ cư sĩ, cũng trong thời gian ấy ngài Puṇṇa  đã chứng được Tam minh. Đức Phật cũng xác nhận rằng: “Này các Tỳ-kheo, thiện nam tử Puṇṇa  là bậc Hiền trí. Vị ấy thực hành pháp và tùy pháp. Vị ấy không phiền nhiễu Ta với những câu hỏi về pháp. Này các Tỳ-kheo, thiện nam tử Puṇṇa  đã nhập Niết-bàn” [19].

5. ĐẠO ĐỨC CỦA MỘT VỊ GIẢNG SƯ 

Một vị giảng sư cần được chú trọng đầu tư về pháp học và pháp hành, bởi vì khi giáo lý không được nắm vững thì có thể dẫn đến những hướng dẫn sai lạc cho người khác, hơn nữa trong kinh nghiệm tu tập cần phải có thời gian trải nghiệm, từ đó mới có thể giảng giải cho mọi người. Trong kinh Tăng Chi, Đức Phật xác nhận rằng có năm pháp khiến cho Diệu pháp hỗn loạn và biến mất, nguyên nhân đầu tiên là do “các Tỳ-kheo học thuộc lòng kinh điển bị nắm giữ sai lạc với những văn cú đặt sai lầm,… với văn cú đặt sai lầm, ý nghĩa bị hướng dẫn sai lạc, đây là pháp thứ nhất, này các Tỳ-kheo đưa đến diệu pháp hỗn loạn và biến mất” [20]. Do đó, muốn trở thành một vị hoằng pháp, trước tiên cần phải có hiểu biết vững vàng về giáo lý, bởi vì không nắm vững về pháp học và pháp hành sẽ dẫn đến sự suy vi cho mạng mạch Phật pháp.

Vị giảng sư không chỉ học về các giáo pháp, mà ngoài ra vị ấy cần phải được phòng hộ bởi Giới luật, tu tập Thiền định để có được Trí tuệ để thấy biết sự thật các pháp như nó đang xảy ra. Trong Trưởng lão Tăng kệ còn ghi lại kệ ngôn của Tôn giả Puṇṇa: “Ở đây, chỉ có giới là cao cả; Tuy nhiên, người có trí tuệ là tối thượng. Ở giữa loài người và chư Thiên, sự chiến thắng là nhờ vào giới và trí tuệ” [21]. Do đó, vị giảng sư không phải chỉ là vị có hiểu biết về giáo lý mà còn phải là người có đầy đủ giới luật và trí tuệ chính là thành quả của sự tu tập, nó cũng là phương tiện để vận dụng, khai triển giáo pháp một cách vô ngại.

Vị giảng sư phải là người “Thuyết Pháp thanh tịnh”, tức là vị thuyết pháp không vì mục đích cung kính, lợi dưỡng, danh vọng, tiền tài chi phối; vị ấy thuyết pháp vì lòng từ mẫn, muốn cho mọi người cùng được hưởng vị ngọt của Chánh pháp. Trong Candūpamasutta Đức Phật đã dạy các Tỳ-kheo, khi đi đến với các gia đình thân tâm phải dè dặt, cũng như bàn tay giữa hư không, không bị trói buộc, dính mắc khi đi đến các gia đình:“Tỳ-kheo nào với tâm như thế này thuyết pháp cho các người khác: ‘Pháp được Thế Tôn khéo giảng, pháp ấy liên hệ đến hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu. Ôi, mong họ được nghe pháp ta giảng. Sau khi nghe pháp, mong họ hiểu rõ pháp,… mong họ thực hành. Duyên pháp thiện tánh thuyết pháp cho người khác. Duyên lòng Từ bi, duyên lòng từ mẫn, khởi lòng lân mẫn thuyết pháp cho các người khác” [22].

6. KẾT LUẬN

Học Pháp, hành Pháp và hoằng Pháp là nhiệm vụ, là mục đích thiêng liêng, cao thượng mà mỗi người đệ tử Phật cần phải ưu tư. Do đó, cần xác định rõ ràng về ý nghĩa cao đẹp của vị “Thuyết pháp”, tránh tình trạng làm sai lệch và mất đi những ý nghĩa cao quý của vị “Như Lai sứ giả”.

 

Thích Từ Thông/VĂN HÓA PHẬT GIÁO 389

 

Chú thích và Tài liệu tham khảo:

[1] Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 5, kinh Nghe Pháp, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.682.

[2] Tiểu Bộ Kinh II, Trưởng lão Tăng kệ, VNCPHVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, 2015, tr.195.

[3] Kinh Tăng Chi Bộ, Chương I, Phẩm Người Tối Thắng, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.25.

[4] Kinh Tương Ưng Bộ, kinh Vị Thuyết Pháp & kinh Vị Thuyết Pháp Thứ Hai, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.634-635.

[5] CBETA 2022.Q1, T02, no.99, p.5c9  và CBETA 2022.Q1, T02, no.99, p. 6a12.

[6] CBETA 2021.Q4, T02, no.99, p.5c14-18

[7] Kinh Tương Ưng Bộ, kinh Vị Thuyết Pháp, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.635.

[8] Kinh Trung Bộ, 24. Kinh Trạm Xe, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.175-180.

[9] CBETA 2021.Q4, T01, no.26, p.429c28

[10] CBETA 2022.Q1, T02, no.125, p. 733c28.

[11] Kinh Trung Bộ, 24. Kinh Trạm Xe, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.175.

[12] Kinh Trung Bộ, 24. Kinh Trạm Xe, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.180.

[13] Kinh Tương Ưng Bộ, Kinh Ānanda, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.591.

[14] CBETA 2021.Q4, T01, no.26, p.430b12-13.

[15] Xem thêm, kinh Trung Bộ, 145. Kinh Giáo Giới Phú-lâu-na, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1093-1095.

[16] Xem thêm, kinh Trung Bộ, 145. Kinh Giáo Giới Phú-lâu-na, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1093-1095.

[17] Kinh Trung Bộ, 145. Kinh Giáo Giới Phú-lâu-na, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1095.

[18] Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 5, kinh Sợ Hãi, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.638.

[19] Kinh Trung Bộ, 145. Kinh Giáo Giới Phú-lâu-na, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.1095.

[20] Kinh Tăng Chi Bộ, Chương 5, Kinh Diệu Pháp Hỗn Loạn Thứ Ba, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.635.

[21] Theragāthā, Puṇṇattheragāthā, phẩm thứ 7, Tỳ-khưu Indacanda dịch.

[22] Kinh Tương Ưng Bộ, kinh Ví Dụ Mặt Trăng, TTTĐPGVN, HT. Thích Minh Châu dịch, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.439.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin