Chi tiết tin tức

Vị vua đầu tiên quy y Tam bảo là ai?

21:29:00 - 17/11/2019
(PGNĐ) -  Để đem lại thịnh trị và bình an cho một quốc gia, Đức Phật luôn quan tâm đến sinh hoạt và giáo dục một vị vua anh minh. Vì thế, trong suốt 45 năm hoằng pháp độ sanh, Đức Phật vẫn luôn dành cho các vị vua sự hoằng hóa hết sức tâm huyết.

Qua những lời giảng dạy của Ngài, những vị vua đều trở thành những bậc anh minh, trí ngộ, xây dựng đất nước thịnh trị, yên vui, thái bình. Phải thấy rằng, bối cảnh xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, sự hiện diện của các vị vua hoặc ít ra là sự liên hệ và gần gũi của các vị vua với các đạo giá đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của các đạo giáo.

Ngay sau khi thành đạo, Đức Phật đã sớm nhận thấy thái độ của các đấng quân vương đối với Ngài là rất quan trọng trong việc truyền chánh pháp. Chính vì vậy mà Ngài đã chọn thành Vương Xá, kinh đô nước Ma Kiệt Đà, đồng thời cũng là hoàng cung của vua Tần Bà Sa La làm nơi dừng chân sau khi Ngài thành đạo.

Tương truyền trước đây vua Tần Bà Sa La đã từng đến tham bái Đức Phật khi Ngài còn là một tu sĩ khổ hạnh tại Uruvelà, lúc đó nhà vua có đề nghị với Đức Phật, sau này thành đạo thì hãy ghé thành Vương Xá cho nhà vua được tham bái. 

Theo Đại Phẩm của Luật Tạng quyển I thì ngay khi Đức Phật cùng Tăng đoàn, trong đó có 3 anh em Tôn giả Ca Diếp và rất nhiều Tỳ kheo mà trước đây vốn là đoàn tu sỹ khổ hạnh theo phái bện tóc của ba anh em Tôn giả Ca Diếp vừa đặt chân đến ngoại ô Vương Xá và nghỉ ngơi tại khu rừng Tượng Lâm ở phía Tây Nam kinh thành, thì tại hoàng cung, vua Tần Bà Sa La đã được quân lính trình báo là: “Sa Môn Cồ Đàm thuộc dòng Thích Ca đã đến”. Nghe thế, vua Tần Bà Sa La liền cùng quần thần, các đạo sĩ Bà La Môn và đoàn tùy tùng của mình, lập tức trực chỉ hướng về khu rừng Tượng Lâm để yết kiến đấng đạo sư.

Ảnh minh họa

Dù vua Tần Bà Sa La đã biết: “Sa Môn Cồ Đàm” là bậc đại giác ngộ, nhưng quần thần và các vị Bà La Môn trong đoàn nhà vua vẫn chưa hình dung ra ai là đấng đạo sư của đoàn Sa Môn oai nghiêm, thanh tịnh, danh tiếng chấn động này. Lúc đó nhiều người đều nghỉ rằng, trưởng lão Ca Diếp chắc chắn là bậc đạo sư, bởi trước đây vị Bà La Môn thờ thần lửa này đã nổi tiếng là đạo sư tu hành khổ hạnh rất tinh tấn, đến nỗi cả nước Ma Kiệt Đà không ai mà không biết danh tiếng trưởng lão Ca Diếp. Với trí tuệ thông suốt của một đấng giác ngộ, Đức Phật đã thấy được suy nghĩ này của họ, nên chờ mọi người đến đông đủ, Đức Phật đã chủ động chất vấn Tôn giả Ca Diếp. Cuộc đối thoại này đã thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với vua Tần Bà Sa La và tạo nên uy thế lừng lẫy của Giáo do Phật lãnh đạo, nên từng chi tiết nhỏ đều được ghi lại trong kinh tạng Pali. Trong đó có đoạn, Đức Phật hỏi Tôn giả Ca Diếp:

Cách đây chẳng bao lâu

Chí thành thờ Thần Lửa

Tại rừng Ưu Tần Loa

Này Hiền giả Ca Diếp

Nguyên do gì từ bỏ

Hiền giả hãy nói rõ

Cho ta biết đi nào?

Tôn giả Ca Diếp liền bạch Phật:

Phước báu do tế đàn

Phần thưởng cùng giai nhân

Thảy đều là dục lạc

Thảy đều pháp thế gian

Chẳng pháp nào thanh tịnh

Con nay từ bỏ hết

Sự ham thích tế đàn

Như lìa xa bất tịnh.

Đức Phật hỏi tiếp:

Tâm Hiền giả chẳng luyến

Hết thảy pháp thế gian

Thú vui lễ tế đàn

Thì giờ đây Hiền giả

Tìm lạc thú đâu ra

Hiền giả hãy thật tâm

Trình bày thật rõ ràng.

Tôn giả Ca Diếp:

Con nay đạt an lạc

Niết Bàn chân giải thoát

Giữa trần gian mộng huyễn

Không còn gì chấp thủ

Việc này do tự chứng

Không thể nói bằng lời

Trong tâm trí tự hiểu

Vì thế không cần tìm

Lạc thú trong tế đàn.

Khi nói những lời này xong, Tôn giả Ca Diếp liền quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật và dõng dạc tuyên bố giữa mọi người: “Đức Thế Tôn là đạo sư của con! Con nay là đệ tử của Ngài! Đức Thế Tôn là đạo sư của con! Con nay là đệ tử của Ngài!”...

Trước sự chí thành đảnh lễ và sự quy ngưỡng của trưởng lão Ca Diếp đối với Đức Phật ngay thời điểm đó, khi mà Sa Môn Cồ Đàm vẫn chưa nổi danh cho lắm, thì sự việc này nhất là lời tuyên bố dõng dạc và công khai trước nhà vua cũng như nhiều người của trưởng lão Ca Diếp đã thực sự tạo ấn tượng rất mạnh mẽ đối với vua Tần Bà Sa La.

Tôn giả Ca Diếp đảnh lễ và tuyên bố những lời tự quy y Đức Phật xong, thì hết thảy mọi người đều hướng về Đức Phật với lòng thành kính vô hạn và ai nấy rất khao khát mong được Đức Phật mang pháp từ giáo hóa. Trước nhân duyên chính muồi này, Đức Phật liền thuyết bài pháp Thuận thứ cho cả chúng hội cùng nghe. Lần nghe pháp này, vua Tần Bà Sa La đắc quả Dự Lưu. Sau khi nghe pháp, những người có mặt trong buổi hôm đó, tất nhiên là có cả vua Tần Bà Sa La đều xin quy y Đức Phật.

Về sự kiện vua Tần Bà Sa La tự nguyện quy y, xin làm Phật tử tại gia của Đức Phật, đã được kinh tạng Pali ghi lại rất rõ ràng.

Sau khi được Đức Phật chấp thuận nhận làm đệ tử tại gia, vua Tần Bà Sa La đã thỉnh mời Đức Phật cùng chư Tăng về hoàng cung thọ trai. Đức Phật im lặng thể hiện việc nhận lời. Sáng hôm sau đích thân nhà vua đã đứng ra phục vụ Đức Phật và chư Tăng. Không chỉ có vậy thôi, trong buổi sáng hôm đó, vua Tần Bà Sa La đã dâng lên cúng dường Đức Phật và Tăng chúng một món quà vô cùng ý nghĩa và hết sức thiết thực đối với Tăng chúng thời bấy giờ. Đó là cúng dường Tăng ngự viện Trúc Lâm nằm ngay trước cửa Bắc của kinh thành Vương Xá. Để chứng minh cho sự thành tâm cúng dường của mình, và cũng là để công bố cúng dường của mình có hiệu lực trên mặt pháp lý theo truyền thông nghi lễ thời bấy giờ, vua Tần Bà Sa La đã rót cho mình một bát nước, rồi tự tay đem rót bát nước ấy vào trong cái bát vàng của Đức Phật, trong khi đó Đức Phật im lặng. Thay vì lời cảm ơn hay một vài lời đáp từ, thì Đức Phật chỉ im lặng và sau đó Ngài thuyết một thời pháp cho vua Tần Bà Sa La và những người có mặt cùng được hưởng lợi ích.

Vua Tần Bà Sa La trước sau vẫn là một Phật tử thuần thành. Ông hết lòng hộ trì Tăng già, tạo mọi điều kiện và giúp mọi phương tiện để chánh pháp luôn được phát triển. Chính vị vua này là người cúng dường cơ sở vật chất đầu tiên để Giáo đoàn Phật giáo định hình một nếp sống mới mang tính cách định cư lâu dài.

Theo lịch sử Phật giáo thì việc cảm hóa vua Tần Bà Sa La có tầm quan trọng rất đặc biệt trong sự nghiệp hoằng pháp độ sanh của Đức Phật và sự phát triển của Giáo đoàn. Bởi vì sau khi vua Tần Bà Sa La quy y Tam bảo, thì hàng ngàn người dân ở Ma Kiệt Đà đã noi gương nhà vua, họ đều nương tựa vào Phật Pháp Tăng làm thầy dẫn đường trên bước đường tu tập giải thoát. Cũng nhờ việc giáo hóa vua Tần Bà Sa La mà đạo Phật đã được xã hội thời bấy giờ công nhận, để từ đó thuận lợi hơn trên bước đường khai sáng đời sống tâm linh trên các vùng lãnh thổ khác tại Ấn Độ.

 

Thích Huệ Thông

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin