Chi tiết tin tức Bài 2: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông Phật giáo trong giai đoạn hiện nay 10:48:00 - 04/10/2013
(PGNĐ) - Sau Đại hội VII của GHPGVN, truyền thông Phật giáo phát triển mạnh mẽ . Đây là kết tinh giữa ý chí và hành động của giới Phật giáo đồ trong thời đại công nghệ số mà ở đó Phật giáo không thể đứng ngoài xu hướng chung.
Qua đó thể hiện sự quan tâm của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội đối với sứ mệnh hoằng pháp thời đại mới. Tuy nhiên, sự phát triển của thông tin truyền thông Phật giáo hiện nay đang có nhiều bất cập, và có thể gọi là "nhức nhối" bởi nhiều trang thông tin đang truyền thông chưa có định hướng, cũng như sự quan tâm của các cấp Giáo hội là...chưa đúng mức, đúng mực. Sau đây, là một số thực trạng và giải pháp thực tế về truyền thông Phật giáo trong giai đoạn hiện nay. I. Thực trạng truyền thông Phật giáo trong giai đoạn hiện nay: 1. Công tác quản trị mạng còn yếu kém, cán bộ phụ trách yếu chuyên môn, nghiệp vụ, lẫn kiến thức Phật học Ngày nay, với sự phát triển của các thiết bị khoa học và công nghệ, việc lưu trữ và truyền tải giáo lý, tin tức phật sự trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Internet phát triển trở thành công cụ đắc lực để đưa những giáo lý của đức Phật đến với người dân, chỉ bằng việc mua hosting và lập một trang web là mọi thông tin đều được cập nhật và lưu truyền một cách rộng rãi.
Bên cạnh đó, một số đơn vị tổ chức cá nhân cũng lợi dụng danh nghĩa nhà Phật lập các trang web từ thiện để kêu gọi quyên góp ủng hộ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, nhưng thực chất là làm lợi riêng cho bản thân, gây mất niềm tin trong lòng phật tử ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín Phật giáo. Ngoài ra, các trang web về Phật giáo có nội dung đúng đắn, phù hợp vẫn chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, do bài viết còn yếu kém, chất lượng chưa đảm bảo, trình bày còn khô khan thiếu thu hút. Do vậy, khá nhiều trang web sau một thời gian hoạt động đã phải đóng cửa do không thu hút được nhiều độc giả, đây là vấn đề cực kỳ nan giải, cần khắc phục nhanh chóng để truyền thông Phật giáo có thể thực hiện được đúng vai trò của mình. Phật giáo Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 250 trang web nhưng chất lượng không đồng đều. Hiện nay, chỉ có một số trang web chất lượng nội dung tin bài được đánh giá cao như: Phatgiao.org.vn, Giacngo.vn, Phattuvietnam.net, Thuvienhoasen.org, Daophatngaynay.com, … Những trang web còn lại chỉ làm truyền thông bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết và tự phát thôi thì chưa đủ. Bởi lẽ, con người là hạt nhân nhưng không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Các cấp Giáo hội chưa quan tâm đúng mức, chưa quy hoạch phát triển đội ngũ làm truyền thông, chưa có kế hoạch phát triển dài hơi và thậm chí khái niệm truyền thông phật giáo còn khá xa lạ đối với một số Chư Tôn đức lãnh đạo nên dẫn đến thực trạng như đã nêu trên.
Đa số các hệ phái Phật giáo Việt Nam nói chung, những bài pháp của các pháp sư nổi tiếng luôn được ghi âm và thu hình để dựng thành CD, VCD phát hành đến rộng khắp bằng nhiều hình thức truyền thông mang lại hiệu ứng cao góp phần hướng con người từ bờ mê trở về bến giác. Tuy nhiên phần này vẫn còn hạn chế so với một số pháp sư đã và đang thuyết giảng. Và chưa đáp ứng nhu cầu học hỏi Phật pháp của chư phật tử, riêng của Phật giáo Nam tông Khmer do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan vấn đề này cũng chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông Phật giáo không chỉ hoạt đông trên phương diện web online mà còn cần đẩy mạnh phát triển trong lĩnh vực báo in, để tin tức đến tận tay phật tử, người yêu mến đạo phật không có cơ hội tiếp cận internet. Đó có thể là tờ tạp chí, tạp san, nội san với nội dung ứng dụng phật học vào đời sống của người phật tử tại gia, đây là những nội dung có giá trị cao để phật tử vừa đọc vừa lưu giữ và hành theo. 2. Các cấp Giáo hội chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông Nhiều chư tôn giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nam tông Khmer nói riêng đã thừa nhận, chính quý Ngài cũng phải coi trọng công tác truyền thông hơn nữa. Sự ra đời của ngành Thông tin Truyền thông là thời khắc thích hợp để chư tôn đức, bậc sứ giả Như Lai, người duy trì mạng mạch Phật pháp thay đổi tư duy về hoằng pháp. Thay vì quý Ngài cứ lặng lẽ nghiên cứu, ứng dụng những Lời Phật dạy trong phạm vi chùa, địa phương thì quý ngài nên thông qua phương tiện truyền thông để lan tỏa đến phạm vi rộng lớn hơn nhằm đem lại lợi lạc đến phần đông như đức Phật đã từng dạy: “Hãy ra đi, các thầy Tỳ khưu, đem sự tốt đẹp đến nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư thiên và nhân loại, mỗi người hãy đi một ngã. Này! Hỡi các Tỳ khưu, hãy hoằng dương Giáo pháp, toàn hảo ở giai đoạn đầu, toàn hảo ở giai đoạn giữa, toàn hảo ở giai đoạn cuối, toàn hảo ở trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liên cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch”. Có ý kiến cho rằng, hiện nay, phần lớn Chư tôn đức không thích giới thiệu, thậm chí không muốn viết về những thành tựu phật sự của quý Ngài. Một số vị rất ngại rằng người viết sẽ trích dẫn sai ý kiến hoặc diễn đạt theo xu hướng giật gân hóa câu chuyện, có thể làm ảnh hưởng đến uy tín và đạo hạnh. Tâm lý này đã gây không ít khó khăn cho người làm truyền thông. Còn một số vị tuy có ý thức về vai trò quan trọng của truyền thông song lại thiếu kinh phí, bởi kinh phí là một phần quan trọng trong công tác truyền thông. II. Một số giải pháp nâng cao chất lượng truyền thông Phật giáo trong giai đoạn hiện nay 1. Giáo hội: Giáo hội liên hệ cơ quan chức năng, viện, trường đại học để tổ chức các khóa học, lớp học liên quan đến lĩnh vực truyền thông báo chí. Chỉ đạo Ban Giáo dục Tăng Ni xây dựng chương trình đào tạo cho các Học viện Phật giáo Việt Nam đào tạo ngành truyền thông báo chí Phật giáo ở trình độ đại học và trên đại học. Để đội ngũ làm công tác truyền thông không những vững về chuyên môn nghiệp vụ mà còn hiểu biết sâu kiến thức về kiến thức Phật học. Giáo hội thường xuyên tạo điều kiện cho Ban Thông tin Truyền thông giao lưu, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm truyền thông của phật giáo các nước. Quan tâm hỗ trợ kinh phí giúp Ban hoạt động hiệu quả. Giáo hội Phật giáo Việt Nam kết hợp với Kênh truyền hình An viên, xây dựng Ban Thông Tin Truyền Thông Trung ương như một tập đoàn truyền thông bao gồm: Báo hình, báo đọc, báo in và báo mạng. Có tòa nhà trụ sở được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, thường xuyên tổ chức các kỳ hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên ngành về Truyền thông nói chung và Truyền thông Phật giáo nói riêng. Các cấp Giáo hội từ Trung ương đến địa phương và các tự viện cần quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ và giúp đỡ để ngành Thông tin Truyền thông phát triển ngang tầm với mặt bằng chung của truyền thông nước nhà và thế giới. 2. Ban Thông tin Truyền thông: Ban Thông tin Truyền thông nên thành lập Tổ Tư vấn nhằm thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến Giáo hội và thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phân tích, xử lý, kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật; góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp bước các bậc tiền nhân trong vai trò hộ pháp, an dân và đồng hành cũng dân tộc trong thời đại công nghệ số. Thành viên tổ tư vấn bao gồm: Chư tôn giáo phẩm tiêu biểu cho các hệ phái trong Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và đội ngũ chuyên gia pháp luật am hiểu sâu về luật pháp trong nước và quốc tế. Các cán bộ làm công tác truyền thông cần tự học hỏi nâng cao trình độ năng lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Ban Thông tin Truyền thông kết hợp với kênh truyền hình An Viên xây dựng chương trình Phật học ứng dụng, chương trình Game show ứng dụng Phật pháp vào thực tiễn cuộc sống. Trang web Phatgiao.org.vn ra đời với phương pháp hoạt động bài bản, đội ngũ cộng tác tốt chính là một hướng đi đúng đắn cho tình hình phát triển hiện nay. Tuy nhiên, để tránh đi vào vết xe đổ của các trang web Phật giáo trước đó, chúng ta cần thực sự hoàn thiện bộ máy tổ chức, phân chia mảng miếng cũng như công việc cụ thể cho từng cộng tác viên, phóng viên và biên tập viên, có như vậy, trang web mới chặt chẽ và làm tốt được vai trò truyền tải thông tin của mình. Thường xuyên tổ chức các buổi diễn thuyết và tường thuật trực tiếp trên web để người dân tiện theo dõi, như vậy thông tin sẽ đa chiều và sẽ có nhiều người có cơ hội tiếp cận hơn với giáo lý nhà Phật. Do vậy, để truyền thông Phật giáo làm tốt vai trò của mình không chỉ cần một đội ngũ nhân viên chất lượng mà còn cần một hướng đi đúng đắn và phù hợp với tình hình phát triển hiện nay. ĐĐ. Châu Hoài Thái (Ủy viên HĐTS, Phó ban Thông tin Truyền thông Trung ương GHPGVN) (*) - Bài 3: Lối mòn trong cách viết tin bài truyền thông Phật giáo TIN, BÀI LIÊN QUAN Bài tham luận của Đại đức Châu Hoài Thái:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |