Chi tiết tin tức

Giữ giới luật và tính không chấp trước

08:32:00 - 24/10/2014
(PGNĐ) -  Tất cả danh lợi, tiền của, sắc đẹp ở thế gian, chẳng những người Phật tử chúng ta không bị đắm nhiễm mà còn phải tích cực cống hiến cho xã hội. Như thế mới là bộ mặt chân thật của Phật giáo. 

 

Hòa thượng Nhất Hưu[1] uống rượu, ăn thịt; Hòa thượng Tế Công[2] cũng là một người xuất gia có nhiều truyền kì sắc thái như thế. Câu chuyện của hai vị này, khiến cho nhiều người cho là Phật pháp đã dạy mọi người không có chấp trước thì trong tâm không có chướng ngại. Như thế thì các vị cao Tăng ngộ đạo thật sự, cho dù không bị chấp vào những việc nhỏ nhặt, thân sống buông lung, nhưng cũng không bị ảnh hưởng đến sự tu hành thành tựu của các ngài.

Trên sự thật, chúng ta đọc qua câu chuyện của hai vị này, thật là xuất sắc, cảm động lòng người. Nhưng chúng ta nhìn hành vi một vị cao Tăng thì không thể cho là mẫu mực. Chúng ta phải biết Đức Phật là Đấng giác ngộ, giải thoát; nhưng Ngài vẫn nghiêm trì giới luật và chưa hề buông lung. Khi Đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế, do có nhóm sáu tỉ-khưu[3], trước khi chứng quả A-la-hán, các thầy sống phóng túng, cho nên Đức Phật mới chế giới luật, mỗi giới để thúc liễm hành vi của họ.

Từ Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng đến Nhật Bản, các vị cao Tăng đều nghiêm trì giới luật. Những người như Hòa thượng Nhất Hưu, Hòa thượng Tế Công là trường hợp đặc biệt rất ít có. Bậc có trí tuệ không có nghĩa là không giữ gìn oai nghi. Tôi biết hiện nay ở Đài Loan có các môn phái công khai uống rượu, ăn thịt; quan hệ nam nữ cũng rất tùy tiện, mà tự cho mình là thánh nhân đã chứng quả thứ ba[4], quả thứ tư[5]. Theo truyền thống Phật giáo thì không thể chấp nhận hành vi này. Nhưng những người bình thường trong xã hội thì rất dễ bị họ lôi kéo, truyền thống Phật giáo thì bị họ cho rằng đó là phái bảo thủ cố chấp.

Kì thực, sự nhiếp tâm nghiêm trì giới luật vẫn rất an toàn. Vào khoảng năm 1980, ở nước Mỹ có rất nhiều người tự cho mình là Thiền sư, Thượng sư, đã được giải thoát tự tại, làm loạn quan hệ nam nữ và đồng tính luyến ái. Khi mới bắt đầu vẫn có một số thanh niên nước Mỹ tiếp nhận. Nhưng về sau, vị thầy của các tôn giáo này đều bị đam mê vào rượu ngon và gái đẹp; hoặc vì tham tiền và không làm rõ mối quan hệ đồng tình luyến ái, khiến xảy ra nhiều vấn đề rắc rối, nên các vị này đều bị đuổi ra khỏi đạo tràng. Từ đó, họ bị thất bại. Kết quả, trong thời gian này, Phật giáo ở Mỹ bị suy yếu, ngay cả hệ thống Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 Hòa thượng Nhất Hưu và Hòa thượng Tế Công thật sự không có ăn chơi trác táng như các vị sư này. Hòa thượng Tế Công uống rượu, nhưng tuyệt đối không ăn thịt chó; huống gì gái đẹp ngài cũng không nhiễm. Trong xã hội có rất nhiều người chấp vào Phật pháp một chiều mà phỏng đoán bậy, lại cho rằng đó là đúng theo tinh thần của Phật pháp; cho nên mọi người phải chú ý phân biệt.

Phật pháp là đi vào cuộc đời giáo, hóa thế gian và làm cho xã hội tốt đẹp. Tôn giáo cao cấp là tích cực tham gia xã hội. Tất cả danh lợi, tiền của, sắc đẹp ở thế gian, chẳng những Phật tử chúng ta không bị đắm nhiễm mà còn phải tích cực cống hiến cho xã hội. Như thế mới là bộ mặt chân thật của Phật giáo.

 

 

[1] Nhất Hưu Tông Thuần 一休宗純; J: ikkyū sōjun; 1394-1481; Thiền sư Nhật Bản thuộc tông Lâm Tế (j: rinzai), hệ phái Ðại Ðức tự (j: daitokuji-ha). Sư là một trong những Thiền sư danh tiếng nhất của Thiền tông Nhật Bản. Với phong điệu của một »Cuồng Thánh«, Sư đả phá những phong cách tệ mạt trong những thiền viện lớn mà Sư cho rằng đang trên đường tàn lụi. Cách sống và giáo hoá của Sư vượt trên tất cả những tục lệ và vì vậy có rất nhiều tích nói về Sư, phần đúng, phần huyền hoặc.

[2] Còn gọi Tế Điên Tăng, Tế Điên Hòa thượng.

[3] Lục quần Tì-kheo六群比丘(S: ṣaḍ-vargīka-bhikṣu; Cg: Lục chúng Bí-sô, Lục quần): Sáu ác Tì-kheo thời Đức Phật còn tại thế, đó là: một, Nan-đà; hai, Bạt-nan-đà; ba, Ca-lưu-đà-di; bốn, Xiển-na; năm, A-thuyết-ca; sáu, Phất-na-bạt.

[4] Quả thứ ba 果Bất hoàn quả (S: anāgāmi- phala; Hâ: A-na-hàm): Quả thứ ba, là giai vị đã đoạn ba phẩm sau trong chín phẩm Tư hoặc cõi Dục, không còn thọ sinh đến cõi Dục nữa.

[5] Quả thứ tư 四果 A-la-hán quả (S: arhat; Hd: Ứng cúng, Ứng, Vô học): Là giai vị đã đoạn hết tất cả Kiến hoặc, Tư hoặc ở cõi Sắc, cõi Vô sắc, nhập Niết-bàn vĩnh viễn, không còn sinh tử lưu chuyển. 

 

 

Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm

Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin