Chi tiết tin tức

Ấn Độ: Chư tăng Quốc tế dự lễ tắm Phật theo truyền thống PGVN tại Bồ Đề Đạo Tràng

22:52:00 - 28/04/2018
(PGNĐ) -  Sáng ngày 27/4/2018, nhận lời thỉnh mời của Đại đức Thích Pháp Như, du học Tăng tại trường Đại học Magadh (Ma Kiệt Đà), hơn 400 chư Tăng Ni các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Myanmar, Lào, Bangladesh, Cam Pu Chia, Tây Tạng, Bhutan và Việt Nam đã vân tập dưới Cội Bồ Đề, nơi Đức Phật đã đạt Vô thường Chánh Đẳng Giác, trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng, tiểu bang Bihar, Ấn Độ để tham dự đại lễ Phật Đản theo lịch của Ấn Độ do những Tăng Ni sinh Việt Nam tổ chức ( năm 2017 lịch của Việt Nam nhuần, lịch của Ấn Độ không nhuần nên Phật Đản năm nay ở Ấn Độ vào tháng ba âm lịch của lịch Việt Nam).

Buổi lễ được tổ chức theo nghi thức Phật Đản của Phật giáo Việt Nam nhưng vẫn kết hợp với văn hóa Ấn Độ để phù hợp với Phật giáo của các nước. Thay mặt chư Tăng Ni Quốc tế, Thượng tọa Chalinda trụ trì Bồ Đề Đạo Tràng đã tán thán đến Tăng Ni Việt Nam đã tổ chức buổi lễ này. Theo truyền thống của Phật giáo Ấn Độ và các nước theo tinh thần Nguyên Thủy thì ngày trăng tròn tháng Veshaka (Vesak) còn là ngày Thành Đạo và Nhập Niết Bàn của Đức Phật, và đây cũng cơ hội để chư Tăng các nước ngồi lại với nhau cùng tưởng niệm đến ngày trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

 Sau phần giới thiệu về lễ Phật Đản là nghi thức rước Phật theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, chư Tăng Ni Quốc tế đã rất hoan hỷ vì được rước kiệu Phật Đản sanh nhiễu tháp Giác Ngộ trong khuôn viên Bồ Đề Đạo Tràng. Đây là lần đầu tiên kiệu Phật Đản sanh được rước tại đây. Một nét văn hóa của Phật giáo Việt Nam được thể hiện trên Đất Phật làm sống dậy ngày Phật Đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) cách đây hơn 2.600 năm. Sau lễ rước Phật là nghi thức tụng kinh Phật Đản. Để tìm một ngôn ngữ chung và bài kinh chung cho chư Tăng các nước đều có thể tụng được nên Đại đức Thích Pháp Như đã chọn bài kinh Accharia-abbhùtadhyamma sutta (Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp), đây là bài kinh số 123 trong Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh) nói về sự kiện Đản sanh của Đức Phật qua lời thuật lại của Tôn giả Anada đến với Tăng chúng và có sự chứng minh của Đức Phật.

Đây là một bài kinh rất quan trọng để tán thán những điều hy hữu và chưa có khi Đức Phật Đản sanh. Cả chư Tăng các nước đều hoan hỷ tụng bằng ngôn ngữ Pali. Phần tụng kinh gia trì của quý Lama Tây Tạng và Bhutan được tiếp tục sau đó cùng với lễ tắm Phật theo nghi thức của Phật giáo Việt Nam. Chư Tăng các nước tuần tự tắm Phật trong niềm xúc động. Đây là năm thứ ba lễ tắm Phật trong dịp Phật Đản được Đại đức Thích Pháp Như tổ chức. Vài chư Tăng, Ni đã xúc động vì sự thiêng liêng khi rưới từng giọt nước tinh khiết lên tôn tượng Đản sanh bậc Đạo Sư như ngày Ngài đản sanh có hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng từ trên không trung rưới xuống để tắm gội thân thể của Ngài.

Từng bức tranh Phật được gởi đến đại diện chư Tăng các nước như một sự lưu niệm vào ngày lễ trọng đại này nơi Đức Phật Giác Ngộ. Thay mặt những Phật tử Việt Nam đã hùn phước, Tăng Ni Việt Nam đã cúng dường tịnh tài và quà đến hơn 400 Tăng Ni quốc tế đã tham dự buổi lễ đặc biệt này. Chư Tăng các nước đã đồng tâm cầu nguyện cho Tam Bảo được trường tồn, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc; và đặc biệt gởi lời chúc đến Tăng Ni và Phật tử Việt Nam luôn được sức khỏe, an lạc và hạnh phúc.

Buổi lễ diễn ra trong sự trang nghiêm và thiêng liêng dưới bóng mát của Cội Bồ Đề và Đại Tháp Giác Ngộ, một trong bốn thánh tích quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Buổi chiều cùng ngày, những người Phật tử Ấn Độ và những người dân Ấn Độ đã đến tắm Phật. Mọi người đều hoan hỷ với thành kính khi những giọt nước dịu mát được rưới lên tôn tượng Đản Sanh và cầu nguyện một sự ban phước của Phật để được bình an trong cuộc sống bộn bề.

 

Nguyễn Thành Trung

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin