Chi tiết tin tức

Những ngôi chùa Việt nơi đất khách, quê người...

22:48:00 - 02/10/2018
(PGNĐ) -  Sống ở nơi đất khách quê người, sinh hoạt văn hóa tâm linh đã trở thành nét tinh thần khó có thể thiếu trong cộng đồng người Việt. Những vị trụ trì nhà chùa luôn mong bà con người Việt coi ngôi chùa là không chỉ là nơi tu tịnh mà còn là để gặp gỡ trao đổi, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam dù đang ở đâu…
 

Ngôi chùa Việt đầu tiên được Chính phủ Hungary công nhận

 

Lễ khánh thành chùa Đại Bi tại thành phố Simontornya (Hungary) vừa diễn ra trong không khí trang trọng, ấm áp. Đây là ngôi chùa Việt đầu tiên được Chính phủ Hungary công nhận, là điểm sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Việt Nam xa quê, góp phần củng cố tình đoàn kết của bà con kiều bào. 

 

Có mặt tại buổi lễ khánh thành hôm 19/09, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh bày tỏ cảm ơn Chính phủ Hungary nói chung và chính quyền thành phố Simontornya nói riêng đã tạo điều kiện về mọi mặt thủ tục, pháp lý giúp cộng đồng người Việt có một ngôi chùa để sinh hoạt văn hoá tâm linh.

 Lễ khánh thành chùa Đại Bi (Hungary)

Ông Hầu A Lềnh vui mừng nhận thấy tình đoàn kết, gắn bó và phát triển trong cộng đồng người Việt Nam tại Hungary, đồng thời tin tưởng rằng mái chùa Đại Bi sẽ là nơi gắn kết những người Việt Nam ở Hungary và ở châu Âu, qua đó gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Hiện có hơn 5.000 người Việt Nam đang sống, học tập và làm việc tại Hungary, đây là cộng đồng tuy nhỏ nhưng có vị trí khá cao so với mặt bằng chung của người dân Hungary trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay có nhiều người Việt thành đạt luôn dành tâm lực hỗ trợ cộng đồng. Họ thường xuyên tổ chức các hoạt động gây quỹ cho cộng đồng như  quỹ cho người già, người vô gia cư, trẻ em hoặc mua vé cho những người lâu không có điều kiện về thăm nhà…

 

Chủ tịch Hội Nghị sỹ Hungary thân Việt Nam Szatmary Kristof cho biết, cộng đồng người Việt có tinh thần đoàn kết, gắn bó, tôn trọng pháp luật với  những đóng góp thiết thực, cụ thể cho Hungary mà các cộng đồng nhỏ thường khó làm được. 

 

Cùng với chùa Đại Bi, thì chùa Tuệ Giác cũng là một nơi sinh hoạt tôn giáo, tâm linh của cộng đồng bà con người Việt nằm ở trung tâm thủ đô Budapest – Hungary. Chùa được khánh thành vào tháng 7/2015, thỏa ước nguyện của đa số bà con kiều bào tại đây, có nơi để sinh hoạt Phật giáo, văn hóa, phát triển truyền thống văn hóa của người Việt. Vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như Rằm Tháng giêng, Lễ Vu Lan, rằm tháng Bảy nhà chùa tổ chức các khóa lễ thu hút rất đông bà con kiều bào tham gia. 

 

Đến đây, trong hương khói và tiếng chuông chùa, ai cũng chung một cảm giác ấm áp, thanh tịnh như ở quê nhà vậy. Cùng với lễ chùa, cầu nguyện bà con đến đây còn có nhu cầu lớn về giao lưu, hướng về văn hóa cội nguồn để vơi bớt nỗi nhớ nhà…

 

Tình người xa xứ  

 

Hiện số người Việt tại Anh hiện đã lên tới 8 vạn người. Ngoài những cửa hàng kinh doanh ẩm thực thì bà con mở hàng bán thực phẩm, sửa chữa xe, làm xây dựng.... Đặc biệt kinh doanh ẩm thực phát triển rất mạnh. Với cuộc sống ổn định và tôn trọng luật pháp nước Anh, cộng đồng người Việt ở Anh đã được Hội đồng Anh đánh giá là một trong những cộng đồng phát triển ổn định nhất.

 

Ở Anh có hai ngôi chùa chính của người Việt, đó là Chùa Từ Đàm tại Birmingham và Chùa Linh Sơn tại London.  Ngày xây chùa, người góp của, người góp công để ngôi chùa khang trang, trở thành địa điểm tâm linh quen thuộc của cộng đồng người Việt để khi đến đây, họ vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Vào những ngày chủ nhật hay đại lễ bà con đến chùa rất đông. Sau khi lễ Phật  họ cùng ngồi  lại thăm hỏi và chia sẻ với nhau về cuộc sống. 

 Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu chùa Từ Đàm (Anh Quốc)

Trụ trì chùa Từ Đàm là thầy Thích Phước Huệ. Bao năm qua thầy và bà con Phật tử ở đây thường xuyên  vận động quyên góp để hàng năm, khi Tết đến Xuân về Đoàn Phật tử lại về nước ủng hộ cho người nghèo, bà con vùng gặp thiên tai, vùng sâu vùng xa. 

 

Tháng 8 mới đây, chùa Từ Đàm đã trọng thể tổ chức Đại lễ nhớ tới công cha, nghĩa mẹ và tổ tiên. Đông đảo bà con phật tử, kiều bào, các cháu sinh viên khắp các vùng nước Anh đã về dự lễ. Nhân dịp này, Thượng tọa Thích Phước Huệ cũng thông báo tới bà con chuyến hành hương và làm từ thiện trong nước đầu năm 2018 vừa qua, theo lộ trình từ Hải Phòng tới Đà Nẵng.

 

Trong chuyến đi này, Ban tổ chức đã trao hàng ngàn suất quà đến tận tay bà con có hoàn cảnh khó khăn và chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, tại các bản làng dân tộc Pa Ko ở Quảng Bình, đồng bào Vân Kiều huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế và vùng đất Thành cổ Quảng Trị, vốn chịu nhiều bom đạn trong chiến tranh.

 

Tại buổi lễ, Thượng tọa Thích Phước Huệ cũng vận động, kêu gọi bà con quyên góp cho công tác xây dựng ngôi Chính điện của chùa, đồng thời làm quà tặng cho chuyến đi về nước đầu năm 2019, tại Hải Phòng và dọc các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 

 

Birmingham là thành phố lớn thứ hai của nước Anh, nơi đây có khoảng hơn 3000 người Việt đang sinh sống và học tập. Vào những dịp lễ tết hay ngày rằm, mùng một chùa chính là nơi nhiều bà con kiều bào tìm đến vừa để tìm một điểm tựa tinh thần nơi đất khách cũng là để vơi bớt nỗi nhớ nhà.

 

Theo chia sẻ của Phương Uyên - một du học sinh Anh thì “chùa là nơi cho tôi thấy tình đồng hương là như thế nào, những người Việt kiều xa xứ phải khó khăn thế nào để gìn giữ những giá trị truyền thống của dân tộc, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên nơi xứ người được nuôi dạy ra sao để chúng ít nhất còn nhớ được cội nguồn gốc của mình vẫn là một người Việt Nam. Và ngôi chùa đã giúp chúng tôi nguôi ngoai phần nào nỗi cô đơn khi Tết đến nhưng lại không có gia đình bên cạnh, được cảm thấy ấm lòng hơn khi nghe câu “Chúc mừng năm mới” bằng tiếng Việt, khi được nhận lì xì như những ngày ở nhà, để rồi tôi nhận ra tình người Việt xa xứ thật đáng trân quý biết bao”.

 

Chùa không chỉ là nơi truyền bá Phật giáo, dành cho các nhà tu hành mà đó còn là nơi chúng ta tìm đến để mong tìm thấy sự bình an, tốt lành, để mầm thiện được nảy nở và đơm hoa. Và ở nơi đất khách quê người, nét sinh hoạt văn hóa tâm linh ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần trong cuộc sống của bà con kiều bào, để trong khói hương và tiếng chuông chùa lòng người ấm áp, thanh tịnh hơn, phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương… 

 

Theo daidoanket.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin