Chi tiết tin tức Scandal nhà sư Thái Lan: Khi những tu sĩ hưởng lạc với lối sống vật chất 17:17:27 - 24/07/2013
(PGNĐ) - Ngày 22/5, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip đặc biệt. Đoạn phim ngắn ấy quay một vài nhà sư Thái Lan.
Ngày 22/5, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip đặc biệt. Đoạn phim ngắn ấy quay một vài nhà sư Thái Lan. Đi xe thể thao đắt tiền, chạy theo công nghệ với những smartphone và thiết bị nghe nhạc đắt tiền, sành điệu với những phụ kiện có giá trị hàng ngàn USD như giỏ Luis Vuiton và di chuyển bằng chuyên cơ riêng. Chúng ta đang nói về những nhà tài phiệt tư bản? Không, đấy là sinh hoạt của một số vị sư đang ăn nên làm ra trên lòng hảo tâm của các tín đồ mộ đạo tại Thái Lan.
Xài hàng hiệu, đi máy bay riêng
Ngày 22/5, trên Youtube xuất hiện một đoạn clip đặc biệt. Đoạn phim ngắn ấy quay một vài nhà sư Thái Lan. Điểm đặc biệt ở đây, không như vẻ khổ hạnh truyền thống, những nhà tu hành này cho thấy họ thoải mái thế nào trong trang phục cực kỳ xa xỉ. Mắt đeo kính râm đắt tiền, tai nghe headphone và tay cầm Ipod hoặc smartphone cực xịn. Bên cạnh nhà sư này không phải tay nải mộc mạc ngày nào. Thay vào đó, họ sử dụng một chiếc giỏ… hiệu Luis Vuiton nổi tiếng. Không phải là những bước chân đất khất thực như bao đồng đạo khác, những nhà sư “thành công” này cùng nhau di chuyển bằng một chiếc chuyên cơ riêng.
Hình ảnh nhà đeo kính hàng hiệu đi chuyên cơ riêng
Ngay lập tức, đoạn clip được lan truyền với tốc độ chóng mặt trong cộng đồng mạng Thái Lan. Chỉ trong vài ngày doạn clip đã ghi nhận tới hơn 200.000 lượt xem trên Youtube. Rất nhiều người, đặc biệt các phật tử trên khắp thế giới sốc nặng khi chứng kiến đoạn clip về lối sống vương giả ấy và đồng loạt lên tiếng chỉ trích.
Theo lời của một trong những vị tu sĩ này, họ có mặt trên chuyến chuyên cơ riêng theo nhã ý của một tín đồ để bay từ Bangkok về phía Đông Bắc Sisaket sau khi kết thúc công việc. Nopparat Benjawatananun, giám đốc Văn phòng Phật giáo quốc gia của Thái Lan tỏ ra rất giận dữ: “Hành vi đeo kính râm và mang theo một túi xách Louis Vuitton là hình ảnh phô trương so với nguyên tắc khổ hạnh. Điều này kích động sự chỉ trích từ các cư sĩ”. Nopparat cho biết những vị sư “sang trọng” này sẽ phải tổ chức một buổi họp báo và đích thân ông sẽ có mặt tại đấy để chứng kiến họ giải trình.
Theo điều tra, nhân vật chính một trong những vị sư “5 sao” ấy là trụ trì Luan Pu Nenkham. Cũng trong thời gian qua, dư luận Thái Lan càng dậy sóng hơn sau khi trên mạng xuất hiện một tấm ảnh chụp vị sư thầy này nằm cạnh một phụ nữ. Chủ tịch mạng lưới giám sát các hoạt động bất lợi cho các chương trình nghị sự quốc gia, tôn giáo và chế độ quân chủ Songkran Achariyasap nhấn mạnh đầy bức xúc: “Đây là những hành vi đi ngược lại các quy tắc và niềm tin của Phật giáo”.
Họ sử dụng các loại điện thoại đắt tiền
Virood Chaipanna, GĐ Văn phòng Phật giáo Sisaket cho biết ông đã đến Wat Pa Khantitham để tìm gặp Luang Pu Nenkham nhưng không được và được biết vị trụ trì lắm tiền nhiều của này đang ở Pháp. Ban ngăn chặn tội phạm (CSD) cho biết sẽ nhảy vào cuộc và thực hiện điều tra kỹ lưỡng về những hành vi mà theo họ là không đúng mực với tôn giáo này. Phó chỉ huy CSD, đại ta Prasopchoke Prommoon đồng thuận quan điểm. Ông cho biết: “Tôi đã giao các tài liệu cho nhân viên để khởi động cuộc điều tra. Tôi sẽ sớm công bố kết quả”.
Songkran cho biết ông muốn cơ quan chức năng sẽ điều tra kỹ lưỡng trên 13 lĩnh vực, bao gồm cả phẩm chất tôn giáo của Luang Pu Nenkham cũng như tài sản cá nhân và các người thân, các chiến dịch quyên góp trước đấy cũng như mối quan hệ với người phụ nữ đã nằm dài bên cạnh vị sư “sang trọng” này trong tấm ảnh gây tranh cãi. Chưa hài lòng ở mức này, các nhà hoạt động đang lớn tiếng kêu gọi CSD kiểm tra những nhân viên làm việc cho Khantitham Khao, một công ty liên quan đến Wat Pa Khantitham, ngôi chùa Luang Pu Nenkham đang là trụ trì.
Jazz khi đăng quang hoa hậu và khi đi tu
Wat Pa Khantitham nằm tại tỉnh Sisaket. Ngôi chùa này tọa lạc trên một lô đất được phật tử quyên tặng tại Manas. Vị phật tử ấy sau khi được chứng kiến lối sống xa hoa của vị trụ trì yêu Luis Vuiton cũng đang tiến hành các thủ tục để đòi lại mảnh đất. Nhà hảo tâm 68 tuổi cho biết bà đã hiến tặng miếng đất lớn cho các nhà sư với hy vọng nơi đấy sẽ được xây dựng thành một ngôi chùa thích hợp. “Hơn 10 năm đã trôi qua và ông ấy vẫn chưa thể xây dựng một ngồi chùa như đã hứa. Vì vậy tôi sẽ cố gắng lấy lại miếng đất, và giao nó cho những nhà sư khác”, người phụ nữ cho biết.
Theo lời Nopparat, nhà hảo tâm có quyền khiếu nại và giao đất cho các tu sĩ khác. Hiện tại văn phòng của ông cũng nhận được rất nhiều khiếu nại về các nhà sư của các ngôi chùa khác trên khắp Thái Lan hiển lộ lối sống xa hoa, giàu có với những bộ sưu tập xe hơi, sử dụng những vật dụng đắt tiền.
Khi lối sống vật chất đã chẳng còn là cá biệt
Sự xuống cấp về đạo đức và lối sống của một bộ phận tu sĩ tại Thái Lan là điều không mới. Trong một thống kê của AP, chỉ riêng năm ngoái đã có hơn 300 vị trong tổng số 61.416 tăng lữ khắp Thái Lan đã nhận án phạt vì những hành vi sai trái, bao gồm cả việc uống rượu và quan hệ tình dục với phụ nữ, thậm chí tống tiền. Con số ấy tự nó nói lên rất nhiều điều.
Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan và khoảng 95% dân số là tín đồ, cao nhất thế giới. Theo thống kê năm ngoái, quốc gia này đang có hơn 61.000 nhà sư và hành vi của họ thường xuyên gây chú ý trên các phương tiện truyền thông với những scandal như dùng thuốc cấm, uống rượu, cờ bạc và cả dính líu đến gái mại dâm. Ông Pra Khru Vinaithorn, thành viên Trung tâm Bảo vệ Phật giáo Thái Lan cho biết những khiếu nại về việc tậu xe hơi hoặc lừa đảo, mị dân bằng những trò ma quái chủ yếu tập trung vào những nhà sư mới được thụ phong làm trụ trì.
Vụ việc chưa chấm dứt thì mới đây ngày 25/6, Hội Phật giáo Thái Lan cũng vừa chỉ trích hành động mua sắm xa xỉ của nhóm 6 nhà sư Thái Lan tại Mỹ. Các hình ảnh ghi lại cho thấy những vị tăng lữ này đang chọn smarphone, mua café và ăn uống tại các nhà hàng Mỹ.
Một cuộc khảo sát mới đây về nhà sư và cuộc sống vật chất cho thấy đa số mọi người cho rằng những nhà sư không phù hợp với cuộc sống vật chất xa hoa. 90,39% nhà sư trong số 1.249 nhà sư khắp Thái Lan khi được hỏi cho rằng việc mua sắm hàng hiệu, đi xe đắt tiền và có tài sản cá nhân là những hành vi không phù hợp với một nhà sư. Chỉ có 5,68% nói rằng điều đấy là phù hợp vì các nhà sư cũng có quyền và cần thích nghi với môi trường sống. Có 46,84% người được hỏi cho rằng hiện nay ít người đến chùa hơn vì họ nghe tin về các vị sư dính đến ma túy, uống rượu và có quan hệ với nữ giới. 30,5% cho rằng chùa chiền giờ quá thương mại hóa.
Mitsuo khi là trụ trì nổi tiếng Thái Lan
Với số lượng Phật tử lớn nhất thế giới, Thái Lan đã và đang nỗ lực giúp đạo Phật với lịch sử hơn 2.600 năm có thể đứng vững trước thử thách của thời gian bằng nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, những nỗ lực ấy đôi khi bị nhiễm bẩn từ chính những nhà sư vẫn nhận được sự kính trọng rất lớn tại Thái Lan. Một loạt những vụ tai tiếng liên quan đến phẩm hạnh và lối sống không đúng mực đã khiến Thái Lan chuẩn bị có một loạt biện pháp mạnh tay để giám sát các tăng lữ trên cả nước.
Ông Nopparat phát biểu, “các nhà sư phải giữ được sự cân bằng của bản thân trước những kiến thức mới, sự kiện hiện tại và cả công nghệ. Họ phải biết cách hạn chế để lựa chọn những công cụ thích hợp”. Cũng theo ông Nopparat, một trong những cách để ngăn chặn sự hư hỏng của các nhà sư chính là việc các tín đồ phải giúp họ bằng cách đặt các nhà sư tránh xa những cám dỗ vật chất cũng như những điều không thích hợp khác. Ông chia sẻ: “Trong nhiều trường hợp, chính các tín đồ mộ đạo với lòng nhiệt thành của mình đã đặt các nhà sư vào điều kiện xa hoa. Một số mua tặng xe thể thao, điều chẳng cần thiết chút nào”.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |