Chi tiết tin tức

Bí mật của sự tỉnh thức: Học yêu thương những điều bình dị nhất

22:35:00 - 17/01/2025
(PGNĐ) -  Từng có một người đến chất vấn Đức Phật rằng tại sao các vị đệ tử của Ngài lại luôn bình an và rạng rỡ đến vậy. Đức Thế Tôn trả lời rằng bởi vì họ không vương vấn tương lai hay bị sầu khổ về quá khứ, mà nuôi dưỡng chính mình trọn vẹn ở hiện tại.

Ở đây, ý tưởng về sự “nuôi dưỡng” chính mình là chìa khóa. Khoảnh khắc hiện tại, nếu được tiếp cận đúng cách, thì thực sự có thể mang lại nguồn lực để nội liễm và hàm dưỡng cho chúng ta.

Phương pháp để tìm thấy nguồn nuôi dưỡng đó không chỉ là nhìn sự vật như chúng đang là mà còn phải thực sự nhận thức chúng bằng trí tuệ và thực hành chánh niệm với sự nhận biết sáng suốt. Thuật ngữ Pāli là satipaññā. Bạn chỉ cần hiện diện với những gì đang xảy ra nhưng không đồng nhất mình với chúng; bạn chỉ đơn thuần là chú tâm và quan sát.

Thực hành sự nhận biết này là chỉ dừng lại ở trải nghiệm đúng như mọi thứ đang hiện hữu. Ở các khóa tu, mọi người thường được giao cho các công việc như hút bụi sàn nhà, và thắc mắc làm thế nào để đặt toàn tâm ý vào công việc đó. Thường thì họ cố gắng dùng hết sức để chú tâm đặc biệt vào việc mà họ đang làm. Nhưng nếu theo cách thức đó thì sự chú tâm chỉ kéo dài khoảng hai mươi giây. Một cách tốt hơn là thả lỏng mình vào việc hút bụi và quan sát điều gì đang xảy ra. Hãy xem các suy nghĩ xuất hiện như thế nào, thậm chí là ý nghĩ muốn làm nhanh hơn để có thời gian đi dạo. 

Chính những suy nghĩ đó khiến tâm bạn bị tách khỏi công việc mà bạn đang làm. Đừng chống lại quá trình này; chỉ cần trong chính hành động nhận biết đó, chúng ta luôn biết quay trở lại với nhiệm vụ chú tâm. Khi đó, những khoảnh khắc, và khoảng thời gian chú tâm trọn vẹn sẽ ngày càng gia tăng, tâm của bạn luôn hiện diện với thân. Sức chánh niệm của chúng ta đến từ việc nhận thức rõ ràng sự chia cắt của thân và tâm. 

Một cách khác để thực hành an trú trong khoảnh khắc hiện tại là suy ngẫm về tính tương tức (interbeing) - cách mà nhiều nhân tố kết hợp lại với nhau để tạo nên chúng ta của hiện tại. Ở Nhật Bản, nơi tôi thực hành thiền, các thiền sinh thừa nhận sự thật về tính tương tức qua các nghi thức lễ lạy. Chẳng hạn như sau mỗi thời khóa thiền tọa, họ cúi lạy chiếc gối thiền và hành giả đang ngồi đối diện. Những hành động rất nhỏ như vậy mang ý nghĩa rằng: “Vì bạn ở đây nên tôi mới có thể thực hành”. Việc thấy những người khác kiên trì thực tập cũng giúp chúng ta thêm vững chãi. Các thiền sinh còn lạy tượng Phật và khu thiền đường, và chắp tay xá cả nhà vệ sinh.

Họ cũng có thể biết ơn cả cuộn giấy vệ sinh. Đôi khi tôi hỏi học trò của mình trong một khóa tu dài ngày: “Thầy dạy hay giấy vệ sinh quan trọng hơn?”. Bởi nếu tôi biến mất vài ngày, tôi nghĩ các bạn vẫn xoay xở khá tốt. Các bạn biết cách đi, cách ngồi, và có lịch trình để tuân theo. Nhưng nếu các bạn hết giấy vệ sinh thì sao? Đó chắc chắn sẽ là một thảm họa trong khóa thiền.

Đôi khi chúng ta phân chia thời gian thành các loại: thời gian làm việc, thời gian tập thể dục, ăn uống, thời gian cho bạn đời, cho con cái, và cuối cùng, chúng ta hy vọng có một chút thời gian cho chính mình. Nhưng sự tu tập lại khuyến khích rằng mọi khoảnh khắc đều dành cho chính bạn; bất kể bạn đang làm gì, dù tầm thường hay phi thường đến đâu, cũng đều quan trọng như mọi thứ khác. Không có khoảng thời gian nào bị lãng phí.

Một bản kinh văn Phật giáo nổi tiếng nói rằng nếu một hạt bụi nhỏ bị lấy đi khỏi vũ trụ, thì toàn bộ vũ trụ sẽ sụp đổ. Đó chính là thái độ của Pháp. Mọi thứ, dù nhỏ bé đến đâu, thì cũng đều là thiết yếu như nhau.

Trong khoảng thời gian khi mới bắt đầu hành thiền, tôi đã hai lần đối diện với cái chết mà sau này tôi mới nhận ra là chúng có liên hệ đến sự an trú tâm. Lúc tôi sống trong một ngôi chùa ở Hàn Quốc, một vị Ni sư nọ đã viên tịch. Trong những ngày đó có một nghi lễ vô cùng ấn tượng: tất cả các vị Tăng và Ni cùng đi thành đoàn xuống triền đồi, và họ tụng kinh cầu nguyện trước khi nhục thân được hỏa táng. Vị thiền sư mà tôi ngồi cạnh đã khóc nức nở trong buổi lễ. Và tôi dường như cảm thấy xấu hổ thay cho ông. 

Bởi vì lúc đó, tôi hình dung về thiền tập qua lăng kính nhẹ nhàng và thanh thản như kiểu Alan Watts. Tôi tưởng tượng rằng các thiền sư luôn bình tĩnh đối mặt với mọi loại trải nghiệm trong cuộc sống. Vì vậy, cảnh tượng tại tang lễ khiến tôi khó hiểu; tôi đã xin gặp vị Tăng nọ và nhắc lại điều đó với ông. Ông bật cười lớn. Ông giải thích rằng mình đã vào chùa cùng lúc với vị Ni sư, và họ đã quen biết nhau nhiều năm. Vì vậy, khi Ni sư viên tịch, ông cảm thấy một nỗi buồn sâu sắc tại đám tang và đã bày tỏ trọn vẹn cảm xúc đó. Bây giờ thì xong rồi.

Nhiều năm sau, khi tôi theo học với Ajaan Suwat, sư kể rằng sư đã từng rất thân thiết với thầy của mình. Khi còn trẻ, sư đã tự hỏi mình sẽ ra sao khi thầy qua đời. Nghĩ đến đó, sư đã rất sợ hãi. Nhưng qua thời gian, sự thực hành của sư sâu sắc hơn, khi thầy của sư thực sự viên tịch, sư hiện lên vẻ trầm mặc cùng với một tình thương kính và biết ơn sâu sắc. Sư hiểu rằng thầy của mình chỉ là một hiện tượng vô thường như bao hiện tượng khác và rằng trong cái chết, thầy cũng tuân theo một quy luật không thể tránh khỏi.

Nếu phải chọn, tôi nghĩ phản ứng của vị Tăng Hàn Quốc có vẻ chân thực hơn. Nhưng tôi không nghĩ bất kỳ phản ứng nào vượt trội hơn, miễn là chúng thể hiện được sự chân thật của khoảnh khắc đó. Điều quan trọng không phải là đặt ra một tiêu chuẩn lý tưởng cho cách bạn phải đối diện với tình huống, như trong một đám tang. Nếu bạn thấy bình an, hãy cảm nhận sự bình an. Nếu bạn thấy đau buồn, hãy cảm nhận sự đau buồn. Cả hai cảm xúc đều có thể hoàn toàn chân thực.

Ở một mức độ nào đó, chúng ta thấy rằng phương pháp thực hành này giống nhau cho cả người mới bắt đầu lẫn người đã thực tập thuần thành. Tất cả những gì bạn có thể làm là sống thật với trải nghiệm của mình đúng như nó đang là. 

Một lần, tôi tham dự buổi phỏng vấn tại Trung tâm thiền Cambridge, một người bước vào với vẻ vô cùng phấn khích và nói rằng anh vừa có một trải nghiệm về sự giác ngộ. Sau đó, anh đã mô tả nó thật chi tiết và rõ ràng. Vị thầy ngồi đó đã lắng nghe và trả lời anh với một giọng nhẹ nhàng: “Anh có thể cho tôi thấy trải nghiệm của anh ngay bây giờ không?”. Vị thầy muốn nhắc nhở học trò rằng nếu trải nghiệm đó đã xảy ra trong quá khứ, thì nó không còn thực sự thuộc về anh ta nữa. Điều quan trọng là những gì đang diễn ra ngay lúc này.

Chúng ta thường mong muốn về điều này hay điều khác trong cuộc sống: Giá như điều này không xuất hiện, tôi sẽ hạnh phúc. Giá như tôi không sợ hãi, không tức giận, không cô đơn. Giá như tôi không phải rửa bát, đổ rác, hay nộp thuế thu nhập. Giá như tôi không già, không bệnh, không phải chết. Nhưng những điều đó đang hiện hữu và là quy luật của cuộc sống này. Và không có gì trong những điều đó có thể ngăn cản bạn tu tập hay trở nên hạnh phúc. Quan trọng vẫn là cách bạn đối diện với chúng.

Vì vậy, điều cần làm luôn chỉ có một: Hãy để bản thân hòa quyện một cách sâu sắc vào từng khoảnh khắc trong cuộc sống này. 

Thiện Quang dịch

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin