Chi tiết tin tức Dự án “Kumarajiva”chuyển trọng tâm sang việc đào tạo phiên dịch viên Phật giáo 21:03:00 - 09/10/2021
(PGNĐ) - Dự án “Kumarajiva” của Tổ chức Khyentse được khởi xướng bởi Dzongsar Jamyang Khyentse Rinpoche, một Lạt-ma người Bhutan, đồng thời là một tác giả và nhà đạo diễn phim nổi tiếng.
Tượng đại sư Kumarajiva trước Thiên Phật động Kizil Dự án phiên dịch các văn bản Phật giáo từ tiếng Tây Tạng sang tiếng Trung Quốc này đã bước sang năm thứ 3 và mới đây, tổ chức này thông báo sẽ chính thức ưu tiên cho việc đào tạo phiên dịch viên Phật giáo. Tổ chức Khyentse cho biết rằng dự án “Kumarajiva” đã mở một khóa chuyên môn đào tạo trực tuyến trong thời gian sáu năm cho những phiên dịch viên tiềm năng. Khóa học này cung cấp những kiến thức cần thiết về ngôn ngữ Tây Tạng và Trung Quốc, các nguyên tắc, lý thuyết căn bản về dịch thuật và triết học Phật giáo. Tổ chức này cũng lưu ý thêm rằng: “Kể từ tháng Ba năm 2021, chúng tôi đã quy tụ được 17 nhà dịch thuật đầy nhiệt huyết đến từ các vùng miền khác nhau trên thế giới, họ sẽ đảm nhiệm các vị trí như phiên dịch viên, biên tập viên và nhà phê bình trong dự án này”. Mô tả về dự án Kumarajiva như một “phương thức tạo động lực”, Dzongsar Khyentse Rinpoche đã nhấn mạnh rằng dự án phải tiếp tục phát triển vì lợi ích của giáo pháp, mặc dù công việc trước mắt còn rất nhiều”. “Dù biết điều đó rất khó khăn và đầy thách thức, nhưng chúng tôi là những người Phật tử, nếu không làm việc này thì chúng tôi sẽ rất đau lòng khi phải chứng kiến những bộ kinh điển lớn dần dần bị lãng quên. Bởi vì số lượng những dịch giả có khả năng hiện nay đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, nên việc dịch thuật lâu dài có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc đào tạo những thế hệ phiên dịch viên trong những năm tới. Vì lý do đó, chúng tôi phải chuyển trọng tâm từ những bản dịch có giá trị sang việc đào tạo phiên dịch viên”, Lạt-ma Dzongsar Khyentse nhận xét. Ra mắt vào mùa hè năm 2019, “Kumarajiva” (圓滿法藏-佛典漢譯計畫) là một dự án lớn nhằm hoàn thành việc phiên dịch tất cả các bản kinh văn từ tiếng Tây Tạng (bộ Kangyur và bộ Tengyur) sang Trung văn trong vòng 60 năm. Đặc biệt, thời gian gần đây, dự án này đã dịch xong 14 bản kinh văn từ bộ Kangyur và 3 văn bản chú giải về Ấn Độ từ bộ Tengyur. Khyentse ước tính rằng có khoảng 9% kinh văn thuộc bộ Kangyur (4,472 trang) và 65% (khoảng 10,460 trang) của bộ mật điển chưa có bản tiếng Trung. Trong bộ Tengyur, có khoảng 86% (69,266 trang) của các bản chú giải những bài kinh quan trọng và 36% (45,540 trang) của các bản chú giải Mật tông chưa được dịch sang tiếng Trung. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng trong khi hơn một nửa trong số 500 triệu Phật tử trên thế giới là người Trung Quốc, nhưng nhiều bộ kinh và sớ giải được viết bởi các bậc thầy Ấn Độ cho đến nay vẫn chưa được dịch sang tiếng Trung. Có những bộ kinh văn lớn và quan trọng trong Phật giáo nhưng chỉ tồn tại trong các bản cổ ngữ; trong đó có bộ Tam tạng kinh điển Phật giáo Tây Tạng, bao gồm những bài chú giải quan trọng, giải thích các kinh điển và mật chú Phật giáo, đặc biệt là những tác phẩm của hai vị luận sư nổi tiếng là Long Thọ và Thế Thân. Tương tự như vậy, họ cũng nhấn mạnh rằng nhiều bộ kinh văn chỉ còn bản Pali và Sanskrit. Vì vậy, dự án Kumarajiva sẽ tiến hành phiên dịch toàn bộ các bản kinh thuộc hệ Pali, Sanskrit và Tây Tạng sang tiếng Trung nhằm làm phong phú kho tàng giáo lý tiếng Trung của Phật giáo. Khyentse là một tổ chức phi lợi nhuận do Dzongsar Khyentse Rinpoche thành lập vào năm 2001 với mục đích truyền bá lời dạy của Đức Phật và hỗ trợ tất cả các truyền thống về nghiên cứu và thực hành Phật giáo. Hoạt động của tổ chức này bao gồm các dự án bảo tồn và dịch thuật các bộ kinh lớn, hỗ trợ cho các Phật học viện ở châu Á, mở rộng việc nghiên cứu Phật học tại các trường đại học lớn, đào tạo và phát triển các giảng sư của Phật giáo và xây dựng các phương thức giáo dục mới cho trẻ em trên nền tảng của Phật pháp.
Phổ Quảng lược dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |