Chi tiết tin tức Miền đất “rồng sấm” và bí mật của hạnh phúc 22:22:00 - 16/02/2024
(PGNĐ) - Có tha hương mới cảm nhận văn hóa quê nhà như hơi thở, có lắng nghe lời của người xa xứ mới có thể thấm thía bản sắc của nơi chôn nhau cắt rốn, có trân trọng văn hóa xứ người mới thấu hiểu thuần phong mỹ tục của cha ông mình...
Nhân dịp xuân về, năm Giáp Thìn, xin ghi lại nơi đây lời kể của Rincheng Wangdi, một du học sinh trẻ người Bhutan đang theo học tại phân khoa Lịch sử tại đại học Nalanda, về đất nước nhỏ bé bên sườn Himalaya được mệnh danh “Rồng sấm Bhutan”. Khi có cơ hội đi đến một đất nước khác, mình mới nhận ra rằng thì ra mọi người trên thế giới lại quan tâm và có hào cảm với đất nước mình nhiều đến thế”, Rincheng Wangdi mỉm cười và bày tỏ với chúng tôi. Trước đây, anh không biết rằng đất nước mình đang sống được mọi người mệnh danh là xứ sở hạnh phúc và cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới lấy chỉ số hạnh phúc để đánh giá sự phát triển của một quốc gia (GNH), thay vì chỉ Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Và chỉ khi tiếp xúc với những người bạn quốc tế, nghe họ chia sẻ, thì anh mới biết hóa ra đất nước mình đặc biệt đến vậy. Rincheng Wangdi, cũng như các bạn du học sinh Bhutan khác, thường trở thành tâm điểm trong các cuộc trò chuyện, đặc biệt là những người bạn đến từ những đất nước Phật giáo. Mỗi lần bạn bè quốc tế tụ họp với nhau, thì kiểu gì họ cũng sẽ tò mò về bộ đồ truyền thống mà anh đang mặc, về chỉ số hạnh phúc, hay xa hơn là những lý do đã khiến cho Bhutan được mệnh danh là xứ sở hạnh phúc trong mắt mọi người. Một lần, khi được hỏi về những gì quan trọng nhất trong đời sống của người dân Bhutan, Rincheng Wangdi đã chỉ lên lá cờ được treo ở giữa hội trường với những lá cờ khác mà trả lời rằng: “Những điều quan trọng đã nằm gọn trong lá cờ treo trên kia…” kèm theo một nụ cười đầy ẩn ý. Rincheng Wangdi giải thích, quốc kỳ Bhutan nổi bật với ba màu vàng, cam và trắng; nửa trên màu vàng tượng trưng cho vương quyền, nửa dưới màu cam tượng trưng cho sức mạnh tâm linh của Phật giáo, đặc biệt là hai dòng truyền thừa Drukpa Kagyu và Nyingma. Ngay trên giữa lá cờ là một con rồng trắng (druk), hay còn được gọi là “rồng sấm” (vương quốc Phật giáo này cũng được đặt tên theo đó); người dân Bhutan cũng thường gọi đất nước của họ là Druk Yul, có nghĩa là “đất nước của rồng sấm”. Màu trắng của rồng tượng trưng cho sự thuần khiết, vô nhiễm; mỗi móng rồng đang nắm chặt một viên ngọc quý(norbu) biểu trưng cho sự giàu có và thịnh vượng của vương quốc. Ngoài ra, rồng còn mang biểu tượng hộ pháp đối với Phật giáo ở Bhutan, bảo vệ an ninh cho quốc gia. Tại sao lại là rồng mà không phải là con vật nào khác? Theo Rincheng, Phật giáo đã được truyền thừa vào Bhutan từ rất sớm và hầu như đã hợp thành một với nền văn hóa nơi đây.
Theo truyền thuyết, nguồn gốc của “rồng sấm” bắt nguồn từ thế kỷ XII, khi Tsangpa Gyare Yeshe Dorje, người sáng lập dòng Drukpa đến thung lũng Namgyiphu tại Phoankar của Tây Tạng và chứng kiến cảnh sáng chói với cầu vồng rực rỡ trên bầu trời. Biết đây là một điềm lành, vì vậy sư đã đi vào thung lũng để chọn một nơi kiến lập già-lam, và ngay lúc đó, sư nghe ba hồi sấm của rồng rền vang cả một góc trời. Chính vì chứng kiến sự kiện thiêng liêng như vậy nên sau khi xây dựng xong, sư đã đặt tên cho ngôi tu viện là Druk Sewa Jangchubling và trường phái của sư cũng được gọi là Druk. Druk, sau này, được phân thành ba dòng truyền thừa, trong đó, một dòng tên là Drukpa cũng được truyền bá rộng rãi ở vùng Himalaya. Xứ sở có dòng truyền thừa này phát triển phồn thịnh cũng được gọi là Druk, cũng là Bhutan hiện nay. Rincheng Wangdi và hầu hết những bạn Bhutan chơi thể thao rất giỏi, họ có thể chơi trội hơn hẳn những người bạn đến từ các đất nước khác. Đá bóng, cầu lông, bóng bàn, hay leo núi, họ đều có kỹ năng vượt trội du học sinh các nước khác. Các bạn chia sẻ rằng ở Bhutan, những trò chơi tập thể và các buổi thi đấu thể thao là những hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, đặc biệt là trong các mùa lễ hội. Đây là thời điểm để các gia đình cùng nhau tận hưởng các hoạt động ngoài trời, chẳng hạn như đi dã ngoại, bắn cung và phi tiêu. Những loại hình thể thao mang tính truyền thống này sẽ được nhiều người tham gia hơn trong ngày lễ Losar. Đặc biệt, những điệu nhảy cộng đồng cũng là hoạt động phổ biến vào những ngày lễ hội. Họ thích nhảy chậm rãi, nối nhau tạo thành một vòng tròn để mọi người đều có thể được nhìn thấy và không ai bị bỏ rơi. Các bài hát truyền thống thường có âm điệu nhảy nhẹ nhàng, trùng khớp với những chuyển động của bước chân mỗi người. Vì vậy, những môn thể thao đơn giản dường như không thể làm khó được các bạn. Mỗi khi nhắc đến một lễ hội nào đó của quê hương rồng sấm, thì khuôn mặt Rincheng Wangdi dường như rạng rỡ hẳn lên. “Những mùa lễ hội là khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong năm. Việc hòa mình vào cộng đồng đang hân hoan vui vẻ trong ngày lễ khiến tôi cảm thấy bản thân là một lát cắt của vũ trụ, và tôi với mọi người là đồng nhất thể”, Rincheng bộc bạch. Nhưng có lẽ phải thực sự trải nghiệm không khí lễ hội ở vùng đất tâm linh này thì mới hiểu hết những gì anh nói.
Trong kỳ nghỉ đông sắp tới, Rincheng Wangdi sẽ về thăm nhà và ba mẹ anh. Sau đó, anh dự định sẽ trở lại trường sau khi lễ hội Losar kết thúc. Bởi vì anh mong muốn đón một mùa lễ hội Losar trọn vẹn cùng gia đình và những người thân yêu quý. Theo như Rincheng Wangdi chia sẻ, thì Losar là một trong những lễ hội quan trọng nhất ở Bhutan. Losar theo nghĩa đen có nghĩa là năm mới, trong đó “lo” có nghĩa là “năm” và “sar”có nghĩa là “mới”. Đây là thời điểm để đoàn tụ gia đình, củng cố mối quan hệ cộng đồng và tôn vinh truyền thống văn hóa bằng các nghi thức và sự kết nối mọi người với nhau. Losar được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng đầu tiên của âm lịch Tây Tạng. Losar cũng là một trong những lễ kỷ niệm quan trọng nhất trong văn hóa của đất nước này và được tổ chức như ngày lễ của quốc gia, các văn phòng chính phủ và trường học đóng cửa và mọi người sẽ quay trở về để tề tựu cùng gia đình và người thân. Vào năm 2024, Losar bắt đầu vào ngày 10-2 Tây lịch; lễ kỷ niệm có thể kéo dài đến hai tuần; tuy nhiên, ba ngày đầu tiên của năm mới là khoảnh khắc quan trọng nhất. Ngày đầu tiên của năm mới đánh dấu sự kết thúc của năm cũ, đây cũng là lúc mọi người cầu nguyện và bày tỏ ước muốn bình an và thịnh vượng cho bản thân, gia đình và những con vật nuôi của họ. Mọi hoạt động của năm mới đều bắt đầu xoay quanh bàn thờ Phật và các vị Bồ-tát trong nhà, mọi người sẽ ưu tiên đời sống tâm linh của mình trước tiên bằng cách sửa soạn bàn thờ và dâng những phẩm vật như sữa, bơ gạo, trà và các vật dụng truyền thống cho chư Phật. Ngoài ra, để thanh lọc nhà cửa, họ đốt hương cây bách xù và thắp đèn bơ khắp nhà để thanh tẩy những năng lượng xấu, và đón chào hơi ấm và ánh sáng của những điều tốt đẹp. Hơn thế nữa, mỗi gia đình sẽ treo những lá cờ cầu nguyện đầy màu sắc lên mái nhà và những nhành cây xung quanh để gửi gió mang đi những ước mong về một năm thịnh vượng, hòa bình, không có tang thương và bệnh tật trong nhà và cả cộng đồng. Cũng vào ngày này, các ngôi chùa, tu viện được trang trí lộng lẫy; những vị tu sĩ sẽ tổ chức các nghi lễ đặc biệt, thường được gọi là “puja”, một cách nghiêm trang để người dân tham gia cúng dường vật phẩm hàng ngày cũng như những gì mà họ đã thu hoạch được trong vụ mùa màng vừa qua, và cầu nguyện trước chư Phật, Bồ-tát và các vị thần. Losar cũng là thời gian để tỏ lòng tôn kính đối với các bậc thầy tâm linh cũng như tổ tiên của mọi người. Vì vậy, họ sẽ đến chùa hoặc các tu viện để đảnh lễ và cúng dường các vị thầy và nhận được sự ban phước từ họ. Trong buổi lễ cúng dường, torma (loại bánh đặc trưng của Phật giáo Tạng truyền) là loại thực phẩm được dâng cúng nhiều nhất và nổi bật nhất trong ngày đầu năm mới. Người Bhutan cũng giống như hầu hết mọi người ở các quốc gia châu Á khác, họ vui vẻ chào nhau với những lời chúc ấm áp và an lành trong những ngày đầu năm mới này bằng ánh mắt, nụ cười và những lời nói an lành. Hàng nghìn tin nhắn chúc mừng sẽ được gửi vào đêm trước của Losar. “Losar Tashi Delek” là lời trên môi của tất cả mọi người. Đó là một lời chúc cho một năm mới may mắn, bình an và thịnh vượng theo tiếng địa phương với ý nghĩa “chúc mừng năm mới”. Năm mới ở Bhutan cũng là thời điểm để thưởng thức nhiều món ăn truyền thống như cơm đỏ, các món hầm với ớt, những loại bánh ngọt bao gồm bánh quy chiên, mía và trái cây. Đặc biệt, theo niềm tin của người dân xứ sở này, mía và chuối xanh phải được tặng vào đúng dịp này vì chúng sẽ mang lại may mắn cho năm mới. Mỗi bữa ăn trong ngày đầu tiên của năm mới đều gắn liền với những ý nguyện tốt đẹp. Trước khi thưởng thức một món ăn gì, người Bhutan thường dâng thức ăn lên trán và cúng dường lên chư Phật và các vị thần ở khắp bốn phương, cầu nguyện sức khỏe, bình an và hạnh phúc cho bản thân, gia đình và thế giới. Họ tin rằng chư Phật và các vị thần đều có một mối liên hệ nào đó với họ khi họ chào đón năm mới. Sau đó, họ quây quần bên nhau để dùng bữa trưa trong những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất. Giờ đây, trước mắt chúng tôi là Rincheng Wangdi, người con của Bhutan với sự hiểu biết, dí dỏm và luôn mang đến cho những người xung quanh nguồn năng lượng tích cực nhất. Anh hứa sẽ ghi hình lại những nét đẹp truyền thống của ngày lễ Losar và chia sẻ cho chúng tôi sau khi quay lại trường, bởi đó cũng là một lát cắt điển hình trong đời sống của người dân Bhutan. Và chúng tôi cũng rất mong chờ điều tuyệt vời đó. Losar Tashi Delek! (Đại học Nalanda, Ấn Độ, mùa xuân 2024) Tâm Tuệ
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |