Chi tiết tin tức Lòng từ bi chân chính và bình an nội tâm 20:42:00 - 15/11/2023
(PGNĐ) - Đức Dalai Lama cho rằng chỉ nghĩ về lòng từ bi thôi thì chưa đủ, chúng ta phải thay đổi từng suy nghĩ và hành vi của mình để nuôi dưỡng lòng từ bi nhưng đừng để bị dính mắc.
Ảnh minh họa Quan trọng là chúng ta phải có hiểu biết rõ ràng và sâu sắc về lòng từ bi trước khi muốn phát triển phẩm chất tuyệt vời này. Nói một cách đơn giản, từ bi có thể được định nghĩa là những suy nghĩ và cảm xúc tích cực làm phát sinh những điều thiết yếu và quan trọng trong cuộc sống như hy vọng, lòng can đảm và sức mạnh nội tại của mỗi người. Theo Phật giáo, từ ái và bi mẫn là hai khía cạnh của cùng một bản chất: Từ ái là mong muốn cho người khác được hạnh phúc và bi mẫn là hy vọng cho họ được thoát khỏi mọi điều khổ sở. Sự ích kỷ là kẻ thù của tình yêu thương mà chúng ta dành cho người khác, tuy nhiên, tất cả chúng ta đều bị căn bệnh này ảnh hưởng tùy theo nhiều cấp độ khác nhau. Để đạt được hạnh phúc thực sự, chúng ta cần phải có một tâm trí ổn định, bình an; và nó được kiến tạo bởi lòng từ bi. Thế nhưng làm thế nào để chúng ta có thể phát triển đức tính này? Rõ ràng, chỉ tin và tưởng tượng về tầm quan trọng cũng như lợi ích của nó thôi thì chưa đủ, mà chúng ta cần phải nỗ lực thực hành, phối hợp cả hai đức tính từ ái và bi mẫn vào trong mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày để thay đổi dần dần suy nghĩ và hành vi của bản thân. Nhiều hình thức của lòng từ bi lại bị nhầm lẫn với tham muốn và chấp trước. Ví dụ, tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái thường gắn liền với nhu cầu về tình cảm của họ, vì vậy, loại cảm xúc này không hoàn toàn là lòng từ bi. Thông thường, khi quan tâm đến một người bạn thân nào đó, chúng ta thường lầm tưởng đây là lòng từ bi, nhưng thật ra chỉ là sự gắn kết. Ngay cả trong cuộc sống hôn nhân, tình yêu giữa vợ và chồng (đặc biệt là ngay từ đầu, khi đối phương chưa hiểu rõ tính cách của người kia) cũng thiên về sự chấp chặt và thích thú hơn là tình yêu đích thực. Sở dĩ những cuộc hôn nhân chỉ tồn tại được một thời gian ngắn là vì chúng thiếu đi sự ấm áp của lòng từ bi. Chúng bắt đầu bằng sự bám víu vào cảm giác của việc phóng chiếu và kỳ vọng. Cuối cùng, ngay khi hàng loạt kỳ vọng không được đáp ứng đầy đủ, thì sự chấp chặt và bám víu vào đối phương cũng theo đó mà biến mất. Ham muốn của chúng ta có thể mạnh mẽ đến mức có thể xem đối phương là hoàn hảo về mọi mặt, trong khi thực tế thì cô ấy hay anh ấy vẫn còn rất nhiều lỗi lầm và khiếm khuyết. Hơn thế nữa, sự chấp trước khiến chúng ta phóng đại những phẩm chất vốn không mấy quan trọng của đối phương; điều này cho thấy rằng tình yêu của chúng ta được thúc đẩy bởi nhu cầu cá nhân hơn là sự quan tâm chân thành đến người khác. Thực ra, chúng ta hoàn toàn có thể nuôi dưỡng và phát triển lòng từ bi mà không vướng vào tham chấp. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ sự khác biệt giữa lòng từ bi và sự tham chấp. Từ bi không chỉ là một loại phản ứng của cảm xúc mà còn là sự cam kết vững vàng của lý trí. Bởi vì sự vững chắc đó, chúng ta hoàn toàn có thể dùng thái độ từ bi để đối đãi với người khác cho dù họ có cư xử tiêu cực đi nữa. Lòng từ bi không phát khởi dựa trên những phán đoán và kỳ vọng của chúng ta, mà căn cứ vào nhu cầu của người khác: bất kể người đó là bạn thân hay kẻ thù, miễn là họ khao khát hạnh phúc, bình an và thoát khỏi đau khổ thì chúng ta sẽ chân thành quan tâm và giúp đỡ họ. Đây là biểu hiện của lòng từ bi thực sự. Là một người Phật tử, hãy đặt mục tiêu cho chính mình là phát triển lòng từ bi chân chính, mong muốn người khác cũng như mọi chúng sinh trên vũ trụ đều được hạnh phúc và thoát khỏi khổ đau. Phổ Tịnh dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |