Chi tiết tin tức Tây Tạng sẽ có thêm 7 vị Ni tốt nghiệp tiến sĩ Phật học 21:22:00 - 20/08/2019
(PGNĐ) - Thông tin trên đăng trên tờ The Buddhist Door. Bài báo cho hay, trong tuần qua, hơn 50 vị Ni Tây Tạng đã tham gia các kỳ thi theo chương trình tiến sĩ Phật học, được gọi là geshema tại Ni viện Jangchup Choeling, miền nam Ấn Độ.
Geshema là bằng cấp cao nhất trong truyền thống giáo dục Phật giáo Gelugpa và chỉ gần đây mới được phổ biến cho Ni giới tại Tây Tạng. Tương tự như bằng geshe đối với chư Tăng trong các tu viện, bằng cấp này tương đương bằng tiến sĩ trong hệ thống đào tạo Phật giáo Tây Tạng. Mất 4 năm để hoàn thành các kỳ thi đòi hỏi nhiều tâm sức, mỗi năm có một kỳ thi. Theo Dự án Ni giới Tây Tạng, từ đầu tháng 8 đến nay có 24 vị Ni tham gia các kỳ thi năm nhất, 9 vị tham gia kỳ thi của chương trình năm 2, 11 vị thi theo chương trình của năm 3, 7 ứng viên thi tốt nghiệp theo chương trình năm 4 và năm cuối tại Ni viện Jangchup Choeling, thị trấn Mundgod, bang Karnataka (Ấn Độ). Tất cả các thí sinh đều có kết quả thi tốt và sẽ có thêm 7 vị tiến sĩ Ni tốt nghiệp trong mùa thu này - những người sẽ mở đường cho Ni giới Tây Tạng theo học chương trình đào tạo Phật giáo chuyên sâu và nghiêm khắc này. Bằng geshema sẽ chứng nhận năng lực cho việc đảm đương các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các tu viện và cộng đồng cư sĩ Phật tử. Ni giới Tây Tạng chỉ mới được tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ Phật học thời gian gần đây và vừa có hai vị tốt nghiệp được mời làm giáo thọ cho Ni viện và Viện Phật học Dolma Ling. Lễ tốt nghiệp của khóa học này sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay, tại Trung tâm Jang Gonchoe. Bằng geshe xuất phát từ các vị thầy thuộc truyền thống Kadampa như Geshe Chekawa Yeshe Dorje (1102 - 1176), là hình thức đào tạo Phật học cao nhất của truyền thống Phật giáo Gelugpa Tây Tạng. Vị Ni được trao bằng geshema đầu tiên là Kelsang Wangmo (người Đức), xuất gia ở Ấn Độ và có 21 năm rèn luyện, học tập trước khi được trao bằng vào năm 2011.
Các ứng viên bằng geshema sẽ phải trải qua khóa học kéo dài 17 năm với 5 năm học thuần kinh điển. Họ phải đạt được số điểm tối thiểu là 75% (số điểm tổng 100%) trong tất cả các học phần để được thi tốt nghiệp. Đức Dalai Lama đã đưa chương trình này đến với Ni giới Tây Tạng và vào năm 2016, 20 vị Ni Tây Tạng được tổ chức lễ tốt nghiệp tại tu viện Drepung, Mundgod. Chư Ni phải trải qua các kỳ thi viết và đối thoại trực tiếp dưới hình thức tranh luận theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Phần thi tranh luận kéo dài trong 8 giờ đồng hồ: 4 giờ trong buổi sáng (từ 8 giờ - 12 giờ) và 4 giờ trong buổi chiều (từ 14 giờ - 16 giờ). Thí sinh được chọn 1 trong số 3 đề tài thuộc một chủ đề nhất định để thi tranh luận và có 15 phút chuẩn bị cho mỗi phiên tranh luận. Trần Trọng Hiếu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |