Bên trong Viện Đại học Phật giáo Nam Thiên của Úc Đại Lợi Photos: buddhistchannel & The Australian
BANGLADESH: Phật tử kỷ niệm lễ Probarona Purnima
Phật tử Bangladesh cử hành lễ Probarona Purnima để đánh dấu 3 tháng an cư của chư tăng trong các tu viện của họ để tự chứng, tịnh tâm và sám hối.
Một truyền thuyết kể rằng sau khi rời gia đình để đi tìm Chân lý, Thái tử Cồ Đàm đã cắt vài lọn tóc và tung lên không, nói rằng, nếu ngài sẽ đạt được giác ngộ thì tóc ngài sẽ hướng lên trời, và quả nhiên là vậy. Phật tử tin rằng tóc ấy vẫn còn được lưu giữ trong một ngôi chùa ở trên trời.
Theo một truyền thuyết khác, khi Đức Phật trên đường đến Cõi Tam Thập Tam Thiên để giảng pháp cho thân mẫu của mình, Ngài đã được dẫn đường bởi những quả bóng màu bay bên trên đầu Ngài. Để kỷ niệm sự kiện này, Phật tử thả những quả bóng làm bằng giấy (thiên đăng) chiếu sáng bầu trời đêm. Họ cũng nấu những món ăn đặc biệt và chia sẻ chúng với gia đình và bạn bè.
(The Daily Star – October 17, 2014)
Phật tử Bangladesh thả thiên đăng trong lễ Probarona Purnima
Photos: The Daily Star
ẤN ĐỘ: Hệ thống Giám sát Tiên tiến được lắp đặt tại chùa Đại Giác ngộ
Để tăng cường an ninh, một Hệ thống Giám sát Tiên tiến (ASS) đang được lắp đặt tại chùa Đại Giác ngộ của Bồ đề Đạo tràng. Đây là ngôi chùa linh thiêng nhất của Phật giáo, vốn bị đánh bom hàng loạt vào năm ngoái.
“Công việc đang được tiến hành để lắp đặt một ASS tinh vi đẳng cấp thế giới tại chùa này vì mục đích an ninh suốt ngày đêm”, sư trưởng Bhante Chalina của chùa Đại Bồ đề nói vào ngày 17-10-2014.
Sư trưởng cho biết ngay sau vụ nổ đã có quyết định lắp đặt ASS, nhưng công việc này đã bị hoãn lại. “Bây giờ, ASS sẽ được lắp đặt trong vòng vài ngày tới”, ông nói.
Theo một quan chức của Ủy ban Quản lý Bồ đề Đạo tràng, việc lắp đặt ASS do chính quyền bang Bihar tài trợ sẽ tốn 7.5 triệu Rupee.
Các quan chức cho biết 2 máy ảnh độ nét cao cùng với độ phóng đại 30 lần sẽ được lắp đặt trong khuôn viên chùa cho mục đích giám sát.
(IANS – October 17, 2014)
MIẾN ĐIỆN: Thánh địa Phật giáo Bagan với qui trình đề cử vào danh sách Di sản Thế giới
Miến Điện đưa ra một qui trình đề cử thánh địa Phật giáo Bagan là Di sản Thế giới. Nước này đang phát động một chiến dịch liên quan đến thành phố cổ Bagan để tái kết nối với thế giới cũng như thu hút nhiều hơn khoản ngoại tệ khó kiếm được.
Theo UNESCO, qui trình đề cử Bagan vào Danh sách Di sản Thế giới bắt đầu với một cuộc họp tham vấn quốc tế tại Bagan từ ngày 10 đến 12-10-2014.
Hầu hết du khách đều đã nghe nói về Bagan, hay Pagan, di tích ngoạn mục của hơn 3,000 ngôi chùa và đài tưởng niệm Phật giáo có từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13, trải rộng trên một đồng bằng 80 km vuông ở miền trung Miến Điện. Năm 1996, Miến Điện đã đề cử Bagan với Ủy ban Di sản Thế giới, nhưng trong quá trình nộp hồ sơ - vốn thường mất nhiều năm – đã gặp vấn đề với chính quyền quân sự cầm quyền Miến Điện.
(buddhistartnews – October 19, 2014)
Khu di tích Phật giáo cổ đại tại Bagan, Miến Điện
Photo: bugbog.com
PAKISTAN: Con đập mới đe dọa các tác phẩm khắc đá 2.000 năm tuổi của Phật giáo
Theo các nhà khảo cổ học địa phương, khi khu vực Chilas ở bắc Pakistan bị rung chuyển do việc xây dựng một con đập và việc sửa sang một đường cao tốc, các tác phẩm khắc đá có từ hàng thế kỷ của Phật giáo có thể bị mất vĩnh viễn.
Các tác phẩm khắc đá này là những vật tạo tác quý giá có từ thời Phật giáo lan rộng trong vùng – giữa thế kỷ thứ 1B.C. và thế kỷ thứ 10 A.D.
Phần lớn các tranh khắc đá tại đây có thể sẽ chìm dưới nước của con đập Diamer-Bhasha, vốn đang được xây để làm giảm tình trạng thiếu điện ở địa phương.
Có khoảng 30,000 mẫu các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa này trong các khu vực bị đe dọa bởi các vùng nước của con đập và việc xây dựng địa phương. Những tranh khắc đá tại đây miêu tả những biểu tượng Phật giáo như Đức Phật hoặc một ngôi chùa., gồm các bức vẽ nhỏ cỡ bàn tay cho đến những bức họa dài 10 mét.
Nhiều ảnh chụp cho thấy những tảng đá có tranh khắc bị hư hỏng nặng hoặc bề mặt bị nứt với nhiều mảnh rơi xuống.
(tipitaka.net – October 21, 2014)
Một tranh khắc đá Phật giáo tại Chilas bị hư hỏng
Photo: asahi.com
Diệu Âm lược dịch,