Chi tiết tin tức

Vị thế người thầy

18:32:00 - 21/11/2013
(PGNĐ) -  Làm một trong những nghề đang đối diện nhiều sóng gió của dư luận, nhà giáo ngày nay vừa phải giữ gìn những nét đẹp truyền thống vừa phải đổi mới để thích ứng với nhiệm vụ “trồng người”.

Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, Thanh Niên có cuộc trò chuyện cởi mở, thẳng thắn với PGS-TS Nguyễn Kim Hồng (ảnh), Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, về những vấn đề xung quanh vai trò, vị thế của người thầy.

Nhiều học sinh giỏi đã không chọn trường sư phạm nữa

Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng hiện nay chất lượng giáo viên chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội?

Đây là một ý kiến đúng bởi nhu cầu, đòi hỏi thông thường cao hơn khả năng cung ứng. Các trường sư phạm đều mong mỏi và có trách nhiệm đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được nhu cầu của giáo dục nói riêng, xã hội nói chung. C­húng tôi biết rằng, kết quả đào tạo phụ thuộc các yếu tố: đầu vào, quá trình đào tạo.

Về đầu vào, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện không gặp khó khăn trong việc tuyển sinh, đặc biệt là các khoa Toán, Tiếng Anh, Hóa, Văn. Nhưng “thời kỳ vàng” của những năm giữa và cuối 90 của thế kỷ trước đã đi qua, nhiều học sinh giỏi đã không chọn trường sư phạm nữa.

Như thế, thực tiễn cho thấy phần đông thí sinh chọn ngành sư phạm thường không phải là những người giỏi, xuất sắc (so với ngành y, kinh tế…). Ông có những đề xuất, ý tưởng gì để thay đổi thực trạng này?

Như tôi đã nói, thời kỳ vàng của tuyển sinh vào các trường sư phạm đã qua đi. Hiện nay chúng tôi không thể tuyển được toàn người giỏi. Có nhiều lý do, nhưng cơ bản vẫn là cuộc sống thường ngày của các thầy cô giáo không còn là hình mẫu cần theo đuổi trong thời buổi kinh tế thị trường, khi mà đâu đó vẫn xem thu nhập là thước đo con người.

thaygiao1

Tôn trọng thầy cô giáo, khôi phục vị thế người thầy quan trọng không kém 
so với việc tăng chất lượng giáo dục - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu chỉ căn cứ vào thu nhập thì bài giải đơn giản cho đầu vào của các trường sư phạm là lương giáo viên phải được trả cao – điều này lại không nằm trong tay ngành giáo dục. Thực ra, rất ít các quốc gia mà thu nhập của giáo viên thuộc nhóm dẫn đầu nên chúng tôi cũng không trông chờ những học sinh giỏi vào các trường sư phạm chỉ vì lý do dạy học là nghề có thu nhập cao.

Tăng lương, có nhiều chính sách ưu đãi đối với nghề giáo sẽ thu hút thêm người giỏi vào các trường sư phạm nhưng không phải là phương thuốc thần để chữa bệnh học thêm, dạy thêm và làm tăng chất lượng giáo dục.

Điều chúng tôi trông chờ là xã hội hãy tôn trọng thầy cô giáo, khôi phục vị thế người thầy. Điều này quan trọng không kém so với việc làm tăng chất lượng giáo dục, khắc phục những khiếm khuyết, lệch chuẩn trong giáo dục hiện nay.

Cần đổi mới tuyển sinh ngành sư phạm

Theo ông, điểm yếu nhất của giáo viên hiện nay là gì?

Đó là nghiệp vụ, cả kỹ thuật dạy học lẫn kỹ năng giáo dục. Về mặt kiến thức khoa học, việc học như hiện nay có thể đảm bảo kiến thức để giảng dạy ở phổ thông. Nhưng do thời gian thực tập sư phạm, những môn học về giáo dục, tâm lý cũng như thời gian thực hành giáo dục không nhiều nên sinh viên mới ra trường thường gặp những khó khăn nhất định trong việc soạn bài giảng, thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Nếu thời gian thực hành nghề nhiều hơn và có những thay đổi trong đào tạo thì những điểm yếu này có thể khắc phục được.

Chương trình đào tạo, quy trình tuyển sinh trong các trường sư phạm sắp tới cần phải thay đổi, điều chỉnh như thế nào để phù hợp, thưa ông?

Đổi mới trong các trường sư phạm không có mục đích tự thân, ít nhất là trong thời điểm hiện nay, khi đã có Nghị quyết của BCH T.Ư số 29-NQ/TW ngày 14.11.2013 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có gánh nặng đổi mới giáo dục phổ thông. Nhà trường sư phạm bắt buộc phải đổi mới để đáp ứng những đòi hỏi của giáo dục phổ thông. Chương trình, tài liệu, phương tiện và phương pháp giảng dạy, quy trình tổ chức dạy – học trong các trường sư phạm chắc chắn có nhiều thay đổi hướng tới đào tạo người thầy có thể giảng dạy theo hướng phát triển năng lực của học sinh, thay vì tập trung vào trang bị kiến thức như hiện nay.

Những kiến thức tâm lý, giáo dục trong trường sư phạm chắc chắn cũng phải được giảng dạy theo hướng để các giáo viên tương lai làm được việc đổi mới giáo dục phổ thông.

Nghị quyết về đổi mới căn bản giáo dục – đào tạo có đề cập đến năng lực sư phạm là một trong những điểm cần chuẩn hóa. Làm thế nào ngay từ đầu vào, các trường sư phạm có thể xác định thí sinh có năng lực sư phạm hay không?

Xác định năng lực khi tuyển chọn giáo viên tương lai theo tôi là cần thiết. Hiện nay chúng tôi cũng giống như nhiều trường đại học khác, mới chỉ căn cứ trên kết quả của kỳ thi tuyển sinh hằng năm để tuyển chọn sinh viên, thay vì cần chú ý cả đến quá trình học tập và rèn luyện của học sinh cùng những năng lực tâm lý, năng lực sư phạm khác. Trong tương lai, nếu được Bộ GD-ĐT cho phép, chúng tôi sẽ tuyển sinh theo hướng xem xét quá trình học tập, khảo sát các năng lực cần thiết đối với nghề dạy học của các ứng viên kết hợp với kiểm tra kiến thức nếu thấy cần thiết.

thaygiao2

Thiếu tâm thì không nên làm nghề dạy học

Nếu ngành y là để chữa bệnh cho người thì sư phạm là đào tạo con người (hay nói cách khác là trồng người), cho nên ngoài chuyên môn còn phải chú trọng đến đạo đức, cái tâm. Nhiều người cho rằng hiện nay, nhân lực cả hai ngành này đều thiếu cái tâm, ông suy nghĩ sao về điều này?

Tâm thì nghề nào, người nào cũng phải có nhưng rèn tâm cho sáng, cho minh, cho giàu lòng nhân ái thì nghề giáo và nghề thuốc cần hơn.

Tôi không tin hiện nay nhân lực hai ngành y và giáo dục đều thiếu cái tâm. Thiếu tâm sao nhiều thầy cô giáo đã gần đất xa trời vẫn dành hết tâm huyết cho giáo dục bằng những đăng đàn “nảy lửa”. Thiếu tâm sao bao thầy cô giáo dành dụm dù chỉ những đồng lương ít ỏi của mình giúp học trò nghèo vùng khó khăn có thể tới trường (trong khi cuộc sống của các thầy cô giáo ấy cũng rất khó khăn).

Còn với những người làm nghề dạy học mà thiếu tâm thì không nên làm nghề này. Tôi xin nói vui một chút, làm nghề buôn còn sợ lỗ, làm giáo dục thật thì không – lãi cho xã hội và lợi cả cho mình.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, công nghệ đổi thay từng ngày, một nhà giáo hiện tại và trong tương lai cần phải trang bị những gì? Phải thay đổi như thế nào để phù hợp với thực tiễn?

Thời đại ngày nay đòi hỏi người làm nghề dạy học phải biết học và sau đó phải biết tổ chức quá trình học cho học trò của mình. Thầy cô giáo cần có kỹ năng học tập suốt đời, thiếu kỹ năng này thì khó làm nghề dạy học trong thế giới hiện đại.

Đừng chọn nghề dạy học chỉ vì đã hết các cơ hội khác

Tôi chọn nghề dạy học đơn giản vì tôi kính trọng những thầy cô giáo mà tôi đã theo học, vì khi ấy thầy cô giáo là đích ngắm của nhiều bạn trẻ, là mơ ước không biết của bao nhiêu người khi còn trẻ. Tôi đã thực hiện được ước mơ của mình nên chẳng có lý do gì phải hối hận với nghề mình đã chọn, nhất là nghề cho tôi nhiều hơn những gì tôi cống hiến.

Lời khuyên với các bạn có định làm nghề dạy học là bạn hãy yêu con người, yêu mến học trò, yêu nghề dạy học thanh cao (và thanh đạm), tận tâm – đó là yêu cầu bắt buộc với nhà giáo. Và nên nhớ rằng đừng chọn nghề dạy học như là một lựa chọn sau cùng khi đã hết các cơ hội khác.

Thầy giáo “3 trong 1”

Được hâm mộ từ thời còn là học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai vì thành tích học tập “khủng”: điểm trung bình năm học 9,6, á khoa Trường ĐH Sài Gòn, thủ khoa ngành hóa Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2007… giờ đây trở về trường Minh Khai làm giáo viên, Lê Minh Xuân Nhị, 24 tuổi, vẫn tiếp tục trở thành thần tượng của giới học trò.

thaygiao3

Thầy Lê Minh Xuân Nhị cùng học trò Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai

Tiết học khó quên

Trước ngày 20.10 một hôm, tiết học hóa của thầy Nhị được thay bằng buổi… kể chuyện. Những câu chuyện nhẹ nhàng xúc động về tình mẹ con được thầy kể đã làm nhiều học sinh không cầm được nước mắt. Rồi thầy nói: “Nếu bạn nào đứng trước lớp và nói theo mẫu: “Tôi tên là…, tôi yêu mẹ của tôi, tôi hứa sẽ làm một đứa con ngoan”, thầy sẽ tặng bạn ấy một tấm thiệp để về tặng mẹ nhân ngày Phụ nữ Việt Nam”. Không ai ép buộc, nhưng từng bạn trong lớp lần lượt làm theo. Duy có một bạn sau khi đứng trước lớp nói những lời trên, nhận được tấm thiệp chúc mừng trên tay, bỗng dưng… bật khóc: “Mẹ của em mất rồi, thầy ơi!”. Cả lớp lặng đi… Sau đó, chính thầy Nhị đã cùng em học sinh này đến chùa nơi đặt hũ cốt của mẹ, cùng thắp nhang và cài lại tấm thiệp chúc mừng trên đó.

Ít ai biết, để có được những tấm thiệp này, ngay từ đầu tháng 9, thầy Nhị đã cặm cụi chuẩn bị. Tự tay thầy thiết kế mẫu, đọc sơ yếu lý lịch của từng học sinh để viết những dòng tâm sự, chia sẻ niềm vui với từng phụ huynh… Và cứ thế, thầy làm hơn 200 tấm thiệp.

Là thầy, là anh, là bạn…

“Thầy Nhị không chỉ là thầy, mà còn là anh, là bạn của tụi em”, nhiều học sinh trường Minh Khai đã nói như thế.

Hẹn gặp Nhị hơi khó vì một ngày của anh bắt đầu từ 6 giờ 45 sáng và kết thúc khoảng 21 giờ. Về nhà, ăn vội miếng cơm, thầy lại tất tả “trực”… Facebook. “Từ 22 giờ 30 đến 23 giờ 30 là giờ bọn nhỏ hỏi bài. Nói vậy, nhưng nhiều khi quá nửa đêm, thấy Facebook của tôi còn sáng đèn là bọn nhỏ vẫn gọi hỏi bài tôi như thường”, thầy Nhị nói.

“Tôi nhớ mãi lời nói của cô Đàm Lê Đức, người sáng lập Trường THCS – THPT Đức Trí: Đức và Trí như hai chân song hành nhưng Đức lúc nào phải luôn trước Trí một bước. Vì thế, theo tôi, đức dục phải là điều đầu tiên. Tôi sẵn sàng cho học sinh nghỉ một, hai tiết để tâm sự, kể cho học sinh nghe những câu chuyện về bài học làm người. Đối với trí dục, thay vì bắt các em học vẹt, tôi hướng dẫn cách phân tích vấn đề, những kỹ năng hỗ trợ như cách đọc nhanh, nhớ lâu…”, thầy Nhị tâm sự.

Nguyễn Tập

Thùy Ngân
Theo báo Thanh Niên

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin