Chi tiết tin tức

Hà Nội: TT. Chân Quang giảng chủ đề: ''Những điều ta sợ trong đời''

16:29:00 - 25/11/2016
(PGNĐ) -  Tối ngày 17/11/2016, (nhằm ngày 18/11 năm Bính Thân), TT Thích Chân Quang - Phó ban Kinh tế Tài chính T.Ư GHPGVN đã quang lâm thuyết giảng tại chùa Tương Mai (Trương Định, Hà Nội) cho hơn 4000 phật tử về chủ đề “NHỮNG ĐIỀU TA SỢ TRONG CUỘC ĐỜI”.

Bài Pháp thoại đã chỉ ra những điều chân chính mà con người đáng phải sợ thay vì sợ những điều lặt vặt. Nhờ đó, mọi người an tâm hơn. Và từ những cái sợ chân chính đó sẽ định hướng cho các phật tử có được con đường tu học đúng đắn.

Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đặt một câu hỏi: “Thường ta sợ điều gì?” Người khẳng định: Chỉ khi nào ta chứng được quả Thánh thứ 3 trong Tứ quả Thánh của Đức Phật là A Na Hàm thì chúng ta mới chấm dứt tất cả mọi sự sợ hãi từ thô đến tế. Còn không thì dù là người can đảm nhất thế giới vẫn còn những điều sợ bí mật ở trong lòng. 

Tiếp theo, Thượng tọa dẫn ra nhiều ví dụ để minh chứng rằng: Con người ta có nhiều cái sợ, như sợ già, sợ bệnh, sợ chết, sợ vợ hay chồng bỏ, sợ thất nghiệp, sợ nghèo, sợ đói, sợ hoàn cảnh khó khăn, sợ cô đơn, v.v…Nói chung là sợ rất nhiều thứ. Trong đó, mỗi lứa tuổi, mỗi địa vị lại có cái sợ khác nhau. Những cái sợ đó đã chi phối, đe dọa, điều khiển và trở thành điểm yếu của ta. Tuy chưa thể hết sợ ngay như các vị A Na Hàm nhưng nếu tu đúng, ta cũng từ từ bớt sợ dần.

Chúng ta biết, các vị A Na Hàm tuyệt đối không còn sợ điều gì vì các Ngài tự tại, tâm hồn bình an, đặc biệt là không có lỗi lầm. Các ngài chấp nhận trả những quả báo đời xưa, lại thêm không có lỗi mới nên sự bình an và đạo đức đó giúp các Ngài vững vàng, không có điều gì phải sợ hãi. 

Chúng ta lại khác. Ngay cả Tu Đà Hoàn còn chưa chứng được, cái nghiệp kiếp trước cộng với những cái lỗi liên tiếp mắc ở kiếp này khiến chúng ta còn nhiều sợ hãi. Sự sợ hãi làm cho ta bất an, lo lắng, bị điều khiển, bị thao túng. Nhiều khi, nó khiến ta tạo thêm tội, thậm chí là tội rất nặng.

Không chỉ mang họa cho bản thân, cái sợ đó còn làm liên lụy, kéo cả xã hội đi xuống. Ví dụ như bệnh thành tích trong giáo dục. Nó đang gây ra những hệ quả nặng nề cho xã hội. Nó từ đâu mà ra? Từ chính nỗi sợ của con người. Học sinh sợ mọi người biết mình học dốt, giáo viên sợ mọi người nói mình dạy dở, Ban lãnh đạo trường sợ mọi người đánh giá là trường kém. Để che giấu nỗi sợ đó, ai cũng ra sức che đậy, khiến bệnh thành tích ngày càng trở nên trầm trọng. Vậy nên, gần đây nhất đã có một học sinh lớp 6 ở Sóc Trăng bị trả về lớp 1 vì không biết đọc.

Bên cạnh những cái sợ lớn, chúng ta cũng sợ nhiều thứ linh tinh, đáng buồn nhất là sợ ma. Ma thực ra là những người đã chết. Họ bước vào một thế giới siêu hình và tồn tại trong đó. Vì không thấy, không biết rõ được họ nên ta sợ. Rồi vì không biết, vì sợ hãi, bắt đầu ta xử lý sai (thỉnh thầy bùa về trấn yểm trong nhà). Có thể trong nhà mình là vong linh hiền, họ ở đó lâu đời rồi, họ chỉ đói nên khua bát khua chén ý nhắc mình cho họ ăn, chứ không ý gì khác, nhưng mình lại đem thêm vong linh xã hội đen về để trấn vong linh hiền trong nhà. Từ đó có đám vong côn đồ trong nhà mình quậy tưng bừng. Tức là ta sợ cái này và ta đã làm thêm một điều tồi tệ khác gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đời của mình. Nếu không còn sợ điều gì nữa, cuôc sống của ta sẽ trở nên đàng hoàng, tốt đẹp hơn. Nhưng tại sao ta sợ? 

Theo Thượng tọa, ta “sợ” bởi vì ta có “cái muốn”. Ta muốn cái này, cái kia nhưng lại sợ không có được. Chính cái tâm lí mong muốn và tâm lí sợ hãi đã chi phối tâm hồn cũng như cuộc đời, khiến ta không được tự tại. Là người tu hành hoặc người biết sống có minh triết thì phải tìm xem mình muốn và mình sợ cái gì để lọc ra. Đến lúc được như một vị A Na Hàm, không còn muốn và không còn sợ gì nữa thì cuộc sống sẽ tự tại.

Người phàm phu mà không biết sợ gì hết thì bắt đầu lại có một cái sai. Bậc A Na Hàm không sợ gì nữa vì phước họ đã đầy. Đồng thời, họ không phạm lỗi gì nữa. Còn chúng ta, nhiều khi không phạm lỗi nhưng vẫn sợ. Tâm lí sợ này khiến ta bị yếu thế, mất bình tĩnh. Nói về những sai trái ở đời, ta không làm gì có lỗi nhưng vẫn bị nghi kị, nói xấu, nhưng ta cố gắng vượt qua tâm lý “sợ hãi” này. Ta tu làm sao để có được tâm lí không sợ khi không mắc lỗi cho dù có bị tai tiếng. 

Mà để làm được điều này rất khó. Đầu tiên, không mắc lỗi. Ta biết đã là phàm phu thì rất dễ mắc lỗi, chỉ khác nhau là lỗi nặng hay nhẹ mà thôi. Ta phải ráng tu tập để từ từ không còn mắc lỗi nữa. Tuyệt đối không mắc lỗi như các vị A Na Hàm thì ta không làm được, nhưng với tư cách là một công dân trong một đất nước, tư cách của một con người trong cuộc đời này, ta không mắc lỗi đã là rất tốt rồi.

Thứ hai, không sợ hãi. Khi ta gặp những điều oan trái, bất công trong cuộc đời, ta không mắc lỗi gì cả, nên không phải sợ hãi. Điều này khó thực hiện hơn điều đầu tiên, nó đòi hỏi một bước tiến cao hơn trong sự tu tập để có tâm hồn bình thản, vững vàng. Vậy là ta đã đạt được một phần nào của sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống này.

Tuy nhiên, cái gì cũng không sợ thì ta sẽ trở thành người vô tâm, vô cảm. Thế nên, ta phải biết sợ những điều chính đáng trong cuộc đời. Đó mới là một người tốt, có đạo đức. Nhân đây, Thượng tọa đã chỉ ra 10 điều chân chính, đáng sợ trong cuộc đời.

Đầu tiên, ta sợ một ngày không làm được việc phúc nào. Điều này rất nhỏ nên ít ai để ý. Ví dụ, ngày nào ta cũng ăn, cũng mặc nên coi đó là việc bình thường, tất yếu. Ta không biết rằng mọi việc đều phải trả giá. Hôm nay, ta còn được ăn, được mặc vì ta còn phước ở kiếp trước. Ta cứ sống bằng cái phước đó mà không chịu tạo thêm nhiều phước khác thì sớm muộn cái phước từ kiếp trước cũng cạn kiệt. Khi đó, ta sẽ không còn gì để ăn, chết đi sẽ là ma đói.

Điều này rất đáng sợ nhưng hầu như mọi người không ai sợ, trừ những người đệ tử Phật có trí tuệ. Những phật tử dù đã quy y Tam Bảo, hiểu 5 giới cấm, nhưng chưa có trí tuệ, chưa hiểu nhân quả, chưa nhìn thấy mọi điều tinh tế thì chưa biết sợ mình thiếu phước mà chỉ sợ những điều không đâu.

Mỗi lứa tuổi, mỗi con người lại có những kiểu làm phúc khác nhau, tùy thuộc vào thể trạng và khả năng của bản thân. Làm phúc không chỉ bằng hành động mà có thể là một lời nói hay, có ý nghĩa tích cực. Hay đơn giản chỉ là ngồi lễ Phật và khởi lên ý niệm, cầu cho tất cả mọi người biết yêu thương nhau. 

Thứ hai, sợ nhìn thấy mọi người mà tâm mình dửng dưng. Cái này tất cả chúng ta đều bị. Sở dĩ, ta dửng dưng vì tình yêu thương trong tâm ta bị mù, đạo đức trong lòng ta đang chết dần. Vậy nên, mỗi khi nhìn ai đó, dù không quen nhưng tâm ta phải tác ý rằng “con nguyện yêu thương tất cả mọi người”.

Lời nguyện đó đã âm thầm nuôi dưỡng đạo đức của ta. Tưởng chừng, không ai nghe thấy, nhưng thực sự Chư thiên đã nghe. Tư tưởng đó đã lan tỏa vào cả không gian, tạo thành một trường từ bi, mang lại từng chút hạnh phúc cho cả khu vực. Đây cũng là lí do tại sao cõi trời là cõi hạnh phúc. 

Giờ ta chưa có địa vị, chưa nổi tiếng, chưa có ưu thế nên thấy điều này là bình thường. Nhưng khi ta đạt được thành công, vinh quang, lúc đó ta ảnh hưởng được tới nhiều người, và mọi người lúc nào cũng tìm đến với ta, thì “khi nhìn thấy mọi người ta đừng có dửng dưng, trong lòng phải tác ý một cái gì đó, mà điều tối thiểu là phải khởi được tâm yêu thương”. Đừng bao giờ nghĩ mình là cao quý, mình hơn người rồi dửng dưng mà có tội lớn, phải tác ý yêu thương, biết ơn và cầu mong cho điều tốt đẹp nhất đến với mọi người. Vậy nên, ta phải biết sợ tâm dửng dưng đó ngay từ bây giờ.

Thứ ba, sợ có lỗi mà không thấy lỗi, thấy lỗi mà không hối hận, hối hận mà không sửa. Chúng ta mắc rất nhiều lỗi nhưng thay vì nhận lỗi, chúng ta lại che giấu hoặc biện minh. Đáng sợ hơn là có lỗi nhưng lại không thấy lỗi của mình. Nó khiến ta không thể tiến tu để trở thành người tốt được. Quả báo đến với ta sau này cũng không hề tốt đẹp, ta sẽ mang một hình hài xấu xí, hay mình thuộc một đẳng cấp xấu, một giống loài xấu… đúng với cái nhân ta đã gieo.

Thực sự, ta rất khó thấy lỗi của mình. Có lỗi mà không thấy đa phần ai cũng mắc phải. Đây là một điều cực kì đáng sợ. Cho nên, ta phải tu để tâm ta trở nên tinh tế, sâu lắng và yên tĩnh hơn để thấy được lỗi của mình. Thấy lỗi rồi hối hận để sửa đổi chính là mục tiêu tu tập của chúng ta. 

Điều ta sợ nhất là có lỗi mà không thấy. Thường, con người có lỗi mà không thấy; bậc cao hơn, có lỗi liền thấy để sửa; và bậc cao hơn nữa là chưa có lỗi mà đã sợ có lỗi rồi. Ta tu làm sao để đạt được mức thứ ba này, lỗi chưa đến mà đã đề phòng cảnh giác. Đây cũng là bậc chuẩn bị làm Thánh. Cho nên, người có trí biết tu là sợ lúc lỗi chưa xuất hiện.

Thứ tư, sợ nghe lời khen mà không giữ được tâm khiêm hạ, phát sinh tâm kiêu mạn. Khi ta tu đúng theo đạo Phật, biết làm những điều tốt đẹp thì những lời khen chắc chắn sẽ đến. Chúng ta càng sợ lời khen chừng nào thì nó càng đến nhiều chừng đó. Biết sợ lời khen là ta biết giữ sự khiêm hạ trong tâm, không để tâm kiêu mạn có cơ hội trỗi dậy.

Giữ được sự khiêm hạ trong tâm giúp ta có cơ hội làm thêm nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời. Càng nhiều điều tốt đẹp được làm thì càng nhiều lời khen sẽ đến. Lúc đó, việc kiềm chế lòng mình, không cho tâm kiêu mạn nổi lên càng vất vả. Vậy nên, sợ nhất là nghe lời khen mà khởi tâm kiêu mạn, tự hào bí mật phát sinh.

Không chỉ chúng sinh, ngay cả Bồ tát cũng sợ điều này. Thậm chí, các vị ấy còn sợ hơn, vì chúng sinh nghĩ ra đủ cách, đủ hình thức để khen, để ca ngợi Bồ tát. Dù không muốn, nhưng không một vị Bồ tát hay một vĩ nhân nào có thể tránh được sự khen ngợi.

Nghe những lời khen mà để tâm kiêu mạn nổi lên sẽ khiến trí tuệ và cái phúc của ta bị giảm sút; cơ hội để ta tu hay làm điều tốt cũng không còn; Và quả Thánh mà ta phấn đấu cũng mất luôn. Thế nên khi giảng kinh Bát Nhã cho hàng Bồ tát, Đức Phật có nói những điều tốt đẹp mà Bồ tát đem đến cho cuộc đời, cũng như cho các tầng trời là không gì tính được. Khi làm được những điều tốt đẹp, những lời khen sẽ tự động đến bằng những cách cực kì đẹp đẽ. Dù muốn hay không, ta cũng không thể từ chối chúng được, vì không ở đâu cấm con người được khen người khác.

Thêm nữa, người biết khen người khác là người có đạo đức. Sợ nhất là khi đứng trước một người tốt mà tâm hồn ta chai sạn, không biết khen họ lấy một câu. Nên ta thấy thật vui mừng khi mọi người biết khen nhau. Tuy nhiên, người được khen phải lấy lời khen đó mà phấn đấu, cố gắng thêm, chứ đừng tự mãn, rồi khởi tâm kiêu mạn, để rồi lại ngủ quên trong những lời khen đó.

Thứ năm, ta sợ có một ý nghĩ sai thoáng qua trong đầu, nhưng ta giữ lại thành một quan điểm sống lâu dài. Từ đây về sau ta cứ sống theo quan điểm đó, mặc kệ ai nói qua nói lại, đúng sai tốt xấu, ta không quan tâm, không giải thích, không phân trần để mình thoát ngoài vòng thị phi của đời mà được yên tu. 

Thượng tọa khẳng định đây là một quan điểm sai mà rất nhiều người đang bị. Chuyện xấu, khổ không nghe thấy thì thôi nhưng khi đã nghe thì nhân quả kéo ta vào đó. Ta phải có trách nhiệm giải thích, phân trần để mọi người hiểu đâu là đúng, đâu là sai. Còn cứ bỏ mặc đi như chưa nghe thấy gì thì quả báo về sau sẽ là tai điếc, mắt mù.

Thứ sáu, ta sợ làm phúc mà không đủ mang qua kiếp sau. Là người tu theo đạo Phật, chúng ta biết cái phúc có vai trò cực kì quan trọng, quyết định, tác động đến mọi chuyện trong cuộc đời mỗi con người. Khi chưa biết điều này, ta chỉ sống hưởng thụ, lo cho mình. Khi hiểu ra rồi, cơ hội làm phúc của ta cũng không còn nhiều nữa. Liệu lúc chết đi rồi, phúc của ta còn đủ mang qua kiếp sau không?

Một vị Bồ tát còn lo xa hơn thế. Vì biết đạo nên lúc nào cũng cố gắng làm phúc để mang theo được qua 100 kiếp. Trong hàng ngàn kiếp tu hành, nhiều kiếp Bồ tát phải ẩn tu, nhiếp tâm thiền định cả một thời gian rất dài, có khi mất cả 20 kiếp. Giai đoạn này, Bồ tát không làm việc gì để tạo phúc được nên phải nhờ cái phước quá khứ nuôi mình. Tránh tình trạng vừa tu thiền, vừa làm phước khiến việc thiền định bị sáo trộn, không nhiếp tâm được.

Thượng tọa cho rằng: Chúng ta rất may mắn khi biết được điều này sớm. Thế nên, còn sống một giây phút nào trên đời thì cố gắng mà yêu thương, tử tế với nhau, tận tụy mà cống hiến, làm thật nhiều điều phúc. Không chỉ kiếp này, mà các kiếp về sau cũng thế để phúc chồng lên phúc cho đến vô biên, vô tận thì mới đắc đạo được. Hiểu và làm được như thế, ta mới không sống một cách bạc nhược; không lười biếng, giải đãi; biết tinh tấn, tinh cần tu tập và làm nhiều điều phúc thiện cho đời.

Thứ bảy, ta sợ không xử lý đúng mọi việc nên để thừa lại một chút nghiệp về sau. Việc này không ai tránh được dù là người cực kì tinh tế và khéo léo. Chỉ có những bậc Thánh mới đủ trí tuệ để xử lí đúng hết tất cả mọi việc. 

Chúng ta chưa phải Thánh. Vậy nên, khi gặp những tình huống tế nhị, phức tạp, ta không đủ sức để xử lí đúng hoàn toàn, vẫn còn một chút sai, để lại một chút nghiệp cho đời sau. Đây là lí do khiến ta cứ mãi tái sinh luân hồi để trả nghiệp.

Thứ tám, ta sợ sau khi trở lại cõi người rồi thì không gặp được Chánh Pháp nữa. Nếu không có Chánh Pháp, ta rất dễ trở thành tà kiến. Để tránh việc đầu thai vào nơi không có Chánh Pháp, ta phải gieo được cái nhân là cố gắng truyền bá rộng rãi Phật Pháp trong cuộc đời này. Phải làm sao để khi ta chết đi rồi, mọi người vẫn tiếp tục sự nghiệp tu tập và truyền bá đạo Pháp. 

Thứ chín, ta sợ sự hiểu biết của mình về Phật Pháp chưa sâu sắc, cặn kẽ mà đã vội vàng đem đi chia sẻ với người khác, làm những cái sai nhỏ có cơ hội lây lan rộng rãi, khiến mọi người cũng hiểu sai, không được thấu đáo. Thành ra, thay vì làm được một điều phúc, ta lại phải gánh một cái tội rất nặng.

Thứ mười, ta sợ cái tâm ích kỉ sâu kín vẫn đang bí mật điều khiển tâm hồn và cuộc sống mình. Dù ta nguyện sống vị tha nhưng cái tâm ích kỉ vẫn còn. Chỉ cần thiếu tỉnh giác một chút, nó sẽ vùng dậy và điều khiển mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của ta, khiến cuộc đời ta không còn tươi đẹp, thanh thoát, cao thượng được nữa. Nghĩa là, ta đã gây thêm tội.

Và trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng tọa đã cảm tác một bài thơ, đúc kết rất nhiều kinh nghiệm, phương pháp để các phật tử có thể bớt đi những cái sợ hãi lặt vặt, chuyên tâm hơn cho việc tu tập. Đó là :

"Việc gì mà phải sợ ma

Một ngày không Phước mới là đáng kinh

Việc gì mà phải linh tinh

Nếu lòng khởi được ngàn tình yêu thương

Việc gì mà phải chán chường

Nếu luôn biết lỗi mở đường tiến tu

Việc gì phải trách mình ngu

Nếu luôn giữ hạnh khiêm nhu tuyệt vời

Việc gì mà phải kêu trời

Nếu mang Chánh Pháp tặng đời bay lên".

Bằng ngôn ngữ giản dị, hài hước, vừa đủ, lại thêm nhiều ví dụ thực tế, ý nghĩa bài Pháp thoại đã để lại một dấu ấn sâu đậm, khiến những người nghe Pháp phải suy ngẫm về một triết lý nhân sinh của cuộc đời, đó là « Sợ » . Tuy không thể loại bỏ hoàn toàn nhưng mọi người đã bỏ bớt những cái sợ lặt vặt, giúp tâm chúng ta an hơn. Từ đây, mọi người nắm bắt được chỉ có những cái sợ chân chính mới thực sự là điều ta phải sợ trong cuộc đời này. Ngoài ra, không có gì đáng sợ hết.

Và những cái sợ chân chính đó sẽ không cản trở, điều khiển, uy hiếp ta mà nó là thước đo, là kim chỉ nam cho con đường tu học của mình. Nhờ biết sợ những điều này, tâm ta mới vững vàng trên suốt con đường đi tìm sự giác ngộ.

Qua bài Pháp thoại này, Thượng tọa cũng gửi đến tất cả phật tử một thông điệp rằng : Con người đang bị những cái sợ lặt vặt chi phối, điều khiển. Chúng không làm cho cuộc đời ta trở thành tốt đẹp mà chỉ khiến ta yếu thế đi.

Vậy nên, ta hãy can đảm, mạnh mẽ, loại bỏ tất cả những cái sợ đó, chúng ta mới thực sự sống yên vui, thanh thản và chuyên tâm tu hành theo lời Phật dạy mà thoát ly khỏi biển khổ luân hồi.

 

 

 

 

 

 

 

Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin