Chi tiết tin tức

Hành trang của một giảng sư thời đại công nghệ số

15:31:00 - 07/02/2023
(PGNĐ) -  Cổ đức dạy: “Phật pháp xương minh do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”. Ý nói, muốn chánh pháp được lan rộng, chúng sanh thừa hưởng vị đề hồ của Phật pháp chắc chắn phải nhờ đến sứ giả Như Lai là Tăng Ni hoằng truyền. Kế tục sự nghiệp của Phật để hoằng dương chánh pháp được xem như nghĩa vụ chính, sứ mệnh thiêng liêng cao cả của Tăng Ni, cụ thể là các giảng sư. 

DẪN NHẬP

Theo thống kê của Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương năm 2019, số lượng tín đồ Phật giáo ở Việt Nam (những người khai tôn giáo là Phật giáo) hiện là 4,6 triệu tín đồ, chiếm 35% những người có tôn giáo và tương ứng với 4,8% dân số cả nước [1] . Vì thế, Giáo hội và Tăng Ni cần phát triển hơn nữa sách lược thích hợp nhằm tạo ra các thế hệ tín đồ cho tương lai, đồng thời tạo nên diện mạo huy hoàng cho Phật giáo thời hiện đại. Với vai trò người đệ tử Phật, điểm tựa tinh thần, bậc thầy đáng kính của Phật tử, để hoạt động giáo hóa, hoằng pháp đạt hiệu quả cao có rất nhiều vấn đề cần đặt ra cho Tăng Ni. Xong, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn bàn đến đến hành trang cần có của một giảng sư thời đại công nghệ số.

CON NGƯỜI LÀ TÀI NGUYÊN QUÝ BÁU

Con người chính là nguồn lực quyết định trong quá trình phát triển xã hội. Tương tự, với bất kỳ tổ chức nào, con người là yếu tố trung tâm quyết định sự thịnh suy của tổ chức. Phật giáo muốn phát triển bền vững thì ngoài hàng ngũ Tăng Ni tài đức phải có những tín đồ đầy nghị lực, luôn gắn kết, tin tưởng vào sứ mệnh của Giáo hội và hiểu rõ phải làm thế nào để thực hiện sứ mệnh đó. Ở phương diện nào đó, có thể nhận định tín đồ chính là tài nguyên của Giáo hội. Vì thế, muốn trở thành một nhà hoằng pháp khéo léo, tinh tế trong ứng xử, thành công trong nhiếp chúng, Tăng Ni cần phải trang bị cho một số kiến thức về nội điển, ngoại điển và kỹ năng hoằng pháp khác.

KIẾN THỨC NỘI ĐIỂN

Kiến thức nội điển hay còn gọi giáo lý Đạo Phật về tổng thể gồm: Kinh (những chỉ dạy của Đức Phật), Luật (những giới luật áp dụng cho tín đồ), Luận (những luận bàn, giảng giải về Kinh và Luật). Về chi tiết có thể kể ra như: Tứ diệu đế, vô thường, vô ngã, duyên sinh, 37 phẩm trợ đạo, nhân quả nghiệp báo, luân hồi,… Về nội dung, đề cập đến khổ và phương pháp diệt khổ. Về hương vị, tuy bàng bạc nhưng thấm nhuần một vị duy nhất, đó là giải thoát. Giảng sư càng vững vàng, tinh thông nội điển bao nhiêu thì càng giúp cho tín đồ, quần chúng nhân dân trang bị được nhiều kiến thức, kinh nghiệm hành pháp bấy nhiêu.

Giảng sư Phật giáo, hiểu đơn giản là người thầy giảng dạy Phật pháp. Một giảng sư thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, đưa Phật pháp lan tỏa vào đời sống quần chúng thì không thể chỉ dừng lại ở sự hiểu biết thô sơ, thiếu căn bản Phật học. Càng không thể mang những tư duy, tà kiến sai lệch với Phật pháp để truyền dạy cho thính chúng. Làm chủ kiến thức nội điển, đảm bảo nội dung truyền đạt chính xác, đúng chánh pháp, vận dụng giáo lý theo yêu cầu cơ bản, hiện đại, thực tiễn… là điều kiện cần có của giảng sư. Hiện nay, Giáo hội đã mở ra cơ hội trao dồi kiến thức nội điển cho Tăng Ni sinh rất nhiều. Các lớp Sơ cấp Phật học, Trung cấp Phật học, Cao đẳng, Giảng sư, Cử nhân Học viện… Ngoài những hình thức chính thống đó ra, các cấp Giáo hội ở tỉnh thành cũng thường xuyên tổ chức các khóa an cư, nghiệp vụ trụ trì, nghiệp vụ hoằng pháp. Đây là cơ hội để Tăng Ni có thể tiếp thu và rèn luyện nội điển một cách trọn vẹn và chân chánh nhất.

Một giảng sư được trang bị hoàn chỉnh kiến thức nội điển sẽ vừa giúp bản thân có sự hiểu biết đúng đắn về Phật học, vừa tôi luyện phạm hạnh ngày thêm thanh cao. Song, để có được điều này thì vị giảng sư ấy hãy chú ý cân đối giữa học hỏi và hành trì vì một khi bằng cấp học vị được đề cao thái quá, việc hành pháp rơi vào hàng thứ yếu thì nguy cơ cho đạo pháp xuất hiện. Hãy đừng để Phật giáo Việt nam tương lai chỉ toàn học giả lại vắng bóng những hành giả, những nhân tố cần thiết nhất cho mạng mạch Phật pháp trường tồn.

KIẾN THỨC NGOẠI ĐIỂN

Thế giới đang tiến nhanh vào kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên nở rộ của trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hóa và internet vạn vật. HT. Thích Thanh Đạt, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nêu ý kiến rằng, “Thế sự đang bàn nhiều đến việc sống trong “thế giới phẳng” trong đó không còn biên giới về kinh tế, văn hóa, xã hội, biên giới quốc gia chỉ có ý nghĩa tượng trưng. Người Tăng sĩ không thể đứng ngoài dòng chảy đó mà phải trang bị đầy đủ kiến thức thế học, với năng lực tu tập và trí tuệ của người trưởng tử Như Lai, sống vững vàng, biết tận dụng những thuận duyên và khắc phục những nghịch duyên cho quá trình tu tập, phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc, phát triển Giáo hội. Muốn vậy, giáo dục ngoại điển cũng cần phải được coi trọng”.

Kiến thức ngoại điển là cụm từ chỉ cho các tri thức về các ngành khoa học xã hội, khoa học nhân văn, khoa học tự nhiên như: triết học, lịch sử, tâm lý, ngoại ngữ, công nghệ,… Đây là sản phẩm của quá trình lao động sản xuất và hoạt động xã hội, là nguyên nhân khiến con người phải tìm hiểu sâu hơn, nghiên cứu đầy đủ hơn về thế giới, tìm hiểu khả năng nhận thức của chính mình. Những tri thức khoa học này có vai trò hết sức quan trọng, góp phần tạo nên mọi thành tựu và tiến bộ trong lịch sử phát triển của văn minh nhân loại. Do đó, nếu không có tri thức khoa học sẽ không có một xã hội phát triển, phồn thịnh như hiện nay.

Ngày nay, cơ hội học tập ngoại điển dành cho Tăng Ni là rất lớn. Điều đó có được nhờ vào sự phổ cập của giáo dục; sự cởi mở trong tư tưởng của chư vị tôn túc Giáo hội, bổn sư, y chỉ sư; sự đa dạng hóa các hệ thống đào tạo từ phổ thông đến tư thục, từ bổ túc đến chính quy; và sự hộ trì của Phật tử, sự quan tâm của huynh đệ đồng tu. Vấn đề quan trọng là Tăng Ni có được định hướng và chịu khó học tập hay không. Người giảng sư bên cạnh việc tiếp nhận kiến thức nội điển làm kim chỉ nam trên bước đường tu thân, hành đạo thì việc tiếp nhận kiến thức ngoại điển để nâng cao tri thức, hoàn thiện nhân cách, tích cực hóa các thành tựu khoa học cũng không kém phần quan trọng. Nó được xem như hai con mắt trên một gương mặt vậy.

Sự phát triển năng lực hoằng pháp của giảng sư gắn liền với việc nắm vững các kỹ năng. Các giảng sư rất cần trang bị kiến thức về tập luyện và phát triển tốt phương pháp, kỹ năng giảng dạy, hoằng pháp về lý luận và thực hành. (Hình ảnh TT. Thích Phước Nghiêm tại buổi khai mạc khóa thực tập thuyết giảng lớp đào tạo Giảng sư khu vực phía Bắc – PSO).

Phật giáo hiện đại vừa mang sắc thái Phật giáo dân gian, vừa mang tinh thần nhập thế cao độ. Với sắc thái, tinh thần đó, bằng Tứ nhiếp pháp, Phật giáo đã đi vào đời để hóa độ đời khiến đạo đời chan hòa. Vị giảng sư mạnh về ngoại điển có thể tạo nên các phương pháp, phương tiện hoằng pháp hiệu quả mà cũng có cung cách ứng xử thích hợp đối với nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Suzuki Teitaro Daisetz, một học giả lừng danh người Nhật đưa ra nhận xét: “Trong ngày nay, chùa chiền Phật giáo là những trường học, bệnh viện, phòng khám bệnh, trại mồ côi, nơi nương tựa của những người già; và những vị tu sĩ là những vị giáo viên, y tá, bác sĩ, kỹ sư, người quản lý nhà trọ miễn phí, những người trồng trọt, những nhà thám hiểm ở vùng hoang dã,… Khi cộng đồng đang trong giai đoạn tiến triển ban sơ, những người đệ tử Phật là những nhà lãnh đạo trong mỗi chiều hướng, và chính quyền tự nhiên khuyến khích về hoạt động của họ” [2].

Người muốn qua sông phải cần đến thuyền, vị giảng sư muốn đi vào đời để độ đời như lời phát biểu của Suzuki phải cần đến ngoại điển là điều không thể thiếu. Vì thế, trong thời đại kỷ nguyên số, một nhà truyền bá Phật giáo cần học tập và không ngừng học tập kiến thức ngoại điển để noi gương tham gia xã hội khéo léo của Đức Phật và chư vị tiền bối lỗi lạc Phật giáo… Tóm lại, năng lực hoằng pháp của một giảng sư thời đại 4.0 đòi hỏi vị ấy không ngừng nâng cao trình độ Phật học mà còn phải liên tục cập nhật kỹ năng, kiến thức về ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kinh tế – chính trị – xã hội… Từ đó, có thể thích nghi với sự phát triển không ngừng của công nghệ số, đáp ứng yêu cầu cho việc hoằng pháp, khả năng thiết kế, xây dựng chương trình hoằng pháp, biên tập giáo trình giảng dạy có tính cập nhật thời đại, khả năng tổ chức lớp học, lớp giáo lý, đạo tràng tu học đa dạng, ứng dụng công cụ công nghệ cho bài giảng sinh động và tương tác đa chiều.

KỸ NĂNG HOẰNG PHÁP

Sự phát triển năng lực hoằng pháp của giảng sư gắn liền với việc nắm vững các kỹ năng. Các giảng sư rất cần trang bị kiến thức về tập luyện và phát triển tốt phương pháp, kỹ năng giảng dạy, hoằng pháp về lý luận và thực hành. Một số kỹ năng hoằng pháp quan trọng cần có như sau: Ứng dụng công nghệ số, thiết kế chương trình/bài giảng, thuyết giảng, nghiên cứu khoa học, giao tiếp.

Kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin

Công nghệ thông tin và truyền thông là những công cụ tiềm năng mạnh mẽ có khả năng tạo ra những thay đổi, cải cách lớn lao trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống. Chính công nghệ thông tin như: máy tính, mạng internet và công nghệ truyền thông (đài và vô tuyến, điện thoại)… đã tạo ra một nền kinh tế toàn cầu mới “lấy sức mạnh từ công nghệ, năng lượng từ thông tin và chèo lái bằng kiến thức” [3]. Một giảng sư trong thời đại kỷ nguyên số không thể không nhắc đến kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hoằng pháp của mình. Nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ, giảng sư chủ động trong việc lựa chọn phương pháp, phương tiện giảng dạy, hoằng pháp. Đồng thời, không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào sách và các tài liệu in trong các thư viện với số lượng hạn chế nữa. Với Internet, tài nguyên tài liệu, giáo trình về hầu hết các phương diện đời sống có thể tiếp cận được bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào trong ngày với số lượng người không hạn chế. 

Thật không quá lời khi cho rằng, việc tích cực hóa công nghệ thông tin có thể biến công tác hoằng pháp trở nên vượt không gian và thời gian. Các giáo trình, bài giảng, khóa học, khóa tu trực tuyến có thể truy cập 24/7. Việc thuyết giảng online cũng không cần thiết phải có tất cả thính chúng và giảng sư tại cùng một địa điểm không gian cố định. Một số loại công cụ công nghệ nhất định như: công nghệ phòng họp, hội nghị, tọa đàm từ xa, cho phép việc nghe giảng, tụng kinh, tham dự khóa tu đồng thời giữa các thính chúng ở những địa điểm khác nhau (tu học đồng bộ). Và khóa Nghiệp vụ kỹ năng hoằng pháp 4.0 diễn ra trong thời đại dịch COVID-19 không thể ra khỏi nhà là một minh chứng cụ thể.

Tuy nhiên như Sandbothe (2000) từng phát biểu: “Trong thời đại internet và mạng xã hội, tiến trình truyền bá thông tin và kiến thức thay đổi đáng kể, các phương tiện đọc nội dung số trở thành một lựa chọn phổ biến. Tuy nhiên, một thách thức lớn xuất hiện, đó là tình trạng quá tải thông tin, đòi hỏi từng cá nhân phải có khả năng tìm kiếm, chọn lọc, kiểm tra, đánh giá tính xác thực và độ phù hợp của thông tin” [4]. Do đó, một vị giảng sư về cơ bản cần: Sử dụng thành thạo phần mềm soạn thảo văn bản, phần mềm trình chiếu, biết cách sử dụng ít nhất một phần mềm cắt ghép ảnh, chỉnh sửa video, biết khai thác và sử dụng Internet để tìm kiếm tài tiệu, tư liệu phục vụ cho quá trình soạn bài giảng cũng như lập kế hoạch, phổ biến, triển khai các chương trình hoằng pháp, tu học cho tín đồ. Về chuyên sâu, mỗi giảng sư từng bộ môn phải biết cách sử dụng từ một đến hai phần mềm hay ứng dụng hỗ trợ giảng dạy trực tuyến.

Các cơ sở đào tạo giảng sư Phật giáo có thể nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho giảng sư tương lai bằng cách tổ chức hoạt động thao giảng hay các cuộc thi giảng dạy có sử dụng công nghệ thông tin. Qua các hoạt động đó đưa ra hình thức đánh giá ghi nhận, khích lệ những thành quả mà học viên đã đạt được để động viên họ tích cực nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Kỹ năng thiết kế, xây dựng chương trình/bài giảng

Giảng sư là một nhân tố có tác động trực tiếp tới việc phát triển chương trình/bài giảng, họ đóng vai trò kép: là người xây dựng, thiết kế và đồng thời là người triển khai, thực hiện chương trình/bài giảng. Vì vậy, giảng sư có quyền quyết định đối với chương trình/bài giảng mà chính họ là người trực tiếp xây dựng, trực tiếp thực hiện. Xây dựng chương trình/bài giảng là bước đầu tiên của hoạt động hoằng pháp hay thuyết giảng. Nó đóng vai trò như kịch bản của một bộ phim, chi phối toàn bộ diễn biến trong bộ phim. Nên giảng sư cần chú trọng chương trình/bài giảng phải đảm bảo tính giá trị Phật giáo như: khế cơ, khế lý, khế thời, khế xứ, hài hòa giữa lý luận và thực tiễn.

Kỹ năng thuyết giảng

Đại đức Thích Chánh Thuần nêu: “Thuyết giảng là phương pháp vị giảng sư Phật giáo dùng lời nói giải thích, thông báo, mô tả, tái hiện, trình bày, diễn giải, tường thuật, kể truyện, phân tích, tổng hợp, chứng minh…một nội dung nào đó một cách có hệ thống, lôgic để người nghe tiếp thu, tiếp nhận” [6]. Từ định nghĩa về thuyết giảng có thể hiểu kỹ năng thuyết giảng là khả năng vận dụng các phương pháp, phương tiện một cách khéo léo để người nghe có thể lĩnh hội nội dung truyền dễ dàng và hiệu quả nhất. Do đó, vấn đề tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cùng các kỹ năng như: thuyết trình, trực quan, sử dụng các phần mềm phục vụ cho giảng dạy online, các lớp giáo lý là thật sự cần thiết đối với một vị giảng sư. 

Trong kỹ năng thuyết giảng cần lưu ý các tiêu chí sau: 1) Thiết kế và trình bày bài giảng phù hợp với trình độ kiến thức của người nghe bằng cách soạn thảo kịch bản sinh động cho buổi thuyết giảng, thu hút sự hứng thú của thính chúng từ đầu đến cuối buổi; 2) Rèn luyện khả năng truyền đạt, truyền cảm hứng, kết nối và ứng biến linh hoạt; 3) Làm sáng tỏ các luận điểm của bài giảng, khuyến khích người nghe đưa ra các ý kiến hoặc hiểu biết của riêng mình, khuyến khích người nghe liên hệ những gì đã được nghe, học với kinh nghiệm bản thân và những vấn đề cụ thể trong đời sống; 4) Cung cấp cho người nghe những kiến thức mới, cập nhật, phù hợp với thực tiễn làm bộc lộ giá trị giáo lý Đạo Phật; 5) Không mang tư tưởng phê phán chính trị, đả phá hệ phái, vùng miền vào bài giảng.

Kỹ năng nghiên cứu khoa học

Một trong những yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp chất lượng và hiệu quả của ngành hoằng pháp là trình độ của đội ngũ giảng sư. Trình độ của giảng sư được thể hiện qua năng lực hoằng pháp và nghiên cứu khoa học. Muốn phát triển chất lượng giảng sư phục vụ cho công tác hoằng pháp của Giáo hội thì không thể không phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học cho họ. Không thể có một giảng sư tốt mà lại không thể tham gia viết báo, tạp chí, hội thảo khoa học. Một giảng sư giỏi không chỉ biết truyền thụ kiến thức Phật học mà đồng thời còn có khả năng phát hiện ra các nan đề, nỗi khổ niềm đau của quần chúng, đề xuất những giải pháp hiệu quả cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội cũng như các tình huống cụ thể của xã hội. Do đó, để đánh giá đầy đủ năng lực của giảng sư cần có thêm tiêu chí yêu cầu về hoạt động nghiên cứu khoa học.

Phật giáo muốn phát triển bền vững thì ngoài hàng ngũ Tăng Ni tài đức phải có những tín đồ đầy nghị lực, luôn gắn kết, tin tưởng vào sứ mệnh của giáo hội và hiểu rõ phải làm thế nào để thực hiện sứ mệnh đó.

Theo Ding và đồng sự (2006), hoạt động nghiên cứu khoa học được thể hiện dưới dạng các hình thức như sau: (i) thực hiện nghiên cứu khoa học, (ii) xuất bản công trình nghiên cứu, (iii) bằng sáng chế khoa học, và (iv) giải thưởng nghiên cứu khoa học [6]. Những hình thức này có thể điều chỉnh phù hợp với giảng sư Phật giáo. Theo đó, hai tiêu chí được đưa ra: 1) Số lượng và chất lượng các ấn phẩm đã được công bố. 2) Tinh thần tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, các hội nghị, hội thảo. Đây là hai tiêu chí cơ bản nhất để đánh giá kỹ năng nghiên cứu khoa học của một giảng sư Phật giáo.

Hiện nay, để đẩy mạnh công tác hoằng pháp lợi sinh của Phật giáo nước nhà, nhiều ấn phẩm, tạp chí, tập san của các ban, viện, học viện đã ra đời như: Tạp chí Nghiên cứu Phật học, tạp chí Văn hóa Phật giáo, Hoa Đàm, Nguyệt san Giác Ngộ,… Đó là chưa kể đến các tạp chí từ cách ngành khoa học xã hội hay các trường đại học bên ngoài. Ngoài ra, mỗi năm, các hội thảo trong nước, quốc tế liên tục diễn ra khắp mọi miền đất nước. Bản thân ngành Hoằng pháp cũng có hội thảo chuyên ngành riêng. Có thể nói, chưa bao giờ việc đóng góp bài nghiên cứu cho các tạp chí hay hội thảo lại mở ra nhiều cơ hội như hiện nay. 

Kỹ năng giao tiếp

Trong bất kỳ hoạt động chung nào giữa Tăng Ni – Phật tử, giao tiếp vẫn là một đặc thù quan trọng, là sự tác động lẫn nhau nhằm trao đổi những thông tin, bàn bạc kế hoạch, lập nhiệm vụ, thực hiện hành động. Do đó, giao tiếp, một kỹ năng cần thiết nên được rèn luyện, sẽ tạo nền tảng đưa đến sự thành công của giảng sư dù ở bất kỳ thời đại nào. Kỹ năng giao tiếp là khả năng sử dụng các phương pháp, kỹ thuật vào quá trình giao tiếp để truyền tải thông điệp đến người khác một cách tốt nhất. Đồng thời tiếp nhận thông điệp một cách chủ động hiệu quả, thúc đẩy quá trình giao tiếp hai chiều.

Ngày nay, trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giao tiếp giữa Tăng Ni – Phật tử càng trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn xưa rất nhiều nhờ có Zalo, Facebook, email và các kênh mạng xã hội khác,… Nhưng có thật chúng ta đang giao tiếp tốt hơn? Mỗi người sẽ có câu trả lời cho riêng mình. Từ nghiên cứu của mình, Thái Trí Dũng (2003) chỉ ra, trong cuộc sống người ta thường dùng 42% thời gian cho việc nghe, còn lại 58% thời gian dành cho việc nói, đọc và viết. Như vậy, gần một nửa thời gian giao tiếp dành cho việc nghe. Nhưng người ta lại dành thời gian rất ít cho việc rèn luyện kỹ năng nghe. Những người không biết cách lắng nghe chỉ có thể hiểu được 50% nội dung cuộc nói chuyện. Sau 48 tiếng, tỷ lệ này sẽ giảm xuống thậm chí chỉ còn 25% [7]. Nghĩa là họ không thể nhớ lại những gì đã nghe trong cuộc đàm thoại một cách chính xác và đầy đủ. Khả năng nghe và nắm bắt những ý nghĩa sâu sắc trong lời nói của người khác lại càng hiếm. Đó là mới đề cập đến tầm quan trọng của kỹ năng lắng nghe, trong hệ thống kỹ năng giao tiếp của giảng sư không thể thiếu một số kỹ năng cơ bản khác cần được học tập và rèn luyện như: Đàm thoại, thuyết trình; sử dụng ngôn ngữ hình thể; giao tiếp thông qua các phương tiện truyền thông hiện đại,…

Tóm lại, kỹ năng giao tiếp chính là cầu nối, giúp giảng sư gắn kết các mối quan hệ trong công việc, trong cuộc sống. Người có khả năng giao tiếp tốt sẽ dễ dàng tìm được những cơ hội tốt. Họ cũng có khả năng hóa độ quần chúng đông đảo và vững mạnh hơn người không giỏi giao tiếp.

KẾT LUẬN

Cổ đức dạy: “Phật pháp xương minh do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do đàn việt phát tâm”. Ý nói, muốn chánh pháp được lan rộng, chúng sanh thừa hưởng vị đề hồ của Phật pháp chắc chắn phải nhờ đến sứ giả Như Lai là Tăng Ni hoằng truyền. Kế tục sự nghiệp của Phật để hoằng dương chánh pháp được xem như nghĩa vụ chính, sứ mệnh thiêng liêng cao cả của Tăng Ni, cụ thể là các giảng sư. Song, để hoằng pháp thành công, giảng sư cần trang bị tư lương về tri thức Phật học, tri thức khoa học, lòng nhiệt tâm, đức độ, kỹ năng hoằng pháp… Tất cả sẽ tạo nên nghệ thuật, chìa khóa của sự thành công. 

 

ĐĐ.TS Thích Không Tú/TCVHPG405

Chú thích:

* Đại đức Tiến sĩ Thích Không Tú.

[1] Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống kê, tr.54

[2] Suzuki D.T. (2000), Essay in Zen Buddhism, quyển III, New Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd, tr. 369.

[3] US Department of Labor (1999), Công việc tương lai- Xu hướng và thách thức trong công việc trong thế kỷ 21 Quoted in EnGauge, “21st Century Skills,” North Central Regional Educational Laboratory.

[4] Sandbothe, M. (2000). Media philosophy and media education in the age of the Internet. Journal of Philosophy of Education, 34 (1), 53-69.

[5] Thích Chánh Thuần (2021), Lý luận thuyết giảng, Khóa tập huấn nghiệp vụ hoằng pháp thời đại 4.0.

[6] Ding W. W, Murray F, Stuart T. E. (2006), “Gender differences in patenting in the academic life sciences”, Science, 313(5787), 665-667.

[7] Thái Trí Dũng (2003), Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh, Nxb. Thống kê, TP. Hồ Chí Minh.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương (2019), Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Nxb. Thống Kê.

2. Ding W. W, Murray F, Stuart T. E. (2006), “Gender differences in patenting in the academic life sciences”, Science, 313 (5787).

3. Thái Trí Dũng (2003), Kỹ năng giao tiếp và thương lượng trong kinh doanh, Nxb. Thống kê, TP. Hồ Chí Minh. 

4. Thích Đức Nghiệp (1993), Hội thảo “Đạo đức Phật giáo”, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam.

5. Sandbothe, M. (2000). “Media philosophy and media education in the age of the Internet”. Journal of Philosophy of Education, 34 (1).

6. Suzuki D.T, (2000), Essay in Zen Buddhism, quyển III, New Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd.

7. Thích Chánh Thuần (2021), Lý luận thuyết giảng, Khóa tập huấn nghiệp vụ hoằng pháp thời đại 4.0.

8. US Department of Labor (1999), Công việc tương lai- Xu hướng và thách thức trong công việc trong thế kỷ 21 Quoted in EnGauge, “21st Century Skills,” North Central Regional Educational Laboratory.

9. Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam (2015), Kinh Tiểu bộ, tập 1, Kinh Phật thuyết như vậy, Nxb. Tôn giáo.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin