Chi tiết tin tức

Kinh nghiệm hoằng pháp

01:16:00 - 14/07/2014
(PGNĐ) -  (Bài giảng tại khóa Bồi dưỡng Giảng sư ngắn ngày cho 23 tỉnh thành miền Đông, miền Tây và TpHồ Chí Minh, tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức, ngày 10-5-1999)

Tôi tham gia ngành hoằng pháp rất sớm, từ thời kỳ hoạt động của Giáo hội Tăng già Nam Việt do Hòa thượng Thiện Hoa lãnh đạo, cho đến thời Giáo hội Phật giáo thống nhất dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Trí Thủ và tiếp tục với Ban Hoằng pháp của Giáo hội hiện tại.
Nhờ đó, tôi đã học được và tâm đắc những pháp thành tựu của các vị Hòa thượng tiền nhiệm. Theo tôi, mỗi vị đều có đặc tài hay năng khiếu. Nếu không, thì chỉ đạt ở mức độ bình thường, không thể là Giảng sư nổi tiếng hay lãnh đạo được. Tuy mỗi người có một cách diễn đạt riêng, nhưng điểm chung nhứt là phải nói sao cho người nghe được, làm thế nào đưa tâm tư ta vào lòng quần chúng. Còn nói mà người không nghe, không cảm tâm, chắc chắn thất bại.

Tôi còn nhớ cách nay hơn ba mươi năm, Hòa thượng Huyền Vy giảng Vu Lan, tôi thấy thính chúng cười khi ngài cười, thính chúng khóc khi ngài khóc. Đó là điểm thành công của Giảng sư khi dẫn được quần chúng đi theo mục tiêu đã định sẵn. Ý này được Trí Giả đại Sư gọi là Phiêu chương trong Ngũ trùng huyền nghĩa. Hoặc Hòa thượng Từ Thông cũng có sức thu hút người, có thể ca, vẽ, chọc cười.

kinhnghiemhoangphap - phapbao.org

Thiết nghĩ mỗi vị Giảng sư có sở đắc, sở trường riêng. Tuy nhiên, tôi khuyên các Thầy cô trên bước đường truyền giáo đừng nên bắt chước, kể cả đừng bắt chước theo tôi, vì bắt chước sẽ thất bại.Đương nhiên chúng ta không phủ nhận sự kế thừa, nhưng phải có sáng tạo. Giảng sư luôn luôn sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của quần chúng thì mới thành công.

Trên bước đường hoằng pháp, theo ngài Nhật Liên, không thể áp dụng giáo lý chung chung, vì pháp muốn có tác dụng cần thích hợp với đối tượng, thời gian và quốc độ. Trong kinh thường diễn tả là Phật tùy bệnh cho thuốc. Giảng sư nhận được bệnh, tức đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người thì mới đến. Ngay cả đức Phật cũng có lúc Ngài phải Niết bàn vì xuất hiện làm cho chúng sanh buông lung, kiêu tứ. Không xuất hiện thì họ sanh tâm khát ngưỡng và xuất hiện để đáp ứng yêu cầu, tức biết rõ lúc nào nên hay không nên xuất hiện.

Thông thường lần đầu ta đến với tư cách Giảng sư, họ đều quý trọng và thỉnh ta ở lại. Riêng tôi, chưa ở lâu chỗ nào, có lẽ nhờ vậy mà được người thương. Tôi thường cân nhắc làm được gì cho người. Nếu họ mời ta đến nhằm mục tiêu tập hợp quần chúng và huy động tiền bạc cho họ xây chùa. Yêu cầu này quá lớn, nhưng không làm nổi thì chắc chắn họ chẳng quý trọng ta nữa.

Tôi khuyên các anh em chọn nghề Giảng sư phải lo rèn luyện năng lực, hoàn tất trách nhiệm mà Giáo hội giao phó. Đừng làm nghề tay trái, không thành công. Làm chuyên một việc cho đến nơi đến chốn.

Quần chúng tập trung nghe giảng là để tìm hiểu đạo lý cao sâu của Phật giáo và muốn nhìn thấy pháp Phật thể hiện trong cuộc sống của Giảng sư. Nếu quý Thầy không thể hiện được điều này, họ sẽ rời bỏ ta. Họ tha thiết cầu giải thoát, nhưng ta không có tâm hồn giải thoát, tướng mạo giải thoát, ngôn ngữ giải thoát thì họ theo ta làm chi.

Theo tôi, luyện tập điệu bộ, giọng nói và thuộc lòng điển tích chỉ giúp ta thành công ở cấp thấp, vì những thứ này chỉ là vay mượn của người, không phải thực của ta, nên không lâu dài. Đạo Phật đòi hỏi phải thực tu, thực chứng. Ngoài việc học ở trường lớp, chính yếu đối với tôi là tự rèn luyện cho mình bản chất của tu sĩ Phật giáo bằng cách đọc tụng kinh điển để tìm nghĩa lý. Tôi giảng không hay, nhưng rất quý trọng kinh Đại thừa, lấy đó làm sinh mạng mình, có lẽ nhờ vậy mà người có cảm tình khi nghe tôi giảng.

Tôi khuyên các anh em nên chọn bộ kinh mà mình ưa thích và lấy kinh này gắn liền với cuộc cuộc sống của ta, từ đó mới thấy hiệu nghiệm của kinh. Tôi say mê bộ kinh Pháp Hoa và bắt đầu thọ trì đọc tụng, nghiên cứu nhiều. Lúc đó, tôi không nghĩ đến hoằng pháp. Một hôm, từ chùa Ấn Quang ra Xá Lợi, có một gia đình mà tôi không quen biết. Họ ăn mặc sang trọng và sụp lạy tôi ở cửa chùa, khiến tôi nhận ra ý kinh, trong khi tụng kinh bao nhiêu năm nhưng không biết. Tôi nhận chân được rằng lúc đó tâm tôi đang nghĩ về Phật, về kinh Đại thừa, hoàn toàn vắng lặng, trong sáng, nên hiện tướng giải thoát, khiến cho người nhìn thấy quý trọng. Vì vậy, tôi mạnh dạn viết trong kinh Bổn môn Pháp Hoa rằng: “… tâm họ là Thiền, thân làm giống Phật, giảng pháp chân thật, khai thị Nhứt thừa, được Phật xoa đầu và trao y bát…”

Theo tôi, các Thầy cô làm sao đem Phật ngự trị lòng ta để thủ tiêu ác nghiệp, hiện được tướng giải thoát, mới có ngôn ngữ của chánh pháp. Lúc đó, ta không nói y theo kinh sách, nhưng không trái ý Phật vì thể hiện được mục tiêu làm đẹp cho đời, cho tứ chúng. Đó là bài pháp thực sự có giá trị. Có lần Hòa thượng Thiện Siêu dạy tôi ý này. Ngài nhắc rằng người tu có sức thuyết phục cao, như các Thiền sư truyền giáo từ nước này sang nước khác, có thể không đủ ngôn ngữ diễn đạt, nhưng lời nói các ngài phát xuất từ tâm, không nói thành lời mà quần chúng hiểu và cảm thông được. Nhiều khi ta giải thích đủ kiểu, nhưng họ cũng hiểu sai. Bài pháp đi thẳng vào tâm quần chúng, họ thầm hiểu trong lòng, đồng cảm với Giảng sư, mới là cách truyền đạo của Phật giáo.

kinhnghiemhoangphap-phapbao.org

Thực tế cho thấy các vị Khất sĩ không tốt nghiệp trường lớp, không đủ tiêu chuẩn chúng ta đặt ra như điệu bộ, văn chương, ngôn ngữ, nhưng lại thành công trong việc thuyết phục được quần chúng. Các anh em lưu tâm, đừng biến mình thành danh tự Pháp sư, tức Giảng sư chỉ vay mượn, lặp lại của người khác.

Chúng ta có thể chia ra giáo hóa trên Nhơn môn hay Quả môn, trên Tích môn hay Bổn môn. Giáo hóa trên Tích môn thì lợi lạc ít, vì chúng ta nói về giáo lý cao siêu, về Phật, Tổ đầy uy đức, nhưng bản thân ta không thể hiện chút nào giống như vậy, là phản tác dụng. Giáo hóa trên Quả môn là mang thành quả tu được để dạy người, tức đức hạnh của ta giáo hóa mọi người, ta không giáo hóa. Tôi còn nhớ lúc mới làm Giảng sư, vì bị thiếu ăn lâu ngày nên mặt mét xanh, bệnh hoạn mà lại khuyên người ăn chay. Họ trả lời rằng thương Thầy, nhưng con không dám tu. Học dở thì họ nói tại ta ăn thiếu dinh dưỡng. Về sau, tôi khắc phục được bệnh nghiệp, mới bắt đầu giáo hóa trên Quả môn. Tôi xuất thân từ cậu bé chăn trâu, nhưng nhờ Phật pháp un đúc mà được như ngày nay. Khỏe mạnh, học giỏi hơn người, làm việc hơn người, chịu đựng hơn người, lúc đó nói lên được tu hành của đạo Phật để rèn luyện con người thành phi thường. Theo kinh nghiệm riêng tôi, ta nói ít, nhưng nỗ lực bên trong phải nhiều hơn.

Điều tâm đắc nữa trong việc hoằng pháp, tôi chia cuộc đời thành ba giai đoạn. Giai đoạn một từ lúc xuất gia học đạo cho đến trên dưới 40 tuổi. Trong giai đoạn này, việc chính yếu của tôi là học và ứng dụng giáo lý. Cần phải trang bị vốn liếng này, vì sức còn mạnh, ta làm được bao nhiêu việc, mà không làm là hỏng, đầu óc còn nhạy bén, sáng suốt, trí nhớ còn tốt, không học thật uổng phí. Theo tôi, ở tuổi này học và làm không biết chán và truyền bá diễn giảng nhằm ứng dụng pháp tu, không phải giảng là chính. Làm sao ứng dụng giáo pháp càng có kết quả càng tốt và tiếp xúc với cuộc đời để hiểu người, để sau này giáo hóa, mang an vui cho người.

Giai đoạn hai của cuộc đời từ 40 tuổi trở đi, bước vào tuổi lãnh đạo rất tốt. Từ 40 đến 60 tuổi cống hiến tài năng, đức hạnh cho đời, thể hiện bản lĩnh, ý chí, hiểu biết, trong sạch của mình. Nếu ở tuổi này đã lớn, làm việc với cương vị lãnh đạo mà không chứng tỏ được những đức tánh trên coi như thất bại.

Giai đoạn ba từ 60 tuổi trở về sau, đương nhiên không còn hoạt động mạnh nữa, chỉ còn đức hạnh để lại, tức việc làm của ta trong suốt hai mươi năm trước. Người không quý trọng xác thân già yếu, nhưng quý trọng công sức của ta đã dâng hiến trọn vẹn cho Giáo hội, cho đời. Giai đoạn ba, từ từ xa lần cuộc đời, chỉ còn lại cho đời một tấm gương sáng. Không phải ngày nay tôi mới hành đạo, nhưng người biết thì sứcđã mòn, hơi đã cạn. Đức Phật cũng dạy nghe được mùi hương là hương đã tàn. Phần còn lại cuối cuộc đời là công đức của chúng ta cũng xin dâng trọn.

Tôi kỳ vọng quý Thầy cô sẽ có nhiều sáng kiến, nhiều kinh nghiệm quý báu trên đường truyền giáo để dâng hiến tất cả tinh ba cho nhân loại, xây dựng được tịnh độ ngay trên nhân gian này, đáp đền công ơn muôn một của đức Từ phụ và tiền nhân.

 

 

 
Trích “Những bài giảng về hoằng pháp và trụ trì – HT. Thích Trí Quảng”

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin