Chi tiết tin tức

TT. Chân Quang thuyết giảng chủ đề: ''Quê hương của thiền định''

16:48:00 - 02/12/2015
(PGNĐ) -  Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Phó ban Kinh tế Tài chánh T.Ư GHPGVN đã thuyết giảng đề tài QUÊ HƯƠNG CỦA THIỀN ĐỊNH với sự tham dự rất đông đảo của các phật tử gần xa.

Ý nghĩa của bài Pháp thoại nhằm tìm những ưu điểm nổi trội, độc đáo của Việt Nam mà thế giới ít có, khiến cho thế giới tò mò tìm về.

Trên thế giới, khoa học kỹ thuật tiến bộ rất nhanh. Bên cạnh đó tâm linh cũng phát triển rất mạnh. Các tôn giáo thi nhau truyền bá phát triển niềm tin, tín ngưỡng của mình đối với cộng đồng loài người. Đã là tâm linh, tín ngưỡng thì chỉ là niềm tin. Niềm tin đó thuộc về tình cảm, không kiểm chứng được, và không cho ai kiểm chứng, nhưng lại chi phối lên đời sống, tình cảm con người, ảnh hưởng đến sự phát triển của văn minh nhân loại, nên đây là một điều đáng lo lắng.

Lo lắng vì tín ngưỡng, tâm linh lại là một môi trường để cạnh tranh khốc liệt. Ta không bao giờ muốn nhìn thấy nhân loại, thế giới này, tranh giành, xâu xé rồi đánh nhau đến độ phải cầm vũ khí sát thương. Người Việt Nam ta đi qua nhiều năm tháng chiến tranh, ai cũng quá khổ vì chiến tranh, nên hơn ai hết người Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình. Đó cũng là lý do tại sao nhân dân ta chọn đạo Phật, vì đạo Phật là một tôn giáo hiền lành, rất yêu chuộng hoà bình. Và trong đạo Phật có một pháp môn tu tập thuộc về tâm linh, nhưng đặc biệt pháp môn này tính khoa học, tính trí tuệ và tính giải phóng rất cao - đó là Thiền định. Đạo Phật có nhiều pháp môn tu tập nhưng thiền định là một pháp môn quan trọng, và đến lúc nào đó thiền định sẽ thoát khỏi đạo Phật để trở thành tài sản chung của nhân loại.

Thượng toạ khẳng định ngày nào đó nhân loại sẽ hiểu rằng Thiền của đạo Phật là kết tinh trí tuệ của nhân loại, thúc đẩy loài người tiến lên một bước tiến bộ mới, một sự tiến hoá mới, một sự văn minh mới, phát triển mới thì mọi người sẽ phải đón nhận thiền như một sự tu luyện, rèn luyện bắt buộc của từng cá nhân. Và lúc đó thực sự Thiền định sẽ thoát ra khỏi đạo Phật để trở thành tài sản của nhân loại, chắc chắn điều đó sẽ xảy ra, nên ta gọi: Thiền là tương lai của nhân loại.  

Nhưng ai sẽ là người thúc đẩy tiến trình đó đến nhanh hơn? Chỉ có những người có trí tuệ, những người hiểu ra được điều đó mới là những người tinh tấn tu tập, kêu gọi mọi người cùng tu tập và thúc đẩy tiến trình đó đến nhanh hơn; nghĩa là một ngày nào nhân loại sẽ đón nhận Thiền thành tài sản chung và Thiền định là một phương pháp rèn luyện thay vì là rèn luyện thể lực, cơ bắp, giờ đã trở thành một môn học bắt buộc của tất cả nhà trường thì một ngày nào đó Thiền sẽ trở thành một  môn học rèn luyện của tâm trí.

Đầu óc ta lúc nào cũng làm việc nhưng chưa từng được nghỉ ngơi, được tập luyện thì thiền chính là sự nghỉ ngơi, sự tập luyện đó. Và là một sự thúc đẩy để nâng cấp tâm hồn, nâng cấp tinh thần, nâng cấp trí tuệ ta tiến hoá lên thành một giống loài mới, nhưng đòi hỏi một sự đột biến gen. Và cái đột biến gen này nó không nằm trong phòng thí nghiệm như phim khoa học giả tưởng, cũng không nằm trong sự biến đổi môi trường bất chợt, mà sự đột biến gen của loài người này chính là do sự thanh tịnh tâm hồn của họ mà có. Khi phần đông loài người bắt đầu biết tu tập thiền định, thanh tịnh tâm hồn thì sự đột biến gen sẽ xuất hiện, làm cho con người tiến hoá thành một giống loài mới mà ta gọi là Thánh.

Do đó, Thượng toạ đề xuất rằng: Ta nên khai thác Thiền định, phát triển Thiền định, phổ biến Thiền định trở thành một ưu điểm nổi trội của đất nước ta, và cũng trở thành điểm son để thu hút du lịch ở nước ngoài.

Đạo Phật thì đa dạng, nhiều pháp môn tu tập. Pháp môn nào cũng có cái ưu thế, có cái đáng quý của mình. Ví dụ pháp môn Tịnh độ, Mật tông, Thiền tông, v.v…trong đó Thượng toạ nhấn mạnh thế nào là mục tiêu cuối cùng của đạo Phật và Thiền định – tĩnh tâm hướng về vô ngã, giải thoát, giác ngộ để chứng thành đạo quả mới là con đường chính của đạo Phật, nên ta có bài thơ:

Tạm chia đạo Phật ba phần

Mật, Thiền, Tịnh độ đều cần như nhau

Những người già yếu lo âu

Thì tu Tịnh độ để cầu vãng sinh

Những người thích chuyện hiển linh

Thì tu Mật chú để xin đắc thành

Còn ai muốn hết vô minh

Diệt trừ chấp ngã, phải tinh tấn Thiền.

Cho nên, Thượng toạ đề xuất chúng ta chọn “Thiền định” trở thành một ưu điểm nổi trội sâu sắc, chiếm ưu thế tuyệt đối của quốc gia để thu hút du khách trên thế giới tìm về.

Ta muốn Việt Nam trở thành chất xúc tác (một tác nhân thúc đẩy) để Thiền sớm trở thành tài sản chung của nhân loại. Mà Việt Nam sớm trở thành một động lực  khiến cho loài người được tiến hoá lên thành một giống loài mới, để có được điều này thì Việt Nam phải là quê hương của Thiền định.

Muốn Việt Nam trở thành quê hương của Thiền định thì nhà nào cũng phải tu Thiền. Cha mẹ phải biết dạy con tu Thiền, trường học phải dạy về Thiền, các cơ quan, các công ty cũng phải cho Cán bộ nhân viên tập Thiền, nhà tù phải cho phạm nhân tập Thiền, bệnh viện phải cho bệnh nhân tập Thiền và riêng các chùa phải cực kì giỏi về Thiền.

Nhà nào cũng phải tu Thiền thì điều này đòi hỏi bố mẹ phải tinh tấn tu tập Thiền định rồi mới dạy con mình được. Và Thiền trở thành văn hoá, nề nếp, lối sống của người Việt Nam, truyền đời luôn.

Có những gia đình có truyền thống võ thuật, họ thường truyền dạy lại cho con cháu mình và những người con đó sau này rất giỏi về võ, họ giữ gìn bí kíp của tổ tiên. Cho nên, những người võ giỏi thường bắt nguồn từ gia đình, và người Trung Hoa họ chịu cực điều đó lắm, nhất việc truyền về võ thuật lại cho con cháu họ như là một bổn phận bắt buộc. Còn người Việt Nam biết võ thì ngược lại, có những cha mẹ giỏi võ nhưng không có quyết tâm dạy lại con mình và thế hệ sau gia đình đó mất luôn truyền thống võ thuật, ngấm ngầm nằm khắp nơi trong dân gian. Đồng thời đất nước ta mất đi một di sản văn hoá phi vật thể, rất là tiếc.

Ngày xưa, từ thời vua Hùng đến Hai Bà Trưng, cho đến triều đại Đinh, Lê, Lý Trần, nền võ công ta rất là lẫm liệt, ta đánh không thua người phương Bắc. Ngày nay thể trạng ta ốm yếu, ta lao động năng suất kém thua xa người nước ngoài, chẳng hạn: một người Thái Lan làm bằng 3 người Việt Nam; một người Trung Hoa làm bằng 20 người Việt Nam, đây là điều đáng ngại. Họ khoẻ nên họ làm việc năng suất nhanh lắm. Chỉ vì thể lực mình kém mà kinh tế mình thua họ là vậy. 

Thể lực kém vì ta không có sự rèn luyện, dạy dỗ từ bố mẹ. Tại sao mình không có sự dạy dỗ? Vì bố mẹ nhiều đời của ta (những đời xưa) giỏi võ nhưng thất truyền từ từ, do cha mẹ không quyết tâm dạy lại cho con cái. Vì vậy trở thành sự thiệt thòi của toàn thể dân tộc, làm mất mát đi di sản của dân tộc.

Cũng vậy, cha mẹ phải biết tu tập Thiền định và quyết tâm bắt con mình cũng phải tu tập theo, vì đó là tương lai của nhân loại. Sau này người nào không biết Thiền định thì người đó là thành phần lạc hậu của thế giới, của nhân loại, của hành tinh này. Rất nhiều nước đã bí mật âm thầm nghiên cứu Thiền định và họ đang chờ đợi một cơ hội đưa Thiền vào tràn ngập các trường học. Nếu nước nào làm được nước đó sẽ lãnh đạo thế giới ở tương lai. Đã có vài nước đang bắt đầu thí điểm, ví dụ Hàn Quốc đang bắt đầu thí điểm vì người lãnh đạo Hàn Quốc họ đã nhìn ra điều này rồi, thậm chí Tây Ban Nha đã đưa Thiền vào một vài trường đại học, Ấn Độ đưa Thiền vào nhà tù, vào bệnh viện, nhưng chưa phổ cập lắm, cứ sợ đưa vào mạnh quá không được ủng hộ vì ngồi Thiền khó chứ không dễ.   

Riêng Việt Nam phải gan dạ, ta bứt phá đưa môn Thiền học này trở thành một môn học phổ thông cho mọi người Việt Nam, để người Việt Nam dẫn đạo thế giới, vì Thiền định không chỉ là tâm linh mà Thiền nâng cấp trí tuệ ta lên. Nâng cấp trí tuệ nói theo nghĩa đen tức là thông minh hơn hẳn. Thông minh hơn hẳn nghĩa là ta hiểu rất nhanh, nhớ rất kĩ và ta sáng tạo chớp nhoáng. Nếu một dân tộc nào mà đa phần người dân của họ thông minh hơn thì chắc chắn dân tộc đó sẽ chiếm ưu thế trên thế giới này.

Nhân đây, Thượng toạ giải thích thông minh là gì và Thiền cho ta sự thông minh đến mức độ đó, tức có những lĩnh vực ta chưa bao giờ để tâm tới, nhưng chỉ cần ai nói cho ta tên của một vấn đề thì trong một sát na (chưa một giây) ta hiểu tất cả bản chất của vấn đề đó như một người đã nghiên cứu 3 năm (trí tuệ đến mức độ như vậy). Thiền cho ta điều này thì dại gì ta không tập Thiền, ta không buộc con mình học Thiền, dại gì ta không đem Thiền phổ biến đến tất cả mọi lĩnh vực, mọi thành phần của đất nước mình.

Còn nhạy hơn nữa là hiểu luôn nội tâm người ta muốn gì, tức người ta vừa nói dứt câu mình trả lời liền không cần suy nghĩ nhiều, đó là mình hiểu hết vấn đề, đó là sức tiếp thu. Rồi tới sự sáng tạo, nhìn đâu cũng đều có thể có những phương án, có những giải pháp xử lý vấn đề thật độc đáo, thật xuất sắc. Nếu ta có được trí tuệ như thế, toàn dân ta có trí tuệ hiểu vấn đề cực nhanh, nhìn đâu cũng có sáng kiến hết, không bao giờ sợ chất vấn, cứ cho hỏi thoải mái, thậm chí có những vấn đề mình chưa bao giờ nghiên cứu, mà khi hỏi tới mình trả lời ngay, biết hết về mọi vấn đề đó trong tích tắc.

Rồi cha mẹ cũng dạy Thiền, nhà trường phải dạy Thiền. Mà nhà trường muốn dạy Thiền thì thầy cô giáo cũng phải giỏi về Thiền thì mới có thể dạy học sinh được. Cả giáo trình về Thiền phải được viết rất mạch lạc, rất khoa học, chứ không có viết theo áp đặt của niềm tin. Đồng thời, Thượng toạ lý giải vì sao nhân viên trong Công ty phải học Thiền; tại sao phải cho bệnh nhân trong các bệnh viện tu Thiền; rồi phạm nhân tại sao phải học Thiền. Hiện nay, các nhà tù trên thế giới chưa có một chính sách quyết liệt để thay đổi tâm hồn phạm nhân, nhằm đỡ nguy hiểm cho cộng đồng. Dịp này, Người khuyến khích Việt Nam phải đi đầu trong việc cải tạo tâm hồn phạm nhân trong thời gian bắt giam, tức phạm nhân vào tù phải được học: Luật Nhân Quả; đạo đức và thiền định. Muốn vậy, những người Quản giáo sẽ là những nhà thuyết trình xuất sắc, giải thích tường tận mọi đường đi của nhân quả, khiến cho phạm nhân chấp nhận, tin sâu hiểu chắc thì tâm hồn họ sẽ thay đổi. Và kết hợp với dạy thiền thì khi bước ra khỏi nhà tù, chắc chắn họ sẽ đỡ nguy hiểm cho xã hội. Còn không, tỉ lệ tái phạm ngày nay cao quá.

Như đã nói: Ta đón đầu sự phát triển của nhân loại và ta hiểu rằng tương lai của nhân loại phải cần Thiền định và Thiền định có sẵn trong đạo Phật, nhưng một ngày nào đó sẽ thoát ra khỏi đạo Phật để trở thành tài sản của nhân loại. Như vậy, khi ta đoán được điều đó thì ta phải khôn ngoan xây dựng Thiền định trở thành một ưu điểm nổi trội của quốc gia mình. Và để có thể làm được điều đó thì nhà nhà học thiền, người người tu thiền, mọi nơi mọi chốn đều tập Thiền định, cũng như ta cần có một giáo trình chuẩn xác, biên soạn theo quy chuẩn của quốc gia.

Nhưng thiền là gì? Thiền là một bộ tứ siêu đẳng gồm bốn điều: đạo đức – công đức – khí công – tĩnh toạ (toạ thiền bất động), và Thượng toạ đã giải thích từng điều một giúp cho các phật tử hiểu được yếu chỉ căn bản của một người tu Thiền để đạt đến sự giác ngộ. Nếu không, chúng ta chỉ đi theo ngọn mà quên gốc.

Nói về “Đạo đức”, hiện nay ngành giáo dục rất ưu tư về vấn đề này và đang xây dựng cải thiện môn học đạo đức. Nhân đây, Thượng toạ đã góp ý làm thế nào để xây dựng thành công đạo đức học đường hay đạo đức xã hội.

Tóm lại, đề tài QUÊ HƯƠNG CỦA THIỀN ĐỊNH đặt vấn đề là: Mỗi một quốc gia đều có ưu điểm nổi trội gì đó và ta cũng sẽ tạo cho quê hương mình một ưu điểm nổi trội, mà ưu điểm đó là đón đầu của sự phát triển văn minh tiến bộ của nhân loại. Mà điều tương lai nhân loại phải đi tới chính là Thiền định, là động cơ, là phương pháp, là đột biến khiến con người tiến hoá trở thành Thánh. Nhưng để có thể Việt Nam trở thành quê hương của Thiền định thì mọi người, mọi chốn, mọi nơi đều phải biết tu tập Thiền định. Và thiền định gồm bộ tứ siêu đẳng là: Đạo đức – công đức – khí công - tĩnh toạ.

Bài Pháp thoại của Thượng toạ đã tạo nên sự đồng cảm, khiến các phật tử cảm giác như mình đã nhìn thấy trước “Thiền” là tương lai của nhân loại. Và để thúc đẩy điều này đến sớm hơn thì bổn phận người phật tử biết mình phải làm gì, trong đó làm sao cho bộ phận giới trẻ có điều kiện tiếp cận với Thiền sớm hơn, vì vai trò của tuổi trẻ đối với việc góp phần xây dựng, phát triển đất nước và phật pháp./.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin