Chi tiết tin tức

Tránh những cực đoan trong thuyết giảng

20:31:00 - 28/05/2024
(PGNĐ) -  Không có kinh nghiệm thực hành sẽ không có tôn giáo. Do đó, nếu không có quá trình học và tu thì không thể gây dựng niềm tin vững chãi, sự tinh tấn thực hành và kiên định với lối sống giải thoát, đồng thời sẽ rất khó để lãnh hội, diễn đạt lại lời Phật dạy, kinh nghiệm của chư Tổ các đời để lại.

Phật giáo dù đi vào xứ sở nào cũng đều giữ sự khiêm tốn, hội nhập văn hóa bản địa và làm phong phú thêm về nội dung cho nền văn hóa ấy một cách hòa bình - Ảnh minh họa từ internet

Với mạng xã hội hiện nay, nhiều Tăng Ni đã sử dụng phương tiện truyền thông này để thuyết giảng nhưng nặng về sự phô diễn kiến thức, thiếu chất liệu thực nghiệm. Cá biệt vài trường hợp vì cố gắng tạo “nét riêng”, đã phê phán, chỉ trích các pháp môn, truyền thống, thậm chí đả phá các tôn giáo khác, tạo nên những mâu thuẫn không đáng có.

Đó là hiện tượng xa rời lời Phật dạy qua giáo lý duyên sinh, tinh thần cởi mở không phủ nhận giá trị khác ngoài mình và sự tôn trọng đối thoại để cảm thông, hiểu biết.

Việc lạm dụng các vấn đề thế tục, lụy thị hiếu, thậm chí sa đà vào những nội dung xu thời… cũng là vấn đề đáng quan tâm, cần có sự điều chỉnh trong việc thuyết giảng ở các đạo tràng hiện nay.

Đối với các pháp môn, truyền thống các tôn giáo, nếu thiếu sự dấn thân thực hành, sống hết mình trong các pháp môn và truyền thống đó thì sẽ rất khó để có kinh nghiệm, hiểu biết tường tận. Chính vì vậy, nếu không thận trọng và tỉnh giác, các sự phê phán từ bên ngoài, thuần lý, sẽ dễ rơi vào cực đoan - điều mà Đức Phật dạy người Phật tử nên tránh xa.

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Phật giáo dù đi vào xứ sở nào cũng đều giữ sự khiêm tốn, hội nhập văn hóa bản địa và làm phong phú thêm về nội dung cho nền văn hóa ấy một cách hòa bình. 

Chính vì thế, qua hai ngàn năm vận động và phát triển, Phật giáo tại Việt Nam đã có sự tiếp biến và hình thành nên nhiều tầng tư tưởng, hoàn thiện từ tín ngưỡng cho tới triết lý và pháp hành, có sự đa dạng và phong phú trong tinh thần phương tiện nhưng đồng nguyên đặc tính của Phật giáo.

Trong Tiểu bộ kinh, Đức Phật dạy rằng “Do cái này có mặt, cái kia có mặt; do cái này không có mặt, cái kia không có mặt; do cái này sinh, cái kia sinh; do cái này diệt, cái kia diệt”... Nếu phê phán, phủ nhận duy lý thiếu cơ sở kinh điển, bỏ qua yếu tố lịch sử và chất liệu thực hành thì sẽ dễ rơi vào sai lầm, gây ngộ nhận cho người khác, tạo ra sự hỗn loạn và việc điều chỉnh cũng không hề dễ dàng.

Không có kinh nghiệm thực hành sẽ không có tôn giáo. Do đó, nếu không có quá trình học và tu thì không thể gây dựng niềm tin vững chãi, sự tinh tấn thực hành và kiên định với lối sống giải thoát, đồng thời sẽ rất khó để lãnh hội, diễn đạt lại lời Phật dạy, kinh nghiệm của chư Tổ các đời để lại.

Thuyết giảng không chỉ cần lợi khẩu, phô diễn kiến thức hay nói theo cảm xúc, mà phải có chất liệu của sự thật tu thật học. Chính điều đó sẽ làm cho vị giảng sư có lối suy nghĩ, ngôn ngữ và hành vi chuyển tải được chất liệu Phật pháp mỗi khi đăng tòa nói pháp bảo đảm tính kế thừa, đem lại lợi lạc cho số đông.

Đó là những lưu ý đã từng được Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng nhắc nhở trước đây, trước hiện tượng không phù hợp trong khi thuyết giảng của một vài vị giảng sư. 

 Thích Pháp Hỷ

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin